Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 13, 2011

TRƯƠNG CÔNG HỐT - BA LÒNG: KHE TRÂU, TRẤM VÀ KHE HUYỆN (1948-1953) - Hồi ký


Chiến khu Ba Lòng ngày nay ( Ảnh SGGP)




Nói đến chiến khu Ba Lòng, không thể nói đến Khe Trâu, Trấm và Khe Huyện. Đó là địa danh của 3 căn cứ kháng chiến nhỏ, xem như là ngoại ô của Ba Lòng.

Ở Trấm, trên bờ sông Thạch Hản, có đồn Công an kháng chiến, án ngữ đường thủy lên Ba Lòng. Ở đây có một vạn đò, dân nôốc, sống bằng nghề chài lưới và buôn bán nhỏ, cá nguồn thì nhiều và to.

Các đò thuyền ban ngày cũng luôn luôn cảnh giác máy bay giặc, khi cần thì ẩn dưới lùm cây cổ thụ nghiêng mình xuống mặt nước sông. Chung quanh đồn Công an, có một số đông đồng bào, đủ thành phần, phần nhiều từ thị xã Quảng Trị tản cư lên đây làm ăn từ ngày giặc Pháp chiếm thị xã, họ sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy và buôn bán.

Hàng hóa ở đây cũng khá phong phú. Giữa ta với địch, ranh giới chính thì rạch ròi thế đấy ( kẻ đi xâm lược với người chống xâm lược) nhưng về kinh tế, đặc biệt là kinh tế hàng hóa, thì vẫn có sự trao đổi, do những đường dây buôn lậu thuốc tân dược, sữa, ny lông, giấy pơ luya, giấy than v.v … và tất nhiên đã động đến việc ngăn chặn, mà chủ yếu là chuyên về chống gián điệp, biệt kích.

Từ bến đò Trấm, hằng ngày đến chiều tối, là có ba bốn chiếc đò chở khách và hàng hóa lên bến Ba Lòng, rồi lại trở về cho kịp sáng để tránh máy bay. Những chuyến đò ngược gặp những chuyến đò xuôi Ba Lòng- Trấm, trong đêm tối thăm thẳm, trên làn sóng nước đen ngòm của đoạn sông độc đạo khoảng 15 km, vẫn vang lên man mác giữa núi rừng những câu hò mái nhì êm ái, với nội dung nhớ làng mạc, nhớ người thân, căm giận quân thù. Đôi lúc cùng vang lên câu hát “Hồng hà mênh mông trôi nước về xuôi …” của một anh bộ đội nào đó ngồi ở đằng lái của một chiếc đò đi ngược.

Hai chuyện đau lòng đã xảy ra ở Trấm. 

Khoảng năm 1950 – 1951, một anh dân quân ở dân quân ở đồng bằng (vùng ven biển), lên có việc ở Trấm. Trưa nóng, anh xuống sông tắm, hai bờ sông chỉ cách nhau khoảng 40 mét, vốn là tay bơi giỏi, anh sải tay bơi qua bơi lại như lướt hai ba vòng, nhưng đến vòng thứ tư, thì người ta chỉ thấy cái đầu của anh và hai tay giơ lên ngoắt vẫy vẫy kêu cứu, hình như có ai đấy dưới nước kéo anh xuống. Vạn đò cả hai bên bờ, nhưng dân thuyền chài có tục lệ chỉ vớt người chết chìm chứ không vớt người chưa chết. Vì vậy, cuối cùng, anh dân quân dần dần chìm xuống, và một lúc sau thuyền chài mới đem lưới ra kéo xác anh lên. Hồi ấy người ta đồn rằng, ở dưới nước sông Ba Lòng có con ngồng thường hay quấn (vì mình nó dài) chặt bất kỳ con vật nào nó gặp, lắm khi voi bơi qua sông cũng bị chết vì bị ngồng quấn chặt lấy bốn chân. Mãi về sau, tôi mới hiểu và có thể giải thích hiện tượng ấy như sau: ở những đoạn sông thượng nguồn, dưới lòng sông thường có những ghềnh đá hóc hiểm, do vị trí và hình dạng của chúng, nước sông ở chỗ ấy chảy thành những vòng xoáy tạo nên những lực kéo xuống, do đó nếu bơi lội gặp vòng xoáy thì tất nhiên bị tai nạn, nhưng đối với thuyền có hình dài và rộng, gặp những chỗ nước xoáy, với những tay lái vững vàng vẫn có thể điều khiển cho thuyền bè không bị xoáy tròn và tiến lên được, tuy có khó khăn.

Lại thêm một chuyện nữa làm đồng bào cả khu vực Trấm xúc động. Ông Năm (một đồng bào người khu 5) hôm ấy dẫn 2 con trâu vào rừng làm rẫy, đi được một quãng, 2 con trâu ngước sừng lên, rồi chạy thụt lùi. Ông tức giận cứ thúc trâu đi tới, thì một con cọp nhảy chồm ra, tát mạnh vào đầu ông Năm, ông cũng kịp đánh vào con cọp một nhát rựa, con cọp hét đánh một tiếng rồi lẫn vào rừng, lúc này ông Năm còn tỉnh quay lưng trở về nhà, mà vẫn chưa tự biết rằng vuốt cọp đã bứng hết cả một mảng háng của mình, kể cả đôi mắt. Ông trở về nhà theo quán tính, nằm xuống gọi đứa con trai đến (mới 15 tuổi). Cơn đau nhức nhối ghê rợn đã đến với ông, y tá đã đến băng bó, nhưng làm gì mà chữa được vết thương độc hại của móng vuốt cọp, và tối hôm ấy ông Năm đã chết.

Vùng Trấm, vùng rừng cỏ tranh có lắm cọp, ở đây có một lão thiện xạ bắn thú rừng, có lần ông làm một chòi cao và cho treo một tảng thị trâu lớn, rồi ông ngồi trên chòi, súng 2 nòng cầm tay chờ đợi, một con cọp lớn thấy mồi chạy đến, lập tức tiếng súng nổ, chỉ một phát đầu cọp, nó chết ngay và nằm dài như con ngựa lớn. Chú Trương Công Chương đã đến tận nơi và kể lại.

Khe Trâu chỉ cách Trấm khoảng 4 km, đi đường rừng chỉ độ 40 phút là đến nơi. Năm 1950, tôi được phân công về công tác ở Khe Trâu trong ban phản gián do anh Trương Công Huỳnh làm thủ trưởng. Cũng vài tháng sau, cả cơ quan Ty Công an cũng dời về đây. Vì sao không ở Ba lòng mà về Khe Trâu? Gần vùng địch hơn? Cơ quan Uỷ ban kháng chiến tỉnh cũng dời về đây. Âý vì: hồi ấy có khẩu hiệu từ trên xuống “tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công”, cán bộ lãnh đạo cũng như quân dân địa phương, nhận thức một chiều khẩu hiệu ấy. Do nôn nóng, và trước một số thắng lợi chống càn hoặc diệt địch, người ta chưa nghĩ sâu, nghe đến mấy chữ “chuẩn bị tổng phản công”, thì nghĩ rằng thời cơ tổng phản công đã đến rồi, quên mất vế đầu của khẩu hiệu “tích cực cầm cự”, mà đã tích cực cầm cự, thì đã thực sự cầm cự thắng lợi triệt để chưa? Do đó sinh ra chủ quan thỏa mãn. Một phần lớn cơ quan đầu não tỉnh, huyện dồn về những vùng tuy cũng là rừng núi (ví dụ: Khe Trâu, Khe Huyện, chỉ sau vài phút là máy bay Pháp ở sân bay thị xã có thể bay đến nơi …) để nắm được nhanh chóng tình hình địch, và trong chốc lát có thể tràn vào hang ổ địch …
Riêng về phía Ty Công an, cho một số anh em xây dựng một hội trường lớn ven bờ sông, có thể chưa trên 50 người họp. Cơ quan làm việc của tôi cũng lộ thiên gần đấy, có làm nhà bí mật ở trong rừng, nhưng làm việc ở ngoài này cho thoáng đảng hơn.

Phiá hữu ngạn sông, các dãy nhà của cơ quan Uỷ ban Kháng chiến tỉnh cũng lồ lộ thanh thiên bạch nhật.

Về phần tôi lúc ấy, trong thâm tâm vẫn có suy nghĩ, nếu máy bay Pháp lên oanh tạc, thì mình sẽ xử như thế nào? Chạy vào rừng ư? Được, nhưng rừng còn cách xa trên 30 mét, có kịp chăng? Tôi bàn xuống bờ sông (chỉ cách nơi làm việc 4m), phát hiện ra một hang hốc khá lớn và khá kín đáo nhờ lau sậy mọc trùm lên um tùm, thế là yên trí.

Quả thực, chỉ sau vài tháng yên ổn, một buổi chiều khoảng 14 giờ, nghe tiếng máy bay, tôi chạy ra sân thấy chiếc bà già trinh sát, đang bay tới và nghiêng cánh, đảo vòng, rồi lập tức 2 máy bay khu trục lao tới. Tôi cùng 4 anh em khác, kể cả O Lư cấp dưỡng nấu ăn, chạy xuống ẩn nấp vào cái hang hốc của bờ sông nói trên. Bom địch nỗ ì ầm, và đạn liên thanh từ máy bay rải xuống dày đặc như mưa phía đằng trên bờ sông khói tỏa mù mịt. Kiễm (đồng nghiệp) hốt hoảng, định chạy ra khỏi hang ẩn, tôi kéo giằng lại, qua màn lùm lau lách, ngẩng lên nhìn cơ quan mình đang bốc cháy ngùn ngụt.

Thường thường trong giờ làm việc, hồ sơ chúng tôi không để trong nhà, mà để ngoài trời và che đậy, nên lúc chạy trốn, chúng tôi rất kịp thời mang tài liệu cầm tay và máy chữ theo, nên nếu có cháy, thì chỉ cháy xác nhà thôi. Nhưng lần này, sực nhớ lại còn quên cái hòm đựng 10 quả đạn mocta (đạn moctiê nhỏ). Do đó, cơ quan cháy một lúc, thì những quả đạn bỏ sót kia nổ đùng đùng, chiếc khu trục của địch hai ba lần chúc xuống, trút đạn liên thanh thêm vào.

Nhưng chỉ sau nửa giờ, máy bay địch rồi cũng rút đi, chắc chắn bọn chúng nghĩ rằng đã hoàn thành phi vụ tiêu diệt căn cứ Việt minh. Chúng tôi ra khỏi nơi ẩn núp, nhảy lên bờ.
Qủa thật, tất cả các nhà cửa, hội trường, nơi làm việc đều cháy trụi, một em bé 7 tuổi con của một đồng bào bị bom vùi lấp, nhưng cứu kịp. Còn ngoài ra không ai hề hấn gì, mặc dù hôm ấy, ở hội trường lớn có cuộc họp do Uỷ ban Kháng chiến tỉnh triệu tập, tất cả tản kịp vào rừng.

Tối hôm ấy, anh em cán bộ nhân viên công an ăn cơm với bí ngô bị lửa đốt cháy, mà ban quản lý cơ quan đã mua và tích lủy trên 30 quả.

Rồi vài ngày sau “đón tiếp” đến trận càn lớn của hải lục không quân địch vào chiến khu Ba Lòng (năm 1950).

(Viết xong tháng 8/1987).
TRƯƠNG CÔNG HỐT


READ MORE - TRƯƠNG CÔNG HỐT - BA LÒNG: KHE TRÂU, TRẤM VÀ KHE HUYỆN (1948-1953) - Hồi ký