Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 13, 2012

QUẢNG TRỊ VÀ TÔI - Bút ký Nguyễn Nguyên An

 Nguyễn Nguyên An


Từ Huế, tôi đạp xe ra Quảng Trị, dắt xe vào xóm trưa vắng vẻ. Mặt trời đã ở đỉnh cao, giội sức nóng xuống vùng cây lá lơ thơ. Cây vườn hồi sinh mười mấy năm trở lại đây chưa kịp tròn bóng mát. Tôi xa Quảng Trị năm mười một tuổi, về thăm khi đã gần năm mươi. Thời gian chưa đủ bãi bể hoá nương dâu, nhưng sức tàn phá của chiến tranh, biến cái xóm nhỏ của tôi thành xa lạ, đến đất đai cũng chẳng còn chút thân quen. Tôi trôi vào tâm trạng buồn bã, lạc lõng ngay nơi chốn mình đã sinh ra.

Dòng hồi tuởng như chảy từ cổ tích, hiện trong tôi chấp chới những người thân quen, có người thành thiên cổ. Bác Đỗ Sung - cha Thạch - bạn tôi. Tính bác khoan hoà, nhân ái. Những lần tôi hoang nghịch, ba tôi bắt nằm xuống đất, trót roi mây vào đít là bác đứng ra xin hộ cho tôi:

Anh xin chú, cho cháu mắc nợ lần này, lần sau đánh gấp đôi - Bác nhìn tôi nháy mắt - Đứng lên xin lỗi ba rồi đi rửa mặt, nhanh!

Tôi khoanh tay xin lỗi ba tôi. Cám ơn bác. Sau đó thút thít đi trong nhuề nhoà nước mắt, xuống bếp. Tai tôi vẫn nghe ba tôi dằn tức bực, phân bua với bác Sung:

- Anh coi, đêm mô nó cũng trốn ra rạp Đại Chúng coi cọp xi-nê cao bồi, xi-nê thần thoại Ấn Độ, rồi bắt chước cao bồi quăng dây vào con người ta đang ngồi sau yên xe đạp và chạy theo giựt dây như phi ngựa, bố thằng bé không hay biết vẫn đạp nhanh, dây trặt thằng con ông ta té oạch giữa đường. May tôi thấy chớ không ba thằng bé đánh nó chết rồi. Tôi không đánh nó có ngày người ta đánh nó toi mạng.

Bác Sung ngồi nghe, ve vuốt ba tôi ít câu rồi về nhà.

Gần đầu xóm Heo, nơi tiếp giáp đường Quang Trung thuộc phường Đệ Nhị, có ông Tẩu. Ông già lụ khụ rồi mà còn làm cái nghề tôi cho là gớm ghiếc, nhưng luôn gợi tính hiếu ký lũ trẻ chúng tôi. Ông nuôi nhiều đĩa trâu trong ống tre, giam dói hàng tháng. Ai bị nhọt đều đến nhờ ông lấy máu độc ra. Ông chúc đầu ống tre xuống nơi nhọt sưng tấy, con đỉa đói hút căng phồng bụng máu, ông rứt đỉa ra, thả nhúm muối lên các cái thân nhớt lầy đen láng ấy, con đỉa quằn quại phun máu ra, chờ đỉa xép ve, ông lại cho đỉa vào ống tre cất giữ, dùng lần sau. Ông thường đuổi, doạ chúng tôi, chúng tôi tò mò không chịu đi, thỉnh thoảng ông bắt đựơc một đứa, giả vờ cho đỉa hút máu...thằng cu vùng ra được, mặt tái lét chạy te, vừa chạy vừa khóc hu...hu...về nhà. Lũ chúng tôi đứa nào cũng sợ ông Tẩu, nhưng lại thích lân la đến gần cái thân cọm rọm, hôi hôi của ông vì ông có nhòêu ngón nghề đễ sợ mà lạ đời luôn hấp dẫn đầu óc non trẻ chúng tôi.

Còn bác Mót cạnh nhà bác Sung dễ nực cười bởi tưóng người phốp pháp, da thịt mát mẻ, béo tròn hin một cục. Nhà bác làm nghề mổ lợn. tính vác xuề xoà, luôn vui tươi; trên khuôn mặt nần nẫn thịt của bác không hề bợn chút phiền toái. Bác Mót vô tư, tự nhiên như cây cỏ, buổi sáng bác chạy xuống hói đi đồng, khi nào bác cũng đợi Tào Tháo đuổi mới chịu lạch bạch chạy...và thả lại trong tai bọn chúng tôi một tràng...chúng tôi đỏ mặt nhìn nhau cười rúc rích.

Tôi đang lẩn thẩn chìm trong dĩ vảng giữa ngày trưa đầy nắng. Gặp anh trung niên dong dỏng cao đi tới, tôi dón và hỏi thăm nhà bạn bè. Anh nhiệt tình cho biết người còn, nguời mất, người đi xa, nguời ở gần, nhưng không còn ai ở xóm Heo náy cả. Anh mới ở sau chia tỉnh, nhưng anh biết những người bạn cũ của tôi vì cũng là bạn anh thời học trường Nguyễn Hoàng gần bến xe. Anh nói:

- Tụi nó ở ngoài Đông Hà ơ. Thạch đóng thùng ô tô, làm nước đá. Quang nhà thơ bán cháo bột, anh ra hỏi anh em trên phường Năm ai cũng biết.

Từ giả anh tôi ra Đông Hà. Lủi thủi một mình tìm bến sông xưa sang sông Thạch Hãn. Nơi mẹ tôi tắm tắp những ngày hạ, cùng bạn gái trang lứa mười bảy, mưới tám tuổi vẫn tắm truồng, bởi thời ấy thế hệ mẹ ngây thơ trong sáng, không biết tụi tây đóng đồn gần đó, tranh nhau bắt ống nhòm, nhòm...Và cũng là nơi tôi ngụp lặn thoả thích trong lòng nước mát, quên những cơn gió Lào bỏng rộp rôm sảy trên da. Bến tắm nhiều đá cuội và nước trong veo. Dòng sông chảy dịu dàng mát ngọt vào đời tôi. Sau này tôi hụp lặn bất cứ dòng sông nào, tôi cũng nhớ dòng sông Thạch Hãn, một nỗi nhớ như nhớ bà mẹ quê hương, luôn trào dâng niềm nuối tiếc ngậm ngùi...Tôi đứng bần thần trên bến sông xưa, nay cũng mất sạch dấu vết, chỉ còn bến đò ngang, một chiếc đò rời rạc đưa khách sang sông. Sát bến đò là khu chợ Quảng Trị. Khu chợ sang trọng này xây dựng từ đổ nát điêu linh, trổi mình nghiêng bóng lung linh bên dòng Thạch Hãn, phác một nét hoành tráng ven sông, hợp với tính cách ngoan cuờng và cần cù của người Quảng Trị. Dắt xe xuống đò, tôi thả hồn theo từng mái chèo khoan nhặt của bác lái đò, đò chưa cặp bến Nhan Biều mà lòng tôi đã chạm vào kỷ niệm...Dải biền bên kia sông thuở xưa ngun ngút rừng bắp, bây giờ mơn mởn rau, đậu, cải...Dọc biền này hàng năm đuợc những cơn lụt tô bồi phù sa, mảnh đất đa dạng sinh thái phồn tạp, thổ nhưỡng màu mỡ, rất tốt cho các loại hoa màu và cả dựng vườn cây trái lâu niên. Hồi đó tôi và em trai kế tôi cùng lũ bạn xóm bơi qua Nhan Biều bắt dế và bẻ trộm bắp non, bị mấy thằng chăn trâu bên đó rượt đuổi. Khi bơi về, em tôi bị chuột rút chìm nghỉm chỗ sâu, tôi lặn theo cứu em nhưng bị uống nước, ngộp thở đành trồi lên la: "cứu...cứu em tôi với...". Một anh thanh niên đang tắm sông đã cứu em tôi, vác em tôi chúc nguợc đầu xuống đất chạy quanh cho nước ộc ra và sau đó làm hô hấp nhân tạo. Em tôi thoát chết đuối. Tôi bị bầm mông vì trận đòn của ba tôi! Cho tới bây giờ tôi chưa gặp lại anh ấy. Nhưng tôi mang ơn cứu tử của anh, người con Quảng Trị. Anh ơi, bây giờ anh ở đâu? Anh cho tôi gửi đến anh lời cảm tạ chân thành vang vọng từ đáy lòng tôi giữa chốn mênh mông sông nứơc này.

Trước đây mỗi khi tôi ngang qua Đông Hà, tôi có cảm giác thị xã đầy bụi và nắng; khu chợ lấp thấp vạt tôn gỉ, ngoi lên, tụt xuống không lớp lang thứ tự bên sông Hiếu. Nay, chợ Đông Hà mới xây bề thế tầng cao, người người nhộn nhịp trong cảnh sầm uất. Và, Đông Hà bừng lên trong không khí xây dựng, nhà nhà lộng lẫy. Đông Hà cũng từng tang thương, sập nát dưới mưa bom, bão đạn, hằng năm còn trần thân, với khô khát, bão lụt khắc nghiệt của thiên nhiên. Người Quảng Trị đã và đang chung lưng đấu cật, cung chia gian nan, khổ hạnh dựng lên trên mảnh đất này một thành trì của nhân cách của lòng dũng cãm và sự chịu đựng trường kỳ, dẳng dói một cách đáng nể, để hôm nay có một thị xã trẻ trung với vóc dáng hiện đại, đầy sức sống, phồn thịnh và chan chứa tình người. Cây xanh trên các ngã đường đang ngấp nghé xanh, mai đây sẵn sàng xoè tán mát cho người. Thị xã đầy bụi và nắng sẽ theo chuyến tàu quá khứ chạy chìm vào quên lãng.

Tôi tìm nhà các bạn tôi không mấy khó. Các bạn ngần này tuổi đầu ai cũng có chút danh thơm loang trong thiên hạ. Thạch cẩn trọng đăm chiêu. Quang dận dày bão tố, khuôn mặt sần sùi của Quang nói lên một quãng đời khổ ải. Ba đứa chúng tôi quây quần chuyện vãn suốt buổi. Nhắc cho nhau biết những nhau biết những đứa đang ở rải rác các tỉnh. Thành phố miền Trung như Nguyễn Thái Sơn bán cà phê ở quán Thiên Đàng Huế. Phạm Đình Quát nhà báo, bác sĩ Nguyễn Thái Viện dịch tễ Buôn Ma thuột... đều sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Đến nay đứa nào cũng có sản nghiệp khấm khá, chỉ tôi và Quang còn xất bất chuyện cơm áo. Khi chưa gặp nhau, tôi tưởng chúng tôi sẽ ùa vào nhau nói năng sỗ sã cho thoả lòng bao năm xa cách. Nhưng khoảng cách gần bốn mươi năm gặp lại kìm chúng tôi giữ gìn ý tứ với nhau. Ai cũng lớn cả rồi, đâu dám buông tuồng suồng sã như thuở thiếu thời. Tôi ăn ở nhà bạn nào cũng dược nhưng ở lại với ai thật là khó xử. Ở Quang buồn Thạch. Ở Thạch sợ mang tiếng chê Quang nghèo.Thôi thì rũ Quang ngủ chung với tôi ở nhà Thạch. Đêm ấy, khi chui mùng lên đi văng ngủ, tôi định chiếm chỗ ở sát tường, giành cho tôi một góc tự do, ai dè Quang cũng ngại nằm giữa, đã giành chỗ sát tường. Thuở nhỏ, chúng tôi ôm nhau ngủ qua đêm là thường. Đây có phải thái độ tôn trọng nhau hay không? Tôi nhăn nhó nói với Quang :'' Ông cho tôi nằm trong đi ''.Quang cười hê... hê... ''Mình cũng thích nằm trong vì hay gác lắm, có gì gác vào tường ''. Đêm ấy, tôi không ngủ được. Xoay qua bên nào cũng ngại làm phiền bạn. Quang, Thạch cũng nằm thẳng tắp, im re, hai bạn cũng không ngủ được? Thì ra, con người càng lớn càng dè dặt nhiều điều. Năm tháng chồng chất, dạy người ta thận trọng trong quan hệ, đối đãi với nhau chừng mực và lễ nghĩa hơn.

Tạm biệt Quảng Trị, quê hương thơ ấu của tôi, nơi đã sinh ra tôi lớn dậy làm người. Tạm biệt bạn bè quấn quýt một thuở, giờ này vẫn còn lưu luyến, thương nhau đến bạc đầu. Tôi đạp xe vào Huế lòng hân hoan...

N.N.A

Địa chỉ liên lạc: NGUYỄN VĂN VINH (NNA) -
 50 Trần Thái Tông, Huế -
Tel: 01688971486
nguyenan009@gmail.com

READ MORE - QUẢNG TRỊ VÀ TÔI - Bút ký Nguyễn Nguyên An

ÔNG HƯƠNG TỪ THIỆN - Lê Đức Việt

Hơn 31 năm làm chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ thôn, bằng tấm lòng nhân ái và bầu nhiệt tâm, ông đã mang đến niềm vui cho rất nhiều gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh. Đã 68 tuổi nhưng dường như bước chân của ông vẫn chưa dừng lại...


Ông Hương và hai đứa cháu 

Về thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), hỏi ông Võ Đình Hương “Chữ thập đỏ”, một người dân sốt sắng chỉ giúp: “Chú đi thẳng, qua trường THCS một quãng nữa là tới. Ở đây ai cũng quý ông Hương, ông ấy tốt và uy tín với dân làng tôi lắm”.

Căn nhà nhỏ của ông Hương nằm giữa một khu vườn rộng, trước sân nhà, những cây mai nở muộn ươm một màu vàng rực. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền, ông Hương bảo nếu tôi đến chậm thì có lẽ giờ này ông đã đi công chuyện. Hỏi ra mới biết, ngoài việc đang giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thi Ông thì ông còn là một thú y viên được bà con tín nhiệm.
Bên chén trà nóng, người đàn ông tóc đã hoa râm với dáng người quắc thước chậm rãi kể chuyện đời mình. Sinh năm 1944, từ nhỏ dù nghèo nhưng ông được gia đình cho theo học tử tế, và ông đặc biệt thông minh, học giỏi có tiếng thời bấy giờ. Năm nào ông cũng là học sinh giỏi toàn diện.

Những năm học ở Trường Nguyễn Hoàng ông là một trong những học trò xuất sắc của trường. Kỳ thi đại học năm 1971, ông xuất sắc đỗ cùng lúc hai trường đại học là Đại học Sư phạm, ngành Toán và Đại học Luật khoa Huế với số điểm cao. Ông quyết định học cả hai trường.

Năm 1974, ông tốt nghiệp loại ưu của Trường Đại học sư phạm Huế, còn Trường Đại học Luật khoa ông chỉ mới học đến năm 3 thì đất nước giải phóng nên ngừng học, chỉ được cấp chứng chỉ. Từ năm 1975 đến năm 1977, ông được phân về dạy môn Toán tại một số trường THCS ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.

Sau đó, vì nhiều lý do nên ông xin nghỉ dạy học về quê ở thôn Thi Ông sinh sống, lập gia đình. Sau khi về quê ông làm ruộng, chăn nuôi để nuôi gia đình. Nhờ có vốn kiến thức rộng lại chịu khó ông làm ăn rất hiệu quả và trở thành một nông dân tiêu biểu.

Năm 1979, ông vinh dự được cử đi dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bình Trị Thiên. Cùng thời gian này ông được tín nhiệm bầu vào làm ở bộ phận định mức của HTX Hải Vĩnh. Một thời gian sau, ông lại được bầu làm thêm chức Trại trưởng Trại giống chăn nuôi của xã Hải Vĩnh.

“Hồi đó trại giống xã Hải Vĩnh cùng với trại giống xã Triệu Thuận là hai trại giống lớn nhất tỉnh Bình Trị Thiên đấy. Trại giống xã tôi chuyên sản xuất lợn giống Móng Cái, cung ứng cho toàn tỉnh Bình Trị Thiên...”, ông Hương kể.

Lúc làm trại giống ông còn được cử đi học kế toán rồi kỹ thuật chế biến thức ăn chăn nuôi, công tác thú y do huyện Triệu Hải tổ chức. Làm trại giống một thời gian thì Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thi Ông thành lập, ông lại tự nguyện xin vào làm chi hội trưởng. Năm ấy ông 37 tuổi.

“Tuy làm nhiều việc nhưng tôi đều cố gắng sắp xếp để hoàn thành. Và công việc mà tôi chuyên tâm và dành nhiều thời gian nhất có lẽ là làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Tôi muốn dành sức lực còn lại cho công việc này, bởi người nghèo rất cần được sẻ chia, giúp đỡ. Họ cũng là bà con làng xóm, như là người thân của mình vậy...”, ông tâm sự.

Trong hơn 31 năm làm công tác từ thiện xã hội, ông không nhớ mình đã giúp đỡ được bao nhiêu người nghèo khó, bởi “làm từ thiện thì biết chừng nào cho đủ, ráng giúp được người ta bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Có lúc mình còn phải tự bỏ tiền túi ra giúp thêm, vì nhiều gia đình có hoàn cảnh tội nghiệp lắm”.

Như gia đình bà Võ Thị Quý, năm nay đã sắp bước sang tuổi 80 mà vẫn đơn thân nuôi người con tâm thần hàng chục năm. Hai mẹ con bà sống trong căn nhà nhỏ với mái ngói rệu rã, tài sản chẳng có gì đáng giá. Bà Quý lúc khoẻ còn đi mót lúa, làm thuê nhưng từ ngày đau yếu thì chẳng làm được gì.

Cám cảnh trước hoàn cảnh này, ông Hương đã vận động những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ thường xuyên cho gia đình bà mỗi tháng từ 200- 300 nghìn đồng để sinh sống qua ngày. Vừa rồi, ông Hương cùng với hội viên chữ thập đỏ thôn cũng đã trực tiếp lợp lại mái ngói, làm thêm tầng cấp trước hiên nhà rồi tặng quà cho gia đình bà Quý đón tết.

Hay như bà Bùi Thị Gấm ở đội 5, thôn Thi Ông sống một mình trong căn nhà được thưng bằng phên tre, bạt ni lông tạm bợ lại đau ốm triền miên. Tuy có 2 con gái nhưng do nghèo quá nên cũng bỏ xứ đi làm ăn rồi lấy chồng xa, chẳng đỡ đần bà được gì. Trước hoàn cảnh đó, vào năm 2004, ông Hương kêu gọi người dân trong thôn quyên góp được 600 nghìn đồng, riêng cá nhân ông vận động bạn bè thêm 200 nghìn đồng giúp đỡ bà Gấm.

Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn trường hợp được ông và Chi Hội Chữ thập đỏ thôn giúp đỡ. “Ngoài giúp đỡ tiền, anh em chúng tôi còn sữa chữa nhà, thường xuyên tặng quà, thăm hỏi những gia đình này, bởi họ gần như không còn khả năng lao động, hoàn cảnh lại quá bi đát. Trong hoạt động của mình, chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho những mảnh đời như vậy”, ông Hương nói thêm.

Hiện toàn thôn Thi Ông có khoảng 45 hộ cần sự giúp đỡ, trong đó cần giúp đỡ thường xuyên là 12 hộ. Đó là những hộ nghèo, neo đơn, người tàn tật, người nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn... Ngoài những gia đình này, Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thi Ông còn thường xuyên tham gia cứu trợ bão lũ, thăm hỏi những trường hợp tai nạn, ốm đau.

Với lòng nhiệt tình và những bước chân không mệt mỏi của mình, ông Hương đã mang đến niềm vui, sự an ủi cho rất nhiều mảnh đời kém may mắn. Những đóng góp thầm lặng và ý nghĩa ấy của ông đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện và các ban, ngành nhiều lần tặng kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen như một sự ghi nhận đầy trân trọng.

Lúc chia tay, tôi hỏi, hồi ấy bác học cao như vậy sao không đi dạy học hay làm việc gì đó nhàn nhã hơn mà về quê làm ruộng, chăn nuôi, làm từ thiện? Ông Hương lặng im trong chốc lát rồi tâm sự: “Làm gì không quan trọng, miễn sao thấy lòng thanh thản và tìm được niềm vui. Đã chừng này tuổi nhưng chưa bao giờ tôi thấy hối hận vì quyết định của mình, bây giờ tôi chỉ mong có sức khoẻ tốt để tiếp tục công việc đang làm. Thế là vui và hạnh phúc rồi”.


Lê Đức Việt 
Theo Báo Quảng Trị
(Võ Văn Hoa chuyển đăng)
READ MORE - ÔNG HƯƠNG TỪ THIỆN - Lê Đức Việt