Hơn 31 năm làm chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ thôn, bằng tấm lòng nhân ái và bầu nhiệt tâm, ông đã mang đến niềm vui cho rất nhiều gia đình có hoàn cảnh
nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh. Đã 68 tuổi nhưng dường như bước chân của ông vẫn chưa dừng lại...
Về thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng
Trị), hỏi ông Võ Đình Hương “Chữ thập đỏ”, một
người dân sốt sắng chỉ giúp: “Chú đi thẳng, qua
trường THCS một quãng nữa là tới. Ở đây ai cũng quý
ông Hương, ông ấy tốt và uy tín với dân làng tôi lắm”.
Căn nhà nhỏ của ông Hương nằm giữa một khu
vườn rộng, trước sân nhà, những cây mai nở muộn ươm
một màu vàng rực. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền,
ông Hương bảo nếu tôi đến chậm thì có lẽ giờ này
ông đã đi công chuyện. Hỏi ra mới biết, ngoài việc
đang giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ
thôn Thi Ông thì ông còn là một thú y viên được bà con
tín nhiệm.
Bên chén trà nóng, người đàn ông tóc đã hoa râm với
dáng người quắc thước chậm rãi kể chuyện đời mình.
Sinh năm 1944, từ nhỏ dù nghèo nhưng ông được gia đình
cho theo học tử tế, và ông đặc biệt thông minh, học
giỏi có tiếng thời bấy giờ. Năm nào ông cũng là học
sinh giỏi toàn diện.
Những năm học ở Trường
Nguyễn Hoàng ông là một trong những học trò xuất sắc
của trường. Kỳ thi đại học năm 1971, ông xuất sắc
đỗ cùng lúc hai trường đại học là Đại học Sư
phạm, ngành Toán và Đại học Luật khoa Huế với số
điểm cao. Ông quyết định học cả hai trường.
Năm
1974, ông tốt nghiệp loại ưu của Trường Đại học sư
phạm Huế, còn Trường Đại học Luật khoa ông chỉ mới
học đến năm 3 thì đất nước giải phóng nên ngừng
học, chỉ được cấp chứng chỉ. Từ năm 1975 đến năm
1977, ông được phân về dạy môn Toán tại một số
trường THCS ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.
Sau đó, vì nhiều lý do nên ông xin nghỉ dạy học
về quê ở thôn Thi Ông sinh sống, lập gia đình. Sau khi
về quê ông làm ruộng, chăn nuôi để nuôi gia đình. Nhờ
có vốn kiến thức rộng lại chịu khó ông làm ăn rất
hiệu quả và trở thành một nông dân tiêu biểu.
Năm
1979, ông vinh dự được cử đi dự hội nghị nông dân
sản xuất giỏi của tỉnh Bình Trị Thiên. Cùng thời
gian này ông được tín nhiệm bầu vào làm ở bộ phận
định mức của HTX Hải Vĩnh. Một thời gian sau, ông lại
được bầu làm thêm chức Trại trưởng Trại giống chăn
nuôi của xã Hải Vĩnh.
“Hồi đó trại giống xã
Hải Vĩnh cùng với trại giống xã Triệu Thuận là hai
trại giống lớn nhất tỉnh Bình Trị Thiên đấy. Trại
giống xã tôi chuyên sản xuất lợn giống Móng Cái, cung
ứng cho toàn tỉnh Bình Trị Thiên...”, ông Hương kể.
Lúc làm trại giống ông còn được cử đi học kế
toán rồi kỹ thuật chế biến thức ăn chăn nuôi, công
tác thú y do huyện Triệu Hải tổ chức. Làm trại giống
một thời gian thì Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thi Ông
thành lập, ông lại tự nguyện xin vào làm chi hội
trưởng. Năm ấy ông 37 tuổi.
“Tuy làm nhiều việc
nhưng tôi đều cố gắng sắp xếp để hoàn thành. Và
công việc mà tôi chuyên tâm và dành nhiều thời gian nhất
có lẽ là làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Tôi
muốn dành sức lực còn lại cho công việc này, bởi
người nghèo rất cần được sẻ chia, giúp đỡ. Họ
cũng là bà con làng xóm, như là người thân của mình
vậy...”, ông tâm sự.
Trong hơn 31 năm làm công
tác từ thiện xã hội, ông không nhớ mình đã giúp đỡ
được bao nhiêu người nghèo khó, bởi “làm từ thiện
thì biết chừng nào cho đủ, ráng giúp được người ta
bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Có lúc mình còn phải tự
bỏ tiền túi ra giúp thêm, vì nhiều gia đình có hoàn
cảnh tội nghiệp lắm”.
Như gia đình bà Võ Thị
Quý, năm nay đã sắp bước sang tuổi 80 mà vẫn đơn thân
nuôi người con tâm thần hàng chục năm. Hai mẹ con bà
sống trong căn nhà nhỏ với mái ngói rệu rã, tài sản
chẳng có gì đáng giá. Bà Quý lúc khoẻ còn đi mót lúa,
làm thuê nhưng từ ngày đau yếu thì chẳng làm được
gì.
Cám cảnh trước hoàn cảnh này, ông Hương đã
vận động những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ thường
xuyên cho gia đình bà mỗi tháng từ 200- 300 nghìn đồng
để sinh sống qua ngày. Vừa rồi, ông Hương cùng với
hội viên chữ thập đỏ thôn cũng đã trực tiếp lợp
lại mái ngói, làm thêm tầng cấp trước hiên nhà rồi
tặng quà cho gia đình bà Quý đón tết.
Hay như bà
Bùi Thị Gấm ở đội 5, thôn Thi Ông sống một mình
trong căn nhà được thưng bằng phên tre, bạt ni lông tạm
bợ lại đau ốm triền miên. Tuy có 2 con gái nhưng do
nghèo quá nên cũng bỏ xứ đi làm ăn rồi lấy chồng xa,
chẳng đỡ đần bà được gì. Trước hoàn cảnh đó,
vào năm 2004, ông Hương kêu gọi người dân trong thôn
quyên góp được 600 nghìn đồng, riêng cá nhân ông vận
động bạn bè thêm 200 nghìn đồng giúp đỡ bà Gấm.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn trường hợp được
ông và Chi Hội Chữ thập đỏ thôn giúp đỡ. “Ngoài
giúp đỡ tiền, anh em chúng tôi còn sữa chữa nhà, thường
xuyên tặng quà, thăm hỏi những gia đình này, bởi họ
gần như không còn khả năng lao động, hoàn cảnh lại
quá bi đát. Trong hoạt động của mình, chúng tôi dành sự
quan tâm đặc biệt cho những mảnh đời như vậy”, ông
Hương nói thêm.
Hiện toàn thôn Thi Ông có khoảng
45 hộ cần sự giúp đỡ, trong đó cần giúp đỡ thường
xuyên là 12 hộ. Đó là những hộ nghèo, neo đơn, người
tàn tật, người nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh
khó khăn... Ngoài những gia đình này, Chi hội Chữ thập
đỏ thôn Thi Ông còn thường xuyên tham gia cứu trợ bão
lũ, thăm hỏi những trường hợp tai nạn, ốm đau.
Với
lòng nhiệt tình và những bước chân không mệt mỏi của
mình, ông Hương đã mang đến niềm vui, sự an ủi cho rất
nhiều mảnh đời kém may mắn. Những đóng góp thầm lặng
và ý nghĩa ấy của ông đã được Trung ương Hội Chữ
thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh,
huyện và các ban, ngành nhiều lần tặng kỷ niệm chương,
bằng khen, giấy khen như một sự ghi nhận đầy trân
trọng.
Lúc chia tay, tôi hỏi, hồi ấy bác học cao
như vậy sao không đi dạy học hay làm việc gì đó nhàn
nhã hơn mà về quê làm ruộng, chăn nuôi, làm từ thiện?
Ông Hương lặng im trong chốc lát rồi tâm sự: “Làm gì
không quan trọng, miễn sao thấy lòng thanh thản và tìm
được niềm vui. Đã chừng này tuổi nhưng chưa bao giờ
tôi thấy hối hận vì quyết định của mình, bây giờ
tôi chỉ mong có sức khoẻ tốt để tiếp tục công việc
đang làm. Thế là vui và hạnh phúc rồi”.
Lê Đức Việt
Theo Báo Quảng Trị
(Võ Văn Hoa chuyển đăng)
No comments:
Post a Comment