Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, August 22, 2021

ĐỌC “THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO QUA ĐỜI VÌ DỊCH COVID 19” CỦA NGUYỄN KHÔI - Châu Thạch

 
 

 
THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO QUA ĐỜI VÌ COVID 19
 
Tiết tháng bảy trời bừng nắng nóng
Lửa cháy rừng rực bỏng miền Trung
Được thời Covid vẫy vùng
Thành Hồ thất thủ... hãi hùng xiết bao.
Ngày trăm người theo nhau chết Dịch (1)
Bình Hưng Hòa không kịp đốt thiêu
Vaccine đến chậm, ít liều
Thuốc men đặc hiệu " phăng teo" còn chờ...
Sốt, tắc mạch, nghẹn ho... ngạt thở
Bình Oxy chẳng đủ vạn người
Thôi thì là chết thì thôi
Chết không tang lễ, không lời điếu thương !
Đây những kẻ cùng đường nghèo khổ
Hy vọng vào Đất Hứa kiếm cơm
Chen nhau ổ Chuột ven đường
Gặp phen Dịch cúm lặng buồn tử vong.
Đây những kẻ lừng Văn nghệ sĩ
Đấng tài hoa tuyệt mỹ diễn trò
Gặp phen mắc cúm ốm o
"Ra đi" hơ hớ tuổi thơ một mình.
Đây những kẻ đình huỳnh Ông Chủ
Nào xe sang, biệt phủ dollar
Thị trường khuynh loát tài ba
Gặp phen mắc cúm... Tiền mà làm chi ?
Đây những kẻ đua thi Thơ phú
Mải tào lao phố chợ ham vui
Say sưa Bia rượu quên đời
Gặp phen mắc cúm... về Trời đọc Thơ.
Đây những kẻ làm thuê hiện đại
Buộc chân vào cỗ máy Nhật, Hàn...
Trong khu Công nghiệp vây quanh
Gặp phen mắc cúm cũng đành tàn hơi.
Đây những kẻ ngời Blu trắng
Dấn thân vào cứu sống bao người
Dầm trong vùng Dịch mệt nhoài
Nhiễm Virus cúm quá... thời tử vong.
Đây những kẻ trong vòng "giãn cách"
Lo an dân, cấp bách tiếp nguồn...
Ngày đêm canh gác phố phường
Dính con Covid... đáng thương thật là...
Dịch đang Diễn dân ta khổ sở
Sẽ "Quốc tang" tưởng nhớ các người
Rằm này tháng bảy buồn thui
Nén nhang vọng tưởng thương ôi lệ tràn...
 
Hà Nội, rằm tháng 7 Tân Sửu (2021)
Nguyễn Khôi kính viếng...
 


ĐỌC “THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID 19” CỦA NGUYỄN KHÔI
                                         Châu Thạch
 
Dịch Covid 19 đem nỗi đau đến cho toàn thế giới. Việt Nam cũng không tránh khỏi. Thành phố Hồ Chí Minh bị “toang”. Toang là một động từ chỉ thành trì chống dịch bị vỡ, con vi rút Corona tung hoành sát hại đồng bào ta.
 
Nỗi đau kêu không thấu Trời làm quặn lòng người nghệ sĩ. Từ  đó thi ca về dịch Covid ra đời. Trong những bài thơ viết về nỗi đau do đại dịch đem đến, trường thi “Thơ Viếng Đồng Bào Chết Dịch Covid 19” của nhà thơ Nguyễn Khôi viết theo thể Song Thất Lục bát, như tiếng rên thống thiết của mọi con người, mọi thành phần xã hội, vang vọng nỗi bi thương mà ai đọc cũng thấy xé lòng!
 
Bài thơ liền mạch. Tôi xin phép cắt ra nhiều khổ để dễ dàng đồng cảm với nỗi niềm chất chứa trong thơ. Vào đề, tác giả giới thiệu thời điểm và địa danh mà con vi-rút tung hoành:
 
Tiết tháng bảy trời bừng nắng nóng
Lửa cháy rừng rực bỏng miền Trung
Được thời Covid vẫy vùng
Thành Hồ thất thủ... hãi hùng xiết bao.
 
Thành Hồ là thành Phố Hồ Chí Minh, ai cũng biết là một thành phố phồn hoa, năng động và đông dân nhất Việt Nam. Tính từ 18 giờ 30 ngày 19/7/2021 đến 6 giờ ngày 20/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.519 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến 20/7, Thành phố đã có hơn 36.000 trường hợp mắc Covid-19. Như vậy có thể nói tác giả đã cho tháng 7 là thời điểm thành phố Hồ CHí Minh thất thủ trước quân xâm lăng Covid 19  rất chí lý. Sau đó số ca dương tính mỗi ngày mỗi tăng. Đến ngày 20/8 thì thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiểm trong ngày 3.375 người, nâng tổng số mắc bệnh lên 166.679 người. Số người chết chỉ biết là rất nhiều. Nhà thơ Nguyễn Khôi đã mô tả sự khủng khiếp ở những câu thơ sau:
            
Ngày trăm người theo nhau chết Dịch 
Bình Hưng Hòa không kịp đốt thiêu
Vaccine đến chậm, ít liều
Thuốc men đặc hiệu "phăng teo" còn chờ...
 
Theo trang thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 6/8 TPHCM hiện có ít nhất 2.105 ca tử vong vì COVID-19 khiến lò thiêu phải hoạt động hết công suất. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng hôm 5-8 cho hay, các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại thành phố được hỏa táng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Lò thiêu Bình Hưng Hòa) và lò đang hoạt động 24/24 giờ. Nhà thơ Nguyễn Khôi cho biết lò hỏa táng nầy đốt thiêu không kip, nói lên con số tử vong là nhiều không xiết kể.
 
Trong hoàn cảnh cấp bách như thế, Vaccine là vũ khí duy nhất có thể đẩy lùi bọn giặc vô hình hung bạo Covid, thì nó lại đến chậm, chỉ có “ít liều” như nhà thơ đã viết. Thuốc men đặc hiệu “Phăng teo” thì không biết bao giờ mới sản xuất ra đây. “Phăng teo” là gì? Phăng teo là một lá bài đặc biệt có trong những bộ bài Tây. Lá bài nầy khi đánh ra thì cắt bỏ được bất kì con bài nào của đối phương. Vậy thuốc men đặc hiệu “phăng teo” chính là thứ thuốc quý, chữa  trị dược dứt điểm bệnh  Covid 19. Thứ thuốc ấy còn đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ta chỉ mới nghe phong phanh nói đến.
    
Qua 4 câu thơ kế tiếp, tác giả viết về thảm cảnh cho người mắc bệnh. Y sĩ thiếu, thuốc men thiếu, dụng cụ y tế thiếu, người bệnh đi dần vào cơn hấp hối, buông liều theo số phận:
 
Sốt, tắc mạch, nghẹn ho... ngạt thở
Bình Oxy chẳng đủ vạn người
Thôi thì là chết thì thôi
Chết không tang lễ, không lời điếu thương !
 
Câu thơ thứ tư là nỗi đau sinh ly tử biệt hiu hắt cho người chết, thảm thương cho người sống. Điều đó đầy dẫy tin tức trên mạng xá hội, ta dễ dàng chứng kiến qua các video đăng tải hằng ngày. Nỗi bi thương đó dẫu trong thời chiến tranh cũng hầu như không có. Trong thời chiến tranh, người tử sĩ có đồng đội mình chôn cất, tệ lắm chết trong tay kẻ địch thì cũng có người đưa mình vào huyệt mộ. Ngày nay người chết vì con Covid bị quấn chặc trong túi ni lông, mọi người phải đứng xa. Túi ni lông bó kín xác người, lặng lẽ đưa vào lò hỏa thiêu, thân thể trở về vơi gia đình chỉ còn một nắm tro tàn.
 
Những người phải chịu số phận đau thương như thế là ai? Nhà thơ lần lượt nêu ra cho ta biết họ là ai. Họ không phải chỉ một thành phần trong xã hôi. Họ nằm trong mọi thành phần, mọi giai cấp. Cái chết vì con Covid không phân biệt tôn ti, giai cấp giữa xã hội nầy.
 
Đầu tiên nhà thơ nhắc đến những con người nghèo khổ xa phương cầu thực:
 
Đây những kẻ cùng đường nghèo khổ
Hy vọng vào Đất Hứa kiếm cơm
Chen nhau ổ Chuột ven đường
Gặp phen Dịch cúm lặng buồn tử vong.
 
Bốn câu thơ vẽ nên một giai tầng dưới đáy xã hội ngày nay. Sự chết của họ càng nói lên sự bất công cùng tận của số phận họ, sống trong lam lũ và chết trong cô đơn. 
 
Tiếp theo là cái chết của những người nghệ sĩ tài hoa. Họ ra đi để thương tiếc cho bao người ái mộ, nhưng họ cũng ra đi một mình, không khác chi người nghèo khổ:
 
 Đây những kẻ lừng Văn nghệ sĩ
Đấng tài hoa tuyệt mỹ diễn trò
Gặp phen mắc cúm ốm o
“Ra đi” hơ hớ tuổi thơ một mình.
 
 Nhà thơ không quên nhắc đến giai cấp thượng tầng xã hội. Những ông chủ, những nhà kinh doanh của tiền như nước. Hóa ra của cải cũng không cứu được họ, khi mà số phận họ nằm trong con Covid:
 
Đây những kẻ đình huỳnh Ông Chủ
Nào xe sang, biệt phủ dollar
Thị trường khuynh loát tài ba
Gặp phen mắc cúm... Tiền mà làm chi ?
 
Rồi những thi nhân. Tác giả chúc họ về Trời đọc thơ, nhưng chắc chi họ về Trời được khi tác giả nói họ lúc ở  trân gian “Mãi tào lao phố chợ ham vui/ Say sưa bia rượu quên đời”, mà chẳng lo tìm trước cho mình một chổ ở Thiên Đàng:
 
Đây những kẻ đua thi Thơ phú
Mải tào lao phố chợ ham vui
Say sưa Bia rượu quên đời
Gặp phen mắc cúm... về Trời đọc Thơ.
 
Nhà thơ còn nhắc đến những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người, dễ lây bệnh nhất: 
 
Đây những kẻ làm thuê hiện đại
Buộc chân vào cỗ máy Nhật, Hàn...
Trong khu Công nghiệp vây quanh
Gặp phen mắc cúm cũng đành tàn hơi.
 
 Thành phần công nhân nầy chịu chung số phận như những người nghèo ở khổ thơ đầu tiên. Họ cũng “Hy vọng vào đất Hứa kiếm cơm” và cũng “Chen chúc nhau ổ chuột” trong những con hẻm của thành phố Hồ Chí Minh. Khi thành phố toang vì cơn đại dịch, họ nhiểm bệnh chết đi là điều đau đớn, nhưng nếu chưa nhiễm bệnh, thì cũng sống lây lất trong hoàn cảnh bi thương, không cơm ăn không nhà ở vì thất nghiệp, mất đi đồng lương tối thiểu của mình. Từ đó phát sinh cụm từ “Di biến động dân cư” để chỉ về sự di dời quay lại quê hương của họ với biết bao nhiêu câu chuyện bi đát làm nát cả lòng người.
 
Và cuối cùng là những Thiên Thần Áo Trắng, những cán bộ nhận nhiệm vụ, những người làm thiện nguyện. Họ là những chiến binh lao lên tuyến đầu,  đã hy sinh vì sự an nguy của cả một dân tộc. Họ xứng đáng được vinh danh liệt sĩ, được ghi ơn, được  thờ phượng bằng bia đá, bằng bia miệng, mãi mãi họ ở trong lòng của mọi người:
 
Đây những kẻ ngời Blu trắng
Dấn thân vào cứu sống bao người
Dầm trong vùng Dịch mệt nhoài
Nhiễm Virus cúm quá... thời tử vong.
 
Đây những kẻ trong vòng "giãn cách"
Lo an dân, cấp bách tiếp nguồn...
Ngày đêm canh gác phố phường
Dính con Covid... đáng thương thật là...
 
Trường thi được khép lại bằng “Nén nhang vọng tưởng ôi lệ tràn…” của thi nhân. Nén nhang ấy như đại diện cho triệu triệu nén nhang trong tâm tư người Việt Nam, hẹn đến một ngày đất nước bình an, sẽ làm lễ “Quốc tang” cho những linh hồn đã khuất
 
Dịch đang Diễn dân ta khổ sở
Sẽ "Quốc tang" tưởng nhớ các người
Rằm này tháng bảy buồn thui
Nén nhang vọng tưởng thương ôi lệ tràn...
 
 
Người viết bài nầy xin được bàn thêm đôi lời về nghệ thuật trong trường thi “Thơ Viếng Đồng Bào Chết Dịch Covid 19” của nhà thơ Nguyễn Khôi:
 
Đây là một trường thi không đài lắm nhưng cô đọng, nó có âm hưởng  “Văn Chiêu Hồn” của Nguyễn Du, “Thăm Mả Cũ Bên Đường” của Tản Đà, nhưng khác ở chỗ văn tế và bài thơ trên dùng nhận thức bao quát trong đời sống, trong thời cuộc mà viết, còn đây thấy duy một sự kiện đang diễn ra mà viết. Ngoài ra “Thơ Viếng Đồng Bào Chết Covid 19” còn khác những bài kia ở chổ lời thơ tả chân, không đưa lời than van vào đó để kích động nước mắt tha nhân. Thế nhưng, chính sự bình dị của lời thơ, chính sự diễn đạt khách quan của ý thơ, lại thẩm thấu vào lòng ta những tiếng kêu đau thương ẩn chứa trong các câu thơ đó. 
 
Thơ nói về sự chết thì phải cần cường điệu, kích động bi luy, ảm đạm trong từ ngữ, tạo hiệu ứng mạnh trong lòng người đọc, khiến cho khi đọc, thần kinh căng lên, máu chảy nhanh lên, và tim đập mạnh lên để nước mắt tuôn rơi. Nguyễn Khôi không làm những điều đó, và hình như ông cũng không có cái tài viết như thế. 
 
Đọc thơ Nguyễn Khôi nhiều lần, trôi có cảm tưởng, nhà thơ có cái tài truyền thông trực tiếp cảm xúc có thực trong lòng mình đến tâm tư người đọc qua những câu thơ tả thực, những câu thơ tưởng như khô nhưng ngược lại, gây cảm ứng mạnh trong tâm hồn ta sâu và đậm. Câu nói “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến những trái tim” áp dụng cho thơ Nguyễn Khôi thật đúng. Thơ xuất phát từ trái tim có tầng số riêng của nó, không cần hét to la lớn chỉ cần nhỏ nhẹ thôi cũng làm xao động lòng người!
 
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi vơi nỗi đau thật đã viết một trường thi như một trang sử ký khách quan, có giá trị lưu lại cho đời sau biết về kiếp nạn hôm nay.

Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO QUA ĐỜI VÌ DỊCH COVID 19” CỦA NGUYỄN KHÔI - Châu Thạch

TÔI BẮT ĐẦU "DÍNH " VÀO COVID VÀ CHIẾN ĐẤU NHƯ THẾ NÀO ? – Lê Phước Sinh

 
                                     
                      Nhà thơ Lê Phước Sinh

1.
Tối hôm 18 tháng 7, sau khi về nhà (17 ngày cách ly), tôi lên Facebook thông tin báo mừng để bạn bè anh em rõ.
Một người bạn ở miền Tây thân quen thảng thốt : “Tại sao Anh dính ?!” Câu trả lời là bỏ ngỏ, bởi vì gần hơn 2 năm nay (Tôi nay 65 tuổi ) đã bỏ hẳn thuốc lá, bia thì hơn mươi bữa mới một hai lon giải khát, huyết áp ổn định, không ăn mặn, chất thức ăn có nhiều calci, sử dụng nhiều rau, cá nhiều hơn thịt.. nói chung là khá kĩ lưỡng, gọi theo từ y học là không có Bệnh Nền, chưa kể hằng ngày 2 lần đạp xe đi về hơn 25 km để đi làm, sức khỏe bình thường.
  
Đầu tháng 6,2021, đợt Dịch bắt đầu tái xuất hiện ở TP.HCM tôi nghỉ công việc, ở nhà, thỉnh thoảng ra đường đi bộ thể dục, khi ít người qua lại (cách xa chục mét)...
Giữa độ tháng 6, tôi đang cư trú tại Ấp Xuân Thới Đông 2, Xã XTĐông, địa phương rơi vào Điểm Nóng Covid (Hóc Môn), vậy là tôi ngẫu nhiên xọt vào vòng xoáy. Mọi chuyện lúc bấy giờ vẫn cỏn "bình thường ?!" , thanh niên trong xóm, vài ba ngưởi già vẫn chiều chiều kéo mồi lai rai, hiếm người đeo khẩu trang phòng dịch, Tổ Trưởng (trong xóm hẻm phố ) phát mỗi gia đình 1 tờ (đại diện cho 2, 3, 4 người trong hộ để thăm dò, như đang thả lưới bắt cá, tôi chú ý có một vài người sau khi nhận giấy ra nơi tập trung để Nhân Viên Y Tế thử nghiệm thì đã đánh "bài lờ tránh né " đi. Nơi đặt bàn Xét  Nghiệm của Y Tế khoảng cách chưa an toàn theo quy định (phải 1,5 m ?). Tôi cũng đến thử nghiệ , nhân viên y tế đưa que bông có phẩm hóa học, ngoáy sâu vào trong hốc mũi. Xong việc , Tôi về nhà.
Khoảng 3 ngày hôm sa , Tôi nhận được điện thoại của Trạm Y Tế Xã thông báo 2 giờ chiều hôm nay tự túc ra Trạm dò xét lại, theo danh sách vì có người trong 10 lố ống thử, có 1 người nghi nhiễm. Tôi tiếp tục ra Trạm theo yêu cầu, thử lại lần 2, lần này ngoài hốc mũi. Tôi còn phải bị thọc 1 que xét nghiệm sâu vào cuống họng. Xong việc xét nghiệm, tôi lại đạp xe về nhà (cách Trạm xá chừng hơn 2 cây)...
 
 2.
Những ngày đầu Dịch Covid đợt 2 ở Sg. Hằng ngày, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về bệnh tật. Tìm hiểu cách thức về việc hỗ trợ giúp khỏe trong việc ăn uống khi cần dùng thuốc Para..., Kẽm, Vitamin... các thức ăn phụ vào như chuối, bơ... Tôi có một học trò cũ đang là Bs hiện công tác tại Bệnh viện SG thường xuyên trả lời các câu hỏi chuyên môn. Bản thân, cách đây 30 năm trước, trên đường vào Trường dạy học đã bị chấn thương sọ não, mổ hộp sọ, phải nằm điều trị gần một tuần (năm 1991). Mấy tháng ngày sau đó, tôi dần dần phục hồi một cách kỳ lạ, một phần nhờ ý chí, đi đến cùng cho việc phục hoạt. Hơn 30 năm trở lại sinh hoạt bình thường, có một đôi lần do nhiệt độ. Trời đất, đôi khi nhức đầu thoáng qua. Người học trò Bs cũng như những người có chuyên môn bảo rằng không có gì, không hề hấn can hệ gì, dù vậy trong hồ sơ cá nhân đem theo bên mình, tôi cũng sẳn sàng chuẩn bị khi cần thiết...
Khoảng 4 hôm sau, khi về đã test thử lần 2, đúng nửa đêm, khi từ trên nhà đi xuống để uống nước, đứa con trai ra lớn lên : Ba bị dính covid rồi, sao mặt mày đỏ bừng vậy ?!. Cấp tốc, với va ly nhỏ, ngay trong đêm, ôm lưng con chuyển đến bệnh viện Hóc Môn, bệnh viện (bảo vệ) từ chối đóng cửa Phòng Cấp Cứu bởi vì có nhiều Ca Dương Tính đang cấp cứu nên từ chối nhận.
Con trai tôi vòng xe lại quay đầu về QL22 hướng Củ Chi, chạy vào cấp cứu ở Bệnh Viện Xuyên Á, trình giấy tờ, bộ phận ngoại vy đang ngồi trực chiến. Test nhanh chưa đến 10 phút, bệnh viện cho biết Tôi đã nhiễm Covid Dương Tính, ra ngoài sân ngồi chờ chuẩn bị nhập viện, con trai tôi âm tính được trở về nhà trong đêm...
Hơn 15 phút sau, nhân viên Y tế hướng dẫn tôi vào khu nhà ở phần sân đối diện  có giăng dây đỏ trắng bọc quanh, chỉ tôi vào nhiều giường nằm để nghỉ, lúc bấy giờ trong đó có khoảng 20 người, rộng rải thoáng mát, tôi chọn một giường bố nằm nghỉ ngơi...
Nằm chập chờn suốt đêm tận gần 7 giờ sáng mai, con trai tôi ghé lại, điện thoại từ trong phòng báo ra ngoài nhận thêm tư trang, đồ đạc, nhận để sát ngay ngoài hàng phong tỏa...
 
Đến trưa, theo số anh em trong phòng, gọi điện thoại ăn trưa tự trả tiền tùy chọn từ căn tin bệnh viện Xuyên Á, thức ăn nước uống để đặt ở sát rào khu cách ly.
Chiều rồi tối lại đêm, chưa ai có trách nhiệm hỏi thăm hay dò xét bệnh tình, nằm và nằm, thiu thiu hay trơ con mắt chờ đợi ...
Sáng tiếp sáng...
Chừng 10 giờ, một chiếc xe buýt, trờ tới đậu trước khu cách ly, xôn xao nghe tin sẽ chuyển bệnh nhân đi điều trị. Rồi nhân viên y tế đến, đọc danh sách hơn 10 người chuyển đợt nầy. Tôi chưa đến lượt.
Khoảng 3 giờ chiều, chiếc buýt mới xuất hiện, khoảng 10 phút sau, tôi có tên trong danh sách lên xe đi điều trị. Trước khi lên xe, nhân viên Y tế (?) bắt đóng 150 ngàn, không rõ khoản tiền gì, có người không chịu đóng. Tôi thì đóng, thôi chịu bỏ qua đi, đôi co làm gì. Xe chạy hình như về hướng Bình Thạnh, xe tôi đến bệnh viện điều trịlần đầu , nằm trên khu vực phòng chung cư Hạnh Phúc.
Các thủ tục diễn ra, tôi được đẩy lên trên phòng số 15 (?). Phòng đang điều trị khoảng 5, 6 người, nằm chung quanh, hỏi thăm có người đã nằm đây 3 hôm trước.
Tôi vẫn còn sức khỏe, không sốt, cánh tay gắn thường xuyên vào bịch đo huyết áp , khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ tự động làm 1 lần ?!
Sáng một ngày kế tiếp, khoảng 8 giờ, cán bộ y tế vào phòng đo thân nhiệt ghi chép, hỏi thăm : có sốt không : không , Ho  : có , hồi  đêm bản thân có 2, 3 lần ho khục khặc, theo dõi giường bên cạnh, tôi thấy ho nhiều hơn, một 2 giường khác cũng vậy.
Ngày kế tiếp, tôi không nhớ rõ mình có được chích thuốc hay uống thuốc không ?! vẫn còn nằm qua ngày, đo huyết áp, di chuyển trong phòng vẫn bình thường, vệ sinh, ăn uống không giảm sút...
Hình như 2 ngày sau, tôi nhận thông báo chuyển viện, đến bệnh viện Dã Chiến số 7.
Khoảng 9 giờ sáng, tôi được chuyển xuống cầu thang tầng trệt, ở đó. Thật vô lý, nhân viên y tế truột bỏ toàn bộ áo quần, va ly, chỉ giao lại giấy tờ cá nhân đem theo. Quá vô lý và kinh tởm, các đồ ăn bồi dưỡng của tôi bị hốt sạch. Lý do vào bệnh viện này đầu tiên phải "Vô trùng ?!". Tôi chỉ được quấn trong người một miếng tả lớn, bọc phần dưới như đứa con nít lớn tuổi. Lên xe cấp cứu chuyển viện đến BV Dã Chiến số 7 !
3.
Nằm bệnh viện tôi được đưa vào cầu thang máy lên lầu phòng 18. Phòng có 3 người, đang nằm trên các giường cá nhân, cự ly cách khoảng 1.5m từ cửa vào. Phòng có quạt mát thoáng đãng. Nằm một chốc, được điều dưỡng đến ghi chép thân nhiệt hỏi có sốt, ho không và gắn vào cánh tay máu đo nhịp tim, huyết áp (?)...
Khoảng mười phút sau, có một bác sĩ bước vào phòng, tự nhiên tôi có linh tính như vậy, trên tay bìa nhựa ông cầm trước ngực, tôi nhìn loáng thoáng tên mình, bác sĩ nhìn tôi khá lâu, trên bình sau đầu, trán, khuôn mặt, hình như có cái gì ưu tư ?, rồi rời phòng...
Ho nhiều hơn. Không sốt. Ăn uống vẫn bình thường chưa thấy có dấu hiệu lơ là, thỉnh thoảng tôi uống nước thường xuyên, theo phương cách phụ  nước đầy đủ...
Khoảng 11 giờ sáng hôm nay, sau khi thực hiện các bước đo huyết áp, thân nhiệt, chích thuốc, ăn trưa...Tôi nhận được lệnh rời Bịnh Viện với 5 người khác, chuyển chữa trị tại Bệnh Viện Dã Chiến số 11, khoảng 3 giờ chiều...
 4.
Xe Cấp Cứu mang theo bình Oxy , 2 người kèm một bình , xe có 5 Bệnh Nhân, xe chạy gần 30 phút, hình như đang về hướng Thủ Thiêm Q.2.
Thủ tục chuyển đổi Bệnh Viện hơi chậm (hơn 5 phút), chiếc xe lăn đẩy tôi cùng bình oxy, phần do cứng chân nên phải bồng qua bậc đá bông lên tiền sảnh vào cầu thang, cô Cán Sự Điều Dưỡng cố gắng hết lòng, mồ hôi quẹt trán.
Xe lăn đưa tôi lên Phòng 12. Vào phòng, trong người tôi kèm theo kẹp nhựa giấy tờ  tiền bạc với 1 cái bỉm (vệ sinh bọc dưới). Cô Điều Dưỡng nhanh trí đưa cho tôi một tấm màn nệm để tạm phủ người...
Chiều, sau khi ăn cơm tối, mọi người đều có thuốc chích hoặc thuốc uống, riêng tôi không có, hỏi Điều Dưỡng để xem lý do. Sau khi chuyển viện và chuyển phòng, bệnh nhân không phải người cũ trước mà lại khác nhau, mang dấu hiệu nặng nhẹ khác nhau, người ho nhiều, khò khè, cả mấy người trong phòng cùng Tôi đều phải  thở Oxy.
 
Lưu trú, chữa trị ỡ Bệnh Viên Dã Chiến 11.
Thở Oxy nghĩa là thòng nối vào bình oxy chia dẫn hai đường ống nhỏ nhét vào lỗ mũi như mang cá để thở. Tôi tiếp tục nằm trên giường, dĩ nhiên khi sinh hoạt vệ sinh cá nhân thật lề mề khó  chịu. Tôi thở oxy từ 4, 5 giờ chiều cho đến khoảng 7 g sáng hôm sau.
Trước khi vào viện Dã Chiến số 11, đang nằm điều trị ở Bệnh Viện số  7, tôi đã thấy trong người có một số biểu hiện. Dù không sốt, thỉnh thoảng có ho, nhịp tim, huyết áp tốt, nhưng một thời gian xuốt hiện liên tục khạc nhổ qua mồm, qua bàn cầu vệ sinh, tôi có đờm dày dặc, kế tiếp có đờm huyết dù không tươi...
Có thể sáng ngày 13 tháng 8. Bác Sĩ, Điều Dưỡng đã vào cuộc chiến đấu giúp tôi chống dịch. Khoảng 8 giờ hơn, sau bữa ăn sáng, một cái máy chụp hình được đưa vào giường tôi, trên cao chụp xuống, rồi phía cắt ngang dưới được chụp. Thời gian nầy, thể tạng của tôi vẫn khỏe. Rồi, tôi điều trị bằng thuốc chích : 1 mũi ở vai, một ở lồng ngực trên xương sườn, hình như còn có một mũi nữa ?!.
Tôi nằm chích, tự nhiên, cô Điều Dưỡng hỏi : sao , chú thấy phản ứng như thế nào, Tôi cười nhẹ, vâng bình thường được mà, Cô điều dưỡng: vậy tốt
Tối, giấc ngủ chập chờn, hình như trong phía lồng ngực nằng nặng không như bình thường, cuối đêm gần sáng, nghe trong lồng ngực nổi bọt khí sục sục tựa có bong bóng...
Vậy mà sáng mai vẫn khỏe. Huyết áp, nhịp tim vẫn bình thường. Chỉ có phải 3 lần làm phiền Cô Điều Dưỡng giúp thay bỉm, phòng không có khu vực WC, 2 người trung niên kia được Hộ lý giao cho 2 chiếc bô vệ sinh tiểu đái, tôi thì chịu không thể nào nhúc nhích.
Ngày 14 tháng 8, sức khỏe vẫn tốt, huyết áp nhịp tim bình thường. Sau khi ăn sáng lúc 8 giờ, là giờ chích thuốc, Điều Dưỡng thực hiện, tôi tiếp tục chích một mũi ở bả vai trái (hôm qua vai phải), một mũi ở phía dưới xương sườn bụng và một ở bắp đùi. Tôi thực hiện khi đứng trước cửa dựa vào tường, khay xe thuốc cũa Điều Dưỡng đặt ngay trước cửa Phòng.
Tối, khuya ,nằm trên giường tôi mơ màng hình như đang có một cuộc chiến phần bộ phổi phía trái, đánh chiếm phần bộ phận phải, hình như có ứ, đẩy trả, đẩy lùi ? đang chống cự dần dần thay máu các mao quản ? Tôi u u, mê mê, tỉnh tỉnh.
Sáng mai, người hơi ê những vẫn tỉnh táo. Nhìn xuống chân, cặp đùi đen tím như bị đánh roi quất xối xả tàn bạo. Thức thổn, tôi ngồi lên lấy tay xoa bóp rồi trên dưới trước sau thực hiện  liên tục nhiều lần...
Chừng nửa giờ sau, mọi chuyện bình thường. Đến buổi ăn sáng, Điều Dưỡng  đưa phần cháo cho tôi, ngồi dậy trong giường, hộp cháo hơn một tô, với ít thịt bằm ngọt, ngon. Từ tốn, tôi thưởng thức. Khoảng 1 giờ sau, chích thuốc chống Covid một mũi ở vai.
Khoảng nửa tiếng sau, tôi được chuyền Biển Đạm đường (màu vàng) bình nhỏ 150mm. kèm 1 bình nước biển  nhỏ màu trắng.
Ngày 15, 16  tôi đang trên đỉnh cao điều trị. 2 ngày liên tiếp được chuyền thêm 2 bình Đạm kèm với nước biển nhỏ. Tiếp tục chích 1 mũi chống Covid.
Đúng là phép mầu nhiệm, phòng của Tôi đang ở, người đi kẻ đến, nặng nhẹ khác nhau, bây giờ nghe Cô Điều Dưỡng nói, sau buổi ăn trưa Chú sẽ chuyển lên lầu 15 phòng 05  rộng rãi thoải mái.
Cuối phòng đang để trống, trước có 2 người nhưng họ đã về 2 ngày rồi, phòng có giường bố, nệm nằm,  gỗ mút bọc vải dã chiến, quạt điện đứng lại thêm 1 bình nước đun điện để sử dụng, mấy người trước để lại cho người sau sử dụng.
Tôi dọn sơ buồng, 2 người ở trước còn để những hộp cơm đã dùng vương vải, một vài áo thun, một quần tây lửng đúng size tôi, mừng quá, lại thêm khăn mặt, nước muối súc miệng... rồi, trời ơi một kho tàng quý hiếm: 3 trái cam. một trái ổi, 3 quả  Táo... Tôi thầm tính phần chia hôm nầy hôm mai cho hợp lý, rồi sung sướng tận hưởng phần quả xanh.
Bên trong một túi xách vải góc phòng có 1, 2 vỏ bao mỳ tôm còn bên trong là kho tàng nhỏ hơn 10 gói Mì loại cao cấp,loại bình thường, phía dưới là chai dầu xanh xịn... Những người đã hết cách ly, sau khi nhận Giấy Ra Viện để lại số đồ dùng lương thực cho người đến sau. Buổi chiều, cô Điều Dưỡng ghé phòng hổ trợ thêm một lốc vinamilk hộp giấy, thêm 4 gói mỳ tôm và đặc biệt: 2 trái chuối tiêu chín đậm ngọt ngào.
Phòng tôi đang điều trị có 3 buồng:  ngoài cửa là gia đình 2  vợ chồng với 2 con, khoảng trên 30 tuổi. Kế tiếp: 1 cô khoảng trên 30 đang điều trị, cuối cùng là tôi. Nói chung trình trạng sức khỏe, bênh tật đang phát triển theo hướng tích cực, nghe đâu họ đang chuẩn bị test lại lần 2.
Về ăn uống, nước sạch của Saigon bình nhựa 5 lít đưa đến tận cửa phòng hằng ngày. Bữa ăn chính được phát 3 lần: sáng khoảng 7:30, trưa hơn 11:30, chiều tối 5:00. Thường là cơm hộp (chừng 2 chén) canh (các loại, đặt trong bịch ni-lông chừng 1 chén) đồ xào, kho, cá (khô), thịt... Nói chung theo tôi, vừa miệng và... ngon. Mỗi lúc ăn, từ tốn, chậm rãi, lừa xương nhỏ ra ngoài, sử dụng khoảng nửa tiếng. Từ ngày vào tôi chọn  (đề nghị): sáng cháo, trưa cơm, chiều tối: cháo. Cháo mỗi phần hơn 1 chén, thường là thịt băm với cháo trắng hoặc nước sốt thịt, ngon miệng.
Lúc 2,3 ngày trước, khi phải nằm trong giường, mang bỉm vệ sinh, đường tiêu hóa của tôi bị "nghẽn". Bây giờ đến phòng mới hiện tại ,nhu cầu đại tiện của tôi chửng lại, lo lắng không biết sử lý, phía dưới bụng nặng, đau đau, Tôi chợt nhớ bài học thường thức lúc tiểu học, đi lên đi xuống nhiều lần, sau khi ăn, uống ít nước rồi đi lại, vào phòng nghỉ lại đi, hai tay luôn thế vươn nhẹ phía trước rồi thả về phía sau, uống vào ngụm nước...
Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, tôi vào buồng vệ sinh, "nó" ra từ t , kèm theo sức rặn của cơ vòng ở hậu môn theo máu  rỉ, khó khăn nhưng các phần phân sau mọi việc tuyệt vời, như ý...
Sức Khỏe tốt. Sinh hoạt như ý.
Ngày 16 tháng 8. Khoảng 2 giờ chiều, Cán Bộ Y Tế gọi tôi đến cách hai phòng để Test mũi, miệng.
Hơn 2 giờ chiều, cô Cán sự Điều Dưỡng lên phòng Tôi mang theo thuốc, chích ở vai. Tôi hòi: Thuốc khỏe, cô ? Không, thuốc chích chống Covid. Buồn. Nhận uống thêm 2 viên thuốc nhỏ và 3 ống B12 nhỏ lố 3 ống uống hỗ trợ. Những người trong phòng không còn chích thuốc, chỉ uống thuốc hổ trợ viên thêm. Cô ở phòng đầu với đước con trai nhỏ, được nhận  lệnh ra viện, còn lưu trú lại anh chồng và một con trai.
Chiều nóng bức, nhìn qua cửa sổ mây trắng rồi đen trên trời kéo vần vần. Phía dưới Tôi đang ngụ là những miếng đất đang tranh chấp, hợp pháp, vô hợp pháp đồng bào đang cư ngụ, điêu tàn, rải rác hai ba lều tạm, hố xí bải cỏ rộng mênh mông, rồi nhà, chung cư, lâu đài cao thấp dập bên trong phủ bên ngoài. Thủ Thiêm, nơi đang từng nóng bỏng, phía dưới cách xa chừng 5,7 mét là một ngôi chùa mới, khá hoành tráng nét sắc thanh thoát.
Ngày 17.8. sức khỏe ổn định, sinh hoạt bình thường. Điều Dưỡng phát cho 2 uống thuốc nhựa chứa B12 và 3 viên thuốc hỗ trợ ( Zn ?) nhỏ . Khoảng 1g30 trưa, Cán Bộ Y tế gọi tên đến cách phòng Test lại. Thọc vào mũi , chưa được, thọc vào mũi kế tiếp, liếc nhanh Tôi thấy màu xanh, Cô Điều Dưỡng: được  rồi (?!).
Chiều, tối. Sau khi thả bộ từ từ trước phòng. Chiều qua hai  buồng cùng ở với tôi đã được về. Hai gia đình mới với 2 vợ chồng và 2 con trai điền vào.
Khoảng gần 9 giờ tối, tôi đã đóng cửa phòng nằm nghỉ, có tiếng gọi cốc cốc bên ngoài, đeo khẩu trang, mở cửa ra
- Chú là Lê Phước Sinh phải không ? Mai được về rồi !
Cô Điều Dưỡng vừa ghé nói báo cho chú.
Ơn trên, Trời đất Ba Mạ ơi, con thật sự sống lại rồi !
 
3g50 chiều 18. tháng 08, cô Điều Dưỡng gọi danh sách, 12 người có tên. Tôi mang cái túi nhựa đựng giấy tờ, trong đó là Bộ áo quần vải, chai dầu gió  xanh, giấy tờ tùy thân, chai nước suối, còn mì tôm, lương thực, vật liệu còn lại, để cho những người vào phòng sau nầy sử dụng. Thang máy xuống lầu, đến tầng trệt sân. Cô Điều Dưỡng hỏi: đồ của chú chỉ vậy à ? Có gì sót không ? Tôi cười, không, đủ rồi.  Cô trao Giấy Ra Viện cho từng người, mọi người đều cảm ơn, thật là một "Cô Tiên" y đúc tuyệt vời (có lẽ cô đang trong độ 25, 26). Cô cười hiền lành dung dị.
Các anh các chị ơi, bệnh viện nầy rất tốt, có lẽ chưa nơi nào...
 
@ Trích:
 
GIẤY RA VIỆN
...
Vào Viện lúc: 12.08.2021          
Ra Viện : 18.08.2021
* Chẩn đoán : [U07.1] Covid-19 xác định (Kết quả Xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 dương tính )
(Kết quả xét nghiệm SARS-COV 2 ngày 15/08/2021 PCR: Dương tính, CT:26.2-Test nhanh kháng sinh ngày 17/08/2021 âm tính)
*Phương pháp điều trị: Đã cách ly, theo dõi điều trị 6 ngày.
*Lời dặn của thầy thuốc: Tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày dưới sự giám sát của Cụm Dân cư địa phương,
 
Ngày 18 tháng 8 năm 2021              
T/q Giám Đốc                                        
Trưởng Khoa  
BS. Phan Nguyễn Ngọc Tú                 
BS, Trịnh Chấn Hùng   
 
Theo thông báo của Viện (tờ dán sau cửa ra vào), sau khi xuất Viện bệnh nhân gọi Tổng đài Xe Taxi Miễn Phí (không đông) (đã có hợp đồng với Chiến Dịch) nhưng gọi mãi không thấy trả lời, từ hơn nửa tiếng... Chán nản, mọi người lần lượt kiếm phương tiện (Taxi hảng tư nhân) về nhà.
Tôi cũng vậy, về lại nơi cư trú lúc 4g55. sau đoạn đường taxi gẩn 40km, tại  ấp Xuân Thới Đông 2. Hóc Môn.
Vừa chân ướt chân ráo, cô Tổ Trưởng, tuổi hơn 50, gọi : Anh Sinh ơi, ra ngay Trạm Xá Y Tế Xã trình diện, Tôi lại lấy chiếc xe đạp gần 4km đi để đến trình diện, tờ khai mẫu đơn giản:

Tên Viện vừa vào chữa trị .
Thời gian:
Tình trạng sức khỏe hiện tại: (Khỏe ).
Ký tên.
 
Cán bộ Y tế xem xong kèm hồ sơ trên bàn mời về .
Trong thời gian 18 ngày vừa qua, nhà tôi và hai nhà trái phải bên cạnh đã được giăng dây y tế. Sáng 2 ngày sau đã giở bỏ.
 
LÊ PHƯỚC SINH

READ MORE - TÔI BẮT ĐẦU "DÍNH " VÀO COVID VÀ CHIẾN ĐẤU NHƯ THẾ NÀO ? – Lê Phước Sinh

TIẾNG RAO TRẦM, MÙI PHỐ - Thơ Tịnh Bình

 
 
         Nhà thơ Tịnh Bình

 
TIẾNG RAO TRẦM
 
Mẹt hàng bày bán thức quê
Quang gánh mẹ quẩy lời rao khắp cùng ngõ phố
Mồ hôi hòa trộn vị mưa
Con chợt biết mình không tự nhiên mà lớn...
 
Mẹ như cánh cò gồng gánh nỗi cần lao
Nắng táp mưa sa bạc sờn vai áo
Phai dấu thanh xuân bao đêm chong đèn thức cạn
Lạc về đâu thăm thẳm tiếng ơ ầu
"Bên ướt mẹ nằm khô ráo phần con..."
 
Miệt mài phố thị
Nâng cánh ước mơ ngày con khôn lớn
Gánh hàng rong oằn phận đời tần tảo
Vai mẹ gầy trĩu nặng gió sương...
 
Con không viết nổi một bài thơ
Dẫu ngàn câu cũng chợt thành vô nghĩa
Chẳng thể đo lường tình mẹ sâu nông
Nhưng con biết mình không bơ vơ nguồn cội
Phía miền thương da diết tiếng rao trầm...
 
 
MÙI PHỐ
 
Như một thói quen
Tôi thường chờ đợi âm thanh quen thuộc từ tiếng chổi khua của một ai đó
Khi buổi mai chưa kịp định hình
Ngọn đèn phố vẫn còn huyền hoặc
Những mưu sinh bình thản bắt đầu
 
Chuyến xe buýt đầu tiên
Ly cà phê quán cóc
Loảng xoảng thanh âm va vào nhau
Quán vỉa hè
Mùi hành tỏi
Mùi thịt nướng
Mùi than khê nồng
Trong ngôi nhà dường như còn đang say ngủ
Có kẻ ngồi nhấm nháp mùi buổi sớm đầy thi vị
 
Lặng lẽ thắp lên ánh sáng nhỏ nhoi trong mờ sương sớm
Bên vỉa hè chị bán hàng cần mẫn lau dọn
Từng nhát chổi như chiếc đồng hồ gõ nhịp
Trong tĩnh mịch bóng đen dày đặc
Tôi biết mình không đơn độc
Chỉ mình tôi...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
READ MORE - TIẾNG RAO TRẦM, MÙI PHỐ - Thơ Tịnh Bình

TẤM LÒNG NẮNG XUÂN – Nguyên Lạc



 
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi 
(Ca dao)
 
Nhân ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan bồn, ngày nhớ ơn và tưởng niệm cha mẹ, tôi viết vài hàng về Mẹ.
 
LỄ HỘI VU LAN BỒN
 
Trước hết xin có vài lời về Vu Lan bồn:
Vu Lan bồn là tên của một lễ hội Phật giáo được tổ chức rộng rãi ở Đông Á. Lễ hội này được cử hành vào cuối kỳ an cư mùa mưa của cộng đồng Phật giáo, tức là vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Những vong linh được tin sẽ quay trở về nhà vào ngày này; và để tỏ lòng thành kính đối với họ, người ta đặt bày phẩm vật dâng cúng lên bàn thờ, đốt hương và thỉnh mời chư Tăng tụng đọc kinh chú, v.v. Tên của lễ hội này được dựa vào kinh Vu Lan bồn (Giáo sư Seishi Karashima – Nguyên Hiệp dịch)
 
Sự tích:
 
Xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
 
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
 
Cũng theo kinh Vu Lan bồn, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư Tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Muốn cứu độ nạn ấy thì đến ngày rằm tháng bảy mời thầy lập hội Vu lan bồn vừa tụng kinh vừa bố thí mới có kết quả”.
 
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan bồn pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát.
 
 
BÀI THƠ DU TỬ NGÂM CỦA MẠNH GIAO
 
“Tấm lòng nắng xuân” tên tựa bài viết tôi muốn nói là tấm lòng của người mẹ, dựa vào câu Đường thi  “Báo đắc tam xuân huy” của Mạnh Giao.
 
Về sự vinh danh người mẹ trong thơ Đường, chắc ai cũng nhớ đến bài thơ “Du tử ngâm” của Mạnh Giao. Đó là bài thơ ca tụng mẹ với những lời lẽ chân tình, giản dị, dễ hiểu xuất phát từ tấm lòng chân thật làm cảm động lòng người. Tô Thức đã khen bài thơ này: “Thi tùng phế phủ xuất, xuất thiếp sầu phế phủ” (Bài thơ xuất phát từ ruột gan, tâm can mà ra, và đã làm gan ruột phải bồi hồi xao xuyến).
 
1. Thi Sĩ Mạnh Giao
 
Mạnh Giao:   (751- 814) tự là Đông Dã, người đất Võ Khang; là viên quan và là nhà thơ Trung Quốc thời Đường Huyền Tông. Lúc nhỏ ở ẩn trong núi Tung Sơn, tánh tình thầm lặng, làm thơ hay thiên về lý trí, lại chắt lọc từng chữ một. Hàn Dũ rất mến tài ông mà kết thành bạn vong niên.
Lúc trai trẻ, ông đi thi nhiều lần không đỗ, mãi đến 46 tuổi, mới đỗ được Tiến sĩ; và đến năm 50 tuổi, ông mới được bổ làm Huyện úy Lật Dương (tỉnh Giang Tô). Ông mất năm thứ 9 niên hiệu Nguyên Hoà đời Đường Hiến Tông, thọ 64 tuổi.
Nhà nghèo nhưng đã được mẹ hy sinh, chăm lo nuôi nấng cho đến khi thành tài, dù muộn màng – mãi đến năm gần 50 tuổi. Khi được làm quan, ông đã nghĩ ngay đến mẹ già ở quê và vội vàng đón mẹ về chung sống với ông.
Tác giả đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Du tử ngâm” khi đón mẹ lên Lật Dương (ở dưới nhan đề tác giả chú rằng: Nghinh mẫu Lật thướng tác 迎母溧上作- Sáng tác lúc đón mẹ đến Lật Dương)
Ngoài bài Du tử ngâm được nhiều người biết đến, Mạnh Giao còn nổi tiếng với bài Liệt Nữ Tháo. Cả hai bài đều làm theo thể ngũ ngôn cổ thể (cổ phong) - (Tổng hợp nhiều nguồn)
 
2. Bài thơ Du tử ngâm
 
 
  
Du tử ngâm
 
慈 母 手 中 线
Từ mẫu thủ trung tuyến
遊 子 身 上 衣
Du tử thân thượng y
临 行 密 密 缝
Lâm hành mật mật phùng
意 恐 遲 遲 歸
Ý khủng trì trì quy
誰 言 寸 草 心
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
報 得 三 春 暉
Báo đắc tam xuân huy
 
 
Dịch Nghĩa
 
Sợi chỉ trên tay mẹ
 
Thành chiếc áo mặc trên người đứa con đi xa
Trước khi con đi, mẹ khâu thật kĩ
Ý sợ con đi lâu chưa về áo đã hư
Ai bảo rằng tấm lòng của tấc cỏ
Có thể báo đáp được ánh nắng của ba xuân?
 
Dịch thơ:
 
 Trần Trọng San
 
Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay
Khâu lên tấm áo trước ngày con đi
Đường kim khăng khít chinh y
Sợ con chậm trễ không về lại ngay
Ai rằng tấc cỏ lòng này
Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân?
 
 Nguyên Lạc phóng dịch
 
Sợi chỉ tay mẹ hiền
Kết áo lãng du con
Khi đi khâu thật kĩ
Sợ lâu về hư mòn
Ai bảo lòng tấc cỏ
Báo đáp nắng ba xuân?
 
 

 
3. Vài ý về bài thơ
 
“Du tử ngâm” ngắn gọn, súc tích, mỗi chữ trong thơ đầy cảm xúc. Bài thơ chỉ nhắc lại công việc bình thường: Những sợi chỉ trên tay, người mẹ may, khâu tấm áo cho người con sắp lên đường đi xa. Người mẹ cúi đầu thầm lặng, lo nghĩ: Biết bao trắc trở, cạm bẫy của đường đời mà con tôi sẽ gặp; biết bao giờ con trở lại. Tấm áo sẽ khoác trên mình con trên khắp nẻo đường viễn du, dù ở đâu cũng đều mang tâm tình của người mẹ ôm ấp. Ôi cao cả thay tấm lòng mẹ.
Người con báo đáp lại những gì mà người mẹ đã cho?
 
Thốn thảo 寸草: cỏ nhỏ. Xuân huy : ánh nắng mùa xuân
Đứa con là “cỏ nhỏ”, tấm lòng Mẹ hiền là “nắng ấm của ba tháng mùa xuân”. Chính những tia nắng ấm đó đã làm cỏ lớn lên và thắm tươi.
Bài thơ “Du tử ngâm” là một tuyệt tác diễn tả tấm lòng bao la của Mẹ.
 
- Trong nguyên tác:
 
 Mạnh Giao gieo âm vận “Y”: “Y” là âm khít miệng, thả lỏng, âm mềm, một âm chuyển tải nhiều cảm xúc nội tâm. (Phát hiện và nhấn mạnh của nhà thơ Lý Đợi)
 
 Những điệp tự như “mật mật phùng” (mật = dầy, nhặt, gần, khít / phùng =may) đã đối lại với “trì trì quy” (trì = chậm, trễ, muộn, lâu / quy =về) tạo nên những giai điệu rất hài hoà, âm thanh mật thiết quyện vào nhau đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy, kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc. (nhận xét của Hải Đà Vương Ngọc Long)
 
 Hai câu: “Lâm hành mật mật phùng / Ý khủng trì trì quy” (Khi con sắp ra đi mẹ may nhặt mũi kim, trong ý sợ rằng con sẽ lâu về) nói lên một cách sinh động tâm ý sâu xa của bà mẹ với tấm lòng trìu mến thiết tha lo cho con trẻ.
Lời lẽ giản dị, dễ hiểu, vì phát xuất từ trái tim chân thật, đã diễn tả được nỗi lo đau đáu của người mẹ trước phút lâm hành của con, ý sợ con đi xa lâu về, nên cố ý may nhặt mũi kim, để tấm áo sẽ lâu sờn rách trên bước đường tha phương lưu lạc.
 
 Hai câu cuối: “Thuỳ ngôn thốn thảo tâm/Báo đắc tam xuân huy” là hai câu tuyệt nhất trong bài thơ như nhiều người đã nói.
 
Ai rằng tấc cỏ lòng này
Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân ?
(Trần Trọng San)
 
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba xuân nắng ấm đền bù được chăng?
(Hải Đà Vương Ngọc Long)
 
Ta sẽ xét tầm ảnh hưởng của 2 câu này:
 
4. Tầm ảnh hưởng
 
- Hai câu cuối trong bài Du Tử Ngâm đã đi sâu vào văn chương Trung Hoa, tạo nên một số thành ngữ khá quen thuộc như:
“Thốn thảo tâm” = tấc lòng nhỏ ví như tấc cỏ, lòng con hiếu thảo với cha mẹ
“Thốn thảo tâm bi” = tấc lòng của con thương cha mẹ
“Thốn thảo xuân huy” = Tấc cỏ và ánh sáng mùa xuân. Ý nói: Tâm ý nhỏ nhoi mong manh của cọng cỏ nhỏ (ví tấm lòng của người con), không thể báo đáp được ân huệ của ánh sáng mùa xuân (ví công ơn sâu nặng của cha mẹ)
 
- Đặc biệt, Nguyễn Du cũng đã mượn hai câu thơ cuối của bài “Du tử ngâm” để diễn tả nỗi lòng tha thiết của người hiếu nữ Thuý Kiều, muốn báo hiếu, đền ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, dù phải chịu đựng bao nhục nhằn đau khổ:
 
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân

 
VÀI BÀI THƠ NHẠC VỀ MẸ Ở VIỆT NAM
 
Về sự vinh danh người Mẹ ở Việt Nam, chắc ai cũng nhớ đến một bài văn và một bài nhạc cùng tên viết về mẹ rất cảm động “Bông Hồng Cài Áo”.
 
1. Tùy bút Bông Hồng Cài Áo
 
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
 
Mấy đoạn vừa trích dẫn là ở trong tập sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh, một bài văn viết về mẹ có lẽ sâu sắc, cảm động và tạo được ảnh hưởng sâu rộng nhất ở nước ta từ trước tới nay:
Khởi đầu, vào năm 1962, nó chỉ là một đoản văn (hay tùy bút), sau được in riêng thành cuốn sách khổ nhỏ nhắn, bìa màu xanh dương nhạt vẽ một chiếc bông hồng, họa sĩ Hiếu Đệ trình bày đẹp giản dị, do nhà xuất bản Lá Bối in lần đầu tại Sài Gòn dường như vào năm 1968, phần đầu bên trong có ghi hàng chữ: Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ. Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962, Nhất Hạnh. Sách được tái bản đến hàng chục lần.
Trong bài viết, thầy Thích Nhất Hạnh đã kể về một tập tục đẹp mà ông gặp ở Nhật Bản:
Đại khái, vào ngày Mẹ (Mother’s Day), nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và người đó sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu ai mất mẹ, sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…“Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.”
 



Sau khi cuốn sách được xuất bản một thời gian, trong dịp lễ Vu Lan, các anh chị Phật tử một số chùa cài những bông hoa màu hồng lên áo của bạn mình, do tác dụng lời gợi ý của thầy Nhất Hạnh. Phong tục cài bông hồng lên áo du nhập vào Việt Nam có lẽ bắt đầu từ đó.
 
2. Bài nhạc Bông Hồng Cài Áo
 
Bài tùy bút Bông Hồng Cài Áo này cũng là nguồn cảm hứng cho một ca khúc bất hủ cùng tên do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930/1932? - 2009) sáng tác trong thập niên 60 của thế kỷ trước, đến nay vẫn còn lưu hành rộng rãi, và được mọi người coi là một trong những bài hát tiêu biểu nhất về chủ đề người mẹ, tương đương với bài nhạc rất phổ biến: Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân (1933–1992).
 
Đây là vài trích đoạn lời nhạc của bài hát Bông Hồng Cài Áo :
Một bông Hồng cho em/Một bông Hồng cho anh/Và một bông Hồng cho những ai/Cho những ai đang còn Mẹ
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau/Là tiếng dế đêm thâu/Là nắng ấm nương dâu/Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh/Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em/Thì xin anh, thì xin em/Hãy cùng tôi vui sướng đi.]
Phạm Thế Mỹ
 
3. Tình Mẹ qua bài thơ Du Tử Ngâm
 
Từ bài Du Tử Ngâm quý hiếm trong kho tàng thơ Đường, Việt Nam chúng ta lại có được bài thơ phóng tác với nội dung mở rộng hơn như sau đây của Vương Ngọc Long, nó đã được nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ nhạc:
 
Đây chiếc áo chắt chiu từng sợi chỉ,
Mũi đan dầy cho ấm ngực đêm đông.
Tóc bạc trắng tháng năm chờ mòn mỏi,
Con ra đi, con đi, mẹ nhớ mong.
Mẹ là đó, là trái tim nhân ái,
Đầy hy sinh nhẫn nhục chẳng ngại ngần.
Lòng con đây thấm dâng từng tấc cỏ,
Biết bao giờ đền đáp nắng ba xuân?
(Vương Ngọc Long)
 
LỜI KẾT
 
Xin được phép ghi ra đây vài trích đoạn của hai bài thơ tôi viết về mẹ xem như là lời kết bài viết. Mong ngực trái của các bạn cài hoa hồng màu đỏ. Màu đỏ cũng là màu may mắn.
 
1. Tôi về… Bước khẽ bên góc vắng
Bóng mẹ còm hom ảm đạm sầu
Mắt mẹ xa vời phương thăm thẳm
Mẹ thấy gì không? Lệ xót đau!
Mười năm mong đợi mười năm nhớ
Thương nhớ tháng năm bạc mái đầu
Mắt mẹ đã mù vì lệ đổ
Khóc con xa biệt tích rừng sâu
 
Tôi về bước khẽ ôm tròn mẹ
Mẹ mỏng nhẹ như chiếc lá trầu
Ngơ ngác đảo quanh tay quýnh quáng
Con của tôi về … Về thật sao?
(Vẫn còn tình mẹ- Nguyên Lạc)
 
2. Quê hương tôi là Mẹ
Mẹ cũng là quê hương
Mẹ ơi khúc đoạn trường!
Mẹ đâu rồi?… Dâu bể!
 
Happy Mother’s Day!
Happy ngày của Mẹ!
Happy… sao ngấn lệ?
Bông hồng trắng ngực tôi
 
Sẽ không phải người hiền
Nếu quên tình cha mẹ
Chắc chắn là rất tệ
Nếu không nhớ quê hương
(Mừng Ngày Của Mẹ- Nguyên Lạc)

Nguyên Lạc
……………………
 
Tham khảo:

Vương Ngọc Long, Huỳnh Chương Hưng, Đỗ Chiêu Đức, Laiquangnam, Wikipedia…
 Mời nghe nhạc
Bông Hồng Cài Áo – Diễm Thùy (Phạm Thế Mỹ, Thích Nhất Hạnh)
https://youtu.be/siCuYbaKilg

READ MORE - TẤM LÒNG NẮNG XUÂN – Nguyên Lạc