Nguyên Lạc
HOA MẪU ĐƠN
BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA
VÀ TRUYỀN THUYẾT
PHẦN
II
U Minh tràm đước, cóc kèn (*)
Anh hùng lỡ vận vào rừng bắt ong
Bắt sao trúng phải nỗi buồn
Cảm thương phận bạc, lệ tuôn lưng
tròng !
Dõi theo con nước lớn ròng
Bỏ đi trốn bậu mà lòng xốn xang
Mắt sao cứ chảy hai hàng ?
Chèo ghe lướt tới, mà lòng quay lui !
(CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH - NL)
CHUYỆN TÌNH " HOA MẪU ĐƠN "
VÙNG U MINH
1. THAI ĐỐ TRONG DỊP TẾ LỄ KỲ YÊN
Thời xưa, ở Nam Bộ, dịp tế lễ Kỳ Yên
(cầu an lành) thường bày ra đấu xảo bánh khéo nhất, đấu xảo mâm xôi ngon nhất,
ráo nhất. Lại chưng bài vài sản phẩm tượng trưng cho sự bội thu: củ khoai mì
nặng cân ít thấy; trái bí rợ to đến mức kỳ dị; con trăn, con rùa to, khó gặp.
Nhưng vui nhất có lẽ là "Thai đố ", đã thu hút mọi giới. [Thai
đố (quiz): Đố vui có thưởng]
Chủ trì là một ông kỳ lão đầu bịt
khăn đỏ, ngồi ghế, giữa sân, bên cạnh là thúng đầy cam, quít, bưởi (dùng làm
vật thưởng). Trước mặt ông là mõ và thanh la, với cây dùi.
Dùng cây dùi gõ vào mõ "cốc,
cốc..." khi đoán câu đố sai; gõ vào thanh la nhẹ "beng" khi đoán
gần đúng; gõ mạnh và liên hồi thanh la "beng beng beng" để xác nhận
đoán đúng và trúng giải.
Thoạt đầu, ra những câu Thai dễ, thí
dụ như:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
- Xuất bỉnh (tên một thứ bánh).
Trẻ 1 hô lớn: "bánh ướt". Ngụ ý cầu khó đi, có
thể té, quần áo ướt mem. Vì gần đúng, ông kỳ lão gõ một tiếng "beng" vào cái phèng la.
Cậu 2
đáp là "bánh tét". Ông kỳ lão gõ một tiếng "cốc", ngụ ý sai lời giải.
Rốt cuộc, một cậu đáp to : "Cái
bánh bò"!. Tiếng phèng la đổ dồn,
khá to, xác nhận cậu ta trúng giải. Cây cầu khó đi thì phải bò, khom lưng.
Và đây là câu đó mà chúng ta cần chú
ý
Kỳ lão ra câu Thai:
- Mẹ thằng cùi!
Xuất mộc (Tên một loài cây)
Vài người thử đáp giải, nhưng được
lãnh tiếng " cốc, cốc ", hoặc tiếng "beng" thật nhỏ.
Rốt cuộc, ông kỳ lão ra Thai tự giải đáp:
- Mẹ là mẫu theo nghĩa chữ Hán.
Đơn là bịnh phong, người nổi đơn, da
thịt sưng lên, sần sùi, gọi là bịnh cùi.
Vậy "Mẹ thằng cùi" là
" bông mẫu đơn "! (hoa mẫu đơn)
(Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam - Sơn
Nam)
Lời giải đáp câu Thái nầy dẫn đến một
chuyện tình rất buồn ở vùng U Minh, cực nam Nam Bộ, mà cụ Sơn Nam sẽ kể cho
chúng ta nghe.
2. CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH
Đây là câu chuyện tình buồn của Hoàng
Mai, cô gái " hoa mẫu đơn" trong HƯƠNG RỪNG của nhà văn Sơn Nam:
[...Ngày ngày lớn khôn, Hoàng Mai
càng yên tâm tin tưởng nơi dòng máu quí phái của mình. Cội hoàng mai cổ thụ
trước sân, há chẳng là một bằng cớ? Bao năm rồi, nó vẫn bền gan khoe sắc khi
gió Tết thổi về; vùng U Minh này mấy ai biết thưởng thức giống hoa vương giả
lạc loài! Bản Nam Bình réo rắt trong ruột cây đàn thập lục chỉ để riêng cho
nàng thông cảm đó thôi... Nhưng cơ trời không ai ngờ được, tránh được. Mây đẹp
của đỉnh Ngự còn có khi tan, nước yên làng của dòng Hương thường bị gợn những
làn sóng nhỏ. Năm ngoái, năm kia, khi vừa quá tuổi trăng tròn, một buổi chợt
soi mặt vào lu nước mưa, nàng bắt gặp cái màu trắng trong leo lẻo của dàn da
mình. Miệng chúm chím hàm tiếu, nàng vuốt mớ tóc đen huyền; bàn tay ngà đặt
trên má đỏ hây háy, mơn man chuyền suối tóc về trên sau lưng gầy. Nhưng... lạ
kìa! Hàng chục sợi tóc thi nhau tuôn xuống.
Gió nhẹ thoảng qua; chân tóc lấm tấm
đung đưa, vướng bận chưa chịu bay đi như còn than van niềm biệt ly vô cớ. Nàng
cau mày trở vào phòng, cầm lược chải kỹ. Nàng toan rú lên. Lược đùa đến đâu là
tóc rụng đến đó như lá úa trên cành đến độ gió trở mùa. Nàng e thẹn. Nàng giận
dỗi.
Thân phụ nàng – Ông hương giáo - chạy
tới. Nàng soi gương, không day lại rồi trả lời về tiếng rú khi nãy:
- Không gì lạ đâu, thưa cha.
Ông hương giáo đã hiểu nguồn cơn. Mớ
tóc rối nằm cuộng đống trên bàn khiến ông xúc cảm, không che giấu được cơn
buồn. Chiếc gương mờ soi đôi má ửng của Hoàng Mai, màu ửng đỏ lạ thường, không
biến đổi dầu khi nàng sợ hãi.
- Từ hồi tấm bé, làn da của Haòng Mai
mịn quá, bóng quá. Trăm sự đều do đó mà ra...
Ông thở dài, cũng như ông đã thở dài
hồi mấy năm trước, tuy gió bấc về không lạnh lắm nhưng Hoàng Mai đòi đốt lửa để
sưởi, rồi dẫm chân lên than hồng mà cưòi. Ðêm đến, ông nghe tiếng rên khe khẽ.
Ngỡ là con gái nhuốm bịnh, ông đến gọi cửa đôi ba lần. Hoàng Mai nằm đó, tỉnh
mà như say, hơi thở hổn hển, đôi mắt úp vào chiếc gối mềm như trốn tránh mấy
sợi tơ trăng buông xuống từng hồi, khi gió rạt rào khẽ rung làm hở ra mấy mí lá
che trên đầu vách.
Bịnh của nàng, ông doán được, ngặt
không muốn nói rõ tên ra: bịnh nan y - bịnh cùi
Tư Lập, tay thanh niên khét tiếng về
nghề ăn ong ở xóm Cán Gáo được ông hương giáo mời về nhà, bày rượu thịt thết
đãi, đối xử như thượng khách.
Trang gia phổ lại giở ra, đọc nho nhỏ
vừa đủ cho Tư Lập nghe. Tư Lập gật đầu.
Trong rừng già này, bên kia Ao Sấu,
thỉnh thoảng loài ong ngũ sắc ấy trở về. Ban đầu chú Tư dùng con dao xương nai
mà cạo lấy mật, nhưng không hiệu quả. Lần sau, chú mài miếng xương người, dẹp
như cây dao, theo ý muốn của ông hương giáo. Ngọc ong đã lấy được, đem về. Chú
bán tín bán nghi vì thấy “ngọc” chỉ là mớ nhụy bông quế kết lại thành ké mà
loài ong dự trữ bên góc ổ. Từ đấy, ông hương giáo mời Tư Lập ở luôn trong nhà
cho có bạn. Ngày đêm, ông chong hàng chục ngọn nến bạch lạp chung quanh mớ
“ngọc” để luyện, hy vọng rằng, khi đúng một ngàn ngày, nó sẽ trị được bịnh nan
y của Hoàng Mai. Tư Lập như không chú ý đến điều vô lý đó, cứ ra vào nhìn trộm
hình dáng giai nhân, rồi nằm trằn trọc... Mãi đến một đêm nọ, lúc đứng ngắm
thẫn thờ cội mai già trước sân, chú nghe hơi thở nào ấm nồng, nhồn nhột sau
gáy:
- Anh Tư ở đây vui chớ? Nãy giờ em
không dám hỏi.
Chú nhìn kỹ: không phải là dạng hồ ly
tinh trêu cợt, chính là Hoàng Mai, cô gái con ông hương giáo mà bấy lâu nay chú
trộm nhớ thầm thương.
Nàng nói tiếp:
- Cha của em dặn em gọi bằng anh và
đừng làm gì anh buồn.
Chú hiểu ý. “À té ra bấy lâu nay ông
hương giáo thương mình”. Chú đánh bạo tìm bàn tay nàng. Nàng lắc đầu:
- Em hơi mệt, như vậy...
Rồi nàng nâng tay áo lên, thứ tay áo
lỏng thỏng quá rộng quá dài:
- Anh nắm cái chéo tay áo này, em
cũng đủ vui rồi.
Cảm đông làm sao!... Và ngạc nhiên
làm sao! Một mùi hôi hám từ trong tay áo bay ra
khi níu cái chéo tay áo của người đẹp. Tư Lập thấy rõ ràng bên trong,
ngón tay của nàng rụng mất hồi nào, chỉ có năm cuộn vải nhỏ vấn khéo léo thay
thế.
Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa
bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo
bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về ở Long Xuyên ...
Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ.
Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không
nguôi, không trở lại thì không được.
Chú lại trở về.
Hương rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ
nhưng rất quen thuộc. Thằng Kim hít mạnh để hửi cho kỹ, để nhớ cho rõ nhưng nhớ
mãi không ra. Chợt ngẩng đầu lên, nó trố mắt. Rừng cơ hồ không còn chiếc lá nào
cả! Trên hàng vạn nhánh nhỏ, bàn tay thần nào rắc lấm tấm hằng hà sa số đợt
bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía. Rừng sáng lạn, ai dám
nói là rừng âm u? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không
thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt.
Nó buột miệng:
- Rừng cây gì vậy? Chú Tư.
Tư Lập day lại cười vang:
- Thằng quỉ! Hửi mà không biết mùi
mật ong sao? Tràm chớ giống gì! Muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho
trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương trên nửa lừng đó. Hửi vô thì say. Say
thì không tỉnh được. Có người toan dùng nó mà luyện thuốc trường sinh, từ trăm
năm nay...
Tư Lập vội ngồi lên xuồng, chụp cây dầm, hờm
sẵn:
- Bậy quá! Nó “đi bông” tới đây rồi
mất dạng. Chờ một hồi nữa coi.
- Ði bông là gì? Chú Tư.
- Là đi hút nhụy bông... kìa mê quá!
. . .
Một con ong rồi hai con ong bay qua
sát ngọn cỏ, lưng ngời những rằn xanh đỏ, hai chân sau quặp lại kẹp hai đốm
vàng sậm mà thằng Kim đoán là nhụy bông.
. . .
. . .
... Hoảng hốt, Tư Lập nhảy ra, nắm
cườm tay người khách lạ:
- Tao ở nhà ông hương giáo hồi xưa
đây mà. Chú mày đến sau nên không biết rõ tao là ai.
Khách trố mắt:
- Trời! Cậu Tư. Về hồi nào! Trời...
nãy giờ thấy cây búa, tôi hồ nghi là của cậu. Sao không lại thăm cô Hoàng Mai?
Tư Lập vuốt mồ hôi trán:
- Thôi! Về đi. Nhắn với ông hương
giáo rằng tối nay tao tới.
- Buồn lắm! Cô Hoàng Mai yếu nhiều.
Tư Lập thở dài:
- Vậy hả? Ðừng nói nữa. Về trước đi.
Khách rút lui. Tư Lập nói ngậm ngùi:
- Trốn mà không khỏi. Trốn Tây ta là
chuyện dễ; trốn người quen là chuyện khó hơn. Ta ăn cắp ổ ong khi nãy mà chi?
Nghề ăn ong có nghiệp chướng... Ðây là ổ ong cuối cùng của tao trong nghề...
Thằng Kim hỏi:
- Sao vậy? Ai đau nhiều vậy chú? Cô
Hoàng Mai là người bà con...
- Bà con không phải bà con. Người
dưng không phải người dưng. Tối nay mày thay mặt tao, lại đó mà thăm ông hương
giáo. Phần tao, tao phải xa rừng này. Ở lại đây, mày có dịp học khôn. Ðừng
buồn. Ðể tao nói lại đầu đuôi sự tích, hồi năm trước...
. . .
...Ông hương giáo nói:
- Chú em thức hả? Kìa! Trên bàn thờ,
từ bao năm rồi, tôi luyện “ngọc ong” để trị bịnh. Bịnh gì, chắc Tư Lập nói sơ
cho chú em hiểu rồi. Tôi buồn quá. Tư Lập không trở lại nhà này nữa đâu. Chú em
cứ nói thiệt. Phải vậy không?
Thằng Kim nói:
- Dạ cháu không biết. Chú Tư không
nói rõ...
- Ta hiểu lắm. Dầu sao, trở về lần
này, Tư Lập cũng đã tỏ ra có nghĩa! Ai nỡ câu thúc chí trai của mình trong một
xó để đổi lấy chữ nhàn? Ai nỡ bỏ cái danh dự để mua chuộc một chức tước quí
phái huyền hão. Từ xưa, tằng tổ của ta cũng vì khí khái ấy mà phò Chúa, xiêu
lạc đến đây! Bây giờ ta yếu lắm rồi. Dầu muốn bắt chước Tư Lập, ta cũng không
còn đủ sức lực mà bắt chước. Gia thế của ta, thiên hạ đã rõ. Câu thúc Tư Lập ở
mãi tại đây chăng? Ta chỉ là người hương giáo, quyền hạn gì? Ừ! Tôi lo là tôi
lo cho Hoàng Mai. Năm nay, nó ngồi một chỗ, không còn đủ sức mà ra thăm cội
hoàng mai trước ngõ như hồi Tư Lập biết.
Sáng hôm sau, thằng Kim từ giã ông
hương giáo rồi đến ngồi bên mé rạch. Bông vừng tươi thắm, cây cối hai bên bờ
giao đầu lại, mát mẻ. Nó chờ đón bất cứ xuồng ghe ai, đi về đâu cũng được, để
quá giang. Sau lưng nó, trên thềm nhà, trong bóng mát, hình dáng của Hoàng Mai
với đôi mắt và mớ tóc trùm kín trong chiếc khăn. Chiếc tay áo của nàng lòng
thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng ... ]
HƯƠNG RỪNG- Sơn Nam (1)
Chuyện tình cô "bông mẫu
đơn" Hoàng Mai buồn quá phải không bạn ? Áng văn tình này của nhà văn Sơn
Nam đâu có thua bất cứ áng văn tình nào của các nước ngoài đâu?
Ôi đẹp quá cảnh rừng tràm lúc ong
"đi bông". Đẹp quá cảnh sông nước Cửu Long với rừng tràm, rừng đước.
Có còn không khi thượng nguồn đã bị ngăn chặn bởi dã tâm của NƯỚC LỚN ?! (2)
NHẠC THƠ VĂN CÓ BIỂU TƯỢNG MẪU ĐƠN
1. THƠ VĂN
11. Thơ văn cổ:
a. Lưu Vũ Tích: một thi hào đời nhà Ðường có
làm bài "Am tửu khán Mẫu đơn" để diễn tả cái tâm lý tự trị của một
người già trước sắc đẹp:
Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn
Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đản sầu hoa hữu ngữ :
Bất vị lão nhân khai
Uống rượu ngắm hoa Mẫu đơn
Hôm nay uống rượu ngắm hoa
Cạn đôi ba chén gọi là mua vui
Chỉ e hoa nói lên lời :
Em không phải nở cho người già nua
(Bản dịch: Tương Như)
b. Truyện Kiều: Ðoạn miêu tả tên Mã Giám Sinh đến gặp Kiều để
mua Kiều về lầu xanh, nhìn sắc đẹp của Kiều, Mã say đắm toan tính:
Mừng thầm: Cờ đã đến tay
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng
Ðã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa
(Truyện Kiều câu 823 đến 826)
Tác giả Truyện Kiều mớm miệng cho Mã Giám
Sinh, một tên chuyên mua gái bán dâm, đánh giá con người Kiều, bằng cách so
sánh bóng bẩy văn vẻ như thế, càng cho ta cảm thấy nỗi đau đớn thấm thía của
một kiếp người. Có sắc đẹp "quốc sắc thiên hương" như Kiều mà hắn cho
là "cờ đã đến tay" !
Ðoạn nói về Kiều khi ở lầu xanh lần
thứ nhất tại Lâm Tri, gặp Thúc Sinh, định theo về làm vợ lẽ; nhưng bị Thúc Ông
(cha của Thúc Sinh) đến thưa quan sở tại, bắt Kiều vừa đóng gông, vừa đánh đòn
có câu:
Dạy rằng cứ phép gia hình
Ba cây chập lại một cành Mẫu đơn
(câu 1425 và 1426)
Mẫu đơn ám chỉ
Kiều.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều - NXB
Ðồng Tháp)
12. Thơ văn hiện đại:
SÁNG CẢM
Sáng nay anh chậm rãi buồn
vì mẫu đơn không chịu nở
anh phát giác ra mình yêu vợ
từ rất lâu
trong khi vợ anh suốt ngày chì chiết
bụng anh bự thế kia
suốt ngày ngồi miết
bịa ra những mối tình thống thiết
mua vui cho người mà mình lại đau
Sáng nay anh ra vườn bắt sâu
không để nó thậm thụt với mẫu đơn hàm
tiếu
những nàng quế, tía tô, ngò, hành,
đậu bắp buồn rung rinh
anh chợt hiểu
đời mình chỉ đeo đuổi cái phù du
hương hoa
vô ơn với rau cỏ nuôi mình
có thêm vitamin qua cơn táo bón
Sáng nay và nhiều buổi sáng khác
anh chỉ bận tâm
tại sao mẫu đơn không chịu nở
tại sao phù dung lại mau tàn
nhưng thế nào cũng hái một bó rau
lang
cho nồi canh trong bếp
Rau cỏ ơi !
có bao giờ là hoa đâu
mưa nắng kiếp nào cũng
truyền đời thiêm thiếp
Anh chậm rãi buồn
ngồi vào bàn viết tiếp
vô tích sự những bài thơ
vô dụng những bài thơ
(Nguyễn Hàn Chung)
NGÀY HÁT KHÚC TÌNH THUA
cả đời ta vì một khúc tình thua
mà vác kiếm dạo quanh trời gái đẹp
mỗi quốc sắc chỉ một lần được chết
đã đâu yên – kìa năm bảy nấm mồ
cái thời ta cầu bại phải ngao du
bài ca cũ dễ chi đành tuyệt tích?
cái thời mỗi tên hoa lần hồi ta xoá
sạch
những môi thơm bặm kín nỗi u tình
những kỳ nữ xuôi tay còn trợn mắt
vu oan ta chỉ để nhẹ hồn mình
cái thời mỗi khi ta buồn dừng vó ngựa
là một quan tài lê lếch qua sông
kiếm báu cứ lần chồm lên miệng vỏ
là bên kia trời lật xác thiên hương
thời tóc xanh bay rừng lòng ngạo mạn
đất thẳm trời dày trong tay hảo hán
tiếng cười gằn quên khấy chút khoan
dung
đầu tình bay mà lưỡi kiếm còn rung
cái thời dưới khuya sương đau lòng
bất bại
giặt áo phơi trăng hát lời độc cô
tiếng hát nổi chìm truyền ra miệng
thế
mỗi khen chê đủ dằn mặt giang hồ:
“…thèm nhát kiếm lia ngang trời kiêu
bạc
trần gian ơi, tri kỷ dễ còn ai ?
ráng huề giùm ta ví không thắng được
cho ta riêng ngậm thử chút tình hoài…”
*
em thuở ấy hẳn chưa từng biết mộng
trò cung tên chỉ quanh quẩn hiên rào
đâu tưởng nổi có lần em bắn trúng
con chim về từ cõi biển xanh dâu
đâu tưởng nổi lòng chưa khuây gió
sóng
tóc đôi màu còn ướt ngọn sương mưa
lại có thể ta bàng hoàng chết lặng
mũi tên buông sau một nhát gươm đùa
đâu tưởng nổi ngày ta thèm qui ẩn
lại bất ngờ được hát khúc tình thua …
(Hoàng Lộc)
2. NHẠC
Xin giới thiệu đến các bạn bài nhạc
rất dịu dàng của nhạc sĩ Trần Hoàng Thụy, nói về sự cay đắng của hoa rụng với
giọng ca Hoàng Nga: NGẮM HOA
Ngắm hoa
Hôm qua người ngắm hoa còn thắm
Mà sớm nay hoa đã rụng tơi bời
Có phải bao nhiêu là cay đắng
Hoa kia đã nhận bớt cho người
(nhạc Trần hoàng Thụy, thơ Thanh
Tùng)
https://www.youtube.com/watch?v=pE_ABeWmas8)
KẾT
Hoa Mẫu đơn là biểu tượng của sự
thịnh vượng, phồn vinh, là “hoa phú quý” . Mẫu đơn là loài hoa vương giả sang
trọng ở Trung Quốc, biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng và sắc đẹp.
Hoa Mẫu đơn đóa lớn rực rỡ lạ thường, hương thơm áp
đảo mọi loài hoa khác. Vì vậy người ta còn gọi là “bách hoa vương”. Bông hoa
quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh
“Chúa của muôn hoa”. Nhất là giai đoạn từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 13 sau Công
Nguyên. Mẫu đơn được ca tụng trong văn thơ, nhạc và tranh vẽ lúc bấy giờ.
Người ta dùng từ “quốc sắc thiên
hương” (sắc nước hương trời) để hình dung hoa mẫu đơn. Hoặc có cách phác họa
khác là: “Thiên hạ chân hoa độc mẫu đơn” (chỉ có mẫu đơn mới xứng đáng là hoa
thật trong thiên hạ)
Mẫu đơn là một thứ hoa thơm, đẹp quý
nhất trong các loại hoa, được gọi là Vương hoa. Cho nên có thể cho rằng khi nói
"Quốc sắc thiên hương" là để ám chỉ một tuyệt sắc giai nhân với hoa
Mẫu đơn. Những người đẹp trong thi văn, lịch sử như nàng Kiều của Nguyễn Du, Dương Quý Phi, Tây Thi, hay Vương Chiêu Quân
... thường được ví như hoa Mẫu Đơn, với cụm từ "sắc nước hương trời"
hay "quốc sắc thiên hương" này.
Đó những lý do các thi nhân thường
dùng hình ảnh hoa Mẫu đơn trong các bài
thơ của mình.
Qua trên là những lời Nguyên Lạc viết
rõ để giúp các bạn hiểu thêm được cái
hay, đẹp của các bài thơ có BÓNG DÁNG
MẪU ĐƠN.
Nguyên Lạc TX 2017
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn:
Ðiển tích Truyện Kiều, Tâm Linh Huyền
Bí.net ,daohoavien.com, Tinhhoa.net, Đại
kỷ nguyên,
Tổng hợp về hoa Mẫu Đơn ( từ Internet
) Huỳnh Huệ ...
Hình ảnh:
Hoa Mẫu Đơn ( ROSE PARK VIỆT NAM)
https://www.youtube.com/watch?v=g5kVBcIoisQ
Peony -Hoa Mẫu đơn
https://www.youtube.com/watch?v=n6ud6QmzfE4
Peonies.avi (PPS)
https://www.youtube.com/watch?v=7_jUQJWIvFc
http://vietmessenger.com/books/?title=huong%20rung%20ca%20mau&page=15
Ghi chú:
(*) Cây cóc kèn: Derris trifoliata
rất phổ biến trong những vùng ngập mặn, rừng sác mangroves, là loại cây bò
trường thuộc họ Fabaceae.
(1) Sơn Nam:
http://vietmessenger.com/books/?author=son%20nam
(2) Nhà văn Ngô Thế Vinh: Cửu Long
Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng
http://damau.org/archives/4409
https://uyennguyen.net/?s=ngo+the+vinh&x=7&y=3
@Nhạc: Ngắm hoa (nhạc Trần hoàng Thụy, thơ Thanh
Tùng)
https://www.youtube.com/watch?v=pE_ABeWmas8)