Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 18, 2014

NHƯ BẢN TÌNH CA - Linh Thy



NHƯ BẢN TÌNH CA

Từ trong quả thị bước ra
Trong vườn cổ tích em là nàng tiên
Em luôn giữ nụ cười hiền
Bấy nhiêu năm vẫn hồn nhiên nhu mì

Trường Sơn muôn dặm anh đi
Nghiêng trăng ta mãi thầm thì bên nhau
Nhìn lên sao sáng trời cao
Hồn thơ em vẫn dạt dào Trường Sa

Bên nhau dệt bản tình ca
Cảm ơn em mãi mãi là của anh…

                            Linh Thy
READ MORE - NHƯ BẢN TÌNH CA - Linh Thy

NGƯỜI HÁT XIỆC - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình



NGƯỜI HÁT XIỆC 

Cô Hoài nhớ lại ngày cô nhặt đứa bé sơ sinh bị cha mẹ  bỏ rơi ở cạnh đường ray xe lửa năm nào. Cô đã đem về nuôi nhưng cuối cùng nó cũng không ở với cô được lâu. Đến  lúc mười sáu tuổi nó đã bỏ nhà ra đi.  Giờ nầy nó ở đâu. Làm ăn sinh sống thế nào. Đã sáu năm rồi  cô không có một tin tức gì về nó. Mà cũng lạ, không biết sao trong lòng cô  vẫn không nguôi hy vọng  một ngày nào đó nó sẽ trở về với cô.


Cô Hoài là giáo viên cấp hai đã nghỉ hưu.  Chồng cô là giáo viên cấp ba mất do một cơn bạo bệnh, lúc cô vừa sinh đứa con trai đầu.
Cô ở vậy nuôi con cho đến lúc con trai cô trưởng thành. Thế rồi cậu con trai cũng đã hy sinh vào năm 1978 lúc đang làm công tác nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Đã qua thời kỳ sinh dẻ nên cô cũng không nghĩ tới chuyện chắp nối cho có tương lai nữa. Cô định đến trại từ thiện xin một đứa bé về nuôi để có hôm sớm tuổi già. Chưa kịp thực hiện ý định  thì cô Hoài nghe tin ở cạnh đường ray xe lửa xuyên qua thị trấn cô đang ở, có một đứa bé mới sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Nghe vậy cô Hoài đến xem tình hình thực hư thế nào. Quả đúng như tin đồn, cô đến nơi đã thấy có vài người đi đường đứng bu quanh. Một đứa bé sơ sinh được quấn trong cái khăn lông màu trắng. Có lẽ do sương khuya lạnh nên mặt  đứa bé đã tím tái. Nó khóc không thành tiêng. Nhưng  rõ ràng đứa bé còn sống, tay chân nó vẫn còn cựa quậy. Cô Hoài chợt la lên hoảng hốt: Chết rồi mắt đứa bé bị kiến moi. Cô lao đến xốc đứa bé lên. Lấy tay gạt một con kiến lửa đang bu vào mí mắt bên trái của nó. - Hỏng mất con mắt rồi. Cô Hoài kêu lên như chính con mắt mình đang nhức nhối. Đứa bé phát ra tiếng khóc như mèo con kêu. Có ai đó nói: -Đúng rồi, cô Hoài chưa có con cái gì, đem nó về nuôi làm con đi. Trời cho cô đấy. Một giọng đàn bà khác: -Con cái mình đẻ ra chưa chắc đã nhờ được. Biết đâu sau nầy lại nhờ nó đấy. Đem về săn sóc nuôi dưỡng nó đi cô Hoài.
Cô Hoài không nghĩ gì về những lời nói ấy. Cô thấy cảnh đứa bé quá thương tâm, trong lòng cô chỉ nghĩ một điều: Nếu mình không đem đứa bé về săn sóc thì nó sẽ chết mất. Sau nầy con của ai họ đến nhận thì cho lại.


Đứa bé mà cô Hoài nhặt về nuôi hôm đó là một bé trai. Mặc dầu cô đã chạy chữa hết sức nhưng con mắt bên trái của nó đã hỏng. Đứa bé lớn như thổi. Đã hai năm trôi qua nhưng không có ai đến xin nhận nó cả. Cô Hoài quyết định nuôi nó làm con. Cô đi làm giấy khai sinh cho nó, lấy họ của chồng và đặt tên cho nó là Phúc. Cô nghĩ việc làm nầy là một điều phúc  cho đứa bé mà cũng cho chính cô.  Cô Hoài tính để nó lớn lên một chút nữa sẽ đưa vào  thành phố, không chữa được mắt thì làm mắt giả cho nó.
Cu Phúc càng lớn lên càng tỏ ra ngang bướng, hung hãn. Những đứa trẻ trong xóm chơi với nó thường bị nó xô ngã. Đôi khi nó cắn con hàng xóm đến chảy máu, in dấu hai hàm răng rờ rợ. Hàng xóm ai cũng ghét, một phần người ta nghĩ cha mẹ nó là loại người bất nhân. Con công không giống lông cũng giống cánh, thế nào sau nầy nó cũng giống cha mẹ nó. Mà tính hung hăng của nó  bây giờ là một biểu hiện. Ngay cả chuyện ăn uống của nó, cô Hoài cũng đã vất vả khổ sở. Uống nước thì bao giờ nó cũng đòi nước phải có ngọn nó mới chịu uống. Vậy mà cô Hoài cũng chiều được. Khi rót nước cho nó, nước ngang miệng ly rồi, cô phải nhỏ từng giọt để nước vun đầy lên mà không tràn ra. Có nhiều khi nước đã đầy lên ngang miệng ly, cô vụng tay làm  nhỏ thêm  vài giọt nữa. Thế là nước tràn ra ngoài, cô  phải bắt đầu làm lại. Ăn thì cơm cũng phải vun đầy lên khỏi miệng chén. Mới ăn hết ngang miệng chén nó lại đòi đơm vun thêm. Mà sao cũng hay cô Hoài chịu đựng được hết. Không hề đánh đánh đập hay mắng mỏ nó một lời nào. Cô Hoài hy vọng  lớn lên nó sẽ thay tính đổi  nết. Nhưng không, càng lớn nó càng  hung. Vào cấp một, cô Hoài gởi nó đến trường. Trường nào cũng được vài ngày, nhiều nhất là một tuần, người ta cũng đòi trả lại. Bởi nó đánh những đứa trẻ trong lớp chảy máu chảy me khiến  phụ huynh yêu cầu cho con em mình sang học lớp khác. Cô Hoài lại phải đến năn nỉ các cô giáo và phải chịu thêm một khoản tiền để các cô đặc biệt theo dõi nó, tránh không cho nó đánh lộn trong lớp.
Hết cấp một rồi đến cấp hai. Cô Hoài thường phải đến trường học của nó để nghe thầy cô giáo phiền trách. Nghĩ cô Hoài trước đây cũng là nhà giáo nên nên nhà trường cũng không đuổi nó, chỉ mời cô đến để nhắc nhở lưu ý giáo dục con mình thôi.
Thấy thằng Phúc vậy cô Hoài bắt đầu lo. Nếu nó càng lớn lên càng hư hỏng thì cô biết làm sao đễ dạy dỗ kềm cặp nó vaò khuôn phép đây?


Thế rồi việc mà cô Hoài lo sợ rồi cũng đã đến. Mùa hè năm đó thằng Phúc sắp bước vào cấp ba, cô Hoài đã tiết kiệm được một số tiền, định đưa nó vào Sài gòn để làm mắt giả cho nó. Khi cô Hoài mở tủ ra kiểm tiền thì những đồng tiền cô dành dụm mấy lâu nay, không  cánh mà bay đâu mất. Ngoài thằng Phúc thì không ai thò tay vào cái tủ nầy của cô cả. Lần đầu tiên cô Hoài giận đứa con nuôi run cả người. Tuy vậy cô vẫn giữ bình tĩnh gọi thằng Phúc đến, nhỏ nhẹ hỏi:
- Con lấy hết tiền trong tủ của mẹ rồi phải không? 
Cô dỗ dành:
- Con biết số tiền ấy mẹ tiết kiệm hơn cả chục năm nay để làm gì không? Mẹ dùng để chữa mắt cho con đấy. Con để đâu đưa lại cho mẹ. Tháng sau mẹ sẽ đưa con vào Sài gòn để chữa mắt cho con. 
Thằng Phúc trả lời tỉnh khô:
- Tiêu hết rồi. 
Cơn tức chặn ở họng nhưng cô Hoài cố nuốt xuống:
- Còn bao nhiêu cũng được, con đưa mẹ, mẹ sẽ vay mượn thêm mà lo cho con.
- Đã nói là hết rồi. 
Bây giờ thì cô Hoài không kìm được nữa:
 Thế là hết nước hết cái, chẳng còn gì để nói. Thôi từ nay mầy lớn rồi, không còn mẹ con gì nữa. Muốn đi đâu thì đi. 
Thằng Phúc trợn hai con mắt trắng dã:
- Tôi biết rồi. Tôi đâu phải con của  bà sinh ra. Bà không có con nên định nhặt tôi về sau nầy bưng phân đổ dãi cho  bà lúc già chứ gì. Bà không nói thì tôi cũng ra đi. Ở cái thị trấn chết tiệt nầy có ai coi tôi ra gì đâu. 
Nói xong thằng Phúc  bước ra cửa bỏ đi một mách.
Cô Hoài gọi theo thảng thốt:
- Phúc! Phúc! Ai nói với con điều đó?
Nhưng thằng Phúc không quay đầu lại.


Sự việc xẩy ra cách đây đã lâu. Nhưng mỗi lần nghĩ lại cô Hoài vẫn không cầm được nước mắt. Cô giận thằng Phúc nhưng sao cô vẫn thấy thương nó. Cô nghĩ đến cái hôm cô nhặt nó bên đường ray xe lửa cô đã đau xót như thế nào khi thấy mấy con kiến bu vào moi mắt nó.  Rồi qua năm tháng cô ẳm bồng săn sóc cho nó. Ước nguyện của cô là làm cho nó con mắt giả. Thế mà khi dành dụm đủ tiền nó lại phá hết mà bỏ đi. Nó đi đâu? Nó làm gì để ăn? Chắc cũng lại trộm cắp rồi bị người ta đánh đập hành hạ mà thôi. Nghĩ đến đó cô lại chảy nước mắt.  Người ta bảo ở hiền gặp lành nhưng cô ăn ở có sao đâu mà gặp toàn những cảnh cay nghiệt thế nầy. Nhiều người bạn đến thăm đã an ủi cô rằng theo thuyết Nhân quả của nhà Phật thì những gì mình gánh chịu hôm nay đều do quả báo của kiếp trước mình gây ra. Vì thế đừng quá phiền muộn. Nhưng cô Hoài không tin như thế. Chẳng lẽ con người ta sống hôm nay chẳng qua chỉ là kiếp sống của những người trả án thôi sao. Chẳng lẽ không có gì để con người ta có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn ngay chính trong cuộc đời nầy sao? Cô nghĩ rằng cứ sống cho tốt, dù cái nguyên lí ở hiền gặp lành không hoàn toàn đúng, thì con người ta vẫn có quyền hy vọng ngay trong cuộc đời nầy trước những gì mình đã làm được. Vì thế trong lòng cô vẫn nuôi hy vọng có một lúc nào đó, thằng Phúc, đứa con dù cô không dứt ruột đẻ ra nhưng cô đã nuôi nấng nó bằng tấm lòng của người mẹ, nhất định có ngày nó sẽ trở về với cô.

***


Tối nay tại nhà văn hóa thị trấn có tổ chức một đêm văn nghệ  phụ diễn các tiết mục xiệc do một đoàn ca nhạc kịch từ  tpHCM về biểu diễn để gây quỹ từ thiện giúp trại trẻ em mồ côi tại địa phương, trong dịp đầu Xuân..
Cô Hoài cầm tờ giấy mời đến dự và được một người trong ban tổ chức mời lên dãy ghế hàng đầu, vị trí dành cho đại biểu chính quyền và các khách quý.
Thực ra ở cái tuổi của cô, cô Hoài chẳng còn háo hức gì. Nhưng cô muốn đến dự  để xem vì sao người ta lại mời cô. Cô chỉ là một giáo viên về hưu chứ đâu có vai vế gì trong cái thị trấn nầy.                                                                                                   
Ở hàng ghế danh dự, cô Hoài được Phó chủ tịch thị trấn bắt tay, rồi đến Giám đốc nhà văn hóa và một số nhân vật trong lĩnh vực Thông tin văn hóa của thị trấn. Trong đó có vài anh chị là học trò cũ của cô Hoài.
Khi bắt tay với ông Phó chủ tịch thị trấn, cô Hoài cảm thấy áy náy vì mình ngồi ở hàng ghế danh dự. Cô mỉm cười và nói:
- Không biết sao hôm nay tôi  được Ban tổ chức ưu ái dành cho giấy mời ở hàng ghế danh dự nầy. 
Ông Phó chủ tịch cười :
- Sao lại không biết. Cô đã đào tạo bao nhiêu thế hệ học trò ra phục vụ xã hội thì xứng đáng được ngồi ở hàng ghế nầy chứ sao.


Trước khi đoàn văn nghệ  ra mắt, ông phó chủ tich thị trấn lên cảm ơn  đoàn về công tác từ thiện tại địa phương.


Buổi trình diễn  bắt đầu.
Xen lẫn giữa những tiết mục ca nhạc là các màn diễn xiệc.. Cô Hoài theo dõi mà lòng cứ phân vân sao mình lại có giấy mời. Nếu là học sinh cũ của cô thì người đó là ai. Giữa thời buổi nầy mà có những học sinh còn giữ được tấm lòng như vậy với thầy cô cũ của mình, thật là đáng quý.
Chương trình đã sắp kết thúc nhưng cô cũng chẳng biết thêm được điều gì. Cô định sau buổi trình diễn cô sẽ lên gặp ban tổ chức để hỏi. Nhưng nghĩ lại, cũng không cần thiết phải tìm cho ra lí do. Ai mời cũng là có nhã ý rồi.
Cuối chương trình là tiết mục xiệc, theo như giới thiệu  diễn viên cũng là người trưởng đoàn. Theo lời giới thiệu thì trưởng đoàn sau khi biểu diễn sẽ có vài lời với bà con về mục đích và ý nghĩa của buổi văn nghệ.
Màn xiệc có tên: Những giọt nước không bao giờ tràn ly. Do nam diễn viên  X biểu diễn. Tên tiết mục sao nghe là lạ, cô Hoài mỉm cười và chú ý.  Cô nghĩ có lẽ những gì  trưởng đoàn sắp nói sẽ giải đáp cái thắc mắc của cô.
Nghệ sĩ  biểu diễn là một thanh niên, dong dỏng cao với bộ vét tông trắng, kính mắt màu đen sậm. Vì ngồi gần khán đài nên cô Hoài quan sát rất rõ. Cô muốn phát hiện cho ra cái thủ thuật che mắt người xem  khi diễn viên diễn xuất. Thanh niên một tay càm cái ly uống nước mà ta thường dùng hằng ngày, một tay xách một một chai nước có mầu đỏ. Anh ta cúi đầu chào khán giả  và giải thích trò diễn của mình:
- Thưa quý bà con,  màn xiệc của tôi bắt đầu là bằng việc đổ nước từ từ trong chai  vào cái li nầy. Cho đến lúc nước ngang miệng li, sau đó tôi sẽ nhỏ thêm vài giọt nữa để nước vun cao khỏi miêng ly. Cái nầy thì ai cũng làm được có phải không bà con?

Nói đến đây diễn viên chỉ tay lên màn hình của máy chiếu là một tấm màn trắng treo bên cánh gà, từ đó mọi người dưới sân khấu  có thể nhìn thấy mọi thao tác của diễn viên. Anh nói tiếp: - Cái mà tôi muốn biểu diễn không phải chừng đó.  Quý bà con  có thể nhìn thấy mực nước vun lên khỏi miệng ly một chút trên màn hình nầy. Sau đó tôi xoay cái ly  thật nhanh trên đầu chiếc đũa. Quý vị sẽ thấy nước trong ly dâng cao lên khỏi miệng li và tạo thành một cái chóp giống như một tháp nước vậy.
Anh ta giải thích thêm:
- Đó là một điều tưởng chừng như không thể làm được. Bởi khi ta xoay mạnh ly nước thì lực li tâm sẽ kéo nước  bắn tung tóe ra chung quanh  miệng li. Nhưng ở đây thì nước lại bắn ngược vào giữa để tạo nên một cái chóp. Thật là khó tin phải không quý vị. Nhưng đây nhé, quý vị xem đây.

Trên màn hình anh diễn viên rót nước vào li cho đến lúc có một váng sáng mầu đỏ vun tròn trên miệng ly. Anh nói: - Đấy, đấy! Nước vun lên khỏi miệng ly rồi đấy. Bây giờ bà con  xem tôi xoay nầy. Một hai ba!
Chiếc li xoay tròn trên đầu đũa. Cô Hoài thấy nước trên mặt ly nhô cao lần lần và cuối cùng thành một chóp nhọn vượt hẳn miệng ly. Tiếng vỗ tay vang lên.  Anh diễn viên xoay ly chậm dần và ngọn nước từ từ hạ xuống ngang miệng ly. Anh  ta cầm chiếc ly và đổ nước ra. Lại nhiều tiếng vỗ tay. Diễn viên cúi đầu chào lần nữa và nói:
- Thưa quý bà con, hôm nay tôi trở về đây, mục đích không phải là để trình diễn cái tôi làm được mà bà con không làm được. Mà mục đích chính  là  để trình bày cái mà bà con làm được nhưng tôi đã không làm được. 
Mọi người chưa  hiểu anh  định  nói gì thì anh diễn viên đã giải thích:
- Dạ đúng như vậy. Thưa bà con.  Câu chuyện như thế nầy.Tôi vốn là đứa bé bị bỏ rơi từ lúc mới sinh. Được một người mẹ nhặt  ở đâu đó mang về nuôi nấng dạy bảo, bằng tất cả tình thương của tấm lòng người mẹ. Nhưng khi lớn  lên tôi bị bọn trẻ trong xóm không cho nhập bọn. Chúng bảo tôi là đứa bé bị cha mẹ ném ngoài đường nên kiến moi mắt. Có lần tức quá tôi đã cắn một thằng suýt đứt cái tai. Vậy là từ đó cha mẹ chúng cấm không cho chúng chơi với tôi nữa. Lớn lên đi học, bạn bè cũng xa lánh tôi, ngoài cái tội tôi bị cha mẹ bỏ rơi đến đỗi kiến moi mắt, tôi còn là thằng con trai có tiếng là hung bạo từ nhỏ. Tôi đã đánh tất cả bọn chúng, không chừa một thằng nào kể cả những thằng to xác hơn tôi. Tôi bị đuổi học. Người mẹ nuôi của  tôi không biết bao  lần đã xin cho tôi được đi học lại. Nhưng tôi không thể nào học được nữa. Và cuối cùng tôi đã trốn ra khỏi nhà và mang theo toàn bô số tiền mà người mẹ nuôi tôi đã dành dụm định chữa mắt cho tôi. Những ngày tháng lang thang tôi không kiếm được việc làm nên tiêu dần hết số tiền. Có một lần  ngồi trong tiệm ăn lớn tôi định ăn một bữa thật sang trọng cho hết số tiền còn lại sau đó tôi sẽ đi cướp giật người qua đường. Trong lúc ngồi ăn tôi nhớ đến người mẹ nuôi của tôi. Người đàn bà đã từng ngồi giọt những giọt nước sao cho vun đầy lên khỏi miệng ly để tôi uống. Người đã từng tiết kiệm những đồng tiền hưu để chữa mắt cho tôi. Tôi đã ngồi nhỏ từng giọt nước vào chiếc li trên bàn ăn và nghĩ về mẹ tôi cùng nỗi tuyệt vọng không còn cơ hội trở thành người để có một lần về thăm người mẹ. Khi những giọt nước đã vun lên khỏi miệng ly thì chợt một bàn tay ai đó đặt lên vai tôi. Tôi  quay lại và bắt gặp một người đàn ông sang trọng. Ông ta nói:
- Cậu  diễn  trò ảo thuật  đấy hả?
- Không. Buồn tôi làm chơi vậy thôi.
- Thấy cậu làm vậy tôi nghĩ ra một trò hay hay. Cậu đã có việc gì làm chưa?
- Chưa.
- Nếu cậu đặt  được ly nước nầy  lên mà xoay sao cho nước không đổ ra ngoài giọt nào thì từ nay trở đi cậu cứ đến đây ăn cơm thoải mái, không phải trả một đồng xu nào hết. Sao cậu làm được không?
- Sao lại không được. 
Tôi đặt ly nước lên chiếc đũa và xoay. Đây là trò chơi tôi vẫn làm từ nhỏ. Nhưng chỉ với cái ly không thôi. Bây giờ ly lại đầy nước và tất nhiên khi xoay mạnh nước sẽ tung tóe  ra chung quanh.
Người đàn ông cười:
- Khá đấy nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Vậy thì tôi chỉ đãi cậu một bữa cơm nầy thôi. 
Tôi tự ái:
- Không cần. Ông nghĩ tôi không có tiền trả sao.

Sau bữa đó, một phần vì tự ái, một phần tiền trong túi của tôi đã hết sạch. Túng quẩn mà nghĩ vậy thôi, chuyện cướp bóc trấn lột ngoài đường  thì tôi không làm được. Mà sao tôi lại tin rằng người đàn ông kia  không phải nói xạo với tôi. Qua một đêm suy nghĩ, tôi đã tìm ra cách. Và tôi đã thành công. Nước đã không bắn tung toé ra ngoài giọt nào. Giờ thì  tìm người đàn ông  ở đâu? Tôi mang cái bụng đói dến nhà hàng với ý định nếu không tìm được ông ấy thì xin rửa bát, dọn dẹp các bàn ăn, trước mắt là  để có hột cơm bỏ  bụng. Cũng may, ông ta vẫn ăn sáng ở đó với mấy người thân của ông. Tất cả trông sang trọng, dáng vẻ của những người có tiền.
- Sao cậu đã làm được điều tôi yêu cầu chưa?
- Tất nhiên là được. Ông vẫn giữ lời hứa chứ?
- Tất nhiên.

Tôi không lấy chiếc ly trên bàn ăn mà móc chiếc ly trong túi tôi ra. Tôi đổ nước vào đầy miệng ly. Trước khi xoay tôi đưa ly nước ra trước mặt người đàn ông, để ông ấy xem. Ông thấy tận mắt tôi  đổ nước vào ly nên không cần phải xem kỹ chiếc ly. Chiếc ly quay tít trên đầu chiếc đũa. Không một giọt nước nào bắn ra ngoài. Mà còn nhô lên thành một chóp cao trên miệng ly. Người đàn ông vỗ tay: Hay Hay!
Tôi sợ cái xảo thuật tinh tế của tôi khi ông ấy phát hiện ra ông ta sẽ không chấp nhận.  Nhưng lại nghĩ ông ta chỉ yêu cầu một điều kiện là nước không tung ra khỏi li thôi. Còn cách nào thì tùy tôi chứ. Dù vậy tôi vẫn hỏi:
- Ông có muốn xem cái ly của tôi không?

Ông ấy xua tay: Không. Dù cái ly đó như thế nào thì đấy cũng là khả năng trời cho cậu.
Không ngờ ông ấy là chủ một gánh xiệc nổi tiếng ở tp HCM. Ông đã thu nhận tôi và cho tôi ăn học, và tôi đã từng theo ông đi biểu diễn ở các nước.
Kể đến đây anh diễn viên nói:
- Thưa quý bà con. Đó không phải là cái khả năng  trời cho tôi. Đó là tấm lòng của một người mẹ. Nếu không có người mẹ với tấm lòng bao dung đã nuôi tôi bằng những giọt nước vun lên khỏi miệng ly thì tôi làm sao có được ngày hôm nay! Và tôi một đứa trẻ đáng lý ra như mọi người tôi phải là đứa con  hiếu thảo để đền đáp công ơn người mẹ, nhưng tôi đã không làm được điều đó. Do vậy buổi biểu diễn hôm nay là một công tác từ thiện của đoàn nhưng với riêng tôi nó có một ý nghĩa rất lớn lao. Đây là dịp tôi trở về  để tạ lỗi với người mẹ.

Nói xong anh diễn viên bước xuống sân khấu, trên tay ôm bó hoa. Anh từng bước  tiến đến hàng ghế danh dự nơi cô Hoài đang lặng người ngồi sau khi nghe câu chuyện.
Anh quỳ xuống trước mặt cô Hoài đặt bó hoa vào lòng cô và gọi bằng một giọng đầy xúc cảm: Mẹ!


Sài gòn những ngày giữa mùa mưa 2014.
NGUYỄN BÁ TRÌNH
Nguồn: nguyenbatrinh.com


READ MORE - NGƯỜI HÁT XIỆC - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

NỤ CƯỜI E ẤP NIỀM VUI - Nguyễn Hồng Trân



NỤ CƯỜI E ẤP NIỀM VUI 
                                  
Niềm vui mới đến với em,
Nụ cười thầm kín bên thềm mái hiên.
Trong lòng xao xuyến liên miên,
Chắc em rạo rực nỗi niềm yêu thương?...
Mấy năm đèn sách học đường,
Giờ đây sắp được ra trường Cử nhân.
Như đang suy nghĩ xa gần,
Nơi nào sẽ được công danh vững bền?...
Con đường sự nghiệp, tình duyên…
Cái đẹp, cái nết gắn liền với em.
Đời em sẽ được vui thêm,
Nhờ sự khiêm tốn, dịu hiền dễ thương.
Tình đời ưu ái sắc hương,
Yên tâm số phận trên đường lập thân.
Chúc em hạng phúc đến gần,
Đời sống ổn định, tinh thần yên vui.
       
Nguyễn Hồng Trân

(cựu GV. ĐHKH-Huế)
READ MORE - NỤ CƯỜI E ẤP NIỀM VUI - Nguyễn Hồng Trân

NGÀY LÚA MỚI BÊN ĐỜI THA HƯƠNG - thơ Hoàng Yên Lynh



NGÀY LÚA MỚI
BÊN ĐỜI THA HƯƠNG 

Em mời tôi
Chén cơm mừng ngày lúa mới
Ly rượu đong đầy
Đời tha hương còn đây tình Quảng Trị
Có phải chiều nay
Nắng ấm đất cao nguyên
Hương mùa gặt của miền quê kỷ niệm.

Tôi mừng em
Đời đi qua bao bão giông cay đắng
Tôi mừng tôi
Có một chiều nhắc lại chuyện lang thang.

Cạn ly thôi
Đời nổi trôi
Người Quảng Trị nơi miền đất nắng gió
Hương quê mình ngào ngạt những giấc mơ.

Đường ta đi dẫu nắng mưa sỏi đá
Nghe ngọt ngào tha thiết khúc dân ca
Bao tang thương oằn vai người Quảng Trị
Vẫn trọn tình đất mẹ, quê cha . . .

Ta uống mừng nhau
Đời xa xứ bên nhau ngày lúa mới
Chén cơm đầy
Ta còn có ... tương lai.


                         HOÀNG YÊN LINH
READ MORE - NGÀY LÚA MỚI BÊN ĐỜI THA HƯƠNG - thơ Hoàng Yên Lynh

EM VÀ THƠ, TA VẪN ĐỢI - thơ Nguyễn Đắc Thắng




EM VÀ THƠ

Em đài các như vần thơ niêm luật
Nét kiêu sa khuôn ngọc khó so cùng
Ta phong trần lặn lội giữa mông lung
Và khai phá trời tự do rực rỡ

Có nhiều khi ta gặp nhau bỡ ngỡ
Hai lối nhìn hai phong cách khác nhau
Nhưng ý thơ hội tụ giữa tầng cao
Chung nếp nghĩ hướng về chân thiện mĩ

Em tôn tạo khối đường thi kì vĩ
Ta say mê tìm nét đẹp đa nguyên
Lòng đôi ta khao khát cuộc hòa duyên
Và kết ước dệt tình thơ bất diệt.

                      

TA VẪN ĐỢI

Dẫu vô nghĩa nhưng lòng ta vẫn đợi
Tiếng còi tàu hú báo tự xa xa
Bóng con tàu đổ ập giữa sân ga
Và vội vã khi trời còn tỏ rõ

Như đang thiếu chút ảnh hình nào đó
Năm tháng dài cuộc sống bỗng bơ vơ
Những đêm buồn khắc khoải nỗi mong chờ
Cơn gió rét tái tê lòng cô lữ

Trong khoảnh khắc con tim buồn héo rũ
Trong thiên thu hòa lẫn sóng mù khơi
Trong cuộc đời ta đã mất em rồi
Trong tất cả là nỗi buồn tiếc nuối

Ta vẫn đợi!... Và dặn lòng... vẫn đợi!
Từng chiều về nơi ga nhỏ cô đơn
Tàu đến-đi đưa tiễn bóng hoàng hôn
Ta vẫn đợi! … Để chờ cơn gió cuốn!


                            Nguyễn Đắc Thắng - 201410
READ MORE - EM VÀ THƠ, TA VẪN ĐỢI - thơ Nguyễn Đắc Thắng

ĐỌC “TIỆC RƯỢU GIỮA ĐỒNG” THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH - Châu Thạch


Tác giả Lê Đăng Mành


ĐỌC “TIỆC RƯỢU GIỮA ĐỒNG”
THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH
Châu Thạch

Nhiều người hiểu chữ “Lãng Mạn” có nghĩa đen là “sóng tràn bờ”, là một trạng thái cảm xúc bay bổng, phản ảnh một ước mơ của khát vọng vươn lên trên thực tại. Nếu đúng nghĩa là như vậy thì bài thơ "Tiệc rượu giữa đồng" của Lê Đăng Mành là một bài thơ rất lãng mạn và lãng mạn ngay từ cái đầu đề. Thật vậy, có mấy ai mở tiệc rượu giữa đồng. Tiệc rượu đó nếu không là ngông, là kỳ quặc thì phải có ý nghĩa gì vượt xa sự thường tình ở đời. Đọc toàn bộ bài thơ ta thấy nó không ngông, không kỳ quặc mà phát hiện ở đó bày tỏ một nhân cách sống thanh bần và cao thượng:

Chiều sắp xuống tung lưới quẳng về tây
Vội vã khói mây tiễn cuộc hao gầy
Hư không có biết mai còn gặp lại
Thôi tới đây cạn chén giữa ruộng này

Kênh- mương- bờ - thửa, mâm bàn tiếp bạn…
Lấp lánh hôn hoàng nghiêng vạt cò chao
Bát ngát mênh mông như tranh thủy mặc
Rượu chay chén chuyển khiếp tận vườn đào*

Hắt một chén nhâm nhi cùng gió lộng
Không cao lương nên chẳng móc chuyện người
Chén tiếp chén … tay chuyền tay dân dã
Kiếp nông bần uống rượu… cũng kiệm lời

Chẳng khoa trương chuyện thương nòi yêu nước
Mà sử sách ghi mỏi trang bốn ngàn
Chân lấm tay bùn trí soi văn sách
Khoa bảng vọng đồng văn thánh còn ngân

Hắt chén nữa ruộng mương là chăn chiếu
Có ói đây cũng phân bón đất cày
Cho mầm tươi nứt- trổ bông hào kiệt
Dẫu tắt hơi ! thân hóa cỏ đê này

Lý lịch trơn nhờ bùn đất tắm gội
Hãy giữ gìn tinh khiết khi lỡ say
Như sen kia chẳng làm dơ nguồn cội
Vẫn ngát hương thơm hiến cuộc đời này…!

                                             LĐM
*Nơi anh em Lưu Bị kết nghĩa.


Vế đầu của bài thơ giới thiệu một tiệc rượu mở ra trên đồng ruộng trong khung cảnh buổi chiều bóng ngã vể tây. Lý do để mở tiệc là vì tác giả sợ đời là hư không nên biết đâu không còn cơ hội gặp nhau . Đọc vế thơ nầy ta biết ngay tác giả dùng bữa tiệc trên đồng ruộng hoặc hư cấu một bữa tiệc như thế để bày tỏ phong cách sống của mình trong những tháng năm vào tuổi Hạc:

Chiều sắp xuống tung lưới quẳng về tây
Vội vã khói mây tiễn cuộc hao gầy
Hư không có biết mai còn gặp lại
Thôi tới đây cạn chén giữa ruộng này
                  
“ Chiều gần xuống kéo lưới quăng về tây” là hình ảnh sống động chỉ sự sắp ra đi ở cuối đời người. Buổi chiều của thời gian chỉ kéo ánh sáng quăng về tây nhưng buổi chiều của đời người thì kéo tất cả vào cái lưới trời lồng lộng quăng vào trong bóng tối. Vậy chữ “tây” ở đây là bên kia thế giới của sự sống hiện tại.

“ Thôi tới đây cạn chén giữa ruộng nầy”: Vì “chiều” thể hiện cho cuộc đời còn lại, “tây’ thể hiện cho thế giới chết bên kia nên “ruộng” ở đây thể hiện cho đất sống hiện tại và “rượu” là niềm vui cần hưởng thụ.

Bốn câu thơ mở đầu đã thể hiện ngay một cách sống vô vi, ung dung và tự tại: Chiều ngã về tây nên ta uống rượu có nghĩa là sắp lìa bỏ đời nầy ta mau hưởng thú vui trên đất.  Thú vui trên đất mà lê Đăng Mành chủ xướng chỉ là một tiệc rượu đơn sơ đạm bạc nhưng đó là linh hồn của sự thắm thiết và tinh hoa của đất trời nơi nhà thơ đang sống:

Kênh - mương - bờ - thửa, mâm bàn tiếp bạn…
Lấp lánh hôn hoàng nghiêng vạt cò chao
Bát ngát mênh mông như tranh thủy mặc
Rượu chay chén chuyển khiếp tận vườn đào*

Mâm bàn tiếp bạn ở đây là đồng ruộng thân yêu. Rượu ở đây là phong cảnh hữu tình và say ở đây là say hơn cả nghĩa vườn đào mà anh em Lưu Bị ngày xưa kết ước. Một cuộc rượu như thế là cuộc rượu không phải của người phàm phu, vì rượu ở đây là hương vị thơm tho, đẹp đẽ của đất trời trải ra trước mắt mênh mông, cao rộng với biết bao màu sắc bày ra trước mắt những con người có tâm hồn thanh tao đầy thẩm mỹ.

Bàn rượu và rượu là thứ đời nầy chưa hề có ai đem ra mở tiệc nhưng cách uống của nhà thơ cũng khác lạ:

Hắt một chén nhâm nhi cùng gió lộng
Không cao lương nên chẳng móc chuyện người
Chén tiếp chén …tay chuyền tay dân dã
Kiếp nông bần uống rượu… cũng kiệm lời

Chẳng khoa trương chuyện thương nòi yêu nước
Mà sử sách ghi mỏi trang bốn ngàn
Chân lấm tay bùn trí soi văn sách
Khoa bảng vọng đồng văn thánh còn ngân

“Hắt một chén” có nghĩa là không phải uống vào bụng mà làm cho rượu bay ra không gian. Đây là khẩu khí của những con người hào kiệt rưới rượu giữa đất trời, bày tỏ khí phách hiên ngang của mình cùng sông núi.

Những chén tiếp theo nhà thơ chuyền tay cho bạn mình là những con người dân dã, nông bần, “kiệm lời” vì mang tâm tư sâu kín. Họ chẳng khoa trương vọng ngữ nhưng “Chân lấm tay bùn mà trí soi văn sách” Hai vế thơ nầy bày tỏ khí phách cúa những con người nhập tiệc, sự điềm đạm tỉnh táo của lớp người có nhân cách trước thế gian. Họ chỉ là người dân dã nhưng minh triết ở tâm hồn.

Vế tiếp theo có khẩu khí sảng khoái nhất của bài thơ, như anh chàng nông dân lại múa kiếm nhuần nhuyển giữa đất trời, toát ra cái hào khí ngất trời từ trong chiếc áo nâu: 

Hắt chén nữa ruộng mương là chăn chiếu
Có ói đây cũng phân bón đất cày
Cho mầm tươi nứt- trổ bông hào kiệt
Dẫu tắt hơi ! thân hóa cỏ đê này

Cái hào khí trong chiếc áo nâu đó nhà thơ muốn không chỉ có ở đời nầy mà nó phải lưu truyền cho thế hệ sau. Dùng ruộng mương làm chăn chiếu, ói cái chất văn chương minh triết của mình để bón phân cho đất, và chôn xác mình nơi đây để hoá cỏ cho đời là lý tưởng tuyệt đối của nhà thơ. Lý tưởng đó không khó với người nông dân bình thường nhưng rất khó với người nông dân trí thức vì chim cánh rộng thì phải bay xa, mấy ai làm kẻ sĩ lại chôn chân mình nơi đồng ruộng được đâu. Nhưng nếu kẻ sĩ  chôn được chân mình nơi đồng ruộng thì nó sẽ biến thành đóa sen đẹp hoàn toàn như vế chót của bài thơ:

Lý lịch trơn nhờ bùn đất tắm gội
Hãy giữ gìn tinh khiết khi lỡ say
Như sen kia chẳng làm dơ nguồn cội
Vẫn ngát hương thơm hiến cuộc đời này…!

Cuộc đời nầy rất cần nhiều nhân vật trong thơ Lê Đăng Mành vì mấy ai chịu “giữ gìn tinh khiết khi lỡ say”, bởi vì họ chẳng say “Tiệc rượu giữa đồng” mà say trên bàn cao ghế đẹp.
Tác giả Châu Thạch

Bài thơ “Tiệc rượu giữa đồng” là một triết lý sống thanh cao lồng trong một phong cách sống thanh bần. Ý nghĩa của bài thơ thật sâu xa lồng trong lời thơ thanh thoát. Rất tiếc người bình không viết đạt những gì mình cảm nhận trong thơ ./.
                                                       C.T.

  





   


             
READ MORE - ĐỌC “TIỆC RƯỢU GIỮA ĐỒNG” THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH - Châu Thạch

VỀ NGHE THU VÀNG - thơ Ngưng Thu



VỀ NGHE THU VÀNG

Hạ đi trắng trời hoa sữa
thời gian chở nặng ân tình
khởi mùa hơi thu bừng dậy
quyện vào sợi gió nguyên trinh


Mắt mẹ vui thơm lúa mới
bung hương tràm ngát triền đồi
giấc mơ trưa màu diệp lục
lưng trần cha hứng mây trôi


Rừng chiều xôn xao lá hát
màu thu quyến rũ thật là…
vừa nghe lưng trời nắng mới
bốn bề rộn tiếng chim ca


Mùa đi trên nhành hoa sữa
mây thu giăng mộng trắng ngày
chừng hoa cúc vàng nở rộ
ươm màu hạnh phúc lên cây.


Về nghe thu vàng giăng lối
heo may gõ nhịp vách chiều
khúc bình yên chừng đâu đó
ta về đan những thương yêu.


                    NGƯNG THU
READ MORE - VỀ NGHE THU VÀNG - thơ Ngưng Thu

CON ĐƯỜNG CÓ LÁ ME BAY - thơ Hồng Tâm





CON ĐƯỜNG CÓ LÁ ME BAY

Con đường có lá me bay
Yêu thương ngày ấy hôm nay còn gì?
Khi người cất bước ta đi
Ta đau thương mối tình si trong lòng

Hỏi người: người có nhớ không?
Hàng me xanh lá lớn trong âm thầm
Tình yêu đẹp theo tháng năm
Tay trong tay bỗng xa xăm u buồn

Đến giờ ta mãi vấn vương
Nội ô ngày ấy con đường lá bay
Nỗi lòng ta người có hay
Nội ô nay trắng màu mây nhạt nhoà

Lý Thị Minh Tâm:
Bút danh Hồng Tâm
Địa chỉ: số nhà 46, ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận,
huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh,
Điện thoại liên lạc:  01285990757,
Hội viên hội Văn học nghệ thuật huyện Bến Cầu, 
tỉnh Tây Ninh.
READ MORE - CON ĐƯỜNG CÓ LÁ ME BAY - thơ Hồng Tâm

Thùy Châu: TÂM SỰ VỚI BẠN, Thúy Ngân: BẠN TÔI



TÂM SỰ VỚI BẠN

Bạn cũngt biết tuổi thơ tôi nghèo khó
Mùa Đông tràn không áo ấm che thân
Khi Xuân về lòng đứng thấy bâng khuâng
Ngắm bạn bè xum xoe tà áo mới
Trong ấm no reo vui lòng phơi phới
Thà tâm hồn cùng hoa bướm trời mây
Còn mình tôi tuổi thơ là những ngày
Đầy vất vả khó khăn và thiếu thốn
Tuổi thơ tôi là những ngày nguy khốn
Đói triền miên trên mảnh đất khô cằn
Tuổi thơ tôi đầy những nước mắt lăn
Trên khuôn mặt lo âu của người mẹ
Tuổi thơ tôi làm gì có chia xẻ
Những ước mơ khi người khác dư thừa
Ngày xuân tôi toàn nhận những cơn mưa
Mưa đói nghèo mưa lạnh lùng cơ cực
Thời gian cho chắt chiu chút kiến thức
Để là người tôi có đưọc hôm nay
Là mồ hôi, máu, nước mắt từng ngày
Đổ mãi xuống trên vai oằn của mẹ
Trang sách đời tôi đổi bằng nứt nẻ
Bàn tay hằn chai sạn của người cha
Tuổi xuân tôi là đêm tối nhập nhoà
Bên bếp lữa đốt thay đèn để học

Minh triết đời không là trang sách đọc
Là những điều cảm nhận bởi từ chương
Những chở chuyên gặt hái ở học đường
Mà kết trái bằng gian lao đón nhận
Minh triết đời tôi nói bằng thân phận
Những đắng cay chua xót của chính mình
Minh triết đời làm sao để chứng minh
Khi cuộc sống toàn vinh hoa phú quý
Nói như thế không là tôi uỷ mỵ.
Vì cuộc đời vẫn có những đổi thay
Vì cuộc đời còn có những bàn tay
Cho tôi nắm trong xẻ chia yêu mến
Bạn thấy đó cuộc đời đâu bất biến
Và tử sinh là lẽ của vô thường
Thì bạn ơi làm gì có bi thương
Bởi từ đây ta ngộ ra lẽ sống
Giòng sông đời từ đói nghèo vô vọng
Đến đầy no tôi cảm nghĩa cuộc đời
Rồi thời gian gần gủi hay xa xôi
Sẻ thanh thản ra đi không vướng bận
Như bạn thấy  cuộc đời bao thân phận
Giàu nghèo gì rốt lại cũng phù vân
Thì bạn ơi có gì phải phân vân
Khi nhìn đời mỗi người một lăng kính.

                          Thuỳ Châu (14/10/2014)



BẠN TÔI

Tôi thấu hiểu điều bạn muốn nói
Hai vai gầy nặng nỗi niềm riêng
Tâm tư ta đầy ắp ưu phiền
Cả trái tim bao lần rướm máu!

Tuổi thơ tôi chỉ cào cào châu chấu
Cháy nắng hè lội ruộng mò cua
Đêm tái tê lạnh giấc trẻ thơ
Mơ áo hồng, thèm công chúa búp bê
Đôi dép mới cũng là xa xỉ…

Ta có chung một dòng suy nghĩ
Đời thấm  đẫm bao điều bi lụy
Ngộ ra rồi lòng thấy nhẹ tênh
Ta vẫn bước trên đường rộng thênh
Và vẫn hát lời yêu cuộc sống
Cười thật tươi, lòng luôn mở rộng
Nắm chặt tay truyền nhau sự sống
Cả niềm tin bạn đã cho tôi
Tôi nhớ bạn lắm – Bạn ơi

                      Thúy Ngân

                      15/10/2014
READ MORE - Thùy Châu: TÂM SỰ VỚI BẠN, Thúy Ngân: BẠN TÔI