Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 1, 2017

HOA VƯỜN NHÀ - Chu Vương Miện

 





 



 



 



 
READ MORE - HOA VƯỜN NHÀ - Chu Vương Miện

MAI TÔI VỀ - Thơ Thủy Điền

   
          Tác giả Thủy Điền



MAI TÔI VỀ

Mai tôi về thăm lại cố hương
Mai tôi về ghé lại phố phường
Qua lối nhỏ từng con đường cũ
Kỷ niệm thời trai trẻ yêu thương

Mai tôi về thăm rẩy, thăm nương
Mai tôi về ngắm lại ruộng vườn
Nhìn cây trái đươm hoa, nở nhụy
Lúa, ngô vàng phản phất đưa hương

Mai tôi về  thăm lại quê hương
Ngồi tựa ghế uống chè thưởng cảnh
Chiêm chàng trai vai mang nặng gánh
Cô lái đò đẩy mái trên sông

Nhìn đàn em thổi sáo mục đồng
Con trâu nhỏ trưa hè đầm nước
Mai tôi về lang thang xuôi, ngược
Ngắm hồ sen trước cổng Đình làng

Xem hoa nở nửa hồng, nửa trắng
Hương ngạt ngào lan tỏa sáng mai
Mai tôi về sẽ uống thật say
Bên bè bạn bao ngày xa vắng

Mai tôi về lạy trời tươi sáng
Để hưởng từng giọt nắng quê hương
Rồi cỡi trần đây đó lang thang
Bù đấp lại những ngày đông lạnh.

                                  Thủy Điền
                                 01-03-2017

READ MORE - MAI TÔI VỀ - Thơ Thủy Điền

CHỮ TRONG TỰ ĐIỂN VÀ CHỮ TRONG VĂN BẢN - Phạm Đức Nhì

        
                   Tác giả Phạm Đức Nhì



      CHỮ TRONG TỰ ĐIỂN VÀ CHỮ TRONG VĂN BẢN
                                                                       Phạm Đức Nhì
Có thể nói Tự Điển là một “nhà kho” chứa phần lớn hoặc đại đa số “chữ”, “từ” trong tiếng nói, chữ viết của một sắc dân hay một dân tộc. Tôi không dám dùng “tất cả” vì mỗi ngày – do sự vận động của cuộc sống - một số “chữ”, “từ” mới được phát sinh. Chữ trong tự điển là chữ “chết”, chữ trong văn bản là chữ “sống” vì nó được đặt vào một khung cảnh đặc biệt của cuộc sống. Nó hoặc là đang trôi theo dòng chảy của tứ thơ hoặc chạy theo dòng chuyển động ý tưởng của một câu, đoạn văn. Muốn bàn về nghĩa của một chữ hay một từ phải đặt nó trong khung cảnh của cuộc sống - một câu, đoạn thơ hoặc văn.
Đây là 2 đoạn đầu trong bài Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh? của cô giáo Trần thị Lam.
Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà 
sao không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh?
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Trong bài Đọc Bài Thơ Nhục Nhã Ê Chề Đau Xé Ruột tôi đưa ra nhận xét là câu đầu của mỗi đoạn là 2 câu thơ trùng ý. Ngộ ở câu trên và Lạ ở câu dưới đều có nghĩa “không giống ai”. Một bạn văn của tôi ở hải ngoại, chị Lê Thị Hoài Niệm, đã nhảy ra bênh cô giáo Trần Thị Lam (và không quên tặng tôi một cú giò lái):
Ngộ là ngộ, là hay quá, dễ thương quá, tiếng...địa phương được dùng rất dễ thương. Có thể nói: “cô gái ấy ngộ quá",  là xinh quá đó......Riêng tôi, có thể nói “cô giáo Lam này làm bài thơ ngộ quá, tôi rất thích”, là bài thơ quá hay.
Cũng có thể khi người ta … bất bình một ai đó, mà không muốn … nặng lời , người ta có thể nói "cái ông này...ngộ ghê chưa (hay cái ông này.... lạ ghê chưa), chuyện đó ông... xía dzô làm gì?"  có thể từ câu này nhà thơ cho là hai từ ngữ ...đồng nghĩa?
Còn lạ là...lạ, ai mà không biết mình là...người lạ, chẳng quen nhau nên không có vấn đề gì để...tranh cãi...
Làm sao hai từ ngữ này hoàn toàn ... đồng nghĩa và trùng ý? người đọc rất dễ dàng nhận ra sự khác biệt mà.
Và tôi đã trả lời:
Để ‘nói có sách, mách có chứng” tôi đã tra cứu vài cuốn tự điển Việt Nam thì thấy “ngộ” (tĩnh từ) có 2 nghĩa: 1/ lạ, trái thường (TĐ Khai Trí Tiến Đức) và lạ lùng, kỳ quặc, khác thường (những tự điển tiếng Việt trên mạng khác). 2/ ngộ nghĩnh, kháu khỉnh, đẹp, dễ thương.
Như vậy chị HN đã đúng một nửa – “ngộ” cũng có nghĩa là ngộ nghĩnh, đẹp, dễ thương. Nhưng khi đọc thơ không thể cứ lấy một nghĩa trong tự điển để gán cho một chữ nào đó trong câu thơ, bài thơ. Người đọc thơ phải đặt chữ đó trong khung cảnh bài thơ để truy tìm nghĩa của nó. Chúng ta thử đọc lại đoạn đầu của bài thơ:
Đấn nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà soa không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi
Hoàn cảnh đất nước như thế thì có gì “đẹp, dễ thương” đâu! Vì thế chữ “ngộ” ở đây không thể hiểu là “ngộ nghĩnh, dễ thương” được, vì nếu đất nước mình “ngộ nghĩnh, dễ thương” thì cô giáo Trần Thị Lam đâu phải viết những vần thơ đau xé ruột như thế. Như vậy chữ “ngộ” chỉ có thể được hiểu là “lạ lùng, kỳ quặc, khác thường, không giống ai”. Chị Hoài Niệm đã hiểu nghĩa chữ “ngộ” sai vì đã không đặt nó trong khung cảnh bài thơ.
Nếu tự điển có nhiều nghĩa, người đọc phải chọn nghĩa “theo dòng chảy của tứ thơ” hoặc “theo dòng chuyển động ý tưởng của đoạn văn. Tác giả đã “mang nặng đẻ đau” tạo ra tác phẩm, người đọc không có quyền (và không nên) áp đặt một nghĩa nào đó vào một từ nào đó trong văn bản dù nghĩa đó có trong tự điển và thường được những tác giả khác sử dụng. Dĩ nhiên, người đọc có quyền bình phẩm cái hay, dở của tác giả trong việc đưa từ đó (với nghĩa mà ông muốn) vào văn bản. Đó là quyền của người đọc. Nhưng đem một nghĩa khác trong tự điển (nghĩa chết), khác với nghĩa của tác giả, áp đặt vào một từ trong văn bản (từ sống) rồi bình tán loạn xạ - khiến khen ngợi biến thành chê bai (và ngược lại) - theo tôi, dù đầy thiện ý, vẫn là một hành động sai trái vì đã ảnh hưởng đến uy tín, và có khi, nhân cách của tác giả.
Phạm Đức Nhì
READ MORE - CHỮ TRONG TỰ ĐIỂN VÀ CHỮ TRONG VĂN BẢN - Phạm Đức Nhì

CUỐI NĂM VỀ ĐƯỜNG 9 - Thơ Huy Uyên



         

CUỐI NĂM VỀ ĐƯỜNG 9 

Đã lâu quay về chốn cũ
Em còn đưa anh vượt Bến Quan xưa
Lối lên Cùa trải dài thương nhớ
Thương biết bao em-con gái Đầu Mầu .

Bên cầu Dakrong nhà sàn Vân-Kiều
Chia tay La La kể từ dạo đó
Krong Klang nước chảy liêu xiêu
Rào Quán đổ chân đèo đầy nhớ .

Lô xô thoáng xanh màu núi
Thôi người rồi đã ở lại "đồi-thịt-băm"
Những nóc nhà Tà-rụt ôm sương khói
Mấy mươi năm xa xót dỗ lòng .

Suối một đời nước chảy lặng thinh
Em gái bản địu Akay đứng ngó
Bóng chiều sương mây màu chàm
Cây trên đồi tím trần thương nhớ .

Chiến-trường Tà-Cơn xưa ngủ muộn
Bên này Khe-Sanh đồi lá sương mờ 
Lác đác quanh đây dăm hàng chợ Huyện
Sáng nay sầu em cõng truông mây .

Hanh hao gió lùa đồi thông
Mặt hồ nằm im chao sóng
Người về ngã Tân-Liên,Tân-Long
Sông ngược dòng để tình ai cháy bỏng .

Ngợp bóng núi Sê-Pôn hùng-vĩ
Lính biệt-kích xưa còn ở lại Làng Vây
Cuối rừng vương những hàng mộ chí
Phơi cơn mưa dầm đi qua cuối ngày .

Lao-Bão mùa này gió Lào
Chuyến xe buồn chạy qua cửa khẩu
Sáng chiều tiếng người lao xao
Người một mình qua Viêng, Pakse' .

Em có sang sông về xóm cũ
Trong lòng đầy kỷ-niệm tháng ngày qua
Người một đời nhớ nhung Quảng-Trị
Mưa gió bao năm lạnh mãi đến giờ .

Đường 9 buồn treo giăng giấc mơ xưa...

                                     Huy Uyên 

READ MORE - CUỐI NĂM VỀ ĐƯỜNG 9 - Thơ Huy Uyên

ĐỌC “KHÔNG CÓ LẼ…” THƠ VĨNH THUYÊN - Châu Thạch



              Nhà thơ Vĩnh Thuyên


KHÔNG CÓ LẼ…

Không có lẽ một tôi đứng đợi
Mây trên đầu và nước ở trên non
Vì không phải loài chim trốn bão
Bay thật cao nên mỏi cánh lưng chừng

Không có lẽ yêu thương là tội
Khi chợ tình đã hết người mua
Em đừng sợ muà đông qua vội
Nắng không về!
em đã về chưa?

Không có lẽ dòng sông chạy mất
Chỉ tên em khắc kín nơi này
Nơi không có, có không, có lẽ
Đêm hoang tàn gió cũng sang ngang

Không có lẽ mình tôi có lẽ…

                         Vĩnh Thuyên



         Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “KHÔNG CÓ LẼ…” THƠ VĨNH THUYÊN
                                                                  Châu Thạch

Lâu quá hôm nay mới đọc lại được thơ Vĩnh Thuyên.
Thật lòng nếu chọn giữa thương và ghét  thì tôi không thể nào chọn thương được khi đọc thơ  Vĩnh Thuyên. Vì thơ Vĩnh Thuyên ngắn quá, để ngâm vịnh ngoài miệng thì ít, mà để nghiền ngẫm ở trong lòng thì nhiều. Thế cho nên khi lấy cái ý của mình để đoán định được phần nào tâm tư của tác giả gởi vào thơ thì tôi lại thấy yêu, yêu vì thơ anh ấy cô đọng biết bao nhiêu, dằn vặt như một vài tiếng đàn bật lên từ một cây đàn muôn điệu, không đủ cho ta nghe nhưng vừa đủ để cảm ngay tiếng tơ đồng của nó.
Cái tựa đề “Không Có Lẽ…” của bài thơ đã cho ta ngay hàng vạn nỗi ưu tư giữa cuộc đời nầy. Rồi thì hai câu thơ mở đầu cho ta thấy hết tất cả sự cô đơn trong đợi chờ của tác giả :

          Không có lẽ một tôi đứng đợi
          Mây trên đầu và nước ở trên non

Khi nói “không có lẽ” nghĩa là còn chút hy vọng. Cái hy vọng đó chỉ cách tuyệt vọng một hơi thở, mang nhiều dấu hỏi trên mình, nó như mang cơn đau của những vết thương đang dằn xé đời mình. Người “đứng đợi” giữa “mây trên đầu và nước ở trên non” là đứng đợi giữa hư vô lồng lộng, cô đơn giữa đất trời. Hai câu thơ tưởng là viển vông nhưng nó gợi hình và gợi cảm khung cảnh một cuộc đứng chờ vượt thời gian như hòn vọng phu trên triền núi đá.
Hai câu thơ kế tiếp chở trên đôi cánh nhỏ bé của nó những cơn phong ba bão táp: 

            Vì không phải loài chim trốn bão
            Bay thật cao nên mỏi cánh lưng chừng

Đa phần các loài chim đều trốn bão, nếu đi vào vùng bão thì phải bay thật cao để tranh gió. Vì phải bay cao và bay xa nên có khi phải sa vào cơn lốc.  Vĩnh Thuyên không phải là loài chim trốn bão. Tác giả là con chim bay vào trong cơn bão, hoặc bay trên bão.
Tôi nghĩ đó chính là lý do anh không viết "gãy cánh lưng chừng" mà xác định chỉ “mỏi cánh lưng chừng”. 
Mà dầu có mỏi cánh, nó cũng thi gan cùng mưa gió, quyết đến chốn bình an nơi  đất lành chim đậu.

Khổ thơ đầu cho ta hiểu gi? Hiểu một người đang khắc khoải chờ đợi, thách thức với biến động cuộc đời cũng như biến động xảy ra trong chính lòng mình. Người ấy kiên gan trước nghịch cảnh và vượt qua mọi thử thách chỉ để chờ. Người ấy chờ đợi một cái gì?
Chờ đợi một tình yêu được bày tỏ trong những câu thơ sau:

              Không có lẽ yêu thương là tội
              Khi chợ tình đã hết người mua
              Em đừng sợ mùa đông qua vội
              Nắng không về!
                                 em đã về chưa?

Ở khổ thơ thứ nhất tác giả tự hỏi “Không có lẽ một tôi đứng đợi”, nhưng hỏi là vì còn hy vọng bên chân trời nào đó cũng có một người đang đứng đợi mình. Chữ  “không có lẽ” ở đây bày tỏ một niềm hy vọng. Ở khổ thơ thứ hai tác giả cũng dùng chữ “không có lẽ”, nhưng chữ không có lẽ ở đây là một tán thán từ, là một tiếng kêu nghẹn ngào, bi thương bày tỏ một khối tình tuyệt vọng. Khi tác giả vụt kêu lên “ không có lẽ yêu thương là tội”là khi trạng thái tuyệt vọng đến trong tâm hồn, là khi tác giả nhìn thấy “chợ tình đã hết người mua”, là khi “mùa đông qua vội” mà “nắng vẫn không về!” nghĩa là mùa xuân sẽ không đến, nghĩa là cuộc đoàn tụ chắc sẽ không thành. Khi tác giả hỏi “em đã về chưa?” có đánh dấu hỏi tử tế, là tiếng kêu tuyệt vọng cuối cùng trước khi để cuộc tình dẫy chết. Khi tác giả nhắn với em “đừng sợ mùa đông qua vội” thì đó chỉ là lời vỗ về, an ủi cho em và cho chính cả mình để níu lại chút hy vọng cuối cùng cho cuộc tình tan vỡ.

Khổ thơ thứ nhì cho ta hiểu gì? Hiểu sự bơ vơ lạc lỏng cúa tác giả giữa chợ tình. Chợ tình rộn rịp biết bao, nay không còn người mua bán. Còn chợ tình thì còn mong em đến. Hết chợ tình thì hết hy vọng. Dầu anh đem trái tim dâng hiến trọn cho em, nhưng không có người mua thì tình bán cho ai?
Đến khổ thữ ba của bài thơ, sự bấn loạn đã xảy ra trong tâm hồn tác giả. Câu thơ nhấn mạnh các từ “không có, có không, có lẽ” biểu hiện hoàn toàn sự ức chế xảy ra trong lòng:

             Không có lẽ dòng sông chạy mất
             Chỉ tên em khắc kín nơi này
             Nơi không có, có không, có lẽ
             Đêm hoang tàn gió cũng sang ngang

Khi tác giả nói “Không có lẽ dòng sông chạy mất” là khi tác giả thấy dòng sông đã biến mất rồi. Tất nhiên dòng sông của thiên nhiên thì khó mà biến mất,  nhưng cuộc tình đẹp như một dòng sông, hay cuộc tình bên một dòng sông nào đó đã biến mất. Cuộc tình xưa ấy nay chỉ còn dấu tích trong dòng sông ký ức của mình hay sự hồi tưởng khi đứng bên dòng sông hiện thực mà thôi. Con sông ngoài đời đôi khi cũng thay dòng đổi khúc, huống chi con sông của cuộc tình cũng đổi cũng thay. Giờ đây,không có con thuyền tình năm xưa để đưa người sang sông, vì sông đã biến mất. Tất cả đã trở thành hoang tàn. Bây giờ chỉ còn có gió, nhưng “gió cũng sang ngang” nghĩa là gió cũng bay đi như người xưa biền biệt. 

Khổ thơ cho ta hiểu gì? Cho ta hiểu sự cô đơn cùng tận. Cho ta hiểu nỗi trăn trở, ngỡ ngàng trước điều phi lý của một cuộc tình dang dở xảy ra trong lòng tác giả. Người đứng đó lảm nhảm như điên, nói một mình  để cho gió mang lời mình sang ngang trên một dòng sông khô héo, và gió ấy cũng mang lời mình bay biền biệt...
Cuối cùng “không có lẽ mình tôi có lẽ…” là một dấu hỏi rất lớn kết tụ của băng giá, của nỗi ưu tư, của sự phiền muộn, của kết quả tháng năm chờ đợi và của chân lý tác giả chiêm nghiệm cho mình. Chân lý ấy là: Không có lẽ nghĩa là có lẽ. Điều tôi nghĩ không có lẽ nào xảy ra thì lại xảy ra với tôi, với chính tôi.

“Có lẽ”, là khẩu ngữ biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định một cách dè dặt về điều nghĩ rằng có thể là như thế”. Bài thơ “Không Có Lẽ” tất nhiên biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định điều nghĩ rằng không thể xảy ra như thế. Vậy mà bài thơ cho ta nghĩ nó đã xảy ra như thế. Bằng ba khổ thơ ngắn, tác giả đã dùng một cánh chim bay vào bão, dùng một chợ tình đã tan và dùng một dòng sông đã bị mất không những chỉ để thổ lộ một cuộc tình buồn, mà còn gởi vào lòng người những suy nghiệm về lẽ tồn vong nghịch lý giữa cuộc đời nầy. Bài thơ dùng những câu thơ ở thể nghi vấn nhưng không đặt dấu hỏi (?)sau câu, dụng ý khẳng định những điều “không có lẽ” trở thành “có lẽ”, gởi vào lòng người sự bâng khuâng trong những suy tư triết lý mà đời đem lại cho mình.
Đọc bài thơ ta thấy nỗi buồn ập đến nhưng ta cũng thấy hình như tri thức mình bay cao lên, đến một miền có lẽ là chân lý./.

                                                                                  Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “KHÔNG CÓ LẼ…” THƠ VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

CHÙM THƠ HOÀNG HỮU BẢN





HỒNG

Hỏi hồng nay vẫn còn hương
Hỏi em còn ngậm hạt sương thơ ngàn ?
Tình trần ươm vết dầu loang
Hương rồi phai sắc cũng tàn... mơ qua !


HỒN THU

Thoáng nghe chim gọi trên ngàn
Tình xưa trở giấc mênh mang bóng chiều
Gửi cho nhau chút tin yêu
Vàng thu đáy mắt dáng Kiều...  ngẩn ngơ

                                   Hoàng Hữu Bản


 


TÌNH THƠ

Đã là thơ, tình em không bến hẹn
Mãi chan hòa ngào ngạt giữa trời hoang
Chợt đến, chợt đi, chợt mờ, chợt hiện
Hương tràn lan vi diệu ngập thiên ngàn

Ta uống tình chẳng bao giờ cạn
Lửa tin yêu rạo rực buồng tim
Động đất, sóng thần... không là lực cản
Bởi vì em là bóng, ta hình

Xin cứ để tình thơ rực sáng
Soi vào người rạng ngõ ai bi
Gỡ gai nhọn, truông đời... bĩ ngạn
Cuộc trăm năm lẳng lặng bất tư nghì


THỤY DU

Ta đang đi giữa chân không
Đường xa ngõ khuất chẳng trông thấy bờ
Giữa đời nửa thực nửa mơ
Giữa cơn say tỉnh cuộc cờ bể dâu
Giữa hạnh phúc, giữa niềm đau
Vẫn chưa qua được chiếc cầu sắc không
Chợt nhìn mình kẻ lưu vong
Bóng em hiện cả mênh mông đất trời

                              Hoàng Hữu Bản

READ MORE - CHÙM THƠ HOÀNG HỮU BẢN