*Thái Quốc Mưu
CHIA SẺ CÙNG HỌC GIẢ, GIÁO SƯ NGUYỄN KHẮC THUẦN
BÀI # 1/2
Đôi lời trước khi vào bài:
Kính gởi: Giáo Sư, Học Giả, Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Thuần,
Thưa ông.
Thật lòng, sau khi viết về 3 chữ Thần Đạo Bi tôi không muốn viết thêm về những sai lầm của ông trong bộ LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP. Bởi, tôi không muốn ông khó xử. Nhưng, qua THƯ TRAO ĐỔI của ông gởi đến tôi, tôi nghĩ, ngoài tôi có thể ông đã gởi đến nhiều người khác. Nếu tôi không phúc đáp THƯ TRAO ĐỔI của ông, có lẽ những vị đã đọc thư ấy, rất có thể hiểu lầm tôi. Vì vậy, buộc tôi phải CHIA SẺ CÙNG ÔNG QUA BÀI VIẾT NẦY. Xin ông vui lòng cảm thông.
Trọng kính
Thái Quốc Mưu
***
Ghi chú quan trọng:
- Bài viết được tham khảo từ Bộ sách “…….” (chưa xuất bản) của Giảng Sư, Học Giả Minh Di, Úc Châu.
- Đặc biệt, do chỗ thân tình giữa chúng tôi, những trích đoạn trong bài viết nầy, đã được sự cho phép của Giảng Sư, Học Giả Minh Di.
- Do sách chưa xuất bản. Tuyệt đối cấm không ai được trích dẫn bài viết nầy.
- Bất cứ kẻ nào vi phạm, chúng tôi sẽ truy tố trước pháp luật đúng theo Hiệp Ước Quốc Tế Về Vi Phạm Bản Quyền.
***
Sau khi bài NHỮNG SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN KHÁC THUẦN, được phổ biến trên hệ thống truyền thông toàn cầu (Internet). Cụ thể ở các trang Web:
- Đặng Xuân Xuyến Blogspot. Của văn thi hữu Đặng Xuân Xuyến.
(Đăng ngày thứ Sáu 24-02-2017)
- Hai Bờ Giấy. net. Của văn thi hữu Ca Dao.
(Tôi viết ngày June 2, 2015 và gởi đăng sau đó)
- Văn Chương Việt.org (tôi không nhớ chủ biên)
(Đăng ngày 01 tháng 9 năm 2015)
Đó là những trang Web. Tôi chánh thức gởi bài.
***
Sau khi Học Giả, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần đọc bài SỰ SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN KHẮC THUẦN (ở đâu đó). Mới đây, tháng 12/2017, Ông đã phản hồi qua mail của tôi.
Trước khi khi đi vào bài CHIA SẺ dưới đây. Tôi xin đăng lại nguyên văn, thư Trao Đổi của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần. Và, xen kẽ vào đó là lời chia sẻ của tôi gởi đến ông.
- CHỮ TÔ ĐẬM LÀ NGUYÊN VĂN BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN KHẮC THUẦN.
- CHỮ NGHIÊNG LÀ PHẦN CỦA THÁI QUỐC MƯU CHIA SẺ VỚI GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN KHẮC THUẦN.
Tình cờ khi lên mạng Google xem, tôi đọc được bài phê bình của ông Thái Quốc Mưu và ông Đông Di về bản dịch trọn bộ LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP (gồm 8 tâp) của tôi do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Tôi rất vui vì điều ấy cũng có nghĩa hai ông đã đọc sách của tôi dù theo lời chú thích cuối bài viết, hiện nay ông Thái Quốc Mưu đang định cư tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ việc trao đổi hay phê bình là hoạt động rất bình thường và nhờ vậy chúng ta mới tránh bớt được sai sót. Tuy nhiên, tôi tự thấy cũng cần có vài lời trao đổi lại với ông Thái Quốc Mưu.
Thứ nhất, ông đã rất cẩn thận giới thiệu lý lịch nghề nghiệp của tôi trong bài viết của mình dù điều đó không cần thiết. Vả chăng, ông đã sao chép gần như nguyên văn bản lý lịch này trên mạng Google, nhưng đó lại là bản lý lịch không biết do ai viết, hoàn toàn không đúng với thực tế. Xin nêu một chi tiết nhỏ: tôi chưa bao giờ là bộ đội cũng chưa bao giờ là người của tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Nhưng, điều quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu làm việc cẩn trọng không ai dễ dãi sử dụng tư liệu trên mạng. Tôi không có ý khẳng định là mạng luôn viết sai, chỉ có một nhận xét nho nhỏ là trên đó chỗ chưa đúng hơi nhiều.
Thái Quốc Mưu (TQMưu) chia sẻ:
* Thưa Gs. ông viết chính xác! Phần lý lịch của ông tôi copy trên Google. Hiện, tôi không nhớ trang nào. Bởi tôi, không thể tìm tiểu sử của ông ở nơi khác. Một vài chi tiết trong tiểu sử ông có vài sai lầm nhỏ như ông đã nêu. Tuy nhiên, tôi cũng chân thành xin lỗi ông.
* Khi bình luận một nhân vật nào, người viết nên đặt phần tiểu sử của nhân vật ấy trên bài viết. Mục đích, cho độc giả biết nhân vật được phê bình đó là ai? Có xứng đáng để họ viết không? Tôi nghĩ đó là điều cần thiết. Thưa ông.
Trong bài phỏng vấn của một PV. Của Viện Nghiên Cứu Kỷ Lục. Ông đã trả lời:
PV: Nghe nói trước đây Ông từng có một thời sống trong chiến khu với nhiệm vụ cầm bút phục vụ chiến trường, có phải đó là thời mở đầu quá trình cầm bút của Ông hay không?
Ts. NKTh: “Xin nêu một chi tiết nhỏ: tôi chưa bao giờ là bộ đội cũng chưa bao giờ là người của tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. (TQMưu: Câu trả lời của Giáo sư đã cho thấy, chính ông đã đọc nên mới biết có người viết về tiêu sử của ông, qua câu trả lời phóng viên: “là bộ đội, là người của tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng”. Thế thì, xin phép ông cho tôi được hỏi: “Ông đã đọc, thấy người ta viết sai về mình. Tại sao ông không yêu cầu họ phải chỉnh lại cho đúng phần viết về Tiểu sử của ông? Tôi nghĩ, đó là điều ông nên làm? Khi ông đã đọc, thấy họ viết về ông. Ông không phản ảnh, có nghĩa là ông đã chấp nhận họ viết về ông chính xác. Thưa, đùng vậy không ông?)
Chiến tranh là vậy, ai cũng phải sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm, miễn thật sự có ích cho sự nghiệp cứu nước. Trên mạng Internet chẳng hiểu ai đó đã viết rằng tôi từng có một thời là người lính, cầm vũ khí xông pha ra trận nhưng tôi chưa bao giờ có được vinh dự lớn lao đó. Tôi chỉ có may mắn được thực hiện nghĩa vụ công dân, làm việc theo sự phân công của xã hội lúc ấy là cầm bút đi phục vụ chiến trường.
Thứ hai, một bộ sách nặng hơn 10 kg, các ông thấy có hai chỗ sai và cộng hai chỗ này lại vẫn chưa được 10 chữ, dẫu phát hiện đúng đi chăng nữa cũng không nên lấy đó làm chuẩn để khái quát toàn bộ công trình. Thấy ai đó có một sợi tóc bạc rồi hùng hồn tuyên bố rằng tóc người đó đã bạc trắng hết, xã hội công bằng sẽ không dễ gì ủng hộ đâu. Tôi không muốn và cũng không thích tranh luận ồn ào nhưng nhân đây cũng xin nói lại cho rõ như sau:
- Bình đẳng như tất cả những người yêu quý và kính trọng nghề nghiệp, tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì cần làm và có thể làm. Trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP. tôi đã chú giải hết những gì tôi thấy cần chú giải và dù muốn hay không, tôi cũng phải đọc thật nhiều thư tịch cổ. Nhiều bậc đại khoa Trung Quốc rất khen ngợi tôi, còn hai ông chưa vừa lòng chắc hẳn vì ông còn đọc nhiều hơn tôi. (TQMưu: Thưa Gs. Khi viết đoạn trên đây, tôi nghĩ ông hơi chủ quan khi viết: “tôi cũng phải đọc thật nhiều thư tịch cổ”. Tôi thiển nghĩ, ông chưa đọc được nhiều thư tịch cổ. Và, dường như, ông hơi tự hào khi, có “Nhiều bậc đại khoa Trung Quốc rất khen ngợi tôi”. Rất tiếc, tôi không biết những bậc đại khoa đó là những ai? Nhưng, nhìn vào thực tế, nếu quả thật “nhiều bậc đại khoa ấy rất khen ngợi” ông, thì, tôi xin lỗi ông cho phép tôi được nghĩ: 1)- Đầu óc những vị đại khoa vô danh ấy có vấn đề. 2)- Có thể các ông đại khoa vô danh ấy cũng biết những chú giải sai lầm của ông. Nhưng, họ thiếu tinh thần dũng cảm, hoặc, cả nể không dám thẳng thắn nêu ra những sai lầm mà họ thấy được. Họ khen ông là khen cách xã giao, cách “nói cho vừa lòng nhau”. Bởi, thực tế, trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP có rất nhiều sai lầm. Tôi khẳng định như vậy! Thật tình tôi không muốn nêu ra tất cả những sai lầm trong bộ sách đó của ông. Nhưng, đoạn văn trên của ông đã “ÉP” tôi phải nêu ra. Và, tôi sẽ chứng minh thêm những sai lầm trong bộ sách ấy ở phần sau).
- Nhưng, chú giải thư tịch cổ của Việt Nam nếu chỉ dựa vào thư tịch cổ của Trung Quốc có lẽ chưa ổn. Dù được các bậc túc Nho thương yêu nên trực tiếp giảng dạy nhưng tôi không bao giờ chấp nhận lặng lẽ ngồi yên một chỗ nghiền ngẫm trước tác của các cây đại bút thuở xưa. Nhờ chịu khó lại cũng nhờ may mắn, tôi đã tích trữ được một kho thần tích trên 500 bản và sắc phong nhiều đến hơn ngàn bản. Tôi đã công phu gạn lọc để loại bỏ những bản giả rồi phiên âm, dịch thuật, hiệu đính và chú giải, nay bước đầu công bố một phần nhỏ, quyển TỔNG TẬP SẮC PHONG VIỆT NAM của tôi đã nặng 150 kg, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội). Các bản thần tích và sắc phong làm giả có số lượng không nhỏ, có năm số bản giả nhiều đến hàng trăm. Ví dụ năm 1782 sau khi được kiêu binh đưa lên ngôi Chúa, Trịnh Tông (cũng tức Trịnh Khải) đã cho lấy hàng trăm tờ sắc phong để khống tặng cho kiêu binh và họ về điền tên thân thích của mình vào. Dân gian nói chung và kiêu binh nói riêng luôn luôn dựng bia theo cách của dân gian và kiêu binh. Ba chữ Thần đạo bi do ông Thái Quốc Mưu và ông Đông Di căn cứ vào các thư tịch cổ Trung Quốc để chú giải tuy có vẻ rất đúng nhưng chỉ đúng với sách vở của Trung Quốc xưa chứ không đúng với thực tế của Việt Nam ta. Tôi dịch và chú giải thư tịch cổ của người Việt trên cơ sở văn bản xưa kết hợp với kết quả khảo sát thực tế chứ có phải ngồi dịch sách của người Hoa đâu. (TQMưu: Thưa Gs. Tôi không phủ nhận trí tuệ, công trình của ông trong bộ sách Lê Quý Đôn, nhưng tôi tiếc cho công trình nghiên cứu của ông chưa hoàn hảo. Và, tôi tự thấy trách nhiệm phải vạch ra những chỗ chưa hoàn hảo ấy. Tôi nghĩ đoạn ông viết: “năm 1782 sau khi được kiêu binh đưa lên ngôi Chúa, Trịnh Tông (cũng tức Trịnh Khải) đã cho lấy hàng trăm tờ sắc phong để khống tặng cho kiêu binh và họ về điền tên thân thích của mình vào. Dân gian nói chung và kiêu binh nói riêng luôn luôn dựng bia theo cách của dân gian và kiêu binh”. “Để rồi ông giải thích những tấm BIA của bọn kiêu binh đó là Thần Đạo Bi, tôi nghĩ không có tính thuyết phục. Ngôn ngữ là sự đồng thuận. Cách chú giải của ông trong ba chữ “Thần Đạo Bi”, tôi nghĩ khó thuyết phục nhiều người. Bởi, ta không thể lấy sự việc khác đem ra so sánh rồi giải nghĩa theo ý của riêng mình. Ba chữ “Thần Đại Bi” là cổ ngữ, ta phải giải nghĩa ba chữ đó theo nghĩa chính của ba chữ ấy là gì? Sau đó, mới ghi thêm phần phụ chú theo cách nghĩ riêng của mình, như thế mới chính xác. Hơn nữa THẦN ĐẠO BI chỉ thành lập cho những người xứng đáng được lập bia, khắc lại tiểu sử trên bia để lại cho hậu thế, họ đều là những người có danh vọng, hoặc, trong giới quyền quí, hoặc trong giới trí thức có những phát kiến, việc làm hữu ích cho xã hội. Còn ông đem ba chữ Thần Đạo Bi để chỉ những tấm bia của bọn kiêu binh. Tôi nghĩ có vấn đề. Thưa Giáo sư!
- Tôi không có ý phủ định hoàn toàn ý kiến của ông Thái Quốc Mưu nhưng thiết nghĩ là mọi vấn đề luôn có nhiều cách hóa giải khác nhau. Tôi hy vọng sẽ có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với ông bởi khi trò chuyện, thế nào tôi cũng sẽ học được từ ông những điều phù hợp với mình.
1. Tôi về hưu nay đã ngót hai mươi năm, tuy vẫn còn được mời đến giảng cho các lớp Cao học và Nghiên cứu sinh nhưng dẫu sao cũng đã thuộc lớp nhà giáo cao niên. Nghề nghiệp và chút vị thế xã hội nho nhỏ khiến tôi phải luôn luôn chú ý giữ hình ảnh của mình, trang phục và ẩm thực, ngôn từ và tác phong, giao tiếp và chữ nghĩa... đều phải thận trọng. Tôi nghĩ là trong khắp thiên hạ, ai ai cũng sẵn lòng nghĩ và làm như tôi. Khen điều đúng nhưng đừng để bị đời chê là nịnh, không ủng hộ điều sai nhưng đừng để bị thiên hạ phê bình thiếu tôn trọng người khác dù đối tượng ta nói tới còn rất trẻ. Cụ thân sinh của tôi là bậc túc Nho, tôn sư của tôi cũng là bậc túc Nho, sinh thời vẫn luôn nhắc nhở tôi phải ghi nhớ điều này....
(TQMưu: Tôi không dám xúc phạm đến những vị tiền bối, nhưng, thú thật, những vị được gọi là TÚC NHO ta lấy cơ sở gì để gọi họ như thế?Học vị? Hoặc, lý do nào khác? Riêng phụ thân chúng tôi, người Hoa chính thống, tốt nghiệp Cử Nhân ở Bắc Kinh, thế nhưng, tôi chưa hề nghe ai gọi phụ thân chúng tôi là “Bậc Túc Nho”. Trước tháng 4/75, Bào huynh tôi làm Hiệu Trưởng hai trường Hoa Ngữ tại Chợ Lớn, Bào đệ tôi là Giáo Sư Hán Việt dạy vài trường Trung Học ở Mỹ Tho, Sàigòn, tôi cũng chẳng nghe ai bảo họ là TÚC NHO cả. Mặt khác, ông lấy tên Đông Di nào đó, viết trong thư Trao Đổi của ông gởi cho tôi, không đúng! Vị Học giả - vừa là thân hữu vừa là bậc đàn anh, bậc Thầy của tôi - đã cho phép tôi trích dẫn bài viết trong bộ sách….. (chưa xuất bản) của anh ấy - Ông có bút danh MINH DI, trước 4/1975 từng là Giảng Sư Cao Học, Đại Học ở vài Viện Đại Học. Tôi chẳng biết khi đề cập đến tên ai đó, mà ta viết không đúng tên của họ, có phải là không được lịch sự. Đúng không? Thưa Giáo sư?)
Đọc bài của ông Đông Di và ông Thái Quốc Mưu, tôi thấy hơi xa lạ với bầu khí trao đổi học thuật chân thành nên sức thuyết phục chưa cao. Hai ông và tôi đều là những người nặng lòng với chữ nghĩa. Chữ nghĩa đàng hoàng bao giờ cũng chỉ chuyển tải những giá trị nhân bản và nhân văn. Thay vì tranh luận, tôi chỉ xin gửi tới hai ông lời cảm nhận ngắn này.
Thân ái
Ts. Nguyễn Khắc Thuần
***
Trước, tôi chân thành biết ơn Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã có lời chia sẻ với tôi. Dưới đây, tôi xin làm rõ câu ông viết:
- “Thứ hai, một bộ sách nặng hơn 10 kg, các ông thấy có hai chỗ sai và cộng hai chỗ này lại vẫn chưa được 10 chữ, dẫu phát hiện đúng đi chăng nữa cũng không nên lấy đó làm chuẩn để khái quát toàn bộ công trình.” Và, tôi đã trả lời: (TQMưu: Thưa Gs. Tôi nghĩ, khi viết đoạn trên đây, ông hơi chủ quan. Thực tế, trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP, ông có rất nhiều sai lầm. Tôi khẳng định như vậy!)
DƯỚI ĐÂY, TÔI XIN CHỨNG MINH THÊM NHỮNG SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ, TIẾN SĨ, GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH THUẦN TRONG BỘ SÁCH LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP. (ở đây. tôi chỉ cô đọng và trích dẫn thật đơn giản).
PHẦN CHIA SẺ BÀI 1:
* Tiến sĩ, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Sách LÍ QUẬT (1) của Hoành Cừ Tử (2) viết rằng……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. trang 10).
Chú thích.
(1). LÍ QUẬT nghĩa là cái hang chứa đạo lí”. SAI!
* Chia sẻ của Thái Quốc Mưu:
- Danh xưng đầy đủ của tác phẩm trên đây là “Kinh Nghĩa Lí Quật”. Tiếng “Lí Quật” có nghĩa là “ngôn luận đầy nghĩa lý cao xa”. Chẳng có hang hốc gì cả. Hai tiếng “Lí Quật” xuất từ tập “Thế Thuyết Tân Ngữ” của Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444).
***
* Tiến sĩ, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Sách NGỤ GIẢN của họ Thẩm viết rằng……”. (Qu. 5. Tài Phẩm.10).
Chú thích.
- “Chúng tôi chưa được rõ về tác giả người họ Thẩm và tác phẩm NGỤ GIẢN của ông”.
* Chia sẻ của Thái Quốc Mưu:
- Tôi, xin cấp tư liệu cho ông. “Họ Thẩm ở đây là Thẩm Tác Triết (? - ?), người thời Triệu Tống (960 - 1279). Từ điển nhân danh Trung Hoa thì không thấy có tên Thẩm Tác Triết. Tiểu sử của Thẩm Tác Triết chỉ được thấy vài giòng sơ lược trong một số thư tịch về Thư mục và Từ điển về các Văn học gia.
- Thẩm Tác Triết (Khoảng trước sau năm 1147 Công nguyên còn tại thế).
- Thẩm Tác Triết (Văn Hiến Thông Khảo ghi là Trọng Triết), tên Tự là Minh Viễn, tên Hiệu là Ngụ Sơn, người ở Hồ Châu; năm sanh, năm tử của ông đều không được rõ, đại để trong khoảng trước, sau Niên hiệu Thiệu Hưng ông vẫn còn sống! Đậu tiến sĩ năm thứ 5 Niên hiệu Thiệu Hưng, trong khoảng Niên hiệu Thuần Hi với chức Tả Phụng Nghị Lang ông đổi về tỉnh Giang Tây làm việc tại Cơ quan Chuyển vận. Nhân làm thơ đụng chạm viên Trưởng Cơ quan Ngụy Đạo Bật, bị hài tội, đưa qua bên Tam quan định đoạt, ông vì thế bất đắc chí mà qua đời.
- Tác phẩm của Thẩm Tác Triết có Ngụ Sơn Tập 30 Quyển (theo Văn Hiến Thông Khảo), Ngụ Giản 10 Quyển (theo Tứ Khố Tổng Mục), về mặt khảo chứng có những nhận thức đặc biệt”.
- Vĩnh Dung (1743 - 1790) và nhóm biên soạn cuốn “Tứ Khố Toàn Thư Giản Minh Mục Lục” có một số nhận định chi tiết hơn về Thẩm Tác Triết và cuốn “Ngụ Giản, 10 quyển, Thẩm Tác Triết đời Tống soạn, viết như sau:
- Tài học và biện luận của ông tương tự Tô Thức, việc ông chê Vương An Thạch là thiển lậu, chỉ
trích Trình tử, cho tới việc luận đàm về các phương diện Dưỡng sinh, nỗi say mê Thiền, về các phương diện này, lí luận của ông đều giống (Tô) Thức, nói chung đây là cái dư hưởng của Phái Mi Sơn! Về mặt khảo cứu, ông có rất nhiều kiến giải tinh thẩm, xác đáng, chỉ mỗi việc lấy Thiền giải Dịch là rườm rà, không thể coi như mẫu mực được.
* Tiến sĩ, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Nay thấy trong KIÊN HỒ TẬP (13) có chép về……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 15).
Chú thích.
- “(13) Cũng có dịch giả phiên âm là KIÊN BIỀU TẬP nhưng căn cứ vào mặt chữ Hán, chúng tôi đọc là KIÊN HỒ TẬP. Dẫu vậy, chúng tôi cũng đồng ý rằng phải viết là KIÊN BIỀU TẬP mới đúng”.
* Chia sẻ của Thái Quốc Mưu:
- Trường hợp Giáo sư cho “KIÊN BIỀU TẬP” đúng, còn “KIÊN HỒ TẬP” là sai? Thế thì tại sao ông không viết là “KIÊN BIỀU TẬP”? Cớ sao ông viết KIÊN HỒ TẬP rồi giải thích lòng vòng cuối cùng lại khẳng định KIÊN BIỀU TẬP là ĐÚNG? Ngoài ra, ông có biết chữ HỒ không thể đọc là BIỀU, vì hai chữ nầy hoàn toàn khác nhau. Chữ “HỒ” nghĩa là trái Bầu - thuộc Bộ Qua (dưa), bên trái là chữ “KHOA” có một số nghĩa như xa xỉ, nói quá (khoa trương) đẹp đẽ… Còn chữ “BIỀU” thì khác; chữ BIỀU cũng Bộ Qua, ở bên trái là chữ “PHIÊU” nghĩa là sáng rõ, là nhanh…
***
* Tiến sĩ, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Bấy giờ, Gia Quốc Công Vũ Văn Mật làm Trấn Thủ ở Tuyên Quang vẫn theo chính sóc của Nguyên Hòa ((7)....... “. (Qu. 5. Tài Phẩm. 23).
Chú thích.
- “ (7) Chính sóc của Nguyên Hòa nghĩa là theo chính sóc của ông Hoàng Đế có niên hiệu là Nguyên Hòa… Nguyên nghĩa, theo chính sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.
* Chia sẻ của Thái Quốc Mưu:
- Giáo sư Thuần viết: “Chính (chữ Chính ông viết có dấu sắc) sóc của Nguyên Hòa nghĩa là theo chính sóc của ông Hoàng Đế có niên hiệu là Nguyên Hòa…”. Trong khi chữ CHÍNH (có dấu sắc), phải đọc là CHINH (không dấu sắc) mới đúng! CHINH là ngày đầu năm, SÓC là ngày đầu tháng (Theo Từ Điển Từ Nguyên).
- Hồ Tam Tỉnh (1230 - 1302) chú thích “Tư Trị Thông Giám”, viết: “Thời cổ, một triều đại mới lên, để biểu thị lẽ “Ứng Thiên thừa vận” thì định lại Lịch pháp với hàm ý rằng bậc Vương giả nắm được chính sự khởi đầu từ ta, cho nên bỏ LỊCH CŨ ban hành LỊCH MỚI - Chẳng hạn Hạ triều định tháng Dần là tháng Giêng, tiếp theo đó Thương triều lại chọn Sửu làm tháng Giêng, Chu triều thì cho Tí là tháng Giêng, còn Tần triều thì tháng Giêng là tháng Hợi…
***
* Tiến sĩ, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Nguyên nghĩa, theo chính sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.
* Chia sẻ của Thái Quốc Mưu:
- Giáo sư giải thích như thế chưa đúng hẳn, mà phải nói là thần phục cả một triều đại đã qui định mốc CHINH SÓC cho Lịch pháp đó, tức từ lúc triều đại đó lên nắm vận mệnh Quốc gia, vì lẽ mốc Chinh Sóc vốn đã được định từ vị hoàng đế khai sáng triều đại, các vua kế tiếp cứ đó mà theo.
(Xìn mời quý độc giả xem tiếp bài 2/2)
***