Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 29, 2022

LÀNG TRƯỜNG SANH - Phạm Xuân Dũng

Sông Ô Lâu



LÀNG TRƯỜNG SANH

 

Phạm Xuân Dũng

 

Trường Sanh là một làng cổ phía Nam huyện Hải Lăng được hình thành trong quá trình Nam tiến của người Việt, tạo nên một hương thôn khá đặc biệt của vùng quê Quảng Trị.

 

 

Trường Sanh là một làng lớn nay  thuộc xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hình thành dọc theo con nước Ô Lâu, dòng sông chan chứa huyền thoại và tình sử tạo nên một thủy đạo chảy từ Tây sang Đông, thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh láng giềng Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

 

Qua tìm hiểu thư tịch và qua thực tế cho thấy,Trường Sanh từ xưa đã có tên đầy đủ là đại xã Trường Sanh, nghĩa là làng lớn với ngũ giáp. Thạc sĩ Yến Thọ cho rằng: Làng Trường Sanh là một làng cổ của Quảng Trị, nơi có lịch sử hình thành làng xóm rất đặc biệt, đó là từ gốc phát xuất chỉ có một làng theo cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống kiểu “đại xã” (làng lớn). Trong một làng lớn ấy, các đơn vị cư trú được tổ chức theo những tập hợp được gọi là giáp - một tổ chức đơn vị cư trú phi hành chính nhưng là thành tố tạo nên làng kiểu đại xã. Đó là Đoan Trang/Trường sanh ngũ giáp (5 giáp).

 

 

Trong quá trình phát triển, có điều đặc biệt là các giáp này không tách ra toàn bộ để lập nên các làng con theo kiểu “tiểu xã” mà vẫn nằm trong làng mẹ. Ngoại trừ giáp Phước tách ra thành làng Trường Phước (nay thuộc xã Hải Lâm) vì địa giới đất đai nằm tách bạch ra khỏi làng mẹ. Chính vì thế, Trường Sanh đại xã - ngũ giáp đến nay vẫn còn tồn tại 4 giáp: Đông - Mỵ - Trung - Hậu; mà từ sau năm 1945, khi có sự chuyển đổi quy mô đơn vị hành chính cơ sở cấp làng thì cũng được gọi thành 4 thôn: Đông - Mỵ - Trung - Hậu; nhưng mọi thiết chế văn hoá truyền thống đều vẫn nằm chung trong Trường Sanh đại xã.

 

Qúa trình hình thành đại xã Trường Sanh cho đến hôm nay trải qua nhiều thế kỷ. Dù qua nhiều dâu bể vẫn còn những văn bản ghi nhận theo thời gian năm tháng. Theo thống kê thì cho đến nay gần 30 sắc phong của triều đình ban cho làng và các họ tộc. Và các dòng họ dù đến trước đến sau vẫn chung lưng đấu cật, một lòng vì làng vì nước, tối lửa tắt đèn có nhau, càng đậm đà tình làng nghĩa xóm cũng như một lòng cung kính với tổ tiên, nhất là  trong mỗi dịp tề tựu ở đình làng. Rất nhiều thế hệ người Trường Sanh đã sinh hạ trên mảnh đất này, vẫn giữ truyền thống tốt đẹp của làng dù qua nhiều binh đao, tao loạn. Ông Lê Văn Hách,Trưởng Ban Bảo tồn văn hóa làng Trường Sanh khi trò chuyện đã nói lên tình yêu và lòng tự hào về làng quê của con dân Trường Sanh dù đang ở quê hay là người xa xứ. 

 

Làng vốn xưa kia có tên là Đoan Trang, sau vì kỵ húy hiệu ngài Đoan quận công Nguyễn Hoàng nên vào cuối thế kỷ 16, đầu thời Chúa Nguyễn,  đổi thành tên gọi Trường Sanh tồn tại cho đến ngày nay, gồm 4 thôn, hơn 1000 hộ với hơn 5000 nhân khẩu.

 

Theo lịch sử địa phương: Trong quá trình phát triển, có nhiều dòng họ từ các nơi tiếp tục nhập cư vào làng qua nhiều thời điểm khác nhau. Các thế hệ con cháu của các dòng họ này đã cùng với con cháu các họ đến trước của làng Trường Sanh không ngừng nỗ lực vượt mọi khó khăn, đồng cam công khổ, đồng tâm, hiệp lực để chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội và dần dần lớn mạnh.

 

Đến nay, làng có tất cả 14 dòng tộc và hệ phái, có họ đồng tộc, có họ đồng tôn, bao gồm: 4 họ Lê - 4 họ Võ - Nguyễn - Trương - Hồ - Trần - Phan - Bùi. Riêng họ Phan, con cháu nối nghiệp đến đời thứ 15 thì đoản mạch. Các vị thủy tổ khai canh thuộc các thế hệ đầu của làng Trường Sanh từng đã được các vua triều Nguyễn sắc phong 6 vì có nhiều công lao trong việc canh điền, lập ấp, tạo dựng làng xóm, giúp rập cho nước, che chở cho dân.

 

Thế tục con cháu các dòng tộc của làng Trường Sanh tính từ các vị thủy tổ đến nay đã qua 18 - 20 đời. Đất đai của làng Trường Sanh không ngừng được canh khẩn và mở rộng. Theo một văn bản Hán - Nôm kê khai công điền thổ kiến canh, phụ canh, tịch lưu hoang cùng tam bảo điền thổ của làng Đoan Trang đến năm Quang Hưng thứ 12 ( nắm 1589) là gần 1600 mẫu ruông, nghĩa là ruộng cò bay thẳng cánh, chưa kể núi rừng bát ngát phía tây của làng. Bởi ngày xưa mới có câu tục ngữ ví von "Đất An Lộng, động Trường Sanh".

 

Dạo quanh làng Trường Sanh sẽ thấy quy mô của làng rộng lớn, điển hình cho một làng đồng bằng bề thế, một điểm nhấn của vựa lúa Hải Lăng-Quảng Trị từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Những công trình tâm linh, những mái nhà dù mới mẻ vẫn gợi lên dáng vẻ cổ xưa, những cánh đồng trải dài trong nắng chói chang, những con đường quê hương nối chân người và những tấm lòng hướng về nguồn cội.

 

Một Trường Sanh đất rộng, người đông, cũng là cổ hương tên tuổi định danh từ nhiều thế kỷ, đã thành làng,thành xóm, thành quê hương bản quán từ ngày xửa, ngày xưa; đã thành nhớ, thành thương. Như ngày nay người ta thường nói, có những điều sâu thẳm đã hóa thành trầm tích lịch sử và văn hóa chìm khuất trong đất đai hương hỏa cồn cào, giữa ruộng đồng mênh mang thương nhớ. Một tình yêu lặn vào máu thịt, rất gần gụi, thiết tha dẫu chưa thốt nên lời, hay dẫu có vẻ vô ngôn như đất đai, cây cỏ thì vẫn vẫn thiêng liêng, quý giá vô ngần.

 

Có một đại xã Trường Sanh nồng nàn mà đằm sâu như thế thì đâu dễ gì mà có thể phôi phai.  

 

Phạm Xuân Dũng


Nguồn: dulichvn.org.vn 

28/09/2020 

READ MORE - LÀNG TRƯỜNG SANH - Phạm Xuân Dũng

Tìm hiểu về GIÁP từ một đơn vị hành chính xưa của làng TRƯỜNG SANH, Quảng Trị - Khê Giang

 


Tìm hiểu về GIÁP 

từ một đơn vị hành chính xưa

của làng TRƯỜNG SANH, Quảng Trị

 

KHÊ GIANG 

 

     Là một đại xã (làng lớn) của huyện Hải Lăng xưa, nhưng Trường Sanh (Hải Trường, Hải Lăng, Quảng Trị) không gọi cấp đơn vị hành chính dưới xã là thôn, ấp hay phe mà gọi bằng giáp. Trường Sanh đại xã hay Trường Sanh ngũ giáp là tên gọi định danh cho ngôi làng có diện tích và dân số đứng bậc nhất của tổng Câu Hoan thời bấy giờ. Với năm đơn vị cư trú tương ứng cấp thôn đó là giáp Đông, giáp Mỵ, giáp Trung, giáp Hậu và giáp Phước. Sau khi giáp Phước tách ra thành làng Trường Phước nay thuộc xã Hải Lâm, Trường Sanh đại xã vẫn còn tồn tại 4 giáp cho đến năm 1975 và sau đó được đổi thành tên gọi mới là Đông Trường, Mỵ Trường, Trung Trường và Hậu Trường.

 

     So với các làng cổ thuộc huyện Hải Lăng Quảng Trị, tên gọi tổ chức đơn vị cư trú giáp là một nét đặc trưng của làng Trường Sanh. Vậy giáp là gì, có nguồn gốc xuất xứ từ đâu?

 

     Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, thuật ngữ giáp được Khúc Hạo xác lập vào năm 907 thay từ hương do Cao Biền lập ra dưới đời Hàm Thông (860-874), tuy nhiên giáp của Khúc Hạo lúc này tương đương với đơn vị làng chứ không phải cấp thôn như giáp của Trường Sanh, Quảng Trị.

 

     Vào năm 1074 dưới đời Tống, Vương An Thạch đề ra chính sách “Bảo giáp pháp” là tổ chức địa vực bên trong của lý, dựa theo chính sách đó đến năm 1419 Lý Bân đặt ra quy định rạch ròi về đơn vị cư trú này, cụ thể giáp bao gồm mười hộ và do giáp thủ điều khiển, tùy theo số hộ, một xóm có thể được tổ chức thành một hay nhiều giáp. Trong các thế kỷ sau, giáp là đơn vị tổ chức cùng cấp với thôn, phe… thuộc làng, ngoại lệ cũng có một số nơi giáp lại tương đương cấp xóm hoặc cấp làng.

 

     Theo cuốn “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra” – Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1981. Qua thống kê có tới 18 đơn vị hành chính mang tên giáp, trong đó 16 đơn vị tương đương cấp thôn, 01 đơn vị tương đương cấp xã và 01 đơn vị tương đương cấp phường. Từ những cứ liệu trên ta thấy giáp là một đơn vị hành chính hẳn hoi tồn tại ở nước ta từ thế kỷ X cho đến đầu thế kỷ XIX. Thuật ngữ này hiện diện rải rác từ Hòa Bình đến châu thổ sông Hồng, qua Thanh Hóa, Quảng Trị và vào đến Quảng Nam, Phú Yên…

 

     Tên của các giáp thường đặt theo hai cách, một là gọi theo phương hướng và vị trí như: đông, tây (đoài), trung, nam, bắc. Cách thứ hai là gọi theo số thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ… Gọi tên theo phương vị, ngoài Trường Sanh, Quảng Trị còn có rất nhiều nơi sử dụng như: làng Phương Để, huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam Hạ (trấn Nam Định về sau) bao gồm giáp Đông, giáp Trung Đông, giáp Tây và giáp Trung Tây; làng Mỹ Long thuộc xã Cối Xuyên, Hội Xuyên, Hải Dương có ba giáp là giáp Đông, giáp Trung và giáp Nam; làng Phước Toàn thuộc Tuy Hòa, Phú Yên có: giáp Đông, giáp Tây và giáp Trung.

 

     Những làng có cách gọi thứ hai, đó làng Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét (thuộc Thanh Trì, Hà Nội). Thịnh Liệt có 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Về sau giáp Cửu tách thành xã riêng, chính là làng Phương Liệt (làng Vọng). Tám giáp còn lại về sau tách thành 8 làng riêng, lấy tên giáp gọi cho tên làng là: giáp Nhất, giáp Nhị… đến giáp Bát. Làng Tứ Giáp (Điện Bàn, Quảng Nam) cũng có cách gọi này từ giáp Nhứt đến giáp Lục.

 

    Đặc biệt có nơi đã kết hợp cả hai yếu tố trên, đó là làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Đông Giáp Nhất, Đông Giáp Nhì, Đoài Giáp Nhất, Đoài Giáp Nhì, Hoà Giáp Nhất, Hoà Giáp Nhì, Ngạc Giáp Nhất, Ngạc Giáp Nhì.

 

     Tuy nhiên đến thế kỷ thứ XVI không biết vì lý do gì việc đặt tên giáp không còn quy định theo tên phương vị và số thứ tự nữa, việc đặt tên được tự do hơn, vào thời điểm này rất nhiều nơi phá lệ trong đó có giáp Phước của Đoan Trang (Trường Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị) và các giáp Kim Uyên, Ngọc Tĩnh, Cẩm Đường, Lan Đình (xã La Uyên thuộc Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng: bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình ngày nay); tương tự làng Tứ Giáp (Điện Bàn Quảng Nam) có giáp: Phong Đại, Phong Trung, Ngọc Hoa, Châu Minh, Phong Niên và Khả Phong…

 

     Hiện nay có rất nhiều quan điểm, nhận định về vai trò và tính chất của giáp. Theo cách phân loại của nhà Dân tộc học Trần Từ, giáp là một trong năm dạng tập hợp người bao gồm: Tập hợp người theo địa vực như ngõ, xóm; Tập hợp người theo huyết thống họ tộc; Tập hợp người trong những tổ chức tự nguyện của các thành viên phe, hội, phường; Tập hợp người trong bộ máy chính quyền cấp xã và tập hợp người theo lớp tuổi… Từ đó ông cho rằng giáp có vai trò quan trọng trong các sinh hoạt làng xã, nhất là về tôn giáo. Gần với quan điểm của tác giả Trần Từ, P. Gourou cho rằng: “Giáp là một tập hợp có tính cách tôn giáo việc gia nhập mang yếu tố gia đình và có trung tâm là một ngôi đền…”.

 

     Theo G. Dumontier: “Trong một số làng, giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ; trong một số làng khác, giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn giáo hay tập tục; giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má”. Cũng theo tác giả này: Trong các xã thôn theo thiên tước (sắp xếp ngôi thứ theo tuổi tác) không có giáp, các chức năng của nó được tổ chức theo địa vực (thôn, xóm, ngõ) đảm nhiệm. Loại làng này ít hơn rất nhiều so với các làng theo vương tước (ngôi thứ được sắp xếp theo tước vị vua ban).

 

     Khác với Trần Từ (1984), Nguyễn Tùng (Paris) bằng nghiên cứu của mình ông cho rằng: “Giáp không phải được tổ chức theo lứa tuổi, vì tuổi tác hay đúng hơn theo ngày ghi tên vào sổ giáp chỉ đóng vai trò phân định ngôi thứ trong giáp, chứ không kéo theo sự tổ chức thành lứa tuổi, nhất là theo nghĩa mà các nhà dân tộc học dùng khi nghiên cứu các xã hội ở châu Phi hay Nam Đảo”.

 

     Cũng trong bài viết này tác giả này tiếp tục nhận định: “…Chúng ta cũng nhận thấy trong các giáp hầu như không có các nghi thức thụ pháp, kết nạp tập thể và chung sống biệt lập cho các thành viên cùng ở vào lứa tuổi vị thành niên”. Tác giả đồng thuận quan điểm của Nguyễn Văn Huyên và cho rằng giáp có của cải riêng bằng tiền và bằng ruộng đất: “Tài sản đó là do các thành viên đóng góp, di tặng hay cho. Quỹ xã hội của giáp được dùng để cho các thành viên vay tiền hay thuê ruộng đất, thu nhập được dùng để tài trợ các cuộc vui chơi công cộng, tiệc tùng, lễ hiến sinh hay cầu xin”.

 

     Do tính chất của giáp thay đổi tùy theo làng nên tổ chức này tùy mỗi nơi lại có những chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Một số làng, ngoài việc lo tổ chức việc thờ cúng Thành hoàng và các lễ hội, giáp còn đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh trật tự trong làng. Ngày ghi tên vào sổ của giáp quy định ngôi thứ của mỗi thành viên, người ghi tên trước dù nhỏ tuổi vẫn có ngôi thứ cao hơn người ghi sau, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng lớn như thế nào của giáp.

 

     Cũng không đồng quan điểm với Trần Từ, bằng nghiên cứu và lập luận của mình giáo sư Trần Quốc Vượng tin rằng: “Trước thế kỷ XIX, giáp ngoài tập hợp về người còn là một tổ chức được xây dựng trên cơ sở địa vực, và ông tin ở đâu đó trên thực địa, còn có thể điều tra hồi cố được các tư liệu này”.

 

     Từ hai luồng quan điểm trên ta thấy: Tùy địa phương, giáp có thể chỉ mang một trong hai chức năng là đơn vị hành chính hoặc là tổ chức xã hội, nhưng cũng có thể đồng thời mang cả hai. Nhận định về đơn vị hành chính là hoàn toàn có cơ sở.

 

     Trong “Đại Nam thực lục” chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần Mậu Tý, Minh Mệnh năm thứ 9 (1828), tháng mười, ghi rõ: “Bắt đầu đặt huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, Nam Định…Lĩnh Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên. Bèn đem đất Tiền Châu cùng đất đối ngạn bên tả, bên hữu đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, thành 14 lí, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp…” Cũng trong sự kiện này sách dẫn tiếp: “Xin biệt lập làm 1 tổng thuộc huyện Nam Châu, được 5 ấp, 2 trại, 3 giáp ở tổng Hoành Nha…”

 

     Tác giả Võ Thị Phương Thúy khi nghiên cứu về làng Đông Ngạc bằng các tài liệu, hương ước, bút tích còn lưu lại của làng đã cho rằng: tại đây giáp vừa là đơn vị hành chính vừa là một tổ chức xã hội có cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động rõ ràng.

 

     So với các địa danh cùng tên trên cả nước, giáp tại làng Trường Sanh (Hải Lăng, Quảng Trị) là một đơn vị hành chính được tồn tại lâu nhất (đến năm 1975) và còn nguyên bản (không phân chia thêm giáp mới hay biến giáp thành làng như nhiều nơi khác), nó có vai trò tổ chức xã hội quan trọng trong thời kỳ đầu của công cuộc nam tiến, tuy nhiên những thế kỷ gần đây sau làng, tầm ảnh hưởng của họ tộc có vẻ lấn lướt hơn thôn ấp.

 

     Cho dù còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, cho dù việc phân cấp và tính quy mô của giáp qua từng triều đại, từng địa phương có khác nhau nhưng nhận định về giáp – một đơn vị cư trú hành chính trong vùng nông thôn Việt Nam xưa là có cơ sở và tổ chức giáp tại Trường Sanh là một chứng cứ có giá trị. Tuy chỉ là định danh tổ chức cư trú của một vùng nông thôn xưa, nhưng sự hình thành và lưu giữ đơn vị giáp tại làng Trường Sanh trong hơn năm thế kỷ là một điều quý hiếm, tính từ lúc khởi nguồn tên gọi cho đến nay là cả một dòng chảy dài của lịch sử. Sự tồn tại của thuật ngữ này dù chỉ là tên gọi của một thiết chế xã hội nhưng nó lại mang bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có truyền thống luôn hướng về cội nguồn của những cư dân Quảng Trị nói riêng người Việt nói chung khi xa quê.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

– Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn. Cao Tự Thanh. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, 2012;

 

– Nhân cách sử học (GS Trần Văn Thọ, Nguyễn Quang Ngọc và Philippe Papin làm chủ biên);

 

– Nghiên cứu Việt Nam, một số vấn đề lịch sử kinh tế – xã hội – văn hoá, Nxb. Thế Giới, 1998;

 

– Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra – Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, 1981.

 

– Đại Nam nhất thống chí, IV, Nxb Khoa học Xã hội, 1971;

 

– Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, 1967 – 1968;

 

– Phủ biên tạp lục, Lê Quý Ðôn – Nxb. Khoa học Xã hội, 1978;

 

– Nguyễn Từ Chi, Làng truyền thống Việt Nam, Nxb Thế Giới, 1993;

 

Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 306, tháng 3 năm 2020

 


READ MORE - Tìm hiểu về GIÁP từ một đơn vị hành chính xưa của làng TRƯỜNG SANH, Quảng Trị - Khê Giang

CHÙM THƠ “MỘT...” CỦA LÊ VĂN TRUNG


 

 
MỘT ĐÓA TRẦN GIAN
 
Trong vườn đêm ấy trăng vừa nở
Một đóa trà mi bừng ngát hương
Trăng biếc thơm như lòng khuê phụ
Ái tình mỏng quá, mỏng như sương
 
Ủ giấc mơ mềm đêm tóc rối
Vòng tay lạnh nhớ gió vàng thu
Gối lệch nghiêng hoài bên cõi mộng
Nhớ gì quay quắt một câu thơ
 
Hình như đêm ấy trăng hàm tiếu
Hình như lòng xuân chưa mãn khai
Ai ướp vào trăng màu nguyệt thắm
Ai ươm vào trăng mật ứ đầy
 
Em về đêm mỏng tình như lụa
Em về trăng thơm mùi hương trầm
Cho tôi vẽ nốt màu thiên cổ
Một đóa trần gian còn nguyên xuân.
                               
 
MỘT ĐỜI SAO MỌC TRÊN RỪNG LẺ LOI
 
(Bài viết nhân chuyến thăm nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tại Bảo Lộc. Tặng chị Phương, cháu Nguyễn Đức Phương Bối, và các cháu...)
 
Một đời trầy trụa với thơ
Vết thương chảy máu bây giờ còn đau
Ông nằm giỡn với chiêm bao
Trái tim u tịch nhịp sầu lặng câm
Ngọt ngào những vết dao đâm
Là lời kinh nguyện chảy bầm máu xương
Ông đùa cợt với tai ương
Ông cười trên những tang thương đời mình
Đất trời quá đổi mông mênh
Phận đời ông - SAO TRÊN RỪNG - lẻ loi
Một đời trôi giạt cùng thơ
Trăm năm đứng đợi bên bờ tử sinh.
          
 
MỘT DÒNG TRÔI
 
tình yêu như một dòng sông có nhiều nhánh rẽ
em rẽ dòng nào tôi cũng một dòng trôi
tôi nhuốm ngọn lửa cô đơn soi ấm cuộc tình người
yêu tha thiết thuở tình đang hàm tiếu
       
tôi đứng giữa nhân gian như một người bị đóng đinh chuộc tội
tội lỗi này ân huệ Thượng Đế đã riêng ban
tôi gom hết khổ đau làm hạnh phúc linh thiêng
như thuở nói yêu người mà ngọn lửa tình thiêu rụi
trái tim tôi thương tật vỡ thành thơ
 
trái tim tôi trong suốt như sương mơ
như giọt lệ trên môi người tinh tuyết
xin gom hết những mặn nồng
những đắng cay
những ngọt bùi
ướp thành rượu ngọt
mà rót vào vô tận cõi nhân gian
mà rót vào vạn nhánh rẽ dòng sông
xin thánh hiến cả linh hồn cả trái tim thương tật
 
tôi thắp lửa soi con đường sự thật
em rẽ dòng nào tôi cũng một dòng trôi
xin hãy vì thơ mà nhỏ lệ ngậm ngùi
dẫu bỏ lại
dẫu quay đi
dẫu ngàn trùng ngăn cách
dẫu trăm năm vạn chuyến tàu chia biệt
em rẽ dòng nào thơ cũng một dòng trôi.
                             
 
MỘT HÔM TÔI VỚI VÔ CÙNG
 
Một hôm tôi với dòng sông
Vừa trôi vừa chảy bềnh bồng trong thơ
Em qua tôi một chuyến đò
Để thương để nhớ đợi chờ trăm năm
 
Từ em thơm đóa nguyệt rằm
Vai quàng mây lụa tay cầm hoa mơ
Mắt huyền lạc giữa câu thơ
Tóc chiều rối cả đôi bờ sông tôi
 
Một hôm tôi với mây trời
Về ôm tình mộng bên đồi nhân gian
Nở giùm tôi đóa quỳnh lan
Tỏa vào tôi nhé trắng ngần mùi hương
 
Một hôm tôi với con đường
Lang thang lạc giữa nghìn phương ảo huyền
Hỏi người rằng nhớ hay quên
Đường xưa lối cũ còn tìm nhau không?
                                  
 
MỘT LẦN NGUYÊN XUÂN
 
Cho tôi về một lần thôi
Nhìn mây xanh
với áo người còn xanh
Trải hồn ra với VÔ BIÊN
Trải tình ra với mông mênh đất
trời
Cho tôi về
một lần thôi
Ngắm trăng vàng thắm
mắt người đầy trăng
Em từ VÔ LƯỢNG NGUYÊN XUÂN
Áo hoa quần lụa đêm trần gian tôi
Cho tôi
Về một lần thôi
Sương nghìn năm cũ nhớ người còn bay
Tìm nhau giữa hội xuân này
Qua nhau cho hết một ngày.
Rồi thôi!
 
03.01.20
 
 
MỘT MAI EM CÓ TRỞ VỀ
 
Rồi có thể một ngày kia em sẽ
Khép hoàng hôn ngồi đợi cửa bên chiều
Lòng hoài nhớ một vầng trăng thiếu nữ
Giấc khuya rằm thổn thức giọt sương gieo
Về thăm lại dòng sông xưa bến cũ
Còn thầm nghe sóng vổ gọi tên người
Chim lẻ bạn nghiêng chao niềm cố xứ
Bóng người về chìm giữa bóng mây trôi
Về ngồi lại bên thềm rêu tìm đọc
Câu thơ buồn tiếc thuở phấn hương xưa
(Phấn hương nào nhòe nhoẹt dưới sương mưa
Đã giấu vội nghìn thu trong mắt biếc)
Em về lại có nghe lòng tưởng tiếc
Nắng mùa xanh lụa thắm áo xuân thì
Đừng nhe em! Đừng ngăn dòng nước mắt
Dù muôn xuân vàng lạnh bỏ nhau đi
Người trăm năm hò hẹn có quay về
Xin nước mắt em là men rượu ngọt
Xin nước mắt em là dòng hương mật
Chảy vào đời trôi rữa sạch nguồn cơn
Tôi mở lòng tôi ngồi đợi cuối hoàng hôn.
 
 
MỘT MIỀN IM LẶNG KHÁC
(Thơ cho CÕI LẶNG IM)
 
Còn trong cõi LẶNG IM
Một miền IM LẶNG khác
Còn trong cõi kiếm tìm
Một mối tình đã mất
Em thắp chi mùa đông
Những ngọn đèn tháng chạp
Em thắp chi mùa thu
Một vì sao hiu hắt
Thuở tóc tình sương phai
Thuở mắt tình lệ xót
Em thắp chi hồn tôi
Trong từng đêm trăng úa
Trăm năm còn chờ nhau
Một vòng tay chưa mở
Trăm năm còn tìm nhau
Nhạt nhòa câu duyên nợ
Còn trong CÕI LẶNG IM
Một MIỀN IM LẶNG khác
Giữa mịt mù vô biên
Là con đường giải thoát.
 
 
MỘT MÌNH
 
Một ly. Một ghế. Một bàn
Trống trơ quán vắng, đêm tàn, mình tôi
Rượu buồn như lệ của người
Mà say, dang dở cả lời trăm năm
Đàn ai rụng tiếng huyền cầm
Nhớ trăng áo mỏng chưa rằm quỳnh hương
 
Rượu không rót cạn nỗi buồn
Nhớ người nhớ cả mênh mông đất trời.
                                
 
MỘT NGÀY BÌNH YÊN
 
Nở đi em một mặt trời
Long lanh trong giọt lệ ngời yêu thương
Tỏa ngát lên mầu nhiệm hương
Nghìn thu rót mật tận nguồn tim reo
 
Thắp lên em vạn vì sao
Cho đêm tình ái chảy vào sông trăng
Cho thơ tôi tắm lệ nồng
Cho hồn tôi tắm trong hồn cỏ cây
 
Rót đi em giọt tình say
Ngửa lòng tôi uống một ngày bình yên.
                           
 
MỘT NGÀY BUỒN QUÁ ĐỖI
 
Lòng buồn quá em nở giùm tôi với
Tường vi ơi, đại đóa cúc ươm vàng
Xin nở với lòng tôi đang mùa vội
Đêm chưa tàn thao thiết nụ quỳnh hương
 
Lòng buồn quá xin chảy cùng tôi với
Dòng sông ơi và suối và khe rừng
Chảy róc rách vào lòng em mở hội
Đêm chưa tàn lá rụng giữa mùa trăng
 
Lòng buồn quá xin hót giùm tôi với
Lời nỉ non con dế nhỏ ven đường
Lời của gió thổi mềm miền sương gội
Đêm chưa tàn tóc rối mộng trầm hương
 
Lòng buồn quá xin bay cùng tôi với
Mây ngang trời chìm áo lụa vàng phai
Bay dịu dàng qua lòng tôi diệu vợi
Đêm chưa tàn chưa cạn một hồn say
 
Lòng buồn quá, ôi một ngày buồn quá
Lòng hoang vu bờ bãi tiếp hoang vu
Ôi tình em là một dòng sông lạ
Vỗ vào tôi sóng mỏi cuối chân cầu.
                          
 
MỘT TÔI GIỮA ĐẤT TRỜI
 
Mình tôi với những con đường
Quanh co trong cõi vô thường nhân gian
Buồn rơi giọt nắng khô tàn
Lá mùa quên lãng rụng vàng giấc mơ
 
Buồn trong tôi những sợi mưa
Tự nguồn thiên cổ về chưa hết sầu
Réo gì lời thiết tha đau
Đường tôi gãy những nhịp cầu trần gian
 
Nhớ gì mà sương chưa tan
Còn che kín cõi tình dang dỡ tình
Một tôi trời đất rộng thênh
Quanh co đường quạnh buồn tênh phận mình.
                          
 
MỘT TRANG TÌNH HUYỀN THOẠI
 
Trăm năm cô vẫn là cô bé
Một thuở hoang đường trong mắt tôi
(Dẫu biết đôi khi dòng biếc lệ
Vô tình rụng xuống bóng chiều rơi)
 
Môi vẫn là hoa còn ngậm hương
Tóc rối vào mây một chút buồn
(Đâu biết đôi khi bờ vai nhỏ
Thương lá vàng tôi rụng ngỡ ngàng
 
Đâu biết áo chiều xưa trắng xóa
Bay hoài trong những giấc mơ hoa
Đâu biết đôi khi dòng trăm ngả
Thơ buồn mơ mãi bến sông xa )
 
Trăm năm cô mãi là cô bé
Đâu thấy thu tôi rắc lá vàng
Đâu thấy sương tôi mềm cơn mộng
Vừa rơi vừa bay vừa lang thang.
                              
Lê Văn Trung

READ MORE - CHÙM THƠ “MỘT...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

HÃY ÔM MẸ ĐẤT – Thơ Tịnh Bình


        Nhà thơ Tịnh Bình
 
 
HÃY ÔM MẸ ĐẤT
 
Tôi sợ một ngày Người sẽ đi xa...
Khi không thể bao dung nổi loài người độc ác
Đầy cuồng tâm và tham vọng
Hát lên bài ca yêu thương vô vọng
Bằng chính sức mình nhỏ nhoi
Khi những cánh rừng không ngừng đổ xuống
Những dòng sông nhiễm độc không thể soi bóng mây trời
Nắng không ngừng thiêu đốt
Mưa không ngừng than van
Chỉ lũ Virus gian ác không ngừng sinh sôi và hung hãn
 
Tôi sợ một ngày Người sẽ vỡ tan
Những vòng xoay dần dần lệch trục
Hỡi quỹ đạo xiêu vẹo
Bước chân Người đã nhọc mệt và già nua lắm rồi
 
Hãy ôm mẹ Đất vào lòng
Và chữa trị vết thương trên thân thể Người bằng chính tâm thức yêu thương của chúng ta...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - HÃY ÔM MẸ ĐẤT – Thơ Tịnh Bình