Tìm hiểu về GIÁP
từ một đơn vị hành chính xưa
của làng TRƯỜNG SANH, Quảng Trị
KHÊ GIANG
Là một đại xã
(làng lớn) của huyện Hải Lăng xưa, nhưng Trường Sanh (Hải Trường, Hải Lăng, Quảng
Trị) không gọi cấp đơn vị hành chính dưới xã là thôn, ấp hay phe mà gọi bằng
giáp. Trường Sanh đại xã hay Trường Sanh ngũ giáp là tên gọi định danh cho ngôi
làng có diện tích và dân số đứng bậc nhất của tổng Câu Hoan thời bấy giờ. Với
năm đơn vị cư trú tương ứng cấp thôn đó là giáp Đông, giáp Mỵ, giáp Trung, giáp
Hậu và giáp Phước. Sau khi giáp Phước tách ra thành làng Trường Phước nay thuộc
xã Hải Lâm, Trường Sanh đại xã vẫn còn tồn tại 4 giáp cho đến năm 1975 và sau
đó được đổi thành tên gọi mới là Đông Trường, Mỵ Trường, Trung Trường và Hậu
Trường.
So với các làng cổ
thuộc huyện Hải Lăng Quảng Trị, tên gọi tổ chức đơn vị cư trú giáp là một nét đặc
trưng của làng Trường Sanh. Vậy giáp là gì, có nguồn gốc xuất xứ từ đâu?
Theo “Đại Việt sử
ký toàn thư”, thuật ngữ giáp được Khúc Hạo xác lập vào năm 907 thay từ hương do
Cao Biền lập ra dưới đời Hàm Thông (860-874), tuy nhiên giáp của Khúc Hạo lúc
này tương đương với đơn vị làng chứ không phải cấp thôn như giáp của Trường
Sanh, Quảng Trị.
Vào năm 1074 dưới
đời Tống, Vương An Thạch đề ra chính sách “Bảo giáp pháp” là tổ chức địa vực
bên trong của lý, dựa theo chính sách đó đến năm 1419 Lý Bân đặt ra quy định rạch
ròi về đơn vị cư trú này, cụ thể giáp bao gồm mười hộ và do giáp thủ điều khiển,
tùy theo số hộ, một xóm có thể được tổ chức thành một hay nhiều giáp. Trong các
thế kỷ sau, giáp là đơn vị tổ chức cùng cấp với thôn, phe… thuộc làng, ngoại lệ
cũng có một số nơi giáp lại tương đương cấp xóm hoặc cấp làng.
Theo cuốn “Tên
làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra” – Viện
nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1981. Qua thống kê có tới 18
đơn vị hành chính mang tên giáp, trong đó 16 đơn vị tương đương cấp thôn, 01
đơn vị tương đương cấp xã và 01 đơn vị tương đương cấp phường. Từ những cứ liệu
trên ta thấy giáp là một đơn vị hành chính hẳn hoi tồn tại ở nước ta từ thế kỷ
X cho đến đầu thế kỷ XIX. Thuật ngữ này hiện diện rải rác từ Hòa Bình đến châu
thổ sông Hồng, qua Thanh Hóa, Quảng Trị và vào đến Quảng Nam, Phú Yên…
Tên của các giáp
thường đặt theo hai cách, một là gọi theo phương hướng và vị trí như: đông, tây
(đoài), trung, nam, bắc. Cách thứ hai là gọi theo số thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ…
Gọi tên theo phương vị, ngoài Trường Sanh, Quảng Trị còn có rất nhiều nơi sử dụng
như: làng Phương Để, huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam Hạ (trấn Nam Định về sau) bao
gồm giáp Đông, giáp Trung Đông, giáp Tây và giáp Trung Tây; làng Mỹ Long thuộc
xã Cối Xuyên, Hội Xuyên, Hải Dương có ba giáp là giáp Đông, giáp Trung và giáp
Nam; làng Phước Toàn thuộc Tuy Hòa, Phú Yên có: giáp Đông, giáp Tây và giáp
Trung.
Những làng có cách
gọi thứ hai, đó làng Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét (thuộc Thanh Trì, Hà Nội).
Thịnh Liệt có 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Về sau giáp Cửu tách thành xã
riêng, chính là làng Phương Liệt (làng Vọng). Tám giáp còn lại về sau tách
thành 8 làng riêng, lấy tên giáp gọi cho tên làng là: giáp Nhất, giáp Nhị… đến
giáp Bát. Làng Tứ Giáp (Điện Bàn, Quảng Nam) cũng có cách gọi này từ giáp Nhứt
đến giáp Lục.
Đặc biệt có nơi đã
kết hợp cả hai yếu tố trên, đó là làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Đông
Giáp Nhất, Đông Giáp Nhì, Đoài Giáp Nhất, Đoài Giáp Nhì, Hoà Giáp Nhất, Hoà
Giáp Nhì, Ngạc Giáp Nhất, Ngạc Giáp Nhì.
Tuy nhiên đến thế
kỷ thứ XVI không biết vì lý do gì việc đặt tên giáp không còn quy định theo tên
phương vị và số thứ tự nữa, việc đặt tên được tự do hơn, vào thời điểm này rất
nhiều nơi phá lệ trong đó có giáp Phước của Đoan Trang (Trường Sanh, Hải Lăng,
Quảng Trị) và các giáp Kim Uyên, Ngọc Tĩnh, Cẩm Đường, Lan Đình (xã La Uyên thuộc
Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng: bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình
ngày nay); tương tự làng Tứ Giáp (Điện Bàn Quảng Nam) có giáp: Phong Đại, Phong
Trung, Ngọc Hoa, Châu Minh, Phong Niên và Khả Phong…
Hiện nay có rất
nhiều quan điểm, nhận định về vai trò và tính chất của giáp. Theo cách phân loại
của nhà Dân tộc học Trần Từ, giáp là một trong năm dạng tập hợp người bao gồm:
Tập hợp người theo địa vực như ngõ, xóm; Tập hợp người theo huyết thống họ tộc;
Tập hợp người trong những tổ chức tự nguyện của các thành viên phe, hội, phường;
Tập hợp người trong bộ máy chính quyền cấp xã và tập hợp người theo lớp tuổi… Từ
đó ông cho rằng giáp có vai trò quan trọng trong các sinh hoạt làng xã, nhất là
về tôn giáo. Gần với quan điểm của tác giả Trần Từ, P. Gourou cho rằng: “Giáp
là một tập hợp có tính cách tôn giáo việc gia nhập mang yếu tố gia đình và có
trung tâm là một ngôi đền…”.
Theo G. Dumontier:
“Trong một số làng, giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ; trong một số
làng khác, giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn
giáo hay tập tục; giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các
gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má”. Cũng
theo tác giả này: Trong các xã thôn theo thiên tước (sắp xếp ngôi thứ theo tuổi
tác) không có giáp, các chức năng của nó được tổ chức theo địa vực (thôn, xóm,
ngõ) đảm nhiệm. Loại làng này ít hơn rất nhiều so với các làng theo vương tước
(ngôi thứ được sắp xếp theo tước vị vua ban).
Khác với Trần Từ
(1984), Nguyễn Tùng (Paris) bằng nghiên cứu của mình ông cho rằng: “Giáp không
phải được tổ chức theo lứa tuổi, vì tuổi tác hay đúng hơn theo ngày ghi tên vào
sổ giáp chỉ đóng vai trò phân định ngôi thứ trong giáp, chứ không kéo theo sự tổ
chức thành lứa tuổi, nhất là theo nghĩa mà các nhà dân tộc học dùng khi nghiên
cứu các xã hội ở châu Phi hay Nam Đảo”.
Cũng trong bài viết
này tác giả này tiếp tục nhận định: “…Chúng ta cũng nhận thấy trong các giáp hầu
như không có các nghi thức thụ pháp, kết nạp tập thể và chung sống biệt lập cho
các thành viên cùng ở vào lứa tuổi vị thành niên”. Tác giả đồng thuận quan điểm
của Nguyễn Văn Huyên và cho rằng giáp có của cải riêng bằng tiền và bằng ruộng đất:
“Tài sản đó là do các thành viên đóng góp, di tặng hay cho. Quỹ xã hội của giáp
được dùng để cho các thành viên vay tiền hay thuê ruộng đất, thu nhập được dùng
để tài trợ các cuộc vui chơi công cộng, tiệc tùng, lễ hiến sinh hay cầu xin”.
Do tính chất của
giáp thay đổi tùy theo làng nên tổ chức này tùy mỗi nơi lại có những chức năng
và nhiệm vụ khác nhau. Một số làng, ngoài việc lo tổ chức việc thờ cúng Thành
hoàng và các lễ hội, giáp còn đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh trật tự trong làng.
Ngày ghi tên vào sổ của giáp quy định ngôi thứ của mỗi thành viên, người ghi
tên trước dù nhỏ tuổi vẫn có ngôi thứ cao hơn người ghi sau, điều này cho thấy
tầm ảnh hưởng lớn như thế nào của giáp.
Cũng không đồng
quan điểm với Trần Từ, bằng nghiên cứu và lập luận của mình giáo sư Trần Quốc
Vượng tin rằng: “Trước thế kỷ XIX, giáp ngoài tập hợp về người còn là một tổ chức
được xây dựng trên cơ sở địa vực, và ông tin ở đâu đó trên thực địa, còn có thể
điều tra hồi cố được các tư liệu này”.
Từ hai luồng quan điểm
trên ta thấy: Tùy địa phương, giáp có thể chỉ mang một trong hai chức năng là
đơn vị hành chính hoặc là tổ chức xã hội, nhưng cũng có thể đồng thời mang cả
hai. Nhận định về đơn vị hành chính là hoàn toàn có cơ sở.
Trong “Đại Nam thực
lục” chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần Mậu Tý, Minh Mệnh năm thứ 9
(1828), tháng mười, ghi rõ: “Bắt đầu đặt huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương,
Nam Định…Lĩnh Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người
mới yên. Bèn đem đất Tiền Châu cùng đất đối ngạn bên tả, bên hữu đo đạc đất
hoang chia cấp cho dân nghèo, thành 14 lí, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp…” Cũng trong
sự kiện này sách dẫn tiếp: “Xin biệt lập làm 1 tổng thuộc huyện Nam Châu, được
5 ấp, 2 trại, 3 giáp ở tổng Hoành Nha…”
Tác giả Võ Thị
Phương Thúy khi nghiên cứu về làng Đông Ngạc bằng các tài liệu, hương ước, bút
tích còn lưu lại của làng đã cho rằng: tại đây giáp vừa là đơn vị hành chính vừa
là một tổ chức xã hội có cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động rõ ràng.
So với các địa
danh cùng tên trên cả nước, giáp tại làng Trường Sanh (Hải Lăng, Quảng Trị) là
một đơn vị hành chính được tồn tại lâu nhất (đến năm 1975) và còn nguyên bản
(không phân chia thêm giáp mới hay biến giáp thành làng như nhiều nơi khác), nó
có vai trò tổ chức xã hội quan trọng trong thời kỳ đầu của công cuộc nam tiến,
tuy nhiên những thế kỷ gần đây sau làng, tầm ảnh hưởng của họ tộc có vẻ lấn lướt
hơn thôn ấp.
Cho dù còn nhiều
quan điểm chưa thống nhất, cho dù việc phân cấp và tính quy mô của giáp qua từng
triều đại, từng địa phương có khác nhau nhưng nhận định về giáp – một đơn vị cư
trú hành chính trong vùng nông thôn Việt Nam xưa là có cơ sở và tổ chức giáp tại
Trường Sanh là một chứng cứ có giá trị. Tuy chỉ là định danh tổ chức cư trú của
một vùng nông thôn xưa, nhưng sự hình thành và lưu giữ đơn vị giáp tại làng Trường
Sanh trong hơn năm thế kỷ là một điều quý hiếm, tính từ lúc khởi nguồn tên gọi
cho đến nay là cả một dòng chảy dài của lịch sử. Sự tồn tại của thuật ngữ này
dù chỉ là tên gọi của một thiết chế xã hội nhưng nó lại mang bản sắc văn hóa
dân tộc, trong đó có truyền thống luôn hướng về cội nguồn của những cư dân Quảng
Trị nói riêng người Việt nói chung khi xa quê.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Cao Tự Thanh. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, 2012;
– Nhân cách sử học (GS Trần Văn Thọ, Nguyễn Quang Ngọc và
Philippe Papin làm chủ biên);
– Nghiên cứu Việt Nam, một số vấn đề lịch sử kinh tế – xã hội
– văn hoá, Nxb. Thế Giới, 1998;
– Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ
Tĩnh trở ra – Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, 1981.
– Đại Nam nhất thống chí, IV, Nxb Khoa học Xã hội, 1971;
– Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, 1967
– 1968;
– Phủ biên tạp lục, Lê Quý Ðôn – Nxb. Khoa học Xã hội, 1978;
– Nguyễn Từ Chi, Làng truyền thống Việt Nam, Nxb Thế Giới,
1993;
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 306, tháng 3 năm 2020
No comments:
Post a Comment