Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 25, 2014

HỒN THU DỖ MỘNG - thơ PN Trương Đình Đăng

Tác giả PN Trương Đình Đăng đang ký sách tặng cho nhà thơ Võ Văn Hoa


HỒN THU DỖ MỘNG

Em có nghe thu mãi gọi ta hoài
Lá đầu mùa nhẹ rơi ngoài hiên vắng
Vầng trăng khuyết ghé mắt nhìn song lạnh
Tiếng vạc sành man mác vọng hồn đêm

Biệt cây cành bịn rịn lá chao nghiêng
Lời trăn trối gửi niềm riêng sau trước
Nhắc một thời nặng tình non nghĩa nước
Áng phù vân đành sáng hợp chiều tan

Lối mòn xưa cúc dại mấy hoa tàn
Lưng cóc đá rêu thời gian xanh phủ
Chiếc cầu gỗ dấu chân trần nhớ chủ
Ngọn nến gầy dang dở cháy tàn canh

Thu lại về, thu ấy nhớ không em
Dâng tuổi xuân ta đi tìm hạnh phúc
Ngọn lửa hồng cháy tình yêu rất thực
Cuốn ta vào trong thế cuộc binh đao

Ta dẫm lên muôn ngàn vạn gian lao
Đời gió bụi gội bom gào đạn xé
Trải mấy thu qua mấy lần dâu bể
Ngày cứ trôi, non nước đợi mây về

Thu lại vàng ngân điệp khúc đam mê
Đêm thổn thức, vần thơ khuya ngọt chảy
Dìu dịu gió quạt làn hương mộng ấy
Ngỡ tay đời ve vuốt dỗ hồn đơn!


PN TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
READ MORE - HỒN THU DỖ MỘNG - thơ PN Trương Đình Đăng

Em Đi Rồi... Hạ Nhớ - Thơ Vương Ngọc Long - Nhạc Phạm Anh Dũng - (Bản midi, chưa có người hát)





EM ĐI RỒI ... HẠ NHỚ
(thơ Vương Ngọc Long, nhạc Phạm Anh Dũng)

Em đã quên mùa hạ 
Theo đò qua bến lạ 
Bước chân người lãng quên 
Những hàng cây lặng yên 

Bên dòng sông ngái ngủ 
Dưới mặt trời huyết dụ 
Giữa cỏ lá phiêu bồng 
Trên sân trường hư không 

Tình là ảo vọng 
Tình chỉ còn chiếc bóng 
Cuối đường thênh thang 
Giữa cõi lòng mênh mang 

Mưa rơi giọt vỡ 
Trên môi người bỡ ngỡ 
Hạ làm chia ly 
Cung điệu buồn đôi mi 

Em đi rồi .... Hạ nhớ ! 
Em đi rồi .... Hạ nhớ !
READ MORE - Em Đi Rồi... Hạ Nhớ - Thơ Vương Ngọc Long - Nhạc Phạm Anh Dũng - (Bản midi, chưa có người hát)

Thơ Chu Vương Miện - TRẦN VIÊN VIÊN, PHỤNG CẦU HOÀNG

Tác giả Chu Vương Miện

TRẦN VIÊN VIÊN

ngũ đại mỹ nhân thời Đại Minh
đệ nhất kiều nữ đất Dương Châu
thi gia Ngô Mai Thôn
trứ tác mấy năm mấy trăm bài thơ
tuyệt bút riêng tặng giai nhân
nhiều hoạ gia thì vẽ chân dung
tài tử phong lưu chén ngà
đũa ngọc rượu Nữ Nhi Hồng
được hoàng đế Sùng Chính vời vào cung
phong tạm tài nhân
sau hai tuần sủng ái
long thể đức vua suy nhược
im thin thít chỉ có nằm
lâu lâu thở dài
uống bát canh sâm thang rồi nhắm mắt
cũng may phúc trơì còn lây lất
quần thần bàn đưa nàng vào lãnh cung
thấy phí của giời uổng công tài sắc
bèn hạ chỉ ban thí cho Bình tây Vương
Ngô Tam Quế trấn Sơn Hải Quan
đúng là duyên trời cho cầm sắt
kỳ phùng địch thủ
hai con giao long
phụng đảo loan điên không mệt và không nghỉ
giao hoan thủ lạc vô cùng mỹ ý
phiá mạn bắc Mãn Châu chưa xong
lại hạn hán mất mùa kéo dài ba năm
dân đói nằm chết đầy đường đầy đồng
loạn Lý Tư Thành
nổi lên phá làng phá xóm
giặc Sấm chiếm mất Trần Viên Viên
Ngô Tam Quế mất ghệ phát điên
cuộc chiến xẩy ra do hai con bò tót
hai con dê đực dê xồm
bá tánh phân khổ phần đói phần chết
mượn gió bẻ măng
quan Mãn Châu do thân vương Đa Nhĩ Cổn
nhập quan chấm dứt ngôi vua của họ Chu
nhà Đại Minh đi đứt
ôi nhan sắc nghiêng trời lệch đất
quốc phá gia vong
vì “lờ” mà bọn đâu trâu mặt ngựa
yêng hùng lẫn khùng
đánh đến kỳ cùng không còn mảnh đất
ngũ đại mỹ nhân
kẻ nào vô phước rớ tay vào
không tiêu tán đường cũng thác ?

chu vương miện



PHỤNG CẦU HOÀNG

đời xưa còn có chàng Tư Mã
đơi nay sao lạc Trác văn Quân
Phụng bay rã cánh nằm chết dở
loan lạc phương nào không vết chân
chuyện xưa nghe lại càng lãng xẹt
thật giả xem ra cuội mây phần
cung thương rên rỉ sấu trăm ngả
chủy vũ rạt rào cấm với ngăn
nhạc nhoẽ nghe ra chừng không khá
thì thôi khăn áo xéo cho đành
về sau lại thấy đi bán rượu
dăm vò trong đục đoạn đường quanh
giai nhân giờ cũng đành gánh nước
quét nhà nuôi lợn nguội công danh
cây đàn dẫn nợ treo gác bếp
nhân tài đem đắp đổi cơm canh
đời xưa còn có chàng Tư Mã
đời nay đầy dẫy phương nam hành
loanh quanh một lũ phường mặt trắng
chết tiệt đâu rồi bọn mắt xanh
tình ta từa tựa chàng Tư Mã
vắng hẳn đâu rồi Trác văn Quân

chu vương miện


READ MORE - Thơ Chu Vương Miện - TRẦN VIÊN VIÊN, PHỤNG CẦU HOÀNG

MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ - thơ Trúc Thanh Tâm




MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ

Lắng nghe sông núi trở mình
Đâu đây tiếng vạc ăn xin đêm dài
Đếm đời oằn những ngón tay
Vậy mà chưa giáp trần ai lụy phiền

Lúa thơm xứ sở bưng biền
Cọng rau đắng đất thương miền hoang sơ
Ngọn tre cong tuổi ấu thơ
Từ hôm con sáo bỏ bờ giồng bay

Gió qua vườn cũ thở dài
Ta qua vườn cũ vướng vài sợi mưa
Chợ đời bán ít người mua
Chuyến xe định mệnh vẫn chưa khởi hành

Bao năm tính cuộc ân tình
Ta lời số phận tóc mình sương pha
Vườn cau, mây trắng phía nhà
Còn đâu cục đất còn là quê hương !

                             Rằm tháng 7, Giáp Ngọ - 2014

                                  TRÚC THANH TÂM
READ MORE - MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ - thơ Trúc Thanh Tâm

GỞI LẠI CHO EM ĐÀ LẠT - thơ Huy Uyên



GỞI LẠI CHO EM ĐÀ LẠT

Kỷ-niệm đầy những luống cải vàng trên đồi
buổi sáng sương phả lạnh
quặn thắt nhớ người
quay về những vườn hoa xưa chiều thăm thẳm.

Bên hồ lặng im và gió
những con đường thay tên
tình em và nỗi nhớ
bên kia phía đồi thông buồn.

Em bỏ sầu ở lại đại-dương
mặt hồ chạy quanh co phố chợ
em giờ môi má thôi hồng
những bông hoa đào cũng nhạt phai sắc đỏ.

Đi một mình giữa mùa thu xa chết
bên hồ hàng cây tan mưa
người đưa tay níu trời mà khóc
se lạnh lòng ai nhớ những ngày xưa.

Em cầm trong tay tuổi dậy thì
đóng cửa lao xao lung linh bờ ngực
con đường in dấu bước chân đi
em mang hoài vết thương về địa ngục.

Vội vàng chân trời khép kín
sao trời trôi ngơ ngẫn nước mặt hồ
lên đồi khóc òa tình trái chín
cuối dốc Hòa-bình mây ngũ bơ vơ.

Dưới hồ em lặng nhìn xe qua
vườn hoa cũ chừng như lười chải tóc
dưới trăng tiếng ai thầm thì
những đóa lan đỏ như màu môi đang khóc.

Hết rồi con đường xưa đã mất
tôi ngậm ngùi cầm tay em xa
quanh đồi bổng dưng ai hát
mối tình đi không hẹn ngày về.

Có thể quên sao đã đi rồi
chút bâng khuâng xa người
treo lên cây đứng ngó 
ly cà-phê bên hồ lãng đãng mây trôi
dấu nụ cười nữa đêm quán nhỏ.

Em mang chi trái tim đen của rắn
để tôi đi không thấy đường về
nước mắt người thôi đã cạn
đường chiều xao xuyến hương mê .

Em dấu tôi nụ cười
thôi em nỗi buồn đã khép
Đà-lạt chiều một mình thôi
gởi lại người trái tim tuồng như đã chết ...
                           Huy Uyên
READ MORE - GỞI LẠI CHO EM ĐÀ LẠT - thơ Huy Uyên

Ký: CẢM NHẬN SAU MỘT LỄ HỘI VU LAN - Mặc Phương Tử


Portland, Oregon


Ký: CẢM NHẬN SAU MỘT LỄ HỘI VU LAN 

Đến Louisiana, thành phố Gretna đã hơn 2 tuần, nay được huynh đệ mời đến Tiểu bang Oregon, thành phố Portland để trình bày giáo lý Đạo Hiếu đến với cộng đồng người Việt nhân mùa Vu Lan (tháng 7 âm lịch) theo truyền thống của Đạo Phật nói chung và có liên quan đến Đạo Nho cũng như qua tinh thần uống nước nhớ nguồn của nền văn hóa Việt đã được khởi động và hình thành một bản sắc đặc thù đã có tự ngàn xưa từ kho tàng ca dao của các bậc tiền hiền đã trải qua nhiều thời đại sáng tạo, chắt lọc, khơi nguồn đạo lý của dân tộc cho đến ngày hôm nay, và miên viễn cho cả những thế hệ mai sau.

Buổi lễ được tổ chức 2 ngày, và cả 2 ngày đều có chương trình văn nghệ, chủ yếu là ca nhạc vể Mẹ, Cha và Quê hương, chương trình ca nhạc bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều đến 10 giờ tối cùng ngày. Trong tất cả những ca khúc nổi tiếng, chúng tôi còn nhớ như: Bông hồng dâng mẹ, Tình Cha, Đạo làm con, Mẹ tôi, Cha yêu con, Nhật ký của mẹ… Nhưng cũng lắm nỗi da diết, khát vọng về quê hương của những ai xa xứ qua những ca khúc bất hủ, như : Nỗi lòng xa xứ, Lối về đất mẹ, Sương trắng miền quê ngoại, Tình ca quê hương, Quê hương tôi miền Trung, Đất Phương Nam.v.v…

Trong những buổi lễ hội và văn nghệ như thế nầy, thường là rất đông đảo những bà con người Việt trong khu vực Thành phố, kể cả có những người từ những Tiểu bang lân cận cũng trở về, theo chúng tôi được biết, với số người đến dự trên dưới 2.000 người.

Sau thời trình bày giáo lý về đạo Hiếu, và tiếp đến qua nghi thức hành chánh lễ khai mạc chương trình văn nghệ, chúng tôi ngồi nán lại để thưởng thức những ca khúc tuyệt phẩm từ nguồn âm nhạc Việt nam xưa và nay, sau đó trở về phòng nghỉ sớm, nhưng cũng thức sớm theo thói quen thường khi là như vậy.

Được biết, sau gần nửa đêm, tàn cuộc vui chơi ăn uống với số lượng người đến như trên đã nói, chúng tôi bước ra, chợt thấy hiện trường của đêm qua mà không khỏi chạnh lòng nghỉ ngợi! Trên bàn và cả dưới mặt sân nhiều nơi trông thức ăn, nước uống, giấy, ly, đổ tung ra, ghế ngồi thì xoay chiều và ngả đủ hướng. Sau đó, những người đến phụ dọn dẹp, đồng thời lại nhờ 2 vị đi từ phía đầu ngõ dọc theo 2 bên đường để nhặt tàn thuốc, cả 2 cùng nhẫn nại ngồi đếm, mới biết ra trên 500 cùi tàn thuốc quăng bỏ bên đường. Nếu không làm như vậy thì điều gì sẽ xảy ra cho người tổ chức lễ hội và văn nghệ nói trên.

Sự thành công và ưu điểm của người Việt ở xứ nầy, phần lớn là ổn định chuyện làm và ăn ở, song song với việc ấy, họ hướng dẫn, tạo điều kiện cho con cháu học hành nên danh nên phận cho bản thân và gia đình. Đồng thời, họ lại cũng tích cực làm các công tác từ thiện, hướng tâm về đời sống có sự tu tập đạo đức, ý thức điều thiện ác, tốt xấu, nhất là lúc nào cũng nghe tâm tư luôn hướng vọng về tổ quốc, quê hương yêu dấu ngàn đời của cha ông. Thế nhưng trong ấy, chỉ có một ít người bởi do thiếu sự chăm sóc nhân cách, giáo dục đạo đức từ những bậc thức giả, trí giả truyền đi từ một nền văn hóa đạo lý ngàn đời. Ngay lúc ấy có vị chịu trách nhiệm tổ chức 2 đêm qua đang đứng gần bên, chúng tôi liền hỏi: Sao sự việc lại như thế nầy? Vị ấy không ngần ngại trả lời ngay: thì mình lấy tiền bán vé và bán thức ăn để gây quỹ, nên mình phải chịu như vậy thôi, chớ đâu nói gì với ai được!

Bấy giờ chúng tôi mới hiểu, thì ra là như vậy…!

Trở lại vấn đề Lễ hội Văn hóa đạo Hiếu và tâm linh được truyền đi từ tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây…” trong mùa lễ hội Vu lan nầy, mà cũng là cội nguồn đạo lý chung của con người, một khi đã được sinh ra và lớn lên hòa cùng hơi thở với cuộc đời, mặc nhiên không một ai là khi mang thân một con người lại khước từ thoát ra khỏi những chất liệu sống ấy, cho dù ai đó có tôn lập niềm tin tín ngưỡng của hệ thức tôn giáo nào hay không một tôn giáo nào đi nữa, không những nó còn bất tuyệt đối với muôn loài khác. Cho nên truyền thống lễ hội “nhớ ơn và đền ơn” vẫn bất tuyệt và muôn trùng với không gian và thời gian, vẫn thắp sáng giá trị đặc thù trong mọi giá trị sinh tồn của con người qua lời dạy của Đức Phật : “…nầy các tỳ kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến… Đây là hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân… là biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các tỳ kheo, tức là biết ơn, là nhớ ơn. Đây là hoàn toàn địa vị bậc Chân nhân…” (Kinh Tăng Chi I).

Và cũng từ lời dạy trên, chúng ta xuyên qua những đức tánh khác như: Đức Nhân, Đức Trí, Đức Tín, luôn biểu thị từ nguồn giáo dục của Đức Hiếu, vì Hiếu là căn bản của Đức do giáo dục mà sanh ra, nó nhân rộng từ bản thân, gia đình đến xã hội; “Ái thân giả, bất cảm ác vu nhân, Kính thân giả, bất cảm mạn vu nhân” (nếu có sự thương kính cha mẹ hay thân nhân của mình, thì không đem những hành động ác quấy và khinh mạn đối người người khác).

Vì thế, nền văn hóa đạo học tâm linh luôn giúp cho chúng ta có cái nhìn từ sự thực hành đích thực mà không phải chỉ bằng ngôn ngữ, ý tưởng xa xôi, có khi chỉ là sự đánh bóng kiến thức cập nhật nào đó để điểm tô cho lớp mỏng ảo huyền, thiếu chân tính ngay trong lòng cuộc sống mà chúng ta đang có mặt.

Ngày nào mà con người còn có biết bảo toàn chân tính từ những đặc thù trên, thì nền văn hóa đích thực mới được toàn diện hay trên con đường đi đến toàn diện, bằng trái lại, chỉ là bao nỗi lo âu đè nặng cho hiện tại và cho cả những thế hệ kế tiếp trong tương lai của nhân loại.

                              Tp Portland, Oregon, 19.8.2014.

                                      MẶC PHƯƠNG TỬ
READ MORE - Ký: CẢM NHẬN SAU MỘT LỄ HỘI VU LAN - Mặc Phương Tử

HOÀI NIỆM - thơ Trần Ngộ

Tác giả Trần Ngộ

HOÀI NIỆM

Mấy hôm nay như trẻ nhớ nhà
Thơ thẩn ra vào một mình ta
Ly rượu tân hôn còn choáng váng
Men tình quê mẹ mát lòng ta
Không phải Tử Kỳ chẳng Bá Nha
Cũng không phải bạn ngư tiều gặp nhau trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Bầu ngọt đắng say lần hội ngộ
Chuyện đời tan trong chén rượu hồng
Tủi thì tủi, mừng thì mừng
Hai bảy năm một lần gặp lại
Lệ không trào mà tim tê tái
Vẫn là em đang còn trẻ mãi
Như cái buổi tắm truồng khơ dại ngây ngô
Ta mê man không biết từ khi mô
Và ký ức cũng bừng lên rộn rã
Cảnh cùng người hoà nhã một trời vui
Vẫn là em vẫn là tôi
Của một thời chân đất mộc mạc
Ngày xa quê
Aó ôm tròn trái bưởi
Giọt lệ nào thương nhớ buổi tiễn đưa
Gói hành trang vỏn vẹn vầng trăng xưa
Chiều cuối xóm tiếng chuông chùa văng vẵng ... !

                                    (Kỷ niệm ngày đám cưới con trai trưởng 2002)

                                          Trần Ngộ
READ MORE - HOÀI NIỆM - thơ Trần Ngộ

THÁNG BẢY VỀ QUÊ - thơ PN Trương Đình Đăng

Tác giả Trương Đình Đăng tặng toàn tập Thi Phẩm của ông cho nhà thơ Võ Văn Hoa



THÁNG BẢY VỀ QUÊ

Đây Giáo Liêm, Triệu Độ
Mảnh đất nửa ngàn năm
Tổ Tiên tôi vào đó
Từ những ngày di Nam

Nước quê tôi mặn muối
Đất quê tôi chua đồng
Người quê tôi như đất
Chân chất mà thật lòng

Dưỡng nuôi tôi lớn khôn
Cạn khô bầu sữa mẹ
Sữa người dân nô lệ
Đủ cay, đắng, mặn, nồng,...

Một ngày phá xiềng gông
Giành Tự do Độc lập
Tôi cầm súng cầm gươm
Theo cha anh chống giặc

Ba mươi năm gót sắt
Lũ giặc lại xéo dày
Máu cha, anh, chú, bác,...
Thấm đỏ mảnh đất này

Về thăm quê, viếng mộ
Tưởng niệm hồn tiên linh
Khói hương khơi dòng nhớ
Nhoè mây trắng trời xanh

Phương Ngữ - Trương Đình Đăng
30 Nguyễn Văn Thoại, P Mỹ An, Q Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
ĐT: 01239744707
READ MORE - THÁNG BẢY VỀ QUÊ - thơ PN Trương Đình Đăng