Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 3, 2024

NHỮNG VẦN THƠ THÁNG GIÊNG – Lê Minh Hiền

 





THÁNG GIÊNG MÙ SA


Tháng Giêng dậy sóng lao xao 

nụ hôn ngọt ngào dang dở

mắt nai chớp nhẹ còn đâu

sợi tơ vướng hồn năm cũ 

nhớ thương mộng mị giai nhân


Tháng Giêng buốt lạnh mưa ngâu 

tương tư tháng này năm trước 

cầu mơ không hẹn gặp nhau 

tình yêu làm sao tránh được 

phải đâu trời mưa bóng mây!


Tháng Giêng xuôi phố chiều mưa

đèn khuya không còn hắt bóng

trăm năm trăm cõi người ta* 

hẹn hò thì thôi đã lỡ

thôi thì duyên nợ mù sa


Tháng Giêng ta một mái trời 

em đi còn nguyên thu dại

xin về một thuở ngất ngây

sáng nay hoàng hoa mấy cội

tròng trành sương đọng long lanh


Tháng Giêng hồn hoài ngu ngơ

hoàng hôn mây quanh thành quách 

đêm đen cô quạnh bốn mùa

may ra một hôm cổ tích

hiện ra câu chuyện ngày xưa


Tháng Giêng mình ên tội tình 

tỉnh mê tàn canh xứ lạ

may còn một chút hồn quê

ừ thì chờ thêm năm nữa

may ra phố nhỏ lại Xuân


(10:56 PM)

2022-13 Tháng Giêng Giáp Thìn 2024

*Trăm năm trăm cõi người ta..." , thơ Nguyễn Du. 


***


NHỚ THÁNG GIÊNG

                ...nhớ ai một nửa thiên thần lạ!

                  một nửa qua cầu cho gió bay...


Tháng Giêng hững hờ buốt lạnh mưa

chuyện tình mất hút mùa cố quận 

nửa khuya cô quạnh hoài dáng xưa 

thương ai từ độ mùa Xuân trước 

nửa hồn còn lại vàng cồn hoa 


Tháng Giêng! Tháng Giêng! Nhớ Tháng Giêng! 

tháng Giêng năm ngoái đào còn nụ

chiều nay trời đất thuở hồng hoang

nhớ ai một nửa thiên thần lạ!

một nửa qua cầu cho gió bay


Tháng Giêng hồn nhiên tháng vô tình 

những cô gái nhỏ xinh như mộng 

Xuân về xuống phố dáng tiểu thơ

bỏ tôi bên nầy khung cửa hẹp

nửa khuya trở mình tiếc ngu ngơ


(11:28 PM)

17 Tháng Giêng Giáp Thìn 2024


***


THÁNG GIÊNG ÁO MƠ PHAI

         (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, thơ Xuân Diệu) 

                 Tặng cô bạn nhỏ, cs Lê Ngọc Tú, người gợi nhớ câu thơ trên!


Tháng giêng áo mơ phai*

tiếng yêu xanh xao buồn

xứ người hồn cố quận

mùa tiểu thơ xa dần


Tháng giêng ghé môi non

vờn xe xuôi phố nhỏ

Bolsa** chiều cô quạnh

xếp áo dài sang xuân


Tháng giêng ngon môi gần

xa như mùa cổ tích

đi vào giấc mơ ngoan

nghe ngày xưa trở mình


Tháng giêng còn gây lạnh

nhớ quàng khăn mấy ngấn

xin về yêu thơ dại

hẹn sang năm xuân về


(6:48 PM)

Feb. 16th, 2022

*Áo Mơ Phai, truyện dài Nguyễn Đình Toàn

**Phố Bolsa cộng đồng Việt in California


***


TỪ GIÃ THÁNG GIÊNG 


Một đêm mấy giấc chiêm bao

trong mơ thì nhớ bây giờ thì quên

kể từ hiển hiện một lần

bốn mùa chờ đợi ai buồn hơn ai


nhớ nét hoa nhớ nụ cười

em người tiền kiếp đây người tây phương

chắp tay từ giã tháng giêng 

tháng 2 ở lại muộn phiền lai rai.


Rồi ra tháng rộng ngày dài

bóng đời cùng hướng bóng mây song hành

nhớ người thương! nhớ người thương! 

tháng Giêng đi mất còn mình “mình ên


(6:24 AM)

30 Tháng Giêng Kỷ Hợi 2019


***


THÁNG GIÊNG VÀNG


Tháng Giêng vàng như hoa

Cô đơn buồn muốn khóc

Đêm nay trời trăng rằm 

Xứ xa mưa và lạnh 

Tết qua rồi rất xa

Tiếng lòng chùng xuống nặng 

Sao càng lắc càng đầy

Trăm năm chừng hữu hạn 

Tình yêu sao vô thường


Tháng Giêng mùa con gái

Tháng Giêng đến rồi đi

Em hay cười không nói

Bao giờ mình chia tay

Cô đơn buồn muốn khóc

Con đường ngắn hay dài

Áo em vàng hoa cúc

Hoàng hôn về thiên thu

Tháng Giêng vàng như hoa


(2:52 AM)

Stanton, 16 Tháng Giêng Mậu Tuất 2018.

Lê Minh Hiền  

hienlehuong@gmail.com


READ MORE - NHỮNG VẦN THƠ THÁNG GIÊNG – Lê Minh Hiền

THƠ ĐUỔI CHIM – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ

 
THƠ ĐUỔI CHIM
 
Hôm nay chắc không mưa.  Không mưa thì trời nắng?  Hỏi ai đây?  Im lặng!  Im lặng.  Buồn.  Buồn ghê!
 
Ôi câu thơ không dè đuổi bay bầy chim sẻ, những con chim be bé, hoa đào tàn rụng theo...
 
Mới vừa Rằm Nguyên Tiêu, mặt sân còn ánh nguyệt long lanh thảm cỏ biếc, long lanh nắng bình minh...
 
Tôi nhìn cái bóng mình, một vệt dài như gió.  Gió sáng nay không có.  Ngọn cỏ không ai đùa!
 
Nắng vàng vàng như tơ áo dài ai óng ánh.  Hình như còn chút lạnh trên bàn tay ai kia... 
 
Bây giờ là ban khuya ở quê nhà em nhỉ...trên cái giàn thiên lý hoa từng chùm sao đêm!
 
*
Buổi sáng anh nhớ em, thơ vài câu thêm nhớ... nhớ thơ Nguyễn Đình Chiểu có hai câu dễ thương:
 
"Lời quê dù vụng hay hèn / cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho!".
 
Em có nghe trong mơ xin chìa anh ngón út, anh tin anh níu được tình em cả đại dương...
 
Trần Vấn Lệ

READ MORE - THƠ ĐUỔI CHIM – Trần Vấn Lệ

ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC - Châu Thạch


 

 
BÓNG NÚI VÀ ANH
(Nhớ nhà thơ Tường Linh!)
 
Duyên thơ mới được gặp anh
Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời
Yêu thơ lại được gặp người
Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn
 
Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn
Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà
Mỗi làng, mỗi xóm anh qua
Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương
 
Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn
Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê
Chim vịt kêu chiều đèo Le
Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều
 
Thơ anh từng chữ chắt chiu
Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người
Lúc vui đọc nghe thơ vui
Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta
 
Bây giờ vời vợi chiều xa
Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh                     
  
                                              Vạn Lộc

          
                                  Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC
                                                           Châu Thạch
 
 Trước khi bàn đến bài thơ “Bóng Núi Và Anh” của nhà thơ Vạn Lộc, người viết nghĩ rằng nên viết qua về nhà thơ Tường Linh, để ai còn xa lạ với nhà thơ này sẽ hiểu biêt về ông, hầu dễ đồng cảm với bài thơ của Vạn lộc.
 
Tường Linh tên khai sinh: Nguyễn Linh, Sinh 12/ 12/ 1931, mất 5 /02/2021, quê quán Trung Phước, Nông Sơn, Quảng Nam. Ông là nhà thơ có gia tài thơ ca lớn, thường lấy đề tài trung tâm là miền đất và con người xứ Quảng Nam. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng như "Chị Điện Hòa", "Năm cụm núi quê hương"
 
Nhà thơ Tường Linh

Tường Linh có gia tài văn học lớn với 11 tập thơ, 130 truyện ngắn và tùy bút, 36 hồi ký. Các sáng tác của Tường Linh xoay quanh kỷ niệm về quê hương. Bút pháp Tường Linh mộc mạc, chất chứa một tình cảm chân thành, da diết và sâu lắng. Hình ảnh trong thơ Tường Linh phần nhiều về miền đất và con người xứ Quảng, về dòng sông Thu Bồn thân thương và thơ mộng. Thơ quê hương của Tường Linh không bị trùng lặp, luôn gợi lên nhiều rung động mới. Tình cảm dành cho quê hương chiếm vị trí cao trong thơ Tường Linh. Tường Linh từng phát biểu: “Nếu sinh ra tại một nơi khác không phải Quảng Nam, không chắc gì tôi đã trở thành một văn nghệ sĩ dù là văn nghệ sĩ nghiệp dư.”
 
Bài thơ “Bóng Núi và Anh” Vạn Lộc viết về Tường Linh với cảm xúc mến yêu và kính trọng một nhân tài văn học đồng hương. Châu Thạch tôi viết cho bài thơ nầy cũng với lòng kính yêu Tường Linh, một thi nhân mà tôi cảm phục từ buổi thanh xuân, và thú thật, cũng bởi cảm xúc từ sự chân thành của Vạn lộc. Sự chân thành đó khiến tác giả viết nên một bài thơ hay đáng trân trọng.
 
Vào khổ đầu của bài thơ ta thấy ngay một bóng núi, bóng núi chớ không phải là núi:
 
 
Duyên thơ mới được gặp anh
Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời
Yêu thơ lại được gặp người
Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn
 
Dáng ngồi của Tường Linh trong thơ cao hơn một bóng núi. Vạn Lộc dùng từ ngữ vô cùng khôn ngoan. Bằng phương pháp hình tượng hóa, nhà thơ Vạn Lộc đã gởi được nhân cách, địa vị, uy tín của Tường Linh vào thơ một cách khiêm nhường. Nhà thơ không dùng chữ “núi” mà chỉ dùng chữ “bóng núi” làm cho lời thơ tôn vinh trở nên nhã nhặn, hình ảnh tôn vinh trở nên đẹp mà giản dị, không phô trương quá đáng.
 
Qua khổ thơ thứ hai, Vạn Lộc dựng cái bóng núi đang ngồi đó lên thành Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, mỗi làng mỗi xóm, làm cho bóng núi trở nên vô vàn thân thương và yêu quý:
 
Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn
Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà
Mỗi làng, mỗi xóm anh qua
Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương
 
Tất nhiên Tường Linh không phải là Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, mỗi làng mỗi xóm để nhớ anh là nhớ những nơi đó, nhưng Tường Linh có thơ xuất sắc viết về những nơi đó, khiến bút danh Tường linh trở thành biểu tượng của những gì Vạn Lộc yêu dấu. Vạn lộc yêu dấu quê hương mình nên yêu dấu thơ Tường Linh là phải, bởi những địa danh thắm thiết trong con tim nóng hổi đã được thơ Tường Linh dựng lên sống động, từ đó Tường Linh cũng hiện hữu cùng địa linh trong tâm hồn nhà thơ Vạn lộc. Nếu ai từng đọc thơ Tường linh thì sẽ nhận thấy sự điêu luyện nhuần nhuyễn trong bút pháp hình ảnh hóa Tường Linh trong thơ Vạn Lộc.
 
Qua khổ thơ thứ ba, Vạn Lộc đã thu những bức tranh quê hương mênh mông cẩm tú nhỏ lại như nhúm nhau, như con chim vịt để cô đọng tình yêu quê hương ấy vào lòng, làm sống dậy trong máu thịt mỗi người biết bao kỷ niệm yêu dấu thân thương mà nơi chôn nhau cắt rốn đem lại cho mình:
 
Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn
Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê
Chim vịt kêu chiều đèo Le
Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều
 
Trong khổ thơ nầy, nhà thơ cũng nhắc đến những địa danh nhưng không phải những danh lam thắng cảnh hùng vỹ nữa, mà là nơi “Quê hương là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là cầu tre nhỏ, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành  người”. Câu thơ “Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều” là một câu thơ tích tụ nhiều câu ca dao ngọt ngào trong tâm khảm mỗi người. Đọc câu thơ nầy không mấy ai không nhớ “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” và còn biết bao câu ca dao “chiều chiều…” khác đã lắng đọng thấm thía trong lòng mỗi người nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tình yêu hay nhớ làng nhớ xóm.
 
Từ khổ thơ thứ hai chuyển qua khồ thơ thứ ba, Vạn lộc như chuyển cung điệu bài thơ, thu con mắt nhìn xa trông rộng vào nội tâm mình, hướng nhìn vào kỷ niệm thân thương trong ký ức, để rồi qua khổ thơ thứ tư, nhà thơ trực tiếp tán dương thơ Tường Linh, xem đó là những điều đánh động con tim yêu thơ của mình:
 
Thơ anh từng chữ chắt chiu
Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người
Lúc vui đọc nghe thơ vui
Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta
 
Nhà thơ Tường Linh đã qua đời, Vạn Lộc dùng bóng núi để đồng hóa sự nghiệp văn chương của ông vào đó. Sự nghiệp đó còn sừng sững ngàn đời, nó không phải là núi vì Vạn lộc muốn tránh tiếng đời dị nghị, nhưng sự thật nó vẫn là núi, núi cao hay núi thấp để cho văn học sử ngày sau nhận định. Với tôi, chữ  bóng núi nên thơ và thi vị hơn chữ núi, nó làm cho hai câu thơ cuối cùng của Vạn Lộc thành hình ảnh lung linh trong nắng chiều, gợi thương gợi nhớ trong tâm hồn của mỗi chúng ta mà ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn tồn tại trong những câu ca dao đất Việt:
 
Bây giờ vời vợi chiều xa
Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh
                                           
Châu Thạch
READ MORE - ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC - Châu Thạch

BÀI TẠ ƠN, BÀI NGỢI CA, LỜI XIN – Thơ Lê Văn Trung

 


 
BÀI TẠ ƠN
 
Xin cảm tạ ơn đất trời độ lượng
Cho tôi còn biết khóc giữa đời vui
Cho tôi còn mỉm cười trong vô vọng
Tạ ơn Người soi sáng cuộc đời tôi
 
 
BÀI NGỢI CA
 
Câu thơ viết mười năm còn thơm mực
Tóc mùa xanh xin thắm lại hương rằm
Hoa vẫn nở giữa nghìn thu nhan sắc
Tạ ơn NGƯỜI - ĐẤNG - MẦU NHIỆM vô biên
 
 
LỜI XIN
 
Cho tôi xanh với mây trời
Xanh như từ thuở áo người còn xanh
Cho tôi những giọt sương lành
Long lanh như thuở nụ tình đơm hương
Cho tôi say với rượu nồng
Như lòng Xuân nữ say cùng men Xuân
Đi cùng tôi đến vô cùng
Cho tôi trọn nghĩa thủy chung với đời
 
                    Tháng Giêng, Giáp Thìn
                           Lê Văn Trung
 
READ MORE - BÀI TẠ ƠN, BÀI NGỢI CA, LỜI XIN – Thơ Lê Văn Trung

THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ


THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON
 
Tháng Giêng mưa liên miên, bão rập rình kéo tới, cỏ xanh trên triền núi chỉ là tuyết đang rơi!
 
Thế là tháng Giêng vui không như người ta đợi!  Tháng Ba Tây sắp tới, tháng Giêng mình vẫn còn...
 
Cái còn đây là buồn...vì không vui thì vậy!  Rét mùa Đông còn đấy, chim én xa chưa về...
 
Santa Barbara mưa lê thê, chỗ quê chim én trống.  Những mái vòm lồng lộng, gió luồn vô luồn ra...
 
Đây không tháng Giêng Ta -  người Việt mình rất ít.  Người Tàu cũng quên hết những ngày tháng phương Đông!
 
Chỉ cần qua con sông là bắp đồng hết ngọt! Chỉ nhìn đồng mía sót là thấy trời hoang vu...
 
Nhiều khi tưởng còn Thu vì hơi Thu phảng phất.  Mùa Đông đang là thật khi băng ngang Parking!
 
Bão rập rình rập rình... Ta hay mình, cam phận.  Little Saigon nắng hay mưa, đều ngỡ ngàng...
 
Nhiều người về Việt Nam hẹn tháng Hai trở lại... hèn chi cỏ tai tái... hèn chi tuyết bay bay...
 
Nói thật lòng, thẳng, ngay:  Tôi làm thơ cho có. Nhập đề, tôi nói cỏ...nhớ Mai Thảo, nhà văn!
 
Mai Thảo từng bâng khuâng khi quê nhà đổi chủ... Nhiều năm ông cú rũ ngó cánh đồng cỏ non...
 
Ngó lại mình:  không còn thanh Xuân lòng phơi phới!  Rồi thì đi để tới... những tờ lịch tả tơi...
 
Rồi thì đi để tới những tờ lịch tả tơi, những con nai lạc loài đứng trên đồi...tát gió!
 
Nhiều nấm mồ xanh cỏ.  Cỏ đó, màu...Thiên Thu!
 
Trần Vấn Lệ

READ MORE - THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON – Trần Vấn Lệ

THEO THỜI, EM, THƯ BẠN, CAO THẤP, TRÂU BÒ CHẾT – Thơ Chu Vương Miện




THEO THỜI
 
Thời nhà tranh vách đất
Thì cô đầu cô đít con hát
Khi nhà ngói thị thành
Có vũ trường và borden militaire
Kèn trống xập xình
Inh tai nhức óc
Có đủ loại Tây trắng đen nhẩy đầm
Có villa ngói đỏ ngói xanh
Có snack bar có sexy có cởi truồng
Có nhộng
Có quay phim và báo ảnh
Playboy
Chung chung thì cũng là cái Ấy
Cái bướm và con chim
Cu đất & cu cườm
 
 
EM
 
Là một cánh chim nhỏ bé
Ưa hát ca làm sống dậy một mùa xuân
“thơ Xuân Diệu”
Năm nay tròn 8 bó
 
Vừa liệt sĩ liệt dương
Nhẵn hết cả răng cỏ
Có mang súng bắn bên tai
Cũng như không
Súng lau chùi cẩn thận cất vào kho
Hết đạn “chỉ còn vỏ”
Xe tăng đại pháo cũng bỏ vào lò
Nấu chẩy ra thành thép
Nguyên chất
 
Thôi mời cánh chim nhỏ bé
Của cụ Xuân Diệu bay đi chỗ khác
Mà veo von mà ca mà hát

 
THƯ BẠN
 
Tám bó chẵn
Bạn cùng cục nợ đời
Dìa cố hương tìm lại quê nhà
Và ngừoi thân
Tim lại môi trường sống
Nhưng không có gì làm thoải trống [mái]
Vẫn nực vẫn mưa dầm gió bấc
Bà nhạc thì về nước Chúa
Bên bạn bà chị thứ bảy gần 100 tuổi
Tháp tùng theo
Đất nước đỡ nghèo
Nhưng chưa đứng thẳng lưng lên được
Sau 3 tháng bạn cùng gia đình
Về lại Hoa Kỳ
Gửi cho gói trà & cà phê dân tộc
Kèm theo thơ tay viết giản đơn
Không giản kép
Và viết như vầy:
“Từ giờ về sau đừng gửi gì
Và cũng đừng gọi phôn pheo gì nữa cả
Vì hai tai đã điếc đặc và mắt đã mờ”
Tình cố tri nếu có tạm stop
Vì mọi thứ đã vượt qua tầm tay
Không luyến
Không tiếc
 
 
CAO THẤP
 
Ăn đi trước
Lội nước đi sau
Anh làm quan cứ quan
Anh dân cứ dân
Anh mặc quần cứ măc quần
Anh ở lỗ cứ ở lỗ
Trước sao nay vậy
 
địa sanh thảo
Thiên sanh nhơn
Quân tử
Thuyền quyên
Sắt cầm hảo hợp
Loan phụng hoà minh
 
Văn nghệ có mầu xậm
Văn gừng có mầu nhạt
Thứ trên kho thịt gà
Thứ dưới sáo măng vịt
Văn nghẽo là văn nô [đùa]
Văn nô dịch [là không sáng tác]
Chỉ dịch của nước ngoài
 
 
TRÂU BÒ CHẾT
 
để lại da
dùng làm trống cơm trống cổ
cọp hổ
để lại bộ lông nhồi rơm
làm cọp giả để trong viện bảo tàng
hươu nai chết để sừng để gạc
cưa nhỏ ra nấu thành cao ban long
uống chữa đau lưng
tay sai chết
đám đàn em khóc thương
nạn nhân thì bình thường
tay sai được chủ đón đi
sống cũng như là thác
không còn ai nhắc tới
cũng như chả có ai thương tiếc
sống như cái xác
để lâu lâu nổ ngang kho đạn Long Bình
đùng đùng
anh nghiện họ nha bẹp
để lại một bộ bàn đèn
gờ một chiếc khay
một chiếc kim tiêm
toàn bộ để đi mây về gió
đồ nhà khó
vừa nhọ vừa thâm
chết đi để lại một cái váy
một cái áo
một cái yếm
 
100 năm bia đá thì mòn
100 năm bia miệng chả còn cái chi?
có chăng một mẩu bánh mì
nhai chơi đỡ miệng cười khì bỏ qua
 
100 năm người vẫn người ta
vẫn là kẻ cắp bà già gặp nhau?
100 năm nào có gì đâu?
chẳng qua sau trước qua cầu thế thôi?
 
Chu Vương Miện

READ MORE - THEO THỜI, EM, THƯ BẠN, CAO THẤP, TRÂU BÒ CHẾT – Thơ Chu Vương Miện