Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 1, 2013

TRÁCH ĐÊM – thơ Huỳnh Gia





Ơ! chừ thả giấc mơ rơi
Xoay tròn mắt bão khoảng trời nhớ nhung
Ngày xưa ...
xa đến vô cùng
Vô tình chi những bước chân lạc lầm?

Đêm ...
đừng vọng khúc dư âm ...
vào nơi sâu thẳm
nẩy mầm băn khoăn
Bình minh tỉnh giấc
ăn năn.
Trách đêm treo nửa mảnh trăng
phỉnh phờ ...

Xin đừng đùa cợt giấc mơ
Kẻo sương thấm lạnh hồn thơ cả đời ...
Đêm không gom được ý lời
Thì chăng xóa nổi một thời nhớ - quên ?

Ơ... ! mùa
Xin gọi nắng lên 
Đêm dùm ở lại phía miền yêu thương
Xin đừng ru điệu vấn vương
Xuôi con thuyền vọng bến tương phùng .
Rồi ...


Huỳnh Gia
15/09/2012
huynhmai263@yahoo.com

READ MORE - TRÁCH ĐÊM – thơ Huỳnh Gia

ĐỐ KIỀU – Lê Hoàng

Lê Hoàng


Nói đến truyện Kiều, thì hầu như mọi người đều đã biết đến “Truyện Kiều”với nhiều tựa đề như: “Đoạn trường Tân Thanh”; “Truyện Thúy Kiều” v.v...Bất cứ ở đâu, hễ có người Việt Nam thì ở đó có “Truyện Kiều”.

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du đã có hơn hai trăm năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, tác phẩm “Truyện Kiều “ của cụ Nguyễn Du vẫn mang  đầy ý nghĩa và tỏa sáng giá trị văn học nghệ thuật. Tác phẩm này đã vượt không gian và thời gian để trở thành di sản văn hóa của nhân loại, làm vẻ vang dân tộc Việt. Là một tuyệt tác, việc đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá của một số cộng đồng người Việt, và Truyện Kiều đã được nhiều người vận dụng vào các lĩnh vực khác nhau như: Bói Kiều; Dự đoán Kiều; Đố Kiều; Lẩy Kiều v.v...

Về đố Kiều: Truyện Kiều được đông đảo người đọc say mê, nên thuộc Kiều cũng là niềm tự hào của nhiều người, họ đố nhau từng chữ, từng ý nghĩa, từng hàm ý vận dụng vừa ẩn ý vừa nghĩa bóng.v.v...
       Ví dụ:   “Còn thiên Tích Việt ở tay,
                 Nổi đêm khép mở, nổi ngày riêng chung”   
(Là cái gì?)
       Trả lời:   Là cái Quạt.
       Hoặc:    “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
                 Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài,
                     Một mình âm ỹ canh chầy,
                 Đoạn trường ai biết kiếp này mới thôi”
Giải:  Là cây nến.

Trong Văn học đại chúng dân gian, nếu tục ngữ là trí khôn, là kho tàng kiến thức, đạo lý về đối nhân xử thế; và ca dao, dân ca là tiếng nói của tình cảm, thì câu đố là tiếng cười của trí tuệ, của sự thông minh, tinh tế và linh hoạt.

Là một hình thức tiếp thu Truyện Kiều vô cùng sinh động và độc đáo, đố Kiều có thể có hai loại: Mượn Kiều để đố  va dùng ý Kiều để đố.

Mượn Kiều để đố thì có vế đố tập Kiều. Loại này được thể hiện qua các câu thơ đã được chuyển từ không ẩn dụ thành nghĩa ẩn dụ. Hình tượng câu thơ được  gán ghép với cách hiểu khác. Có hai cơ sở để chuyển hóa câu Kiều thành câu đố loại này, hoặc đều dùng phương tiện nhận thức và không phản ánh thế giới khách quan bằng hình tượng hoặc phản  ánh câu đố được trình bày nửa kín, nửa hở. Mượn cái nọ để nói cái kia vì câu lục bát Kiều thường đa nghĩa. Lời đố mô tả những yếu tố cấu tạo nên vật đố, nhưng chỉ cần đưa ra một vài đặc điểm chính có thể kèm thêm một vài điểm phụ như:
“Rõ mình lạ vẻ cân đai,
“Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm “. 
(Cái chăn)

Loại đố về truyện Kiều: Trong đó vế đáp là một tập Kiều, thường được diễn ra dưới hình thức hát đối; hát đối đáp giao duyên giữa nam, nữ nông thôn.

Tính nghệ thuật của câu đố Kiều là ở nét tương đồng giữa nhận thức và hiện thực khách quan, mối liên hệ giữa chúng thật bất ngờ, khiến câu đố càng thú vị, tạo nên một ý nghĩa mà người đố có thể sáng tạo trong quy ước ngầm.
Ví dụ:   “Truyện Kiều anh thuộc đã làu,
Đố anh kể hết hai câu hết Kiều?”
Trả lời: “Trăm năm trong cõi người ta,
Mua vui cũng được một và trống canh”.

Thực ra đây là một câu đố khá hóc búa vì Truyện Kiều dài tới 3.254 câu thơ, thì làm sao tóm tắt trong hai câu được?

Đặc trưng cơ bản của hình thức đố này là Truyện Kiều phải rất quen thuộc đối với cả người đố lẫn người được đố, vì vậy khi Truyện Kiều được dùng làm vật đố cũng nhằm thoả mãn nhu cầu kiểm tra nhận thức của hai bên về Truyện Kiều. Câu đố còn đem lại cho người dân Việt Nam những tràng cười khoái trá, khoái không chỉ ở chỗ giảng được, mà ngay cả bản thân câu đố; nhiều câu đọc lên đã thấy ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, có khi một vài điều đưa đến tục hóa, giảng được hay không cả hai bên đều cười xòa.

Ta hãy xét câu đố Kiều sau đây:
“Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đinh ninh hai miệng, một lời song song”.
(Cái diều có gắn ống sáo)
Chứng tỏ, người đặt ra câu đố không những rất thông hiểu về Truyện Kiều mà còn hiểu kỹ về các loại nhạc cụ.
“Kiếp hồng nhan có mong manh,
Liễu bồ mình giữ lấy mình cho hay.
Nỗi lòng càng nghĩ càng cay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
Vì ai ngăn đón gió đông,
Để lòng thì phụ, tấm lòng với ai,
Dẫu sao cũng ở tay người”.  
(Cái quạt giấy).
      
Còn như:   “Truyện Kiều anh đã thuộc làu,
               Đố anh đọc được hai câu tám người?”

Hoặc:       “Truyện Kiều anh đã thuộc làu,
Nhớ chăng đoạn nói nàng Kiều có...mang?”.
Đáp:        “Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
              Thất kinh nàng...chữa hẳn là có mang”.
Nguyên câu 1643: “Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
Thất kinh nàng chữa biết là làm sao !”.

Hoặc:       “Ai cắt buồng trứng đi rồi,
              Mà còn đẻ giống sinh nòi hả em?”
Trả lời:     “Hoạn Bà, bà hoạn chứ ai!
              Hoạn rồi mà vẫn sinh nòi Hoạn Thư”.
Đây là cách hiểu theo ý ẩn dụ của danh từ Hoạn biến thể thành động từ.

Về đố nhân vật Truyện Kiều:
         “Đồn rằng anh thuộc truyện Kiều,
    Ai cha, ai mẹ, dập dìu rể con?
         Ai mà mở phố lầu son,
    Ai tu hành đắc đạo, ai bán buôn kiếm lời.
        Ai tự vẩn, ai cứu người?
    Ai tụ binh tập mã, ai thời viết kinh?
         Ai lừa lập kế điều binh,
    Ai thời thi đậu, triều đình quan cao?
         Ai thời tứ xứ anh hào,
    Thì anh giảng hết luận vào em nghe”.
Trả lời: “Ông bà viên ngoại mẹ, cha.

               Vương Quan, Kim Trọng ấy là rể, con.
                     Tú bà mở phố lầu son,
              Giám Sinh họ Mã bán buôn kiếm lời.
                     Giác Duyên tu đạo cứu người,
              Thúy Kiều tự vẩn, lại ngồi viết kinh.
                     Hồ Công lừa kế điều binh,
               Vương - Kim thi đậu trình đình quan cao.
                      Bốn phương phất ngọn cờ đào,
              Là chàng Từ Hải  anh hào Việt Đông.

Về ngâm Kiều vấn đáp:
      “Thúy Kiều chàng đọc đã làu,
Nay em hỏi hết mấy câu cùng chàng,
      Đi đâu mà gặp Kim Lang?
Người đâu trong lúc mơ màng thấy nhau?
      Ai mà gầy dựng mối sầu?
Vì ai nên phải thanh lâu chịu đành?
      Tại sao phải mắc Sở Khanh?
Yêu ai mà lại chịu mình chồng chung?
      Tại sao phải tới cửa công?
Tại sao lại được đuốc hồng kiệu hoa?
      Hoa Nô ai đặt tên là ... ?
Vì sao lại phải đổi ra Trạc Tuyền?
      Ai đâu gặp được Giác Duyên,
Vì sao sau lại tới miền Châu Thai?
      Gặp ai là kẻ anh tài,
Báo ân báo oán, trong hai nợ trần?
      Ai mà quyết kế đóng quân?
Nghe ai, Từ đã về thần thu linh?,
      Ai mà không phải chung tình.
Sông nào lại quyết quên mình cho cam?
      Ai mà lập một thảo am,
Nghe lời ai dạy, nên làm bên sông?
      Chàng mà giải hết cho xong,
Thì chàng chính thức vốn giòng nho gia?

Ví vấn đáp Kiều:
Nam
      “Đêm khuya cửi lạnh canh trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
      Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
Ai người thục nữ ra chơi thuyền tình?”
Nữ :              
      “Đêm khuya cửi lạnh canh trường,
Tiếng ai như tiếng người thương gọi Kiều.
      Mấy lâu ni Đông liễu Tây đào.
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ao ước lòng”.

Rõ ràng, trong mỗi câu, mỗi chữ đều liên quan đến Kiều, vậy Kiều bị bắt vào thời gian nào?
      “Đêm Thu gió lọt song đào,
Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời.”

Đây là hai câu thơ thể hiện bút pháp tài tình của đại thi hào Nguyễn Du, về không gian là tả cảnh đêm thanh vắng, về thời gian là lúc Kiều ra trước Phật đài rồi bị bọn người lạ bắt cóc.

Để trả lời câu hỏi này, xin quý vị nghe Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lý giải như sau: “Đường quỹ đạo của mặt trời có tên là Hoàng đạo. Hoàng đạo có 12 chòm sao quan hệ mà ta thường gọi là chòm sao Hoàng đạo. Nhị thập bát tú chỉ có một phần ở gần đường ấy như các sao: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ v.v...
Đường quỹ đạo của mặt trăng có tên là Bạch đạo thì vị trí không nhất định, nhưng quanh co bên đường Hoàng đạo, và có thể vượt qua vùng Nhị thập bát tú. Phàm trong một năm, trong mỗi ngày mặt trời đến một chỗ khác nhau, nên vị trí của mặt trời đối với những chòm sao có thể cho ta biết ngày, tháng, mùa trong năm.
Ví dụ: Mặt trời ở sao Giốc là vào trung tuần tháng 9 dương lịch.

Mặt trăng có tròn, có khuyết, mặt trời thì không. Mặt trời tự nó sáng nên trông phía nào cũng thấy một mặt tròn sáng màu đỏ.

Mặt trăng vốn tối, nhưng nhờ có mặt trời chiếu vào nên mặt trăng nhận ánh sáng của mặt trời mà sáng. Tuy nhiên mặt trăng chỉ sáng có một nửa. Đường phân giới hai nửa sáng và tối là một vòng tròn. Mặt trăng có thể ví như một quả cầu, một nửa sơn trắng, một nửa sơn đen. Tùy hướng ta đứng, ta có thể thấy toàn phần mặt trăng, hoặc một phần, hoặc là không thấy gì cả.
Lúc mặt trăng quay cả mặt sáng lại ta thì ta thấy tròn. Khi trăng quay phần lớn tới ta thấy khuyết (Vào các ngày 12, 13 và 18, 19 âm lịch). Khi trăng quay, quay phần ít  sáng về ta thì ta thấy trăng lưỡi liềm (Vào các ngày mồng 3, 4, 20, 27 âm lịch). Và khi trăng quay một nửa thì ta thấy hình bán nguyệt (Vào các ngày mồng 7, 8, 23, 24 âm lịch). Thấy trăng tròn là biết ngày rằm, 16; nhìn trăng như đường mày mỏng biết là đầu tháng hay cuối tháng; còn trăng bán nguyệt thì biết là mồng 7, 8, 23, 24 âm lịch.

Điều quan trọng nhất là làm thế nào để phân biệt được đầu tháng hay cuối tháng? Nghiệm thấy: Lúc đầu tháng, ta thấy trăng lúc đầu hôm về phương Tây và đường cong ngoài về phía Tây (Thượng huyền); cuối tháng thì ngược lại. Trăng thấy về quá nửa đêm ở phương Đông (Hạ huyền) là lúc trăng nửa vành mà đường huyền quay về phương Tây, chớ không quay về phía dưới. Như vậy, qua quan sát mà nghiệm ra, hoặc lấy lý luận để suy diễn thì đều dễ hiểu, vì trước ngày Hạ huyền vào ngày 3, 4 thì có “Nửa vầng trăng khuyết. Mặt trời cách mặt trăng 45 độ về phương Tây”.
Lời đoán: “Nửa vầng trăng khuyết “ là một; “ba sao giữa trời” là hai; “ Đêm Thu” là ba và “ Đêm Thu gió lọt song đào” là bốn. Vậy thì:

1.    “Nửa vầng trăng khuyết”: Ngày này chưa đến mồng 7 hoặc quá 20. Kiều lúc bấy giờ còn ra Phật đài khấn vái thì trăng này là trăng đầu hôm. Vậy hôm ấy chưa đến mồng 7. Còn về tuần ấy thì lúc này sao đã rõ, trăng đã thấp lắm; như vậy trăng lúc này là trăng ở trung độ hai tuần trên; như thế Kiều đã bị bắt vào ngày mồng 4.

2.    “Ba sao giữa trời”: Ba sao nào đây? Đương nhiên ba sao phải là chòm sao đẹp, đứng gần mặt trăng mới tạo được cảnh nên thơ. Vậy chòm ba sao này nằm trong vùng Hoàng đạo và Bạch đạo, chỉ có thể là sao Tâm. (Sao Tâm là sao ở đuôi con vịt - Sao Vỹ) và 4 sao đuôi nằm ngay trên (Sao Phòng). Ngoài ra, Thúc Sinh cũng còn có tên là Tâm. Đồng thời, vầng trăng khuyết với ba ngôi sao nằm trên thành chữ Tâm. Theo đó, Kiều đã bị bắt vào giờ Tuất, ngày 4 tháng 9 năm Gia Tĩnh, Triều Minh.

      “Đêm Thu gió lọt song đào,
Nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”.

Đọc hai câu thơ ấy chúng ta thấy rằng phòng của Kiều quay về hướng Tây Nam. Khi Kiều ngồi trong phòng thì gió thổi qua cửa sổ; nhìn lên thấy trên trời có nửa vầng trăng khuyết và ba sao. Với lý luận thông thường, khoa học thiên văn đã khám phá ra được câu đố Kiều về chuyện cô Kiều đã bị bầy Côn Quang bắt vào giờ Tuất, ngày 4 tháng 9.

Hãy đọc mấy câu thơ của cụ Tiên Điền để ngẫm đến cái hay của Truyện Kiều:
      “Rằng quen mất nết đi rồi,
Mà trong lẽ phải có người có ta,
      Đều là nghề nghiệp trong nhà,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời,
      Gọi là trả chút nghĩa người,
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”./.

Lê Hoàng

(Mạn phép tham khảo nhiều tài liệu)
READ MORE - ĐỐ KIỀU – Lê Hoàng

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: XIN THƠ - Lê Đăng Mành và thi hữu

Tranh vẽ bằng máy tính của Lê Đăng Mành


XIN THƠ   

Quý Tỵ chắc đây cạn số rồi
Bên bờ ngắc ngoải kiếm bè bơi
Tập mài thư pháp dâng trao bạn
Học chuốt chữ câu kính hỏi người
Còn thở : ngửa vay sương  mặt đất
Tắt hơi :cúi trả gió gầm trời
Có ai thương cảm xin mời họa
Chín suối quảy về ngồi đọc chơi

Lê Đăng Mành  
       


NGHÊU NGAO TRẦN THẾ

Sao ai nỡ nói chuyện xong rồi ?
Cửa ải trần đời tiếp tục bơi !
Ngọc Điểm phong lan xin tặng bạn
Sen Vàng tâm ý kính dâng người
Khi vui cứ hát :khen bà Đất
Lúc tủi thì ngâm :vịnh lão Trời
Mặc chốn nhân sinh nhiều nhiễu sự
Ta thời mặc kệ cứ rong chơi

Điều Giản Dị                               
(15/7/2013)


Tranh vẽ bằng máy tính của Lê Đăng Mành



TẶNG THƠ

Đời người thành - bại vẫn chưa rồi
Nghịch gió cuốn buồm cũng gắng bơi
Cần mẫn siêng năng bằng chúng bạn
Kiên trì tu tỉnh sánh bao người
Chữ tâm luôn giữ tình non nước
Chữ nhẫn mong bền nghĩa Đất Trời
Cách trở âm dương đâu sá kể
Mai này ta,bạn cứ rong chơi

Tâm Hương Hồ Thanh Danh                               
Bà Rịa Vũng Tàu

  

ĐẠI HẠN

La Hầu đại hạn nhập vào rồi
Tật bệnh khổ thân cứ phải bơi
U  bứu hoành hành đe phận khách
Nhọt ung tiềm ẩn dọa đời người
Tử sinh  dài ngắn do nơi mệnh
Tồn diệt lâu mau cũng tại trời
Còn sống vẫn cùng nhau xướng họa
Chỉ khi hết thở mới ngừng chơi

Nha Trang, 15.07.2013                                          
Võ Sĩ Quý

 
Tranh vẽ bằng máy tính của Lê Đăng Mành

MỞ ĐỀ

Mở đề thấy số hữu duyên rồi
Bình tĩnh vươn mình lúc lội bơi
Hoa bút tâm hồn thư pháp mở
Khai minh bay bỗng tiếng tăm người
Bản thân chãi chuốt trong thầm lặng
Tầm cỡ tròn bo với đạo trời
Say đắm miệt mài bung nét họa
Đam mê bình giải tạo nguồn chơi

Lê Chí Thiết



HỌA THƠ

Sớm xa cõi tạm số hên rồi
Bờ giác về gần bớt dặm bơi
Thư pháp miệt mài duyên sắc tướng
Đam mê kinh kệ loạn tâm người
Nhớ quên: Tức nhớ, mờ sương khói
Quên nhớ: Là quên, sáng đất trời
Cảm kích lòng lành xin đáp họa
Đường về vô trước ngẫm thơ chơi

Lê Văn Thanh                                     
KIM LONG, Bà Rịa
    

LO XA

Năm nay sắp đủ bảy mươi rồi,
Khi trẻ thân dài cố sức bơi.  
Không dám thụt lùi thua kém bạn,
Cố công vươn tới để bằng người.  
Chớ nên ỷ lại mà nhờ chúng,
Phải biết tự ta chẳng cậy trời
Tiết kiệm đôi đồng chờ luống tuổi,
Về già đây đó cứ rong chơi./.

Hoàng Kim Liên



VUI  CHƠI

Đang đi sao vội thụt lui rồi ?
Bể rộng sông dài lắm chỗ bơi
Đừng sợ giao du nơi lắm khách
Chớ lo hội họp chỗ đông người
Đã từng rong ruổi say cùng đất
Thì cứ thong dong mộng với trời
“Sinh ký tử quy”- xưa mách bảo
Ngại gì không thỏa cuộc vui chơi !

Nguyễn Thanh Bá



Mừng Thơ

Nhìn thuyền lướt sóng đã mê rồi
Tiềm ẩn tài năng đâu chỉ bơi
Mây cuốn thơ văn truyền nhịp sống
Bọt tung thư pháp  đẹp tình người
Tìm lời dạy, cội nguồn tiên tổ
Giải cỏi tâm, lòng trẻ vái trời
Viễn cảnh mai ngày lưu  hậu thế
Người đời xem, bạn khểnh khềnh chơi


Nguyễn Thanh Xuân (Hà Nội)


Lê Đăng Mành biên tập và gởi đăng


READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: XIN THƠ - Lê Đăng Mành và thi hữu

BÓNG THỜI GIAN - thơ Nguyễn Văn Gia

Nguyễn Văn Gia



Ta chúc mừng ta
Tuổi sáu mươi
Cũng may còn khỏe
Để rong chơi
Công hầu ai đó
Như sương khói
Nam Kha
Chỉ là mộng đó thôi
Rồi ra
Tất cả sẽ hư không
Buồn
Vui
Rồi cũng sẽ dửng dưng
Cả một tinh cầu
Hiu quạnh lắm
Mai rồi
Bóng đổ xuống thời gian
Chiều
Quán nhỏ
Dăm ly
Thù
Tạc
Còn mơ chi
Những chuyện
Xưa
Sau
Mừng có em
Đong đưa đôi mắt
Để người về điểm lại
Tóc
Râu.


Nguyễn Văn Gia
4 / 2010
nguyen_van_gia@yahoo.com
READ MORE - BÓNG THỜI GIAN - thơ Nguyễn Văn Gia

NGẬM NGÙI CÙNG ĐÀ NẴNG - thơ Huy Uyên

Huy Uyên



Chiều Đà-Nẵng dõi theo đèn vàng đèn đỏ
những nhịp cầu nối hai bờ đông tây
bao nhiêu năm em đi từ đó
để tôi buồn bên sông đêm nay.

Người một mình và đường Bạch-Đằng
ngày tiễn em mắt cười cay giòng lệ
để Đà-Nẵng buồn đưa một người đi lặng lẽ .
ai đứng bên những hàng cây theo gió rưng rưng.

Dốc Cầu-Vồng tiếc chi mà ngẫn ngơ hoài thế
Ngã-ba-Cây-Lang mãi chia đợi chờ
hạnh-phúc bắt gặp như sương mây òa vỡ
dấu môi hôn người đằm thắm ngày xưa .

Buổi chia tay đôi tình nhân
đứng bên nhau trước chợ Cồn sáng sớm
nhìn nhau mà đau đớn vạn lần
bỏ đi không lời giã từ Đà-Nẵng .

Hóa thân tôi ngã ba ngã tư ngơ ngác
em phũ dụ tôi bằng lời ngọt ngào
trăm con đường tình để Đà-Nẵng nói lời xa khuất
tìm em thôi biết tìm đâu
rồi coi như đã mất.

Chợ Hàn ai bán trái tim chao sóng
bên nhà thờ con gà gáy chín mươi năm *(1923)
cầu sông Hàn nhớ thương người lẻ bóng
nước vỗ chân ai lặng khúc gọi thầm .

Bao lần em treo tim lên Ngũ-Hành-Sơn
một mình tôi về Sơn-Trà đứng ngó
đưa tay dấu giọt lệ
cay hờn
cùng Đà-Nẵng ngậm ngùi mắt đỏ.

Bước chân đi
mà lòng căng bão tố
kỷ niệm em thoáng chút phai mờ
xa rồi để nhớ
để cám ơn mối tình xưa
(hỏi lòng em nay đã quên chưa).

Sân ga Đà-Nẵng chiều lẻ bóng
con tàu quay về mà không có em
nhớ em quắt quay chát bỏng
Đà-Nẵng ơi tôi mãi đi tìm
"tìm em như thể tìm chim
chim bay biển Bắc tôi tìm biển Nam" 


Huy Uyên
READ MORE - NGẬM NGÙI CÙNG ĐÀ NẴNG - thơ Huy Uyên

KHOẢNG TRỐNG - thơ Trương Nguyễn

           
            
Trần Tư Ngoan và Trương Nguyễn (bên phải)

    
(Kính tặng GĐPT.VN)   
   
    Một vòng tròn
    Tạo cho tôi khoảng trống
    Chợt ngân lên bao lời hát câu cười
    Đây là anh – là chị vui tươi
    Đàn em nhỏ đôi mắt tròn thương cảm

    Đôi mắt ấy!
    Nhìn tôi đăm đắm
    Rất thơ ngây như dò hỏi điều gì?
    Và trong lòng thắc mắc hoài nghi
    Sợ trại lắm mong thời gian trôi tuột

    Ngày ở đây luyện rèn khổ cực
    Đã có anh lấp dấu khó khăn
    Dõi theo em từng nỗi nhọc nhằn
    Tạo khoảng trống bước chân đi êm ả

    Một khoảng trống!
    Giữa chúng ta thật lạ
    Vòng viên dung xe kết tình thâm
    Mặc dòng đời nghiệt ngả thăng trầm
    Tình Lam ấy!
             Lớn dần năm tháng

    Ta về đây tìm nguồn tuệ sáng
    Và trao truyền gởi gắm tình thương
    Dẫu biết rằng vạn pháp vô thường
    Thân cát bụi trở về hư ảo.   

    Hiện hữu đây! Là thân sinh tuyệt hảo
    làm chút gì để lại nhân gian?
    một niềm thương - nỗi nhớ đầy tràn
    luôn xao động mỗi tấm lòng trong sạch   

    em nghe không?
    tiếng đồng hồ tí tách
    nhích lại gần – ta chầm chậm rời xa
    từng bụi cây - hạt cát sân chùa
    cũng trăn trở nỗi buồn xa trại

    Em lại hỏi tôi?
    “Sao thời gian nhanh quá đỗi
    Ôi ngậm ngùi!
    Em không muốn về đâu”

    Nếu từ bi không có nhiệm mầu
    Thì chân lý sao tròn đầy bất diệt
    Khoảnh khắc này là sát na ly biệt
    Để lại sân chùa…
              khoảng trống mênh mang.

         Trương Nguyễn

         truonguyen49@gmail.com
READ MORE - KHOẢNG TRỐNG - thơ Trương Nguyễn