Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 25, 2014

XUÂN DI LẶC - thơ Trần Tư Ngoan

         
Tác giả Trần Tư Ngoan


XUÂN DI LẶC!

Sáng mồng một tết đi lễ Phật
Trên đường nghe vọng tiếng gà xưa
Nụ cười DI LẶC vờn trong nắng
Đánh thức ngàn năm dậy đến chùa!

                                  Trần Tư ngoan

HOÀI CỔ!

Ngày đi bước nẻo đường hoa mộng
Buổi về ngồi phủi bụi thời gian
Tay ngắn với hoài không tới gió
Chiếc áo trăm năm rợp cỏ vàng!

                            Trần Tư ngoan

NGHẾCH *!

Ai bước lên thềm rêu gọi nắng
Tôi về phơi gió hứng tờ xưa
Nơi vườn quê cũ nghe mình cũ
Hái chút hương mà cũng sợ mưa !

                               Trần Tư ngoan

MỪNG SINH NHẬT BLOG LĐM!

Nến hồng thắp ngọn lung linh
Soi vào con mắt trữ tình thời gian
Hiên trăng tuế nguyệt mơ màng
Thơ lay hồn đá dặm ngàn ruổi rong
Phiêu bồng đỉnh gió mênh mông
Bắt tay hòa mạng nối vòng nhân gian
Tâm hoa thơm giữa quê làng
Bàn tay nghệ thuật thêu ngàn lời xuân./.

                                           Ngãi Giao
                                        Trần Tư Ngoan

*Phương ngữ Làng Tôi 


***

Lê Đăng Mành nhận qua điện thoại di động và gởi đăng (bài và hình) .
READ MORE - XUÂN DI LẶC - thơ Trần Tư Ngoan

Thơ Trà Thanh Lam - LỜI BÔNG HOA DẠI




Trà Thanh Lam ( tên thật là Võ Văn Sửu,) th.sỹ , GVC, nguyên T. Khoa LLCT, trường Đại học Tài chính - Kế toán, đã nghỉ hưu . Địa chỉ : tổ dân phố 3 , tt La Hà ,Tư Nghĩa Quảng Ngãi. Điện thoại 0905845037, email:vovawnsuu@tckt.edu.vn.



Lời bông hoa dại



( Kính viếng các chiến sỹ Trường Sơn chưa quy tập được)



Tôi đã từng nhặt những mảnh xương không biết tên của những người lính Trường Sơn năm xưa và một số nơi khác khi hài cốt của họ chỉ còn vài cái xương và hai đầu dây võng cùng khẩu AK đã rỉ, báng súng không còn. Chôn bằng gì? ở đâu? Bằng nửa cái can nhựa và trên núi rừng Trường Sơn huyền thoại và các anh đã ở lại mãi mãi không về. (TTL)





Rất tự nhiên những chùm hoa dại

Đã bật lên bên nấm mộ chưa tên

Nơi anh gửi tuổi xuân mình ở lại

Hoa trắng vàng xen kẽ lá chồi lên



Tổ Quốc và cha mẹ vẫn không quên

Các con nghỉ ngơi ở núi rừng xa vắng

Khi tết đến, giao mùa yên lặng

Chim muông thay lời âu yếm mẹ hiền



Thấm máu anh cây mãi vẫn tươi non

Đẫm ân tình vẫn kết hoa đơm nụ

Những nhành cây tý hon như mừng rỡ

Rực hồng lên trong nắng gió ba miền



Đất bị phá tàn nay cũng tốt tươi hơn

Bao chiến sỹ đã qui về một chỗ

Chỉ còn tuổi xanh với Trường Sơn yên nghỉ

Nơi núi rừng hoa vẫn mọc tự nhiên…



Như lời ru, như tiếng mẹ từng đêm

Linh hồn thiêng vẫn còn sống mãi

Dù mưa gió có lạnh lùng xâm hoại

Nhưng lòng dân muôn thuở vẫn không quên



Đất nước Việt Nam ngày một đi lên

Đường Trường Sơn ngày càng rộng mở

Các anh chưa về, chúng tôi còn nợ …

Cây, gió muôn đời ru giấc ngủ êm êm .


15.2.2014


READ MORE - Thơ Trà Thanh Lam - LỜI BÔNG HOA DẠI

TÌM HIỂU VỀ CÂU ĐỐI TẾT - Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập







Từ ngày xưa cho cho đến nay, tại nước Việt Nam ta vẫn duy trì hình thức về câu đối. Ngày xưa các cụ đồ nho thường viết câu đối bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nhưng sau này có nhiều người không biết chữ Hán hoặc Nôm thì viết bằng quốc ngữ cũng hay. Câu đối nói chung, hay câu đối dịp Tết đều có luật và có thể loại của nó cả.
A.VỀ LUẬT: có ba điều cần lưu ý về cặp câu đối. Đó là phải đối ý, đối từ, đối thanh.
1.Đối ý là phải có ý tương phản hoặc tương đồng. Ví dụ: Tương phản như:  vui vẻ- buồn rầu; tương đồng như:  bực tức-giận hờn…
2.Đối từ là phải theo từ loại, nghĩa là danh từ thì phải đối với danh từ. Ví dụ: ong- bướm; chim-cá; phố phường-thôn xóm; động từ phải đối với động từ. Ví dụ: mưa- nắng; leo trèo-chạy nhảy; tính từ phải đối với tính từ. Ví dụ: xanh lơ-đỏ thắm; vàng hoe-tím đậm…
3.Đối thanh là phải theo thanh âm trắc và bằng.
Ví dụ: mềm (bằng)- cứng (trắc);  yêu(bằng) –ghét(trắc); siêng năng(bằng)-(nhác nhớn)…
Cần phải lưu ý thêm rằng: nếu là những đôi từ láy thì căn cứ vào từ đi sau để đối cho hợp. Ví dụ: thong thả-vội vàng; lơ là-chăm chỉ…
B.VỀ LOẠI: Hình thức câu đối có ba thể loại:
1.Câu đối vặt là loại câu đối, thường mỗi vế có từ 3 đến 6 chữ. Người xưa xếp loại này là câu đối vặt, vì nó ngắn quá, chưa thể hiện được ý nghĩa của nó.
 Ví dụ như câu đối Trạng Quỳnh khi còn nhỏ đối lại vế đối của ông Tú Cát nêu ra:
Trời sinh ông Tú Cát;
Đất đẻ con bọ hung.
(cát: tốt; hung: xấu). Ở đây, ngoài nghệ thuật chơi chữ, vế đối lại của Trạng Quỳnh còn có ẩn ý làm giảm sự kiêu ngạo của ông Tú Cát nữa.
2.Câu đối thơ là câu đối mà hai vế của nó phải đặt theo đúng luật của thơ thất ngôn quy định, tức mỗi vế có 7 chữ như trong cặp câu thực, cặp câu luận của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Chẳng hạn đây là cặp câu đối về cảnh Tết:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.
( Tú Xương)
Duyên với giang sơn nên dán chữ;
Nợ gì trời đất phải trồng nêu.

(Bà Huyện Thanh Quan)

3.Câu đối phú là câu đối mỗi vế dài từ 8 chữ trở lên.
Thí dụ:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.

(Hồ Xuân Hương)

Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là Xuân.
(Nguyễn Công Trứ)
Cụ Thượng Nguyễn Công Trứ viết câu đối  thường gắn với hoàn cảnh sống và cá tính của mình.  
Về hình thức, những câu đối Tết của cụ viết toàn là câu đối phú, lại thuần Nôm, không có lấy một câu nào viết bằng chữ Hán. Năm cùng tháng tận, rồi Tết đến xuân về, nhà thì nhẵn túi, nhìn cây nêu cao, nghe tiếng pháo nổ, cụ ngậm ngùi:
Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là Xuân.
(Đuột giời: thẳng tuốt lên trời. Ri: thế này. Rứa: thế nầy, thế nọ, như thế. Đây là từ địa phương vùng  Bắc miền Trung Việt Nam).
             
Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa;
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc đón vào nhà.

Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi;
Nợ đâm ương ra đó, nói ba chuyện cà riềng.
(Be củ tỏi: ve đựng rượu có hình dạng như củ tỏi, để rót rượu cho tiện và dễ. Chuyện cà riềng: chuyện lòng dòng, con cà con kê)
            Và cụ Trứ đón Tết trong một trạng thái tâm lý hờ hững:
Mồng một Tết, mồng hai Tết, mồng ba Tết, ờ Tết;
Buổi sáng say, buổi trưa say, buổi chiều say, cho say.
             
  Cái nghèo cứ lùng nhùng đeo bám cụ, nhưng cụ vẫn không nản chí, trái lại vẫn cứng cỏi, đầy bản lĩnh và có cá tính. Nghèo mà vẫn trong sạch:
Mua pháo đốt chơi, để anh em nghe có tiếng;
Giật nêu đứng lại, cho làng nước biết không xiêu.
                                  *****
   Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập
READ MORE - TÌM HIỂU VỀ CÂU ĐỐI TẾT - Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập