Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, August 28, 2016

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ VAI TRÒ CỦA VẦN TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì


             
                      Tác giả Phạm Đức Nhì




MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ VAI TRÒ CỦA VẦN TRONG THƠ

Lan Man Về Cái Tôi
Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có 2 cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là “cái tôi văn hóa”. Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia. Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (1) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus (1) thì con người đích thực đã bất lực - để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình.
Hai Trường Hợp “Đánh Mất Cái Tôi”
     1/ Tại các nước dân chủ tự do: Con người dạy bảo nhau tạo phong cách lịch thiệp trong giao tiếp, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh để hội nhập vào dòng phát triển của nhân loại. Lâu dần cái tôi văn hóa sẽ che khuất cái tôi đích thực. Con người chỉ còn là một “cỗ máy” do lý trí điều khiển. Mọi suy nghĩ, hành động đều là phản ứng (có điều kiện) của “cỗ máy” trước hoàn cảnh xã hội. Đây là nỗi băn khoăn, lo ngại của các triết gia phương tây về thân phận con người.
     2/ Tại các nước độc tài chuyên chế: Cái tôi đích thực bị một cổ 2 tròng, vừa bị “cái tôi văn hóa” chèn ép, vừa bị nỗi sợ cường quyền ám ảnh nên nhiều lúc phải hóa trang thành một cái tôi khác mà tôi xin phép gọi là “cái tôi teo chim”. (Tôi hoàn toàn không có ý “xách mé” gì những người làm công tác văn học ở trong nước mà chỉ muốn nhắc tới một thực tế không được vui về hoàn cảnh của nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong đó có nhiều người tôi rất kính trọng và quý mến).
Giữa cái tôi văn hóa và cái tôi teo chim thì cái tôi teo chim mạnh hơn, có uy thế hơn nhiều. Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. Trong các tác phẩm của Nguyễn Khải cái tôi teo chim đã che khuất cái tôi văn hóa nên ông nhà văn của chúng ta vào cuối đời đã phải la toáng lên “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất” và phải chờ đến đúng ngày sau khi xác thân mình đã nằm dưới huyệt vợ con mới được chuyển cái thông điệp thương tâm ấy đến mọi người. Thông điệp trong Bánh Vẽ của Chế Lan Viên mạnh hơn, triệt để hơn, nên thời gian chờ đợi lâu hơn - chết rồi cũng chưa yên tâm - phải sau mấy lần “giỗ” mới được xì ra ngoài. Nói như nhà thơ Nguyễn Khôi là “kiểu để hạ cánh an toàn một cách chắc chắn đã”.
Lý Trí: Kẻ Thù Của Thi Sĩ Trong Lúc Làm Thơ
Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” -  “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả - thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” nhưng không có Hồn.
Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” (và “cái tôi teo chim”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ chọn được thể thơ thích hợp, tứ thơ sẽ chảy thành dòng, cảm xúc ở tầng 3 (2) sẽ lớn mạnh, bài thơ sẽ có hồn. thông điệp của thi sĩ sẽ đi vào lòng độc giả một cách dễ dàng.
Khi trạng thái cao hứng, “lên cơn” của thi sĩ “xẹp” xuống, cảm xúc nguội dần, lý trí sẽ xuất hiện, lời thơ ít nhiều cũng sẽ ẩn chứa sự “khôn mgoan, khéo léo”, sẽ bớt chân thật, câu thơ sẽ nhạt, hồn thơ sẽ lặng lẽ ra đi.
Một Chút Trải Nghiệm Cá Nhân
Tôi đang sống trên nước Mỹ
đất nước tự do
làm thơ
không phải lấm lét nhìn trước, ngó sau
nỗi lo sợ theo vào
cả trong giấc ngủ
giật thót mình nghe tiếng chó sủa
ban đêm (3)

Nhưng sao trước mặt vẫn chập chờn
những bóng ma quá khứ
ánh mắt van lơn
bàn tay níu giữ
khiến đã biết bao lần
dòng thơ đang băng băng tuôn chảy
phải khựng lại
luồn lách qua hướng khác

Để có thể hết lòng hết dạ
trọn tình trọn nghĩa
với Nàng Thơ
tôi
tay cầm bút viết
tay nắm dao quơ
đuổi, giết bằng sạch những hồn ma, bóng quỷ
(truyền thống, khuôn phép lễ giáo, thước đo giá trị
của người đời)

Trên trang thơ của mình
tôi chỉ trung thành
với nhịp đập
của chính trái tim tôi.
(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com)

Thú thật, tôi đã nhiều lần bị cái tôi văn hóa bất ngờ xuất hiện che lấp trang thơ đang viết dở của mình. Đó là lúc hết hứng, cơn điên đã “xẹp”. Lúc ấy nói:
Trên trang thơ của mình
tôi chỉ trung thành
với nhịp đập
của chính trái tim tôi
thì rất dễ nhưng thực hiện lại vô cùng khó khăn. Muốn viết tiếp bài thơ khi cơn điên đã “xẹp” mà không phản bội nhịp đập của chính trái tim mình là một điều không thể được. Chỉ có cách vứt bài thơ vào sọt rác hay chờ đợi một cơn điên khác – mà điều sau này cũng rất khó xảy ra.
Tôi cũng đã gặp những bài thơ “nửa điên nửa tỉnh” - đoạn đầu khá nhiều cảm xúc, đoạn sau khô khan, nhạt nhẽo, đọc chán phèo. Đó là trường hợp tác giả hết hứng nhưng “tiếc của giời” cố viết cho xong bài thơ.
Tại Sao Thơ Nên Là Món Ăn Nhẹ Dễ Tiêu?
Một lần chạy xe Honda (2 bánh) từ Cầu Rào đến phi trường Cát Bi (Hải Phòng) tôi gặp một tấm bảng chỉ đường kích thước khoảng 30 x 40 cm trên viết đến chục hàng chữ đầy cả tấm bảng. Xe dừng lại (vì đèn đỏ) ở cách bảng 20 mét, tôi muốn đọc để biết tấm bảng chỉ dẫn điều gì cũng chỉ “chữ được chữ mất”. Còn nếu đang lái xe trên đường thì có thể nói “tấm bảng ấy có cũng như không”.
Ở Mỹ tôi có người bạn làm ở ngành giao thông (Department of Transportation) của tiểu bang Texas. Nhiệm vụ của anh bao gồm cả việc thiết lập và bảo trì những bảng chỉ đường trên các trục lộ giao thông. Anh cho biết tất cả những bảng chỉ đường hoặc cắm bên vệ đường hoặc treo băng ngang xa lộ - từ kích thước tấm bảng cho đến cỡ kiểu chữ và các ký hiệu bằng hình, màu sắc - đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để người lái xe liếc qua là có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng để kịp thời ứng xử với tình huống được cảnh báo ở phía trước. Sau khi đường được nâng cấp – có thể nâng tốc độ của phương tiện di chuyển (thí dụ từ 45 lên 60 dặm/giờ) – thì những bảng cảnh báo phải cắm lùi lại để người lái xe (với tốc độ mới) có đủ thời gian tiếp nhận thông tin và chuẩn bị ứng phó với tình huống mà bảng chỉ đường đã cảnh báo.
Với thơ cũng vậy. Đọc thơ là thả hồn mình theo dòng chảy của tứ thơ để cảm nhận tâm tình của tác giả. Mỗi câu thơ, trong chức năng truyền thông, còn là tấm bảng chỉ đường dẫn dắt độc giả đi một đoạn trên lộ trình của bài thơ. Nếu dòng chảy của tứ thơ nhanh mà câu thơ lại khó tiêu - giống như bảng chỉ đường khó đọc, khó hiểu - độc giả hoặc là chạy quá (và đi lạc) hoặc phải tạm ngừng, đọc đi đọc lại để hiểu ý tác giả. Cuối cùng dù có hiểu được chăng nữa thì cũng mất hứng, tiến trình thưởng thức thơ không được suôn sẻ, ảnh hưởng đến mức độ thành công của bài thơ.
Sau đây là một số đoạn thơ từ Dễ đến Khó Tiêu (chỉ là những thí dụ tượng trưng):
1/ Thi hóa thân thành họa:
Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay
Đây là loại thơ dễ tiêu nhất vì ngôn ngữ đã tan biến, hóa thân vào trong tranh, đi thẳng vào tâm hồn độc giả. Lý trí thất nghiệp.
2/ Thi trung hữu họa: Trong thơ có tranh.
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa màu áo tím...
Chữ nghĩa có tranh minh họa nên dễ cảm nhận, lý trí có kiểm soát nhưng ít khi can thiệp.
2/ Show, Not Tell: Đưa ra dữ kiện để độc giả tự “suy ra” và cảm nhận tâm trạng.
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả 
chín quan tiền, lại thôi.
Độc giả “bắt” được, hiểu được những dữ kiện tương đối dễ dàng nên có thể thả hồn theo dòng chảy của tứ thơ. Đến câu cuối, tùy độ nhạy bén của tâm hồn, độc giả có thể hiểu được ẩn ý của tác giả từ sau vài giây đến vài phút. Lúc ấy cảm giác thích thú sẽ tăng lên gấp bội.
4/ Thơ không vần, khêu gợi óc tò mò của độc giả:
 Nó không hình không sắc
Tuyệt không có tiếng có lời
Nó không có gì. Chỉ là một sự chờ đợi lặng lẽ
Thế thôi.

Nó là sự chờ đợi từ vô thuỷ đến vô chung
Ai nấy lần lượt đến với nó, không ai gặp nó
Tất cả đều hướng về nó, như hướng về ý nghĩa cốt tuỷ của chính mình
Tất cả đi về hướng nó. Nó chờ.
Nó chờ một con kiến, nó chờ một con voi.
Nó chờ một hạt bụi, nó chờ một đoàn quân.
(Sự Chờ Đợi, Võ Phiến, tienve.org)

Đây là đoạn thơ tác giả viết bằng cái đầu, nặng chất trí tuệ, thiếu cảm xúc. Độc giả muốn hiểu tứ thơ cũng phải căng óc ra mà đọc. Giữa người viết và người đọc không có "chỗ" để tâm hồn giao cảm.
5/ Ý tứ mù mịt, khó hiểu:
Trên sông Tiền Đường bình lặng, Thúy Kiều ngồi ở đầu thuyền gởi khúc hồng nhan bạc mệnh vào thiên cổ. Nàng đã vứt vào sọt rác những con cu thối và trở về. Trong ánh sáng khai nguyên của các thần linh, âm hộ nàng trong suốt. Và reo vui. Không phải vì trái tim nàng đã được lau chùi bằng nước mắt và tóc. Không phải vì sự đền đáp của hư vô… (Và Bởi Vì Âm Hộ Nàng Trong Suốt, Nguyễn Viện, tienve.org)
Nguyễn Viện là một nhà thơ thành danh trong việc làm mới thơ trên trang tienve.org. Nhưng với tôi, bài thơ của ông quá khác biệt với những gì tôi gọi là Thơ.
Nếu đưa ngôn từ có tính học thuật, hàn lâm, triết lý (nặng chất trí tuệ) vào thơ để chuyển tải một ý tưởng cao siêu, một trạng thái tâm lý phức tạp nào đó thì người đọc sẽ “chậm tiêu”, khó cảm và sẽ tạo cơ hội cho lý trí xen vào gây rắc rối cho tiến trình thẩm thấu thơ. Lúc ấy chức năng truyền thông của bài thơ, nếu may mắn lắm cũng chỉ thành công một nửa - độc giả có thể hiểu (nếu uyên bác hoặc đọc kỹ) nhưng khó cảm được tứ thơ và bài thơ bị coi là thất bại. Nói như thế không có nghĩa không thể dùng thơ để diễn tả một ý tưởng cao siêu. Ý tưởng cao siêu nên là cái đích cuối cùng, còn ngôn ngữ, lời thơ dẫn độc giả đi đến cái đích ấy nên đơn giản, dễ hiểu và dễ cảm.
Vai Trò Của Vần (Hoặc Nhịp Điệu) Trong Thơ
Với thi sĩ, vần giúp xâu kết những ý tưởng, sự kiện, những mảnh tâm tình khiến bài thơ liền mạch, nhất khí. Trong bài thơ có vần (ngoại trừ thể thơ mới trường thiên từng đoạn 4 câu) cảm xúc tuôn chảy thành dòng, lớn mạnh nhanh chóng nhờ sóng sau dồn sóng trước. Khi thi sĩ đang cao hứng, “lên cơn”, dòng cảm xúc liền mạch, trôi nhanh đó giúp tứ thơ tuôn trào, không có “thời gian chết” để lý trí xuất hiện, tạo cơ hội cho hồn thơ hình thành.
Với độc giả, vần là thuốc dẫn, là thứ “dầu bôi trơn” giúp thông điệp của bài thơ theo dòng cảm xúc trôi nhanh vào hồn. Nhờ thứ “dầu bôi trơn” ấy ông (bà) ta “cảm” được tâm tình của thi sĩ một cách dễ dàng hơn, (có thể) không phải trải qua tiến trình suy nghĩ, tránh được (hoặc giảm thiểu) sự chen vào can thiệp của lý trí để cuối cùng có thể bắt gặp hồn thơ (nếu có).
Nhưng vần là con dao hai lưỡi; nếu vần quá đậm thì bài thơ sẽ mắc phải “hội chứng nhàm chán vần” đọc rất “ầu ơ”, dễ ngán.
Chè Đường

Tôi thích chè
chè ngọt
bởi có đường
đường ít
chè không đủ ngọt
không ngon
đường nhiều
ngọt lợ
ăn gắt cổ.

Nấu chè ngon do đó,
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết
nêm đường cho vừa ngọt

Chè có món có thể nêm đường kha khá
có món ít đường một chút cũng không sao
nhưng đã là chè thì phải có đường
nấu chè
nếu không nêm đường
(hoặc bằng cách nào đó
giúp chè có vị ngọt)
thì chè sẽ không còn là chè nữa
mà thành món khác.
(Phạm Đức Nhì

Vâng! Đúng vậy. Nếu không có vần (vị ngọt của thơ ca) thì Thơ sẽ không còn là Thơ nữa mà thành Thứ Khác.
Kết Luận
Đối với bạn đọc yêu thơ, tôi có một tin vui muốn chia sẻ với các bạn. Nếu có một giây phút nào đó trong đời, bạn đọc hoặc nghe được một bài thơ có hồn và chính bạn cũng cảm được cái hồn của bài thơ đó, thì chính giây phút đó bạn là một trong số rất ít người may mắn trên thế giới; bạn đang được giao tiếp với đồng loại của mình bằng “ngôn ngữ của loài người”, từ con người đích thực chứ không phải từ những cỗ máy di động mà suy nghĩ, lời nói hay cung cách giao tiếp chỉ là phản ứng có điều kiện trước hoàn cảnh xã hội. Như thế không phải là điều vô cùng sung sướng hay sao? Và thi sĩ sáng tác bài thơ có hồn đó đã ban ơn cho nhân loại, cho người yêu thơ cơ hội được đọc, nghe tiếng người từ con người đích thực. Tôi xin phép được mượn 2 câu ca dao nói về Phúc, Nghiệp của đạo Phật (tôi sửa lại câu thứ 2) để nói đến cái phúc của thi sĩ khi cống hiến cho đời một bài thơ như thế:
Dù xây chín đợt phù đồ  
Không bằng viết được Bài Thơ Có Hồn. (4)
Và để đạt được cái Phúc lớn lao ấy Vần (vị ngọt của thơ ca) đã đóng góp một phần công sức không nhỏ.
Phạm Đức Nhì
Chú Thích:
1/ Đều là đại diện của Chủ Nghĩa Hiện Sinh
    Tác phẩm tiêu biểu:
    Jean Paul Sartre:  La Nausée (Buồn Nôn)
    Albert Camus: L’Étranger (Kẻ Xa Lạ)
2/Ba tầng cảm xúc
     a/ Tầng 1: Do câu chữ
     b/ Tầng 2: Do thế trận của tứ thơ
     c/ Tầng 3: Do trạng thái cao hứng, “nổi điên” của thi sĩ. Đây chính là Hồn Thơ (nằm ngoài chữ nghĩa)
3/ Vâng, chính tôi (PĐN) cũng đã từng làm thơ (ở VN) khi cái tôi văn hóa và cái tôi teo chim cùng chiếm hữu thân xác mình.
4/ Nguyên văn 2 câu thơ là:
Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
(Có bản viết “bậc” thay vì “đợt”)

READ MORE - MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ VAI TRÒ CỦA VẦN TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì

VỀ QUÊ - Thơ Thủy Điền


     

          Tác giả Thủy Điền



VỀ QUÊ

Mai tôi về, xuyên qua sông Cửu
Xứ chín rồng sóng nước mênh mông
Hàng dừa xanh hoa quả lòng thòng
Gạo thơm trắng, cá đồng, cá biển

Mai tôi về, thăm ông một chuyến
Cùng thăm bà, cô, chú, các em
Thăm vườn cau, cây chuối, chú phèn
Thăm tất cả họ hàng bên nội

Mai tôi về, ở lâu, không vội
Ghé Mỹ tho thăm ngoại bao năm
Viếng cậu, dì một khoảng xa xăm
Nhậu rượu đế, sáng ăn hủ tiếu

Mai tôi về sẽ xuống Bạc liêu
Tìm thằng Cảnh ngày xưa cùng khóa
Ngồi trên đê đốt rơm, nướng cá
Chấm mấm nêm, chuối chát, khế chua

Mai tôi về dừng lại Thủ thừa
Thăm thầy cũ giờ già lắm nhỉ
Kể chuyện xưa, thầy trò tri kỷ
Rồi cùng ngồi nhấp rượu Long an.

Mai tôi đi tay xách, vai mang
Nỗi lưu luyến, tình thương trìu mến
Hành trang đầy bao nhiêu kỷ niệm
Đem theo về xứ lạ, người dưng.

                            Thủy Điền
                            28-8-2016

READ MORE - VỀ QUÊ - Thơ Thủy Điền

BÀI CA QUẢNG TRỊ / thơ Trần Hữu Thuần

Tác giả Trần Hữu Thuần



Trần Hữu Thuần

Bài Ca Quảng Trị


Hồn đắm đuối trong ngọt ngào giai điệu,
Trí lâng lâng theo dòng chảy hòa âm,
Tâm lãng du dìu dặt quãng thăng trầm,
Thần mê mẩn chập chờn cung vi diệu,
Bài Ca Quảng Trị đưa ta về quê cũ,
Con hẽm gầy, nham nhỡ dấu chân trâu,
Nếp lều tranh, khóm mía, vạt rau,
Dân quê nghèo, tay lấm bùn lam lũ,
Gót chân mòn, nứt nẻ, nhức đau,
Đá sỏi đất cằn—khuya sớm có nhau.
Mẹ nhà nghèo, cơm sáng chạy cơm trưa,
Rau má, rau sam, hái ven đường qua bữa,
Mẹ theo cha chia vui buồn sướng khổ.
Gà vừa gáy, cha cuốc, cày, ra ruộng,
Ngày nắng, ngày mưa, cuốc bẩm với cày sâu,
Mưa, ruộng nước; nắng, nương khô,
Cha bảo mẹ, “Ráng mình ơi chịu khổ,
Ráng cho con kiếm chút chữ phòng thân,
Câu bỉ cực thái lai rồi sẽ rõ,
Khổ đời cha, bớt khổ cho đời con.”
Mẹ đưa tay kéo khăn quàng trên cổ,
Lau mồ hôi cha bóng nhẩy thân mình.
Mẹ nhìn cha, mắt chan chứa ân tình.
Con trâu già trệu trạo nhai nhai cỏ.
Cho ba bốn làng, một mái trường mục nát,
Vách te tua, bàn ghế ghép cây cong,
Ba bốn chục trò luôn miệng học ê a,
Thoắt bên đông, thoắt bên tây, một thầy già,
Áo the sờn cổ, mục kiểng sà sống mũi.
Trời đứng bóng, thầy trò giở cơm mo,
Nắm cơm vắt, nhúm muối mè muối đậu,
Ngọt ngào nước giếng—xong bữa thầy trò,
Bài thuộc lòng, “Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon1.”
Không trống, không chuông, thầy trò vào lớp,
Thầy sang sảng, “Hôm nay, bài lịch sử,
Dân Việt mình là con cháu Rồng Tiên,
Dựng Văn Lang, chính Quốc Tổ Hùng Vương,
Đời nối đời, đất cha ông mở rộng,
Ải Nam Quan, Mũi Cà Mau, lồng lộng,
Núi liền sông, chữ S, một giải liền,
Bốn ngàn năm giữ nước, xương máu tổ tiên,
Một ngàn năm chống Bắc phương đô hộ,
Đánh giặc Ân, giặc Tần, bốn năm lần giặc Hán,
Phá quân Lương, quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh,
Mười ba lần đánh giặc Bắc tan tành,
Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Đạo Vương, Lí Thường Kiệt,
Vùng lên chống giặc, bao anh hùng hào kiệt.
Các trò ơi, tâm cốt phải khắc ghi,
Yêu nước, thương nòi, thờ cha, kính mẹ,
Thà sống nghèo, quyết không làm nô lệ.”
Quảng Trị quê nghèo nuôi tôi bằng sữa ngọt,
Bằng hạt cơm, phân bón chính mồ hôi,
Lớn lên rồi, dù phiêu bạt ngàn nơi,
Quên được sao công cha và nghĩa mẹ,
Quên được sao lời thầy xưa răn dạy,
Thương mẹ cha, thương nòi giống giang sơn.


1.Tản Đà, Cảnh vui của nhà nghèo.

Trần Hữu Thuần
Grand Rapids, Michigan, 15 tháng 8, 2016.
READ MORE - BÀI CA QUẢNG TRỊ / thơ Trần Hữu Thuần

KIM HẠNH - CON DÂU HIẾU THẢO / Nguyễn Nguyên An



Nguyễn Nguyên An



Kim Hạnh - Con Dâu Hiếu Thảo

Giải Ba “Đạo hiếu và dân tộc”


Ngày vẫn ngày qua, Hạnh đều đặn bưng cơm nước và thuốc thang hầu mẹ, thi thoảng tắm giặt quần áo, thay màn, hớt tóc cho mẹ. Hạnh nói: "Nhìn mẹ ăn, cũng như cho thằng No ăn. Mẹ và No vui là em vui rồi".



Vợ tôi Nguyễn Thị Kim Hạnh, một cô gái Huế nhà ở Vỹ Dạ. Thời thơ ấu, Hạnh ở trong ngôi nhà bề thế. Nhà chính gồm ba gian lớn và hai gian nhỏ. Nhà dưới gồm một dãy liên tiêp năm gian nhỏ. Gian giữa nhà chính là phòng khách, với bộ "xa lông" tròn bằng gỗ có bốn ghế dựa chạm đá cẩm thạch. Trong gian thờ đạt chiếc khám thờ chạm trổ tinh vi với đây đủ bài vị thẻ bài của ông bà tổ tiên nhà tôi, ngoài ra hai bên tường còn treo hai vòng cườm có ảnh về ông bà nội Hạnh.



Tường của gian nhà chính được trang hoàng bởi những tranh thêu của Tàu trình bày cảnh Ngư, Tiều, Canh, Mục. Chính giữa bức tường phòng khách có treo bức sơn mài, Bà Triệu cỡi voi ra trận. Cách tường non thước đặt một cái sập gụ đen tuyền, trên sập chỉnh chệ một chiếc hộp tộ gỗ mun, khảm xà cừ.



Trên tô điểm mấy cánh hoa đồng tiền thanh thoát trong dĩa thuỷ tinh. Cổ nhất là cái bàn bằng mâm đồng hình bát giác, khắc chữ Nôm và chạm nhiều hoa văn. Hạnh con nhà gia giáo, nề nếp. Thuở âu thơ có cúng thôi nôi, Hạnh đã bốc cây bút đầu tiên. Điều đó khiến ba mẹ tôi nghĩ rằng lớn lên Hạnh học hành thông minh, do vậy ba mẹ Hạnh đã tổ chức ngày lễ khai tâm cho Hạnh. 



Ngày được chọn là ngày mùng hai Tết. Người được mời để cầm tay cho Hạnh viêt chữ đầu tiên là cô Công Huyền Tôn Nữ Phùng Khánh, cô gái hàng xóm đang học Đại học Sư phạm, người mà ba mẹ Hạnh cho là thông minh đạo đức hơn người. Cô Phùng Khánh mặc một chiếc áo dài màu trắng. Trên bàn học có cắm hoa hồng vàng nhạt, trong phòng thoang thoảng mùi trầm hương. Cô cầm tay Hạnh nhẹ nhàng đồ lên tờ "pơ lua" trắng tinh một chữ "Mẹ". Cô nói với ba mẹ Hạnh: "Nếu không có mẹ đứa trẻ sẽ rất khổ sở khi vào đời, em nó là gái  sau này cũng sẽ làm mẹ". Lòng thương mẹ và sự ao ước làm mẹ in sâu trong Hạnh cho đến bây giờ. Nhưng trớ trêu thay cô giáo dạy chữ “Mẹ” đầu tiên cho Hạnh trở thành Ni sư Thích Nữ Trí Hải. Sau này, Ngài viên tịch trong một chuyến đi làm từ thiện. 


Lễ Thành Hôn của Kim Hạnh và tác giả. 



Tôi đã có đời vợ. Vợ tôi bỏ tôi và bốn đứa con. Tôi toe tua cơm áo giữa đời giông gió. Tôi lại lấy vợ, vợ tôi là cô giáo Hạnh, khi ấy Hạnh 39 tuổi. Với tuổi này, thời gian đã gọt giũa đến nguội lạnh những háo hức, khát khao của người phụ nữ. Hạnh đang sống ổn định và bình lặng với nghề gõ đầu trẻ. Gặp tôi, Hạnh thương cảnh gà trống nuôi con, thương lũ con tôi đầu xanh không mẹ. Tôi đem đến cho Hạnh chùm hạnh phúc muộn màng lúc lỉu trái đắng! Hạnh vui vẻ chấp nhận, cùng tôi đi dưới bóng nợ nần.

Không ngờ cuộc đời lận đận truân chuyên của tôi lại có duyên lành. Hạnh đi dạy học giúp tôi, nuôi các con riêng của tôi thành người. Trong mục: “Người tốt việc tốt” của Báo Thừa Thiên Huế số 962, ra ngày 02/06/1997, nhà báo Đinh Hoàng Xuân Hồng đã viết: “Trong hội nghị tổng kết “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành giáo dục tỉnh, tôi chú ý đến cô giáo… nụ cười cũng buồn nhưng thật đôn hậu. Chị là Nguyễn Thị Kim Hạnh… người mẹ của 5 đứa con (trong đó có 4 đứa con riêng của chồng) luôn tất bật, vất vả, phải dạy thêm, chi tiêu tằn tiện mới trang trải đủ cho cuộc sống của gia đình… Khi tôi đến thăm gia đình chị, tôi đều nghe bọn trẻ gọi chị bằng mẹ một cách trìu mến…”.

Sạu này Hạnh hộ pháp cho tôi tu tập. Hạnh phát tâm bậc thánh…nuôi mẹ tôi 84 tuổi và đứa con riêng của tôi bị tâm thần phân liệt, tên No. Vợ tôi và hai cô em dâu thứ sáu, thứ tám chung sức chăm sóc mẹ. Nhưng chuyện giặt áo quần, cơm nước, thuốc thang hàng ngày và tắm giặt cho mẹ chỉ một mình Hạnh có đủ tâm từ mới làm nổi.

Có lần tôi chảy nước mắt khi Hạnh đưa tay trần giặt quần bị bệnh trĩ cho mẹ. Một thau nước bẩn làm tôi rùng mình. Hạnh  nói: “Máy giặt không sạch, em phải vò tay”. Một cô em chồng thấy Hạnh săn sóc mẹ, cô đã không săn sóc mẹ, cô còn nói: “Đó là nghiệp!”. Hạnh bảo: “Cô nghĩ nuôi mẹ cha là nghiệp, còn tôi cho đó là phước. Phước của cô nhường cho tôi, tôi nhận. Nuôi con hư mới là nghiệp. Nuôi cha mẹ, dù đội cha mẹ trên hai vai, cha mẹ đại tiểu tiện lên đó cũng là phước báu”. 

Ngày vẫn ngày qua, Hạnh đều đặn bưng cơm nước và thuốc thang hầu mẹ, thi thoảng tắm giặt quần áo, ra, màn, hớt tóc cho mẹ. Hạnh nói: “Nhìn mẹ ăn, cũng như cho thằng No ăn. Mẹ và No vui là em vui rồi”. Bà con phường Trường An, Tp.Huế ai cũng khen. Và, anh C… công an phường thường chào vui Hạnh: “Chào mẹ anh hùng”.

Sau khi về hưu, Hạnh vẫn làm lụng siêng năng, cần cù nuôi con trai học Đại học Sư phạm năm thứ 3, nuôi con gái học lớp 9. Hai con đều học giỏi và ngoan. Đối với mẹ chồng Hạnh xứng là CÔ CON DÂU HIẾU THẢO hiếm hoi của thế kỷ 21 này; với xã hội Hạnh còn giáo viên từ thiện, “Bồi dưỡng kiến thức cho các em nghèo vượt khó thuộc Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Thật là công đức vô lượng! 

Tịnh cốc  Tây An
Nguyễn Nguyên An, số 50 Trần Thái Tông, phường Trường An, Tp.Huế






READ MORE - KIM HẠNH - CON DÂU HIẾU THẢO / Nguyễn Nguyên An

TÌNH THU / Nhạc và lời: Nguyễn văn Thơ / Tiếng hát: Quỳnh Lan

READ MORE - TÌNH THU / Nhạc và lời: Nguyễn văn Thơ / Tiếng hát: Quỳnh Lan