Nhạc sĩ Lê Đàn (phải) và nhà thơ Nguyễn Văn Trình (trái)
NHỮNG VẦNG MÂY KHÔNG TRÔI
(Bài viết cảm nhận về tập thơ: Mây Trắng bên trời của tác giả Nguyễn Văn
Trình)
Nhà thơ - nhạc sỹ: Lê Đàn
Những vần thơ của thầy giáo- thi sĩ Nguyễn
văn Trình trong tập thơ: “ Mây trắng bên trời” mang đậm chất “Thầy” trong
đó, cái chất của nhà mô phạm thể hiện rất rõ trong những bài thơ là những câu
chuyện kể về : “Cha tôi”, về “bạn
bè, về đứa học trò thi rớt, về em bé nghèo bán bánh mì…” Đó là những vần thơ đạo lý, chan chứa tình người.
Đặc
biệt, những vần thơ thầy viết về :“Bướm
trắng hồn nhiên” (cách gọi những em học trò đáng yêu của thầy), đã lấy được
nước mắt của một độc giả già như tôi :
“…Đó là bài giảng cuối cùng cho em,/ Mà sáng nay
thầy giảng/ và bắt đầu một cuộc chia tay…/ Vội vàng cái buổi chia tay/ Không
phải lần đầu sao thầy rưng rức/ Cả lớp nôn nao…một thoáng ngậm ngùi…/
Rồi tiếng cười thay nước mắt” (Bài giảng giờ chia tay-Nguyễn Văn Trình).
Tại sao vậy? Một người tuổi đã xế chiều dễ gì có thể khóc chỉ vì một bài
thơ tuổi học trò?! Vậy mà tôi đã “ướt mi”
khi đọc bài thơ trên của thầy. Có một nhà thơ đã xúc động đến tuôn trào giọt lệ
khi nghĩ về thời thơ ấu trong lúc đang ngồi một mình giữa canh khuya trọ học
nơi thành phố hoa lệ : “Đôi mắt ướt, tuổi vàng, khung trời hội cũ/ Áo màu
xanh không xanh mãi trên đồi hoang…/ Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ/ Bụi đường
dài gót mỏi đi quanh” (Tuệ Sỹ).
Còn
Nhạc sỹ Quốc Bảo dù không ứa lệ nhưng cũng cay cay một chút ấu thơ: “Còn gió
mát giữ cho thu vàng/ Còn bát ngát giữ cho xuân tràn/ Còn xa xôi giữ cho nhau
hình bóng/ Còn vòng tóc rối giữ cho vai em mềm/ Còn giấy mới giữ cho câu thơ u
huyền/ Còn ta, ta giữ lại cho ấu thơ”(Giữ lại cho ấu thơ-Nhạc QB)
Những
vần thơ về tuổi học trò của thầy hay đến lạ:“ Nhớ mùa xanh, lá vẫy môi chào/
Ôi hồn nhiên, ngọt nắng chiêm bao” (Nắng chiêm bao - NVT). Pha lẫn một chút
“yêu” hồn nhiên chất chứa: “Sao giấu nỗi, tình yêu nén chặt/ Trái tim
anh thắp lửa phượng hè ơi” (Ngày tựu trường-NVT). Ai bảo thầy giáo không đa
cảm?! – Có đấy, nhưng thật là kín đáo : “Mùa cúc tím và những chiều ngóng
đợi/ Em dịu dàng ngọn gió cứ đầy vơi” (Chiều An Lạc-NVT). Cũng có
lúc ngồi một mình giữa canh khuya nhưng thầy chỉ tự hỏi: “Em về mây tím hoa
mua/ Đường côi mấy nẻo gió lùa hồn anh” (Em về bên ấy-NVT). Đôi lúc
cái ta đau khổ xuất hiện trong thơ thầy: “Em về/ Nỗi buồn chan đáy mắt/
Khoảng trời nào màu trắng phủ bông lau/ Ta đau đớn nhặt mưa xâu tràng hạt/ Cứ
ngỡ rằng vương miện của quân vương” (Em về-NVT). Bây giờ cái ta đã chuyển
sang cái tôi vụt ra khỏi tâm thức tìm kiếm: “Tôi đi tìm em/ Tìm trong ký ức/
Mênh mông, rộng dài nỗi nhớ/ tôi chạm phải trái tim nức nở/ Nghe nhói đau/
Trống vắng./Nỗi niềm…/ Em-Ảo ảnh,/ Còn tình tôi, rất thực” ( Em-Ảo
ảnh-NVT).
Nhưng
“đau đớn” đâu dễ gì ngự trị mãi trong tâm tưởng của cái “tôi” vốn đáng ghét (?!). Thầy đã biết tỉnh thức quay trở về với
thực tại nhiệm mầu, để có những khoảnh khắc thăng hoa toả sáng tuệ giác tinh
hoa để viết lên những bài thơ có chữ “AI?” hay đến lạ như:
“Em về…/Để mình ai, trống
vắng, đợi chờ”(Em về-NVT)
“Em về chiều hoá mây bay/
Để ai ngơ ngẫn, nỗi này ai mang”(Vô đề 4-NVT)
“Ai về ngày tháng chông
chênh/ Để ai ở lại thác ghềnh ai ơi”(Vô đề 5-NVT)
“Em,/ Chuyện mưa nắng cuộc
đời vẫn thế/ Buồn vui chớp nhoáng đời người/ Khi em vẫn là nỗi nhớ/ Dày vò ai
cái thuở xa thương/…Em về cho ai chơi vơi…”(Em về cho ai chơi vơi-NVT)
Tác giả đã
nhắc đi, nhắc lại nhiều lần chữ “Ai?”!... “Ai”... có phải là cái tôi đau khổ
hôm qua không?! Ai không phải là ngôi thứ nhất số ít trong tiếng Anh, càng
không phải là thất tình lục dục (Hỉ, nộ, ái ố, ai, cụ lạc). Ai chơi vơi?! Đâu
phải là “tôi” chơi vơi. Đúng như một vị thiền sư đã dạy chúng tôi trong một
khoá tu thiền: “Khi thực tập thiền định được một thời gian thì cái tôi (Bản
ngã) của quý vị sẽ biến mất trong thời gian mình ngồi tĩnh toạ, lúc đó tâm mình
ở trong trạng thái “Định”, cái cảm giác đau hoặc tê chân sẽ biến mất, vì đâu
còn cái tôi nữa để mà đau. Các thi sĩ cũng có được trạng thái này lúc sáng tác.
Nhưng khi xả thiền thì cái tôi quay trở lại, và cái cảm giác tê chân hay phiền
não cũng quay trở về y nguyên như cũ…” “Ai” có thể là một câu hỏi, cũng có
thể là một từ phủ định ai chứ không phải là tôi. Cái tôi vừa mới nói với em
rằng nắng mưa là chuyện của trời, “Buồn vui chớp nhoáng đời người”,
đành rằng biết như vậy nhưng khi xa em làm sao không nhớ, làm sao không dày vò.
Nhưng, như vị thiền sư giảng về Thiền định, nhà thơ đã ở trong trạng thái
“Định” cho nên đã biến mất cái tôi bị dày vò, sự dày vò và phiền não tạm thời
lùi ra, để nhà thơ đang trong trạng thái nhập định đã “THẤY” cái dày vò, cái chơi vơi, cái đau khổ là của ai đó, chứ
không phải của tôi. Thật lạ, và cũng thật diệu kỳ cái khoảnh khắc đó. “Vâng
chỉ có nơi đó, nơi đó ta mới thật sự thống khổ triền miên, mới muộn phiền sảng khoái” (Huy Tưởng). Dù phút
giây biến mất cái tôi đáng ghét đó chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng cũng đủ
cho nhà thơ có được những vần thơ vượt thoát cái tầm thường nhân thế. Và những
câu thơ chơi vơi khiến lòng tôi mê mẫn chơi vơi giùm cho tác giả, tôi đã tìm
thấy trong bài thơ chơi vơi sẵn có một giai điệu đẹp, bài hát “ Chơi vơi”
hình thành từ bài thơ có nhiều chữ “Ai” ấy.
Cái
chơi vơi ấy thực ra là “của ta”, nhưng ta cứ cho là của ai đi cho nó nhẹ người.
Thầy giáo- nhà thơ Nguyễn Văn Trình rất
giỏi, vì đã hoá giải được nỗi u sầu nhân thế khi tìm ra được một chữ “AI” trong
ngôn ngữ tiếng Việt để thay cho cái tôi hay là cái ta hoặc nói một cách triết
học hơn là cái “bản lai diện mục”, tất cả các thứ tên gọi ấy nhiều khi rất đáng
yêu, nhưng nhiều khi cũng rất đáng ghét. Tôi đã phổ nhạc liền một mạch 5 bài
thơ trong tập thơ đầu tay của thầy trong đó có bài thơ: “Em về cho ai chơi
vơi”. Đó có lẽ là cái duyên giữa thơ và nhạc,là cái duyên giữa tôi và thầy
giáo-thi sĩ Nguyễn Văn Trình .
Hành
trình của thơ đồng hành cùng dòng chảy của ý và tưởng trong dòng sông tâm thức
vốn không ngưng nghỉ. Thơ có sẵn trong tàng thức của mỗi người, nhưng vấn đề là
người ta có chịu khó lấy thơ ra hay không?! Khi thầy giáo làm thơ, thầy đã chịu
khó lấy ra những bài thơ hay đầy chất “Nhân văn”, những bài thơ của thầy đẹp
như những nụ hoa thơm ngát, và tập thơ của thầy sẽ là một vườn hoa đầy hương
sắc tô điểm cho cuộc đời đáng yêu này!
Tôi muốn nói riêng với những người thầy giáo từ trước đến giờ dù ít,dù nhiều đã từng làm thơ, thì nay quý vị
nên ngay lập tức lấy thơ ra, vì nó đã có sẵn ở
trong kho tàng thức của quý vị. Khi người thầy làm thơ thì những bài thơ ấy hay
lắm, rất hay! Thơ thầy giáo bao giờ cũng mang đậm chất nhân văn và những bài
thơ ấy luôn là những bông hoa đẹp.Tôi nói thật đấy! Quý vị thử coi?!
Riêng tôi, tôi gọi những bài
thơ trong tập thơ : “ Mây trắng bên trời” của thầy giáo- thi sĩ :
Nguyễn Văn Trình là “ Những vầng mây không trôi”,bởi
những bài thơ ấy luôn day dứt và ám ảnh tôi, để lại cho tôi những ấn tượng khó
phai mờ sau mỗi lần đọc.Tôi tin “Những vầng mây không trôi ” sẽ còn mãi
cùng với trời xanh mây trắng !
Đông Hà ngày 10/7/2011
Nhà thơ - nhạc sĩ: Lê Đàn