Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 23, 2024

CÁM XÚC QUA BÀI THƠ: MÙA THU VÀ NỖI NHỚ của PHAN VĂN LỘC - Võ Văn Cẩm

 



CÁM XÚC QUA BÀI THƠ:

MÙA THU VÀ NỖI NHỚ 

của PHAN VĂN LỘC

 

Võ Văn Cẩm

 

Tôi đã đọc nhiều bài thơ của cô Nguyễn Thị Kim Cúc. Sau này mới biết cô là vợ của bạn hiền Bs Phan Văn Lộc.

Chỉ biết Kim Cúc làm thơ ai ngờ Lộc cũng làm thơ, dù là cảm xúc của tuổi già nhưng Lộc có những cảm nhận sâu sắc, thân thương. Cũng như Hoàng Em là bạn thân nhưng bây giờ mới biết. Em làm thơ hay lắm, nhiều bài mình rất thích, thơ Em tính cảm dạt dào với bút danh Lynh Thảo.

Lộc có một thước phim quay chậm của cuộc đời mình, chính cảm xúc ấy Lộc trả ơn cuộc đời, ơn người, ơn mẹ cha, vợ con, bằng hữu, đồng nghiệp, làng xóm, quê hương,

Về già ai cũng có cảm xúc, nhưng cảm xúc biến thành thơ không phải ai cũng làm được, đặc biệt là những người làm khoa học. Tôi cũng có nhiều cảm xúc, trăn trở như các bạn, nhưng xâu chuổi những ngôn từ để trở thành thơ thì không có được môt một câu, một đoạn.

Người Quảng Trị càng về già làm thơ càng tuyệt?

Tôi rất thích bài Mùa Thu và Nỗi Nhớ vì tâm trạng của Lộc cũng như của chính mình, xin Lộc cho mình chia sẻ những cảm xúc ấy.

Trước 1975 tụi mình thường gặp nhau hằng tháng, sau những lần công tác xa. Những cuộc vui chơi hay thăm viếng bạn bè, người thân ở Nha Trang đã trở thành những kỷ niệm thân thương, đáng yêu, đáng nhớ.

Rồi vì thời cuộc, bạn bè xa nhau. Tuổi xế chiều ta mới gặp lại.

Cái cảm xúc của thi nhân có cái nhìn khác biệt, mà thậm chí cái cảm xúc ấy trở thành hư cấu rồi biến thành cái rất riêng của mình, của thi sĩ, một bác sĩ mang dáng dấp của nghệ sĩ.

Tuổi xuân của mình cũng ở vùng quê nghèo khó, cũng chịu bao khắc nghiệt của đất trời, cuộc đời ấu thơ của một học trò nghèo cũng từ vùng đất cày lên sỏi đá.

Nhưng cái xúc cảm của Lộc, những lần quay về quê nhà không giống mình, cái quay về của bạn khác mình xa. Tôi không được trở về trong đêm khuya giá lạnh, không có dịp thưởng ngoạn những lúc trời thu, đêm hôm rực lửa.

Hay những đêm khuya với gót chân mềm của người xa trở về trong quay quắt, bên những giọt sương khuya buốt lạnh nơi quê hương yêu dấu của mình. Mà nơi đó có cha mẹ mình đang sống, cái cảm nhận lần về làm trái tim đau nhói . Những bước chân vụng về càng làm con tim quặn thắt, quay quắt, càng nhớ càng thương cha mẹ già lặn lội gió mưa đang an phận ở đó. Thương mẹ cha một đời lam lũ. Những ngày đông lạnh giá, không đủ vải che thân, mùa gió Lào không che được nắng rát vai gầy. Cả ngày (bán lưng cho trời bán mặt cho đất) để mưu cầu cho con yêu quýchóng lớn, có năm ba chữ lận lưng. Ôi quê hương nghèo khó, nhưng người cha người mẹ vẫn tự hào về đàn con của mình.

Mùa Đông giá buốt, mùa Hè cạn sông, nước biển dâng lên đắng chát vì thiếu những trận mưa.

"Đã vào thu nhưng trời như đổ lửa.

Gót chân mềm quay quắt giọt sương khuya.

Gió liếm rát đôi vai gầy thằng Vọi.

Biển đắng chát vì thiếu những chiều mưa".

Dù ở phương trời nào, dù đầu hai thứ tóc, dù trên vai còn gánh nặng, nhưng con người ai ai cũng rạo rực nhớ thương quê hương yêu dấu của mình, nơi đó khởi đầu của đời người, vọng nhớ quê hương, quê cha đất tổ.

“Quê hương là chùm khế ngọt.

Quê hương nếu ai không nhớ không lớn nổi thành người” (ĐTQ).

“Khi ta ở chỉ là đât ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (CLV).

Dù ở xa nhưng lúc nào chúng ta cũng hướng về quê nhà, theo dõi, trăn trở, đặc biệt quan tâm đến những biến cố xảy ra.

Lộc chạnh lòng khi tài nguyên biển bị tàn phá. Chính những người Việt vì quyền lợi cá nhân, vì quyền cao chức trọng, chỉ muốn vinh thân phì gia, quên luôn đạo lý, quên luôn tổ tiên mình, nên bị ngoại xâm mua chuộc, chỉ biết cúi đầu ngả tay lấy tiền. Họ không nghĩ rằng "gieo nhân thì hái quả", lương tri con người không còn trong họ.

Đau lòng khi quê mình biển vắng người thưa. Không đau lòng sao được khi bà con nghề biển thất nghiệp, nước biển ô nhiểm thì ra biển làm gì? Lộc hiểu quá về nguyên nhân ấy, ngay sự mất còn của tổ quốc Lộc đang nghĩ tới, thôi một mình, mình chẳng làm gì đươc, hãy giao cho mệnh trời, mưa nắng là xong, nhưng trong lòng đầy oán hận.

Một lớp người trí thức, có quyền cao chức trọng, đại diện cho dân mà miệng câm như hến, mình giao cho trời đất mưa nắng cũng thế thôi.

"Hỏi quê ta có gì lạ hay chưa.

Biển miễn cưỡng, bảo biển vắng người thưa.

Tại ông Trời mãi hoài chơi cút bắt.

Mưa và nắng dùng dằng nhịp đong đưa."

Càng nghĩ về quê hương lòng càng quặn thắt, một quê hương chịu nhiều cay nghiêt của đất trời, không một chút tài nguyên, nơi mà chiến tranh xảy ra ác liệt trên mãnh đất nhỏ bé này. Chiến tranh qua đi để lại một hậu họa vô cùng kinh khiếp. Quảng Trị vốn vùng đất học, nhìn lủ học trò mà tội nghiệp, vẫn cố gắng chuyên cần đến trường dù dưới cơn nắng nứt da, cơn mưa vần vũ, lội bùn lầy từ dưới quê lên tỉnh.

Con đường ngắn nhất để vượt qua đói nghèo là chữ nghĩa, học trò Quảng Tri đã tự vạch cho mình một lối đi, một định hướng cho tương lai mình, không học không có con đường nào thoát, dù khổ cực đến mấy. Cha mẹ cũng hy sinh cho con mình vượt qua đói nghèo. Để rồi đông qua xuân đến và suối nguồn nào cũng ra biển khơi, rồi đàn chim rũ cánh bay xa, bậc cha mẹ tự hào mãn nguyện.

"Nhớ thu nào trên đất Quảng xa xưa.

Rét nứt da lũ học trò tội nghiệp.

Lấm chân trần qua nẽo vắng làng quê,

Thân ướt sũng tím ngắt ngày lạnh giá.

Và dẩu sao hè qua thu vẫn tới.

Rồi thế nào sông cũng dến biển khơi."

Lộc vẫn chôn chân nơi miền biển mặn. Nơi ấy cưu mang đùm bọc cho Lộc, cho đàn con khôn lớn thành tài. Vùng Nha trang nơi quê hương thứ hai của Lộc lựa chọn có nhiều kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ. Và có lẽ nơi ấy là nơi Lộc gởi gắm tấm thân nơi miền miên viễn. Nơi đây đậm đà tình nghĩa như nơi Lộc sinh ra, Lộc có nơi sinh ra và nơi tồn tại ngàn thu.

Mình có đọc bài “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan. Tác giả sinh ra trong một gia đình nghèo khó, học rất giỏi, khi đậu toàn phần, Hữu Loan học đại học. HL được mời làm gia sư cho một cô học trò 8 tuổi. Không hiểu duyên phận thế nào mà tinh yêu nảy sinh quá sơm. HL được gia đình cô học trò thương mến cho qua Pháp du học. Sau hai người thành gia thất. Cuộc tình thật tuyệt vời thủy chung. HL đi tham gia cách mang, nàng một lòng yêu HL không bao giờ nghĩ tới một ai, HL cưới nàng đươc 2 năm. Khi còn ở chiến trường thì nghe tin vợ ra sông giặt áo bị hỏng chân mà chết.

Mối tình quá đẹp. Lúc còn nhỏ, HL thường đem nàng ra rừng hái sim tím để ăn. Khi vợ mất, HL bỏ về nhà làm đủ việc, HL quyết chí ở vậy. Nhưng sau đó HL gặp một phận người cay nghiệt, HL cưu mang rồi thành vợ chồng với đàn con nhiều đứa.

HL đã sáng tác bài thơ tình bất hủ. Bài thơ hay còn sống mãi với thời gian, “Màu Tím Hoa Sim”.

 

Võ Văn Cẩm

 

READ MORE - CÁM XÚC QUA BÀI THƠ: MÙA THU VÀ NỖI NHỚ của PHAN VĂN LỘC - Võ Văn Cẩm

Chùm ảnh HOA PHONG LAN - Chu Vương Miện






 

READ MORE - Chùm ảnh HOA PHONG LAN - Chu Vương Miện

Thơ: NÔN NAO THÁNG 10 – Le Nguyen Thu

 

 

NÔN NAO THÁNG 10


Tháng 10 rồi em mùa mưa đang về 

anh thèm đan xen những ngón búp non

những ngón ngập ngừng dường như còn ngượng 

siết chặt gọi mời trông ngoan... rất ngoan 

.

Tháng 10 rồi em anh chừng nôn nao

nhớ mùi hoa bưởi thèm bờ vai tròn 

nõn nà mát rượi đương thì con gái 

đêm xuống nhanh cho chúng mình yêu nhau

.

Tháng 10 rồi em mai mốt anh về 

mùa yêu về chim chóc cũng thiên di 

những khuya thấm lạnh nhờ em ủ ấm

ngực em thơm cài nút ngắn nút dài 

.

Hai bàn tay anh lũ ngón dài ngón ngắn 

cần gì vội sao lần nào cũng nôn

tháng 10 rồi em chúng mình bên nhau 

một thời để yêu một thuở ban đầu 


Stanton Oct. 2019 - Oct 11st, 2024 (4:05 am)

Le Nguyen Thu

 lenguyenthu94@gmail.com


READ MORE - Thơ: NÔN NAO THÁNG 10 – Le Nguyen Thu

ĐỌC TẬP THƠ DƯỚI NẮNG THU VÀNG CỦA TÁC GIẢ HÀ THI - Hoàng Thị Bích Hà

 


ĐỌC TẬP THƠ 

DƯỚI NẮNG THU VÀNG 

CỦA TÁC GIẢ HÀ THI

Hoàng Thị Bích Hà

 

Nhà thơ Hà Thi chọn in tác phẩm mới có tựa đề Dưới nắng thu vàng anh cũng can đúng mùa thu về với Huế. Tôi nhận được tập bản thảo trong dịp tháng tám tây cũng là vào đầu thu xứ Huế. Mùa thu cũng là mùa gợi nguồn cảm hứng cho nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng. Nhắc đến mùa thu người ta không thể không liên tưởng đến nắng thu vàng rất đẹp, những làn gió nhẹ và lá vàng bay trong gió. Từ cảm hứng lấy mùa thu làm chủ đạo thi nhân đã cho ra tập thơ tình có tựa đề Dưới nắng thu vàng gồm có 99 bài được sáng tác trong 5 năm. Có 30/99 bài thơ được sáng tác trong mùa thu - trong đó có 22 bài có nhắc đến mùa thu với những cảm xúc riêng. Những bài còn lại dành cho các thời điểm khác trong năm khi có cảm xúc dâng trào trước cảnh vật, tình người, tình đời anh đều gửi gắm vào thơ. 

 Các bài thơ trong tập được dàn trang theo thứ tự thời gian sáng tác từ tháng 6/2019 - 7/2024.

 

1. Điểm qua vài nét về tác giả

Nhà thơ Hà Thi tên thật là Nguyễn Văn Ngọc, tuổi thật là Đinh Dậu – 1957 (tuổi khai sinh 1959) nguyên quán Phú Gia (Vinh Thái cũ), Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Năm 1967 anh lên Huế tiếp tục học, sinh sống và làm việc tại thành phố Huế cho đến nay. Anh làm thơ từ hồi còn đi học, đi lính, rồi đi làm công chức nhà nước trong bộ phận quan trọng của tỉnh nhà. Sau thời gian công tác trong cơ quan, nghỉ hưu anh có thời gian dành cho sáng tác thi ca và hoạt động văn học nghệ thuật. Nhà thơ Hà Thi là người thành lập và đảm nhận vị trí Chủ tịch của Hội thơ Xứ Huế. Anh đã tổ chức rất bài bản các hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ làm cho hội thơ ngày càng lan tỏa và phát triển, thu hút nhiều thành viên yêu thơ với các sinh hoạt bổ ích và ý nghĩa. Hiện anh cùng gia đình sống tại khu đô thị xinh đẹp Royal Park, Thủy Vân, Huế. Nơi đây cũng là một địa chỉ sinh hoạt thi ca anh dành riêng để kết nối bạn bè, sinh hoạt văn nghệ dành cho bạn hữu thi văn trong tỉnh và còn có những buổi tổ chức ra mắt tác phẩm mới, hay tiếp đón bạn thơ từ Hà Nội hay các tỉnh thành khác có dịp đến giao lưu kết nối thi ca họp mặt thú vị.

Các tác phẩm đã xuất bản: 

-Ngày ấy và bây giờ (Nxb Văn học, năm 1999)

-Thời áo trắng, áo xanh (Nxb Đại học Huế, năm 2020)

-Trở về nơi thầm lặng (Nxb Dân Trí, năm 2023)

-Dưới nắng thu vàng (Nxb Hội Nhà văn, tháng 9 năm 2024)

-Góp mặt trong 13 tác phẩm thơ với bạn hữu thi văn trong nước.

 

Thơ đến với anh như là sự cân bằng của cuộc sống, nơi mà anh có thể gửi gắm tâm sự, những vui buồn, để giãi bày một tiếng lòng, một quan điểm sống. Hà Thi ghi lại những dòng cảm xúc trước cuộc đời, góp phần làm cho cuộc sống tinh thần phong phú và ý nghĩa. Những vần thơ ý nhị và duyên dáng phản ánh bức tranh về tình yêu lấy mùa thu làm chủ đạo, có điểm thêm những thời gian khác trong năm. Anh sử dụng hình ảnh không gian, thời gian một cách hợp lý. Trong tập thơ ấy, thi nhân đã thể hiện tâm hồn tôn thờ vẻ đẹp thi vị của cuộc sống để thi ca hóa tình yêu, cảnh sắc thiên nhiên, dệt nên những vần thơ tình ấn tượng. 

 

2. Cảm hứng mùa thu trong thơ Hà Thi

Mùa thu là một đề tài hấp dẫn cho biết bao giới văn nhân, thi sĩ,…  phản ánh vào nghệ thuật ngôn từ hay nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa. Nhà thơ Hà Thi cũng không là ngoại lệ. Vẻ đẹp quê hương xứ sở, vẻ đẹp mùa thu gợi cảm hứng cho thi nhân. Bằng thể thơ lục bát truyền thống, gieo vần chỉn chu anh đã chọn những hình ảnh: Mùa thu là mùa lá rụng, điều đó hẳn rồi, nhưng khi mùa thu đi qua có chút gì tiếc nuối, có chút man mác bâng khuâng, có chút thương nhớ. Nhìn thu này không khỏi nhớ thu xưa. 

“Bao mùa thu đã đi qua

Lá vàng rơi rụng phôi pha giọt sầu”

Những thi liệu quen thuộc trong thi ca cổ điển và thi ca đương đại, Hà Thi đã lựa chọn, gắn các màu sắc: vàng (lá vàng) trắng (mây trắng) bạc: của vầng trăng bàng bạc về màu sắc nhưng có phần nhân hóa khi ghép với từ đầu: bạc đầu vì thương nhớ. Tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ: đặt câu hỏi: “Gió đưa mây trắng về đâu?”. Vì cơn cớ đó mà “Để trăng thương nhớ bạc đầu thu xưa”. Trăng nhớ mây, nhớ lá vàng của bao mùa thu trước hay ẩn dụ nhân vật là chủ thể trữ tình nhớ khoảng thời gian trước là mùa thu đã qua. Mùa thu gắn với những kỷ niệm và một dáng hình xa vắng? 

"Gió đưa mây trắng về đâu

Để trăng thương nhớ bạc đầu thu xưa” (Thu xưa

Người làm thơ là người nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, sự quan sát tinh tế. Thi nhân đi trong nắng thu vàng có thể lắng nghe tiếng tâm sự của gió như muốn thở than điều gì. Ở đây tác giả dùng biện pháp nhân hóa: “gió thở than bao điều” làm cho câu thơ sống động hơn. Con người và thiên nhiên giao hòa, có thể hiểu nhau, tìm thấy sự đồng cảm tri âm.

“Ta đi dưới nắng thu vàng/ Mà nghe trong gió thở than bao điều”

Hai câu tiếp theo đi vào tự sự kết hợp với yếu tố trữ tình: “Từ khi tình hóa xanh rêu” nghĩa là tình đã cũ đã nhuốm màu rêu phong của thời gian. Từ nguyên nhân dẫn đến kết quả: khi tình không còn thì “lời thơ nhạt nhẽo, lời yêu nhạt nhòa”. Người thơ sử dụng các từ chỉ màu sắc đặt cạnh cho danh từ, tính từ làm tăng giá trị biểu đạt.

“Từ ngày 

tình hóa xanh rêu/ Lời thơ nhạt nhẽo, 

                     lời yêu nhạt nhòa”.

Thơ cảm xúc về mùa thu, Hà Thi có những câu thơ lục bát, giai điệu mượt mà, kết hợp chọn lọc thi liệu gợi cảm. Trong bức tranh mưa thu có hình ảnh: Mưa, con đường, phố vắng, một dáng vai gầy đi trong mưa với man mác nỗi buồn của tâm trạng riêng. 

“Mưa thu giăng lối đường về/ Lang thang phố vắng tái tê nỗi buồn/ Trời chiều nặng giọt mưa tuôn/Vai gầy ướt lạnh sầu buông giọt sầu”. (Mưa thu) 

Nói đến thơ tình thì không thể bỏ qua thơ tình buồn, là nói đến những dang dở chia xa, dễ chạm đến trái tim người đọc, hay hơn thơ tình vui. Người làm thơ tình buồn đôi khi giãi bày tâm sự của mình, cũng có thể nói hộ lòng người. Cảm xúc từ trái tim nghệ sĩ của thi nhân và góc nhìn tinh tế đi vào thơ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà tạo ra những vần thơ mang sắc điệu trữ tình, lay động. Cấu trúc thơ chặt chẽ, cân xứng hài hòa, tả cảnh ngụ tình ấn tượng. Anh sử dụng các hình ảnh: lá vàng rơi, cuối nẻo, lối mộng,… có thực và có ảo, pha chút tiếc nuối và khắc khoải qua thể thơ bảy chữ tạo nên những vần thơ đẹp, tôi rất thích những vần thơ bảy chữ sau đây của anh.  

“Ta đi nhặt nhạnh lá vàng rơi/ Vá lại hình em đã một thời/ Cuối nẻo không cùng chung lối mộng/ Nên đành... đôi ngả cách đôi nơi”.

Anh là người con của Huế, trưởng thành, học hành và công tác cả một đời gắn bó với Cố đô nên trong thơ anh vẫn luôn hiển hiện dáng Huế, vẻ nên thơ của nét Huế. Những địa danh Huế được anh nhắc đến trong nhiều bài thơ như Trường Tiền, Sông Hương, Bến Văn Lâu. Vườn Phú Mộng,…

“Bến Văn Lâu mờ khuất bóng thuyền con/ Vườn Phú Mộng chẳng còn mùi hương quýt”  (Mãi chờ anh trong mưa)  

Anh thường liên tưởng vẻ đẹp, sự vững bền của cảnh vật để so sánh với tình yêu và hò hẹn. Anh đặt câu hỏi, cũng là phép tu từ, lòng mong cầu, là hi vọng tình yêu ước hẹn cũng đẹp, cũng bền như cảnh vật: 

“Trường Tiền đó! Bao năm vẫn nguyên vẹn/ Sao chúng mình ước hẹn lại hững hờ?”

Khi em không đến thì anh nghe được trong làn gió thổi mơn man, gió không thổi đi nỗi nhớ mà ngược lại nó thổi tràn qua góc nhớ. Một góc nhớ vững vàng, khó lay chuyển. 

“Kể từ ngày ấy /Anh chẳng thấy em sang/ Gió mơn man thổi tràn qua góc nhớ”

Kể từ ngày vắng em, em không đến thì nhân vật chủ thể trữ tình là “ta” cũng “lạc mất hồn thơ”. Em là cảm xúc để cho ta nuôi dưỡng hồn thơ, không có em thì hồn thơ cũng cạn:

“Kể từ ngày ấy. Ta lạc mất hồn thơ/ Niềm cảm xúc hoen mờ từng câu chữ (Kể từ ngày ấy).

 

3.Thơ tình Hà Thi tha thiết, đắm say và lãng mạn!

Thi nhân với tập thơ Dưới nắng thu vàng bằng giọng thơ tâm tình, đằm thắm, với đầy đủ các cung bậc của tình yêu: ngọt ngào lãng mạn và cũng có dang dở chia xa. Có thể trong tình yêu dù nó trọn vẹn đến đâu cũng không tránh khỏi một đôi lần hờn dỗi. Vì vậy anh đã có những câu thơ da diết rung động lòng người:

 “Mắt buồn, chân chao đảo/Ta trở về/ rệu rạo bước cô liêu…/ 

Chim lẻ bạn, bay mãi cuối trời chiều/  Ngoảnh nhìn lại… tình yêu thôi đã hết” (Ngày em đi)

Cái hồn cái cốt trong thơ tình chính là bóng dáng “nàng thơ”. Trong “mộng tưởng” của anh vẫn dành cho em “một khoảng trời riêng”. Trong thơ “anh” (nhân vật chủ thể) có hình ảnh của “em” (nhân vật trữ tình) trong tập thơ. Đó cũng là chất xúc tác để dệt nên những vần thơ tình hấp dẫn lôi cuốn người đọc và chạm đến trái tim người yêu thơ: 

“Em vẫn Nàng Thơ của lòng anh/ Bởi trong mộng tưởng vẫn luôn dành/ Một khoảng trời riêng cho em đó/ Để ghép hình em trong thơ anh” (Chớ trách)

Hình ảnh Nàng Thơ xuyên suốt trong tập thơ tình của tác giả Hà Thi không ai khác chính là người vợ tào khang của anh. 

Cũng là người tình trăm năm, hạnh phúc vẹn toàn trong mái ấm gia đình. Tình cảm của anh, một người chồng tốt và cũng là tình chung thủy, người cha gương mẫu của các con. Ngoài đời, thông qua bạn bè, hay ở trên thơ hiện ra một hình dáng và phẩm chất của chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình rất rõ nét! Trong vần thơ khắc họa hình ảnh người vợ thủy chung, yêu chồng thương con, đảm đang, chịu thương chịu khó, cũng là những phẩm chất đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. 

“Cảm ơn em! Đã mấy chục năm trường/ Luôn chung thủy, thương chồng con trọn vẹn!” (Cảm ơn em)

Quan sát vợ chải tóc, sợi tóc rụng rơi anh cũng xót xa lòng, tóc rơi rụng nói lên tuổi xuân cũng phai theo thời gian, nỗi vất vả bởi những bộn bề cơm áo. Điều đó là người chồng- anh thấu hiểu, là tâm hồn thi sĩ-anh gửi gắm vào thơ.

“Bao năm nặng gánh chồng con/ Thanh xuân đánh mất, phấn son nhạt màu” (Thương tóc rụng rơi) 

Vợ chồng gắn bó keo sơn, mỗi khi xa vắng một đôi ngày thì nỗi nhớ da diết không nguôi như thuở mới yêu. Chứng tỏ một tình yêu anh dành cho người bạn đời thắm thiết, bền chặt và đáng ngưỡng mộ!

 “Xa em..!

Xa chỉ một ngày/ Nhớ sao! Hoài nhớ đong đầy bước chân. (Một ngày xa em)

Nỗi nhớ và niềm khắc khoải chờ mong: 

“Chìm trong nỗi nhớ xiết bao/ Giật mình tỉnh mộng chênh chao giọt tình” (Chờ ai)

 

4. Thơ của Hà Thi không chỉ có chủ đề mùa thu mà còn có bóng dáng mùa đông hay các mùa khác trong năm.

 Khi nói đến mùa đông anh dùng các thi liệu, hình ảnh đặc trưng mùa đông: mây phủ, hàng cây trơ lá, chiều hiu hắt. Tả cảnh ngụ tình nói đến một chiều đông thật buồn khi em đi vắng, anh gửi gắm tâm sự vào bài thơ:

“Trời Đông mây phủ gợi dâng sầu/ Hàng cây trơ lá, chiều hiu hắt

 (Em đi về thôi)

Mùa đông có sự kiện lớn đó là mùa Giáng sinh, anh đã sử dụng những hình ảnh của mùa Noel có Hang đá, có Chúa Ba Ngôi,…có tất cả ý những gì cần thiết nhưng mà lại thiếu vắng em! Vì thế mà thành ra xúc cảm để làm nên bài thơ với rất nhiều cảm xúc.

“Anh về...

            Lỗi hẹn mùa Noel/ Nơi Hang đá không còn em chờ đợi/ Chúa dang tay cả Ba Ngôi vời vợi/ Đón chúng mình...

                    mà em ở nơi nao?” (Lỗi hẹn mùa Noel)

 

5. Thơ Hà thi bắt nguồn từ cảm xúc chân thành. 

Đây là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố cấu thành thơ: cảm xúc, kỹ thuật và ngôn từ. Cảm xúc chân thành dễ rung đọng tim người đọc.

 Anh chọn lọc thi liệu gần gũi thân quen trong cuộc sống được diễn đạt bằng ngôn từ bình dị, dễ hiểu. Các biện pháp nghệ thuật phổ biến là phép tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, và chọn những cặp từ láy tượng hình, tượng thanh biểu cảm.

Anh sáng tác nhiều thể loại thơ phần lớn như lục bát truyền thống, thơ bảy chữ, tám chữ, có bài thơ năm chữ (thể này số ít) giọng điệu tâm tình, chứa chan xúc cảm!

 “Gửi vào gió/Ngàn lời xin lỗi/Thơm vầng trăng, xóa hết nỗi giận hờn”. (Trong cơn say

“Tôi đã yêu em nét Huế thơ/ Một thuở cuồng si đến dại khờ

Yêu làn môi đỏ người con gái/Dáng nhỏ, vai gầy - tuổi mộng mơ”

 (Hai mảnh ghép cuộc đời)

 

 “Tình...đã hết, vẫn còn thương/ Hẹn cùng đối ẩm nơi vườn cố nhân.

Bên nhau

Đoạn cuối đường trần/ Nửa say, nửa tỉnh - một lần rồi thôi”. (Xót tình)

 “Đứng lặng ngắm đất trời/ Lòng chơi vơi khó tả/ Chiều thu nơi biển cả/ Thương thương quá dáng gầy”. (Sóng biển chiều thu

 “Ta trở lại dòng sông thương năm ấy/ Phổ Lợi giang… mà thấy nao nao lòng/ Cũng con đò bên bến nước đục trong/ Mãi neo đậu xuôi dòng như đón đợi.”

 

Tập thơ Dưới Nắng Thu Vàng cho thấy quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, có sự khổ luyện và cũng đầy cảm hứng của tác giả Hà Thi. Rung cảm trước cuộc sống, với tâm hồn yêu đời, người làm thơ gửi gắm cảm xúc qua câu chữ. “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Biêlinxki).

Hiện thực cuộc sống có cả niềm vui và nỗi buồn: khi hân hoan khi bẽ bàng đau khổ, qua sáng tạo sẽ trở thành vẻ đẹp thi ca. Đó là kết quả của sự quan sát tinh tế về cuộc sống và sáng tạo. Ngôn ngữ thơ Hà Thi có tính chân phương, tính nhạc, tính họa và biểu cảm. Thi ca biểu hiện tâm hồn phong phú và trình độ sử dụng ngôn ngữ của người nghệ sĩ.

So với các thể loại văn học khác thì ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc và có tính ước lệ. Làm thơ là thiết lập chữ nghĩa ở trình độ cao nên đòi hỏi có năng lực sáng tạo. Những vần thơ nhiều cảm xúc, nhiều tầng nghĩa và sâu lắng để lại âm ba cho tác phẩm. Tính sáng tạo trong tác phẩm làm nên dấu ấn của tác giả. 

Thi sĩ có tâm hồn đa cảm, có khả năng sử dụng ngôn từ mới làm cho những câu thơ giàu cảm xúc chạm đến trái tim người yêu thơ. Người làm thơ đã biến ngôn ngữ bình dị trong đời sống thành ngôn ngữ thi ca. 

Đặc trưng của ngôn ngữ thi ca là tính hoạ và tính nhạc, là hình tượng, hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh và giai điệu. Ngôn ngữ thơ sử dụng từ láy âm, từ tượng hình giàu âm giai, tiết tấu.Thơ có tính nhạc là biết tận dụng sức biểu cảm của âm ngữ, sử dụng nhịp điệu, âm điệu phù hợp, linh hoạt. Nhạc điệu trong thơ được hình thành bởi các thanh âm bằng - trắc, ngắt nhịp và gieo vần hợp lý. Nhạc tính đi vào thơ từ cảm thụ âm thanh trong cuộc sống của thi sĩ. Tính nhạc, tính họa cũng góp phần lôi cuốn người đọc đến với thơ. Cảm xúc được chuyển tải qua ngôn ngữ thơ, dĩ nhiên có hình ảnh và nhạc điệu phối hợp làm nên vẻ đẹp thi ca. 

Nhìn chung nhờ vẻ đẹp ngôn từ và tính nhạc mà thơ trở nên da diết dư vang trong lòng độc giả. Thơ cũng khiến lòng ta dịu đi trước áp lực của cuộc sống.

Mỗi tập thơ có một vẻ đẹp riêng, sức sống riêng khi thể hiện được những cảm xúc của tác giả và mang lại cảm xúc cho người đọc.

Từ hiện thực cuộc sống đến hình tượng nghệ thuật, qua xúc cảm thăng hoa trong tâm hồn thi nhân gửi vào con chữ, là chuyển tải suy nghĩ, tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan, óc tưởng tượng của người cầm bút. Những vần thơ hay, neo lại trong lòng người đọc sau khi thưởng lãm tập thơ là nhờ cảm xúc chân thành và sáng tạo của người cầm bút. 

Đó cũng là tiêu chí để đánh giá một bài thơ hay. Vì vậy đòi hỏi người nghệ sĩ không ngừng trau dồi năng lực nghệ thuật, bút lực của mình. 

 Tập thơ Dưới nắng thu vàng là tập thơ tình, giọng thơ đằm thắm, ngọt ngào và lãng mạn được kết hợp hài hòa giữa yếu tố trữ tình và yếu tố tự sự. Anh sáng tác được nhiều thể loại thơ, nhưng có lẽ thế mạnh của anh là thơ lục bát và thể thơ bảy chữ. So với các tập thơ trước tôi nhận thấy anh viết ngày càng lên tay. 

Với số lượng 99 bài, có nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tâm đắc, hi vọng đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Đặc biệt có những bài thơ phù hợp với hoàn cảnh, bạn sẽ tìm được tiếng nói tri âm đồng cảm, khi có cùng tâm trạng. Bạn đọc vẫn mong nhà thơ không ngừng sáng tạo, để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm thơ ngày càng cao của bạn đọc.

Từ những cảm hứng trữ tình trong cuộc sống tràn vào thơ một cách tự nhiên. Vẻ đẹp của tập thơ là vẻ đẹp của tâm hồn người cầm bút. Độc giả khám phá tập thơ là đi vào thế giới tâm hồn, vào miền cảm xúc của thi nhân, tiếp cận những cảm xúc sâu lắng mà nhà thơ đã gửi gắm vào tác phẩm. Hãy đón nhận tập thơ, với tâm hồn rộng mở và trái tim ấm áp để tìm thấy tiếng nói tri âm đồng cảm. Phần trích dẫn chỉ là ví dụ, còn nhiều bài thơ hay, câu thơ hay, biểu cảm chờ đợi bạn đọc khám phá! 

 

Sài Gòn, ngày 03/8/2024
Hoàng Thị Bích Hà

  habich1963@gmail.com

 

READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ DƯỚI NẮNG THU VÀNG CỦA TÁC GIẢ HÀ THI - Hoàng Thị Bích Hà