Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 2, 2017

THÁNG GIÊNG VỀ - Thơ Trần Mai Ngân





THÁNG GIÊNG VỀ

Tháng Giêng về ai quên ai nhớ
Dáng em như sương mộng quanh đây
Nhịp cầu xưa nỗi nhớ sum vầy
Tôi thắp nến tháng Giêng mở cửa...

Tháng Giêng về tình tôi ở giữa
Nửa bên nầy nhớ nửa bên kia
Như trăng non khuyết cứ vơi đầy
Thức giấc rồi mộng chữa thật say!

Tháng Giêng về ôm tình hai tay
Ghì xiết chặt xin đừng xa nữa
Để chúng ta mãi là đôi lứa
Của ông bà nguyệt lão se tơ

Tháng Giêng về đẹp một bài thơ 
Mà chỉ có em, tôi là chính
Như hoa bướm dập dờn luýnh quýnh
Tháng Giêng tình là cặp môi ngon

Và đôi ta như thể vẫn còn
Còn thương nhớ dìu nhau cõi mộng!

                            Trần Mai Ngân

READ MORE - THÁNG GIÊNG VỀ - Thơ Trần Mai Ngân

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



          Tác giả Chu Vương Miện


ĐOẢN CÚ

lọt lòng đã khổ rồi
cùng một dòng sông
bên lở bên bồi
cùng một kiếp ngườì
kẻ ăn cơm
ngươì ăn xôi 

Năm cùng và tháng tận
Kiếp trâu bò lao đao
kiếp con người lận đận
ở tù bao nhiêu năm
ở lính bấy nhiêu năm
bèo dạt sáng trôi xuôi
buổi chiều thì về ngược
lê lết ven dòng đời

Ôi tháng tận năm cùng
hết mùa thì tới tết
quanh năm thì thiếu ăn
bốn muà thì lũ lụt
Ôi làm cái kiếp người

Sao mà càng thấm mệt ?

2. 5 CHỮ

Trăm năm là mấy chốc
kỷ này qua kỷ kia
mãi mãi là nô lệ
nhỏm lại chả ra gì ?
vẫn chỉ nhai cục cháy
vẫn canh cặn cơm thừa
vẫn chỉ thằng đầy tớ
muôn đời kiếp làm thuê
đầu luôn luôn cúi xuống
cúc cung chả ích gì 


Ngườì nằm bên góc chợ
ngửa mặt nhìn đất trời
đất nghe chừng lành lạnh
trời mù tối thiu thiu
miếng ăn là miếng nhục
kéo mãi đủ muôn thời
trăm năm nghèo xơ xác
thương tổ quốc giớng nòi
đứng nơi xa mà khóc
chốn nào ? quê hương tôi ?


2.7 CHỮ

Trăm năm ừ vẫn cứ trăm năm
luẩn quẩn loanh quanh một chỗ nằm
có kẻ an vui  trong ván cũ
có kẻ phong trần ngủ dưới sân
có kẻ lang bang nơi nền gạch
không chiếu không mền trơ tấm thân
xuân tết lù lù sao vẫn dến
mà sao vũ trụ cứ xoay vần
kẻ mạt sao cứ nghèo mãi mãi
góc đường nơi tứ có vô thân
hờn thiêng sông núi nào ? đâu nhỉ ?
thảm thương số phận kẻ khốn cùng ?


Xuân đến xuân đi, đi lại đến
Xuân đi xuân đến, đến lại đi
Một năm cứ đủ mười hai tháng
cứ đến và đi trọn chu kỳ
ai nghèo ai khó xuân không biết ?
ai buồn ai khổ ? tết cứ đi
bốn muà cứ vậy đi cùng đến
Mau chậm cầu mong chả ích gì ?
bốn muà xuân hạ thu đông đó
Gió thổi căm căm dạ như chì
Tết đến khắp nơi toàn lũ lụt
ngồi nhìn gia sản nước tuôn đi


 LỤC BÁT

đoạn trường rồi lại dời trường
cũng toàn vân cẩu vô thường đó thôi
phù danh bám mãi kiếp người
u minh bào ảnh dãi hoài ánh trăng
đêm đêm vọng tiếng ca cầm
tiếng tơ tiếng trúc khóc thầm đời nhau
đoạn trường ruột đứt càng đau
dồi trường nhai mãi càng rầu xót xa ?

kiếp sau xin chớ ngợm người
làm chim bìm bịp cuối trời mà bay
thế gian lộn với thế ngay
ban đêm rời lại ban ngày ban trưa
hết dưa rời lại tới dừa
hết trâu rồi lại qua lừa hỡi ơi
kiếp sau xin chớ ngợm người
thà làm tảng đá ven đồi trồng thông
vô tri lộn với vô thường
vô tâm vô ngã đôi đường đôi nơi
lờ mờ bụị cát mù khơi
lênh đênh phù ảnh lạc loài phù sa

                       Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

TỰ SỰ ĐẦU NĂM! - Thơ Châu Thanh Thủy



                            Tác giả Châu Thanh Thủy


TỰ SỰ ĐẦU NĂM!

Năm mới vẫn buồn như cỏ
Phiêu du cơn gió gọi về
Áng mây xa hoài nỗi nhớ
Theo người mãi tận sơn khê!

Trôi đi rồi bao kỉ niệm
Tim ta tựa nắm tro tàn
Năm nay ai còn tìm đến
Đường xưa với mảnh trăng tan...

              Châu Thanh Thủy
READ MORE - TỰ SỰ ĐẦU NĂM! - Thơ Châu Thanh Thủy

NHỚ NGƯỜI DƯNG - thơ Trần Văn Hạng


Ảnh tác giả


NHỚ NGƯỜI DƯNG

Hằng đêm lòng thao thức
Xao xuyến nhớ người dưng
Nhỏ to lời tâm sự
Chia sẻ những buồn vui

Nhớ lúc gặp lại nhau
Thoáng một chút ngỡ ngàng
Lời nói yêu khe khẽ
"Mừng anh trai xa về"

Mỗi sớm mai thức dậy
Bâng khuâng nhớ người dưng
Gởi lời chào buổi sáng
Chúc ngày mới an lành

Nghe lại lời thỏ thẻ
Lòng tràn ngập yêu thương
Niềm vui nào hơn thế
Ôi! Hạnh phúc đời thường.

Trần Văn Hạng


READ MORE - NHỚ NGƯỜI DƯNG - thơ Trần Văn Hạng

NHÀ THƠ LỤC DU - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ


       
          Nhà thơ Nguyễn Ngọc Kiên



             NHÀ THƠ LỤC DU

                          Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ 

Lục Du (陸游, 1125-1209) tự là Vụ Quan (務観), hiệu Phóng Ông (放翁), người Sơn Âm, Việt Châu (nay thuộc Nhạn Môn Đạo, tỉnh Sơn Tây), thời Nam Tống ông đã làm quan Tri châu, Tri phủ, còn làm quan Quốc sử biên tu, ông là một vị thi nhân ái quốc. Sống vào thời kỳ hai hai triều Tống Kim đánh nhau, Lục Du trở thành một người rất trăn trở vì mất nước. Khi đó người Nữ Chân (vương triều Kim) đã đánh chiếm xuống phía nam, đất nước chia 5 xẻ 7, dân tình ly tán loạn lạc. Ông đã từng vào đất Nam Trịnh (Tứ Xuyên hiện nay) theo phong trào chống Kim, đã từng mặc giáp cưỡi ngựa vượt qua sông Vị cùng những toán kỵ mã yêu nước, ban đêm đột kích quân Kim nhiều lần. Ông có “Kiếm nam từ chuyên tập” lưu truyền đến nay.
Thời tuổi trẻ ông đã bị một bi kịch về chuyện hôn nhân. Năm 20 tuổi ông kết hôn với người em cô cậu tên Đường Uyển (唐婉). Mẹ Lục Du không thích Đường Uyển và cũng không tán thành cuộc hôn nhân này, đã cưỡng ép họ li hôn. Đường Uyển đã đi tái giá với người khác và Lục Du thì cũng lấy vợ khác. Mười năm sau hai người gặp lại nhau ở Thẩm Viên (沈園) Lục Du viết lên tường một bài từ rất bi phẫn là “Thoa đầu phượng” (釵頭鳳). Không lâu sau, Đường Uyển chết, Lục Du vẫn còn lưu luyến mãi, viết bài thơ tình nổi tiếng “Thẩm viên” (沈園) được truyền tụng đến ngày nay. Chúng tôi xin giới thiệu hai bài “Thẩm viên” về mối tình bất hủ này và bài “Quán viên” của Lục Du.

沈園 其一


Phiên âm:

THẨM VIÊN KÌ 1

Thành thượng tà dương hoạ giốc ai,
Thẩm viên phi phục cựu trì đài.
Thương tâm kiều hạ xuân ba lục,
Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai.

Dịch nghĩa:
VƯỜN THẨM (Bài1)
Đầu thành, mặt trời xế bóng, tiếng tù và rầu rĩ.
 Vườn Thẩm lúc này đài ao không được như xưa.
Đau lòng nhìn những con sóng xanh mùa xuân vỗ chân cầu.
Nơi này đã bao lần bóng hồng in đáy nước.

Dịch thơ:
V Ư Ờ N T H Ẩ M (Bài 1)
Bóng xế thành hôm tiếng ốc đưa,
Đài, ao vườn Thẩm chẳng như xưa
Đau lòng nhìn sóng xuân xanh vỗ,
Cầu nọ, bóng hồng mấy độ qua

沈園 其二


Phiên âm:

THẨM VIÊN KÌ 2

Mộng đoạn hương tiêu tứ thập niên,
Thẩm viên liễu lão bất xuy miên.
Thử thân hành tác kê sơn thổ,
Do điếu di tung nhất huyễn nhiên.

VƯỜN THẨM (Bài 2)
Mộng đứt hương tan đã bốn mươi năm.
Cây liễu già trong vườn Thẩm không còn giăng tơ nữa.
Thân này dẫu mai sau phải chôn vùi ở đất Cối Kê
thì vẫn còn nhỏ lệ thương viếng dấu người xưa.

Dịch thơ:

VƯỜN THẨM (Bài 2)
Mộng đứt hương tan bốn chục năm,
Liễu già vườn Thẩm hết tơ giăng.
Kê Sơn dẫu có vùi thân xác
Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu nàng!

灌園


Phiên âm:

QUÁN VIÊN

Thiếu huề nhất kiếm hành thiên hạ,
Vãn lạc không thôn học quán viên.
Giao cựu điêu linh thân lão bệnh,
Luân khuân can đảm dữ thuỳ luân (luận)?

Dịch nghĩa:

TƯỚI VƯỜN

Lúc trẻ đeo gươm đi khắp thiên hạ
Khi có tuổi về xóm vắng học tưới vườn
Bạn cũ tàn rụng thân mình già yếu
Tâm sự uẩn khúc biết bàn cùng ai

Dịch thơ:
TƯỚI VƯỜN

Lúc trẻ đeo gươm khắp bốn trời
Già về xóm học tưới vườn thôi
Bạn xưa tàn rụng, thân già yếu
Nỗi lòng u uẩn tỏ cùng ai.

READ MORE - NHÀ THƠ LỤC DU - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

KÌ TÍCH - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.

Ảnh tác giả

 KÌ TÍCH
Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.

Đôi khi quá khứ khiến con người ta khó quên được, nó giống như một chiều mưa vội, rơi đẫm ướt áo thiên thanh, cơn mưa ấy dịu ngọt mát lành nên người ta muốn đắm chìm trong nó mãi. Thuở bé là cái nôi kí ức khiến con người dường như chẳng muốn quên, vì nó thánh thiện và sáng trong quá đỗi, và cũng bởi lẽ, khi người ta dần lớn lên, dẫu có mãi muốn trong trắng, thơ ngây thì chính trong bản thân, hiện tại đã tôi luyện biến tất cả thành những sự dày dạn trong cuộc sống. Chung quy lại, khi con người ta lớn lên, được dịp va chạm với cuộc đời rồi, họ sẽ dần nhận ra, những phép màu mà thời bé hằng ao ước, mãi chỉ là những điều chỉ có trong truyện cổ tích, còn họ - cứ theo bước nhảy của thời gian mà dần lớn lên, gương mặt in hằn những vết bụi phong trần. Mà dù- dẫu rất muốn xóa mờ đi- cũng không cách chi được.
Thời bé thơ của tôi gắn với những tháng năm bên ngoại. Nhà ngoại tôi đông người, nên con cháu cũng đông, hầu như anh chị em họ của chúng tôi cứ lần lượt chênh nhau chỉ 1-2 tuổi, mà sàng sàng tuổi nhau thì thường dễ chơi. Lớn nhất bọn khi ấy là chị Phương, con dì cả, rồi tới tôi, và 2 đứa em con dì sau, chúng tôi thường đi với nhau hơn là cùng những đứa em còn lại. Khỏi phải nói tôi thần tượng chị lắm, dẫu chị chỉ lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng lúc nào chị cũng tỏ ra chững chạc, có lẽ vì chị là con trưởng của cả một họ nên lúc nào cũng phải tỏ ra chỉn chu trong những dịp lễ lạt, lâu dần thành quen, hay cũng có thể bởi đơn giản, chị là chị cả của cả một đám em họ lít nhít lúc nào cũng chờ mong được bấu víu.
Tôi còn nhớ những năm tôi lên tám, chúng tôi hay cùng nhau đi trên triền cát trắng để tới chỗ ngoại chăn bò. Khi ấy ngoại chăn bò xa nhà lắm, cả đám tay dìu, tay dắt lại hăng hái nhận việc đem cơm cho ngoại nên dẫu xa cách mấy cũng có cái vui. Triền cát ấy trắng một màu tinh khiết, mỗi lần đi ngang chúng tôi hay mang theo những lọ thủy tinh bỏ cát vào, nhìn chúng lấp lánh dưới nắng trông rất thích. Nhưng cái gì ban đầu cũng thật thích, trẻ nhỏ mà, hay hào hứng với những niềm vui mới, nhưng cũng sẽ dễ quên đi ngay khi bắt đầu thấm mệt. Ở chúng, đôi khi thiếu đi sự kiên nhẫn của những người trưởng thành. Thằng Bo ngồi phịch lẫy khóc, tôi cũng chực ấm ức, chị dừng lại nghiêm nghị nhìn 2 đứa:
-Nếu hai đứa không đi nữa thì cứ ngồi lì ở đó đi. Thà đi tiếp cho tới khi không thể, ít ra người ta còn thấy mình cố gắng! Còn hơn là mới bắt đầu, thấy nản mà ngừng!
Nghe chị có phần bực dọc ấy thế mà chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Cứ mỗi khi chúng tôi định dừng lại, thì những lần sau chị sẽ dìu chúng tôi đi chứ không nghiêm khắc như lần đầu tiên nữa. Tuổi thơ của tôi là bên chị, bên những lần tắm mát bên bờ sông được cậu tôi cõng ra dưới chân cầu mà tắm. Cậu chăn vịt dưới chân cầu, nên nhiều khi chúng tôi ra chỗ cậu lấy trứng, lại đòi cậu cõng ra giữa sông tắm và thể nào cậu cũng sẽ chiều những đứa cháu của mình. Có khi, cậu quấn quanh chúng tôi toàn đám lục bình rồi cười ngặt nghẽo, chúng tôi bực quá té nước ướt hết người cậu. Tôi còn nhớ cái hôm tôi muốn “chứng tỏ” mình, mang cả rổ trứng khệ nệ rồi làm vỡ tung tóe vì quá nặng, tôi chực khóc chẳng hiểu sao chị đứng gần đó lại khóc to hơn. Hỏi ra mới biết : “ Thấy em khóc, sợ em bị ngoại mắng quá nên khóc theo…”. Lần mà chị khóc nhiều nhất suốt cả thời thơ bé có lẽ là cái lần chị dẫn chúng tôi đi chèo thuyền nhưng rồi chẳng may con thuyền bị lật, ai cũng uống nước no cả bụng. Cả đám ai cũng biết bơi, nhưng chẳng hiểu vì gì chị lại khóc ngon lành cứ ôm từng đứa em mà xuýt xoa, mà khóc.
Thế rồi thời gian tháng năm thoi đưa, chị đi lấy chồng. Cái ngày chị đi lấy chồng tôi khóc như mưa. Chị lấy chồng theo chồng về miền xứ lạnh, tháng năm thoi đưa, thuyền quyên nổi trôi biết rồi sẽ về đâu. Bàn tay tôi muốn níu chị ở lại, nhưng môi thì ngập ngừng không ra thành tiếng. Người ta bảo yêu thương cũng tràn đầy ích kỉ lắm chứ, tôi còn nhớ khi ấy tôi còn khóc nhiều hơn cả mẹ chị làm những đứa em bỗng chốc khóc theo, làm chị tay quệt nước mắt phì cười : “ Gớm, chị lấy chồng mà mấy đứa khóc dữ thế. Bộ chị đi mừng tới thế à”. Chị lấy chồng sớm, mười tám đã lên xe hoa, âu cũng là an yên cho một kiếp người. Còn tôi, sau ngày đó, mỗi khi nhớ về chị, nước mắt tôi cũng thôi rơi, thôi rơi không phải ngừng yêu thương, ngừng nhớ nhung về chị mà tôi đã cất giữ chị trong một nơi nào đó đặc biệt trong trái tim.
Rồi bẵng đi thêm cả chục năm, tôi lấy chồng. Đám cưới tôi, chị ở xa quá nên không về. Mà qua thời gian, nhiều người nhiều thứ khác thay thế chị trong cuộc đời tôi khiến lúc ấy, đối với tôi việc có chị hay không đã không còn trở nên quan trọng. Thế nhưng vài ngày sau, chị lại ôm con về. Chị vẫn như ngày đó, ánh mắt và nụ cười rất hiền, có chăng, đó là ánh mắt của một người đàn bà trưởng thành qua nhiều nỗi đau và mất mát. Tôi tuy đã theo chồng nhưng dường như còn giữ trong mình một điều gì đó trẻ con, tôi đã rất muốn ôm lấy chị, hồi ức lại tất cả những gì đã qua, nhưng rồi khựng lại, chị dường như thuộc về nơi nào xa lắm, không còn của ngày xưa. Một thời gian sau tôi và chị cũng ít qua lại. Nghe đâu, chị bỏ chồng, dẫn con về với mẹ. Hàng xóm điều tiếng dị nghị làm lúc ấy tôi thương chị lắm. Có bận, đêm sáng trăng, tôi đánh bạo qua nói chuyện với chị.
-Chúng ta đã bên nhau bao lâu rồi em nhớ không? Đột nhiên chị hỏi. Rồi chị tiếp: Có lẽ đó là cái duyên em nhỉ?
Tôi không nói gì. Tôi có rất nhiều anh chị em, nhưng chị là người mà tôi yêu thương nhất, chỉ có chị là người tôi cất giấu thật sâu trong bờ tim, và dù chị đi đến đâu tôi cũng cứ muốn níu giữ chị mãi trong trái tim tôi, như một vết thật sâu để ngày nào tôi cũng được nhìn thấy chị.
-Sắp tới chị sẽ vào nam.
-Chị, chị đi làm gì? Ở đây đang tốt mà!
-Tốt hả em?- Chị hỏi rồi nhìn tôi cười, trong điệu cười, ai đó gieo lên tiếng đàn cay đắng, có lẽ chị mệt mỏi khi không chịu được điều tiếng của xung quanh.
Tự nhiên tôi bật ra:
-Thà đi tiếp cho tới khi không thể, ít ra người ta còn thấy mình cố gắng! Còn hơn là mới bắt đầu, thấy nản mà ngừng!
Làm chị phì cười xoa đầu tôi. “Bé con của chị nay lớn rồi đấy”. Rồi chị đứng dậy vào trong nhà, chỉ còn lại tôi với ánh trăng. Tôi muốn nói với chị, hãy cố gắng nhưng nước mắt rơi đầy miệng cay đắng. Nghĩ thế nào, tôi chạy vội vào nhà :” Chị à, luôn có kì tích xuất hiện mà chị, hạnh phúc sẽ đến với chị thôi.” Chị ôm tôi vào lòng, đó không còn là vòng ôm của những đứa trẻ như những người bạn thơ bé, đó là cái ôm ngọt đầy nước mắt của những người đàn bà. Tôi nũng nịu :” Chị ở lại bên em đi, đừng bao giờ đi xa quá. Em chưa bao giờ xin ai nhưng em xin chị đấy, đừng xa quá để em được ở bên và yêu thương chị…”. Chị cười : “ Um, biết đâu sẽ có kì tích nhỉ?”.
Những tháng ngày qua đi, nhà chúng tôi sát nhau, chồng tôi- anh cũng rất thương chị nên lúc nào chúng tôi cũng qua nhà nhau ăn cơm chung. Thế nhưng một lần khi tôi vag chị cùng giặt đồ ở mé sông, có tiếng những mụ chợ ngồi nói chuyện với nhau:
-Nghe đâu giờ nó dẫn con về riết ở nhà mẹ!
-Gớm, lấy chồng sớm thế, gấp thế chẳng lại có chuyện, vợ chồng trẻ con chịu được từng ấy năm là kì tích khiếp rồi bà ạ!
-Hoặc giả gái không nên nết nên bỏ nhà chồng cũng chả tìm.
Tôi và chị cùng im lặng. Hôm sau chị đi. Tôi không giữ chị lại, chị dắt theo đứa
Nhỏ vào nam như chị nói. Tôi không giữ chị cũng không khóc như ngày chị đi 10 năm về trước. Đôi khi, tôi nhớ chị, tôi muốn hỏi chị, chị à, chị có biết như thế nào là yêu thương không? Đôi khi, tôi lại muốn hỏi chị có còn thương tôi không? Yêu thương là gì? Là dù bao tháng năm có trôi qua, tôi vẫn ở đây chờ chị và giành cho chị tình yêu thương mãi như thuở bé. Và có nhiều đêm khi thảng thốt mơ lại giấc mơ xưa, nước mắt tôi rơi đắng chát, tôi muốn khuyên chị hãy cứ điềm nhiên mà sống đi, nhưng ánh mắt chị lúc sau cuối ấy làm lòng tôi đắng chát nó như muốn nói với tôi : “ Kì tích ư? Nó không có đâu em!”. Bởi thế, tôi câm lặng.

LHHT.


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ: Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
phongtruongtu201@gmail.com






READ MORE - KÌ TÍCH - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.

NGÀY ĐẦU NĂM - thơ Phạm Hòa Việt


Ảnh tác giả



NGÀY ĐẦU NĂM

Ngày đầu năm nghe hát nhạc Hàn
Mà lòng nằng nặng bước thời gian
Nắng mai chưa khuất tầng mây trắng
Như đã xa xăm bóng dáng nàng

Ngày đầu năm chậm bước sang trang
Hoa chưa đua sắc đỏ xanh vàng
Pháo không dục dã nàng xuân đến
Em cũng không về áo tím mang...

Lặng lẽ năm qua nặng nổi lòng
Xa rồi biển đục đã khơi trong?
Cỏ cây thay lá
đồng không quạnh
Hơi thở em nồng ngọn gió đông...

Chiều nay nghe lại dòng thơ cũ
Và tiếng hát "Về đây nghe em"
Nhớ bạn thân thương Trần Quang Lộc
Nhớ Võ Văn Hoa thuở vén rèm...

Phạm Hòa Việt


READ MORE - NGÀY ĐẦU NĂM - thơ Phạm Hòa Việt

VỌNG NHỚ NHỮNG PHƯƠNG TRỜI - thơ Trường Hải Lê Văn Đông


Ảnh tác giả


VỌNG NHỚ NHỮNG PHƯƠNG TRỜI
  (Kính tặng QV và các CCB trở về sau cuộc chiến)

 Những người lính đã rời quân ngũ
 Hơn ba mươi năm về với quê hương
 Vẫn thổn thức tâm can về một thời máu lửa
 Vọng nhớ ngày đêm tới những phương trời.
 Nhìn dải Trường Sơn nhớ cung đường hành quân gian khổ,
 Màu xanh lá cây nhớ áo lính giãi dầu.
 Gặp địa danh trên bản đồ nhớ thương đồng đội,
 Gửi lại tuổi thanh xuân nơi đầu thác cuối ghềnh.
 Mùa bão tố nhớ con tàu Hải quân vượt sóng
 Một đêm đông ra khơi va đá ngầm chìm đắm đại dương.
 Một trăm sáu mươi sĩ quan và lính trẻ,
 Giữa trùng khơi tối tăm, lạnh lẽo biết còn ai ?
 Anh là một trong những người còn sống sót              
 Trôi dạt vào đất liền Vũng Tàu, Phan Thiết, Cà Mau.
 Những ngư dân nhân hậu, hiền lành đã cứu các anh
 Hơi cháo nóng, tấm lưới cứu sống các  anh                            
 Sau mấy ngày đêm lênh đênh đói lả,
 Các anh được sinh ra lần thứ hai từ những người dân. 
 Các anh trở về quê hương lòng mang nặng ân tình.
 Thương đồng đội mãi ra đi vào lòng biển
 Cùng Lạc Long Quân và 50 con canh giữ trùng khơi.
 Ra đi từ thuở sơ khai lập nước vẫn chưa về.
 Người lính già hôm nay đêm ngày vọng nhớ :
 Phương ấy quê cha, đất Tổ sinh thành,
 Phương ấy là nơi đồng đội vĩnh hằng ở lại,
 Phương ấy ân nhân bên bờ biển cứu mình,
 Phương ấy là thân nhân đồng đội nuôi niềm hy vọng
 Mong có ngày các anh sẽ trở về từ một chốn đảo xa.
 Như Rô- bin- xơn mấy năm lạc vào hoang đảo.
 Người lính già hôm nay trầm tư
 Ước muốn có phép màu kỳ diệu
 Ngày đêm anh vọng nhớ những phương trời.

 Đỉnh Sơn, 31 / 12 / 2016

 Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - VỌNG NHỚ NHỮNG PHƯƠNG TRỜI - thơ Trường Hải Lê Văn Đông