VỀ HUẾ
Thơ: Phạm Bá nhơn - Nhạc: Võ Công Diên - Ca sĩ: Bảo Yến
Dân tộc ta vốn rất yêu thơ. Ngay từ thời xa xưa bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…đã có không ít những nhà thơ “không chuyên” - các hoàng đế, các thiền sư, các võ tướng đã góp phần làm cho nền thơ dân tộc thêm đa dạng về chủng loại và lộng lẫy sắc hương.
Ngày nay truyền thống tốt đẹp ấy đã được tiếp nối một cách tự nhiên và sôi nổi, dồi dào hơn trước. Nói là “đẹp”, vì suy cho cùng nếu một dân tộc có nhiều nhà thơ, e rằng dân sẽ dễ bị đói, nhưng nếu có rất nhiều người yêu thơ, cuộc sống tinh thần của dân tộc ấy sẽ trong sáng, hướng thiện, không bị văn minh vật chất với lối sống thực dụng tầm thường lũng đoạn. Nhà doanh nghiệp Phạm Bá Nhơn thuộc lực lượng "không chuyên" ấy và tập Nguồn cội mà quí bạn đọc đang có trên tay là thi phẩm thứ hai của anh.
Bị chìm trong guồng quay đến chóng mặt của công việc kinh doanh xây dựng, anh vẫn tỉnh táo để cố thu xếp cho mình những phút giây nhàn rỗi hiếm hoi. Những đêm khuya "khi tỉnh mộng lúc tàn canh", những lúc dong duổi trên đường thiên lý hoặc trên tầng cao của mây trời, để thả hồn vào mảnh vườn thơ tĩnh lặng của riêng mình. Trước khi đứa con tinh thần của Phạm Bá Nhơn có được những người tri kỉ, anh muốn qua thơ để có thể thầm thì tâm sự với chính mình.
100 bài thơ, dài nhất cũng chỉ 9 khổ 36 câu thơ (Nỗi niềm xa xứ), ngắn nhất là chùm 7 bài tứ tuyệt (Vô đề, Ngẫm, Nghĩa tình vô tận, Với mình, Với đời, Sự đời, Đạo nghiệp); thể thơ khá quen thuộc (năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát); chữ nghĩa chân phương (đôi khi chưa được gia công trau chuốt); hình ảnh gần gũi (cũng có lúc bị trùng lặp); nhưng điều đáng trân trọng ghi nhận từ tập này là sự chân thành - tâm trạng chân thành, cảm xúc chân thành. Cũng có lúc anh suy tư và có thể cũng khiến ai đó trong chúng ta có sự thông cảm, thậm chí đồng cảm:
Trăm năm trong cõi siêu hình
Dường như có chút vô tình đã qua
Cũng là một kiếp người ta
Mà sao tìm mãi chưa là của nhau
(Vô đề)
Nhưng thế mạnh của thơ anh là ở chỗ khác: anh thể hiện khá hồn nhiên những tình cảm thấm đẫm chất nhân văn vốn đã thường xuyên đi về trong thơ ca của muôn đời và mọi nơi, nhưng vẫn có chút gì đấy, sắc thái nào đấy của riêng Phạm Bá Nhơn. Ngẫm về hạnh phúc “ngày thơ còn mẹ” và ngược lại, hạnh phúc của người mẹ khi có con thơ trong vòng tay yêu thương, anh có những câu thơ đẹp”
Mỗi ngày có mẹ một ngày xuân
Nhìn con khôn lớn cùng năm tháng
Quên hết gian lao, mẹ tảo tần
(Ngày thơ còn mẹ)
Do đặc trưng nghề nghiệp, Phạm Bá Nhơn đến với nhiều vùng miền khác nhau của đất nước. Và thật là thú vị, ở nhiều nơi sau những toan tính bàn soạn lạnh lùng về công việc, anh vẫn kịp "chớp" lấy những nét độc đáo của đất trời và con người các nơi đó. Anh có những cảm xúc tinh tế về Thanh Hoá (Mơ về xứ Thanh), Nha Trang (Nha Trang ngày trở lại), Vũng Tàu (Vũng Tàu ngày em đến v.v…) Anh lắng lòng lại, say đắm và tha thiết hơn, với Thủ Đô (Hà Nội trong tôi, Thăng Long Hà Nội ngàn năm, cũng như với Cố Đô (Về Huế, Huế vào xuân, Hẹn cùng với Huế). Thế nhưng dù thành đạt nhưng Phạm Bá Nhơn vẫn khắc khoải, da diết nhớ và nghĩ về quê nghèo Quảng Trị của mình (Hẹn về Quảng Trị, Nỗi niềm xa xứ, Bến sông xưa, Tôi về quê tôi, v.v…). Ngẫm ra trong cuộc sống vừa đa dạng phong phú vừa xô bồ phức tạp hôm nay, có thể tin được những con người không "vong bản", những người mà chỉ cần nhắc đến một bến sông, một bãi cát, một đồi sim, một con đò của nơi chôn nhau cắt rốn cũng khiến mình xốn xang, thao thức. Phạm Bá Nhơn có được nét son đó trong tâm hồn. Vì thế, anh có những câu thơ rất gợi. Và đây là một:
Đêm Gio Linh, trùm chăn trời mưa lạnh
Bến Hải buồn, hoang vắng bãi bồi xa
Thời khói lửa, đất nghèo chia đôi nửa
Thương mẹ cha lặn lội chốn quê nhà
(Hẹn về Quảng Trị )
Nhà thơ Phạm Bá Nhơn
Cũng như những người làm thơ khác, Phạm Bá Nhơn tìm cảm hứng thơ từ dòng suối mát trong lành của tình yêu nam nữ. Anh không quên những rung động thuở học trò (Thuở mộng mơ). Anh nhớ lại mối tình đầu trong sáng (Ngọn gió tình em). Anh “bực mình” với sự hồn nhiên đến mức thiếu trách nhiệm của một người bạn tình nào đấy (Lỡ hẹn). Và anh có cả những vấn vương khá duyên dáng với mối tình đơn phương, âm thầm nín lặng:
Chỉ là hai kẻ người dưng
Sao ta vẫn nhớ, vẫn mừng, vẫn thương
Ước chi mình ở chung đường
Để khi ta nhớ ta thường ghé thăm
Ước chi ngay cửa em nằm
Ta là chiếc bóng trăng rằm soi qua
Nhưng mà em của người ta
Nên chi mình chẳng phải là của nhau
(Lời ước vu vơ)
Đúng là lời ước vu vơ, nhưng thật dễ thương, dễ cảm. Và sự tỉnh táo của hai câu kết cũng khiến ta hiểu thêm nhân cách của người làm thơ.
Như trên đã nói, Phạm Bá Nhơn không phải và không định sống bằng thơ, nhưng cho đến nay (vì ai dám vội vã đoán định tương lai?) anh như muốn luôn được sống với thơ. Có lẽ để tạo “sự cân bằng sinh thái” cho con người làm doanh nghiệp, anh tìm đến sự trong lành, thanh khiết của bầu khí quyển thơ?
Dù gì lý do gì, chúng ta cũng mến và trân trọng đón nhận những sản phẩm tinh thần của Phạm Bá Nhơn, mà Nguồn Cội* là mới nhất. Có lẽ tôi đã dài lời, xin quý bạn đọc hãy trực tiếp lắng nghe tiếng lòng của anh qua các trang thơ.
PGS.TS TRẦN HỮU TÁ
*Phạm Bá Nhơn, Nguồn Cội, Thơ, NXB Văn Học, 2010
MỜI CÁC BẠN TIẾP TỤC VÀO XEM HAI TẬP THƠ KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG VÀ NGUỒN CỘI CỦA PHẠM BÁ NHƠN BẰNG CÁCH BẤM VÀO ĐÂY