Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 28, 2010

HỒ SĨ BÌNH - HỘI AN: ĐỜI SỐNG MỸ THUẬT SA SÚT

Ảnh: Nguyễn Khắc Phước


Từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hội An với những nét đẹp văn hóa truyền thống đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, cũng từ đó phố cổ hình thành một thị trường mỹ thuật sôi động.

Nhiều họa sĩ đã về đây sống và vẽ hoặc mở gallery. Rảo bước trên các ngả đường giữa lòng phố cổ, có thể thấy hàng trăm gallery lớn nhỏ, cá nhân và tập thể; tác phẩm mỹ thuật đích thực không thiếu mà tranh du lịch cũng vô số… Bên cạnh các triển lãm hội họa, còn có nhiều dịch vụ mỹ thuật như vẽ chân dung, truyền thần, chép tranh… và có nhiều người đã thực sự đổi đời nhờ những hoạt động này.

Những tháng gần đây, khi kinh tế thế giới suy thoái, lượng khách du lịch nước ngoài giảm đáng kể thì hoạt động mỹ thuật của Hội An cũng trải qua thời kỳ đầy khó khăn. Tuy nhiên, ngoài sự suy giảm khách du lịch nước ngoài, vẫn còn những lý do khiến hoạt động mỹ thuật ở Hội An lâm vào cảnh chợ chiều.

Phố cổ Hội An với vẻ đẹp đặc trưng ẩn chứa trong những phố phường có bề dày lịch sử, trong một không gian kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những con đường nhỏ và những ngõ hẹp lô xô mái ngói rêu phong, cùng nếp sống xưa cũ của một cảng thị còn được lưu giữ nguyên vẹn, từng là nơi các họa sĩ nổi tiếng về sống và vẽ, có thể kể: Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Vũ Giáng Hương, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Thành Chương…

Đặc biệt, cố họa sĩ Lưu Công Nhân từng ở lại đây một thời gian dài để vẽ; ông mê đắm đến độ chiều ba mươi tết vẫn còn đứng vẽ phố rêu. Ông từng nói: “Ở Hội An ngồi đâu cũng vẽ được tranh, đứng đâu cũng nhìn ra góc đẹp…”. Toàn bộ đô thị cổ này là một bức tranh dưới mắt Lưu Công Nhân. Không phải vô cớ mà Hội An trở thành nơi chốn của tranh. Mối duyên giữa hội họa và phố cổ phát triển sau này có lẽ cũng bắt đầu từ tình yêu của giới mỹ thuật cả nước dành cho Hội An vậy.

Khi Hội An trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động và dịch vụ mỹ thuật thì không chỉ giới họa sĩ chuyên nghiệp mà ngay cả những người chưa từng học vỡ lòng về hội họa cũng nhảy vào kiếm ăn. Không đâu như Hội An: một khu phố nhỏ loanh quanh vài bước chân đã về chốn cũ mà có đến mấy chục gallery bán tranh và các sản phẩm ăn theo, giá cả cỡ nào cũng có. Tranh chép, tranh nhái tác phẩm của những tác giả nổi tiếng xuất hiện khắp nơi; thợ vẽ, nghệ nhân phút chốc biến thành nghệ sĩ!

Hội An trở thành một thị trường tranh sôi động nhất miền Trung với tất cả mặt tích cực và tiêu cực của nó. Một số họa sĩ như Hoàng Đăng Nhuận, Phan Ngọc Minh, Hoàng Đặng, Bùi Công Khánh… lặng lẽ rút lui nhưng cũng có những người khác đến như Từ Duy (gallery Lá Gai), Vĩnh Phong (gallery Ngói Nâu và Làng) hay hai anh em song sinh Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải…

Trở lại Hội An những ngày này mới thấy đời sống mỹ thuật phố cổ sa sút thật rõ nét: số lượng phòng tranh, gallery còn tồn tại không bằng một nửa ngày trước, người mua cũng vắng vẻ, thưa thớt. Nói về tình trạng này, họa sĩ Huỳnh Thị Nhung cho biết: du khách nước ngoài không chỉ giảm hẳn mà họ cũng không còn mặn mà với tranh pháo như trước đây nữa trong khi đó thì giá thuê mặt bằng và tiền lương cho nhân viên không giảm nên “thị trường tranh ngắc ngoải là điều không tránh khỏi”.

Dễ nhận thấy tranh bày bán khắp nơi tại Hội An hiện nay khai thác sở thích của khách du lịch nước ngoài về sơn mài, song hầu hết được làm không theo quy trình truyền thống, sơn ta được thay bằng sơn hóa học cho mau khô để dễ sản xuất hàng loạt. Chính “công nghệ” làm tranh sơn mài đó đã làm mai một niềm tin ở khách hàng. Ông Bryan, một nhà sưu tập tranh người Ireland, trước đây năm nào cũng đến Hội An khi sang Việt Nam nhưng mấy năm gần đây đã không còn thấy ông dạo bước qua các gallery trên các phố cổ nữa.


Du khách nước ngoài giảm và không còn quan tâm nhiều đến tranh pháo như xưa…


Theo nhà biên kịch phim truyền hình Đoàn Huy Giao, tình trạng bát nháo của đời sống mỹ thuật phố cổ lẽ ra đã không đến nếu những người không chuyên không chiếm lĩnh thị trường. Họa sĩ Phan Ngọc Minh là người gắn bó sâu nặng với phố cổ, anh từng triển lãm tranh tại đây hơn 20 năm trước và từng đem vẻ đẹp của Hội An – Mỹ Sơn đến với nhiều nước trên thế giới.

Anh tâm sự: Hiện nay tranh ở Hội An vàng thau lẫn lộn, thật giả nhập nhằng, người người, nhà nhà mở phòng tranh. Ngay một số họa sĩ cũng nặng kinh doanh, coi nhẹ nghệ thuật, tranh cứ sản xuất rập khuôn theo kiểu souvenir. Theo Phan Ngọc Minh, Hội An là một đô thị văn hóa nên mọi sự phổ biến, truyền bá tác phẩm nghệ thuật phải mang tính thẩm mỹ cao. Anh đề nghị chính quyền địa phương cần khắt khe hơn trong việc cấp phép mở gallery. Cửa hàng lưu niệm phải được phân biệt rạch ròi với gallery mỹ thuật.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố phải thành lập một hội đồng nghệ thuật giám định chất lượng tác giả – tác phẩm để sàng lọc thật giả rồi mới cấp phép. Có như vậy Hội An mới mong sẽ trở lại là một vùng đất mỹ thuật của cả nước, là một địa chỉ mỹ thuật đáng tin cậy trong mắt khách du lịch và các nhà sưu tập tranh nước ngoài…



Bài và ảnh đã đăng trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần và www.nguoihoian.info, 15/9/09

No comments: