Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn
(Bùi Giáng)
BÀI MỘT
Ẩn dụ
Ẩn dụ trong thơ là nơi tập trung nhiều lớp ý nghĩa, là nơi mà ngôn ngữ ở trong tình trạng giàu có nhất của nó. Hình ảnh và ngôn ngữ giao hòa với nhau làm nên trung tâm của các biện pháp tu từ, gồm có sự so sánh, phép tượng trưng, nhân cách hóa, ẩn dụ… mà tôi gọi chung là phép ẩn dụ. Tôi cho rằng có một sự lẫn lộn (confusion) rất đáng tiếc của không ít người đọc hôm nay, trong số họ có cả những người sáng tác và những người yêu thơ, liên quan đến ẩn dụ mà chúng ta thử cùng nhau phân tích để làm sáng tỏ.
Chùm thơ của tôi trên talawas chủ nhật 9/3/2008 và bài của Đỗ Quyên - Bình thơ Nguyễn Đức Tùng ngay sau đó 10/3/2008, đã gây ra những ý kiến khác nhau, thậm chí tranh cãi, trong văn chương và ngoài văn chương. Nhiều ý kiến sâu sắc, thú vị của những tác giả khác nhau đã được trình bày, người đọc có thể tham chiếu trên talawas, nhưng cũng có những mặt tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ thêm.
Tôi xin mở đầu bằng thắc mắc trong văn chương của độc giả Quỳnh Thi. Hỏi: “Khi đứa bé còn đang chạy thì làm thế nào mà nó thoát khỏi cái bóng của mình đây?” Tôi xin hỏi lại: “Thế khi đứa bé không chạy thì nó có thoát khỏi cái bóng của mình không?” Lại xin hỏi tiếp: “Thế khi nó nhảy, thì sao?” v.v…
Tất cả những tranh luận như trên gọi là các tranh luận thuần lý (logical). Các tranh luận này có thể có ích cho khoa học nhưng không mấy khi cần thiết cho thơ. Thế thì hóa ra các nhà thơ muốn nói gì thì nói à? Ngụy biện chăng?
Để trả lời, mời bạn đọc thử Tô Thùy Yên:
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Xa như nhớ là xa thế nào? Sao không bảo là xa đi mỏi cả chân hay là xa ba cây số và hai trăm năm mươi mét cho nó dễ hiểu, khỏi thắc mắc?
Thật ra, vì những lý do mà chúng ta sẽ phân tích sau đây, các nhà thơ, một cách có ý thức hay không, thường dùng một thứ ngôn ngữ khác, không phải là ngôn ngữ khoa học và báo chí, mà chúng ta gọi là ngôn ngữ thơ ca (poetic language).
Tôi vừa bắt đầu bằng một thí dụ hơi khó. Thông thường, các so sánh như trên đây, là ngược lại.
Nhớ chàng như ánh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm
(Tản Đà dịch thơ Đường: Tư quân như nguyệt mãn, Dạ dạ giảm thanh huy)
Đem một nỗi nhớ mông lung trừu tượng mà so với một ánh trăng cụ thể thì có vẻ gần với tưởng tượng hơn.
Ẩn dụ gắn với các hình ảnh. Hình ảnh trong thơ là một chữ có tác dụng mang lại các yếu tố cảm giác như nhìn, sờ, nếm, ngửi, nghe. Nghĩa của chữ do đó được tăng lên nhờ các xúc động mang tính chất vật thể. Khác với văn xuôi và ngôn ngữ báo chí, người đọc cần để ý rằng trong thơ, ý nghĩa của một câu là rất quan trọng nhưng chính hình ảnh của câu thơ đó mới quyết định sự thành công của nó. Hay không thành công.
Một đứa bé
Chạy rất nhanh
Chạy nhanh như thế nào? Nó chạy nhanh với mục đích gì? Không ai biết. Nhưng những đứa trẻ chơi đùa la hét trên sân trường, trên đường phố có mục đích gì không? Tôi nghĩ là không.
Khi ta còn nhỏ, nếu tôi nhớ không lầm về tuổi trẻ của mình, cuộc đời là cả một sự thể nghiệm (experiment). Tôi muốn tả niềm háo hức của tuổi thơ và niềm vui sống mà mùa xuân mang lại, gần như vượt khỏi giới hạn vật lý của con người, khi viết:
Thoát khỏi cái bóng của mình
Hiệu ứng thị giác. Một số hình ảnh rất sáng rõ, một số khác mờ tối hơn. Trong kinh nghiệm cụ thể chúng ta cũng thường nhìn các sự vật từ các khoảng cách khác nhau và dưới những ánh sáng khác nhau. Chúng gây ra các liên hệ (associations) mà người đọc lập tức có được một cách tự động do các kinh nghiệm cá nhân, vốn khác nhau của mỗi người. Mỗi khi nghe:
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
(Nhạc Phạm Duy, phổ thơ (?) Nguyễn Văn Bình)
bao giờ tôi cũng nhớ đến cây vải đầu hồi nhà của dì tôi, một cây vải cao lớn tỏa bóng mát những ngày thanh bình, trước chiến tranh, càng về sau mỗi năm càng ít ra trái hơn có lẽ vì buồn nhớ người chủ đi xa lên tận xứ Lào làm ăn lưu lạc.
Các giác quan khác cũng gây ra những hiệu ứng tương tự như thế trong lòng người đọc - Không, tôi muốn nói là trong cơ thể người đọc.
Ẩn dụ là sự di chuyển của ý nghĩa. Đó là một phương pháp của ngôn ngữ, dùng thay thế cái này bằng cái khác, tạo ra nghĩa mới hoặc làm cho ta thấy rõ hơn một sự vật ở hai mặt khác nhau. Sự chuyển thể này có thể di chuyển từ một ý nghĩa trừu tượng đến một ý nghĩa cụ thể, hay là ngược lại.
Một ví dụ khác, không trực tiếp liên quan đến thơ: Nhắc đến một người chị họ của tôi, mẹ tôi hay nói: “Cái con chân đi không chấm đất”. Nói như thế là nói ví von. Không cần dùng đến chữ như. Ví von là một hình thức khác của phương pháp ẩn dụ.
Vậy, ẩn dụ không phải là chuyện dành riêng cho các nhà văn như nhiều người vẫn tưởng. Nó khởi đầu với ngôn ngữ hàng ngày và đến nay vẫn tiếp tục như thế.
Tại sao người ta dùng đến ẩn dụ? Vì nó mô tả các trạng thái và các sự vật ở mức độ chính xác hơn, sắc sảo hơn.
Ngôn ngữ thơ có hiệu lực mô tả những kinh nghiệm phức tạp mà ai cũng từng trải qua: Gặp lại người bạn thân thuở thiếu thời, phẫn nộ trước cảnh bất công, sự mất mát đau đớn, v.v… Hay là tình yêu lâng lâng đầu đời.
Lặng nghe lời nói như ru
Nói như ru là nói thế nào? Nói dịu dàng, êm ái, làm người ta lặng đi, sung sướng bồi hồi. Như ru là phép so sánh. Câu trên đã hay như thế rồi, câu dưới phải thế nào?
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Nét thu là ẩn dụ. Nét thu là nét gì? Trừu tượng cực điểm để mô tả một trạng thái mơ mơ hồ hồ và cái đẹp lãng đãng của Kiều.
Nhưng phép ẩn dụ được dùng lâu ngày sẽ sáo mòn như chính ngôn ngữ, trở thành con dao hai lưỡi. Nét thu càng trừu tượng thì càng khó biết đó là nét gì, nghĩ đến đâu cũng được, dùng cho ai cũng được. Đó là ngôn ngữ quy ước thường gặp ngày xưa. Như ru là phép so sánh tỉ lệ, nét thu là ẩn dụ thay thế, theo nghĩa hẹp, chiều xuân là tả thực. Không phải chỉ có các chữ mà toàn bộ một ý tưởng hay hình ảnh cũng, và thường khi, tạo ra ẩn dụ.
Gieo cầu em ném giữa mông lung
Ta như ngọn gió làm sao bắt
Lại rớt vào tay một gã khùng
(Thu Bồn)
Mặc dù được sử dụng trong đời sống hàng ngày, ẩn dụ được dùng nhiều hơn và đặc biệt hơn trong văn học. Vì sao nhà văn dùng nó nhiều? Chúng ta hãy xem hai thí dụ sau đây:
Ngôn ngữ thông báo: Ngày mai trời nắng, không có mây. Không có nhu cầu để sử dụng các so sánh ở đây.
Ngôn ngữ khoa học: A+B = C. Không có vai trò của hình ảnh vì các thông tin này đã được trừu tượng hóa. Trừu tượng hóa là sự giản lược các sự vật sinh động thành các khía cạnh tinh khiết, không màu sắc, mùi vị, hình dáng. Nhờ trừu tượng hóa, nhà khoa học bỏ qua các chi tiết không quan trọng để giải quyết các thông tin chính. Trong hình học chẳng hạn, hình tròn là hình tròn; nó không nhất thiết phải là trái cam hay chiếc bánh ngọt.
Chữ trừu tượng tiếng Anh là abstract. Abstract không chỉ có nghĩa là trừu tượng mà còn có nghĩa là rút ra, lấy ra. Các nhà toán học rút cái hình tròn trừu tượng ra khỏi trái cam.
Trong đời sống, chúng ta có những kinh nghiệm ngược lại.
Bạn không ăn những hình tròn mà ăn những trái cam hay những cái bánh ngọt. Càng cụ thể, sự vật càng trở nên phong phú. Nhà văn là người đi tìm các sự vật cụ thể, ở đó đời sống trở lại tình trạng nguyên khôi của nó, phức tạp, phong phú và bất tận.
Trong văn xuôi có nhiều ẩn dụ, nhưng trong thơ chúng trở nên dày đặc. Có thể nói rằng: Thơ chính là ẩn dụ.
Để so sánh người ta thường dùng hai cách. Một là so sánh trực tiếp, như trong câu thơ của Nguyễn Du trên đây, hay là:
Thơ ta như cánh nhạn
Không bao giờ có đôi
(Viên Linh)
Đây là phương pháp tỉ lệ (simile). Nhưng các nhà thơ hiện đại thường đẩy xa sự so sánh này, và dùng một điều trừu tượng để tả một vật cụ thể, như trong câu thơ của Tô Thụy Yên đã nói, hay có thể nhắc đến câu thơ của Trần Mạnh Hảo:
Ngày sống như thí dụ
Ban đêm sống thật hơn
Cách thứ hai là so sánh gián tiếp, không dùng đến chữ như.
Tôi muốn ngược thời gian
Bước xuống từng bậc đá
(Thanh Thảo)
Tác giả mô tả thời gian bằng không gian, một cách khéo léo tinh tế. Một đặc tính của ẩn dụ là sự tương tự, giống nhau. Nếu lời nói không dịu dàng thì không thể gọi là như ru được.
Nhưng sự so sánh không phải bao giờ cũng là giữa hai vật giống nhau. Nếu một nhà văn viết: Nói bi bô như một đứa trẻ, thì đó là một phép so sánh tầm thường, ở một tay nghề còn non. Sở dĩ như thế vì trong sự ví von này các đối tượng rất gần nhau.
Nhưng khi Quang Dũng viết:
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
thì người nghe thấm thía sức mạnh của câu thơ, nhờ sự khác nhau giữa khúc độc hành và sông Mã.
Sức mạnh của nhiều ca từ Trịnh Công Sơn cũng nằm ở đây.
Tuy nhiên sự khác nhau này không được xa quá. Nếu viết: Trong bồn tắm của nàng vòi nước gầm lên khúc độc hành thì hai hình ảnh quá xa, trở thành một ẩn dụ kém. Chồng nàng gầm lên thì có.
Đôi khi nhà thơ chuyển dịch một khái niệm rất trừu tượng vào một sự vật rất cụ thể, đẩy sự chuyển dịch đến tận cùng, biến ngôn ngữ thành hình ảnh. Hình ảnh này trở thành một tấm gương đối chiếu cho các xúc cảm và các giá trị tinh thần có tính cách cộng đồng, ta gọi là các biểu tượng. Các biểu tượng vì quá cô đọng có thể trở nên huyền bí hoặc khó giải thích, gây ra những cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược.
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Bài thơ này không phải để tả con cóc. Hình như thế. Con cóc chỉ là biểu tượng. Nhưng là biểu tượng của cái gì? Cho rằng bài thơ trên là một bài đồng dao dễ hát, dễ nhớ cũng đúng. Cho rằng nó là một bài thơ dở cũng đúng. Nó không phải thơ ư? Cũng đúng. Cho nó có những ý nghĩa văn chương và xã hội hết sức quan trọng và cách tân, thậm chí là một bài thơ tuyệt hay như trong các tranh luận ngày nào của Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Minh Tuấn, Đặng Tiến trên báo chí hải ngoại, cũng đúng. Sở dĩ như thế là vì các tranh luận hay tranh cãi nói trên, trong khi không phải là vô ích, thực tế đã mang lại những hiểu biết mới, thì chắc chắn không thể dẫn đến kết luận cuối cùng như các nhà tranh luận nói trên vẫn tưởng, vì bản thân tác phẩm đã sử dụng một biểu tượng hoàn toàn mở (open ended). Sự diễn dịch và thẩm định nghệ thuật đối với bài Con Cóc lệ thuộc vào các hệ đối chiếu văn hóa – tâm thức (reference) và tọa độ của người đọc, vốn thay đổi theo thời gian và không gian.
Một thí dụ khác: các nhà thơ viết tiếng Anh thường nhắc đến chữ bone (xương). Với họ, chữ bone có một ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Chữ xương trong tiếng Việt không có một ý nghĩa tương tự sâu xa như thế.
Nửa nụ hôn đầu ta đã gửi
Lên mặt hồ trong suốt đời ta
(Hoàng Vũ Thuật)
Nụ hôn đầu là biểu tượng hay dùng của người Việt Nam. Trong tiếng Anh, chữ first kiss không gây ra một ấn tượng sâu đậm tập thể như thế (nói chi đến nửa nụ). Nhưng mặt hồ trong suốt là gì thì không rõ lắm. Nó có vẻ như được dùng để thay thế một cái gì đó, ai cũng hiểu, nên không cần phải nói ra. Tôi xin nói thêm rằng trong nhiều trường hợp, hình ảnh không những mang lại các cảm giác vật lý cụ thể mà còn gây ra những thay đổi về giọng điệu (tone) của bài thơ. Chúng ta sẽ còn dịp quay lại vấn đề này.
Các nhà cấu trúc luận còn đi xa hơn nữa khi cho rằng thật ra tất cả các ngôn ngữ đều là ngôn ngữ hình ảnh. Họ cho rằng mối liên hệ giữa cái chỉ định và cái được chỉ định là có tính cách hoàn toàn ngẫu nhiên hay ngẫu hứng, tức là không có quy luật nào cả.
Sự diễn dịch các ẩn dụ văn học, tức là tìm hiểu về nó, giải thích, phân tích, trao cho nó các ý nghĩa văn học và xã hội, là một công việc thú vị nhưng phức tạp, rất dễ gây nhầm lẫn. Trong thí dụ của mấy câu thơ của Thu Bồn trên đây, gã khùng là ai? Anh chồng giàu bụng phệ của người đẹp? “Bọn lính Mỹ xâm lược” trong mắt một số người? Hay “...” trong mắt một số người khác?
Khó như thế là vì ngôn ngữ thơ ca là một ngôn ngữ bị nén chặt, giàu năng lượng, chứa đầy điện tích.
(Còn tiếp nhiều kỳ)
Đón đọc kỳ sau: BÀI HAI - Sự hấp dẫn của chữ
Vancouver, tháng 3 & 4/2008
Nguyễn Đức Tùng
Các sách tham khảo cho bài viết:
- Thi Vũ: Bốn mươi năm thơ Việt Nam, NXB Quê Mẹ, 1993
- Hoàng Ngọc Hiến: Những ngả đường vào văn học, NXB Giáo dục, 2006
- Nguyễn Hưng Quốc: Thơ con cóc và những vấn đề khác, NXB Văn Mới, 2006
- Tuyển Tập Tiền Vệ I, NXB Tiền Vệ, 2007
- Đặng Tiến: Vũ trụ thơ II, Thư Ấn Quán, 2008
- Trần Dần: Thơ, NXB Đà Nẵng, 2008
- Gary Geddes, 20th Century poetry & poetics, Oxford University Press, 1996
- Harold Bloom: Genius, NXB Warner Books, 2002
- Dana Gioia: Twentieth century – American Poetry, McGraw Hill, 2004
- David Lehman: The Oxford Book of Poetry, 2006
Xin lỗi anh Nguyễn Đức Tùng: Vì sự an toàn của trang VNQT, xin lược bớt mấy từ trong câu:
Hay “...” trong mắt một số người khác? Xin anh thông cảm.