CON HỔ THIẾU TƯ CÁCH
Truyện cổ Triều Tiên
Tác giả: William Elliot Griffis
Nguyên tác bằng tiếng Anh đăng trên
https://fairytalez.com/region/korean/
Lão Sơn Lâm là tên do dân làng đặt
cho một con hổ vằn tuyệt đẹp sống giữa vùng cao nguyên Kang Wen, một tỉnh nằm dọc
theo bờ biển. Những người thợ săn hiếm khi nhìn thấy nó, và trong số những con
hổ đồng loại của mình, Sơn Lâm khoe rằng, mặc dù thường bị bắn, nó chưa bao giờ
bị thương; còn đối với những cái bẫy - nó biết rành và cười nhạo những thiết bị
mà con người sử dụng bắt nó để lột da, thứ mà họ rất thèm muốn. Vào mùa hè, nó
kiếm mồi trên những ngọn núi cao và sống bằng thịt nai béo. Vào mùa đông, khi
tuyết rơi dày đặc, gió giật mạnh và cái lạnh khủng khiếp giam giữ con người
trong các cánh cửa, thì nó thường đi về các bản làng. Ở đó, nó lượn quanh các chuồng
gia súc với hy vọng chụp và lôi ra một con lừa non, một con bê béo hoặc một con
lợn sữa. Nó thường thành công, và là nỗi khiếp sợ của người và loài vật trong
vùng.
Một ngày mùa thu, nó lục lọi khắp
những ngọn núi thấp hơn. Dù những nơi ấy rất xa bản làng, nó vẫn luôn chú ý đến
bẫy và thợ săn, nhưng dường như không có gì nguy hiểm. Nó rất đói và hy vọng kiếm
đươc mồi. Nhưng khi đi tới một tảng đá lớn,
đột nhiên nó nhìn thấy trên đường có một vài dấu chân, mà nó nghĩ là của một con hổ lớn bằng nó. Lão Sơn Lâm dừng
lại, hung dữ ngoe nguẩy đuôi như thách thức, thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu bằng
cách gầm gừ và trong tư thế vồ chụp đối thủ. Nó ngạc nhiên khi thấy con hổ kia
cũng làm những động tác tương tự. Lão Sơn Lâm chắc chắn rằng sẽ có một cuộc đấu khủng khiếp, nhưng đây là những gì nó muốn, vì tất nhiên nó sẽ giành chiến thắng.
Nhưng sau một cú nhảy vọt trên
không trung, lão Sơn Lâm hạ cánh xuống một cái hố và một đống hùm bà lằng đổ
lên mình nó. Không có một con hổ nào khác, nhưng thay vào đó là một nắp gỗ nặng
đóng lại trên đầu nó sau cú va chạm và nó nằm trong bóng tối. Lão Sơn Lâm cuối
cùng đã bị mắc bẩy. Đúng vậy, người thợ săn đã che cái hố bằng cây và lá, và
trên những cây gỗ thẳng đứng, phủ đầy dây leo và cây bụi, có treo một tấm kính
soi mặt. Lão Sơn Lâm thường nhìn thấy khuôn mặt và cơ thể của mình trong suối
khi nó khom mình uống nước, nhưng lần này, nó đã bị lừa khiến nó tưởng rằng có một con hổ thật muốn
chiến đấu với mình.
Chẳng bao lâu, một vị tu sĩ Phật
giáo đi ngang qua, được biết là người thường đối xử tốt với tất cả mọi loài
chúng sinh. Nghe thấy tiếng động vật rên rỉ, ngài mở bẫy và nhấc nắp lên thì thấy
Lão Sơn Lâm ở phía dưới đang liếm cái
chân bầm tím của nó.
Lão Sơn Lâm nói: Làm ơn, ông ơi,
hãy cứu tôi ra. Tôi bị thương nặng.
Để cứu con hổ, vị tu sĩ nhấc một
khúc gỗ lên và trượt nó xuống, cho đến khi một đầu chạm đáy hố. Con hổ bám cây
gỗ leo lên và đi ra ngoài. Để bày tỏ lòng cảm ơn, nó nói với vị tu sĩ:
-Tôi vô cùng biết ơn ngài, ngài đã
giúp tôi thoát khó khăn. Tuy nhiên, vì tôi đang đói lắm, tôi phải ăn thịt ngài.
Rất ngạc nhiên và phẫn nộ, vị tu sĩ
phản đối sự vô lương thấp hèn đó. Ít nhất, đó là cách cư xử quá tồi tệ và hoàn
toàn trái với quy luật của núi rừng, và ngài nhờ đến một cái cây lớn để quyết định
phải trái. Qua tiếng lá xào xạc, cái cây tuyên bố rằng con người được tự do và
con hổ vừa là kẻ vô ơn vừa là kẻ hỗn láo.
Lão Sơn Lâm vẫn chưa hài lòng, nhất
là khi vị tu sĩ này béo bất thường và sẽ là một bữa tối rất ngon. Tuy nhiên, nó
cho phép vị tu sĩ kháng cáo một lần nữa và lần này trọng tài là một tảng đá lớn.
Tảng đá nói: -Vị tu sĩ chắc chắn
đúng, Lão Sơn Lâm đáng kính ạ, và ngươi hoàn toàn sai. Chủ nhân của ngươi, Chúa
Núi, người cưỡi trên con bò xanh và con ngựa đầu trọc để trừng phạt kẻ thù của
mình, chắc chắn sẽ quở trách ngươi nếu ngươi ăn thịt vị tu sĩ này. Ngươi sẽ
không phải là sứ giả phù hợp của Chúa Núi nếu ngươi vô ơn đến mức ăn thịt người
đã cứu ngươi khỏi chết đói trong bẫy. Đó
là cách cư xử tồi tệ đáng kinh ngạc dù chỉ mới là ý định.
Lão Sơn Lâm cảm thấy xấu hổ, nhưng
mắt vẫn trừng trừng vì đói, vì vậy, để chắc chắn cứu được mạng mình, vị tu sĩ đề
nghị cho cóc Đốm Lưng làm quan xét xử. Con hổ đồng ý.
Nhưng con cóc, với đôi mắt viền
vàng, trông rất khôn ngoan, và thay vì trả lời nhanh như cây và đá, nó đã cân
nhắc rất lâu. Trái tim của vị tu sĩ chùng xuống, trong khi con hổ nuốt nước bọt
như thể đang hình dung bữa tiệc sắp tới của nó. Nó cảm thấy chắc chắn rằng cóc
Đốm Lưng sẽ quyết định có lợi cho nó.
-Tôi phải đi xem cái bẫy trước khi
tôi có thể quyết định, Đốm Lưng nói nghiêm nghị như một quan tòa. Ngay sau đó,
cả ba đều nhảy hoặc đi bộ đến cái bẫy. Con hổ, nhờ di chuyển nhanh, đã ở đó trước,
đó chính là điều mà cóc muốn, vì nó là bạn của vị tu sĩ. Trong khi Sơn Lâm đang
chờ, Đốm Lưng nhanh mắt tìm kiếm một vết nứt trên một tảng đá gần đó.
Thế là, trong khi Đốm Lưng và Sơn
Lâm đang nghiên cứu vụ việc, vị tu sĩ tự cứu mình bằng cách chạy vào bên trong
cổng tu viện. Cuối cùng, Đốm Lưng quyết định chống lại Sơn Lâm và ủng hộ người bạn tu sĩ, ngay khi
nó vừa kết thúc phán quyết của mình, nó
liền lao vào khe đá. Khi đã bò xa vào bên trong, cóc gọi hổ là kẻ vũ phu và con
thú vô ơn, và thách hổ muốn là gì thì làm.
Lão Sơn Lâm nổi điên lên vì cơn thịnh
nộ và cơn đói đến nỗi tài khéo léo của nó dường như biến thành sự ngu ngốc. Nó
cào vào tảng đá để kéo con cóc và xé xác nó thành từng mảnh. Nhưng Đốm Lưng đã
an toàn bên trong, chỉ cười. Không làm hại được cóc, hổ nổi trận lôi đình.
Càng nóng nảy, hổ càng mất đi sự
thông minh. Chọc mũi vào vết nứt, nó cọ xát mạnh vào tảng đá thô ráp đến nỗi
mũi và lưỡi nó chảy máu đến chết. Khi người thợ săn đến, anh ta ngạc nhiên trước
những gì mình thấy, nhưng anh ta vui mừng vì biết mình sắp giàu có bằng cách
bán bộ lông, xương và móng vuốt của hổ; vì ở Triều Tiên thời đó, không có gì
quý giá bằng những thứ từ xác hổ. Về phần cóc Đốm Lưng, nó kể cho con cháu mấy
đời sau câu chuyện về việc nó nhanh trí vượt trội hơn Lão Sơn Lâm thế nào.
&&&
Tiểu sử tác giả
William Elliot Griffis
Sinh tại Philadelphia vào năm 1843, tác giả William Elliot
Griffis là một tác giả cực kỳ thành công và đã xuất bản một số cuốn truyện cổ
tích vào những năm 1900. Là một mục sư tích cực ở Hoa Kỳ vào những năm 1800,
ông đã làm việc tại một số nhà thờ ở Boston và New York, trước khi nghỉ hưu từ
chức vụ thánh chức vào năm 1903 để viết và thuyết trình. Thư tịch phong phú của
ông bao gồm các tác phẩm về văn hóa và di sản Nhật Bản, và ông đã giúp tác giả
Inazo Nitobe viết cuốn Bushido nổi tiếng: Linh hồn của Nhật Bản.
Với tư cách là tác giả và giáo sư, nhiều chuyến đi của ông đến
châu Âu, và đặc biệt là Hà Lan, đã giúp hình thành sự đánh giá cao của ông về
các nền văn hóa châu Âu. Trong nhiều năm, ông tiếp tục xuất bản các bộ sưu tập
văn học dân gian từ khắp nơi trên thế giới, với các tựa đề như Thế giới cổ tích
Nhật Bản: Ba mươi lăm câu chuyện từ nền văn hóa thần tiên của Nhật Bản, Những
người tình của đom đóm và những câu chuyện cổ tích khác của Nhật Bản cổ, Truyện
cổ tích Bỉ , Truyện cổ Thụy Sĩ, Truyện cổ xứ Wales, Truyện cổ tích Hàn Quốc và
Truyện cổ tích Nhật Bản. Mặc dù không được biết đến nhiều như Hans Christian
Anderson, nhưng Griffis thực sự đã đóng góp rất nhiều cho thế giới văn hóa dân
gian. Ông mất ở Florida năm 1928.