Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 26, 2019

GÓC NHỎ... - Thơ Quang Tuyết


  Nhà thơ Quang Tuyết


GÓC NHỎ...

Chiều nay mưa vội đi qua
Ướt mềm góc nhỏ hồn ta dịu dàng
Hạt rơi mong giọt nắng vàng
Khẻ rung trong gió tiếng đàn tri âm

Thả duyên se sợi tình câm
Nối sao đẹp khúc giang cầm hư hao
Dư âm xưa bạt phương nao?
Ta về gom hết ngọt ngào, đắng cay

Dấu than lơ lửng vơi, đầy
Dù tình là gió cuốn mây xa mờ
Lần tay gác chuyện, làm thơ
Bên đời se sắt đợi chờ nắng lên

                            Quang Tuyết

READ MORE - GÓC NHỎ... - Thơ Quang Tuyết

ĐÊM XANH - Thơ Nhật Quang






ĐÊM XANH

1.
Đèn phố vàng
đêm long lanh
xòe tay hứng
vì sao xanh góc trời
lung linh
trong mắt em ngời
vu vơ
rụng xuống
đêm vời vợi… yêu

2.
Trăng soi
đôi bóng dập dìu
gió đùa váy thắm
yêu kiều nét son
lưng ong
thắt đáy dáng thon
khát khao…
bao gã mắt mòn
thầm mơ…

3.
Đêm hong dấu ái
môi chờ
nhắp say men ủ
đôi bờ ngực thơm
tay mơn trớn
giấc chập chờn…
khép khuy áo mộng
dỗi hờn… đêm xanh.

             Nhật Quang

READ MORE - ĐÊM XANH - Thơ Nhật Quang

CHIỀU QUA PHỐ PAKSE - Bút ký - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


CHIỀU QUA PHỐ PAKSE
Bút ký
Chế Cẩm Đình


Tôi rời Savannakhet sau mấy ngày xắt sắn, ra bến xe mà không định được sẽ đi đâu. Theo công chuyện thì phải về Thủ Dầu Một, mà liên lạc nhà xe trên Vientian mãi chưa được. Còn bắt xe theo đường 9 thì phải đợi đầu giờ chiều, lại sợ vượt khẩu rồi hết phương tiện về Đà Nẵng vì lúc đó sẽ là 8h tối. Cuối cùng tôi quyết định nhảy lên xe đi Pakse, ở đó có xe đi Sài Gòn qua ngả Campodia vào sớm mai.



Chiếc xe bus đời cũ nhận vừa đủ khách lặc lè theo nhánh đường 9B ra cây số 35 rồi nhập vào quốc lộ 13 hướng về Champasak. Ven đường, những cánh đồng nho nhỏ xanh mướt chen lẫn với các bản làng. Có nhiều cây thân gỗ được để lại trong các khoảnh ruộng tạo bóng mát cho điền nông, khác hẳn với bên mình thường đồng không mông quạnh. Thỉnh thoảng bắt gặp những hàng thốt nốt với phiến lá sắc nhọn như chông vót, từng là một thứ vũ khí sát thương với người Việt hồi những năm tám mấy bởi bọn Khmer Đỏ tràn qua biên giới, với ý là ở đâu có loại cây này, ở đó là đất của Campuchia, chỉ nghĩ thoáng qua thôi mà nhói tận trong lòng.

Những trạm dừng trên đường tấp nập người buôn bán hàng rong. Chủ yếu là bán các món nướng ăn với xôi, mà nhiều nhất là kẹp gà nướng với giá rất mềm, năm ngàn Kíp một bả cánh to, còn mười ngàn thì nguyên cả con gà bẻ dẹp ra sau khi bỏ đầu và cổ. Ngang bản Nong Bok xe đỗ lại ăn thêm than hầm, chất kín lên trần xe như ở Việt Nam hồi trước. Lúc xe chạy, qua ô gió trời nhìn thấy cậu lơ xe xếp lại hàng, vụt nhớ ngay kỷ niệm đi ét xe đò đường 9 với Thắng, bạn học rất thân, vào mùa hè năm 1990. Thằng đứng dưới, thằng trên trần lôi lên lôi xuống cả một nóc hàng toàn chuối, bơ, mít và dứa từ Hướng Hóa về Đông Hà, đến nhão cả hai cẳng tay.

Pakse chào đón tôi bằng một cơn mưa rào xối xả. Xuống bến xe ở Km số 8, nơi ngày xưa tôi cũng một lần dừng chân ở đây để bắt xe đi Sekong giải quyết vụ tai nạn của xe nhà. Bến xe giờ đã xây mới, hàng quán vào kiot gọn gàng chứ không lúp xúp như ngày trước. Em gái xinh xắn ở hàng cơm người Huế ngay đây năm xưa e giờ cũng đã chồng con đùm đề, không biết có còn lưu lại kỷ niệm chuyện trò quấn quýt với anh đồng hương từ bên Việt qua?

Bắt xe khách loại bán tải vào thành phố, đến chợ Sáng thì dừng lại, tụt xuống lấy hành lý mới nhớ là hết tiền Kip, bèn trả bằng tiền đồng cho bác tài, cũng được luôn vì đây là khu phố chợ Việt do cô Lượng, Việt Kiều gốc Thừa Thiên, là chủ công ty Đào Hương nổi tiếng ở Lào bỏ tiền ra xây nên thường gọi là chợ Đào Hương. Ngôi chợ này, chẳng biết làm sao mà cứ cháy mãi, những bốn năm lần trong gần hai chục năm qua.

Vòng qua mấy con phố, đâu đâu cũng thấy dấu vết của người mình, từ bảng hiệu cho đến kiến trúc, đã bị Việt hóa đi nhiều so với dưới Kayxone Phomvihane, có lẽ do cộng đồng Việt Kiều trên này quá mạnh, nên mới ảnh hưởng lên cả thành phố như thế. Nếu Savannakhet cũ giống với Kon Tum ngày trước vì đều do người Pháp quy hoạch, thì Pakse rất giống với Pleyku ở Gia Lai. Một điều nữa, phố nào cũng đều thấy xe hơi rợp đường. Nắng chiều xiên xuống nhảy loang loáng trên những nóc xe đến lóa mắt, thì thấy, người ta ở đây khá hơn bên mình nhiều.




Lội bộ mấy vòng rồi qua phố Tây, ra cầu Sedone ngắm cảnh ngã ba tiếp giáp sông Mekong mà nhớ miền Tây vô cùng, mới thầm gửi lời hỏi thăm về bên ấy, Tháp Mười hay Cái Tàu Hạ nhớ chờ anh dưới đó hen. Vào chùa Wat Luong, ngôi chùa cổ lớn nhất thành phố với những tháp mái cao vút iếng vàng rực rỡ. Ngôi chánh điện trang trí họa tiết cầu kỳ với bức tượng Phật ngồi cũng rất lớn, tạo ra một không gian linh cẩn trầm mặc, đến như các chú sa di đi lại đóng những phiến cửa gỗ vào lúc cuối ngày một cách rất nhẹ nhàng tránh khinh động đến Ngài.




Ra sau sân chùa phía bờ sông, vẫn còn lán rạp tang lễ vị sư lớn trong chùa vừa viên tịch, xác cũng vừa thiêu xong để quàn vào tháp cốt ngay trong chùa. Tuy là đám hiếu, nhưng không khí nhà chùa vẫn hoà hoạt bình thường, chứ không sầu buồn như ở Việt, nhẽ vì người ta đã giác ngộ được cái chết là lẽ thường, cưỡng lại cũng không được. Vòng lại hông chùa, hai em gái người Lào đang chụp hình cho nhau, mới nói tôi từ Việt Nam qua chơi, xin chụp một bức làm kỷ niệm, thì hai em vui vẽ đồng ý ngay, khuôn mặt cả hai em thật tươi tắn và rạng ngời, như chính cách người Lào đang tận hưởng cuộc sống hiền lành ít bon chen của họ, thật dễ thương!

06/8/2017
C.C.Đ.

READ MORE - CHIỀU QUA PHỐ PAKSE - Bút ký - Chế Cẩm Đình

BẾN TẦN HOÀI [Đ.M] - Thơ chu vương miện


BẾN TẦN HOÀI [Đ.M]
thơ chu vương miện
*       
Đỗ Mục đi ngang rơi nước mắt
toàn là rác rưởi dạt mênh mông
nam nhi chết tiệt tìm không thấy
toàn là nhi nữ má môi hồng
trách chi nứơc mất nhà tan nát
lang bạt quê người kiếm cháo cơm
rượu qua cuống họng sầu vong quốc
đếm tóc trên đầu đếm nhục vinh
cơm dư canh cặn ngày 3 bữa
ô sao cái chết nặng vô chừng
cái xác bị nhân sao qua khổ
đâu phải trượng phu nhẹ lông hồng
cũng thân nam tử cao sừng sững
ích lợi cái gì? cho núi sông?

chu vương miện


READ MORE - BẾN TẦN HOÀI [Đ.M] - Thơ chu vương miện