Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 23, 2018

THÁNG GIÊNG MÙA XUÂN CHƯA KỊP VỀ - Thơ - Huy Uyên



Tháng Giêng Mùa Xuân Chưa Kịp Về 

Em gởi viên đạn vào tim anh cùng nụ cười
Cớ sao hai mắt buồn thế?
Từ ngày em đi
Cuộc đời chia hai dâu bể.

Mùa xuân về đâu đó
Bên ngoài những chiếc lá thầm thì
Đường xưa ai một mình đứng đợi 
Trên cao những đám mây
bơ vơ trôi!

Từ em theo một người
Quê nhà vào xuân quạnh quẽ
Xóm chợ con sông thuyền trôi
Chở chi đầy vơi tiếc nhớ.

Đèn vàng nhập nhòa hắt hiu xóm nhỏ
Chậm rãi tiếng chuông nhà thờ
Ngày đưa em đi qua cầu tre cũ
Quanh quất bóng hình êm trôi.

Quá khứ đỏ au cuối vườn
Lấp đầy những ngôi mộ xanh màu cỏ úa
Hỏi em mùa xuân vội vàng
Ra giêng tơ trời bỏ đi từ đó
Để lại sầu riêng tôi mang ...

Huy Uyên

READ MORE - THÁNG GIÊNG MÙA XUÂN CHƯA KỊP VỀ - Thơ - Huy Uyên

HOA NẮNG / THƯƠNG THẦM - Thơ - Nguyễn Đại Duẫn



HOA NẮNG


Mới sớm tinh mơ
Nắng chui cửa sổ
Nắng vào phòng ngủ
Cùng em quét nhà
Nắng theo lưng bà
Ra vườn nhổ cỏ
Nắng đậu vai mẹ
Vào bếp nấu cơm
Nắng lại theo ông
Bắt sâu vườn nhãn
Chiều về bầu bạn
Bố ở Biên phòng
Rồi chạy long nhong
Tối về phố núi
Sáng mai thức dậy
Khi mặt trời lên
Đến trường cùng em
Muôn vàn tia nắng

                                               
           

THƯƠNG THẦM
Tí tách tí tách mưa rơi
Em như bao giọt đầy vơi nỗi lòng
Thân anh hạt lúa long đong
Hắt hiu, khao khát giữa đồng chơi vơi
Xuân sang nắng ấm lên rồi
Rạo rực hạt đã nảy chồi đón Xuân
Qua bao ngày tháng gian truân
Mùa vàng trĩu hạt thương thầm giọt mưa…!

Nguyễn Đại Duẫn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

READ MORE - HOA NẮNG / THƯƠNG THẦM - Thơ - Nguyễn Đại Duẫn

TẢN MẠN VỚI “VÀ KHI EM KHÓC” THƠ HOÀNG LỘC - Châu Thạch



       Nhà bình thơ Châu Thạch


TẢN MẠN VỚI “VÀ KHI EM KHÓC” THƠ HOÀNG LỘC
                                                                CHÂU THẠCH


Vợ đi xa. Buồn. Gọi điện mời bạn đi ca-phê. Ai cũng từ chối. Mở máy tính lên mạng tìm thơ hay. Không có thơ hay. Buồn. Định tắt máy thì một bài thơ xuất hiện. Bài thơ “Và Khi em Khóc” của Hoàng Lộc. Hình như đây là một nhà thơ đã có tên tuổi từ thời "Mỹ Ngụy". 

Vào bài khổ một:

em ngồi khóc nơi nào cho thiệt bụng
gió tàn đông còn thổi xót bên đời
em muốn khóc một lần cho hết bụng
đậy tấm lòng, khóc mấy cũng không nguôi

“Thiệt bụng” có hai cách nghĩ. Một là thiệt là thật, có nghĩa em khóc thật bụng, khóc không dã dối. Hai là thiệt là thiệt thòi, khóc cho sự thiệt thòi nghĩ trong bụng. Hiểu cách nào cũng hay mà hiểu cả hai cách thì lại càng hay. Hiểu cả hai cách thì  em  chọn chổ nào đó, ngồi khóc cho thật lòng cái nỗi thiệt thòi mà em đã dấu  trong bụng  lâu nay. 
Đã khóc thì buồn rồi nhưng nhà thơ lại chơi một câu da diết kèm theo tiếng khóc nữa: “Gió tàn đông còn thổi xót bên đời”. Đọc thơ ai cũng biết là em đã lớn tuổi mà cái buồn như ngọn gió còn thổi lạnh trong hồn. Thế nhưng câu thơ cũng làm ta liên tưởng đến cơn gió tàn đông đang thổi lạnh ngoài kia trong khi em khóc.
Rồi thì “Em khóc một lần cho sạch bụng” nghĩa là em quyết định khóc luôn một lần cho đã thèm, cho vơi hết đau buồn ấm ức, chớ cứ cố nín, cố che đậy nỗi buồn  thì  “khóc mấy cũng không nguôi”
Một khổ thơ mà có hai chữ “bụng”. Không hay? Không, tôi thấy hay. Nhờ hai chữ  bụng nầy mà tôi để ý đến bài thơ. Ông nhà thơ nầy thuôc loại dùng chữ thật đáo để, không sợ chê vì biết mình dùng chữ gây xốc khiến mọi người chú ý. 
Đã thế khổ thơ đầu ông ta đánh động tánh tò mò của con người, tự hỏi trong lòng chuyện chi mà em nầy muốn khóc?. Vậy là nhà thơ thành công ngay khổ thơ đầu, kéo người đọc đi vào câu chuyện của mình một cách tự nhiên, tự nguyện và cảm thấy trong lòng mình có chi như thích thú.

cháu em hỏi vì sao dì khóc vậy
em nhanh tay quệt nước mắt và cười
con em hỏi sao lại nhè vậy mẹ
em lặng nhìn khói bếp, cắn vành môi?

Em đã khóc tự do rồi nên cháu thấy mà con cũng thấy, rồi vế sau cũng cho chồng thấy luôn. Cái tính cach khóc nầy cho thấy người nữ thuộc người có chiều sâu nội tâm và có một tâm hồn nhạy cảm. Nhà thơ diễn tả cái chiều sâu nội tâm em bằng cử chỉ khóc bên ngoài rất thật đến nỗi không còn chổ nào thật hơn nữa, khiến cho ta nhìn người nữ khóc thấy toàn bộ tánh chất nữ tính bộc lộ ra vừa dễ thương vừa đẹp lạ kỳ. Nhà thơ còn rành tâm lý nữ nhi nữa. Cháu hỏi thì cười. Cười vì là sự quan tâm đầu tiên chưa làm cho tủi lòng. Con hỏi thì “lặng nhìn khói bếp, cắn vành môi” cho thấy sự quan tâm thứ hai gây nên sự nghẹn ngào xúc động. Khổ thơ diễn tả sự ẩn chứa trong lòng gây nên sự biến chuyển tâm lý bằng  nhừng cử chỉ bên ngoài thật trọn vẹn, hài hòa và chính xác.
Qua khổ thơ thứ ba tác giả dùng chữ “thằng nớ” để chỉ ông chồng của người phụ nữ. Cách gọi này nghe ngổ ngáo mà thật, nó không phải là cách nói của thi sĩ nhưng nó là cách tả chân cái ghen hậm hực trong lòng mình:

thằng nớ hỏi vì sao em khóc vậy
em bảo cành hạnh phúc đã xanh hơn
nó ngó miết quanh nhà không hiểu nổi
điều em vui (cũng có thể em buồn)

Hay quá, người nữ nầy vừa lanh như quạ vừa thâm thúy vô cùng, nàng trả lời cho chồng một câu lấp lửng siêu việt, làm cho người  chồng vừa vui lòng nhưng cũng vừa thắc mắc trong lòng. Tuy thế, cái hay ở đây chính là cái hay của người làm thơ. Tác giả đã dựng nên một tình huống và một cách giải quyết tình huống khôn khéo, nhạy bén và thâm thúy nữa, làm cho tình huống tưởng đi vào ngỏ cụt lại thành ra nhẹ nhàng bay bổng tan ra trong cái “khó hiểu” của ông chồng.
Rồi cuối cùng, với hai câu thơ, nhà thơ chắp  đôi cánh  thật to cho con chim thi thơ sà xuống,  lao vào trong bóng đêm u buồn miên viễn, nhưng mà nó lao xuống đẹp quá, đẹp đến nỗi  nhìn nó hồn ta cảm như mình cũng mang đôi cánh đó trong ký ức lao vào đêm tối suốt cuộc đời :

chỉ anh biết vì anh vừa qua ngõ
em bất ngờ thấm mặn xuống mâm cơm...

Đọc câu thơ “Em bất ngờ thấm mặn xuống mâm cơm” tự nhiên tôi thấy mâm cơm nó ngon lên vô cùng. Hai câu thơ đã giải quyết những dấu hỏi trong đầu ta khi đọc ba khổ thơ trên, và ta thấy khổ kết lại của bài thơ vừa bất ngờ, vừa dí dỏm mà cũng vừa đậm đà một thứ “ngoại tình” không thể kết tội.
Bài thơ có hay hay không tùy cảm nhận của mỗi người. Với tôi nó đã cho tôi sự thích thú tối nay. Tôi thỏa lòng khi  được đọc một bài thơ có ý lạ và tứ thơ và chữ dùng cũng lạ. Tôi viết tản mạn nghĩa là tôi nói bông lông cho thỏa cái vui trong lòng, xin thứ lỗi nếu có điều gì sai trật.
                                            
                                                                     Châu Thạch


                    Nhà thơ Hoàng Lộc


VÀ KHI EM KHÓC

em ngồi khóc nơi nào cho thiệt bụng
gió tàn đông còn thổi xót bên đời
em muốn khóc một lần cho hết bụng
đậy tấm lòng, khóc mấy cũng không nguôi
cháu em hỏi vì sao dì khóc vậy
em nhanh tay quệt nước mắt và cười
con em hỏi sao lại nhè vậy mẹ
em lặng nhìn khói bếp, cắn vành môi?
thằng nớ hỏi vì sao em khóc vậy
em bảo cành hạnh phúc đã xanh hơn
nó ngó miết quanh nhà không hiểu nổi
điều em vui (cũng có thể em buồn)
chỉ anh biết vì anh vừa qua ngõ
em bất ngờ thấm mặn xuống mâm cơm...

                                       HOÀNG LỘC

READ MORE - TẢN MẠN VỚI “VÀ KHI EM KHÓC” THƠ HOÀNG LỘC - Châu Thạch

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN





XUÂN XUÂN

mấy chục năm không viết thơ xuân
năm tàn tháng lụn cứ qua dần
mới đó mà đã gần tám bó
bây giờ xuân lù lù sau lưng
xuân của thiên nhiên của đất trời
hết đông xuân lại đến bên người
người vui hay khổ xuân không biết
bốn mùa bát tiết tiếp nhau trôi

một năm 365 ngày
xuân đi rồi xuân đến
tết đến rồi tết đi
một năm mười hai tháng
thảo nguyên cỏ xanh rì
phía này sơn ca hót
vọng lại tiếng từ qui
ngồi quên trên bãi cỏ
gió ngàn qua vi vu
chung quanh hoa rừng nở
cánh bướm bay nhởn nhơ
xa xa tràng pháo tết
xuân đến tự bao giờ?


THỜI GIAN KHÔNG CÓ TUỔI

y dòng sông
trôi mãi trôi hoài
từ đầu hôm sớm mai
lịch sử không có tuổi
y gốc cây sồi
cứ đến mùa thay lá
cứ đến mùa đâm chồi
cứ đến mùa thay vỏ
cứ thế thế mà thôi

người nhiếp ảnh gia cầm máy ảnh
đi lang thang săn ảnh
toàn cây palm lá xanh
bên là sa mạc cát trắng
trời mây cũng trắng
dơ máy ảnh lên bấm
đất trời thu vào máy ảnh


XE ĐỘC MÃ

xe song mã, xe tứ mã
kéo quan tài lên vườn hoa hồng
là cõi vĩnh hằng
tất cả để lại
ra đi hai bàn tay không

một dòng nước trong, hai dòng nước đục
đa số phàm tục
sót lại người thanh
thanh sống chung với đục
đục lẫn vào với thanh
cùng trôi một dòng
bên đục bên trong


CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN