Hữu Loan
Còn mãi với thời gian
Nhà thơ Hữu Loan (1916 - 2010) - tên thật là Nguyễn Hữu
Loan, đồng niên với nhà thơ Xuân Diệu. Ông quê ở làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh,
huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Hữu Loan từng học trường Đào Duy Từ (Thanh Hoá);
đậu tú tài Tây ở Hà Nội (1938) cùng một khoá với nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, học giỏi, đậu đạt
sớm nên người dân ở quê thường gọi ông là “Cậu tú Loan”. Hữu Loan sớm đến với
phong trào yêu nước từ Mặt trận bình dân 1936. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông
làm phó ban khởi nghĩa ở Nga Sơn. Sau Cách mạng tháng Tám ông là uỷ viên văn
hoá trong Uỷ ban hành chính lâm thời của tỉnh Thanh Hoá, phụ trách các ty: Giáo
dục, Thông tin, Thương chính và Công chính.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hữu Loan gia nhập quân đội;
ông từng làm chính trị viên tiểu đoàn thuộc đại đoàn 304 và chủ bút tờ báo:
“Chiến sỹ” ở miền Trung. Trong thời gian 1955 - 1957, ông làm việc ở Báo Văn
nghệ Hội nhà văn VN. Hữu Loan tham gia phong trào Nhân văn – Nhà thơ Hữu Loan (1916 – 2010) Giai phẩm cùng thời với Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán…
Theo Hà Đình Cẩn: “Bước thăng trầm của Hữu Loan bắt đầu cuối
năm 1957. Một đêm Hà Nội nhiều sương muối, buốt giá, ông và nhạc sỹ Văn Cao
trắng đêm dạo quanh hồ Thiền Quang… Đến sáng thì Văn Cao tiễn ông ra bến xe về
quê Nga Sơn kiếm kế sinh nhai”. Đó là thời kỳ sau Nhân văn - Giai phẩm bị dập
tắt, bạn bè cùng thời với Hữu Loan tan tác nhiều phương, đổ nỗi buồn thi nhân
thăm thẳm vào đâu, ông chưa hình dung ra. Riêng ông, ông chỉ biết “Đổ lên đá,
và bám đá để sống”. “Hữu Loan trở thành người thợ khai thác đá, đen như sừng,
chân tay sần sẹo, tua tủa râu tóc rễ tre, đi đứng, nói năng mạnh mẽ. Cặm cụi
vật lộn với núi đá, cùng với người vợ tần tảo, nuôi 10 đứa con khôn lớn”.
Hữu Loan bám núi đá trên mười năm. Trong mười năm ấy, ông đã
thực hiện tiếp điều mình luôn tâm niệm: thờ chữ “Tâm”, sống để “bận việc làm
người”. Một cuộc mưu sinh cương cường cùng với văn chương một thời bi hùng mà
hào sảng, Hữu Loan đã tạc nên tượng của chính mình.
Sự nghiệp văn chương của Hữu Loan gắn liền với một thời
chiến tranh vệ Quốc hào hùng của dân tộc. Với những cảm xúc to lớn, đầy phong
vị sử thi, tình ca, ông viết không nhiều, chín năm kháng chiến chống Pháp với
số lượng đưa ra chỉ mười bài (trong khoảng trên 40 bài ông đã viết), điển hình
là hai bài thơ: Đèo Cả và Màu tím hoa sim, nhà thơ Hữu Loan đã ghi tên mình vào
nền thơ ca thời đại. Hình ảnh của ông, vị thế của ông trong nền thơ ca kháng
chiến đương đại là không thể phủ nhận.
Là người lính, mải miết hành trình theo cuộc kháng chiến,
Hữu Loan hầu như không có sự đắn đo, lựa chọn hình thức thơ. Cuộc kháng chiến
gian khó, thương đau mà sống động, kiêu hùng đã dội vào lòng ông, rồi tràn
xuống trang viết, trào sôi mãnh liệt, hào sảng, kỳ vĩ, yêu thương mà thành: Đèo
Cả - Một bài thơ điển hình trong thời đại thơ mới, thơ ca kháng chiến bảo vệ
nền độc lập dân tộc.
… Núi cao ngất
mây trời Ai Lao
Sầu đại dương
dặm về heo hút
Đá bia mù sương…
Đèo Cả, bài thơ đầu tay của ông, dọc đường kháng chiến với
tâm hồn tráng sỹ, đầy chất gian lao, máu lửa, chân thực mà hào hùng, cao cả:
“Rau khe/ cơm vắt/ áo phai sa trường…/Gian nan lòng không nhạt/ căm thù trăm
năm xa…”.
Hữu Loan viết Đèo Cả từ mùa Thu 1946, khi ông mới ngoài 30
tuổi. Rõ ràng cuộc kháng chiến lớn lao của dân tộc, lòng yêu thương đồng đội,
đất nước vô hạn đã giúp cho Hữu Loan có được cảm xúc đặc biệt, thành bút pháp
hiện thực tinh hoa điển hình cho thơ kháng chiến:
Chân đèo Nam
máu giặc
bao lần
nắng khô
Sau một lần thắng
những người lính Đèo Cả
về bên suối
đánh cờ
người hái cam rừng
ăn nheo mắt
người vá áo
thiếu kim mài sắt
người đập mảnh chai
vênh cằm
cạo râu…
“Đèo cả” đăng trên báo “Chiến sỹ” của Quân khu IV in tại
Vinh, Nghệ An, số 8 năm 1947 với bút danh là Hữu, được bộ đội, công chúng đón
đọc nồng nhiệt, rồi thành tiếng vang lớn. Bài thơ có bút pháp khúc triết, mạnh
mẽ, trong sáng đạt đến phong vị tinh hoa cổ điển của thơ Đường. Trên Văn nghệ
Việt Bắc số 7 tháng 12/1948, Xuân Diệu viết:
“Tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo Cả. Một Đỗ Phủ của
thời đại mới đã gọi cái đèo chênh vênh ấy, đứng trong Đất nước ta, giữa Phú Yên
và Khánh Hoà, mà hoá thành heo hút quá, vì bên này là ta, bên kia là giặc. Từ
Bắc bộ đi suốt vào Đèo Cả, lên đèo, thấy bên kia giặc rắc tai ương!... Đèo Cả
thành biên thuỳ, đứng trên đầu bể thẳm, đụng tới mây cao. Đèo Cả treo giữa biên
thuỳ mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sỹ”.
Từ một “cậu tú” đi dạy học, làm gia sư rồi theo kháng chiến,
đánh giặc, làm báo, làm thơ, Hữu Loan đã thực sự chiếm được trái tim yêu thương
của cô học trò cũ của ông, người xứ Thanh mới 17 tuổi - Lê Đỗ Thị Ninh là con
gái của ông bà Tham Kỳ - một gia đình danh giá. Ông Lê Đỗ Kỳ từng làm Tổng
thanh tra canh nông Đông Dương, là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của Nước ta.
Ngày 06/2/1948 đám cưới của Hữu Loan và Lê Đỗ Thị Ninh được
tổ chức như ông viết: “Tôi ở đơn vị về/ cưới nhau xong/ là đi…”. Thật đau đớn,
chỉ hơn ba tháng sau, người vợ trẻ của Hữu Loan bị chết đuối! Lúc này Hữu Loan
đang ở Ban Tuyên huấn của đại đoàn 304. Một thời gian dài, Hữu Loan hụt hẫng,
đau khổ tột cùng và ông đã khóc người vợ trẻ quá cố bằng bài thơ Màu tím hoa
sim. Bài thơ đã ghi lại cuộc tình duyên có thực, đẹp như mộng bị tan vỡ. Một
thực tế đau thương bị nén chặt xuống đáy lòng nhiều ngày, rồi bật nấc lên thành
tiếng tơ lòng làm người đọc xúc động, bi xót đến rơi lệ.
Đã có rất nhiều ý kiến bình luận về Màu tím hoa sim: Buộc
tội, khen, chê… nhưng có một điều mà phần lớn tri thức, học giả, người đọc đều
phải thừa nhận: đây là bài thơ tình nổi tiếng một thời, toả sáng thi ca Việt
Nam, góp một phần tạo nên dấu ấn thời đại, hình tượng Hữu Loan trong lòng độc
giả.
Đó là - Nỗi đau chiến chinh, chia ly, tang tóc:
Lấy chồng thời chiến chinh
mấy người đi trở lại…
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh vây quanh…
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt…
Đó là - Sự thấm đẫm nguyện ước, hy sinh, tình yêu trong
trắng, cao đẹp của tuổi trẻ:
Tôi người vệ Quốc quân
xa gia đình
yêu nàng như tình yêu em gái.
Ngày hợp hôn
nàng không may áo cưới
tôi mặc đồ quân nhân
đi dày đinh
bết bùn đất hành quân.
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi…
Và - Đọc thơ, là thấy hình, thấy nhạc, sự sáng tạo của bút
pháp trữ tình kể chuyện:
Những nốt nhạc của cuộc đời thấm dội vào lòng ta, thành bản
tình ca bi hùng mà thánh thiện. Chính vì giàu chất thơ, chất nhạc mà Màu tím
hoa sim đã được nhiều nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy, Dũng Chinh, Duy Khánh…
phổ nhạc. Các ca khúc trở thành những bản tình ca sâu lắng, được phổ biến rộng
rãi, nhất là ở miền Nam
thời kỳ chống Mỹ. Theo Nguyễn Trọng Tạo: “Hữu Loan là nhà thơ cách mạng, ông
vừa làm cán bộ cách mạng vừa làm cách mạng thơ. Bài Màu tím hoa sim mở ra những
bài thơ nổi tiếng khác như Núi Đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam …”.
Sau này, Màu tím hoa sim đã được Công ty cổ phần công nghệ
Việt (Vitek VTB) xin tác giả mua bản quyền với giá 100 triệu; thời điểm đó là
năm 2004, đời sống còn nhiều khó khăn. Đây là món quà làm vơi bớt những đắng
cay, oan trái từ tác phẩm mà Hữu Loan đã phải trả.
Cùng cuộc hành trình chín năm kháng chiến chống Pháp, sau
Đèo Cả, Màu tím hoa sim, thơ Hữu Loan vẫn nặng tình làng bản, quê hương ruột
thịt: “Đôi làng/ như làng quê/ người mẹ già/ như mẹ…”. Là nỗi nhớ thương của
gái làng, trai lính trong Những làng đi qua. Rồi đến Hoa lúa có cái gì đó quen
thuộc, gần gũi, thân thương như ca dao: “Đôi mắt em mang/ chân trời quê cũ/
giếng ngọt cây đa/ anh khát tình làng quê/ trong mắt em/ thăm thẳm…”.
Vẫn với tính cách hoàn toàn riêng biệt, đầy sinh lực và sáng
tạo, gồ gề, thang bậc như cuộc đời của ông, cùng với thế hệ Văn nghệ sỹ kháng
chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Chính Hữu, Vũ Cao, Trần
Hữu Thung… Hữu Loan đã có những đóng góp xứng đáng cho nền thi ca kháng chiến
Việt Nam ,
và ông sẽ còn mãi với thời gian.
Hữu Loan mất ngày 18/03/2010. Với cuộc đời “Tuổi gần thế kỷ
”, ông đã sống một cuộc sống sôi nổi, cao đẹp, khói lửa, trầm luân…“Ông ra đi
thanh thản, nhẹ nhõm và mãn nguyện như vừa chở xong một chuyến xe đá giữa bà
con xóm giềng. Những người như ông không bao giờ coi cái chết là trút xong một
món nợ đời, mà chính là bước sang một thế giới khác sinh sinh, hóa hóa vô
thường. Thế hệ đời sau nhớ mãi một Nhà thơ chiến sĩ, nhớ mãi Thi nhân chở đá
xây Đời…” - (.Điếu văn tiễn biệt Nhà thơ Hữu Loan của Hữu Thỉnh - Chủ tịch hội
nhà văn Việt Nam ).
Phan Tất
90, Võ Thị Sáu - TP. Vinh - Nghệ An.
Tel: 0912387344
phantat@yahoo.com.vn