Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 27, 2021

ĂN TẾT VỚI MA – Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly

 
                     Tác giả Kha Tiệm Ly
 

1. Bỏ nghiệp kiếm cung
 
Thời Minh Hy Tông (1605 – 1627) , Hàm Phong, người Nhữ Nam, vốn dòng cung kiếm. Mười sáu tuổi đã làu thông thập bát ban. Một buổi đang luyện võ bỗng nghe từ biên cương phụ thân là Hàm tiên phuông cùng bào huynh đều tử trận, Hàm khóc rống lên rồi vứt mạnh bảo đao xuống đất mà rằng:
- Cái thứ vô dụng nầy còn đụng đến làm gì?
 
Hàm phu nhân cả giận, bảo:
- Tổ tiên ngươi mấy đời nhờ binh nghiệp mà rạng rỡ tông môn. “Đoạt Hồn Đao” nhà ta đã làm quân thù khiếp sợ. Nay ngươi đã không luyện cho tới nơi tới chốn để trả thù nhà, đền ơn nước, mà còn tỏ ý khinh thường. Tội bất hiếu ngươi có gánh nổi hay không?
 
Hàm thưa:
- “Làm cho quân thù khiếp sợ”, cớ sao phải bỏ mạng sa trường? Cho dù chiếm được nghìn vuông đất thì cũng phải đổi bằng hàng vạn cốt khô, có chi mà đáng tự hào? Xưa Khoái Triệt là kẻ trói gà không chặt, chỉ dùng ba tấc lưỡi giúp Vũ Tín Quân chiếm được liên thành mà chiến mã vẫn thảnh thơi nhai cỏ; Lịch Sinh là kẻ thư sinh bạch diện, chỉ hao một chút nước bọt mà giúp vua Hán chiếm gọn bảy mươi hai thành, ba quân không đổ một giọt máu tươi! Còn Hán Tín vai đầy thao lược, bụng ắp kinh luân; trong tay giữ muôn vạn hùng binh mà lại bị chết bởi kế mọn của một mụ đàn bà! Đàng nào đáng phục?
 
Thấy mẹ không vui, Hàm bèn quỳ xuống, đầu chạm đất, thưa rằng:
- Mẫu thân bớt giận, chẳng qua con cũng chỉ vì Hàm tộc mà thôi! Hàm tộc nhà ta từ cao tổ đến nay, bốn đời đều thân phơi chiến địa, da ngựa bọc thây, mà cuối cùng có được những gì? Có chăng là những sắc phong màu mè “Tận Trung Báo Quốc” “Thạch Trụ Giang sơn”! Những thứ đó không đổi được vàng ròng thiên dật của những thái giám kề cận mình rồng, cũng không sánh bằng ruộng đất nghìn vuông của những cẩu quan hút máu moi tim đám dân cùng khổ! Khi thanh bình thì chúng dùng miệng lưỡi cú diều hãm hại trung lương; thời binh lửa lại co cổ rút đầu trước tên thù, đạn giặc! Mới hay kim khôi không bằng mũ cánh chuồn, trường bào luôn hơn áo giáp!
 
Hàm phu nhân im lặng mà nước mắt rơi rơi.
 
Năm Sùng Trinh thứ 3 (1630), mấy tỉnh phương nam bị dịch, Hoàng Hà đê vỡ, nhà vua vì tham lam, u tối, không chịu xuất kho cứu giúp, nên nông dân, dịch tốt uất hận, nổi dậy chống lại triều đình, đời sống nhân dân vốn điêu đứng lại càng bi thảm! Người chết đầy đường, cọng cỏ không có mà ăn, có nơi phải giành nhau đào xác người mới chôn mà lấy tim gan lót dạ; tệ hơn nữa là đổi con làm thịt! Tình người còn thua dã thú!
 
Trước nạn đó, Hàm bèn cõng mẹ về đất Lý, dựng chòi dưới chân Lý Sơn, ban ngày săn bắn, đổi gạo nuôi mẹ, ban đêm quyết tâm mài miệt sách đèn.
 
2. Khách không mời.
 
Một tối đang sắc thuốc cho mẹ, Hàm bỗng nghe giọng nói như oanh từ cửa:
- Vừa nghe bá mẫu quí thể bất an nên tiện thiếp sang vấn an đây!
 
Hàm quay lại, vô cùng kinh ngạc khi thấy một kiều nữ áo lụa thướt tha mà chàng chưa từng gặp bao giờ. Bất chấp vẻ sững sờ của Hàm, kiều nữ vội đến bên Hàm phu nhân đang nằm thiêm thiếp, đưa tay bắt mạch, đoạn mở thang thuốc của Hàm còn lại, bốc lên xem, nhăn mày bảo Hàm:
- Uống thuốc nầy chỉ tổ bệnh thêm! Thầy thuốc bây giờ một là bọn thiếu tài, hai là lũ lương tâm bị chó tha đi mất!
 
Đoạn lấy trong tay áo một lọ thuốc màu xanh đưa cho Hàm, bảo:
- Hãy hòa vào nước cho bá mẫu uống sẽ khỏi ngay thôi!
 
Hàm cố giữ giọng ôn hòa:
- Làm sao ta tin được thuốc nàng đưa là thứ quỷ quái gì khi ta chưa biết nàng từ đâu đến?
- Hàm gia là ân nhân cứu mạng cả nhà thiếp, chả lẽ thiếp lại hãm hại ân nhân của mình sao?
 
Hàm nhất định không nghe, kiều nữ chỉ vào thang thuốc, dỗi hờn:
- Chàng chỉ biết luyện gươm, không biết gì về nghề thuốc, nếu có giải thích thì cũng bằng thừa! Đại để nếu uống thuốc nầy chẳng khác nào người tháo dạ mà lại cho uống bã đậu vậy!
 
Hàm quay đi, kiều nữ cắn môi:
- Nếu sau khi uống một khắc mà bá mẫu bị run người thì phải tự lo đấy!
 
Lại lấy trong tay áo một lọ thuốc màu vàng định đưa cho Hàm, nhưng rồi giận dỗi bỏ vào:
- Với kẻ ương ngạnh nầy thì có nói cũng vô ích thôi!
 
Đoạn bước nhanh ra cửa. Hàm thoáng ân hận, nhưng bóng hồng đã mất dạng.
Quả như lời kiều nữ, sau khi uống thuốc một chốc thì Hàm phu nhân run lên bần bật như kẻ ngồi trên đống băng, mồm lại láp dáp như kẻ mê cuồng. Hàm ôm mẹ khóc rống, thì kiều nữ từ cửa bước vào, giọng bề trên:
- Ta đã bảo mà không nghe!
 
Hàm vừa mừng vừa ngạc nhiên. Kiều nữ lại bảo:
- Là thầy thuốc, ta há vì một chút giận hờn kẻ vô tâm mà nỡ để cho con bịnh đau đớn hay sao?
 
Với thao tác thuần thục, kiều nữ nhanh tay châm vào các huyệt Hiệp cốc, Nhân trung, Trung quản, Thương dương, Dũng tuyền... đoạn lấy một chút thuốc trong lọ màu vàng lúc nãy, pha với nước cho phu nhân dùng. Thuốc vừa khỏi cổ, phu nhân thở “khì” một cái, thần sắc dần dần trở lại hồng hào. Kiều nữ bảo Hàm:
- Ngươi chớ lo nữa! Phu nhân đã hồi phục tám phần.
 
Hàm thi lễ:
- Đã trót mạo phạm, xin nàng chớ chấp. Ân đức nầy...
- Thiếp đã nói, Hàm gia mới là ân nhân của cả nhà thiếp, thì chút công mọn như hòn đất làm sao bù với ngọn Thái Sơn? - Đoạn, nhìn ra ngoài, tiếp:
- Trời ba mươi tối đen như mực, mà giờ nầy chỉ mới đầu canh. Chàng lại tiếc cho thiếp một chỗ ngả lưng sao?
 
Hàm bồi rối ra mặt, ấm úng chẳng ra lời. Kiều nữ than:
- Cái thân bơ vơ nầy có chết cũng vừa, ngặt vì làm mồi cho miệng sói rừng thật không đáng chút nào!
 
Rồi dợm bước. Hàm vội nói:
- Ta chỉ sợ mái tranh chật chội và giường chiếu đơn sơ không đáng tiếp nàng!
 
Kiều nữ mỉm cười:
- Người ta nói: “Bàn ăn mà có thêm đôi đũa thì cơm canh không phải nấu thêm”. Cái giường nầy, hai người nằm cũng còn rộng chán!
 
Bèn kéo Hàm cùng nằm. Phất tay áo làm tắt ngọn lửa của chiếc đèn đến hồi tàn lụn.
 
Đêm tối đồng lõa với hành động của hai người, nhưng lại tố giác tiếng cựa mình của chiếc giường và những tiếng rên khe khẽ tưởng chừng như của người bệnh, trong khi Hàm phu nhân đã an giấc tự lúc nào!
 
Đầu canh năm nàng choàng dậy, thư thả điểm trang. Bấy giờ Hàm mới có dịp và có tâm trí ngắm nàng tường tận: Đó là một nữ nhi tuổi chừng đôi chín, mắt phụng mày ngài, má môi như điểm phấn tô son, tóc mây tha thướt, diện mạo cực kỳ xinh đẹp, cốt cách phi phàm. Nữ nhân liếc Hàm, tủm tỉm cười:
- Tưởng đâu tránh được sói rừng, nào dè gặp con sói nhà nầy càng kinh khiếp hơn!
 
Đoạn đưa cho Hàm hoàn thuốc:
- Khi bá mẫu thức giấc, chàng cho người dùng “Định Thần Hoàn” nầy thì mọi việc không còn lo nữa!
 
Hàm ngồi phắt dậy:
- Nàng đi thật sao?
 
Lại cười, miệng đẹp như hoa:
- Giờ nầy sói rừng vào hang. Ở lại cho sói nhà nhai xương à?
 
Hàm nắm tay nàng:
- Ta không cam tâm khi chưa biết danh gia, quý tánh của nàng!
 
Lại tủm tỉm cười:
- Có duyên thì ngàn dặm cũng gặp nhau!
 
Rồi biến nhanh ra cửa, mất hút trong màn sương
 
Đêm sau, Hàm ngồi đọc sách mà cứ bồn chồn, lòng bứt rứt không yên, mặt u xào như lá úa, thì kiều nữ đến! Hàm vui ra mặt. Nàng lấy trong túi gấm nào rượu, nào thịt, bày biện đầy mâm:
- Hôm nay thiếp muốn cùng chàng say một bữa!
 
Rồi rượu rót tràn. Hai người trò chuyện nói cười ròn rã nghe chiều tương đắc lắm. Rượu châm vào, má đào càng chín:
- Thiếp họ Hồ, mẹ gọi thiếp là Thục Hà. Thục là tinh khiết, hiền lành; hà là sen đó. Nhà bên đông Ly Sơn.
 
Hàm vốn biết phụ thân dù là hạng võ biền nhưng lại rất nhân từ, trong đời đã cưu mang, cứu mạng không biết bao người. Dù vậy, vẫn hỏi nàng:
- Chuyện thế nào, nàng có thể kể cho ta nghe chăng?
- Bây giờ thì chẳng giấu chàng chi nữa. Thiếp là chồn đây! Trước kia, khi mẹ dẫn chị em thiếp du chơi, bỗng đại bàng từ lưng trời lao xuống, nếu không nhờ Hàm tiên phuông cho nó một mũi tên, thì mẹ con thiếp đã phí đi ngàn năm tu luyện!
 
Thấy Hàm vẫn điềm nhiên, bèn hỏi:
- Chẳng sợ à?
- Thuở nhỏ ta thường đọc truyện của Bồ tiên sinh, lòng hằng mong được duyên kì ngộ. Con người dù chẳng có móng dài nanh nhọn, nhưng tâm địa độc ác khó lường! Ta chỉ thấy người giết chồn chứ chưa thấy chồn xé thịt người bao giờ, cớ chi phải sợ? Hơn nữa... - rồi cười, tiếp: gặp con chồn xinh đẹp tài giỏi như thế nầy là phước duyên nghìn năm khó gặp, thì chỉ sợ nó biến mất mà thôi!
 
Rồi ôm ghì lấy nàng. Thục Hà điểm vào trán Hàm:
- Rõ là khéo ăn khéo nói!
 
Đoạn hỏi sang việc khác:
- Cớ sao chàng bỏ gươm theo bút?
 
Hàm nói rõ ý mình. Thục Hà nhìn chàng đăm đăm:
- Chớ cho rằng thanh gươm luôn gây điều ác nghiệt mà ngọn bút không hề tạo nỗi oan khiên! Lỡ một đường gươm chỉ giết chết một người, nhưng lỡ ngọn bút sẽ làm khổ đau trăm họ. Ngọn bút vẽ vời tư tưởng; nghiên son truyền đạt ý tình. Ý tình chân chính sẽ đem cho lê dân nghìn năm no ấm, nhưng tư tưởng ngông cuồng sẽ di hại muôn đời cuộc sống quần sinh! Rửa sạch máu trên lưỡi gươm là chuyện dễ dàng, nhưng xóa đớn đau trong lòng nhân loại phải chẳng là chuyện một ngày một buổi! Chàng nên cân nhắc!
 
Lại hỏi:
- Từ khi quăng gươm, việc múa bút thế nào?
 
Hàm còn ấm ớ, thì Thục Hà bèn đến bên án thư, giở giở xem xem, rồi nhăn mặt mà rằng:
- Văn chương thi phú như vầy mà muốn vượt Vũ Môn sao?
 
Rồi nghiêm mặt bảo Hàm:
- Từ nay, thiếp sẽ ở lại để chàng có thời gian sớm chiều đọc sách, và chàng cũng nên từ bỏ việc săn bắt để khỏi phạm nghiệp sát sanh. Chuyện cơm áo gạo tiền, chăm sóc bá mẫu... đã có thiếp! Chàng chớ bận tâm.
 
3. Đền đáp ân sâu.
 
Thục Hà vốn giỏi thi thư, làu thông dịch số, lại có tài bốc thuốc. Mới nửa năm mà cứu sống không biết bao con bịnh thập tử nhứt sanh. Lại thường giúp đỡ cho những người nghèo khó, neo đơn. Y đức rền vang khắp huyện, người đến xem mạch chật nhà. Với Hàm và phu nhân, Thục Hà một mực tôn kính, sáng nước chiều cơm vô cùng chu đáo. Với Hàm, ngoài tình phu phụ, Thục Hà còn là người thầy nghiêm khắc. Nhờ vậy mà việc học của Hàm ngày càng tấn tới, kinh điển làu thông, sách mua không kịp. Cuối đông năm Ất Mẹo, Hàm ôm vợ, nghẹn ngào:
- Mẹ ta nhờ nàng mà thân thể kiện khang, ngày ngày an lạc. Ân đức nầy bao giờ mới trả được đây?
- Chàng chớ nói những lời khó nghe như vậy! Thiếp chỉ làm bổn phận của người vợ, kẻ dâu con. Hơn nữa, thiếp thọ ơn Hàm gia như núi, thì những lời của chàng, thiếp nói mới phải lẽ hơn.
 
Mùa xuân năm sau (Bính Thìn), Hàm có ý muốn lai kinh ứng thí. Thục Hà không vui:
- Với bản lĩnh của chàng bây giờ thì bảng hổ danh đề chẳng khó khăn chi, nhưng thời buổi nầy, nếu chỉ cậy vào thực tài thì khó lòng toại chí. Chi bằng...
 
Hàm nhăn mày:
- Dù thế nào ta cũng phải gồng thân cá chép để vượt Vũ Môn, tung cánh chim hồng để bay cao chín tầng mây thẳm. Trước là đền ơn mưa móc, sau là giúp cho bá tánh hoan lạc âu ca. Không những Hàm môn rạng rỡ, mà nàng cũng được đường đường mệnh phụ phu nhân.
 
Thục Hà thở dài:
- Hiền tài thời Nghiêu Thuấn khác chi bảo ngọc, dù trong bóng tối cũng ngời ánh hào quang; ngược lại vào thời Kiệt Trụ khác chi bò heo trước lưỡi dao đồ tể! Lời vàng ngọc không giúp được gì cho trăm họ, lại làm điếc tai nhức óc hôn quân! Ngày nay, hoàng đế thì tham dâm vô độ, trong triều thì củi mục làm quan! Thái Giám Ngụy Trung Hiền chuyên quyền, lập đội sát thủ Đông Xưởng để tiêu diệt trung thần. Khắp nơi sơn dã, Lý Tự Thành thừa cơ cướp bóc. Phía bắc thì Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã vượt biên cương. Lê dân khốn khổ trăm bề. Chức quan phải đổi bằng vàng. Bảng hổ phải cậy vào quyền thế. Quan tham tranh nhau vơ vét của công, của tư. Bậc trí giả nhìn quốc gia đại loạn nhưng cũng phải đành bó gối khoanh tay. Dù Thái Sơn cũng không vá được gầm trời, thì viên sỏi nhỏ làm sao lấp bằng biển cả? Làm người dân thời loạn, sinh mạng như gởi trước vực sâu, huống chi là chốn quan trường, nanh hùm nọc rắn giờ phút chực chờ? Chàng nên cân nhắc!
 
Những lời chí tình đó không thay đổi được ý định của Hàm. Thục Hà đành chuẩn bị hành trang cho chồng. Ngày Hàm lên đường nhằm tiết Thu Phân, cây rừng buông từng chiếc lá vàng thê lương đưa tiễn.
 
Đến mùa thu sau, Đạo quân của “Sấm Tặc” Lý Tự Thành thế mạnh, uy hiếp Bắc Kinh mà Hàm vẫn bặt vô âm tín. Thục Hà ngồi đứng không yên, lòng thương chồng làm mai gầy liễu rũ. Bỗng một buổi gia nhân hơ hải báo:
- Công tử đã về!
 
Thục Hà bỏ cả hài thêu, vội chạy ra, thấy Hàm oằn oại trên vai một đại sư đang bước vào đại sảnh. Mọi người còn ngơ ngác, đại sư quẹt mồ hôi trên trán, bảo:
- A Di Đà Phật! Bần tăng đi ngang qua U Lâm, chợt thấy công tử đang thiêm thiếp bên đường bèn mang về cho đại thí chủ.
- Từ đó đến đây hàng trăm dặm đường. Thật vất vả cho đại sư!
- Công tử bị suy kiệt nặng, may mà gặp bần tăng kịp thời cho uống linh phù. Bây giờ mọi việc tạm yên, việc còn lại là phần của đại thí chủ.
 
4. Ăn Tết với ma
 
Hàm kể:
- “Khi đến U Lâm trời đã xế chiều, Hàm cố vượt thêm năm dặm để đến U thôn. Mặt trời vùng núi xuống nhanh, mây đen từ đâu kéo về làm không gian càng thêm u tối. Chướng khí lạnh buốt tận xương. Ngựa, người vừa đói vừa sợ, bỗng nhác thấy ven rừng thấp thoáng mấy gian lều cỏ, lòng khấp khởi mừng...
 
Đến nơi thì ra đó là những túp lều hoang. Đang nhóm lửa, bỗng thấy ngoài xa có ánh đèn đi tới, Lòng vừa mừng, vừa lo sợ. Vội dập lửa, nấp vào một chỗ. Ánh đèn càng gần, mờ ảo một bóng hồng. Càng gần hơn, Hàm cả mừng, dù dưới ánh sáng chấp chóa chàng cũng nhận được rõ ràng kiều nữ chính là Thục Hà. Hàm ôm chầm lấy vợ:
- Sao hiền thê lại gian khổ thế nầy?
 
Thục Hà làm mặt giận:
- Chàng đi xa ngàn dặm lại bảo thiếp an lòng được sao?
 
Nói rồi lấy rượu thịt từ trong tay nải, bày trên bàn, cùng ăn uống no say.
- Sao giọng nàng là lạ như thế?
- Gió lạnh đường xa, không cảm mạo mới lạ!
 
Đêm đó ân ái nồng nàn.
 
Hàm đột ngột hỏi:
- Sao da thịt nàng lại lạnh thế nầy?
- Tắm mình trong sương, gội mình trong tuyết, dù than hồng cũng phải lạnh ngắt mà thôi!
 
Có vợ bên mình, vừa an tâm, vừa mệt mỏi, Hàm ngủ mê man.
 
Tiếng cú kêu sương và khí lạnh núi rừng làm chàng tỉnh giấc. Ngồi dậy choàng chăn cho vợ, chợt kinh hoàng thét lên:
- Nàng là ai? Hiền thê ta đâu?
 
Nằm bên chàng là một thiếu nữ xa lạ, Mớ tóc tuyền che hớ hênh hai gò bồng đảo trắng ngần nhấp nhô theo hơi thở. Kiều nữ cười hiền hòa:
- Chàng nằm mơ đó chăng? Thiếp không phải là vợ chàng thì ai vào đây chứ? Nhìn kỹ xem nào?
 
Hàm dụi mắt, định thần nhìn lại, rõ ràng là Thục Hà! Lòng vẫn nghi ngờ, Hàm bèn kéo mạnh kiều nữ qua thế nằm xấp, đảo mắt nhanh trên lưng nàng, rồi nắm chặt tay nàng giận dữ:
 
- Nàng không phải vợ ta!
 
Bây giờ trước mặt Hàm “Thục Hà” lại là một xuân nữ cực kì xinh đẹp. Mặt hoa ủ dột, hai hàng mi chơm chớp cố giữ lại giọt buồn. Hàm gay gắt:
- Nếu chẳng là loại gái lẳng lơ, thì cũng là yêu ma để hãm hại người! Ta vốn dòng vũ tướng, chớ dại dột giở trò!
 
Hai dòng lệ lăn tròn lên má, kiều nữ giọng buồn buồn:
- Chàng có bị ma hại bao giờ chưa mà lại hung hăng như vậy?
 
 Chàng hãy nhìn lại xem trong “thế giới người” của chàng, có mấy ai bị chết vì ma? Chinh chiến liên miên, xương khô như núi bên bờ Vô Định; thiên tai chồng chất, Hoàng Hà đê vỡ mà cửa kho vẫn khóa kín như bưng, không cho hạt thóc lọt ra ngoài, khiến triệu sinh linh chẳng một cọng cỏ mà ăn, để cho xác chết ngập đường. Đó là do ma hại đó sao?
Hàm nhìn nàng trân trối...
 
Như hiểu được phần nào ý nghĩ của Hàm, kiều nữ lau mắt, tủm tỉm cười:
- Nhìn xem con ma có răng nanh hút máu không à? Hãy về mà nhìn lũ tham quan, xem bọn cường hào ác bá! Miệng mồm chúng thế nào mà dân tình phải lấy lá rừng làm áo, lấy cỏ làm cơm? Trước kia thiếp cũng bị người hại nên giờ mới thành ma! Khi thành ma, thiếp đã phải ân hận vì đã phải làm người!
 
Nghe cũng có lý, mà âm thanh lại ngọt ngào êm ái, lòng Hàm cũng dịu đôi phần. Kiều nữ tiếp:
- Khi còn tại thế, dù nhan sắc nầy chẳng dám sánh với mẫu đơn, nhưng với phù dung, hải đường thì chúng phải nhường một bước! Hoa xinh trong thời loạn lạc, khác nào hiền tài trước bạo chúa, hôn quân! Khác chi đàn khảy tai trâu, hay ngọc quăng mặt chó? Muốn sinh tồn thì phải chịu mưa dập gió vùi, hay hùa theo chúng mà phải đạp chà khí tiết sĩ phu. Thiếp muốn bảo vệ băng trinh nên tự kết liễu đời mình; còn chàng thì chọn hướng nào?
 
Một chút cảm mến trong lòng, Hàm ngần ngừ một hồi rồi buông một câu ngớ ngẩn:
- Vậy cớ sao nàng lại đến cùng ta?
- Tháng năm nằm trong vùng âm u tối, nên thịt da không được ấm áp như bao người được hưởng ánh dương quang - nàng liếc Hàm rồi tiếp -  Âm đã suy, tàn thu càng suy kiệt, thiếp muốn “mượn” chút dương khí mà bù đắp đó thôi! Nhưng đã thề với lòng, thà thân nầy tan thành tro bụi chứ không thể gởi thân cho kẻ thất phu!
- Nhưng ta không thể phản bội vợ mình.”
 
Hàm kín đáo nhìn vợ, Thục Hà che tay áo giấu nụ cười sung sướng, nhưng giả bộ lớn tiếng:
- Láo phét! Rồi sao nữa?
 
Hàm tiếp:
- Rồi nàng ấy cười ngất, “Thế đầu hôm ai làm gì mà như ăn tươi nuốt sống thiếp vậy? Lần đầu nếm mùi chăn gối, chàng làm thiếp sợ điếng hồn... 
 
Thục Hà cắn chặt răng, nhìn Hàm, chàng tiếp:
- Ta sợ nàng nói thêm những lời khó nghe, vội cướp lời: “Xem nàng cũng là bậc thư hương, sao dạn mồm dạn miệng như vậy?”
 
Kiều nữ mai mỉa:
- Giống ma bọn thiếp, trong bụng nghĩ sao thì lời nói ra như vậy; chứ không phải giống người của chàng mồm một đàng, bụng một nẻo. Bên nào đáng khinh, bên nào đáng trọng? Tỉ tỉ ở nhà chẳng phải cũng mượn cớ “sói rừng” mà kéo chàng lên giường đó sao?
 
Đại sư quay mặt sang bên, Thục Hà thẹn chín người, quát:
- Thôi đủ rồi! Chuyện như vậy mà không biết giấu vào bụng à?
 
Bỗng máu hoạn thư nổi dậy:
- Rồi cũng vì mê mẩn tâm thần mà chẳng chịu lai kinh, lại chẳng biết đường về?
- Không phải vậy! Ta muốn lai kinh để kịp kỳ thi, nhưng nàng lại bảo kinh kỳ có biến, quân “Sấm Tặc” làm chủ mọi nơi. Nếu đi, khác nào nộp mình cho... sói!
 
Thục Hà lấy tay áo che mặt, cố nén cười, lầm bầm : “ Sói, sói! Tức chết được mà!” Rồi dọn bộ mặt nghiêm trang, giọng như quát:
- Sao không trở lại nhà, mà cứ ở lì nơi ấy suốt năm trời. Không biết mọi người nóng lòng trông đợi hay sao?
- Muốn có được đâu! Thì ra những túp lều hoang ấy không như ta tưởng, mà nó nằm giữa đại ngàn. Biết phương hướng nào mà trở lại?
 
Mọi người lặng yên, Hàm tiếp:
- Đến một hôm nàng ấy ủ dột mà rằng: “ Ý trời đã định thì lòng người chớ khá cưỡng cầu! Thiếp chẳng qua là cơn gió núi mượn lá rừng dạo khúc tình si. Rồi sẽ như hạt sương lạnh lùng phải vỡ tan khi vầng dương ló dạng. Thiếp chỉ là nơi phủi áo bụi đường; mà tỉ tỉ mới chính là nơi gởi đời vĩnh cửu. Hãy uống với thiếp một lần, mong ngàn sau chàng vẫn nhớ
 
Hàm e dè nhìn vợ:
- Rồi rượu thịt bày đầy, ta uống đến mê man, chỉ loáng thoáng nghe bên tai: “Có duyên, sẽ gặp. Rồi ta không nhớ gì nữa!
 
Thục Hà và đại sư nhìn nhau. Hồi lâu đại sư bảo:
- A Di Đà Phật! Mỗi người đều có một nghiệp duyên, dù trốn lên núi cao, hay nấp dưới vực sâu cũng không tránh khỏi. Gieo nghiệp thiện tất hưởng quả lành; gieo nghiệp dữ phải thọ tai ương. Công tử đây và con ma đó tất phải có nợ duyên từ kiếp trước. Dù sao, công tử cũng đã về rồi, đại thí chủ cũng nên độ lượng!
 
Kha Tiệm Ly
 
--

KHA TIỆM LY
99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho Tiền Giang
Tel: 0987  701  952   -   01229  880  130
Email: khatiemly@gmail.com

READ MORE - ĂN TẾT VỚI MA – Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly

NHỚ - Thơ Nguyên Lạc

 


NHỚ
 
Bỗng nhiên nhớ
điếu thuốc
và
ly cà- phê đắng
khói nhòa mắt cay
Góc đêm
vọng khúc tình hoài
Bao năm rồi đó chẳng phai chút nào!
Bỗng nhiên nhớ đến nôn nao!
Cà- phê. khói thuốc. đèn màu. quán đêm
Nồng nàn hương quế môi hôn
Bao năm rồi đó trọn hồn lưu vong
 
Quán đêm. góc vắng. cô đơn
Đắng hồn luân lạc khúc buồn ly tao
Mất nhau từ cuộc ba đào
Làm sao tìm lại thuở nào tình nhân?
Não nùng từng nốt nhạc buông
Lời ca nức nở "Con đường mộng tan" *
 
Cố nhân! Tôi nhớ mùi hương
Quán đêm. khói thuốc. son trầm môi ai
Cách gì quên được em đây?
Trăm năm có đủ phôi phai bóng hình?
 
Bỗng nhiên nghe nhói tim mình
Quên làm sao được?
Thôi đành!
Thiên thu...
 
Nguyên Lạc
 
...........
 
* Tên bài hát: The Boulevard of Broken Dreams - Diana Krall
 
READ MORE - NHỚ - Thơ Nguyên Lạc

HOÀI NGHI – Thơ Trần Mai Ngân




HOÀI NGHI
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi mãi vầng trăng khuyết nửa
Không tròn đầy như thuở mười lăm
Những giận hờn đôi mắt xa xăm
Đầy giông bão về nơi xa lắm!
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi môi hồng đào thơm ngọt
Không thật thà chỉ cảm xúc thăng hoa
Giận đôi tay hương ngát ngọc ngà
Anh xô hết tình nghiêng chao đảo...
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi đất trời đầy giông bão
Để xa xôi lặng lẽ nơi này
Bóng nguyệt soi cứ thế không đầy
Có nước mắt không tỏ bày rơi xuống...
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi cả sóng xô cuồn cuộn
Dập dồn say phiến đá lạnh lùng
Tiếng vang dội muôn trùng phiền muộn
Con sóng tình vỗ một âm thanh...
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi mưa nắng cứ loanh quanh
Để người nhận nghe lòng quạnh quẽ
Câu xưng tội chiều nay nói khẽ
Là Chúa ơi! Con nhỡ yêu người!
                  
Trần Mai Ngân

READ MORE - HOÀI NGHI – Thơ Trần Mai Ngân

NGHỈ TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Sương

 

Tác giả Nguyễn Thị Thu Sương


NGHỈ TẾT

Truyện ngắn

Nguyễn Thị Thu Sương


Tặng các bạn KTX 135 Trần Hưng Đạo, Q1.



        Sắp Tết rồi! Cả Ký túc xá xôn xao hẳn lên. Các bạn ai cũng chuẩn bị về quê ăn Tết.

          Loan xếp mấy bộ áo quần vào túi xách, sắp xếp sách vở vào chiếc rương gỗ đầu gường. Tết này, về nghỉ và không cần mang theo sách vở về học vì đã thi xong học kỳ. Loan thấy vui vẻ và trông mong được về nhà.

          Đi vào Sài Gòn học đại học, được ở ký túc xá , có tiêu chuẩn gạo 13kg và còn thêm 16 đồng phụ cấp. Số tiền đó nộp cho ban quản lý KTX cùng 13kg gạo để nhà bếp nấu cho sinh viên ăn ngày hai buổi.

        Các bạn thường nói đùa về đời sống của sinh viên ở KTX “ Ăn như tu , ở như tù, nói như lãnh tụ “.  Đời sống sinh viên thời bao cấp thật khó khăn, mà thời đó ai cũng cực khổ cả. Cơm gạo khó khăn. Đi học được ăn cơm, còn ở nhà cha mẹ và các em phải ăn cơm độn khoai, sắn .

              Cơm được nhà bếp nấu trong những chảo to, gạo có vo nhưng thóc, trấu và sạn không được lượm gì cả. Gạo hồi đó thóc, trấu và sạn lẫn lộn. Ăn một chén cơm mất gần nửa tiếng đồng hồ ngồi nhặt thóc và sạn. Nam sinh viên không kiên nhẫn ăn bừa đa số sau này bị đau bao tử cả.      

              Thức ăn gồm có canh và một món mặn. Chúng tôi hay nói “canh toàn quốc "vì canh có ít rau lượn lờ còn lại là nước “mênh mông”. Món mặn thường ăn là bắp sú Đà Lạt xắc nhỏ xào với một tí mỡ. Tôi sợ đến giờ không bao giờ dám ăn lại món đó. Món thứ hai ấn tượng hơn là món ruốc kho ( ở Miền Trung gọi đó là con khuyết thường dùng để làm ruốc). Ban quản lý KTX mua mấy tấn ruốc khô chất đầy một kho, cho sinh viên ăn ròng rã mấy tháng trời không hết. Đi từ tầng năm xuống tầng trệt nhận suất cơm, thấy ruốc, anh chị em lắc đầu ngao ngán, leo lên cầu thang không nổi. Hải sản, nước mắm hồi đó ở Sài Gòn cũng đắt đỏ vì đó là mặt hàng mà bạn hàng Phan Thiết, Bình Tuy chở lậu vào Sài Gòn bán.  Vì thế nước mắm của KTX được chế từ cơm cháy tạo màu đỏ đậm bỏ thêm muối và cắt vài trái ớt vào. Đói quá không có gì khác hơn sinh viên cũng phải ăn thôi. Thỉnh thoảng sinh viên cũng được ăn thịt heo kho vì tiêu chuẩn thực phẩm của sinh viên có vài trăm gram thịt mỗi tháng. Những lần được ăn như thế, lúc đó gọi là “ăn tươi“.

            Những ngày hết gạo, sinh viên được ăn bo bo, loại lúa mạch của Liên Xô viện trợ. KTX nấu lên như cơm, sinh viên nhờ có hàm răng chắc khỏe nên ngồi nhai miệt mài cả tiếng đồng hồ mới hết một chén cơm. Thỉnh thoảng KTX phát bánh mì thay cơm, mỗi bạn được một ổ mì và lâu lâu có được 100-200gram bơ.

             Cuộc sống sinh viên khó khăn nên có dịp ai cũng tranh thủ về nhà, mang thêm đồ ăn từ gia đình . Các bạn Miền Tây về nhà mang gạo, trái cây, tôm, cá khô. Còn Loan ở xứ biển, mang nước mắm, cá khô, một nồi cá kho thật ngon.

           Trong lớp Loan, chỉ mình Loan ở KTX . Loan ở chung phòng với các bạn lớp khác.Các bạn KTX đa số ở Miền Tây như: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gò Công, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ, Kiêng Giang, …., còn Miền Đông thì có Vũng Tàu, Long Khánh, Tây Ninh. Trong KTX, ít người Miền Trung, người Quảng Trị có mình Loan và thêm ba bạn gái người Huế . Lúc đầu Loan nói chuyện các bạn không hiểu, cứ hỏi liên tục “ hả, bạn nói cái gì.” Sau dần dần các bạn cũng quen và hiểu. Loan không có khiếu bắt chước nên không giả giọng Nam được. Các bạn Miền Tây rất thương mến Loan. Sau khi học bài xong, cả bọn ngồi lại tám chuyện, có bạn bày ra hát vọng cổ. Các bạn Miền Tây hát vọng cổ và cải lương rất hay. Các bạn mua các tuồng cải lương nhỏ bỏ túi. Mỗi bạn đóng một vai, ca hát rất mùi . Có hôm, Huệ nói :          

             -Loan tập hát vọng cổ đi.

            Loan trả lời:

           - Mình nói tiếng Nam còn chưa xong sao mà hát vọng cổ được.

           Minh  trong  phòng Loan nói:

          - Sao nghe Loan hát Tân nhạc hay bình thường mà.

           Loan nói:

           - Các bạn cứ đóng tuồng hát đi, mình đã chọn được một vai phù hợp với mình rồi.

          Các bạn nhao nhao lên hỏi:

          - Vai gì dzậy?

          Loan trả lời:

          - Vai quân sĩ, chỉ nói “ Dạ “ thôi.

          Các bạn cười vang và gật đầu đồng ý. Từ đó tuồng cải lương nào Loan cũng tham gia đóng vai quân sĩ.

              Các bạn Miền Tây hay rủ Loan về quê chơi, nhưng hồi đó đi lại đâu dễ dàng gì, tiền vé xe cũng mắc, nên đành hẹn lại sau khi ra trường. Các bạn rủ ra trường về quê bạn ấy làm việc và sống cùng các bạn. Các bạn Miền Tây rất dễ thương, chân thành và rộng rãi. Khi về quê lên, lúc nào cũng mang trái cây, bánh trái cho Loan.

        Trong KTX , trước đó có đôi lần xảy ra mất trộm, nhưng không tìm ra được thủ phạm.

        Hôm đó, gần mùa thi, ai cùng chăm chỉ học bài. Phòng Loan đi ngủ rất trễ, Loan học bài xong, chuẩn bị đóng cửa đi ngủ. Chị Tâm ở trong phòng nói: “Để cửa đó cho mát, chút đi ngủ chị đóng cửa cho”.

          Loan đi ngủ trước, khoảng bốn giờ sáng giật mình tỉnh giấc, Loan thấy cửa phòng không đóng, dấu chân bẩn của ai từ phòng tắm dẫn đến tủ áo quần.Loan bước xuống gường, bước đến tủ áo, vén bức màn lên:  Hởi ơi ! không còn bộ đồ nào cả.

         Loan la lên :” Dậy đi các bạn, ăn trộm lấy hết áo quần của tụi mình rồi!”

          Các bạn choàng dậy, tỉnh giấc.  Té ra hồi đêm chị Tâm ngồi học bài rồi ngủ ngục quên đóng cửa. Mỗi người kiểm tra lại xem mất bao nhiêu bộ áo quần. Loan xui xẻo nhất, ủi một lượt áo quần treo lên hết cả trong tủ. Ăn trộm lấy toàn bộ tủ áo, coi như Loan mất hết áo quần. Sáng hôm đó, Loan phải nghỉ học vì không có áo quần đến lớp. Tiền bạc khó khăn, đâu có sẵn để mua vải may áo quần lại. Huệ bạn thân trong phòng cho Loan mượn áo quần mặc đỡ đi học, ba tháng sau, Loan mới may được áo quần lại. Sau chuyện này, KTX tìm bắt được kẻ ăn trộm trong KTX.

       Nhà nghèo cha mẹ cho đi học là quý lắm rồi, đi học có tiêu chuẩn nhà nước cho ăn và ở. Tuy nhiên chi phí sinh hoạt cũng là một khoản tiền đau đầu . Có bạn biết móc túi xách , mua chỉ cước đủ màu về móc túi xách bán. Cả KTX rộn ràng chuyện dạy nhau móc túi xách. Loan cũng khéo tay móc nhiều kiểu túi ra chợ Bến Thành bán. Mỗi túi bán kiếm thêm ít tiền tiêu pha. Loan biết đan áo len, bày cho các bạn đan những kiểu áo len khoác nhẹ vào mùa đông. Học bài xong các bạn miệt mài ngồi móc túi xách và tập đan áo. Nhưng nhiều bạn phải đành chịu thua việc học đan áo len, vì có bạn không thể cầm được que đan, thao tác khó hơn cầm móc chỉ nhiều.

        Những ngày lễ Noel nhiều bạn không có người thân theo đạo Công giáo . Loan và nhiều bạn ở nhà ra cửa sổ nhìn xuống đường Trần Hưng Đạo xem người ta đi chơi. Sài Gòn hồi đó không có nhiều nơi giải trí và không tổ chức lễ Giáng sinh như bây giờ. Người dân Sài Gòn ngoại đạo không biết đi đâu. Họ đổ ra đường, vai chen vai , các thanh niên nam nữ cứ đi từ các nẻo phố đổ dồn về đường phố chính Trần Hưng Đạo,đoàn người về phía đường Lê Lợi, và đích đến là Nhà thờ Đức Bà. Nhưng mấy ai đến được nhà thờ Đức Bà. Đám đông cứ đứng đó, chen chúc nhau cho đến 12 giờ đêm rồi từ từ giải tán. Năm nào cũng thế, Loan tự hỏi không biết họ vui thú gì mà chen chúc nhau đi như thế và biết rằng không bao giờ đến được nhà thờ Đức Bà.

            Tết đến, sinh viên ai cùng vui mừng cả. Sắp gặp ba mẹ, các em, và được về nhà ăn ngon .

             Thời đó đi mua vé về quê không phải dễ dàng gì. Sáng thật sớm, Loan đi chuyến xe buýt đầu tiên ra Bến xe Miền Đông. Hôm đó, Loan bị bọn móc túi trên xe buýt rọc túi xách. Lưỡi dao lam sắc bén đã làm rách túi xách và làm rách cái áo. Tiền Loan cẩn thận bỏ trong người nên không bị mất. Tiếc cái túi xách mới mua và chiếc áo đẹp mới may. Loan vội đến sắp vào hàng dài chờ mua vé. Cuối cùng nhờ có thẻ sinh viên, Loan mua được một vé và khi ngồi yên trên xe, mới thấy an tâm. Sau gần hơn nửa ngày đường vất vả, Loan về đến thị trấn.

             Đoạn đường gần 5 cây số, Loan cuốc bộ về nhà. Nhà hai bên đường không có thay đổi bao nhiêu, vẫn những hàng cau cao ngất, có những buồng cau đong đưa trong gió, những bông cau mới nở tỏa hương thơm theo gió làm Loan cảm thấy dễ chịu. Những cây dừa sai trái dọc hai bên đường rủ bóng làm che mát cả đoạn đường từ Ngã tư Quân cảnh đến gần nghĩa địa.

             Khi đến nghĩa địa, có nhiều cây xương rồng mọc trên cát trắng , những ngôi mộ che khuất trong lùm cây, khi ẩn khi hiện. Đây là nơi Loan sợ nhất khi đi về nhà. Tâm cầu nguyện , miệng đọc A Di Đà Phật . Trời chiều ảm đạm và hiu hắt làm khung cảnh càng vắng lặng hơn. Gió từ biển thổi vào lồng lộng, thỉnh thoảng có tiếng Tắc kè kêu, làm cô giật mình, Loan mong đi qua khỏi nơi đây. Xa xa thấy vài ngôi nhà thấp thoáng, Loan mừng rỡ bước nhanh. Nhà cửa của người Động Đền vẫn còn nhà lá, nhà gỗ lợp tôn cũng không nhiều. Cuộc sống nơi đây vẫn khó khăn, nương rẫy bạc màu, chỉ trồng được khoai, sắn, bắp mà thôi. Khoai sắn, than củi đắp đổi qua ngày, cha mẹ gắng sức lo cho con cái học hành. Các học sinh Quảng Trị ở Đồng Đền đa số học giỏi, cố gắng học để đậu vào Đại học hay các trường chuyên nghiệp nhằm kiếm một ngành nghề thoát khỏi cuộc đời khó khăn ở nơi đây.

            Loan nghĩ đến những ngày đói khổ đi học trung học xa nhà. Những đêm học bài miệt mài trong mùa thi vào đại học , bên ngọn đèn dầu leo lét mà trong bụng đói meo, những lo âu hồi hộp chờ đợi kết quả. Loan đã hạnh phúc nhận kết quả trúng tuyển và rời nhà đi học. Loan nghĩ miên man  nhiều chuyện và không ngờ sắp về đến nhà.

         Loan bước vào nhà, vui mừng hạnh phúc đến bên ba mẹ và các em.


                                     Nguyễn Thị Thu Sương

                                               26/9/2021.

READ MORE - NGHỈ TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Sương

BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VỸ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ - Phạm Ngọc Thái

BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VỸ DẠ" 

CỦA HÀN MẶC TỬ

         

                           Phạm Ngọc Thái

 

 Thi nhân Hàn Mặc Tử

                    

 

        ĐÂY THÔN VỸ DẠ

 

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

 

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.

 

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

                 Hàn Mặc Tử

 

Lời bình: 

Bài thơ được mở đầu với lời trách móc của người con gái. Lời trách ấy có lẽ do một hoàn cảnh gặp gỡ nào trước đó được thi nhân nhớ lại:

                   Sao anh không về chơi thôn Vỹ?

      Câu mở đầu như thế giúp cho ý tưởng kiến thiết bài thơ thôn Vỹ gắn với nỗi nhớ người xưa, được gợi lên trong kỷ niệm:

                Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

               Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

       Nghĩa là, từ hàng cau đến cái nắng mới vào buổi sáng ấy... màu xanh của vườn cây đều là cảnh hiện lên trong hồi tưởng. Thôn Vỹ nói riêng cũng như mỗi làng quê Việt Nam nói chung: Hình ảnh hàng cau thường đọng lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người khi đã xa quê. Ta cũng thấy ở trong thơ Nguyễn Bính từng viết:

                Nhà tôi có một hàng cau liên phòng

      Hàng cau dưới ánh nắng mới vào buổi sớm thì trong mát, thanh thiên lắm! Cảnh quê cô đọng được hoà quyện vào mối tình đầu trong sáng, mơ mộng của thi nhân. Dù mối tình với nàng Hoàng Cúc chỉ đơn phương về phía Hàn Mặc Tử. Tình cảm sâu lắng đã trở thành hoài niệm mãi trong cõi nhớ của ông, bởi thế màu xanh của lá cây trong vườn cũng lung linh mà "xanh như ngọc"...

    Như vậy cảnh nhớ ở ba câu đầu tuy chỉ là hồi tưởng, nhưng lại xuất phát từ cảnh có thực. Sở dĩ tôi nhấn mạnh về chữ "thực", vì chỉ đến câu thứ tư hình ảnh thơ đã có ý nghĩa tượng trưng:

                Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

     "lá trúc" và "chữ điền" thuộc những ngôn từ mỹ học! Hình tượng cây trúc làm tượng trưng trong thơ HMT, ta còn thấy ở trong bài thơ Mùa Xuân Chín:

                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

    "trúc" là hình ảnh biểu tượng cho làng quê, còn "mặt chữ điền": theo cách nói cổ nho của người phương Đông, là ví cho gương mặt nam nhi. Trong bài thơ này, gương mặt chữ điền ấy để biểu tượng cho chính bản thân thi nhân.  Hai chữ "che ngang" kia - Nghĩa là thôn Vỹ với nhà thơ giờ đây chỉ còn ở trong kỷ niệm, mãi mãi phải cách xa... nên đã bị "cắt ngang".

     Ngay bốn câu của khổ thơ đầu, ta đã nhận thấy cấu trúc và tư duy thơ HMT đều được thiết lập theo trình tự suy lý... về nỗi cảnh mà lập thành tứ. Sau đó phát triển sâu hơn ở khổ thơ thứ hai, khi nói đến tình duyên dang dở giữa hai người:

                Gió theo lối gió, mây đường mây...

      Ý là:

                Em theo đường em, anh đường anh

                Duyên phận đôi ta có thế thôi!

      Tả cảnh nhưng chính để nói nỗi đời:

*   Dòng nước buồn thiu (tĩnh), hoa bắp lay (động)...

      Cái (tĩnh) và (động) ấy chỉ để bộc lộ một cõi lòng, tâm trạng cô đơn và buồn. Thi nhân ngồi nhớ người xưa, lòng ông lặng lờ buồn bã như dòng nước hắt hiu, nhưng trái tim vẫn bổi hổi, xôn xao như làn "hoa bắp lay"...

                Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

                Có chở trăng về kịp tối nay?

       Đây là hai câu thơ thần cảm. Hình ảnh thuyền và sông trăng theo cảm xúc ùa vào trong thơ mà bật ra làm cho tình thơ thêm rộng rãi, rung rinh, nỗi thơ càng mênh mang, da diết.

     Xin nói thêm, cảnh thuyền và sông trăng ở đây theo như một số nhà bình luận: Người thì cho đó là cảnh trong một bức ảnh về Huế mà nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân khi đang lâm bệnh phải điều trị ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng cũng có người lại nói rằng nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân tấm ảnh mặc áo dài trắng? Chứ không phải là phiến cảnh "thuyền" và "sông trăng" đó.

      Nếu vậy thì cảnh trong thơ chỉ là cảnh mà thi nhân nhớ lại nơi thôn Vỹ chăng? Cũng chưa thật ngã ngũ về hướng nào...

      Tóm lại cảnh của hai khổ thơ đầu ấy là cảnh thuộc về trí tưởng, dù vào buổi sớm dưới hàng cau hay trong một đêm trăng trên sông nước. Trong bài bình của nhà bình thơ Vũ Quần Phương, đến đây có nhận xét rằng:

   "Bốn câu đoạn hai không có liên hệ gì về chi tiết với đoạn một... thoáng nhìn bài thơ có vẻ đầu Ngô mình Sở...", (hay là) "Những ý thơ rất xa nhau về ý nghĩa hoá ra lại vẫn có chỗ liền nhau...".

     Nhà bình thơ cho rằng: "chỗ liền nhau ấy trong thơ HMT chỉ là nhờ vào tâm trạng xúc cảm"...

        Theo tôi, HMT là một thi nhân viết thơ bằng nội tâm theo tư duy thế giới trong, xúc cảm chỉ làm đà cho mạch thơ, hơi thơ tuôn chảy... còn ý tứ thường được diễn tả rất mạch lạc, rõ ràng. Mượn cảnh làm biểu tượng để diễn đạt nỗi tình thơ. Đoạn thơ thứ hai ấy cần phải hiểu sâu sắc bằng thế giới bên trong như đã bình trên, mới thấy cảm xúc về ý tứ của bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau, từ đoạn thơ đầu tiên cho đến đoạn cuối cùng.  Đấy chính là cốt lõi để tạo ra thi phẩm vô giá của ông. Đây Thôn Vỹ Dạ là một tuyệt tác thi ca! Nếu cho rằng đoạn thơ thứ hai chỉ là để tả cảnh buồn mênh mang... thì sẽ không thấy hết được cái hay và sâu sắc của bài thơ.

    Tôi xin bình sang khổ thứ ba:

              Mơ khách đường xa, khách đường xa

              Áo em trắng quá nhìn không ra

              Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

              Ai biết tình ai có đậm đà? 

    Như đã nói mối tình giữa HMT với nàng Hoàng Cúc chỉ là một mối tình đơn phương về phía thi nhân. Có thể nàng không hay biết về tình yêu của chàng? Hơn nữa trong lễ giáo phong kiến thời ấy, giữa gia đình thi nhân với gia đình nàng còn có một khoảng cách về đẳng cấp xã hội. Hoàng Cúc thuộc gia đình một quan lại, còn HMT là gia đình lớp bình dân. Ông vốn tính lại rụt rè... Yêu tha thiết mà chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng người đẹp như trong mộng, rồi thương thầm, nhớ trộm. Thi nhân đã dồn hết tình yêu của mình vào thơ ca. Sáng tác cả một tập "gái quê" để tặng nàng.

     Giờ đây thì cả cái mối tình đơn phương ấy cũng đang trôi vào dĩ vãng. Thi nhân lâm bệnh nặng phải sống cách ly. Sự ngăn trở giữa hai người càng xa hơn. Nên trong bài thơ nói về người yêu mà thi nhân lại dùng chữ "khách" là vì thế! Ông mơ về nàng dẫu tình thì sâu nặng mà vẫn như mơ về một người khách lạ...

    Hình ảnh: Áo em trắng quá.../ - Hẳn  là màu áo trắng  của Hoàng  Cúc thường mặc phải gây ấn tượng trong trí nhớ của HMT hơn các màu áo khác !?  Nhưng màu áo trắng ở đây còn là ảnh ảo, khi thi nhân mơ tưởng người đẹp ở trong trăng...  Màu trăng ấy thường hay thấy trong thơ HMT:

               Người trăng ăn vận toàn trăng cả...

     Còn tại sao "áo em trắng quá" mà lại "nhìn không ra"? Ý là mối tình ấy đã cách biệt, giờ đây khoảng cách giữa hai người xa vời như người khách lạ qua đường. Còn cảnh tượng:

                  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

       Đó vừa là cảnh thực của nơi ông đang sống và chữa bệnh hiu quạnh, khói sương, heo hút ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng đồng thời cũng để nói lên trong cảnh ngộ của Người về thân phận "mịt mờ nhân ảnh". Tâm trạng Ông đang rơi vào trong vực thẳm trước sự quên lãng của người đời,  lòng càng da diết mà hỏi:

              Ai biết tình ai có đậm đà?

      Tiếng "ai" bộc lộ một tâm trạng  vẫn rất tha thiết của ông:  Liệu nàng còn nhớ đến ta chăng? Cái tâm trạng xa xót ai oán ấy, ông cũng đã từng bộc lộ nhiều lần khác:

              Một mai kia ở bên khe nước ngọc

             Với sao sương, anh nằm chết như trăng

             Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

             Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!

      Đây  Thôn Vỹ Dạ là một bài thơ được dệt  thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và kí ức. Ý, tình  khúc triết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập "thơ điên",  nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!

 

(Trích tập " Phạm Ngọc Thái - Phê bình & tiểu luận thi ca",

Nxb Văn hóa  Thông tin 2013)

READ MORE - BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VỸ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ - Phạm Ngọc Thái