Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 27, 2021

NGHỈ TẾT - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Sương

 

Tác giả Nguyễn Thị Thu Sương


NGHỈ TẾT

Truyện ngắn

Nguyễn Thị Thu Sương


Tặng các bạn KTX 135 Trần Hưng Đạo, Q1.



        Sắp Tết rồi! Cả Ký túc xá xôn xao hẳn lên. Các bạn ai cũng chuẩn bị về quê ăn Tết.

          Loan xếp mấy bộ áo quần vào túi xách, sắp xếp sách vở vào chiếc rương gỗ đầu gường. Tết này, về nghỉ và không cần mang theo sách vở về học vì đã thi xong học kỳ. Loan thấy vui vẻ và trông mong được về nhà.

          Đi vào Sài Gòn học đại học, được ở ký túc xá , có tiêu chuẩn gạo 13kg và còn thêm 16 đồng phụ cấp. Số tiền đó nộp cho ban quản lý KTX cùng 13kg gạo để nhà bếp nấu cho sinh viên ăn ngày hai buổi.

        Các bạn thường nói đùa về đời sống của sinh viên ở KTX “ Ăn như tu , ở như tù, nói như lãnh tụ “.  Đời sống sinh viên thời bao cấp thật khó khăn, mà thời đó ai cũng cực khổ cả. Cơm gạo khó khăn. Đi học được ăn cơm, còn ở nhà cha mẹ và các em phải ăn cơm độn khoai, sắn .

              Cơm được nhà bếp nấu trong những chảo to, gạo có vo nhưng thóc, trấu và sạn không được lượm gì cả. Gạo hồi đó thóc, trấu và sạn lẫn lộn. Ăn một chén cơm mất gần nửa tiếng đồng hồ ngồi nhặt thóc và sạn. Nam sinh viên không kiên nhẫn ăn bừa đa số sau này bị đau bao tử cả.      

              Thức ăn gồm có canh và một món mặn. Chúng tôi hay nói “canh toàn quốc "vì canh có ít rau lượn lờ còn lại là nước “mênh mông”. Món mặn thường ăn là bắp sú Đà Lạt xắc nhỏ xào với một tí mỡ. Tôi sợ đến giờ không bao giờ dám ăn lại món đó. Món thứ hai ấn tượng hơn là món ruốc kho ( ở Miền Trung gọi đó là con khuyết thường dùng để làm ruốc). Ban quản lý KTX mua mấy tấn ruốc khô chất đầy một kho, cho sinh viên ăn ròng rã mấy tháng trời không hết. Đi từ tầng năm xuống tầng trệt nhận suất cơm, thấy ruốc, anh chị em lắc đầu ngao ngán, leo lên cầu thang không nổi. Hải sản, nước mắm hồi đó ở Sài Gòn cũng đắt đỏ vì đó là mặt hàng mà bạn hàng Phan Thiết, Bình Tuy chở lậu vào Sài Gòn bán.  Vì thế nước mắm của KTX được chế từ cơm cháy tạo màu đỏ đậm bỏ thêm muối và cắt vài trái ớt vào. Đói quá không có gì khác hơn sinh viên cũng phải ăn thôi. Thỉnh thoảng sinh viên cũng được ăn thịt heo kho vì tiêu chuẩn thực phẩm của sinh viên có vài trăm gram thịt mỗi tháng. Những lần được ăn như thế, lúc đó gọi là “ăn tươi“.

            Những ngày hết gạo, sinh viên được ăn bo bo, loại lúa mạch của Liên Xô viện trợ. KTX nấu lên như cơm, sinh viên nhờ có hàm răng chắc khỏe nên ngồi nhai miệt mài cả tiếng đồng hồ mới hết một chén cơm. Thỉnh thoảng KTX phát bánh mì thay cơm, mỗi bạn được một ổ mì và lâu lâu có được 100-200gram bơ.

             Cuộc sống sinh viên khó khăn nên có dịp ai cũng tranh thủ về nhà, mang thêm đồ ăn từ gia đình . Các bạn Miền Tây về nhà mang gạo, trái cây, tôm, cá khô. Còn Loan ở xứ biển, mang nước mắm, cá khô, một nồi cá kho thật ngon.

           Trong lớp Loan, chỉ mình Loan ở KTX . Loan ở chung phòng với các bạn lớp khác.Các bạn KTX đa số ở Miền Tây như: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gò Công, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ, Kiêng Giang, …., còn Miền Đông thì có Vũng Tàu, Long Khánh, Tây Ninh. Trong KTX, ít người Miền Trung, người Quảng Trị có mình Loan và thêm ba bạn gái người Huế . Lúc đầu Loan nói chuyện các bạn không hiểu, cứ hỏi liên tục “ hả, bạn nói cái gì.” Sau dần dần các bạn cũng quen và hiểu. Loan không có khiếu bắt chước nên không giả giọng Nam được. Các bạn Miền Tây rất thương mến Loan. Sau khi học bài xong, cả bọn ngồi lại tám chuyện, có bạn bày ra hát vọng cổ. Các bạn Miền Tây hát vọng cổ và cải lương rất hay. Các bạn mua các tuồng cải lương nhỏ bỏ túi. Mỗi bạn đóng một vai, ca hát rất mùi . Có hôm, Huệ nói :          

             -Loan tập hát vọng cổ đi.

            Loan trả lời:

           - Mình nói tiếng Nam còn chưa xong sao mà hát vọng cổ được.

           Minh  trong  phòng Loan nói:

          - Sao nghe Loan hát Tân nhạc hay bình thường mà.

           Loan nói:

           - Các bạn cứ đóng tuồng hát đi, mình đã chọn được một vai phù hợp với mình rồi.

          Các bạn nhao nhao lên hỏi:

          - Vai gì dzậy?

          Loan trả lời:

          - Vai quân sĩ, chỉ nói “ Dạ “ thôi.

          Các bạn cười vang và gật đầu đồng ý. Từ đó tuồng cải lương nào Loan cũng tham gia đóng vai quân sĩ.

              Các bạn Miền Tây hay rủ Loan về quê chơi, nhưng hồi đó đi lại đâu dễ dàng gì, tiền vé xe cũng mắc, nên đành hẹn lại sau khi ra trường. Các bạn rủ ra trường về quê bạn ấy làm việc và sống cùng các bạn. Các bạn Miền Tây rất dễ thương, chân thành và rộng rãi. Khi về quê lên, lúc nào cũng mang trái cây, bánh trái cho Loan.

        Trong KTX , trước đó có đôi lần xảy ra mất trộm, nhưng không tìm ra được thủ phạm.

        Hôm đó, gần mùa thi, ai cùng chăm chỉ học bài. Phòng Loan đi ngủ rất trễ, Loan học bài xong, chuẩn bị đóng cửa đi ngủ. Chị Tâm ở trong phòng nói: “Để cửa đó cho mát, chút đi ngủ chị đóng cửa cho”.

          Loan đi ngủ trước, khoảng bốn giờ sáng giật mình tỉnh giấc, Loan thấy cửa phòng không đóng, dấu chân bẩn của ai từ phòng tắm dẫn đến tủ áo quần.Loan bước xuống gường, bước đến tủ áo, vén bức màn lên:  Hởi ơi ! không còn bộ đồ nào cả.

         Loan la lên :” Dậy đi các bạn, ăn trộm lấy hết áo quần của tụi mình rồi!”

          Các bạn choàng dậy, tỉnh giấc.  Té ra hồi đêm chị Tâm ngồi học bài rồi ngủ ngục quên đóng cửa. Mỗi người kiểm tra lại xem mất bao nhiêu bộ áo quần. Loan xui xẻo nhất, ủi một lượt áo quần treo lên hết cả trong tủ. Ăn trộm lấy toàn bộ tủ áo, coi như Loan mất hết áo quần. Sáng hôm đó, Loan phải nghỉ học vì không có áo quần đến lớp. Tiền bạc khó khăn, đâu có sẵn để mua vải may áo quần lại. Huệ bạn thân trong phòng cho Loan mượn áo quần mặc đỡ đi học, ba tháng sau, Loan mới may được áo quần lại. Sau chuyện này, KTX tìm bắt được kẻ ăn trộm trong KTX.

       Nhà nghèo cha mẹ cho đi học là quý lắm rồi, đi học có tiêu chuẩn nhà nước cho ăn và ở. Tuy nhiên chi phí sinh hoạt cũng là một khoản tiền đau đầu . Có bạn biết móc túi xách , mua chỉ cước đủ màu về móc túi xách bán. Cả KTX rộn ràng chuyện dạy nhau móc túi xách. Loan cũng khéo tay móc nhiều kiểu túi ra chợ Bến Thành bán. Mỗi túi bán kiếm thêm ít tiền tiêu pha. Loan biết đan áo len, bày cho các bạn đan những kiểu áo len khoác nhẹ vào mùa đông. Học bài xong các bạn miệt mài ngồi móc túi xách và tập đan áo. Nhưng nhiều bạn phải đành chịu thua việc học đan áo len, vì có bạn không thể cầm được que đan, thao tác khó hơn cầm móc chỉ nhiều.

        Những ngày lễ Noel nhiều bạn không có người thân theo đạo Công giáo . Loan và nhiều bạn ở nhà ra cửa sổ nhìn xuống đường Trần Hưng Đạo xem người ta đi chơi. Sài Gòn hồi đó không có nhiều nơi giải trí và không tổ chức lễ Giáng sinh như bây giờ. Người dân Sài Gòn ngoại đạo không biết đi đâu. Họ đổ ra đường, vai chen vai , các thanh niên nam nữ cứ đi từ các nẻo phố đổ dồn về đường phố chính Trần Hưng Đạo,đoàn người về phía đường Lê Lợi, và đích đến là Nhà thờ Đức Bà. Nhưng mấy ai đến được nhà thờ Đức Bà. Đám đông cứ đứng đó, chen chúc nhau cho đến 12 giờ đêm rồi từ từ giải tán. Năm nào cũng thế, Loan tự hỏi không biết họ vui thú gì mà chen chúc nhau đi như thế và biết rằng không bao giờ đến được nhà thờ Đức Bà.

            Tết đến, sinh viên ai cùng vui mừng cả. Sắp gặp ba mẹ, các em, và được về nhà ăn ngon .

             Thời đó đi mua vé về quê không phải dễ dàng gì. Sáng thật sớm, Loan đi chuyến xe buýt đầu tiên ra Bến xe Miền Đông. Hôm đó, Loan bị bọn móc túi trên xe buýt rọc túi xách. Lưỡi dao lam sắc bén đã làm rách túi xách và làm rách cái áo. Tiền Loan cẩn thận bỏ trong người nên không bị mất. Tiếc cái túi xách mới mua và chiếc áo đẹp mới may. Loan vội đến sắp vào hàng dài chờ mua vé. Cuối cùng nhờ có thẻ sinh viên, Loan mua được một vé và khi ngồi yên trên xe, mới thấy an tâm. Sau gần hơn nửa ngày đường vất vả, Loan về đến thị trấn.

             Đoạn đường gần 5 cây số, Loan cuốc bộ về nhà. Nhà hai bên đường không có thay đổi bao nhiêu, vẫn những hàng cau cao ngất, có những buồng cau đong đưa trong gió, những bông cau mới nở tỏa hương thơm theo gió làm Loan cảm thấy dễ chịu. Những cây dừa sai trái dọc hai bên đường rủ bóng làm che mát cả đoạn đường từ Ngã tư Quân cảnh đến gần nghĩa địa.

             Khi đến nghĩa địa, có nhiều cây xương rồng mọc trên cát trắng , những ngôi mộ che khuất trong lùm cây, khi ẩn khi hiện. Đây là nơi Loan sợ nhất khi đi về nhà. Tâm cầu nguyện , miệng đọc A Di Đà Phật . Trời chiều ảm đạm và hiu hắt làm khung cảnh càng vắng lặng hơn. Gió từ biển thổi vào lồng lộng, thỉnh thoảng có tiếng Tắc kè kêu, làm cô giật mình, Loan mong đi qua khỏi nơi đây. Xa xa thấy vài ngôi nhà thấp thoáng, Loan mừng rỡ bước nhanh. Nhà cửa của người Động Đền vẫn còn nhà lá, nhà gỗ lợp tôn cũng không nhiều. Cuộc sống nơi đây vẫn khó khăn, nương rẫy bạc màu, chỉ trồng được khoai, sắn, bắp mà thôi. Khoai sắn, than củi đắp đổi qua ngày, cha mẹ gắng sức lo cho con cái học hành. Các học sinh Quảng Trị ở Đồng Đền đa số học giỏi, cố gắng học để đậu vào Đại học hay các trường chuyên nghiệp nhằm kiếm một ngành nghề thoát khỏi cuộc đời khó khăn ở nơi đây.

            Loan nghĩ đến những ngày đói khổ đi học trung học xa nhà. Những đêm học bài miệt mài trong mùa thi vào đại học , bên ngọn đèn dầu leo lét mà trong bụng đói meo, những lo âu hồi hộp chờ đợi kết quả. Loan đã hạnh phúc nhận kết quả trúng tuyển và rời nhà đi học. Loan nghĩ miên man  nhiều chuyện và không ngờ sắp về đến nhà.

         Loan bước vào nhà, vui mừng hạnh phúc đến bên ba mẹ và các em.


                                     Nguyễn Thị Thu Sương

                                               26/9/2021.

No comments: