Tập sách NHÀ THƠ XUÂN LY
BĂNG CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM do L.M. Nguyễn Thiên Cung và nhà thơ Trần Vạn Giã sưu
tầm, tuyển chọn, biên soạn (Phương Đông xuất bản - 2011), có đăng một bài của
La Thuỵ viết từ năm 1999 dưới tên Ngô Minh (trang 201 - trang 207). Được tặng
sách nhân ngày ra mắt (ngày 13/02/2012, tại khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu
Thế - 37 Kỳ Đồng - Quận 3 - TP HCM ), La Thuỵ đăng tải lại bài viết này, có bổ
sung thêm gần như toàn văn bài thơ THA LA XÓM ĐẠO của nhà thơ Vũ Anh Khanh,
đồng thời chỉnh lại tên tác giả là La Thụy để khỏi bị nhầm lẫn với nhà văn Ngô
Minh trong Hội Nhà Văn Việt Nam.
ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY
“LA VANG ĐẤT MẸ”
CỦA NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG
Từ
thời còn là học sinh, tôi đã rất đỗi mê say khi đọc bài thơ Tha La Xóm
Đạo của nhà thơ Vũ Anh Khanh - Bài thơ viết về một xóm đạo thanh bình,
êm ả đẹp như mơ bị giặc Pháp tàn phá gây tang tóc - Trước cảnh quốc phá gia
vong, từng người dân Tha La đã bỏ lại tất cả ra đi, cầm vũ khí chống giặc thù
cho quê hương trở lại hồi sinh. Thật hạnh phúc cho tôi, khi tìm lại được cảm
giác ngất ngây, mê say ấy khi đọc bài thơ La Vang Đất Mẹ của
nhà thơ Xuân Ly Băng (in trong tập “Kinh Sầu Trên Quê Hương”).
Cũng bằng một thể thơ
trường thiên phá thể, cùng bằng một chất giọng tự sự, cùng bằng những nhịp điệu
bi tráng khi khoan khi nhặt, La Vang Đất Mẹ cùngTha La Xóm
Đạo của hai nhà thơ Xuân Ly Băng và Vũ Anh Khanh đã làm cho cảm xúc,
tâm tình của người đọc như tan hòa, đồng nhất cùng giọng thơ kể đượm tình: khi
bâng khuâng man mác, khi ứa lệ thương đau hoặc khi rộn rã hoan ca theo từng
diễn biến sự kiện. Có lẽ do sống cùng thời với nhau nên chắc hai nhà thơ đã có
sự đồng cảm và giao thoa trong nghệ thuật thi ca với nhau.
Tuy nhiên, do không gian
và thời gian cảm tác khác nhau, do bối cảnh lịch sử của hai câu chuyện khác
nhau, nhất là do cảm quan và góc nhìn hai tác giả của hai bài thơ nói trên khác
nhau, nên nội dung và kết cấu của hai nhà thơ thật khác biệt nhau.
Là người khách qua đường,
Vũ Anh Khanh đã ngây ngất trước
vẻ đẹp thuần khiết, an bình của xóm đạo Tha La nên đã để cảm xúc trào tuôn:
Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo….
Giữa mùa nắng vàng hanh
Vì thế tác giả đã thực sự uất nghẹn, khi lần trở lại Tha La, nhìn thấy xóm đạo
tang tóc điêu linh trong khói lửa chiến tranh do giặc Pháp gây nên. Xóm đạo Tha
La lúc này hiện lên thật bi thương qua những vần thơ gợi cảm xúc mạnh:
Ngậm ngùi, Tha La bảo
- Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.
Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
Ai đưa đón?
Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng?
- Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
- Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La !
Nhưng là lương dân ngoại đạo, là chiến sĩ Vệ quốc nên Vũ Anh Khanh thật dễ dàng
khi viết:
Lạy Đức Thánh Cha
Lạy Đức Thánh Mẹ
Lạy Đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân
Rồi ... cởi áo tu
Rồi ... xếp kinh cầu nguyện
Thênh thang nhẹ bước về trần
Chắc gì người dân xóm đạo Tha La thanh thản “nhẹ bước về trần”? Không!
Để làm tròn trách nhiệm con dân thời chiến, họ ắt hẳn quặn lòng đớn đau khi từ
giã mọi điều yêu thương: gia đình, cây đa, bến nước, xóm làng quê hương… và
chắc chắn họ càng “nặng trĩu” cõi lòng hơn khi phải tạm gác công việc thiêng
liêng sớm tối: “tiếng kinh cầu vang vọng” và “ơn tu nguyện hằng ngày”.
Đúng, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, không thể mặc cho giặc
thù giày xéo quê hương, người dân Tha La cương quyết dứt áo ra đi “quyết tử
cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng họ chỉ “từ giã” chứ không có “từ bỏ” vì “ra
đi” chính là khởi điểm cho “quay về”. Vâng, họ mơ ngày về trên quê hương sạch
bóng quân thù; xóm làng lại yên ả thanh bình trong trái ngọt cây lành, trong
tiếng kinh cầu an lạc như thưở nào. Xa hơn nữa họ mơ ngày về miền Đất Hứa, chốn
Vĩnh Hằng thân yêu cho Đời Sau mà tổ tiên loài người - ông Adam và bà Eva đã
gạt nước mắt “ra đi” trước đây.
Cho nên dù không còn mặc áo tu, không cầu kinh thường xuyên,
chắc hẳn người dân Tha La vẫn mãi ấp ủ trong tim từng câu kinh nguyện thầm
lặng. Có lẽ khi dùng cụm chữ “nhẹ bước về trần” nhà thơ Vũ Anh Khanh chỉ “cách
điệu hóa” sự quyết tâm của người dân Tha La khi họ sẵn sàng lên đường đền nợ
nước. “Tha La xóm đạo” được bắt đầu bằng hình ảnh mơ mộng của xóm Đạo thời bình
và kết thúc bằng hình ảnh tang thương của xóm Đạo trong lửa loạn chiến tranh và
những vần thơ hào khí ngút trời được bốc lên từ tận đáy tâm khảm của tác giả Vũ
Anh Khanh:
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng
Đang đón mây xa - Bỗng khách ngại ngần
- Kính thưa cụ vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rinh râu trắng
Nhẹ bảo chàng: “Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù
Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết
Thương giống nòi đất nước lầm than"
Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh: Hờ… ơ…ơ tiếng hát
Tiếng hát rằng : Tha La giận mùa thu
Tha La hận quốc thù
Tha La hờn quốc biến
Tha La hờn tiếng kiếm
Não nùng chưa : Tha La nguyện hy sinh
Ờ... Ơ... hơ... Có một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:
- Lạy đức Thánh Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân...
Rồi ... cởi trả áo tu,
Rồi ... xếp kinh cầu nguyện
Rồi ... nhẹ bước trở về trần...
Viễn khách ơi ! Viễn khách ơi !
Người hãy ngừng chân,
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi cho bẽ bàng!
Ờ... Ơ... Hơ...ờ... ơ hơ... Tiếng hát;
Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!
***
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi . Tha La nhắn câu này :
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo
Và suối mát rừng xanh
Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh...
(VŨ ANH KHANH)
Ngược lại, La Vang Đất Mẹ, ngoài phần tả cảnh nên thơ ở phần dẫn
nhập thì diễn biến câu chuyện khởi đầu là sự ly tán tha hương, là sự lưu vong
tủi nhục của những người dân Chúa và kết thúc bằng những hình ảnh diễm ảo siêu
huyền của một Thánh địa vang danh. Là thi sĩ công giáo nên Xuân Ly Băng đã viết
về La Vang - nơi Đức Mẹ hiển linh cách đây hơn 200 năm - với tấc lòng bái vọng
thành kính, nên La Vang Đất Mẹ có chất liệu thơ nghiêm cẩn,
hoành tráng và mang tính sử thi hơn. Bài viết này chỉ xin nêu lên vài cảm nhận
về bài thơ hay La Vang Đất Mẹ ít được phổ biến của nhà thơ Xuân Ly
Băng.
Vâng, xin hãy dọn mình để cùng thi sĩ Xuân Ly Băng thả hồn vào khung
cảnh thơ mộng của miền Đất Thánh thiêng liêng trong nhạc điệu trầm bổng du
dương và lời kể chuyện của cây lá xạc xào:
Đây, La Vang, Thánh địa
Dừng bước lại khách ơi
Khách có nghe tiếng gió rít ở chân đồi!
Lời kể lể rừng hoa sim lá rụng
Khách có nghe nhạc thùy dương lồng lộng!
Suối tre vàng theo gió chảy chiều mơ
Khách có nghe sớm chiều chuông ca hát!
Rất ngọt ngào ru tình mẹ, khách ơi!
Nào ai biết rằng có được miền đất lành chim đậu hôm nay, những người dân Chúa
đã phải trải qua bao gian truân khổ ải trong máu và nước mắt của một thời “sát
tả” thương đau trên khúc ruột miền Trung đất Việt ai oán nỗi niềm, họ đã phải
dắt dìu nhau lưu vong trên con đường vô định mông lung.
Có một thời
(Chuyện gần hai thế kỷ)
Khách ơi!
Dừng chân tôi kể một lời khách nghe
Truyền rằng: thuở ấy Sơn Khê
Tương tàn cốt nhục tư bề gươm đao!
Trách ai đồn chuyện tầm phào
Buồn người nông nổi gây bao thương tình
Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình …
Lệnh truyền sát tả, não tình dân con
Xương trắng bãi, máu loang cồn,
Xóm làng tan nát, Thánh đường tiêu ma !
Đau lòng trẻ, khổ thân già
Eo óc tiếng gà dắt díu nhau đi !
Con đường vô định biết chi,
Cây đa bến cộ biết khi nào về ?
Nắng mưa sương gió dãi dề
Ôm cây Thánh Giá lòng tê tái lòng !
Ôi ! Biết bao nước mắt và máu đã tuôn đổ trên con đường lưu vong mờ mịt ấy,
nhưng đoàn dân Chúa vẫn kiên trì nhẫn nại nhận lấy thử thách cam go, một lòng
kiên trinh hướng về Thiên Chúa ngôi cao, họ đồng tâm thành khẩn dâng lên lời
kinh nguyện trong suối lệ chan hòa tại La Vang - nơi tạm trú chân của bầy chiên
phiêu bạt:
Bỗng một hôm chiều rừng
Âm u đàn gió lá
Có đoàn người là lạ
Thiểu não kéo về đây
Trên trời có đám mây bay
Đồi hoa sim tím hương bay ít nhiều
Rồi từ đó chiều chiều
Rồi từ đó đêm đêm…
Rừng vang lên lời kinh nguyện
Nhạc lên rung khí quyển
Suối lệ chảy chan hòa
Náo động cả gần xa
La vang cùng sông núi!
Lòng thành của đoàn dân Chúa làm cảm động đến trời cao, sự mầu nhiệm đã phát
sinh: Đức Mẹ anh linh hiển thánh, ơn trọng thiêng liêng được ban phát, vỗ
về:
Một đêm kia, khách hỡi
Có bà áo trắng hiển linh
Huy hoàng bên một cỗ đình cành đa
Tay tiên ẵm Chúa nõn nà
Hào quang thiên sứ giãi ra một vùng …
Miệng Bà ngọt ánh trăng trong
“Các con ơi cứ vững lòng cậy trông
Truân chuyên nhận lấy vui lòng
Lời kinh Mẹ dạy đã ghi tấc vàng
Ơn trời Mẹ sẽ trao ban
Cho ai biết đến kêu van nơi này
Các con bẻ lá vườn cây
Đem về gia dụng thấy ngày diệu linh
Dứt lời Bà mới biến hình
Bâng khuâng gió tiễn hương trinh về trời
La Vang, từ đây không còn là nơi hoang dại âm u đầy lam sơn chướng khí mà trở
nên vùng đất thánh thiêng liêng phong cảnh hữu tình, được giáo hội tôn xưng là
Vương cung Thánh đường cho toàn thể dân Chúa trên thế giới đến chiêm bái,
ngưỡng vọng. Hằng năm, giáo lương trong cả nước (nhiều khi cả khách quốc tế
nữa) tấp nập tìm về hành hương, miền Đất Thánh lại rộn rã hân hoan trong cuộc
rước kiệu “Đức Mẹ La Vang” để mọi người cùng hợp lòng xưng tụng thánh danh Đức
Mẹ sáng cả trên trời và dưới thế.
Rồi từ đó, khách ơi!
Đoàn di cư tị nạn!
Lập nương rừng, đốn cây làm gỗ lán
Xây dựng lại cuộc đời
Ơn thiêng liêng đã lãnh bởi trời,
Nguồn sinh lực hào hùng khôn xiết kể
Non nước này là của riêng Đức Mẹ
Danh tiếng đồn khắp núi sông gần xa
Lộc trời xuống tựa sương sa
Giáo lương tấp nập bao la hội về
Rừng già chứng chuyện năm tê
Đêm đêm trút lá nằm nghe ơn lành
Đồi hoa sim tím trở mình
Chiều mơ lại thấy hiển linh năm nào?
Khách nhìn lòng thấy nao nao
Dừng chân Thánh địa bước vào cửa thiêng
Mênh mông nắng đẹp siêu huyền
(XUÂN LY BĂNG)
Bài thơ La Vang Đất Mẹ như là viên ngọc lấp lánh nhưng được
cất kỹ, không được phổ biến nên ít ai biết để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ
của chất ngọc quý un đúc từ lòng sùng tín mộ đạo của Xuân Ly Băng - một thi sĩ
công giáo tài hoa - thì thật là đáng tiếc.
LA THỤY
Nhà thơ Xuân Ly Băng và các thi hữu La Gi, Bình Thuận