Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 14, 2017

MỖI ĐỘ XUÂN VỀ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


      MỖI ĐỘ XUÂN VỀ
     Lê Hứa Huyền Trân

Tự nhiên Linh đi làm xa làm chi để nỗi luyến thương chỉ còn là những nỗi nhớ được thả đầy trên trang giấy gửi về ba mẹ. Đôi khi Linh muốn chấp bút viết những bức thư thật dài hay gọi những cuộc điện thoại thật lâu, thật lâu để thỏa nỗi mong nhớ đang cuộn từng cơn như những cơn sóng dữ trong lòng cô, nhưng có điều gì đó làm cô bất lực, thụ động một chỗ. Nỗi nhớ ấy thực cứ như biển cả, để mỗi khi có chuyện từng đợt sóng lại lăn tăn cuộn trào dữ dội, nó thốc vào lòng cô những nhát rất mạnh khiến cô sững lại rồi đi tiếp cuộc hành trình mình đã chọn. Và cứ mỗi độ xuân về, cơn thúc nhớ ấy cứ như chú ngựa ai đó quên thắng cương thế là cứ phi nước đại không ai kìm chế nổi.
Chưa chi hết mà Linh đã định cái tết này sẽ lại xa nhà. Từ cái độ những năm học đại học ở miền đất hứa xa xôi, cô dường như quên hẳn đi dư vị của những bữa cơm cuối năm đầm ấm. Sinh viên nghèo, tiền vé tết đắt bằng cả tháng chi tiêu, dẫu cái phòng trọ cứ thưa dần chỉ còn vài mảnh đời khó kiếm được tiền đoàn tụ. Linh cũng nằm trong số đó. Cô về nhà ít đến độ cô nhớ rằng trong suốt 4 năm đại học cô chỉ về nhà mỗi dộ dịp hè, đến mức thằng cu em hãy còn bé thơ luôn nói yêu thương, nhớ nhung cô qua nhũng trang thư nhưng khi gặp lại cô nó còn không nhận ra nổi!  

Rồi cuộc sống ở miền phố thị cứ như có một sức cuộn trào mãnh liệt cuốn bật cô vào một nỗi luyến ái mơ hồ. Cô thiêu đốt thời gian và sức lực của mình vào công việc, nó khiến cô khô cứng quên đi những chất chứa trong lòng mình.
Cô cũng yêu. Chàng trai mà cô yêu có cái tên rất mạnh mẽ: Quân. Anh cùng công ty cô, anh yêu cô bằng tình yêu chân thành của một chàng trai đắm say cô lớp trưởng từ những ngày còn ngồi trên ghế đại học. Tình yêu hai người chín đến độ anh tình nguyện làm một công việc lương ít chỉ để được ở bên cạnh cô, nhưng anh cầu tiến và chăm chỉ. Ngược lại, cô luôn giữ cho mình một sự kiêu hãnh không đáng có. Cô dường như lãnh đạm với mọi thứ xung quanh và kể cả tình yêu, hẳn anh phải có cái nhìn sâu sắc lắm mới có thể thấy được trái tim của cô chứa anh trong đó. Có bận anh hỏi:
-Giữa anh và công việc, em chọn gì?
-Có lẽ là công việc, bởi như thế mới có tiền xây dựng gia đình để ở bên anh.
Người ta sẽ không hiểu tại sao nụ cười lại nở trên môi chàng trai ấy. Tôi cũng không hiểu dẫu tôi là đứa em thiết thân của hai người. Tôi ngưỡng mộ Linh nhưng tôi sẽ không bao giờ yêu cô gái ấy. Có lẽ Quân yêu Linh theo như suy nghĩ của anh ấy: "Cô ấy là một cô gái rất cô đơn, đánh mất đi bản thân mình chỉ vì quá khứ nghèo đeo bám”. Tôi còn nhớ mỗi bận tết về có cô gái ngồi khóc dưới ánh trăng vì nhớ nhà nhưng không đủ tiền về để rồi tươi cười tiễn đám bạn lên xe rồi chui vào phòng khóc sao mà nghe tức tưởi.
Tết này Quân ngỏ ý với Linh:
-Tết này mình về nhà em đi, anh cũng muốn thưa với ba mẹ em một tiếng!
Chần chừ thế nào Linh lại gạt phắt :
-Em còn lở dở vài việc ở công ty anh ạ!
Chẳng hiểu vì cái lẽ gì Quân tự nhiên đứng dậy, không nói không rằng lẳng lặng bỏ đi. Cái sự đi của anh làm Linh thấy bên mình mất đi một khoảng trống. Cô đi dạo trong cái không khí chớm lạnh của mùa xuân và nghĩ thế nào cô lại rủ tôi cùng đi dạo với cô. Cô nàng Sài Gòn hẳn là đỏng đảnh lắm, tự nghĩ rằng mình là một cô nàng xinh đẹp lắm người theo nên lúc nào cũng thật khó ưa. Cả cái tính tình cũng khiến khối người kinh ngạc chai lì thấy sợ. Khi nắng gắt, khi mưa rào, mới trưa trời hãy còn nắng tới độ để những giọt mồ hôi tuôn trào như chạy dưới cơn mưa thì xế chiều những tia nắng đã vội bị mây kéo che và ở đâu đó một lớp không khí lạnh ngắt run người kéo về bao phủ. Tôi và Linh đi dạo trong cái độ ráng chiều và không quên khoác lên mình một tấm áo. Bỗng Linh cất tiếng:
-Sài Gòn ngày tết cô đơn lắm! Ai cũng muốn về nhà hết cả! Có thấy không, chưa chi mà đã vội vắng hoe người!
Tôi ngước mắt nhìn Linh rồi lại nhìn những cành xuân đương trổ lộc:
-Tết này Linh có về nhà không?
Không trả lời tôi, Linh tìm cho mình một chiếc ghế đá, ngồi xuống,  tôi cũng miễn cưỡng ngồi theo dù tôi không thích ngồi ngắm dòng người qua lại cho lắm
-Không hiểu sao anh lại bỏ đi nhỉ? Anh hết chịu nổi Linh rồi sao?
-Có lẽ anh giận Linh đấy
-Ừ, Linh biết anh có thể tha thứ cho Linh tất cả, quên anh tới với công việc nhưng anh không bao giờ cho phép Linh quên đi gia đình.
-Thế Linh quên gia đình sao?
Bỗng nhiên Linh cười. Nụ cười của Linh làm tôi chợt hiểu sao Linh lại chọn ngồi lại nơi chiếc ghế đá ở nơi đông người như thế. Đó là cái cách để cô gái ấy không cho phép mình được khóc. Linh kể cho tôi nghe tuổi thơ của Linh ỏ cái miệt nào đó thực xa xôi lắm, nơi mà người cha ngày đêm quăng chài đánh cá bên những nhánh sông còn mẹ vùi mình vào những đám rau và nghiêng đôi quang gánh nặng trĩu đi ra chợ hãy còn tinh sương mà bán. Linh kể về những đứa em với ước mơ cắp sách đến trường hãy còn dang dở, tuổi thơ tắm ao với lũ nhóc hàng xóm và những lần tát nước với những nắm cơm không cắp sách đến trường. Rồi cô đậu đại học, tự cô cho phép gánh nặng gia đình đổ trên vai cô…
…và rồi thế đấy, dù Linh không muốn thì cũng trở thành người của công việc!
Tết ở quê Linh vui nhộn lắm. Không như mỗi độ xuân về trên thành thị đâu. Cái không khí tết bắt đầu khi lũ trẻ nhà quê chộn rộn với những manh áo mới đủ màu trắng, xanh, vàng, tím. Ba mẹ sẽ làm năng hơn để cho mâm cỗ đủ đầy. Cả cái nắng, cái mưa cũng như chứa cả mùa xuân trong đó. Cái nắng như tinh tươm hơn, mang một cái ấm áp làm cho đám trẻ cứ như những chú mèo chạy vui tươi tinh nghịch hay cuộn tròn sưởi ấm. Cái nắng chiếu qua những tán nhỏ của những chậu tắc khiến chúng lấp lánh hơn qua những cây trĩu quả. Còn cái mưa mới đúng là dư vị xuân. Đó là những cơn mưa rào đủ để làm mái tóc điểm sương, có khi chỉ là mưa bụi trong thoáng chốc đủ để những cành mai từ nơi nào mọng nước. Và những đóa hoa vàng mùa xuân ấy cứ như rực rỡ thêm và cuộn trào sức sống hơn gấp bội.
Thực ra thì Linh đã tự đặt áp lực lên lưng mình đấy. Cứ giống như Linh tự bắt mình phải luôn kiếm thật nhiếu tiền lo cho gia đình vậy. Rồi lâu dần thời gian trôi nhanh một cách không ai ngờ đến, bẵng đi rồi cũng ngày này qua ngày khác, Linh cứ lần lữa rồi cũng bao cái tết trôi qua.
-Ừ Linh, cái sai của Linh giống như cái sai của người yêu thương gia đình quá nhưng không biết cái nào là đúng. Có lẽ người nhà Linh cần Linh hơn đấy.
Thế rồi hai bạn trẻ lại rảo bước về hiên nhà, bên thềm nhà người ta đang đóng gói đồ đạc chuẩn bị chuyển ra xe. Linh bỗng nhớ khoảng thời gian bên mâm cơm giao thừa từ những ngày còn cấp ba, thể nào ba cũng sẽ cho Linh cái trứng to ụ vì đó là món Linh thích nhất, thể nào thắng út cũng phụng phịu bảo ba cưng Linh quá để mẹ phải xắt một lát bánh chưng đầy củ kiệu cho nó ngồi măm cho hết nói. Gia đình luôn là bến đỗ bình yên nhất, Linh chưa bao giờ quên đi điều đó và Linh cũng không ngờ thời gian trôi qua mau thế, đến mức nếu Linh không nhin lại không biết đã bao lần Linh đánh rơi thời gian vô ích. Linh cũng chợt hiểu Quân không cần gì hơn một gia đình, anh có thể tha thứ cho cô khi cô đặt công việc cao hơn anh vì muốn đến với anh nhưng không sum họp gia đình thì đó là điều anh ghét nhất. Bất giác cô lấy điện thoại nhắn tin: “Mai em về quê”…
Không thấy những dòng hồi âm từ anh, cô gói ghém tất cả ra bến xe một mình, nghe tiếng gọi vội : “Linh, Linh” rồi cả bộ dạng hớt hải của anh cùng lời giải thích hết sức dễ thương: “Điện thoại anh hết tiền” làm cô cười nhẹ. Hai người lên xe và trông anh cứ như đứa trẻ con háo hức cứ hỏi rất nhiều:
-Em xem đằng này này … nắng đã lên… hoa đào nhiều quá em... tết này nhà em lại chơi cúc nữa à, anh mới nghe bác khoe mua chậu cúc rồi đấy.
Cô nhấc máy điện thoại cho mẹ báo đang về. Đầu dây bên kia đánh rơi một điều gì đó như một tiếng hẫng, thằng út nói với: "Mẹ khóc, mẹ khóc”, rồi mẹ Linh cười thật tươi qua điện thoại:
Mẹ chuẩn bị hết rồi con, như mọi năm vậy!
Bỗng Linh thấy vui trong lòng, cô cảm thấy hạnh phúc khi có gia đình luôn đợi cô về mỗi ngày xuân và thích một người đàn ông cho cô sự trân trọng gia đình như thế. Nắng đang về qua cửa kính xe còn mùa xuân đang về trong lòng cô gái nhỏ. 


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân.
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ: Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định




READ MORE - MỖI ĐỘ XUÂN VỀ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

MẸ VÀ CON - truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước



     Thấy tổ trưởng dân phố Mẹo đạp xe ngang qua quán cà phê, tôi kêu:
     - Bác tổ trưởng ơi, vào phê chút đã, đi đâu mà mấy bữa nay thấy vắng?
     - Có việc mới đi chớ. Tổ trưởng nói, vẻ quan trọng.
     - Thì đi họp hội bảo thọ là cùng chớ chi?
     - Không. Đi lên trên nữa để lo giấy tờ cho bà con. Ai cần gì thì tui giúp nấy, chỉ mong cho được việc của bà con là tui mừng.
     Hoá ra là tổ trưởng bấy lâu nay giúp bà con nhiều lắm lắm. Không biết gọi nghề của bác là gì, đại loại bác giúp bà con trong cũng như ngoài tổ những dịch vụ như cắt, chuyển, tách, nhập hộ khẩu, xin giấy phép xây dựng nhà, làm sổ đỏ sổ hồng, mua bán chuyển nhượng đất đai, vv và vv.
     Không phải ai cũng quen lui tới cơ quan công quyền. Chỉ khi có việc hệ trọng người ta mới bỏ công ăn việc làm để đến cửa quan. Cho dù đài báo đã tuyên bố nơi này nơi kia cải cách hành chính, người dân chỉ dến một cửa, không lắm cửa như ngày xưa nhưng nhiều người vẫn ngại. Nếu có ai lo được thì cho dù phải tốn đôi chút họ cũng sẵn sàng chi trả. Tổ trưởng Mẹo là người rảnh rang, tốt bụng, quen biết nhiều, nên sẵn sàng giúp đỡ bà con và đã giúp thì giúp đến nơi đến chốn. Tiếng lành đồn xa. Bây giờ cứ có việc cần lên phường, quận làm giấy tờ là bà con trong tổ lại cậy bác Mẹo cho chắc ăn, khỏi mất công đi lại, đỡ bớt lo lắng và dành thì giờ để làm việc nhà. Tôi hỏi :
     - Rứa thì có thu nhập chi không ?
     - Còn tuỳ. Khá giả thì cho bao nhiêu thì mình lấy bấy nhiêu, còn khó khăn thì chỉ lấy tiền xe thồ.
     - Cụ thể ?
     - Một vòng lên phường thì ba chục, một vòng lên huyện thì năm chục.
     - Nếu phải đi lại nhiều lần mới được thì sao?
     - Thì cứ rứa mà nhân lên. Ai cũng muốn cho nhanh, đi lại làm chi cho cực. Trể là do trên chớ có phải do mình đâu.
     - Bác vất vả vậy mà chỉ lấy tiền xe thồ không thôi thì ...
     - Nói chung là rứa nhưng cũng có lúc gặp ngươì chi đẹp thì mình cũng không từ chối.
     - Bác kể tui nghe một vụ chi đẹp cụ thể coi.
     - Tui kể chuyện đầu tiên tui chạy giấy tờ cho chú nghe. Thực ra không phải chạy giấy tờ mà đi lĩnh tiền ngân hàng.
     - Tiền ai nấy lĩnh, làm răng bác lĩnh giúp được.
     - Chính cái chỗ đó mới sinh chuyện. Cách đây mấy năm xóm tui có mụ Năm Rượu ở một mình nuôi thằng con út khờ. Mụ có miếng đất hơi trũng bên cạnh nhà, muốn con gái đang ở nhà chồng về ở với mụ cho vui. Thế nhưng khi con gái đổ đất xong thì mụ ta đổi ý. Mẹ con gây lộn nhau chí choé, không còn ra thể thống gì nữa.
     - Có lẽ do giá đất lên?
     - Có lẽ vậy. Con gái thề sẽ không bao giờ nhìn mặt mẹ nữa. Không chỉ có chuyện đất đai. Trong thời gian đổ đất, con gái mụ lên xuống, hai mẹ con sống với nhau rất là vui vẻ, hoà thuận. Mụ có năm mươi triệu muốn gởi ngân hàng. Năm mươi triệu hồi đó cũng khá lớn vì một chỉ vàng chỉ có năm trăm ngàn.Theo lời mụ thì con gái mụ gạ gẫm thuyết phục mụ để nó đứng tên gởi tiền vì mụ đã già, mỗi lần đi lĩnh tiền lỡ gặp cướp thì làm sao chống trả, gặp lúc đau ốm nằm viện thì làm sao nhờ người khác đi được. Tiền để ở nhà có thể bị mất, gởi vào ngân hàng thì an toàn và có lời, còn việc lĩnh ra cũng cần có người sáng mắt đủ để đếm tiền, cẩn thận đủ để mang tiền về nhà an toàn. Bàn lui tính tới, mụ Năm đồng ý nhờ con gái đi gởi tiền vào ngân hàng, và khi cần thì nhờ nó đi lĩnh hộ.Gởi tiền xong nó nói để nó giữ sổ, khi cần thì đi lĩnh cho nhanh. Khi mụ không cho nó miếng đất nữa, nhiều lần đòi lấy lại sổ tiết kiệm nhưng nó không đưa. Nó đòi chi cho nó mười lăm triệu tiền đổ đất nó mới đưa. Nó tránh gặp mụ Năm. Cũng có lúc mụ tìm được nó, thế là hai mẹ con cãi lộn nhau tơi bời. Cuối cùng thì mụ nhờ tui. Tui gặp nó, dùng lời hay lẽ thiệt phân biệt phải trái với nó, rằng tiền đổ đất tui tính khoảng chừng bốn triệu nhưng thôi lấy năm triệu cũng được. Nó không nghe, đòi it nhất cũng phải mười triệu. Tui đi vận động chồng nó, cha mẹ chồng và bà con bên chồng của nó. Mất cả tháng, cuối cùng nó mới chịu đi lĩnh tiền. Tui đã giao ước là nó lấy luôn năm triệu khi vừa lĩnh xong và giao hết số tiền còn lại cho mẹ. Mẹ con tới ngân hàng nhưng hai bên không nhìn mặt nhau. Nó lĩnh xong, lấy năm triệu, số còn lại đưa đủ cho tui.Tui biểu nó viết giấy cho chắc. Tui mang tiền và giấy giao hết cho mụ, đếm lui đếm tới đàng hoàng. Mấy ngày sau mụ qua nhà tui, đưa cho tui một bì thơ. Khi mụ về, tui đếm tiền thấy đúng năm trăm ngàn, bằng số tiền lời tui đã đọc được trong sổ tiết kiệm của mụ.
     - Con gái bà Năm cũng không tệ lắm. Giả dụ như chị ta lĩnh và tiêu mất rồi thì làm gì được.
     - Nhưng đối xử quá quắt với mẹ mình. Dù sao cũng người sanh đẻ mình ra.
     - Bà Năm tính kĩ quá.
     - Tính không bằng trời tính. Mụ chưa kịp bán miếng đất đó thì đùng một cái: giải toả. Miếng đất đã hứa cho con gái đó chỉ được đền bù mấy triệu theo giá đất nông nghiệp.
     - Bây giờ bà ấy ở đâu ?
     - Mụ nhận đất mới xong rồi bán luôn, dắt thằng con khờ vào miền Nam, không biết đang sống vói ai, ở đâu.
     - Bà Năm chỉ có một đứa con gái và thằng khờ thôi à ?
     - Còn hai thằng con trai đã có gia đình ở trong tổ tui đó. Hỏi thì tụi nó cũng lắc đầu.
     - Trong thời gian xung đột giữa hai người ấy, mấy cậu kia không có ý kiến chi hả?
     - Tui cũng có vận động nhưng tụi nó làm thinh, không can thiệp. Gia đình mẹ con kiểu gì tui không hiểu nổi... Thôi chú ngồi chơi tui lên quận có chút việc.
     Tổ trưởng Mẹo lại tất tả đạp xe đi, chắc cũng đi lo giấy tờ cho ai đó.


                                                            NKP
READ MORE - MẸ VÀ CON - truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước

CON VỀ TRỂ MỘT CUỐC XE - Thơ Phan Minh Châu




CON VỀ TRỂ MỘT CUỐC XE
(Viết nhân ngày của mẹ)

Con về trễ một cuốc xe
Nhìn không thấy mẹ tái tê nỗi lòng
Mưa phùn chớm gió đông phong
Hắt hiu, hiu hắt cõi lòng mẹ ơi .
Căn phòng mẹ bỗng đơn côi
Còn đâu bóng cũ tiếng cười ngày xưa
Đêm nay trăng lạnh gió lùa
Xa xa vọng…. tiếng chuông chùa tịch liêu .
Chim kêu khắc khoải bên chiều
Ngày đi mẹ vẫn quạnh hiu bóng người
Chưa từng có một ngày vui
Chỉ mang theo nỗi ngậm ngùi xót xa .
Kể từ độ vắng bóng cha
Nhà đơn cảnh lẻ mẹ già hơn xưa
Câu yêu biết mấy cho vừa
Câu thương giờ chỉ chút …thừa thãi thôi .
Con từ đứa trẻ mồ côi
Xa quê biết…vẫn phải đành xa quê
Nhớ quê nhớ một tiếng cười
Nhớ quê nhớ chút ngậm ngùi đắng cay
Con về trắng một bàn tay
Con về khép lại những ngày ca dao
Bỗng dưng nước mắt con trào
Theo từng sợi khói hanh hao giữa trời
Ngồi nhìn những hạt cơm rơi
Bên thềm cỏ dại bời bời xanh hơn
Mẹ nằm đó bóng trăng đơn
Mẹ nằm đó một nỗi buồn quạnh hiu
Nắm nhang con đốt bên chiều
Mai hồn con thảo thơm theo đất này .


               PHAN MINH CHÂU

               Nha Trang
READ MORE - CON VỀ TRỂ MỘT CUỐC XE - Thơ Phan Minh Châu