ĐỌC SÁCH
“NGƯỜI TÙ THÔNG MINH” QUÊ QUẢNG TRỊ
(Nhân đọc truyện ký “Người tù thông minh” của Nhất Lâm, NXB
Hội nhà văn, Hà Nội 2014)
Một hoạt động trong năm 2015 mang nhiều ý nghĩa của Sở thông
tin và truyền thông Quảng Trị phối hợp với, Sở Thông tin và truyền thông, Hội
văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị là tổ chức buổi ra mắt truyện ký “Người Tù Thông Minh” của nhà văn Nhất Lâm viết về nhà cách mạng, nhà thơ Vĩnh Mai
(1918-1981). Ông người làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh
Quảng Trị. Trước khi hoạt động văn chương chuyên nghiệp, ông từng là nhà cách
mạng, giữ các chức vụ quan trọng như bí thư thị ủy Huế, thường vụ tỉnh ủy Quảng
Trị, trưởng ban tuyên huấn tỉnh Quảng Trị, chủ bút hai tờ báo “Tiếng vang” bằng
hai thứ tiếng Việt và Pháp trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, khi hòa
bình lập lại, ông ra miền Bắc, là biên tập viên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà
văn Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì
vào năm 2001.
|
Nhà văn Nhất Lâm thứ tư từ phải sang. |
Thời trai trẻ đầy
nhiệt huyết cách mạng và sôi động của ông đã được nhà văn Nhất Lâm tái hiện
trong truyện ký “Người tù thông minh”.
Đây là cuốn sách với độ dài hơn 300 trang (bao gồm cả phần
phụ lục) phần nào tái hiện chân thực chân dung của một nhà cách mạng chiến đấu
vì dân, vì nước, một trí thức đích thực, một nhà thơ, nhà báo bản lĩnh có nhiều
cống hiến cho quê hương đất nước. Đó chính là nhà thơ Vĩnh Mai thân yêu của
chúng ta.
Nhà văn Nhất Lâm, một người con Quảng Trị mặc dù tuổi tác đã
cao, bệnh tình đe dọa vẫn tâm huyết sưu tầm tư liệu, vận động nhiều người đóng
góp tinh thần và vật chất để cho ra đời một tác phẩm khá đầy đặn về một con
người yêu nước đáng kính, một kẻ sĩ tiêu
biểu của thời hiện đại. Tác giả tận dụng thế mạnh tư liệu để khắc họa nhân vật
bằng thể loại truyện ký. Bên cạnh đó bằng tâm cảm của một nhà văn, người viết
đã có nhiều trang viết đậm chất văn chương. Như vậy bên cạnh giá trị tư liệu
thì giá trị văn học cũng đã có những thành công nhất định đáng ghi nhận.
|
Nhà văn Nhát Lâm ngồi hàng đầu đang ký sách tặng. |
Ngay trong chương một “Làng bên sông” khi giới thiệu về làng
quê An Tiêm, người viết đã cho thấy bối cảnh của quê hương trong đêm trường nô
lệ với sự với sự kìm kẹp, khủng bố của
thực dân Pháp. Những người yêu nước, trong đó có những trí thức như Nguyễn
Hoàng (tên thật của nhà thơ Vĩnh Mai) không có con đường nào ngoài con đường
cứu nước. Tác giả khẳng đinh :” Có một lớp thanh niên có học, trong đó có
Nguyễn Hoàng là tiêu biểu, không những không chút lo sợ mà đi đầu trong việc
tìm đến với các chiến sĩ cộng sản” (trang 15, SĐD).
Ba chương tiếp theo kể chuyện chàng thanh niên Vĩnh Mai vào
học trường Khải Định ở Huế do thực dân mở ra để đào tạo những kẻ phục vụ chế độ
thuộc địa. Nhưng đây lại là một chiếc nôi đào tạo trí thức và cũng là chiếc lò
nung nấu những tâm hồn cách mạng. Ở Huế, Nguyễn Hoàng đã may mắn tiếp thu những
luồng tư tưởng tiến bộ, ngay từ nước Pháp nổi tiếng với khẩu hiệu “tự do-bình
đẳng-bác ái”. Những tấm gương của các chiến sĩ cách mạng, trong đó có những
người con quê hương Quảng Trị như Đoàn Lân đã kích thích tinh thần phản kháng
trong người thanh niên Nguyễn Hoàng. Anh càng quyết chí đi theo con đường cứu
nước, cứu dân bất chấp mọi tai ương, nguy hiểm. Đọc những trang này, bạn đọc
thích thú như được chứng kiến một Nguyễn Hoàng học giỏi có tiếng lại đàng
hoàng, chững chạc tranh luận với các giáo sư người Pháp, không cam chịu cảnh
tôi đòi để đổi lấy vinh hoa phú quý. Một Nguyễn Hoàng, một học trò nghèo đã gọi
quan lớn tuần vũ Quảng Trị là” ông Tuần” không chút sợ sệt dù cho cường quyền
thị uy trước mặt. Một dũng khí của một người có học từ thời trai trẻ đã hun đúc
nên tiết tháo của nhà thơ Vĩnh Mai sau này. Chính khí tiết và trí thông minh
của ông đã làm cho Chánh mật thám Trung Kỳ, con cáo già Xo-nhi phải chịu thua
trong cuộc đấu trí trước một người tù cộng sản trẻ trung. Những trang viết của
Nhất Lâm đã tái hiện sinh động một đoạn đời dũng lược của một người chân chính.
“Người Tù Thông Minh” là lời đánh giá của giám ngục người
Pháp dành cho Nguyễn Hoàng khi anh từ lao Thừa Phủ (Huế) bị đày lên nhà tù Buôn
Ma Thuộc. Cùng các đồng chí của mình, trong đó có anh Vịnh (tức đồng chí Nguyễn
Chí Thanh), anh đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, rèn luyện văn hóa và
ý chí tranh đấu, tuyên truyền ngay cả gia đình tên giám ngục, khiến cho kẻ thù
cũng phải ngả mũ kính phục. Cuốn sách còn thuật lại đoạn đời vượt ngục về “Xứ
Nẫu” Tuy Hòa rồi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám, giữ chức
chủ tịch tỉnh nơi đây.
Trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh công tác chính trị
sôi động và có nhiều kỷ niệm, ông đã để lại bài thơ “Khóc Hoài” nổi tiếng khi
tưởng niệm một người bạn, một đồng chí đã hy sinh. Bài thơ này đã được lưu
truyền rộng rãi ở vùng Bình Trị Thiên và đến ngày nay vẫn còn được nhiều người
nhắc nhở. Còn về sau khi hòa bình lập
lại, ông có bài thơ “Lên Vĩnh Yên” được các nhà thơ và độc giả nhớ đến.
Cuốn sách cũng cho ta thấy con người Vĩnh Mai không khoan
nhượng trước cường quyền, không chấp nhận thói dối trá, luồn lọt, nịnh hót đê
mưu cầu danh lợi hay chí ít là cũng được yên thân. Những mẩu chuyện về việc Vĩnh Mai thích uống cà phê, hay nói tiếng
Tây mà bị kiểm điểm vô lối trong những khắt khe thái quá của thời chiến và ngay
cả thời bình càng làm nổi bật chân dung Vĩnh Mai chính trực và trung thực. Suốt
đời cho đến phút cuối cùng ông vẫn là một trí thức thông tuệ, ngay thẳng, tư
duy bằng bộ óc của mình, bảo vệ chính kiến và quan niệm sống đến cùng. Đó là
cảm nhận của người đọc khi khép lại cuốn
truyện ký “ Người tù thông minh”.
Như đã nói, cuốn sách có giá trị tư liệu khá nổi trội. Nhưng
bên cạnh đó, giá trị văn học cũng cần được nhìn nhận đúng mức. Nhiều trang viết
ở các chương “Làng Bên Sông”, “ Người Tù Thông Minh”, “Cười Ra Nước Mắt”, “
Khát Vọng”… đã chiếm được cảm tình người đọc.
Nếu được góp ý về cuốn sách khá lý thú này thì xin có lời
xem lại về sự chính xác văn bản bài thơ Tú Xương được dẫn ra trong sách, rồi về sự
giải thích xuất xứ tên gọi Chợ Sãi đã thuyết phục hay chưa?
Dẫu có vài hạt sạn nhỏ nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều
đến giá trị tổng thể cuốn truyện ký này. Chúng ta thực sự trân trọng và yêu quý
tình cảm sâu nặng và lao động nhà văn của tác giả Nhất Lâm dành cho nhà thơ
Vĩnh Mai. Đây vẫn là tác phẩm cần thiết và bổ ích để giúp chúng ta hiểu sâu hơn
về nhà thơ, nhà báo dù phải qua nhiều sóng gió cuộc đời vẫn luôn sống đúng với
phẩm giá của mình; để tôn vinh đúng mức một người yêu nước, một nhà cách mạng,
một trí thức đích thực của quê hương đất nước.
PXD
*****
Ảnh thứ 2 và 3 do tác giả cung cấp.