Bài viết nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Thầy Dương Đình Trọng cùng một số học trò trường Bán Công Đông Hà cũ (Thầy Trọng là người thứ hai hàng trước tính từ trái qua phải) |
Lạy Trời, lạy Đất, xin Trời Đất cho thầy sớm nhắm mắt. Nhìn
thầy chưa tắt thở thêm phút nào, tôi đau khổ thêm phút ấy.
Thú thật, tôi tàn nhẫn cầu nguyện như thế khi ngồi bên thầy
tôi đang hấp hối.
Tại trường trung học bán công Đông Hà, qua năm học 1959 –
1960, khóa tôi – khóa đầu tiên – lên đệ tứ (lớp 9), thiếu giáo sư dạy môn toán.
Thầy Dương Đình Trọng, người Thừa Thiên, được mời ra. Thầy trẻ lắm, tuổi tác
chỉ ngang mấy học sinh lớn. Nhưng chúng tôi rất kính phục thầy vì thầy thông
minh, chịu khó, biết phương pháp giảng bài dễ hiểu, chúng tôi học mỗi ngày mỗi
tiến bộ. Xin mở ngoặc - nói trạng một chút - để trưng bằng cớ: sau khi đỗ kỳ
thi trung học đệ nhất cấp, chúng tôi lên bậc học đệ nhị cấp, đa số chọn ban
chuyên toán – ban B.
Thầy mến học trò Đông Hà, mến đất Đông Hà rồi yêu người Đông
Hà. Vài năm sau đó, thầy lập gia đình với cô Phù thị Lan, ái nữ của một phố
thuốc bắc trong chợ Đông Hà gần bờ sông Hiếu. Cô Phù thị Lan là hoa khôi “phố
bụi gió lào”, nét mặt, dáng người, bước đi như người trong tranh thủy mặc. Thầy
muốn chọn Đông Hà làm quê hương thứ hai.
Rồi chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt, không cho phép ai
được an cư lạc nghiệp. Cuộc sống đẩy đưa thầy từ công việc này đến công việc
khác, từ nhiệm sở này đến nhiệm sở khác. Thầy chuyển ra trường trung học Gio
Linh, rồi động viên vào quân đội. Nhờ vốn toán học, thầy được chọn vào ngành
pháo binh. Thầy sắp được đi tu nghiệp pháo binh ở nước ngoài thì, vì nhu cầu
giáo dục, chính phủ miền Nam đưa ra chương trình biệt phái giáo chức về nhiệm
sở cũ, thầy xin miễn đi du học để trở về nghề đi dạy.
Năm 1967, vùng Gio Linh bị bạch hóa để lập hàng rào điện tử
Mac Namara, trường Gio Linh giải tán, thầy và trò trường này sáp nhập vào
trường trung học Nguyễn Hoàng ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Rời quân ngũ, thầy về trường
Nguyễn Hoàng. Ở đây, với sự tận tụy trong nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn
vững vàng và sự trong sáng trong giao tiếp, thầy được đồng nghiệp nể vì, học
trò yêu kính.
Năm 1973, sở học chánh tỉnh Quảng Trị thành lập, nhờ uy tín,
thầy được cử giữ chức chủ sự phòng học vụ.
Qua đầu năm 1974, thầy từ chức, cùng gia đình vào Bình Tuy
theo chương trình khẩn hoang lập ấp. Thầy lập cư ở khu Láng Gòn (nay là xã Tân
Hà). Sở học chánh Bình Tuy lại cử thầy giữ chức chủ sự phòng học vụ ở sở này.
Ngoài công việc văn phòng, thầy tranh thủ thời gian, nhận lời mời, đến dạy, để
kiếm thêm thu nhập ở các trường trung học tư thục Thanh Linh (đặt ở khu khẩn
hoang lập ấp Động Đền dành cho dân Cam Lộ và Gio Linh cũ), tư thục Đắc Lộ (đặt
ở khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn dành cho dân Đông Hà cũ và các “quận” khác),
công lập Nguyễn Phúc Chu (mới mở ở khu Láng Gòn dành cho học sinh có trúng thi
tuyển ở khu Láng Gòn và khu Bình Ngãi – khu khẩn hoang lập ấp của dân Bình Định
và Quảng Ngãi).
Đất nước thống nhất. Có lẽ do cái chức chủ sự phòng học vụ
cộng thêm cái nghiệp lính động viên trong thời chiến, thầy phải đi “học tập cải
tạo tập trung”. Thầy bị bắt cùng ngày với tôi. Trưa ngày 05/7/1975, tôi mới bị
áp giải tới ngồi ở “Ủy Ban Quân Quản” khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn (đặt ở cơ
sở tạm trường trung học Nguyễn Phúc Chu) được khoảng 15 phút thì thấy Thầy đến,
tay xách túi đựng quần áo, vẻ mặt ngơ ngác, sợ sệt, lo âu.
Trong thời gian “học tập cải tạo”, thầy ở cùng trại với tôi,
và nhiều lúc còn cùng buồng nữa. Đầu tiên, chúng tôi ở trại tạm giam cũ do
chính quyền Sài Gòn dựng lên ở thị trấn La Gi để giam tội phạm của chế độ; sau
một tháng, chúng tôi được chuyển lên trại cải tạo ở vùng huyện Tánh Linh, một
vùng rừng núi bạt ngàn, dân cư thưa thớt. Trại này nguyên là một trường tiểu
học. Không biết lúc đó học trò đi đâu mà người ta cải biến trường thành trại
cải tạo. Vùng Tánh Linh nguyên là rừng và rừng; trong những năm cuối thập kỷ
1950 và đầu thập kỷ 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm lập khu dinh điền để giãn
dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; sau đó, do chiến tranh ác liệt, một số
đông dân đã bỏ đi để lại nhiều mảnh vườn và nền nhà hoang hóa.
Sống ở đây được một thời gian ngắn, thầy bị sốt, tôi cũng bị
sốt. Cơn bệnh diễn tiến kỳ lạ, người nóng bừng rồi ớn lạnh, đắp mấy lớp mền
cũng cứ cảm thấy rét, rồi một giờ sau, cơn bệnh đi qua, người bệnh cảm thấy gần
bình thường, chỉ có yếu đi, xáy đầu và mệt trong ngực. Những ngày kế tiếp, đến
giờ đó, bệnh lại đột ngột tái phát. Tôi qua khỏi bệnh nhờ chích lể. Anh trại viên tên Luyến - hình
như quê ở Sòng (Cam Lộ) - cùng buồng với tôi giỏi chích lể sớm cứu giúp và tôi
lành, chứ tôi không dùng thuốc men gì hết. Còn thầy, mặc dù bệnh, thầy vẫn đi
lao động hàng ngày – lao động chủ yếu là nông nghiệp: cuốc đất, gieo bắp, gieo
đậu, cấy lúa, gặt lúa ..., thỉnh thoảng leo núi cao chặt tre về dùng vào những
việc vặt trong trại. Thầy không chịu ở nhà, dầu xin ở nhà vì bệnh cũng dễ được
chấp thuận. Thầy không chịu báo với y tá trại để xin thuốc. Thầy thật thà nghĩ
rằng ở nhà sẽ mất điểm trong “học tập cải tạo”, cơ may phóng thích ít hơn; còn
uống thuốc sốt – quinine – vào sẽ hại gan và vàng da, hại cho sức khỏe lâu dài,
chi bằng cứ để cho các kháng nguyên vốn có trong cơ thể chống đỡ.
Bệnh tình của thầy cứ nặng dần. Đến một ngày, thầy không
ngồi dậy được nữa. Thầy nằm liệt tại chỗ. Chỗ nằm của trại viên là hai bục
ciment xây dọc hai bên mỗi lớp học, giữa dành một lối đi. Vào những ngày thời
tiết chuyển, hơi ẩm bên dưới bốc lên rịn ướt.
Tôi nằm sát bên cạnh thầy. Tôi tự thấy mình có bổn phận phải chăm sóc
thầy. “Thầy trò đạo ngãi cha con” mà!
Hàng ngày, tôi báo nhà bếp của trại thay phần cơm thầy bằng
phần cháo. Tôi ngồi đút cho thầy từng thìa cháo, thìa nước. Khổ nỗi là cháo
cũng chỉ là một loại cơm có nước. Thầy cố nuốt cho vừa lòng tôi, chứ miệng thì
đắng, cháo lại nhạt nhẽo, có ngon béo gì đâu; nhiều khi mới nuốt xong, thầy nôn
ọe ra liền. Tôi phải lấy khăn lau miệng, cằm, cổ cho thầy. Khăn lau là những
mảnh bao cát vải, nhặt được thời đi lao động trong khuôn viên trại tạm giam ở
La Gi, giặt sạch cất vào tư trang. Ngoài phục vụ ăn uống, tôi cố gắng vệ sinh
cơ thể và chỗ nằm cho thầy. Tôi ra giếng lấy nước vào lau mình cho thầy. Không
có chậu, thau, tôi phải đựng nước trong cái két đạn đại liên – cũng được lượm
khi đi lao động ở trại tạm giam La Gi. Ở đây, cái két đạn đại liên rất đa năng.
Những khi đi lao động bên ngoài trại, kiếm được mớ rau rừng, nó là cái soong
luộc rau để “cải thiện” bữa ăn; khi quần áo nhớp, nó là cái thau giặt; lúc đêm
hôm, buồng giam đã khóa kỹ, nó là cái pô để đựng nước tiểu hay phân – một hình
thức cầu tiêu thu nhỏ, di động.
Quần áo, mền chiếu của thầy tôi phải giặt giũ. Công việc này
trong trại không dễ dàng chút nào. Tôi cũng là trại viên, phải đi lao động,
phải lên lớp học tập chính sách, chủ trương Cách Mạng. Không thể nại cớ này nọ
để tránh việc, việc gì không muốn cũng phải làm, thậm chí xem phim hay xem biểu
diễn văn nghệ cũng bắt buộc phải đi. Lại thêm, mỗi lần ra phòng, vô phòng, phải
xin phép cán bộ công an quản chế. Đứng thế nghiêm, miệng nói lớn: Xin phép cán
bộ, tôi đi ...
Thầy không đi được, phải giải quyết “việc cần” tại chỗ. Giặt
giũ, lau chùi không có xà phòng, mùi hôi không hết được, ghét bẩn không sạch
được; quần áo, mền chiếu của thầy nhàu nát. Tôi nằm trần trên nền ciment, còn
chiếu chăn của tôi đem ra phục vụ thầy. Chỉ được ít lâu, chiếu chăn của tôi cũng
phải vất bỏ. Linh mục Nguyễn Vân Nam, người đồng trại, nguyên hiệu trưởng
trường trung học Thanh Linh (trước đặt ở Quán Ngang – khu tập trung của dân Gio
Linh, chuyển vô ở Hòa Khánh rồi ở khu Động Đền) – nơi thầy có dạy giờ - giao
cho tôi đồ của cha để dùng cho thầy. Đến lượt, đồ của cha cũng hết sử dụng
được. Tôi đang không biết xoay xở cách nào nữa thì anh em cùng buồng, người góp
cái áo, người góp cái quần ... quấn ủ cho thầy.
Sốt mất nhiều hồng cầu, mà không có chi bồi bổ, thầy kiệt
sức, hơi thở yếu đi. Thầy thở bằng mũi ít mà bằng miệng nhiều. Rồi miệng thầy
há ra, không khép lại nữa, thỉnh thoảng nấc lên. Một chốc sau, thầy chỉ nấc.
Thầy thở cá ... hấp hối. Thầy sắp chết. Tôi ngồi nhìn thầy, không làm gì cho
thầy nữa - làm gì cho nhọc công! Con người thầy chỉ còn xương và da. Lưng thầy
đầy những vết loét lớn, sâu ... màu đỏ sẫm. Mùi tanh tao từ thân thể cộng thêm
mùi ghét bẩn rịn ướt nơi chỗ nằm mời gọi các loài kiến lâu nay ẩn dấu dưới nền
nhà bò lên. Kiến leo, bò lên trên mình thầy. Chắc lúc ấy, thầy không còn cảm giác;
nếu có cảm giác thì tội nghiệp thầy lắm. Cái cắn đau của loài kiến lửa, cái bò
gây “nhột” của loài kiến hôi hoặc kiến đen ... Lúc đầu, ít con, tôi chụm mấy
ngón tay để bắt, để giết. Rồi kiến lên nhiều quá, tôi đành bó tay. Giá như có
một ít dầu hỏa, bôi quanh người thầy và chỗ thầy nằm thì chắc chắn kiến bỏ đi,
nhưng dầu hỏa đâu lúc đó! Trong tình thế này, trước sau thầy cũng chết. Có thể
một giờ nữa, hai giờ nữa ... đêm nay ... hay cùng lắm ngày mai. Ngồi bên thầy,
buồn rười rượi, hết đường tính toán, tôi chấp tay trước ngực, miệng lâm râm cầu
nguyện thầy sớm về cõi Vĩnh Hằng, hóa kiếp để đỡ khổ cho thầy và cũng đỡ khổ
cho tôi.
Hôm ấy, khoảng 4 giờ chiều, trại sai người đưa băng-ca vào
bưng thầy đi. Thầy nằm bất động, tôi khóc vì nghĩ rằng thầy trò không bao giờ
gặp nhau nữa. Mai mốt may mắn được về, gia đình thầy hỏi mồ mả thầy thì tôi
biết đâu mà chỉ. Tôi khóc thành tiếng, anh em trong buồng ai cũng rươm rướm
nước mắt. Họ thương thầy mà cũng thương tôi . Thương thầy vì thầy là bạn cùng
ăn, cùng ở với họ; cách cư xử của thầy đã làm cho họ mến mộ. Thương tôi vì cả
thời gian dài tôi chăm sóc thầy trong điều kiện khó khăn như thế, giờ chỉ là
“dã tràng xe cát”. Thú thật: qua việc tôi tận tình với thầy, anh em cùng buồng
đánh giá tôi là người có tình, có nghĩa. Từ đó về sau, họ dành cho tôi nhiều
tình cảm. Tôi ở trong trại không có nguồn tiếp tế của người thân. Vợ tôi đã
mất, con tôi còn dại, đại gia đình đã về Đông Hà. Tôi còn sức khỏe để có ngày
ra trại, chủ yếu là nhờ bạn cùng buồng và cùng trại. Ông Trời lại cầm cân nảy
mực rất công bằng; sống có lòng thì không bao giờ thiệt thòi; trong đoạn đời từ
ngày ra trại đến nay, tôi thoát nguy hiểm suýt chết nhiều lần và được bạn bè,
học trò cũ giúp đỡ khi khó khăn mặc dầu tôi không bao giờ gợi ý.
Đêm ấy, thầy nằm một mình ở một cái chòi dựng bên một dòng
suối. Có lẽ ban quản đốc trại không muốn thầy chết trong buồng giam. Tôi nghĩ
thầm: thầy sẽ chết trong đêm và chắc chắn được chôn cất ngay trước khi trời
sáng. Trước đó ít lâu, một trại viên chết do bệnh, trại không chọn ban ngày để chôn
cất mà chờ ... cử người đi chôn trong
màn tối của đêm. Tôi không ngủ được, cứ trở mình qua về. Hễ nhắm mắt lại, tôi
mộng thấy chiếc xe bò kéo đang chở xác thầy ra khu rừng vắng, trên không, mấy
con quạ đen bay lượn, buông dồn liên hồi những tiếng kêu kinh tởm.
Sáng hôm sau, một ông bác sĩ phụ trách y tế của sở Công An
tỉnh Thuận Hải (tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận gộp lại) lên. Không biết ông
lên theo lời mời của trại để xử lý trường hợp thầy hay ông đi công tác định kỳ.
Thầy chưa chết, vẫn đang thở cá, ông bác sĩ thăm khám thầy và đề nghị trại đưa
thầy vào một phòng riêng để truyền dịch và điều trị bằng thuốc men. Thầy dần
tỉnh, bệnh tình thuyên giảm từng ngày.
Khoảng một tháng sau, trại trả thầy về buồng, thân hình chỉ còn
da bọc xương, tóc dài bù xù, râu mọc quăn queo. Thầy chống chiếc gậy để bước,
lưng cong xuống như cụ già trăm tuổi, mặc dầu lúc ấy thầy mới 36 tuổi. Đêm đêm,
thầy phải nằm nghiêng, rên hư hử. Thầy nằm ngửa không được, những đám loét sâu
ở lưng còn đau lắm.
Trong thời gian dưỡng bệnh, thầy rất thèm ăn. Đáng lẽ được
ăn nhiều, ăn đồ bổ để chóng bình phục, tội nghiệp bữa nào cũng như bữa nào,
thầy chỉ hưởng phần ăn của một trại viên bình thường: lưng chén cơm với một tí
đồ ăn khô hoặc nước. Biết thầy thiếu đói mà bất lực, tôi nhói lòng.
Do bệnh hoạn, thầy được phóng thích sớm. Về nhà, cả thời
gian dài, thầy không làm gì được, mọi việc gia đình trút lên vai người mẹ già
và người vợ “yểu điệu thục nữ”.
Rồi mấy năm sau, dòng đời đẩy đưa thầy trôi nổi. Thầy theo
gia đình về tận Bạc Liêu. Để tồn tại, thầy làm đủ nghề: bán kem, vá soong nồi
nhôm, sửa máy khâu ... Công việc lưu động đi từ vùng này qua vùng khác, đến đâu
nghỉ đó. Thầy gánh vác việc gia dình để phu nhân thầy – cô Phù thị Lan - rảnh
tay vào học trường sư phạm. Nhờ ơn trời, cô ra trường được tuyển dụng, cùng lúc
đó, sở giáo dục & đào tạo tỉnh Bạc Liêu cũng mời thầy trở lại nghề cũ – dạy
toán ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Học trò thầy đa số là cán bộ nhà nước
đủ ngành. Thầy có thu nhập đều đặn. Quan hệ xã hội mở rộng. Uy tín trong cộng
đồng tăng dần.
Thầy Dương Đình Trọng
(Ảnh 2012)
Thầy cô đã nuôi dạy 6 người con thành đạt, có công ăn việc
làm ổn định. Phần lớn theo nghiệp cha mẹ
làm thầy giáo cô giáo. Có người gợi ý gia đình thầy nên xin nhà nước mở một
trường tư thục riêng cho tiện. Thầy cười: còn thiếu nhiều điều kiện quá!
Bây giờ, thầy đã về hưu. Không những được học trò mới đùm
bọc, thầy còn được học trò cũ chiếu cố. Thầy đã được mời ra Quảng Trị gặp mặt
nhiều lần với học trò cũ: Bán Công Đông Hà, Trung Học Gio Linh, Trung Học
Nguyễn Hoàng. Và năm 2008, học trò cũ của thầy đã mời thầy đi chơi một chuyến
bên Mỹ. Gần đây nhất, vào tháng 6 năm 2012, thầy đã ra dự họp mặt liên trường ở
thành phố Đông Hà và kỷ niệm 60 năm thành lập trường Nguyễn Hoàng ở thị xã
Quảng Trị.
Trong những lần thầy ra Quảng Trị, tôi may mắn gặp lại thầy,
nghe thầy kể cuộc sống hiện tại mà mừng. Một người giỏi về nhiều phương diện
như thầy lẽ nào phải chịu cực mãi. Thầy phải hưởng và thật sự đang hưởng một
cuộc sống xứng đáng.
“Trời có mắt”. Rất đúng!
Viết đến đây, tự nhiên lòng tôi dậy lên câu hát của nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng ...”./.
Hoàng Đằng