Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 31, 2017

NGÀY TẾT BÀN VỀ CHỮ ĂN - Lâm Bích Thủy



Năm con gà nhà bạn Ăn Tết thế nảo? So với mọi năm, nhà mình rút kinh nghiệm từ các năm trước; không phung phí, chỉ sắm tất cả mọi thứ vừa đủ nhưng không vì thế mà kém phần vui vẻ. Nhìn chung mình thấy hàng xóm cũng đều như vậy. Người Việt Nam dù giàu hay nghèo không ai là không Ăn Tết cả. Và mọi vật sống trên trái đất này phải ăn mới phát triển và tồn tại. Song có thể khẳng định rằng chi có Việt Nam ta mới dùng từ Ăn để diễn đat mọi nhẽ đời.
Theo tôi, có lẽ xuất phát từ một nước dựa vào cây lúa là chính; lúc được mùa thì no, lúc giáp hạt thì đói. Có ăn mới tồn tại và phát triển được. ..Vì vậy, từ Ăn nó hằn sâu vào tâm trí con người từ ngàn xưa và càng ngày càng biến thể phong phú theo nhiều cách; tùy theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội mà thành những câu, những thành ngữ, ca dao đề nói lên cốt cách, tình cảm, cái tâm, hình dáng con người; giúp chúng ta phân biệt tốt xấu, dạy chúng ta nhìn rõ bản chất của nhân vật, người nào đó trong một xã hội. Điều này, chứng minh dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất thông minh, biết khai thác và biết sử dụng uyển chuyển ngôn ngữ từ gốc đến ngọn .


Các bạn xem nhé, có đến “1.001” cách diễn đạt từ chữ Ăn đấy nhé:
- Để chỉ về thời kỳ Cổ đại, ta dùng cụm từ Ăn lông ở lổ” “Ăn bờ ở bụi”
- Sang năm mới, dù nhà nghèo hay nhà giàu ai cũng lo sắm sửa để “Ăn Tết” .
– Các ngày lễ lớn, nhỏ dân ta hay tổ chức ăn mừng, ăn tiệc, ăn sinh nhật, ăn thôi nôi, ăn cỗ; 
Bực mình mà chẳng nói ra
Muốn đi “ăn cỗ” chả mà nào mời
Không mời thì mặc không mời
Đã trót mặc áo không mời cũng đi


- Để chỉ những người thích hưởng thụ mà lười biếng, muốn ăn ngon mà không muốn làm thì ta dung câu: Ăn thì đi trước , lội nước đi sau; ngồi mát Ăn bát vàng”, “Ăn trắng mặc trơnăn trên ngồi tróc, chỉ biết Ăn chơi” “Ăn tụcnói phét”
- Còn chỉ những kẻ bất lương thì ta bảo đồĂn cướp, ăn trộm, ăn cắp,
- Chưa có tiền trả thì tạm Ăn chịu ghi sổ trả sau,
- Giải pháp cho những người sống tạm bợ, chầu chực Ăn chực nằm chờ”
- Kẻ cơ hàn, sống bệ rạc, ăn không có mâm bát, bàn ghế: đồ “Ăn xó mó niêu
- Kẻ liều, không cần giữ phẩm giáĐói ăn vụngtúng làm càn
- Khi cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu:         
  Dốc bồ thương kẻ ăn đong 
  Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình
Không môn đăng hộ đối, hợm mình đến mức khó tin:

Bao giờ rau diếp làm cột đình
Gỗ liêm ăn ghém thì mình lấy ta”

- Người biết lo xa, biết dàn xếp, khó khăn đâu sợ nếu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, liệu cơm gắp mắm, ít thức ăn phải Ăn dè” cho đủ .
- Người không biết lo, không để tâm đến thứ gì “ Ăn xổi ở thì”
Sống biếng nhác chỉ dựa vào người khác:
Ăn không rồi lại nằm không/ Mấy non cũng lở, mấy công em cũng hoài”
- Kẻ xấu, cố chấp, luôn nghĩ cách đối phó, trả thù: ăn miếng trả miếng”
- Kẻ tiểu nhân, giấu giếm để hưởng lợi riêng : Ăn mảnh
- Đã nghèo lại còn đòi hỏi quá đáng: Ăn mày mà đòi xôi gấc
- Chi tiêu không suy nghĩ hoang đàn : Ăn xài phung phí
- Trong cơ quan, công sở lãnh đạo thường tìm người cùng ê kíp để bảo vệ chiếc ghế của mình tìm kẻ  ăn cánh, ăn ý ” 
-Coi khinh, dè biểu người coi trọng cái ăn hơn hết: Miếng ăn quá khẩu thành tàn /Mất ăn một miếng lộn gan trên đầu”, “ Miếng ăn là miếng nhục ” .
- Coi trọng Khí phách không nên “Chết vì ăn là cái chết ươn hèn”
- Ăn uống đầy đủ người mới có sức khỏe học những điều hay, trí tuệ mới được mở mang.   Ăn vóc học hay ”
- Chỉ gái làm tiền “bán trôn nuôi miêng”, “ăn sương”, “ăn đêm” ,
- Quan hệ không lành mạnh “Ăn nằm” với kẻ không phải vợ, chồng mình “Ăn phở” ngon hơn ăn cơm
- Lợi dụng làm trung gian để lấy bớt phần người khác: Ăn chặn” ăn chẹt, ăn giựt, “ăn quỵt”, “Ăn gian” “Ăn lận” .
-Trong kinh doanh cần phải liều Được ăn cả, ngã về không
- Chỉ sự lớn nhanh của gà con: Vắng chủ nhà gà mộc đuôi tôm
- Người không thể vượt lên chính mình, đành:
 “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ cầm bằng làm mướn mướn không công”
- Bọn côn đồ, mặt dữ dằn, nhìn mặt chúng thấy như sắp “Ăn tươi, nuốt sống”, “nuốt chửng, nuốt trộng” người ta.
- Người làm ăn dối trá, cốt hưởng lợi: Ăn thật làm giả
- Người biết lỗi hối cải: “Ăn năn - sám hối”
- Chụp hình đẹp hơn ở ngoài đời gọi là “Ăn ảnh ”
- Mua bán ngày một khá hơn Ăn nên làm ra
- Nếu hiểu biết về dinh dưỡng thì nên Khôn ăn nước, dại ăn cái” chất bổ tan vào nước,


Đôi lúc chúng ta sử dụng từ ăn bằng tiếng Hán Việt để dễ dàng biểu thị sự việc cho văn minh hơn như “Có thực mới vực được đạo” , ý muốn nói nam thì ăn nhiều, nữ ăn yếu thì nói  “Nam thực như hổ” , nữ thực như miêu
- Sự tri ân với người có công “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Trung thành với sếp Ăn cây nào, rào cây ấy
- Chỉ kẻ vô ơn bội nghĩa: Ăn cháo đái bát
- Ông cha ta thường đúc kết kinh nghiệm cho con cháu bằng ca dao:

        Cấy thưa thì thừa thóc/ cấy dày “Cóc được ăn” . (Cóc = không)

- Phải quí trọng sức lao động của người nông dân, uống nước nhớ nguồn

“Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

- Làm công tác xã hội không lương: Ăn cơm nhà, vác tù và hàng Tổng
- Tính sòng phẳng Tiền trao, cháo múc
- Hoạt động bí mật phải “Nếm mật, nằm gai”
- Học hành mới có tương lai, nếu không sau này đi “Ăn mày”, “Ăn xinmà sống “Ăn mày là ai ? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo mới ra ăn mày
- Phải lao động mới có ăn “ Tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ ”
- Có những tộc người chỉ dung tay để ăn như Người Ấn Độ “Ăn bốc” là chính
- Đồ vật lâu ngày hư hỏng là do bị “ăn mòn”, “Ăn luồng, “Ăn rỗng”
- Chỉ sự thông thoáng “Ăn thông
- Chỉ người nói leo “Đồ ăn hớt
- Nhà nghèo ta phải lựa chọn Ăn chắc mặc bền”
- Con gái thường “ăn vặt” hơn con trai
- Bảo vệ dạ dày thì  Ăn chậm nhai kỹ”; để giữ vệ sinh khi ăn không nói
- Tương quan lẫn nhau Cá ăn kiến, kiến ăn cá”, “ăn nhịp
- Không có kế hoạch trước thì kết quả “Có mà ăn cám” ,
- Trong chăn nuôi, trồng trọt bị trộm hoài, hoặc trong kinh doanh ta nên giải quyết sớm:        
   Thà ăn non còn hơn mất già
- Công dụng tuyệt vời, tận dụng tối đa: Ăn ráo củ kiệu” Cây kiệu: củ làm dưa món, rể, lá muối dưa chua không bỏ gì cả
- Đạo lý nhà Phật “Ăn, Ở có đức mặc sức mà ăn” Ăn chay niệm Phật
- Người cố chấp, cay cú không muốn ai hơn mình “Trâu buộc ghét trâu ăn”;
- Sống phải biết nhường nhịn, đừng cậy mạnh Ăn hiếp” kẻ yếu, biết chia sẻ không thì “Ăn một mình đau tức , làm một mình cực thân,
- Hậu quả của việc làm thất đức: Cha ăn mặn, con khát nước” ,
- Không thỏa mãn thì Ăn vạ
- Người thâm nho “Người khôn ăn nói nửa chừng , để cho người dại nửa mừng, nửa lo”,
- Người dối trá thì “Ăn không nói có
Chỉ sự liên quan phù hợp cùng nội dung: Ăn nhập
Để chỉ bọn quan lại tham nhũng: Ăn hối lộ”, “ăn bẩn” “Ăn đậm”, ăn tham
- Chê bai thứ gì đó: Ăn nhằm gì”


Đề cập đến vấn đề hôn nhân gia đình
- Vợ chồng chung thủy thì  “Ăn đời ở kiếp
Tuy không nói rõ ra từ ăn, mà vẫn hiểu nguồn gốc là ăn
          “Chàng ơi phụ thiếp làm chi                     
          Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng”,
“Ai ơi chua ngọt đã từng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Vợ chồng thuận “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon
Con cái lười chỉ quanh quẩn trong nhà, mẹ mắng: - Mày như gà ăn quẫn cối xay”
- Người lịch sự “ăn mặc tử tế
-Thời phong kiến “miếng trầu là đầu câu chuyện, mời bác xơi thuốc, xơi trầu” (Xơi đồng nghĩa với ăn)
- Thủ tục lập gia đình “Ăn hỏi” trước, Ăn cưới” sau
- Trả đủa nhau cho biết mặt, dại gì chịu thiệt “Ông ăn chả, bà ăn nem
- Vợ, hoặc chồng say mê kẻ khác một cách mê muội, mất cả lý trí “ông ấy hoặc bà ấy “Ăn phải bùa mê, ăn phải ngải” con nào, thằng nào rồi.
- Nếu vợ hoặc chồng có bồ mà người thân không biết “Ăn vụng mà khéo chùi miệng” hoặc “Ma ăn cổ
- Để chọn vợ “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chìu chồng lại khéo nuôi con/ Những người béo trục béo tròn/ Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày”
- Tình cảm người và vật “Bóng bóng bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”
- Trong XHCN “ Có làm mới có ăn” hay nói là Tay quai miệng trễ
- khi giận dỗi, thách thức Ăn có mời làm có khiến
- Công việc khó khăn “Đâu có dễ ăn
- Người có ý thức khi “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” ,
- Gia đình là nơi hình thành nhân cách con người:
 Trồng cây chua ăn quả chua/ Trồng cây ngọt ăn quả ngọt;
Thời nay: - Công việc nhiều, ít thời gian đã có “Đồ ăn liền”, “Ăn nhanh” …


Mình nghĩ được có thế thôi, ai biết nữa thì góp vào cho phong phú nhé.

LÂM BÍCH THỦY



READ MORE - NGÀY TẾT BÀN VỀ CHỮ ĂN - Lâm Bích Thủy

RƯỚC EM LÊN ĐỒI... -Thơ Trần Mai Ngân



                   Tác giả Trần Mai Ngân


RƯỚC EM LÊN ĐỒI...

Tôi rước em lên đồi Từ Hiếu
Mùa Xuân về nắng ấm quê ta
Các chú chim giọng hót thật thà
Như tấu khúc đưa ta vào mộng...

Nắm tay tôi đi... dù viễn vọng
Là phút giây ân sủng của đời
Mắt môi em hạnh phúc rạng ngời
Tôi biết - em hồn nhiên thánh thiện

Cảm ơn trời con tim thiện nguyện
Ban cho tôi, cho cả đời em
Chút ấm êm mật ngọt xin thêm
Cùng giữ chặt - em ơi giữ chặt...

Nắm tay nhau - mắt chìm trong mắt
Cỏ dưới chân mịn mượt màu Xuân
Đôi lòng ta nhiều lắm bâng khuâng
Đi em nhé... lên đồi Từ Hiếu...

                           Trần Mai Ngân

READ MORE - RƯỚC EM LÊN ĐỒI... -Thơ Trần Mai Ngân

ĐẦU XUÂN THÌ THẦM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI - TS.Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên


  
                Nguyễn Ngọc Kiên và Nguyễn Khôi


ĐẦU XUÂN THÌ THẦM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI 
                                                TS.Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên

Gần đây thơ Nguyễn Khôi xuất hiện khá nhiều  và đều đặn trên các trang báo mạng. Phần  lớn thơ anh là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta. Kể ra, đã qua độ tuổi xưa nay hiếm từ lâu, nay bước vào độ tuổi 80 sức làm việc ấy cũng thật đáng nể. Nó hứa hẹn những bài thơ mới tươi rói đầy triển vọng . Nhà thơ Lê Mai thẳng thắn cho rằng: Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng!  Nhưng thơ Nguyễn Khôi cuốn hút rất nhiều người đọc. Từ nam phụ, lão ấu. Từ những vị ni cô, sư nữ ở chùa tận Bình Dương và Huế cho đến những phụ nữ có học vấn, học hàm học vị cao ở trường ĐH Quốc Gia. Có người kín đáo thư từ cho Nguyễn Khôi, có người thì công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà thơ  trên facebook. Nó có sức ma mị. Điển hình phải kể đến một số bài tiêu biểu, chẳng hạn: 
Đâu có phải bờ sông Lô hoang vắng 
           Gió dập dờn mây trắng ngút ngàn lau 
           Sông cứ chảy vờn sau tà áo trắng 
           Mặc thời gian như nước chảy qua cầu…
                                        (Chiều phố Vọng)
Hay trong bài “ Gửi em – Pairis Mùa thu tím”:
Thôi, mai em về Cửu Long giang cuộn sóng 
            Nhớ sông Seine... thời khắc chẳng ngừng trôi 
            khung cửa hẹp 
            ôi thu, hừng sắc tím 
            tím cả hồn thơ thả mộng lên trời...
                 (Gửi em – Paris mùa thu tím)
Xưa nay chỉ thấy các thi sĩ nói về màu tím tình yêu, chứ còn nói “Paris mùa thu tím” thì đúng là chỉ có ở … Nguyễn Khôi.
Hay bài “Gửi Tuyên Quang” – một bài thơ hay của Nguyễn Khôi, có những câu thơ xuất thần, bảng lảng, lay động lòng người:
Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi 
            Để ai kia khắc khoải những mong chờ 
            Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi 
            Gieo vào lòng một chút sóng Sông Lô ...
Cách nay hơn một tháng vào cuối năm Bính Thân, “chút sóng sông Lô” ấy đã làm xao động sóng sông Hồng.
 Trong bài tứ tuyệt “Ao làng”,  Nguyễn Khôi viết:
            Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang 
             Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng 
             Cái đêm hè ấy ai ra tắm 
             Để cả bầu trời phải tắt trăng.
                                            (1995)
Nhiều người cho rằng đây là bài thơ hay. Nhà ngôn ngữ học hàng đầu Hồ Hải Thụy  nói ước gì được về tắm ở cái ao làng ấy lấy một lần trong đời. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim thì cho rằng chữ “tắt” trong “Để cả bầu trời phải tắt trăng” không thể thay thế bằng một chữ khác. Chúng tôi lại không nghĩ thế. Nhà thơ Lê Mai cho rằng chữ “tắt”  là tả thực chỉ hành động, dùng ở đây không thật tinh tế và không được “thơ” lắm! Có kẻ nghịch ngợm, ngỗ ngược cho rằng nó gợi cho ta liên tưởng tới chu kì của chị em phụ nữ.
Chữ “tắt” hoàn toàn có thể thay thế bằng động từ khác. Chẳng hạn, ta thử thay bằng “lịm” hay “khuất” :“Để cả bầu trời lịm ánh trăng” nghe có vẻ ổn hơn. “Lịm” như một ngọn đèn vụt sáng trước khi tắt, thực tế làm tỏa  sáng rực cả bài thơ. Như vậy nói không thể thay thế là hơi vội vã và  hoàn toàn không có cơ sở!
Trong bài “Đêm Châu Mộc” viết ngày 15/4/1963 cách nay đã hơn 50 năm; tác giả đã nhậy cảm từ lâu, trong khi mọi người còn “ mê ngủ” , vẫn say mê với bài thơ “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng “ của Tố Hữu , thì Nguyễn Khôi đã viết :
Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
         Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
         Mới hay cuộc sống còn đói khát 
         Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn
Theo chúng tôi đây cũng là một bài thơ hay của Nguyễn Khôi. Hai câu đầu là tả thực. Hai câu cuối có sức khái quát lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở nơi mà đã có “dân đốt nương Núi cháy xém vầng trăng”, tàn phá rừng, hủy hoại môi trường như thế thì không còn nghe thấy tiếng “nai tác”được nữa. Có chăng chỉ còn nghe tiếng thạch sùng mà thôi!
Đọc đến đây người viết bài này nhớ đến giai thoại về bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế” đời đường cách nay đã hơn một ngàn năm:
Trăng tà bóng quạ kêu sương 
Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Dù sao giai thoại cũng chỉ là giai thoại. Xưa nay người ta đã bàn nhiều về cái sự vô lý trong những bài thơ hay. Có giả thuyết cho rằng, sự thực thì “nguyệt lạc” (trăng lặn) đã là lúc về sáng rồi. Tác giả đi nằm lúc nửa đêm cứ  mơ màng cho đến khi chợt tỉnh và bị ảo tưởng về thời gian nên cho là mới có nửa đêm.
Nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống cho rằng, “Trương Kế vì mê câu văn hay đã làm cho ý văn không được thông; đó là ngữ bệnh (tì vết trong câu văn) vậy. 
Nhưng chúng ta cũng không nên bới lông tìm vết làm gì”.
Ở đây Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”. Vậy nên ta cũng không nên “chẻ sợi tóc làm tư” mà làm gì miễn là đó là thơ hay!

                                              Mồng 4 tháng Giêng năm Đinh Dậu
                                                             Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐẦU XUÂN THÌ THẦM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI - TS.Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên

LÀ ANH - Trịnh Cơ / CÓ PHẢI LÀ ANH? - Phương Hà





Trịnh Cơ

LÀ  ANH!

Tung cánh mây trời gió cuốn bay !
Giang hồ phiêu bạt ngút đường mây
Đã bao năm trước, nơi xưa đó
Em khẻ ôm anh nhẹ cánh tay...

Anh chứ là ai, dưới nắng hồng
Cạnh người em nhỏ nét thon cong
Em cười, em nói lòng ngây ngất
Má đỏ hây hây bởi rượu nồng

Cũng chính là anh dưới ánh trăng
Đôi ta âu yếm phút mê man
Hình hài đưa nhẹ bên song cửa
Giấc mộng đêm hè như nắng chan

Là anh đó, đứng  dưới cơn mưa
Gió thốc nghiêng nghiêng thưở cuối mùa
Trông ngóng tin em, người ướt đẫm
Lạnh lùng trong cảnh thật ngu ngơ !

Anh như chim lướt cánh cùng mây
Cô độc nên thường chếnh choáng say
Kiếp sống nhân sinh toàn ảo mộng
Thì đành sống vội kẻ thơ ngây

Anh đúng là loài bông cỏ may
Giữa nơi hoang dã gió thôi bay
Khi em ghé bước nơi rừng thẳm
Đi đến thăm anh...gai sướt vai !

Anh cũng thực là một khúc sông
Hợp lưu ba nhánh chảy thông dòng
Bao nhiêu bờ bến trên con nước
Làm chốn hẹn hò duyên mặn nồng

Thân anh hạnh phúc chẳng lên ngôi
Có nghĩa gì đâu, chuyện đất trời
Đôi lúc loé lên bừng ánh sáng
Để rồi im ắng giữa trần đời.
                   Trịnh Cơ  (Paris)
                         26/01/2017

Bài xướng: 

Phương Hà 

CÓ PHẢI LÀ ANH?

Có phải là anh, ngọn gió bay ?
Cho em tóc xõa dưới trời mây
Thoảng hương hoa bưởi trong vườn ấy
Suối mộng đan cài những ngón tay

Có phải là anh, ánh nắng hồng ?
Điểm tô phơn phớt cánh môi cong
Cho em nũng nịu nâng ly nhắp
Từng giọt yêu thương rượu thấm nồng

Có phải là anh, ánh sáng trăng ?
Len vào song cửa, đến mơn man
Trên làn da ngọc duyên e ấp
Ru giấc xuân nồng mộng chứa chan

Có phải là anh, giọt nước mưa ?
Xua cơn nóng bức buổi sang mùa
Cho em mơn mởn hoa vừa hé
Từng cánh trong ngần, đẹp ngẩn ngơ

Có phải là anh, một áng mây ?
Dập dềnh bay bồng mấy tầng say
Đưa em về đến khung trời mộng
Ở đó đôi mình vui ngất ngây

Có phải là anh, hoa cỏ may ?
Ghim đầy vạt áo lụa bay bay
Tung tăng gót nhỏ em vui bước
Trên cánh đồng hoa sương ướt vai

Có phải là anh, một nhánh sông ?
Thuyền em lờ lững nước xuôi dòng
Bến bờ xa lắc em nào biết
Miễn được bên anh trọn giấc nồng

Có phải là anh, sao đổi ngôi ?
Vừa bay loang loáng vút ngang trời
Em thầm cầu nguyện cho hai đứa
Giữ bóng hình nhau đến cuối đời.

                          Phương Hà
                       ( Mùa xuân 2017 )
READ MORE - LÀ ANH - Trịnh Cơ / CÓ PHẢI LÀ ANH? - Phương Hà