Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, August 12, 2018

CÓ GÌ LÀ LẠ?, MUỘN TRĂNG - Thơ Lê Ngọc Phái



               Nhà thơ Lê Ngọc Phái



CÓ GÌ LÀ LẠ?

Gió đêm lành lạnh sương thao thức
Hình như trời đã chớm heo may
Thời gian lặng lẽ trên màu tóc
Sợi khói đời ta mỏng mỗi ngày!


MUỘN TRĂNG

Tóc giờ nắng lệch đường ngôi
Bờ lau cũng trắng nửa trời gió đêm
Hoa quỳnh quên nở, kìa em
Mình anh lặng thức bên thềm muộn trăng...

                                       Lê Ngọc Phái

READ MORE - CÓ GÌ LÀ LẠ?, MUỘN TRĂNG - Thơ Lê Ngọc Phái

SÁNG NAY MẸ MANG ROI RA VƯỜN - Thơ -Trần Thiên Thị

Tác giả Trần Thiên Thị.
Sketch bằng vi tính của NKP.


SÁNG NAY MẸ MANG ROI RA VƯỜN
Trần Thiên Thị

sáng nay mẹ mang roi ra vườn
đánh vào gốc mít
cây mít đã mấy mùa không trái
năm nay lơ lửng quả còi
quả nào cũng thối
đánh vào gốc xoài
hồn hoa mùa xuân
bây giờ không quả đậu

sáng nay em tôi ra quán
40 tuổi
và một mái đầu tóc bạc
gõ vào thành ly
cắn vào chiếc muỗng
cà phê ngọt
và nỗi buồn thì đắng
con mắt gieo vào đồng đêm
ban mai chưa bao giờ gặt

sáng nay tôi treo tôi đầu chợ
hiến mình cho những cái nhìn
như lằn roi
quất ngang
quất dọc
biết đâu
như cây mít cây xoài
sợ đau mà đơm hoa kết trái

sáng nay
này mẹ
này em
đánh vào đâu
cắn vào đâu
chữa lành tôi

T.T.T.



READ MORE - SÁNG NAY MẸ MANG ROI RA VƯỜN - Thơ -Trần Thiên Thị

BÓNG THU - Thơ - Tăng Tấn Tài

Tác gỉaTăng Tấn Tài


BÓNG THU 
Tăng Tấn Tài

Uống tàn một cuộc say
Đâu thấy đời hữu hạn
Vầng trăng chiều lên sớm
Vỗ cánh trời mênh mang .

Trả lời ca năm, tháng
Nắng cười cợt bậc thang
Chân leo từng nấc một
Gió thích hoài đi hoang.

Cô đơn trời viễn xứ
Cỏ xanh bờ đường quê
Đốt khô chiều tìm tứ
Ô hay! Chân bươn về.

Sương phơi mòn lối cỏ
Gió hôn nụ tầm xuân
Em mờ gương xa khuất
Trôi theo dòng, trầm luân.

Đốt rơm tìm ngọn gió
Thơm mùi rạ em qua
Thu về chưa, thấy lạ!
Thoáng sắc vàng xa xa ...

17.7.2018
T.T.T.


READ MORE - BÓNG THU - Thơ - Tăng Tấn Tài

NHỚ VỀ MẸ CHA - Thơ Nhật Quang






NHỚ VỀ MẸ CHA
(Thân tặng những người còn Mẹ Cha)

Chiều nghe gió vọng tiếng Thu
Bâng khuâng chợt nhớ lời ru…năm nào
Ầu…ơ,  tiếng mẹ ngọt ngào
Ru con tròn giấc, bước vào thời gian

Nương dâu mẹ gánh lầm than
Thân cò lặn lội, vai mang kiếp nghèo
Biển đời cha cõng cheo neo
Mong đàn con dại mai theo kịp đời

Nay con khôn lớn thành người
Công cha, nghĩa mẹ vợi vời Thái sơn
Rưng rưng mắt lệ trào tuôn
Hai phương trời nhớ, nỗi buồn đầy vơi

Cầu mong cha mẹ yên vui
An khang, trường thọ sống đời với con
Đóa hồng trên ngực sắt son
Mùa Vu Lan đến, mong tròn nghĩa ân.

                                         Nhật Quang
                                           (Sài Gòn)

READ MORE - NHỚ VỀ MẸ CHA - Thơ Nhật Quang

ĐỌC “ƯỚC CHI” THƠ LÊ GIAO VĂN - Châu Thạch

    
            Nhà bình thơ Châu Thạch




ĐỌC “ƯỚC CHI” THƠ LÊ GIAO VĂN
                                                 Châu Thạch
Bài thơ tác giả tặng cho Phi - làng Đại Bường, Quảng Nam nên trước hết người viết xin giới thiệu qua về làng Đại Bường;
“Ngược dòng sông Thu Bồn, qua khỏi khu vực tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên sông dần hẹp lại.Hai bên bờ có nhiều ghềnh thác, vực sâu... núi cao vời vợi soi bóng xuống dòng sông xanh ngắt. Chen giữa những thung lũng có nhiều ngôi làng nhỏ hiền hoà...Làng Đại Bường nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam một vùng quê yên ả, thanh bình. Nơi đây hội đủ các yếu tố về địa lợi, nhân hoà. Làng hoa trái Đại Bường là một làng nghề truyền thống nổi tiếng cung cấp trái cây chủ yếu cho Hội An Quảng Nam và Đà Nẵng. Nơi đây, có nhiều loại trái cây khá phong phú và đa dạng. Đến với Đại Bường du khách không chỉ được thưởng thức nhiều loại hoa quả lạ mà làng còn hiện lên nét văn hóa của làng quê Việt Nam xưa. Làng hoa trái Đại Bường ai đến đây cũng phải sững sờ trước những loại cây ăn quả từ nơi khác đều có ở Đại Bường. Mặc tình ai muốn gọi gì cũng được, có điều chắc chắn chính sự đa dạng, phong phú, đầy đủ của cây trái đã làm cho làng Đại Bường như một cõi lạ giữa miền Trung. Ngoài ra làng Đại Bường còn có một đặc điểm là, dầu làng ở miền trung du nhưng qua hai cuộc chiến tranh, không hiểu có thế lực thần quyền che chở hay không, mà không có một quả bom, hòn đạn nào lọt vào làng. Cuộc sống người dân vẫn an bình trong thời khói lửa.”
Làng Đại Bường như thế, cho nên khi thấy bài thơ đề tặng cho một người con gái làng Đại Bường thì trong ta đã dậy lên một cảm tình riêng với cô gái trong thơ rồi. Không nói ra nhưng ai cũng cảm nhận tự nhiên cái hương thơm của hoa trái ở đây ướp vào trong thịt da cô và cái bình yên của một ngôi làng lý tưởng làm cho tâm hồn cô cũng thùy mị trắng trong. Từ sự yêu mến ngồi làng và người con gái ấy, ta yêu mến bài thơ, bởi vì bài thơ cũng như một cánh hoa bay, nhưng bay chao đảo trong không gian quá khứ của ngôi làng và trong nỗi ước mơ của một thi nhân tóc bạc bởi phong sương. Ta thấy gì ở khổ thơ đầu tiên|

Hồi em gái quê mười bảy
Nồng nàn hương bưởi, hương cau
Quả đất đêm huyền lệch trụ
Bốn lăm năm mộng... còn say !

Dễ hiểu quá và không có gì đặc biệt. Thế nhưng chỉ một chữ “lệch trụ” hay nói rõ hơn, câu thơ “Quả đất đêm huyền lêch trụ” nó làm cất cánh khổ thơ bay cao hơn những ý thơ cũng như thế của nhiều thi sĩ khác. Câu thơ không nói đến chiến tranh nhưng nó cho ta liên tưởng một biến động làm sai lệch ghê gớm của con người, của xã hội và của Thương Đế nữa. Sau sự sai lệch đó, thì nhân phải hứng chịu 45 năm nằm mộng và say. Cơn say triền miên dài dằng đặc của lê Giao Văn đã đánh động vào tâm hồn mỗi người đọc thơ cảm nhận giấc mộng của chính mình với người xưa nào đó và đồng cảm với thi nhân.
Rồi qua khổ thơ thứ hai:

Thời gian đi qua nhanh quá
Tóc xanh vội đã úa vàng
Lạc nhau giữa mùa tao loạn
Hương tình da thịt chưa tan!

Khổ thơ này cũng như mọi khổ thơ của biết bao thi sĩ khi nói về ký ức tình yêu, thấy thời gian qua mau, thấy tóc mình đã bạc, xót xa đã lạc nhau trong mùa tao loạn. Tuy vậy, đặc biệt nó có một câu thơ nâng cánh cho toàn khổ thơ như con chim đẹp bay lên cao: Câu thơ “Hương tình da thịt chưa tan!”. Đọc câu thơ ta không chỉ cảm nhận cái hương nầy là hương của một cô gái thanh tân như bao cô gái khác, mà ta còn cảm nhận thêm đây là thứ hương thơm của làng Đại Bường trong da thịt cô. Thứ hương diệu kỳ đó đã đi theo thi sĩ suốt nửa đời người không tan biến. Thứ hương đó đượm toàn mùi hoa quả ngọt ngào, bay qua thời gian bay qua không gian và không đọng lại trên khứu giác mà đọng lại trong tâm, trong trí, trong hồn tác giả bài thơ. Và thì, mỗi chúng ta, những người không có người yêu ở làng Đại Bường, khi đọc thơ, sẽ tưởng tượng được, sẽ thưởng thức được thứ hương hoa trong thịt da người con gái Đại Bường, khám phá dược thứ hương lạ của một vùng đất thắng cảnh xa xôi.
Thế rồi, thứ hương hoa vi diệu ấy đã làm Lê Giao Văn nhớ quá. Trong ước mơ đoàn tụ nhà thơ băng rừng vượt biển tìm nàng:

Nhớ quá ! Theo trăng tìm kiếm
Từ rừng đến biển ước mơ
Giọt môi đa tình ngày nọ
Nuôi anh sống mãi tận giờ

Một nhà thơ nào khác, khi đi tìm em thường diễn tả cuộc đi bằng một tâm trạng bi ai. Ngược lại Lê Giao Văn “theo trăng tìm kiếm” là mang cả một tâm hồn lãng tử. Nhà thơ đi theo đường trăng là nhà thơ đi trong lãng du, vừa tìm em vừa hưởng sự thi vị của tình yêu thôi thúc mình phiêu bạc. Đây là một tứ thơ lồng được niềm đau vào khung kính, biến cuộc đi thành lãng mạn, làm cho năm tháng du hành dưới trăng trở nên mộng mơ. Tứ thơ đó làm cho sự ly biệt, sự tìm kiếm mang đầy màu sắc cúa thơ. Màu sắc của thơ ấy còn hiển hiện trong một “giọt môi đa tình” đã “nuôi”. Cuộc tình sống mãi. Hai câu thơ “Giọt môi đa tình ngày nọ/ Nuôi anh sống mãi tận giờ” như một lời tạ ơn người tình ly biệt. Ý thơ đó giải thích được lý do cuộc đi theo trăng miệt mài năm tháng và khẳng định tình yêu bất diệt trong lòng tác giả.     

Qua vế thơ thứ tư tác giả dùng một ước vọng không tưởng để làm thăng hoa một mối tình ly tan. Sự ước vọng không tưởng của thi sĩ có tác dụng không làm cho mối tình khổ đau mà ngược lại, nẩy sinh một tình yêu trường tồn vĩnh viễn, đẹp như hoa như bướm, đẹp như sự hẹn hò giao tình trong “mùa xuân chín”.

Ước chi - đất trời chết yểu
Chúng mình làm cuộc tái sinh
Hoa ngàn, bướm rừng âu yếm
Hẹn nhau mùa chín... giao tình !

Bài thơ cho ta nhiều cảm hứng bất ngờ, nhà thơ đi tìm em từ tóc xanh cho đến tóc úa vàng, đi cùng với trăng và mang theo suốt cuộc hàng trình mùi hương hoa trái. Tất nhiên em đẹp. Tâm hồn thi sĩ của Lê Giao Văn tha thiết với vẽ đẹp nhân dáng phải có, nhưng tha thiết hơn bởi trong em mang vẽ đẹp của linh hồn quê hương. một miền trung du trù phú. Đọc thơ, nếu có một chút nhạy bén của tâm hồn nghệ sĩ, ta sẽ cảm nhận được bài thơ như một quả chín cây thơm và ngon tuyệt vời. Tôi viết về nó và có cảm tưởng hình như hương thơm hoa lá phản phất đâu đây. Trong hương thơm đó có một người đi dưới trăng và đi suốt cả cuộc đời để chỉ tìm em  ! 

                                                                      Châu Thạch

 
               Nhà thơ Lê Giao Văn

ƯỚC CHI
(Gởi PHI - làng Đại Bường- Quảng Nam)

Hồi em gái quê mười bảy
Nồng nàn hương bưởi , hương cau
Quả đất đêm huyền lệch trụ
Bốn lăm năm mộng...còn say !

Thời gian đi qua nhanh quá
Tóc xanh vội đã úa vàng
Lạc nhau giữa mùa tao loạn
Hương tình da thịt chưa tan!

Nhớ quá ! Theo trăng tìm kiếm
Từ rừng đến biển ước mơ
Giọt môi đa tình ngày nọ
Nuôi anh sống mãi tận giờ

Ươc chi - đất trời chết yểu
Chúng mình làm cuộc tái sinh
Hoa ngàn, bướm rừng âu yếm
Hẹn nhau mùa chín... giao tình !

                 Lê Giao Văn
                  8.1.2018

READ MORE - ĐỌC “ƯỚC CHI” THƠ LÊ GIAO VĂN - Châu Thạch

CHÙM THƠ HUY UYÊN VỀ QUẢNG TRỊ



                              Nhà thơ Huy Uyên



Quảng-trị, về thôi !

Về thôi sao buồn như muốn khóc
em một phương và anh một phương
bên đó con đò chờ đợi nước
còn bên anh cả một trời buồn.

Hẹn hò chi để giờ vương vấn
Quỳnh về rồi thoáng hơi thở đêm
em đi biết bao giờ quay lại
để riêng anh tìm mãi bóng mình.

Giá đời hai ta buồn hơn núi
khi chia tay đỏ mắt cây rừng
em một bước anh đau một bước
trái tim đời bao xiết rưng rưng.

Khi đi mà sao em không nói
hẹn hò chi rồi lãng quên thôi
anh đau thương đưa tay vẫy gọi
giữa thinh-không một đám mây trời.

Về thôi em về thôi da diết
áo người bay che gió ngang trời
vết thương xưa chảy hoài tưởng tiếc
day dứt chi nỗi ngậm ngùi trôi.

Biết em rồi chiều nay về thôi
như lá bay đi như là mây
anh, anh mãi đau đời thú
em xao xuyến ơi bóng một người !


Về DMZ

Người hỏi về chi chiều thay lá
bên thềm lạc ngựa chẳng còn reo
vườn trước chừng như lười chải tóc
và nắng cũng rưng rưng phai nhiều.

Ngả chia lối cũ thời chinh chiến
cỏ dại héo mòn bóng cố-nhân
đâu đây thoáng giọng cười của quỉ
trải qua binh lửa với căm hờn.

Đừng động chi đời-rêu-ngủ-khó
mốc meo bờ lạnh gió ôm thành
sóng xưa bổng xù màu giận dữ
lính xưa hề vác súng qua sông.

Mây đã bay rồi hoang phế xuân
ngả qua biên ải nhớ thu vàng
sỏi đêm trở dậy rêm mình lạnh
thành cổ chìm sầu bóng ma hoang.

Đêm đem giá buốt hồn chinh chiến
từ em chẻ tóc đến bây giờ
hờn căm trở dậy đau đời máu
nên đã chảy ngang trời bơ vơ.

Người hỏi về chi chiều thay lá
xác ai bên hào xưa đêm nay
có chăng để lại sầu cho cỏ
thương tiếc ngậm ngùi, nước mắt cay.

          
Thơ tặng quê nhà

Quê hương tôi là những chiều sóng vỗ
gọi người về từ cuối hạ sang thu
là những đêm đông tối trời trở gió
là mùa xuân lành lạnh phủ sương mù.

Nắng-Hạ-Lào choàng tay mưa rét cắt
những đường làng nho nhỏ vây quanh
áo mẹ vá năm nào ra giếng giặt
quê hương sao năm tháng đoạn đành.

Chén cơm cha trần mình trên đám ruộng
giọt mồ hôi lả tả thấm bao đời
ơi xóm thôn cả một đời nghèo túng
đợi gió về gom nhặt lá vàng rơi.

Trên sông làng vạn chài thả cá
khói lam chiều không đủ thoát mái tranh
và những hàng tre chiều êm ả
và những nương khoai vừa mới lên vồng.

Bà con buồn mỗi năm về nước lũ
tiếng người kêu đầu xóm giọng ơi à
người đi rồi bỏ quên thôn xóm cũ
quên cơm nghèo với giọt nước mắt pha.

Một chút nắng xuân sang đầu ngỏ
đợi người về bao ngày tháng chờ mong
quê ơi mãi một đời thương nhớ
tình quê xưa in dấu mãi trong lòng.


         Bến-Đá chiều hồi cư 1972

Khi tôi về nắng phai màu, gió lạ
hồn thấm buồn theo muôn mũi kim châm
bà con bên những xương khô chồng chất
những nhà tan, cửa nát bên đường.

Người vốn cũ một đời cay xót lệ
mòn mỏi đi theo chinh chiến dài lâu
ngày đêm chôn phận đời gian khổ
nắng mưa trôi theo những buổi đau sầu.

Đứng lại nhìn người thân buồn bã khóc
lòng ngậm ngùi còn chi nữa làng xưa
trâu không người cày bỏ đi ngơ ngẩn
mẹ khóc thương cha chết lặng bên mồ.

Khi tôi về tường trơ mái đổ
hàng tre xanh cúi rạp trong chiều
người từ đây không nhà khô cửa
dựa đời nhau bên mái lá liêu xiêu.

Vẫn không nói hết lời cay đắng đó
đành ngước nhìn nước mắt đau thương
vẫn hai bàn tay cả đời gian khó
đời hắt hiu soi xuyên giọt nắng phai tàn.

Và Bến-Đá ngày về quạnh nhớ
tình bay đi theo từng đoạn kinh cầu
lòng nguội lạnh bên chiều hò hẹn
để ai thương người súng đạn bắn đời nhau.


        Hẹn về cùng Bến-Đá

Hẹn trở về một ngày cùng Bên-Đá
bên hàng tre sông cũ chiều xưa
bên thuyền chài tháng ngày tôm cá
bên đụn rơm gốc rạ sang mùa.

Ngày em đi bàn tay quên vẫy
cẫu làng xưa bao năm đợi chờ
xóm chợ buồn xuân hạ đông thu
xơ xác nghèo quán tranh mái lá.

Bên đê nghé ọ ơi mùa vụ
có hay chăng buổi ấy người về
đợi chờ mỏi mòn mùa mai nở
bạc xiêu lòng theo tiếng gọi quê.

Em xót sao làng mình nghèo biết mấy
con đường từng che bóng em đi
thế mà đã bao mùa xa ngái
đành đoạn rồi từng khúc phân ly.

Làng quê giờ đầu thôn xóm dưới
bước đông vui rộn rã tiếng cười
bên mái tranh vọng tiếng à ơi
nhà nhà lung linh ánh đèn xuân mới.

Khi tôi về trong ráng chiều mở hội
bà con làng vui hát ca vang
trong ánh nắng mai rạng rỡ huy hoàng
ở nơi xa nào em có biết.

(Quê hương trăm ngả chiều xa xứ
biết có ngày nao buổi quay về)...


Quê cũ

Em quay lại với biển xanh cát trắng
cùng nhẹ bay theo tà áo trời chiều
qua rồi mưa rơi trên đồi không kịp nắng
tóc em bay theo dài một miền yêu.

Qua Bến-hải bạc lòng với Hiền-lương
về Đông-hà,Điếu-ngao nồng cay bánh ướt
lên Dakrong mấy nhịp cầu treo,
chưa tới đường-mòn
trao tim cho người mà quặn đau sửng sốt.

Khe-sanh chiến-trường
bao người ra đi
đạn bom một thời Cồn-tiên, Dốc-miếu
về cửa Tùng rừng phi lao sóng vỗ
cát thầm thì như muốn nói điều chi.

Mùa hè phố pha bụi đỏ
những cột đèn Gio-linh ngủ pha sương mờ
lâu rồi quay về quê cũ
đã xa Trung-lương ngày tháng năm xưa.

Bỏ tình cho ai đường 9
qua rồi buổi cũ hẹn hò
hỏa châu rơi thương đường ra mặt trận
bước ai đi quên dấu đạn quân thù.

Về quê cũ mà lòng đau muối xát
người một thời cùng đò qua sông
chiến trường điêu linh còn mất
máu ai đổ đây xa xót trong lòng.

Gởi theo người bao đoạn sầu buổi trước
về bên sông mà nước mắt chảy cùng sông
qua đi bao tháng năm xuôi ngược
quê ơi ngày về bao đợi mong...

                            Huy Uyên                         

READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN VỀ QUẢNG TRỊ