Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 19, 2013

VIÊN PHẤN MÀU HỒNG - thơ Nguyễn An Bình



Thơ NGUYỄN AN BÌNH

VIÊN PHẤN MÀU HỒNG

    *Kỷ niệm 20-11

Tôi lại đặt vào chiếc hộp xinh xắn
Chiếc hộp ngày xưa lần đầu tiên tôi được tặng
Chiếc cà vạt dễ thương từ cô học trò nhỏ
Bao năm rồi không còn nhớ
Một viên phấn màu hồng
Đây là viên thứ năm
Đủ năm màu xanh vàng hồng đỏ trắng
Những viên phấn đã cùng tôi đi qua mưa nắng
Tình yêu của một thời
Luôn thao thức không thôi
Bên đám học trò hồn nhiên buồn vui vô cớ.

Tôi tự dặn mình mỗi năm nếu mình còn thở
Đặt vào chiếc hộp một viên phấn khác màu
Để nhớ mái trường từng chiếc ngói lao xao
Để nhớ bao mùa cây phượng già  thay lá
Tiếng chim gù trên cành xoan kêu rất lạ
Học trò tôi ngày ấy mấy đứa được làm quan
Mấy đứa một đời cơm áo lang bang
Đầu đường xó chợ
Lên voi xuống chó?

Viên phấn màu hồng mang nỗi nhớ trong tôi
Hãy ngủ yên trong ngăn đời đi nhé
Giữ cho tôi một tình yêu dù rất nhẹ
Có ngày xưa cùng chung bước đến trường.



READ MORE - VIÊN PHẤN MÀU HỒNG - thơ Nguyễn An Bình

TIẾT VĂN KÉO DÀI 46 NĂM - Hoàng Đằng



Năm nay, chiều 15/11/2013, tôi được nhóm học sinh cũ Nguyễn Hoàng – Quảng Trị khóa 1963 – 1970 mời dự họp mặt chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11) tổ chức tại tư gia anh Đinh Quang Tạo ở 228 Lý Thường Kiệt – thành phố Đông Hà.

Bên ngoài, trời mưa nặng hạt. Từ Thừa Thiên-Huế vô tới Bình Định, lũ lụt rất lớn. Lớn do mưa nhiều, mưa to, do rừng rú đã mất nhiều độ che phủ và do các đập thủy lợi, thủy điện xả nước vì sợ vỡ.

Căn phòng không lớn lắm được trang hoàng cẩn thận: banderole, lẵng hoa, hệ thống âm thanh, đàn organ. Bốn chiếc bàn tròn được xếp ngăn nắp kèm ghế nhựa, cứ mỗi bàn 10 ghế.

Người tham dự, ngoài khoảng 30 anh chị em là chủ, có một số khách: về thầy cô giáo có thầy Đỗ Tư Nhơn, thầy Hoàng Đằng, về đại diện ban liên lạc Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị có anh Nguyễn Lớn, anh Nguyễn Văn Hoàng, chị Lê thị Dũng, về đại diện các khóa bạn có anh Văn Mạnh, anh Đoàn Văn Tầm, anh Lê Đình Phiến. Tất cả mọi người ngồi xây quanh đầy cả 4 bàn.

Anh Đinh Quang Tạo, một cây văn nghệ có tiếng của Nguyễn Hoàng xưa, đóng vai MC. Chương trình họp mặt chia 2 phần rõ rệt:

Phần I: Phần nghi thức

Mở đầu chương trình là lời phát biểu chào mừng của anh Nguyễn Công Huệ, đại diện nhóm; tiếp đến là phần phát quà cho thầy giáo cũ được đạo diễn khá long trọng, tiếp theo là lời phát biểu cảm ơn của thầy Hoàng Đằng, đại diện cho cả hai thầy có mặt; cuối cùng là phần phát biểu tâm tư của anh Nguyễn Lớn, đại diện ban liên lạc Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị. Mỗi lần có người phát biểu, cả hội trường im lặng, lắng nghe chú ý. Đó là một trong những nét văn minh hiếm thấy ở những buổi tụ tập đông người.

Phần II: Tiệc và văn nghệ mừng

Tiệc liên hoan được dọn dần. Thức ăn rất nhiều món, món nào cũng ngon; thức uống chủ yếu là bia Huda loon, cứ uống “thả giàn” điểm thêm nước ngọt, nước khoáng cho những ai đang trong chế độ ăn kiêng. Chắc mỗi anh chị em trong nhóm phải đóng khá “bộn” tiền.
Trong lúc “xử” tiệc, không có ồn ào, không có cảnh ép nhau uống rồi hô: dzô, dzô ... Mà phải rồi! Anh em đều trong độ tuổi O60 (trên 60) và U70 (dưới 70), họ không còn cái rộn ràng của lớp trẻ. Đó là điểm đặc biệt mà những người thích yên tĩnh như tôi đánh giá cao.

Vừa ăn uống vừa chuyện trò, vừa nghe “nhạc sống”. Anh chị em giới thiệu nhau lần lượt lên biểu diễn. Ngoài các nghệ sĩ thuộc nhóm, còn có hai nghệ sĩ ngoại: Đỗ Tư Nhơn và Lê thị Dũng. Mặc dù tuổi tác đã cao,  các ca sĩ đều có giọng hát réo rắt, thánh thót, du dương; còn có đôi giọng hát hùng dũng, kích động. Ngoài phần biểu diễn bằng miệng, phần biểu diễn bằng cơ thể rất đặc sắc. Chân tay chỉ trỏ, tiến lùi, lên xuống điệu nghệ. Thân hình uốn lượn nhẹ nhàng, thanh thoát. Có cặp dìu tay nhau khiêu vũ theo điệu nhạc lâm ly. Thật là vừa mãn nhãn (sướng mắt) vừa mãn nhĩ (sướng tai). Thêm một ưu điểm của buổi họp mặt là ai nghe giới thiệu đến tên thì vội lên liền, không từ chối, không chậm trễ. Máu văn nghệ và máu cộng đồng hình như đang rần chảy trong mỗi anh chị em.

Trao quà cho thầy
(Từ trái qua phải: anh Nguyễn Công Huệ, thầy Hoàng Đằng, 
thầy Đỗ Tư Nhơn, anh Trịnh Đình Song)

Thật hạnh phúc cho tôi được dịp dự buổi họp mặt này. Cảm ơn anh chị em Nguyễn Hoàng khóa 1963 – 1970 đã có lòng nhớ nghĩ đến tôi.

*
*     *

Vậy là tôi đã được nhóm này mời tới dự họp mặt hàng năm 3 lần.
Lần đầu năm 2011, hôm ấy có thầy Phan Khắc Đồ từ Đà Nẵng ra dự.

Lần thứ hai năm 2012. Tôi được mời nhưng không dự được do sức khỏe của tôi lúc ấy quá tệ. Nghe nói, ngoài thầy Phan Khắc Đồ từ Đà Nẵng, còn có thầy Lý Văn Nghiên từ Huế ra dự dù đường sá xa xôi.

Một số anh em trong nhóm hiểu lầm về sự vắng mặt của tôi năm 2012. Tôi không dự vì lý do sức khỏe. Tuổi già, khi khỏe, khi mệt, khi đau, khi lành. Vậy mà họ nghĩ tôi không đến dự do tôi ngại vì không dạy khóa này.

Thật sự, vào năm học 1967 – 1968, năm học mà khóa này lên lớp 10, tôi được nhà trường phân công dạy văn vài ba lớp, tiếc là tôi chỉ đứng lớp được mấy tháng đầu năm; sau đó, tôi phải tạm biệt trường lớp lên đường thi hành lệnh tổng động viên. Chắc chắn là không phải tất cả nhưng một số anh em đã học với tôi, có nghĩa, dù dạy nhiều hay dạy ít, tôi là thầy thật sự. Hơn nữa, theo truyền thống của trường Nguyễn Hoàng, “học nhất sư kính vạn sư”, ai có dạy Nguyễn Hoàng trước hay sau, nhiều hay ít đều được học sinh Nguyễn Hoàng gọi bằng từ thầy thân thương – thầy danh dự.

*
*      *

Nhân dịp này, tôi có một điều cần nói với các bạn học sinh khóa 1963 – 1970 có học với tôi.

Năm 2011, khi họp mặt tan, một bạn trong nhóm tới hỏi tôi: Trước đây, thầy dạy văn, thầy còn nợ chưa giải thích “nụ tầm xuân” trong bài ca dao:

- Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!

- Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng.
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gở!
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Lúc đó, vì không nghe ai hỏi, tôi không đặt nặng ở nghĩa của cụm từ “nụ tầm xuân” mà giải thích. Bây giờ, dù muộn màng, tôi xin chia xẻ ý kiến của tôi với các bạn.

Qua bài ca dao, khi dạy, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: (1) thân phận phụ nữ ngày xưa bị xã hội coi rẻ (Ba đồng một mớ trầu cay) và (2) thân phận phụ nữ ngày xưa bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới. Đàn ông được năm thê bảy thiếp, còn đàn bà chỉ chính chuyên một chồng (Bây giờ em đã có chồng; như chim vào lồng, như cá cắn câu).

Mà giả như ngày ấy, có bạn nào hỏi: “Nụ tầm xuân là gì?”, tôi cũng trả lời: Tác giả bài ca dao muốn nói đến hoa cà, đấy thôi. Cây cà được trồng đầu hay giữa mùa đông, cây cà có thể ra hoa vào cuối đông hay đầu xuân (tầm xuân nghĩa là tìm xuân, trông chờ chào đón tiết xuân).

Trong thực tế, từ kép “tầm xuân” dùng để chỉ một loài hoa hồng leo, cây cao từ 1 – 5 mét; có cây còn leo cao hơn ngọn các loài cây khác (theo Wikipedia). “Tầm xuân” còn là tên một loài cây thuộc họ đậu, chỉ mọc ở duyên hải miền Trung vì nơi đây khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp (theo giáo sư Nguyễn Thiện Tích ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn). Nụ tầm xuân trong bài ca dao không thể thuộc giống cây leo vì ở vườn cà, làm gì có giống cây leo!. Nụ tầm xuân trong bài ca dao cũng không thể thuộc giống cây họ đậu mọc dại vì ở vườn cà, cây dại cỏ dại luôn được làm sạch. Thế thì trăm phần trăm, đó là hoa cà – hoa cà và hoa tầm xuân có hình dáng và màu sắc gần giống nhau.




Hoa tầm xuân (ảnh mượn từ trên Internet)





Hoa cà (ảnh mượn từ trên Internet)

Có nguồn cho rằng bài ca dao là lời tiếc nuối của chúa Trịnh Tráng (1577 – 1657) ở Đàng Ngoài, do chê Đào Duy Từ thuộc dòng dõi xướng ca mà không sớm dùng để người hiền tài ấy vào phục vụ cho Đàng Trong:

- Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!

 Và lời đáp của Đào Duy Từ nói lên thân phận và tinh thần của mình đã gắn kết với chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635).

- Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng.
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gở!
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

 Đó chỉ là giai thoại – một tin đồn, không có bằng chứng trong sử sách.

Tôi, một thầy giáo dạy văn, chỉ xem bài ca dao là lời tâm tình của đôi trai gái yêu nhau nhưng ngỏ ý quá trễ.

Mấy lời dông dài với học trò cũ. Mong độc giả thông cảm./.

17/11/2013
(15/10/Quý Tỵ)



READ MORE - TIẾT VĂN KÉO DÀI 46 NĂM - Hoàng Đằng

VỊNH THẦN KIM QUY - thơ Kha Tiệm Ly

Tượng thần Kim Quy ở đền Ngọc Sơn, gốm của Trần Độ.
                     Tranh từ Diễn Đàn Doanh Nghiệp - dddn.com.vn


VỊNH THẦN KIM QUY

Hơn cả đế vương, sá kể hầu,
Người người nể mặt, há chơi đâu.
Miếu đền bá tánh luôn hương khói,
Sao lại co đầu rút dưới mu?! *

                                 Kha Tiệm Ly

Chú:
· Tự điển: Mu: 1. Mai con rùa, mai con cua.  2. Chỗ thịt gồ lên phía trên bàn tay bàn chân.
·  Y học: Người ta dễ dàng phân biệt xương người nam hay người nữ là nhờ nhìn XƯƠNG MU của hai bộ xương: Xương mu người nữ nhô lên cao hơn xương người nam
·  Tác giả: Nam bộ không gọi  MAI RÙA, MAI CUA, mà gọi là MU RÙA, MU CUA. Người ngoài miền gọi là MAI, có lẽ để khỏi nhầm với mu… gì đó chăng? Tuy nhiên, họ cũng không gọi mai bàn tay, mai bàn chân, mà vẫn gọi là mu…!


READ MORE - VỊNH THẦN KIM QUY - thơ Kha Tiệm Ly

TƯƠNG DUYÊN - thơ Trương Nguyễn


Tranh của họa sĩ Lê Sâm


Bài thơ nào dung chứa yêu thương ?
Cho những người cày sâu cuốc bẫm
Hằng tỷ tế bào chảy ra muối mặn
Chiếc áo nâu thâm tím nỗi buồn

Hỡi chị ! Hỡi em lấp loáng trên đường
Tiếng xào xạc quét đêm vời vợi
Xe cút kít réo lên chới với
Vọng âm thanh lạnh lẽo kiếp người

Đám công nhân ngất ngưỡng lưng trời
Kết dính mồ hôi bê tông cốt sắt
Tay quệt vội cơm chan nước mắt
Khuôn mặt gầy gò nắng rám da thơm

Nụ cười ngây thơ váy-áo tinh tươm
Màu đỏ màu xanh lượn qua lòng phố
Cuộc săn đuổi dưới thời công nghệ
Vẹt gót bàn chân hiển lộ gian nan

Mỗi khi bưng bát cơm trắng nồng nàn
Mỗi hạt lúa ẩn ngàn tinh tú
Mỗi hạt lúa tóm thâu vũ trụ
Mặt trời…
            Mặt trăng …
                        Phân rác tương duyên.

                       Trương Nguyễn
READ MORE - TƯƠNG DUYÊN - thơ Trương Nguyễn

ƯỚC MƠ - thơ Độc Hành




Quê tôi ma túy không xài
Vợ chồng chỉ có sinh hai là vừa
Rượu chè không uống say sưa
Honda tốc độ chạy vừa mà thôi
Quê tôi cờ bạc giảm chơi
Mại dâm trộm cướp khắp nơi giảm dần
Hộ nghèo xóa bớt xuống dần
Vùng sâu, miền núi giàu lần tiến lên
Tuổi cao, phụ nữ thanh niên
Dưỡng sinh thể dục thường xuyên tập rèn
Học sinh quyết chí sách đèn
Cố công học tập giấy khen đầy nhà
Vệ sinh công cộng tư gia
Giữ gìn sạch sẽ từ xa đến gần
Nâng cao dân trí toàn dân
Đoàn kết xây dựng tương thân cộng đồng
An ninh trật tự tư công
Đề cao cảnh giác canh trông từng giờ
Bài thơ mơ ước, ước mơ
Quê hương sạch đẹp như tờ giấy tinh.


                                              Độc Hành
READ MORE - ƯỚC MƠ - thơ Độc Hành

THƯƠNG QUÁ QUÊ MÌNH - Linh Thy

Thân ái gửi Miền Trung.
Nhân đọc bài TRẮNG LŨ của Lê Thiên Minh Khoa, LT có đôi dòng để gửi về KHÚC RUỘT đang đau.





THƯƠNG QUÁ QUÊ MÌNH

Hai mươi mười một nầy chẳng có hoa
Vì lũ cuốn chôn vùi … dạ cắt
Nhìn người - của bềnh bồng mà quặn thắt
Thương Miền Trung khúc ruột quá mong manh!

Cao xanh ơi! Sao người nỡ phá tan tành
Bao công sức, mồ hôi, nước mắt
Bao trẻ thơ chết mà tay còn nắm chặt
Quyển tập vở lòng mực tím chưa phai…

Đêm thức trắng nhìn nước như sao băng
Bao trang sách thầy trò cũng vùi theo lũ
Tình người cả nước luôn ấp ủ
Giàn bí xanh bầu sẽ tươi xanh

Sau cơn lũ cây sẽ đâm cành..
Dang tay cứu hỡi đồng bào cả nước
Cho em thơ còn bầu trời mơ ước!
Cùng thầy cô đến trường ươm cái chữ TƯƠNG LAI.!!!
       
Linh Thy

Bến Tre, 23h50/18/11/2013
READ MORE - THƯƠNG QUÁ QUÊ MÌNH - Linh Thy

VỀ ... - chùm thơ Hoàng Yên Lynh



VỀ ...

Ta con chim già cánh mỏi
Lang thang cuối bãi đầu ghềnh
Chợt nghe cuối trời vô định
Vọng tiếng chuông buồn trăm năm.


ĐỜI

Ta một mình trông ngóng
Đếm thời gian mênh mông
Với bao điều tâm nguyện
Hỏi người có biết không ?

Rồi mai là cát bụi
Bao u uất ngậm ngùi
Được, mất vòng thế sự
Chuyện đời bến đục mê.


TÌM EM

Trời xanh và mắt em xanh
Mặt hồ xanh áo em xanh phố chiều
Tôi đi tìm mãi hương yêu
Bờ xa bến vắng quạnh hiu nẻo về
Áo đời mòn gót sơn khê
Tìm em như thuở đam mê với đời
Một màu xanh, xanh mây trời
Mà tôi bạc tóc cuối đời tìm em .


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - VỀ ... - chùm thơ Hoàng Yên Lynh

THANH MINH VIẾNG MỘ THÀY - thơ Ngọc Châu

 Thơ nhân ngày 20/11


Chúng em gọi thày là thày Văn
Từ buổi đầu, thấy mái tóc quăn
Với đôi mắt sáng, trên bục giảng
Những câu Kiều đau đớn nhân gian.

Chốn lầu xanh nước mắt chứa chan
Nơi chiến trường anh hùng chết đứng
Những thế kỷ chìm trong gươm súng
Chúng sinh còn vương vất hồn oan.

Thày  nói về vẻ đẹp trần gian
Gợi ước mơ tới chân, thiện, mỹ
Đất anh hùng, người không vị kỷ
Tử sinh cùng hai chữ  Việt Nam

Học trò thầy đâu thể nào quên
Vách đá cao, gío giật, sấm rền
Vỡ ngực rồi  ưng còn tung cánh
Khinh rắn bò hòng sống bách niên*

Học trò thày đâu thể nào quên
Khi Đan-cô xé tim làm đuốc
Vạch rừng đen xông lên phía trước
Soi đường cho bộ lạc đi lên.*

Thày ơi khi em ở chiến trường
Bị thương nằm trạm xá tiền phương
Tin thày ngã xuống bao đau đớn
Xót lòng em hơn cả vết thương

Ngày đó trường ta về ven núi
(Kẻ thù hăm cày nát hậu phuơng!)
Những ngày sơ tán cơm rau muối
Văn với đời cùng trải đau thương.

Thày quên mình để cứu trẻ thơ
Khi bom bi rải xuống bất ngờ
Giữa mảnh vườn vàng xanh hoa  cải
Dập vùi làn môi trẻ bi bô.

Lúc đó thày đâu nhớ Đan-cô
Quên chim ưng với lũ rắn bò
Thày đứng anh hùng hơn Từ Hải
Chết còn che cho  tuổi ngây thơ.

Thày dạy "Văn học là Nhân học"
Nén nhang này ghi nhớ lời thày
Thanh minh cúi bên mồ, tim khóc
Lời của thày còn vọng đâu đây...

                   Ngọc Châu
                         

* Thày bình giảng "Bài ca chim ưng" của M.  Gorki

* Thày bình giảng "Bà lão Iderghi"  của M. Gorki
READ MORE - THANH MINH VIẾNG MỘ THÀY - thơ Ngọc Châu

MÙA XUÂN QUANH TA - thơ Mặc Phương Tử




Khi rét buốt
Về vùng cao, xa xôi đất nước
Cắt thịt da như vết chém thương đau!
Dáng khẳng khiu, nhìn bàn tay năm ngón
Mắt lệ đăm chiêu
Rừng núi lạnh nghiêng sầu !

Sương tuyết phủ
Gió rít từng cơn hờn lạnh giá
Bao nỗi…
Trơ buồn,
Bấm chặt ước mơ con.
Không đủ sức,
Nên có những loài gục ngả
Cóng thân đời vùi mộng dưới hoàng hôn.

Phong phanh chiếc áo đời không đủ ấm
Bóng trăng sương
Nhòa vết lệ xuống đêm gầy !
Những canh trắng
Nghe tiếng thở dài trong sâu thẳm
Đối diện mình, lòng chiết giọt thầm cay !

Bão lũ về
Những vùng quê ta
Có những mảnh đời nghiệt ngã,
Dấu thương đau trong ánh mắt phong trần.
Nỗi đày đọa
Lên bao kiếp hoang sầu sa mạc,
Dù mùa Đông, Thu, Hạ, hay mùa Xuân !
Mùa xuân đến
Phải đâu riêng từng cuộc sống ?
Mà thầm thương
Cho cuộc sống muôn nhà !
Nếu nhân rộng từ những tâm hồn “hạt giống”
Cảm nhận nào…
Hơn giá rét khắp quanh ta…!

                         Sau những ngày tin bão lũ 2013.


                                MẶC PHƯƠNG TỬ
                                               macphuong52@yahoo.com
READ MORE - MÙA XUÂN QUANH TA - thơ Mặc Phương Tử