Tác giả Lâm Bích Thủy
ĐẤT THIÊNG CHIÊU TỤ
NGƯỜI TÀI
Theo cha tập kết ra Bắc tháng 3/1955, chị
em tôi mới lên 7 lên 8. Ở tuổi nhi đồng ấy chúng tôi đâu biết gì về quê hương.
Nhưng những tên như Qui Nhơn Bàn Thành, An Nhơn, Đồ Bàn, Bình Định luôn âm vang
trong tâm trí tôi, bởi ba tôi hay ngâm nga mấy câu “Trời Bình Định có thương em lẽ chiếc/Em nằm thương xanh biếc của trời
buồn...”. Rồi, mùa đông này qua, mùa xuân kia lại đến; cứ thế dài mãi cho
đến khi chúng tôi trở thành những người lớn.
Lớn lên, tôi nhận biết sâu sắc hơn về quê
hương mình nên rất tự hào về Nó. Vì nhiều nhẽ; quê có đường thiên lý Bắc Nam
với quốc lộ 19 và hai nhánh chính của sông Côn là cửa Tiền và Thạch Yến nối
vùng cao nguyên giàu sản vật với thương cảng Thị Nại; phía nam có dãy Triều
Sơn, phía đông nam có cụm tháp Bánh Ít án ngữ; phía Tây có danh thắng Hồ Núi
Một. Phía đông bắc là tháp Phú Lốc cùng ngọn Thiêng Bút - là nơi hội tụ, giao
hòa giữa người và trời đất. Trải qua bao cuộc bể dâu, núi Bút Thiêng đã, đang
tiếp truyền thiêng khí của trời vào đất để tiếp sinh nhân kiệt, nối dài trang
sử hào hùng cho An Nhơn mãi là một vùng đất tinh hoa của Bình Định.
Bình Định là tỉnh thuộc khu vực
duyên hải miền Trung, Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây một vùng non nước hữu
tình, thơ mộng; một bên là núi non trùng điệp, một bên là biển rộng bao la.
Giữa chúng là đồng bằng trù phú ngút ngàn màu xanh cây trái. Ở đâu lại có khung
cảnh sơn thủy hữu tình đến vậy! Sự giao hòa
quấn quýt giữa núi non, sông biển; sự gắn kết thân
thiết giữa con người với cảnh sắc thiên nhiên từ ngàn đời đã làm nên cái hồn
đất, hồn người rất riêng của thị trấn An Nhơn quê tôi là thế! Vì vậy mà dải đất này từ mấy trăm năm đã chiu tụ những anh tài tuấn kiệt để rồi
họ trở thành những anh hùng dân tộc như vua Quang Trung, Mai Xuân Thuởng...hay
những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi lớn như Nguyễn
Xuân
Vinh, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên Phạm Hổ v.v
Thuở ấy, dẫu là thời chiến nhưng nhà tôi luôn
là điểm hẹn của những người con mang trong mình khát vọng hòa bình. Từng khuôn
mặt, giọng nói, cử chỉ của họ, lần lượt lướt qua và đọng lại trong tâm trí tôi.
Với ai ba tôi cũng đầy ắp tình thương yêu. Ông thuộc cử chỉ, tính cách, giọng
nói từng người. Giữa đêm khuya, tiếng gọi cửa khe khẽ “Yến Lan ơi, mở cửa cho mình với!” ông nhận ra “Tế
Hanh đó à”, hay tiếng cười đều đều cùng thanh trầm của chú Nguyễn Thành
Long, hoặc giọng trữ tình của chú Phạm Hổ. Tấm thịnh tình của ba đối với bạn bè
đã lan tỏa sang cả chúng tôi. Chị em tôi mãi nhớ những dấu ấn về họ!
Thuở ấy,
gia đình tôi bị qui là Tiểu tư sản thành
thị. Trong ngôi nhà tranh, vách đất, nền có chỗ tráng xi măng, có chỗ là
nền đất do đi lại nhiều trở nên láng coóng. Diện tích nhà khoảng 100m² chia làm
3 gian, hai chái. Trong nhà có ba má, và bốn chị em (hai gái, hai trai) luôn có
tiếng cười vui vẻ. Hôm nào cũng có chuyện quan trọng để người lớn chia sẻ. Bởi
chính nơi đây, là diểm hẹn của văn hóa – các chú nhà thơ- bạn của ba. Tôi thấy
chú nào cũng đẹp trai, vui tính và tóc họ ánh lên màu xanh của tuổi trẻ. Dăm
bữa, nửa tháng tôi gặp mái tóc dày, bùm xum, cặp mắt to tròn, ngơ ngác như nai
của chú Nguyễn Thành Long. Nhà chú ở Qui
Nhơn nhưng chú thường có mặt ở đây để bàn
về văn chương và bàn cách đánh Tây với bạn ba.
Lúc đó chú Thành Long đã viết nên tác phẩm “Ta
và chúng nó”. Ông Phạm Xuân Cang đánh giá chú viết rất hay. Sách được in
ngay tại thị trấn của tôi! Ông nói: - “Thị
trấn An Nhơn lúc đó, người dân sống đời nô lệ, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng đã có
Nhà in thì thật là quí!”
Tôi thích chú Nguyễn Đình. Mắt phải chú chỉ có lòng trắng. Nghe nói
“người một mắt dữ lắm”, thế mà chú
lại là người vui tính và dễ gần nhất. Quê chú ở tận Hội An - Quảng Nam. Xa thế
mà tiếng cười của chú luôn rộn lên trong nhà tôi. Có lẽ, vì những câu chuyện ma
của chú làm rạn vỡ bầu không khí vốn đìu hiu của cái thị trấn An Nhơn để đưa mọi
người vào thế giới của tâm linh rất đổi ám ảnh. Chị em tôi đứa nào cũng tranh nhau
chú cho riêng mình
Chú Trinh Đường (Trương Đình) người to bè bè,
cao lớn, mạnh mẽ. Giọng cười của chú nghe có
âm khà khà, dòn như bắp rang. Thuở ấy,
các chú mỗi người mỗi vẻ bằng sự thông thái và hiểu biết thể hiện rõ tư tưởng, khát
vọng sống có lý cùng tưởng cùng nhau vun đắp để cuộc sống trở nên hoàn thiện
hơn. Chú Trinh Đường hay pha trò và kể chuyện tiếu lâm. Chuyện của chú bao giờ
cũng làm cho người nghe cười nghiêng ngã; còn bọn trẻ chúng tôi bất chợt
nghe được thì tè cả ra quần.
Chú Nguyễn Khoáng (tức Mịch Quang) ờ Tuy Phước.
Khuôn mặt chú xương xương, đặc trưng của người xứ nẫu; da trắng, mắt sáng, hao
hao giống ba. Đi đâu chú cũng đem theo máy ảnh. Những bức ảnh còn giữ được đến
giờ là nhờ tài chớp đúng khoảnh khắc đời thường ấy. Sau này ra Bắc, chú
trở thành dượng chồng của tôi.
Ảnh: từ
trái sang: Nguyễn Đình, Yến Lan, Mịch Quang
Chú bé đội nón, mặc
đầm là nhà thơ Lâm Huy Nhuận
Chị em tôi rất quí chú Phạm Hổ và chú Khánh
Cao-(cha NSND Trà Giang) Hai chú này tính tình hiền lành, bình dị. Chú Khánh
mỗi lần đến nhà thấy tôi liến nói “cái
nấm khổng lồ của chú đó à?” Tôi thích nghe câu này lắm. Sở dĩ người ta gọi
chú là “Khánh cao” bởi, chú cao quá cở so với chiếc võng gai nhà tôi. Nó chẳng
vừa đầu vừa chân của chú. Mỗi khi nằm lên đầu và chân chú bao giờ
cũng thòi ra ngoài. Thế mà lúc nào đến, chú cũng chỉ nằm võng mà nói chuyện.
Thi thoảng chú hỏi chị em tôi: “đứa nào
muốn đi đu quay thì lại đây với chú”. Chú vừa
dứt lời thì cả ba chị em tôi ào tới, rồi từng đứa được chú nắm hai tay xuay
quanh người chú như đang bay, thích lắm.
Chú Phạm Hổ nhỏ hơn ba tới 9, 10 tuổi; nhưng
bình đẳng và thân thiết y ê u thương nhau như
anh em một nhà . Má tôi kể:
Một hôm, từ ngoài cửa bước vào, quẳng chiếc
xà-cột xuống phản, chú Hổ lại gần má thì thầm “Chị Bảy, nhà còn gì cho em ăn
với, em đói bụng quá!”. Má tôi phì cười vì vẻ thật thà của chú, nói: - “Nhà chỉ còn it cơm nguội với mắm ruốc thôi, chú
ăn nhé? Mắt chú sáng rỡ: “Tốt quá rồi chị ạ!”, má tôi xuống bếp, xới bát
cơm nguội và dích cục mắm ruốt đỏ tươi lên đưa chú. Má bảo: “hôm ấy, nhìn chú Hổ
ăn cơm nguội với mắm ruốt sống trông ngon như vua ăn sơn hào, hải vị vậy”.
Chú Vương Linh (tên thật Lê Công Đạo), ít đến hơn,
song tôi nhớ nét mặt, tính cách chú: Người tầm thước, đậm đà, khuôn mặt hơi chữ
điền, da ngăm đen, khỏe mạnh. Tính chú trầm, ít nói. Vợ chú có đôi mắt màu xám
tro, hình như mang trong mình ¾ dòng máu Tây (tức F2). Chú đến nhà thường ngồi nghe các chú khác nói là
chính.
Chú Hoàng Châu Ký là cha của nhà thơ Ý Nhi; với
khuôn mặt chữ điền, nghiêm nghị. Hình như ai có khuôn mặt như vậy cũng đều tỏ ra
quang trọng, Chú ít cười, lúc nào cũng bận rộn với công
việc.
Suýt nữa thì chị em tôi để mất mấy bộ áo quần
của chú gửi.
Đó là dịp chú đi công tác đến thị trấn. Chú ở
nhà tôi ba, bốn hôm. Túi xách của chú đặt dưới gối, trên đầu phản. Bộ phản nhà
tôi có 6 tấm bằng gỗ mun bóng lộn. Ba đặt nó cạnh cửa sổ. Nhờ bộ phản này mà
nhà tôi sang trọng hơn các nhà khác. Đó là của
hồi môn, ông nội cho ba khi lấy vợ. Ba dành để khách xa hay bạn bè đi công cán
về Bình Định nghỉ lại, qua đêm.
Một chiều nọ, chú
Hoàng Châu Ký đến. Sáng hôm sau ba và chú đưa nhau đi đâu đó, còn má thì bế
thằng Nhuận sang “Hội chị chiến sĩ” chuyện trò. Trước khi đi, má dặn: “mấy đứa
(tức là ba chị em tôi đang chơi đồ hàng dưới bóng cây trứng cá) trông nhà, má
đi chút xíu về”. Bà vừa đi khỏi thì liền sau đó, một anh trai lạ đến bên tôi
nài: “Em ơi, cho anh xin gáo nước uống.”
Tôi quay đầu lại nhìn, thấy anh có nước da
xanh mét, bụng ỏng, vẻ bệnh hoạn tôi ngại, nhưng ham chơi, không thể đi lấy
nước cho anh, tôi bảo: “anh xuống bếp mà
uống, em mắc chơi.” Một lát,
bỗng nghe tiếng thất thanh của má “Này
cậu kia, đứng lại”. Má tôi đang trên đường về, ngạc nhiên thấy từ trong nhà
mình có người lạ, lù lù bước ra với cái bụng to như đàn bà chửa sắp đẻ. Bà lật
đật đặt thằng Nhuận xuống, lao tới, giữ chặt cánh tay anh trai, lôi từ bụng ra
ba bộ quần áo: - Ôi trời! đồ của chú Ký
đây mà, tụi nhỏ ham chơi quá, má về kịp chứ không thì mất hết, biết nói sao với
chú!...
Hàng tháng, lúc thì chú này, bác kia tới, nhà
không mấy khi vắng bóng khách thơ. Đôi khi các chú cùng đến một lúc, để bàn
việc trọng đại gì đó và rủ ba cùng đi. Tôi sợ nhất là khi
các chú lôi ba đi mà má cũng vắng nhà. Hễ thấy ba tỏ ra bận rộn, thu xếp mọi
việc là tôi lo ngay ngáy. Này nhé, nách trái ba bế thằng Nhuận, tay phải dắt
thằng Ánh xuống gửi bà ngoại, còn tôi và em Tú Thủy thì ba dẫn ra nhà cô Bốn,
chỉ vào chúng tôi dặn anh Can: “cháu giúp cậu, tối tối vào ngủ trông dùm nhà và
hai em; cậu đi công tác vài hôm.” Rồi, người lớn đi hết! chỉ còn hai chị em.
Tối tắt mặt trời anh Can mới vô. Anh ngủ ở phản; chị em tôi ngủ trong buồng.
Mới tờ mờ anh đã lén dậy về nhà. Chị em tôi tuy ngủ nhưng tai rất thính, cứ
nghe tiếng cót két là biết anh về nên dậy theo. Anh vừa ra khỏi cửa thì chị em lôi nhau ra võng
ngồi; vừa đung đưa đôi chân vừa lầm bầm “Ta
là bộ đội đây, ta là công an đây” để dọa cho ma sợ.
Chả là lũ trẻ hàng xóm thấy ba má tôi đi vắng
liền kéo nhau đến hù ma quỉ bắt chúng tôi. Vì thế, chị em tôi
đều nhất cử, nhất động. Đứa này đi tiểu đứa
kia phải đi theo. Sáng thì dẫn ra chợ,
đứa nào thích gì tự mua ăn: bánh xèo vỏ, bánh ú, nem cuốn v.v.. ba đã dặn kỹ rồi.
Chú
Chế Lan Viên
Thưở ấy, tôi chưa gặp chú Chế Lan Viên hay bác
Quách Tấn, nhưng tên của hai người không lạ đối với tôi. Vì ba thường kể về
họ với niềm hân hoan.
Ba
khen chú Chế thông minh, lanh trí.
Chuyện là vào năm 1938, chú ra Trường Quốc học Huế để thi vấn đáp về văn. Sự
thông minh của chú đã làm chấn động cả giới văn cả nước bởi câu trả lời sắc sảo
so với tuổi đời của chú.
Ban giám
khảo hỏi chú:
- “Em
cho biết bài Tỳ Bà Hành “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” có những đặc điểm
gì tạo giá trị cho bài thơ.” Không cần nghĩ
ngợi lâu, chú vanh vách trả lời:
- Đặc
điểm trong bài thì nhiều. Nhưng chỉ mới câu mở đầu: “Đã cho thấy điểm đặc sắc
của nghệ thuật: Hai tiếng trắc ”Bến-Khách” ở đầu và cuối câu gợi lên hai bờ
sông cao và dốc. Còn năm chữ toàn bình ở giữa là những làn sóng nhẹ trên mặt
sông”
Nhà
chú Chế nằm phía tay phải của con đường vào Cửa Đông thành Bình Định, kề ngay
chân thành. Trên thành có cái lầu nho nhỏ, để vừa chiếc bàn và hai ghế đẩu. Ba
thì ở trong chùa Ông, cách nhà chú chừng 600m. Ban ngày, hai người thường lên
lầu tâm sự, đọc sách, làm thơ ... Chú Chế gọi nơi đó là “Lầu thơ” hay “Lầu tư
tưởng”. Ba có thơ rằng:
Lầu cửa Đông có nghe
em tâm sự
Em đi trong tình sử
của lầu thơ..
Chiều chiều, hai anh em bá vai, rủ nhau vào
sân vận động đá banh. Sân vận động nằm sát bên một míếu thờ. Miếu quạnh quẻ, u
buồn; lâu ngày không ai tới, cây cỏ mọc che kín khiến cảnh trở nên hoang phế,
điu tàn... Người ta đồn “đó là nơi dành cho thế giới của ma, quỉ”. Chú
nói:
- Chị Bốn của tôi bảo đêm đêm có nhiều ma nữ
hiện lên; cô thì mắc võng ru con, cô thì rên rỉ những lời ai oán”. Chú rất sợ
ma. Ba tôi
nói:- “chú Chế là con trai mà nhát lắm, nghe nói miếu nhiều ma nên chú không
dám đến gần. Nếu khi nào banh vọt sang miếu chỉ có ba nhảy qua, nhặt về!
“Đi đêm
nhiều sẽ có ngày gặp ma”: Có lẽ thế?
Vào một
chiều, đám thanh niên đang đá banh ở sân
vân động. Thình lình cơn mưa ập
đến. Ai ở gần thì về luôn; sân vận
động vắng teo chỉ còn ba và chú Chế. Hai người chạy ra trú ở cái lều ngoài
cổng. Lều nằm lấn sang đất miếu. Hôm đó, có gì khiến hai anh em đều tỏ ra sợ
hãi, lấm lét đưa mắt nhìn nhau. Khi mưa thưa
dần, ba hất đầu ra hiệu, chú Chế hiểu ý và cả hai cùng phóng ra khỏi lều. Về
tới nhà chú Chế, ba hỏi “nãy Hoan có thấy
gì không?”
Chú Chế trả lời bằng câu hỏi ngược lại “Thế
còn Lang?” Cả hai đều xác nhận có thấy một cô gái cùng chạy ở giữa hai
người từ sân vận động theo ra tới lều. Cô ta mặc đồ màu trắng nhờ nhờ như khói,
tóc dài xỏa ngang vai. Nhưng khi bước vào lều thì mất hút không để lại một chút
dấu vết. Chú Chế còn hỏi: - “Lúc ở bên cô ta anh có lạnh không, còn tôi lúc đó như có luồng khí lạnh chạy dọc sống
lưng khiến tóc gáy tôi dựng đứng?”
Có thể vì điều này mà thơ hai người thường
thấp thoáng hình bóng của ma quái. Nhà văn Võ Văn Trực cũng có cảm giác từng
gặp bóng ma trong thơ của họ:
- “Thơ của họ thường bảng lảng những gì tao
nhã, huyền bí và có phần ma quái”.
Chuyện tình chú Chế và cô Giáo - người vợ trước của chú được má tôi kể lại:
“Hôm tôi đến chùa thăm anh Lan thì thấy một
thiếu nữ đứng trước cổng như đang kiếm ai? Anh Lan từ trong chùa ra. thấy thiếu
nữ khuôn mặt bầu bỉnh, nước da trắng, mái tóc dài, kẹp (ba lá) ngang lưng. Cô
mặc chiếc áo bà ba màu nõn chuối, quần lĩnh đen, trông nền nã làm anh chú ý. Cô
gái nhìn thấy anh, mắt sáng rỡ, lại gần, hỏi: “Anh- Xuân Khai?”
Anh Lan tức thì: - Có phải Giáo đấy không?
- Dạ! Giáo đây. Cô gái trả lời. Anh quay
sang tôi, giới thiệu:
- Đây là Giáo, bạn Hoan; còn đây là Lan, bạn
anh. Sau đó, anh bảo hai chúng tôi
chờ anh chạy vào thành báo tin cho Hoan. Một lúc sau, hai anh quay ra. Giáo và Hoan gặp nhau mừng chảy cả nước mắt. Ngay
tức khắc vẻ lúng túng lộ rõ trên mặt Hoan. Anh nói: Biết gửi Giáo ở đâu bây giờ? không thể đưa về nhà, hay ở chùa hay
nhà Lan. Cha Hoan là ông Phan Ngọc Trân, người Quảng Trị. Trước, giữ chức Đề
lại thời Khải Định-Bảo Đại tại Quảng Trị. Năm 1925-1926 ông làm Lại mục tại phủ
An Nhơn. Ông theo đạo Phật, ăn chay trường, nổi tiếng nghiêm khắc. Thấy bạn
lúng túng, anh Lang bàn là đưa Giáo vào Nha Trang, ở tạm nhà anh Quách Tấn, hồi
sau tính tiếp.
Thuở ấy,
nhà anh Tấn là điểm hẹn của bạn văn, không có gì để lo cả. Họ quyết định đi
ngay chuyến tàu chiều và rủ tôi cùng đi. Khó khăn lắm tôi mới lừa được cha là
“đi thăm bác Năm”. Hoan đánh giây thép (điện) báo anh Tấn ra ga đón chúng tôi.
Khi đến ga Mã Vòng thì thấy anh Tấn vẫy tay, ra hiệu xuống. Bốn chúng tôi không
hiểu mô tê gì, sau anh Tấn giải thích sợ gia đình nhà Giáo đã điện báo cho ông
Tư Đào cậu của Giáo, biết cô trốn nhà theo trai, có thể cũng đang chờ ở ga Nha
Trang để tóm cô đưa về gia đình.
Anh Quách Tấn đưa bốn chúng tôi về nhà tắm
rửa, cơm nước. Sau đó bố trí cho Hoan sang nhà anh Nguyễn Đình, tôi về nhà bác
Năm, Giáo ở nhà bạn gái của vợ anh Tấn, còn anh Lan thì ở lại nhà anh Tấn. Mọi việc
xong xuôi, anh Tấn dặn: “Cô chú không
được ra khỏi nhà, đợi vài hôm xem thế nào sẽ hay, nếu lộ ra thì chết cả lũ”.
Một tuần trôi qua, anh Tấn hiểu pháp luật nên
bàn với anh Lan đến gặp cậu Tư Đào thú nhận và nhờ ông thưa với cha mẹ Giáo
chuyện cưới xin cho hai bạn. Ông cậu đồng ý, thân chinh đến đón cô cháu, đưa về
Đà Nẵng và bàn chuyện cưới xin cho Hoan và Giáo luôn.
Thế là mọi chuyện giải quyết ổn thỏa. Đám
cưới họ, bạn bè đến chia vui. Xong, Giáo theo Hoan về Thành Bình Định sống với
cha mẹ chồng.” Ít lâu sau, Giáo bị thông manh, không nhìn thấy gì. Hai năm sau
nhờ sự ân cần chăm sóc của gia đình Hoan nên mắt Giáo trong sáng trở lại. Rồi vợ chồng dắt nhau ra làng Lai
Triều-Quãng Trị dạy học. Hè năm 1946, cha chú ốm nặng, mẹ già yếu, chú về lại
An Nhơn, đón bố mẹ và hai chị để chăm sóc. Trước khi chia tay,
chú bịn rịn nói với ba tôi: -“Chắc là từ nay về sau, tôi với anh không còn
dịp gặp nhau nữa rồi…!.”
Xa nhau, song lúc nào có tin vui, buồn, hai
người đều thư từ qua lại. Ngày sinh Phan Lai Triều, rồi Phan Trường Định, chú
viết thư cho ba tôi, giải thích vì sao lấy tên Lai Triều, Trường Định. Trường
Định là quê bác Tấn. Đặt tên cho con trai thứ hai là để kỷ niệm ngày các bạn
văn gồm Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, Quách Tạo và Nguyễn Đình về nhà bác
ăn tết (năm 1943). Chuyến đi này xảy ra nhiều chuyện ly kỳ, lý thú ai trong họ
cũng không thể quên. (Mãi đến sau tết 1955 hai gia đình mới gặp lại tại 51 Trần
Hưng Đạo-Hà Nội.
Nhà tôi đối diện với
chợ
Gò Chàm. Chợ nghèo lắm, chỉ có những túp lều tranh lụp xụp, núp dưới bóng những
cây gòn cao to. Năm bữa có một phiên. Ngày phiên, người nông dân đem đến đây
các loại nông sản, gia súc, gia cầm, vải, bông. Người Gia-Lai, Ê-Đê với làn da
đen nhẻm, khét nắng, nồng nặc mồ hôi vì lâu không tắm. Cứ mỗi lần xuống chợ họ
để lại những sản phẩm của núi rừng: rễ cây thuốc, cao khỉ, măng, củi, than và
mua về buôn làng heo hút nào muối, kim chỉ, hạt cườm, dầu dừa v.v...Đấy, Phố
huyện chỉ vào ngày phiên mới đông vui, nhộn nhịp, các ngày khác, cuộc sống trở
lại đìu hiu vắng vẻ. Ai đã từng sống ở đây mới thấm thía cảnh sống của người
tỉnh lẻ qua bài thơ “Lại về tỉnh nhỏ”
của ba tôi:
Tỉnh nhỏ
Đìu hiu
Mặt
trời ngủ giữa chiều,
Trở
mình trên mái rạ,
Cây
đứng nép bên đường,,
Tay
xương nắm lá,
Như
tay người đưa thư,
Áo
vải tây vàng hai vai đã vá
Đi
giữa đường mấp mô
Không có kẻ đợi chờ
Đôi
chiếc xe dụm đầu ngái ngủ
Tỉnh nhỏ…
Cô em
Nằm xem
“kiếm hiệp” …
Lâm Bích Thủy