Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 2, 2019

HẠ VÀNG - Thơ Nhật Quang

Tác giả Nhật Quang

HẠ VÀNG

Giọt Hạ vàng
rớt mênh mang
vương bờ vai lụa
mượt làn tóc mây

Sân trường
trống giục chia tay
phượng rơi lác đác
gió bay hương nồng

Bằng lăng
tím lối mênh mông
bồi hồi…lưu luyến
tuổi hồng
sách thơm

Nhặt vần thơ mộng
ủ ươm…
ép trang lưu bút
nhẹ vương vấn lòng.

            Nhật Quang



READ MORE - HẠ VÀNG - Thơ Nhật Quang

ĐÀ NẴNG - MÙA LỄ HỘI - Chùm thơ Tăng Tấn Tài




ĐÀ NẴNG - MÙA LỄ HỘI 

Vắt nỗi nhớ
tay ôm ngày nắng chật
Cứ vác cuốc đi chân nhớ những luống cày
Như tìm lại nụ cười nguyệt - nhật
Áo lấm mồ hôi muối mặn gừng cay.

Lắm nỗi buồn riêng cất dấu ai hay !
Mưa đá ngày hè rơi trên nón lá
Giọt mưa trái mùa nghe đâu rất lạ
Thoả cơn khát lòng
nón cũ chẳng cần khâu ...

Mưa bão ngày hè ở tận đâu đâu !
Chẳng buồn hỏi, lửa mùa khô cứ cháy
Hoa pháo Sông Hàn tầm cao vẫy gọi
Soi bóng lưng linh xanh - tím
những nhịp cầu ...

Tháng sáu về, Đà Nẵng ngậm mưa ngâu
Giọt mồ hôi khô
đổi thay
"Mùa Lễ Hội ..."

Tăng Tấn Tài .
03.6.2019

CÕI THỨC!

Tháng năm mở nắng phơi mùa
Mướp vàng cánh mỏng gió lùa heo may
Đêm dài trăn trở đốt tay
Nỗi đau da thịt giải bày áo cơm!

Lợt phai vạt áo rạ rơm
Mưa chưa chịu nắng, vắt thơm môi cười
Mồ hôi thấm giọt nụ tươi
Lập loè đom đóm lắm người tìm vui.

Tro còn hơi nóng lửa vùi
Bình tâm ngửa mặt nước xuôi mấy dòng ?
Đời trôi gõ nhịp long đong
Tiếng khuya "cú"* gọi
thức trong cõi về ! ...

( * ) Chim cú mèo.

Tăng Tấn Tài 
01.6.2019

READ MORE - ĐÀ NẴNG - MÙA LỄ HỘI - Chùm thơ Tăng Tấn Tài

LÁ RƠI XUỐNG ĐẤT - Thơ Chu Vương Miện


LÁ RƠI XUỐNG ĐẤT
chu vương miện
-
con cá bơi dưới nước
con chim lưng từng trời
con người bám mặt đất
dòng sông cứ vậy mà trôi
đàn trâu trên đồng cỏ
sáo diều bay từng không
vi vu từng điệu nhạc
đồng lúa trổ đòng đòng
-
xưa sau vẫn như thế
cuộc sống cứ xoay tròn
hết chuyện sông cùng núi
rồi chuyện nước và non?
cái gì mất đã mất?
cái gì? còn lại vẫn còn?
biết bao mối tình lớn?
biết bao mối tình con?
đẻ sót lại 1 mối tình còm?
-
lá rơi xuống đất gió thốc lá bay
con ruồi con chim có 4 cánh 2 cánh muốn đậu
muốn bay tùy thích?
mây trời bay ngang bay dọc
ngừng không đặng
muốn bay không xong
tùy duyên gió thổi
-
đường trải toàn viên đá cuội trắng
dây hồng leo hoa vàng
ngôi mộ hoang nằm đó
ta ngồi ngóng chiều nghiêng
cùng 1 vòng nhật nguyệt
sinh diệt và sinh tồn
cỏ vẫn xanh mầu cỏ
bình minh và hoàng hôn
mộ bia phai mầu đá
hoa nở trọn thời gian?
mới thốt lời ca đó
giờ đã xa muôn trùng
-
hiện tượng là vô ngã
sự vật là vô thường
buổi sáng hoa bụp nở
buổi chiều hoa bụp tàn
ngàn xưa là vậy vậy
khởi thủy là chữ duyên
nơi Hà Nhai vãn độ
neo đó 1 con thuyền
nhổ neo về bến giác
nước do dự ưu phiền?
bao si mê sân hận
theo gió lộng từng cơn
vũ trụ là vô ngã?
thân ta là vô thường
-
đế vương khanh tướng [công hầu bá tử nam]
tổng thống tổng bộ trưởng thứ trưởng
chủ tịch ủy viên chết xuôi tay?
trên bệ thờ leo lét
nén nhang bát nước 2 dẫy đèn cầy
thế ra lại thua con cà cuống?
chết đến đít còn cay?

cvm
READ MORE - LÁ RƠI XUỐNG ĐẤT - Thơ Chu Vương Miện

Chùm ảnh bia thơ tại Phạm gia trang - Phạm Bá Nhơn






READ MORE - Chùm ảnh bia thơ tại Phạm gia trang - Phạm Bá Nhơn

GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940 – 2018) - Hoàng Đằng


Nhà thơ Phạm Văn Bình


       GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ
NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH
(1940 – 2018)

Hoàng Đằng

Bạn Lê Đình Bì vừa viết thư cho tôi, nhân đọc bài dưới đây của tôi, cho biết thêm những kỷ niệm giữa LĐB và PVB. Cảm ơn LĐB! Ngày giỗ đầu của PVB gần tới, tôi muốn mời những ai quan tâm đọc lại bài của tôi.

GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940 – 2018)

Nhà thơ Phạm Văn Bình - người quê tôi – đã qua đời ngày 22/7/2018.
Đông Hà – quê tôi – có nhiều người làm thơ. Không riêng gì quê tôi, trên cả nước Việt Nam, nơi nào cũng vậy; Việt Nam là “cường quốc thơ” mà!
Tôi không có may mắn và điều kiện đọc nhiều, nên không biết, trong số người làm thơ ở quê tôi, những ai có tác phẩm hay, chỉ biết anh Phạm Văn Bình từng nổi tiếng về thơ trong thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, đặc biệt, anh có 2 bài thơ được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc: Đó là bài “Chuyện Tình Buồn” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”; và có lẽ với hai bài thơ này, anh sẽ lưu danh thiên cổ.
Sau này, sự nghiệp của anh đã có tác phẩm của anh làm chứng; còn cuộc đời của anh chắc sẽ ít người biết rõ. Vì vậy, là người đồng hương với anh, tôi muốn góp phần dựng lại tiểu sử của anh qua tìm hiểu những mảnh đời, những chặng đời của anh mà người Đông Hà và một số thân nhân của anh biết, kẻo rồi thời gian có thể xoá mất.

* Về năm sinh của Phạm Văn Bình
Võ Văn Cẩm – bạn đồng khoá 24/SQTB Thủ Đức với Phạm Văn Bình – cho biết là năm 1942; tờ Cáo Phó khi anh mất của gia đình bên Mỹ ghi 1939; một thân nhân của anh ở Việt Nam cho biết anh tuổi Canh Thìn (1940).
Tôi nghĩ năm 1942 là năm khai lại để học hành; anh học ở nhiều nơi, nhiều trường cả bậc Tiểu Học lẫn bậc Trung Học: ở Huế, ở Đông Hà, ở Đà Nẵng, ở tỉnh lỵ Quảng Trị.
Còn Cáo Phó ghi năm 1939 là do cách tính; anh mất năm nay (2018), thọ 79 tuổi; theo cách tính của phương Tây, anh phải sinh năm 1939, còn theo cách tính của người Việt Nam là năm 1940. Thế nên, theo tôi, Phạm Văn Bình sinh năm 1940 – tuổi Canh Thìn.

* Về quê quán và dòng dõi,
Phạm Văn Bình sinh ra ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Vào thập kỷ 1920, thuở thanh niên, thân phụ anh, cụ Phạm Tề, ra làm công nhân xây dựng cầu Quảng Trị, kết duyên với một thôn nữ làng Như Lệ (nay là thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Rồi ông bà ra lập nghiệp ở thị trấn Đông Hà, mở một quán cơm ở ga Đông Hà vào lúc mà tại Đông Hà, việc giao thương Bắc - Nam, việc giao thương miền Trung Việt Nam - Lào nhộn nhịp.
Trong thập kỷ 1930, cụ Phạm Tề kết hôn thêm với bà Hoàng thị Căn (1909 – 1984), còn có tên thường gọi là Hoàng thị Cháu, một thôn nữ làng Điếu Ngao (nay là phường 2 – TP. Đông Hà). Phạm Văn Bình là con bà Hoàng thị Căn.
Phạm Văn Bình có người anh đầu cùng cha khác mẹ – con của mẹ làng Như Lệ - tên Phạm Ga hoạt động cho Việt Minh, từng giữ chức chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến khu vực Đông Hà, rồi Chánh Văn Phòng Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Quảng Trị. Khi kháng chiến chống Pháp bùng lên, Phạm Ga được điều động ra Việt Bắc và, sau đó, đã mất trên đường công tác ở tỉnh Cao Bằng.
Phạm Văn Bình còn có người anh cùng mẹ cùng cha tên Phạm Vinh tập kết ra Bắc; Phạm Vinh học âm nhạc, chuyên ngành về đàn violon, trong chiến tranh, trở lại miền Nam, công tác ở đoàn Văn Công Quân Khu 5, hiện đã nghỉ hưu.
Ở chế độ miền Nam thời đó, ngoài bản thân là sĩ quan, Phạm Văn Bình còn có em trai cùng cha cùng mẹ tên Phạm Như Trị cũng là sĩ quan quân đội Cộng Hoà, nay định cư ở Mỹ theo diện HO.
Về bên ngoại – phía mẹ của Phạm Văn Bình - ở làng Điếu Ngao, các cậu các dì đều theo Việt Minh.
Dòng dõi của Phạm Văn Bình như thế đã góp phần tạo tứ thơ của anh.

* Về con đường đến với thơ của Phạm Văn Bình,
Phạm Văn Bình có năng khiếu và đam mê văn nghệ từ nhỏ. Tuy nhiên, điều đó chỉ bạn bè biết chứ “người ngoài” chưa biết.
Sau khi hoàn tất bậc Trung Học – có bằng Tú Tài II, Phạm Văn Bình về quê, dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 1963; anh đứng trên bục giảng từ 1963; đến 1966, anh phải nghỉ dạy để thi hành lệnh động viên của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Trong thời gian dạy ở quê nhà, anh có cộng tác với Đài Truyền Thanh Quân Đội ở Đông Hà và gởi thơ đăng ở báo Lập Trường.
Xin mở ngoặc để giới thiệu đôi nét về báo Lập Trường:
Phong trào Phật Giáo chống chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm bị cáo buộc phân biệt đối xử tôn giáo bùng lên ở Huế từ tháng 5 năm 1963; phong trào được nhiều giới trong xã hội ủng hộ, trong đó có một số không nhỏ các giáo sư Đại Học Huế. Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ tháng 11 năm 1963, cả miền Nam lâm vào cảnh xáo trộn nhiều mặt, đặc biệt là về chính trị. Năm 1964, báo Lập Trường do một nhóm giáo sư Đại Học Huế chủ trương ra đời; ban điều hành báo gồm GS Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Đại Học Khoa Học, làm chủ nhiệm, GS Lê Tuyên giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa làm chủ bút và GS Cao Huy Thuần giảng dạy ở Đại Học Luật Khoa làm thư ký toà soạn. Lập Trường là tuần báo Chính Trị - Văn Hoá – Xã Hội; báo bày tỏ thái độ chống đối chiến tranh, chống đối cách điều hành đất nước của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, chống đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam; Phạm Văn Bình gởi thơ vào và được đăng với tần suất khá dày; điều đó chứng tỏ tứ thơ của Phạm Văn Bình được đánh giá phù hợp với lập trường của báo; chủ bút chọn bài là GS Lê Tuyên - người có cách nhìn, cách lý giải mới các tác phẩm văn học cổ Việt Nam bằng cách đem triết học hiện sinh rọi vào. Nhờ báo Lập Trường, Phạm Văn Bình được giới thơ văn biết đến càng ngày càng nhiều. Thành thử, có thể trước đó Phạm Văn Bình đã có làm thơ, nhưng chính báo Lập Trường đã nâng cánh cho thơ của anh.
Nhờ vai trò cộng tác viên đài Truyền Thanh Quân Đội Đông Hà và tiếng tăm về thơ qua báo Lập Trường, Phạm Văn Bình thi hành lệnh động viên, thụ huấn xong ở quân trường, được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý chiến của sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Khi đã làm việc ở Sài Gòn, Phạm Văn Bình có cơ hội quen biết với giới văn nghệ sĩ, thơ anh xuất hiện trên các tạp chí, được đánh giá cao, được Phạm Duy chọn phổ nhạc; nhờ thế, anh có chân trên thi đàn.

* Người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” là ai?
Trong văn học, tác giả ký tên T.T.KH của bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” nổi tiếng hơn 80 năm qua vẫn còn là nghi án – giới nghiên cứu văn học đã đoán nhiều tên, nhưng chưa chắc chắn một tên nào. Từ đó, tôi lo tương lai có người muốn biết thật sự tên người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” sẽ gặp khó khăn, trong khi hiện giờ bà con và người thân quen quê gốc Đông Hà của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này thì biết rõ, nhưng không ai chịu lên tiếng hoặc không có điều kiện lên tiếng. Tôi xin phép lên tiếng thay.
Không biết mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này chớm nở từ lúc nào, nhưng mối tình này vỡ lỡ giữa thập kỷ 1960:
Năm năm rồi không gặp,
Từ khi em lấy chồng,
Anh dặm trường mê mải,
Đời chia hai nhánh sông …
Phạm Văn Bình “dặm trường mê mải” từ năm 1966 – năm thi hành lệnh động viên vào lính.
Nhà Phạm Văn Bình và nhà người phụ nữ cùng ở trong con hẻm đường Phan Bội Châu thị trấn Đông Hà. Người phụ nữ này có một người anh – bạn thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này có nhan sắc, có học vấn (cô này không học ở Đông Hà mà học ở Trung Học Bán Công Huế), lại biết trang điểm, ăn diện bắt mắt, Phạm Văn Bình vừa ý, đem lòng yêu đương. Hai người yêu nhau; người Đông Hà thấy mối tình của họ “da diết” lắm, ngay cả Phạm Văn Bình cũng thổ lộ:
Những thư tình vụng dại,
Những vai mềm, môi ngoan,
Những hẹn hò cuống quýt …
Không ai ngờ mối tình ấy tan vỡ. Người trong cuộc bảo rằng do hai người khác biệt về tôn giáo: gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo, gia đình người phụ nữ này theo Thiên Chúa Giáo. Thôi, chúng ta cứ tin như vậy, chứ trên đời, không thiếu gì người khác tôn giáo kết hôn với nhau; về sống với nhau, hoặc vợ theo tôn giáo của chồng, hoặc chồng theo tôn giáo của vợ, hoặc, cùng lắm, mỗi người cứ giữ tôn giáo của mình.
Người phụ nữ này “sang ngang”, lấy một người chồng đồng đạo; ông chồng là sĩ quan quân y, trước đó, tốt nghiệp cán sự y tế, bị động viên vào quân đội; hai vợ chồng có 4 người con (?). Rủi! Ông chồng tử trận, Phạm Văn Bình viết trong thơ: “Anh một đời giong ruỗi; em tay bế tay bồng” là vậy.
Việc bất thành trong mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này không biết do gia đình bên nào gây ra; nhưng trong thơ và trong đời thực, Phạm Văn Bình ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:
Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.
Ngày nhà em pháo nổ,
Tâm hồn anh nhuốm máu,
Ôi nhát chém hư vô,
Ôi nhát chém hư vô.
……………………
Năm năm rồi trở lại,
Một màu tang ngút trời,
THƯƠNG người em năm cũ,
THƯƠNG goá phụ bên song.
Và về sau, mỗi lần có dịp, Phạm Văn Bình vẫn ghé thăm gia đình người phụ nữ này. Ngay trong lễ tang Phạm Văn Bình vừa rồi, người bà con của Phạm Văn Bình cho tôi xem một bức ảnh chụp chung 3 người con của Phạm Văn Bình với một người con gái của người phụ nữ này. Tình của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này đã vượt lên sự nhỏ nhen của hờn ghen để thăng hoa. Đẹp quá! Đúng là “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
Xin tiết lộ: Người phụ nữ này có tên là Nguyễn thị Tuý sinh năm 1945, nguyên là một cư dân Đông Hà, hiện giờ còn sống và định cư bên Mỹ.

* Về tạng người và lối sống,
Phạm Văn Bình có gien văn nghệ từ gia đình; như trên đã nói Phạm Văn Bình có ông anh ruột hoạt động trong lãnh vực âm nhạc.
Phạm Văn Bình không đua đòi theo thiên hạ về bề ngoài, anh thích ca hát vui chơi, không quan tâm đến của cải vật chất.
Từ khi ra trại cải tạo cho đến khi đi Mỹ theo diện HO, thời gian dài cả 10 năm, thế mà không thấy anh làm gì để mưu sinh, trong khi những người gặp hoàn cảnh như anh phải làm bất cứ gì để giúp nuôi sống gia đình, thậm chí đi xe thồ, xe kéo, bán nước chè, làm thuê … Thời gian này, anh rong chơi không phải với bạn bè cùng lứa - vì không có - mà với bạn bè ít tuổi hơn anh nhiều; anh gặp họ trong các quán cà phê, trong những tiệc cưới, ca hát vui nhộn cùng họ, nhiều khi quá chén, cũng say sưa.
Nghe nói anh uống cà phê không phải trả tiền theo lần mà có bao nhiêu trong túi anh giao cho chủ quán, hàng ngày anh tới uống khi nào chủ quán tính là số tiền hết thì báo cho anh biết.
Thời gian anh chuẩn bị đi Mỹ, nhiều phụ nữ muốn đem tình và tiền ra để “quá giang”, anh từ chối, chắc anh quá ngán ngẩm rồi!
Khi qua Mỹ, với tuổi đời ngấp nghé 55, anh cũng không chạy vạy kiếm công ăn việc làm như thiên hạ, anh sống với người con trai trưởng của anh trong sự bảo bọc của cả 3 đứa con và tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ.
Xin mở ngoặc để nói đôi điều về chuyện vợ con của anh.
Sau khi mối tình với Nguyễn thị Tuý không thành, anh lập gia đình với một cô học trò trẻ, đẹp của anh tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà. Vợ chồng sinh được 3 con. Do hoàn cảnh nghiệt ngã sau năm 1975, vợ chồng cũng không sống với nhau trọn đời. Người vợ đem ba con qua Mỹ trước, anh qua sau, và được sự quan tâm chu đáo của cả ba con.
Phạm Văn Bình có lối sống và tạng người khác đời như thế, cộng thêm, với tâm hồn nhạy cảm của nghệ sĩ, sống trong bầu không khí gia đình và đất nước mà thân thích kẻ Bắc người Nam, anh luôn mang tâm trạng buồn đau – buồn đau cho đất nước tang thương, cho tình người tan vỡ vì chiến tranh. Thế nên dù là một sĩ quan (cấp bậc cuối cùng đại uý) tâm lý chiến, thay vì kích động hận thù để tuyên truyền cho phe ta, chống phe địch, anh không làm thế; bằng chứng là bài thơ “Hành Trình Thuỷ Quân Lục Chiến” (tên khác: “Mười Hai Tháng Anh Đi”) - dài 58 câu - chỉ nói lên nỗi đau, niềm khắc khoải, tình yêu lỡ làng do chiến tranh mà người lính cảm nhận khi đi qua đất nước điêu tàn.

Sau thời gian dài khổ cực trong trại cải tạo, được trở về sống trong cộng đồng, nhà không, vợ nỏ có, anh cũng không một lời oán thán ai:
Trở về nhà cũ, nhà thay chủ.
Em đâu? – Đã bỏ chốn thiên đường.
Sang sông, em nỡ lên thuyền khác.
Thôi nhớ làm gì? “Chinh phụ ngâm” …
(Trích từ bài thơ “Đầu Xuân Khai Kiếm”)
Tóm lại, Phạm Văn Bình là nhà thơ nhân văn, ưu thời mẫn thế.

*
* *
Tôi viết bài này với ý nghĩa tích cực; tôi đã hỏi thông tin từ nhiều người: bà con của Phạm Văn Bình có, những người Đông Hà thân quen với Phạm Văn Bình có.
Tôi đã đối chiếu, đánh giá thông tin từ nhiều nguồn, cố gắng để có những thông tin chân thật.
Hy vọng bài viết này sẽ làm cho Phạm Văn Bình vui nơi chín suối và góp phần hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về nhà thơ Phạm Văn Bình sau này.

                                   30/7/2018 (18/6/Mậu Tuất)
                                               Hoàng Đằng

READ MORE - GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940 – 2018) - Hoàng Đằng

MẸ TÔI - Thơ Trần Văn Hạng

Tác giả Trần Văn Hạng (trái) và nhà thơ Độc Hành


MẸ TÔI

Ngồi chong - hiu hắt ngọn dầu
Đêm dài trăng khuyết vạc sầu canh thâm
Nhớ xưa bước mẹ lặng thầm
Suốt ngày vất vả đầu đầm cuối nương
Thân cò lặn lội gió sương
Quần thâm, áo bạc mẹ thường vá đan
Tháng năm thân mẹ gian nan
Nỗi niềm đau đáu lo toan một mình
Vai chai gánh vác muôn tình
Chân mòn nếm đủ hèn vinh cuộc đời
Mẹ nuông con được vui chơi
Mong con khôn lớn à. ơi... sớm chiều
Dù rằng chữ nghĩa chẳng nhiều
Nhưng mà lễ giáo bao điều dạy con
Mong sao nước chảy đá mòn
Một mai khôn lớn vuông tròn tấm thân
Thương con mẹ khổ muôn phần
Nhưng con chưa được một lần đỡ nâng
Con giờ tóc đã hoa râm
Làm sao đền đáp tình thâm biển trời
Mẹ ơi con vẫn nhớ đời:
"Ơn sâu hiếu trọng vâng lời mẹ thương"..

Trần Văn Hạng
(Đông Hà)
READ MORE - MẸ TÔI - Thơ Trần Văn Hạng

Chùm ảnh HOA CÚC ĐẦU MÙA - Chu Vương Miện





READ MORE - Chùm ảnh HOA CÚC ĐẦU MÙA - Chu Vương Miện

NĂM CANH | Thơ: Nguyễn Hồng Linh | Nhạc: Nguyễn Cửu Dũng | Trình bày: Vỹ Cầm

READ MORE - NĂM CANH | Thơ: Nguyễn Hồng Linh | Nhạc: Nguyễn Cửu Dũng | Trình bày: Vỹ Cầm

PHÚT GIÂY... - Thơ Phan Quỳ


                               Tác giả Phan Quỳ


PHÚT GIÂY...

Lặng lờ êm ả một không gian
Cho ta trú ngụ với muôn vàn
Phiền muộn trần ai xin bỏ lại
Cho ta còn thắm với non ngàn.

Cho ta chút mộng giữa trần gian
Mai về dâu bể với trách than
Phút giây cười nụ cùng sương khói
Còn mãi trong ta những rỡ ràng

Cho ta dừng bước nhé sơn lam
Tìm chút nghỉ chân, giấc mộng vàng
Về trong đời muộn, bao sầu đắng
Xin hãy qua đi những lỡ làng...

Xin hãy về đây những nhẹ nhàng
Bên trời mây nước với thênh thang
Ngày xuân còn đợi còn mong ước
Gởi gió đưa hương mấy dịu dàng...

                                     Phan Quỳ

READ MORE - PHÚT GIÂY... - Thơ Phan Quỳ

VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN - Võ Văn Cẩm


 
         Tác giả Võ Văn Cẩm 



VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN
                  (Tặng Văn Mạnh)
                                                 Võ Văn Cẩm

Hôm nay không ngủ được, không biết tại sao? 3giờ sáng tôi mở điện thoại lướt một vòng Facebook để tìm đọc thời sự, chuyện vui buồn, những trang thư tình vụn vặt, những mẫu chuyện ngắn, qua trang Đồng môn Nguyễn Hoàng.
Hoa Trương đã truyền tải bài:
“Người con gái đất Duy Xuyên” của Hương Thủy.
Với cái tên tác giả thấy quen quen. Tôi chưa nghĩ là Hương Thủy Bảo Lộc, nàng là học sinh Nguyễn Hoàng, dân Quảng Trị rặc, sao lại viết về người con gái Duy Xuyên Quảng Nam. Chắc nàng có một thời gian ở đó, hay vương vấn chàng trai nào bên dòng sông Thu Bồn?
Thủy là cô giáo dạy văn ở trường cấp 3 Bảo Lộc Lâm Đồng. Người đã viết bài “Người tình phụ” mà tôi đọc một lèo không nghỉ. Tôi đọc đến lần thứ 3 mà chưa chán.
Không biết đời thường cô giáo thế nào? Mà những chuyện tình cô viết lúc nào cũng trắc trở, ngang trái, đau buồn, bi lụy, đau cho thân phận đời người, thế sự, trách cho vận nước ngả nghiêng, trách cho lòng người đen bạc, trách cho số phận hẩm hiu, trách cho tuổi thơ một một quảng đời chinh chiến.
Tôi dùng thời gian đọc hết chuyện tình ngang trái của Hương Thủy kể về người bạn học cùng lớp thời Trung học, câu chuyện khá thật, khá lý thú xảy ra vào thời ly loạn. Trong câu chuyện tình này thấp thoáng, mường tượng chuyện tình không trọn vẹn của tôi, của bạn bè cùng trang lứa.
Tôi chắt lọc, quay chậm những thước phim về cuộc đời mình, nhớ lại một số tình tiết chính chuyện tình của mình để :
“VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN”
Tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu, cuộc đời của một chàng trai sinh vào thời ly loạn và nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ, cùng nỗi đau của cả dân tộc, trong một quê hương chinh chiến, nồi da xáo thịt, bên này hay bên kia, chiến tuyến này hay chiến tuyến nọ.
Đây là dáng dấp của một chàng trai Quảng Trị một vùng đất nghèo khó, một địa danh mà dân gian thường gọi là nơi “chó ăn đá, gà ăn muối”, “vùng nắng cháy da, mưa thúi đất”, nghèo đến nỗi “Tên con người không có chữ lót”.
Quê nghèo, người dân chỉ chúi đầu trên những thửa ruộng cằn khô, không được như ý nguyện của ngài khai khẩn đã đặt tên làng “Long Hưng” một cái tên không những hay về ngôn từ mà cả về ý nghĩa và tâm linh. “Long Hưng: Rồng vươn lên” như tên gọi.
Học trò làng Long Hưng học ở Nguyễn Hoàng rất giỏi toán. Hiện nay còn sót lại một vài người như: Văn Tần, Văn Phong, Văn Mạnh. Thế hệ kê thừa như Văn viết Đức đoạt giải nhất “Đường lên đỉnh Olympia năm 2015”.
Cũng như Triệu Long quê tôi, chưa có con Rồng nào xuất hiện đúng theo ý nguyện của tiền nhân. Cũng như Cổ Thành trở thành Thành cổ.
Hàng ngàn năm trước, làng tôi nằm hai bên sông Thạch Hãn. Khi Thạch Hãn đổi dòng, tạo thành con kênh (kinh) làng tôi ôm hai đầu con kênh ấy nên có nhiều tên gọi : Đâu Kênh, Đâu Kinh, Đầu Kênh, Đầu Kinh hay Đầu Kêng.
Vùng đất sẽ vượng phát về tài lộc, hiếu đạo và nhân nghĩa.
Giữa làng tôi có Bàu Sen rất đẹp, mà Bàu Sen chính là dòng sông Thạch Hãn năm xưa vậy.
Đến mùa lũ lụt dòng sông Thạch Thạch Hãn tạo thành hai dòng chảy từ Bích Khê đến Trà Liên. Chính dòng chảy mang lại nhiều phù sa, nên quê tôi đất đai rất màu mỡ.
Học sinh làng Long Hưng hay Đâu Kênh nói riêng, Quảng Trị nói chung, sống trong vùng đất chiến tranh khốc liệt, học hành bị gián đoạn, phần lớn gia đình nghèo nên bỏ học sớm, đằng nào cũng vào quân ngũ và phải chọn cho mình một ngành lính.
Võ Huy đỗ tú tài 2, cha mẹ không kham nổi cho con tiếp tục con đường học vấn, học ngành Sư phạm mà Võ Huy thích.
Huy gặp Hoàng, anh của bạn mình nhập ngũ vào khóa 25 trường Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt (SQVBĐL). Võ Huy được bạn cho biết, vào trường VBĐL thì được song toàn văn võ.
Sau 4 năm quân trường Huy là sĩ quan lại có bằng Cử nhân khoa học, đây là một lựa chọn tốt cho người trai thời lọan và kiến thức ấy dành cho hậu chiến.
Năm 1971 Võ Huy thi đậu khóa 28.
Vào trường Sĩ quan Đà Lạt, học một thời gian, qua mùa Tân Khóa sinh. Huy được mặc bộ quân phục, áo kaki vàng, cầu vai gắn alfa đỏ. Thời gian này SVSQ bắt đầu có phép ra phố ngày Chủ nhật hay ngày lễ. Huy hiền từ, không có bà con ở xứ non cao này, nên chẳng biết đi đâu, loanh quanh phố với bạn rồi vào quán cafe. Con gái của xứ “Hoa anh Đào” cũng chưa làm rung động trái tim chàng.
Năm 1972 mùa hè đỏ lửa, Quảng Trị chìm trong bom đạn, nhiều trận chiến xảy ra khốc liệt trên Đại Lộ Kinh Hoàng.
Cuối năm 1972, Huy cùng khóa đàn anh đi công tác Chiến tranh Chính trị ở Quảng Nam Đà Nẵng. Sau chuyển công tác trở về trường, thì Hiệp định Paris được ký kết, khóa Võ Huy phải ra Thừa Thiên Huế. Đại đội Huy được phân công đi các chi khu. Nhóm Huy được về quận Quảng Điền “Sịa”, một vùng đất nằm về phía Tây Bắc, cách Huế chừng 30 cây số, có con sông Bồ  hay “sông An Lỗ”.
Dòng sông uốn khúc rất đẹp, hạ lưu nối với phá Tam Giang và Thuận An. Trên thượng nguồn có hồ nước nóng Thanh Tân bây giờ trở thành khu du lịch nổi tiếng và hồ chứa nước Tả Trạch, hồ lớn nhất Huế, nhờ hồ chứa nước này làm giảm lụt cho đất Cố đô.
Dòng sông Bồ đã đi vào văn thơ và đi vào lòng dân Huế. Đất và người hiền hòa dễ sống.
Thời gian công tác chưa được bao lâu thì Võ Huy quen và yêu cô gái tên Hà. Hà vừa tốt nghiệp cán sự điều dưỡng Huế, sau khi học xong trường Quảng Phước. Thời gian quen Hà khá dài mà Võ Huy không được mẹ nàng đón nhận. Bà không thuận tình cho con gái mình yêu Huy.
Võ Huy yêu Hà thật lòng và Hà cũng dành cho Chàng một tình thương đặc biệt. Những con đường làng đều in dấu chân Võ Huy và Hà, bờ sông Bồ nơi hai người hò hẹn, những chiều hè Võ Huy choàng vai Hà hay ngồi bên sông ngắm chiều về, nhìn dòng nước trôi mang theo ánh tà dương thơ mộng, Võ Huy nghĩ về một tương lai gần của một gia đình nhỏ.
Thấy mẹ mình không muốn cho Huy tiến xa hơn.
Hà về cầu cứu dì Tư giúp Hà để giải quyết mối tình của đôi trẻ. Dì Tư thương Hà lắm, nhưng trong sâu thẳm của trái tim dì mách bảo: Không được.
Nguyên do mà mẹ và dì không chịu, không phải không thương Hà hay ghét Huy, chỉ một lý do mà mẹ và dì không dám nói ra.
Mãi 10 ngày rồi mà Võ Huy không gặp Hà, Huy rạo rực nhớ thương, tâm can rối bời. Huy đâu biết Hà đang đau khổ tột cùng. Hà ôm gối, quấn chăn nằm khóc, dòng nước mắt cứ tuôn trào, chỉ nguyện cầu cho tình mình được viên thành.
Võ Huy thuê xe về nhà Hà khi mẹ nàng đi vắng, do chị Dung báo. Vào phòng Hà, Võ Huy thấy trên gối Hà để tập thơ mà chàng tặng hồi hai đứa hẹn hò. “Dù chân trời góc biển” và lúc hai đứa dành cho nhau nụ hôn đầu đời, lúc tình yêu đã chín.
Những câu đầu trong tập thơ rất dễ thương:

“Lần đầu ta ghé môi hôn.
Những con ve nhỏ thất hồn kêu vang”

Võ Huy còn nhớ trong tập bài giảng trường Y của Hà, mà Hà đưa cho Võ Huy xem vào một buổi chiều cận Tết. Võ Huy lật trang sau rồi viết một câu thơ của ai đó mà Huy không nhớ, Chế lan Viên?

“Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa.
Yêu một người tôi dâng trọn niềm thương”

Dưới trang vở ấy, suốt một đêm trằn trọc, Hà nắn nót từng chữ:
“Vâng, yêu một người tôi xin dâng trọn niềm thương”.
Hà đóng khung và tạo hình rất đẹp.
Bây giờ những giọt nước mắt đã làm hoen ố trang bìa.
Võ Huy cầm lên, mân mê từng trang sách, trong đó có trang giấy vở xếp tư. Huy tò mò mở ra xem, nét chữ cứng vì viết vội.
“Ba đã nghe dì Tư nói chuyện. Con hãy chấm dứt mối quan hệ không lành mạnh đó.” Đọc chừng ấy chữ, mà mắt Huy hoa lên, trong lòng thấy sợ.
Phía nhà dưới Hà bước nhẹ trong bộ đồ ngủ màu sáng nhạt. Hà chạy lại ôm choàng Huy. Võ Huy cố bình tĩnh, nhưng những dòng chữ cứng cỏi như len lỏi vào từng thớ thịt, nổi sợ hãi làm Huy quên mất người mình yêu đang hiện hữu. Hà xích sát vào chàng, nhưng phản xạ tự nhiên, Võ Huy đẩy Hà ra khỏi tầm tay.
Ngoài sân có tiếng người, bạn nàng đến chơi. Lợi dụng cớ này Huy xin chia biệt trước sự ngạc nhiên của Hà và bạn.
Ra về nhưng lòng đầy ray rứt, khó chịu. Võ Huy đi một mạch về nhà, hình ảnh Hà cứ quay cuồng trong đầu, Huy nằm bẹp xuống giường, Võ Huy ôm đầu, tìm cách trấn an mình.
“Không lẽ Hà đang dăng bẫy mình?. Ba nàng còn sống? Đang là cán bộ CS hoạt động tại đây?”. Nỗi lo sợ cứ ám ảnh Huy.
Một tuần sau, Hà lên quán sách nhờ cô Dung liên hệ với Võ Huy, nhưng Huy tìm cách né tránh.
Võ Huy đã được dạy trong quân trường: “Người Sĩ quan không có việc gì là không thể”. Đây là “bửu bối”. Lời dạy ấy làm cho Huy mạnh mẽ lên.
Thời gian công tác đã hết, Huy trở lại quân trường không người đưa tiễn, về trường để tiếp tục việc học.
Thời gian đào tạo còn dài, chương trình nặng hơn về khoa học thực nghiệm. Huy tự bảo lòng mình, chuyện tình yêu đầu đời Võ Huy gác lại, khép vào một ngăn nhỏ trong trải tim.
Hai tháng quân trường trôi qua, Huy mới lấy lại sự an bình. Tháng thứ 3 có thư của Hà gởi do một SV khóa đàn em mang đến “Không có gì mà SVSQ không thể”. Tháng đó Huy nhận đủ 30 lá, Huy chất vào học bàn mà không đọc lá nào và cũng không trả lời. “Thôi hãy chôn chặt vào kỷ niệm”. Mấy hôm sau Huy nhận một lá thư lạ, lần này Huy mở ra đọc. Thư của chị Dung, người chủ tiệm sách, cũng là người mai mối cho mối tình đầu của Huy. Đọc xong Huy không trả lời. Huy bỏ chung vào chồng thư của Hà.
Huy làm như vậy không phải không nuối tiếc mà Huy muốn chôn những kỷ niệm ấy xuống vực sâu và để Hà không còn kiên nhẫn đợi chờ và hy vọng. Huy muốn xóa hình ảnh mình trong trái tim của Hà.
Nửa tháng sau, một sáng sớm, Võ Huy được thông báo ra nhà khách tiếp đón người thân. Huy đoán, không thể mẹ và em mà chắc chắn là Hà, không còn ai khác. Huy nhờ bạn thân ra tiếp, Võ Huy nói rõ nội dung cho bạn, và nhờ bạn thông báo cho Hà là Võ Huy được nghỉ phép về thăm nhà và làm lễ đính hôn theo ý mẹ.
Bạn của Huy không đủ ngôn ngữ để diễn tả hết nỗi đau buồn của Hà khi thông báo tin ấy, Hà nghẹn giọng, xin chia tay trong dòng nước mắt, Hà khuỵu người, chân không muốn bước. Bạn của Huy nhìn Hà mà đau xót, thương cảm, nghẹn ngào, tự trách mình làm một điều tàn nhẫn.
Gặp Huy, cố gắng lắm mới thốt được câu, “Tau đã hoàn thành trách nhiệm” bạn không dám kể hết sự thật.
Ngày 30/4/1975 khi Huy chưa có được một ngày làm chỉ huy thì quân trường bỏ ngũ.
Huy trốn chạy về quê nhà. Võ Huy nắm chắc chuyện vào tù không tránh khỏi ở vùng đất quê nhà.
Hơn hai năm trong trại giam, Võ Huy được thả.
Huy về với mẹ, suốt đêm ba mẹ con nghẹn ngào trong bữa ăn cuối cùng.
Sáng hôm sau mẹ móc hết túi, nhét cho Huy chỉ mấy đồng bạc lẻ. Mẹ nói: “Ở đây con không sống nổi, con vào Nam tìm đất lành độ nhật”.
Bà ôm con vào lòng như ôm một đứa bé. Đợi tới tối, sau bữa cơm đạm bạc, bà và em trai tiễn Võ Huy ra đầu ngõ rồi có vài lời căn dặn, bà có linh cảm đây không phải là buổi chia tay mà là lần ly biệt. Bà nhắc lại : “Quê nhà không còn là đất sống, con hãy ngẩng cao đầu, hãy làm đúng những điều mẹ dạy”. Huy cúi mặt, nghẹn ngào, cố nuốt những uẩn ức vào lòng rồi bước mạnh, một đoạn xa Huy mới can đảm ngoái nhìn, bóng mẹ chìm vào đêm tối, chỉ còn trong ký ức.
Huy nhìn màn đêm tối rồi quỳ xuống lạy 3 lạy: Một lạy dành cho quê hương đất tổ, một lạy dành cho đấng sinh thành, còn một lạy Huy dành cho ước nguyện của mình. Võ Huy đứng thẳng người tiến bước về phương Nam.
Bến xe Sài Gòn trước mặt, Huy xuống xe, không biết đi đâu và về đâu? Nhìn dòng người xuôi ngược mà quên đi chính mình. Trước mắt Huy, đủ mọi tầng lớp người trong xã hội: Người thiếu tay, thiếu chân, kẻ mù mắt, già có trẻ có, đàn ông có, đàn bà có, hầu hết áo quần không lành lặn, những miếng vá đủ màu. Không gian này làm cho Huy có thêm nghị lực, bớt thất vọng. Vì Huy còn đủ chân tay, có sức khỏe, còn trí tuệ.
Những ngày tháng nhọc nhằn, với đủ công việc, nếm đủ mọi nỗi đau, những vị mặn của đời. Huy dành được ít tiền, mở đường theo bạn tìm vùng đất hứa.
Huy qua Campuchia, kiếm thêm tiền rồi qua Thái Lan bằng đường bộ. Huy vào trại tỵ nạn, trong người không có một tấm giấy lận lưng. Vốn có một ít Anh ngữ, lại quen ông thầy dạy Anh văn thời Trung học đang làm quản trại nên Huy được nhập cư vào Mỹ rất sớm. Vốn kiến thức sẵn có, Huy hòa nhập nhanh với đời sống mới. Chỉ vài năm thì cuộc sống ổn định. Huy vẫn chưa liên lạc được với quê nhà.
Số phận đẩy đưa, Huy gặp người bạn gái qua một bạn đồng khóa. Một cách ngẫu nhiên người bạn đời trùng tên: Hà. Chính cái tên làm cho Huy mở ngăn trái tim mà từ lâu đóng kín. Rồi hình bóng Hà (Sịa) quay về cứ chập chờn trong trí nhớ. Nhiều câu hỏi cứ dồn dập ùa về : Bây giờ Hà đang làm gì?.ở đâu? Đời sống ra sao?. Gia đình có được ân huệ nào không ? Chồng con? Có hạnh phúc?
Cứ nhớ những nụ hôn đầu đời, những lần đi chơi, nhớ 30 bức thư mà Hà viết đủ 30 ngày trong một tháng.
Hình ảnh một cô gái đi xa gần ngàn cây số để thăm tình nhân, rồi quay trở về với một điều bất hạnh, phũ phàng. Bao nhiêu oan nghiệt, dù không phải do Huy gây ra.
Nghĩ cho cùng đều do số phận, nhưng trong tâm Huy vẫn thấy ăn năn, thương cảm. Võ Huy mong gặp một lần để nói lời xin lỗi và có cơ hội phân trần.
Càng nghĩ về Hà, về mối tình đầu không trọn vẹn, Huy nghĩ về thân phận con người, oán hận một cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, gây mâu thuẫn thù hận, chỉ vì ý thức hệ. “Không có gì là không thể” viên thần dược mà bao lần cứu Huy thoát nạn. Huy trở lại với chính mình.
Đến thời khắc thuận tiện, Huy một mình trở về quê hương thăm mẹ, thăm em.
Chuyển bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào nửa đêm, không một ai đưa đón vì từ lâu chưa liên lạc được với người thân. Nằm ở phi trường chờ sáng, tìm phương tiện ra quê. Huy gặp một người đồng cảnh ngộ. Chuyện xe tàu vẫn khó khăn. Huy và bạn đón xe đò về Trung.
Đến Huế chia tay bạn, Huy trực chỉ về Quảng Trị. Lâu ngày và lắm điều thay đổi. Đứng ở ngả ba Long Hưng mà Võ Huy chưa nhận ra nhà minh. Căn nhà lá năm nào không thấy. Đang định hướng về nhà thì có người gọi. Huy quay lại, gặp người em họ. Huy nắm chặt tay hỏi thăm gia đình.
Huy lặng người khi biết mẹ mình đã qua đời, người em trai vẫn là một nông dân chưa có vợ con, vẫn ở căn nhà xưa cũ xiêu vẹo mà bao năm vẫn chưa sửa lại. Nỗi đau đè nặng, Võ Huy đi vào nhà. Huy ôm cứng người em trai nước mắt chảy ướt cả áo.
Huy lặng người ngồi nghe người em kể lại những ngày Huy đi xa. Mẹ Huy phải chịu bao nhiêu khắc nghiệt, nuôi hy vọng một ngày gặp con. Thời gian mòn mỏi trôi qua rồi một đêm đông giá rét, không chịu nổi cơn lạnh bà đã vĩnh viễn ra đi, cái ước nguyện nhỏ nhoi bà chưa thực hiện được.
Em trai, dẫn Huy ra mộ đốt cho mẹ một nén tâm hương. Nhìn ngôi mộ đất lài ra, cỏ mọc phủ kín mà lòng Huy thêm trĩu nặng.
Hôm sau Huy cúng giỗ mẹ có đầy đủ bà con, Huy đi một vòng thăm làng xóm, bà con để vài ngày nữa Huy về Mỹ. Trên đường trở lại Sài Gòn, Huy dành một ít thời gian men theo sông Bồ ghé Sịa để tìm lại dấu chân xưa, thời gian quá ít và không gian thay đổi quá nhiều, nên Huy đành quay về trong thất vọng, chán chường, chờ mong đợt tới nhân ngày giỗ mẹ.
Về Mỹ chưa được bao lâu. Huy đi dự đêm hội ngộ SVSQĐL, đúng là quả đất tròn, Huy gặp nhiều bạn bè cùng khóa, khóa đàn anh và đàn em. Một điều bất ngờ là gặp lại chị Dung, chồng chị là người Huế trước Huy một khóa. Hai chị em ngồi ôn lại chuyện xưa, không có thời gian nên Huy hẹn chị ngày hôm sau. Một đêm thức trắng, không làm sao ngủ được, mong đêm ngắn lại, trời mau sáng.
Đúng 8giờ 30 sáng hôm sau Huy có mặt ở nhà chị, chồng chị phải đi làm. Chị ngồi kể cho Huy nghe cuộc đời của Hà sau ngày Huy trở lại quân trường chia xa đất Sịa.
Hà không còn như xưa, tiều tụy lắm, ba Hà là một cán bộ lớn ở Huế. Hà nói với chị vì ba mà Hà mất Huy.
Năm 1977 mẹ Hà đưa Hà về ở với dì Tư, vì ba Hà có vợ con khác ngoài Bắc. Hà không chịu lấy chồng, hai mẹ con sống lây lất, an phận. Dì Tư mất một thời gian thì mẹ Hà đổ bệnh rồi qua đời.
Giỗ mẹ xong, Hà vào một Ni viện ở Huế, gần chùa Từ Đàm. Hà không chạy trốn cuộc đời, mà Hà ngộ ra cuộc đời là vô thường, “Sinh, lão, bệnh, tử” và chính con đường tu học mới giải thoát cho mình.
Từ ngày theo chồng qua Mỹ, chị không có thông tin gì về Hà. Huy không còn lòng dạ nghe chị kể tiếp, Huy xin hẹn chị lần sau. Tiễn Huy ra trước cổng, chi nắm tay Huy hứa: Chị sẽ nhờ người bạn hỏi thăm Ni cô Uy Hà (Uy tức là Huy) rồi cho Huy thông tin, chị còn bảo: Dù muộn màng nhưng vẫn còn hơn!

                                                  Sài Gòn, 2/11/2018
                                                       Võ Văn Cẩm

READ MORE - VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN - Võ Văn Cẩm