Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 9, 2023

TRONG NẮNG VÀNG..., SEN, CHIÊM BAO – Thơ Tịnh Bình


 
                Nhà thơ Tịnh Bình


TRONG NẮNG VÀNG...
 
Hư không ai thả cánh diều
Một chiều mây trắng đánh liều sang ngang
Nhẹ rơi trong ánh nắng vàng
Tàn thu đời lá đa mang niềm gì
 
Giọt sầu vương khẽ bờ mi
Dẫu là giả tạm sinh ly vẫn buồn
Người về chầm chậm chiều buông
Hành trang một đóa trăng suông cuối trời
 
Trần gian tàn cuộc rong chơi
Nhấp nhô bọt bóng rã rời sân mưa
Chào người buổi ấy về chưa
Sen cười hàm tiếu dạ thưa nắng vàng...
 
 
CHIÊM BAO
 
Lênh đênh cơn sóng nhỏ
Những phận đời bơ vơ
Sông mê đò bao lượt
Mù khơi chẳng thấy bờ
 
Gió về đâu lối gió
Chông chênh một nẻo về
Giã từ cơn mộng ảo
Vương vấn gì sơn khê
 
Mưa giăng đầy mắt ướt
Cõi lòng ơi xôn xao
Luân hồi cơn sinh tử
Đã tạnh rồi chiêm bao...
 
 
SEN
 
Hồn nhiên không giữa chốn nâu bùn?
Sen tự tại mãn khai chồi búp
Ta chạnh thương đời sen lem lấm
Rước sen về ngự cõi thanh cao
 
Đâu rồi vẻ thong dong thoát tục
Sen có buồn không...Có buồn không?
Trong sâu thẳm chực trào lệ nhỏ
Từng cánh hoa rơi nõn búp hồng
 
Dắt sen về lại bên hồ cũ
Vui nhé sen ơi vẫn mảnh trời
Này trăng này gió này mây biếc
Đồng làng thân thuộc khúc ca dao
 
Trắng trong dáng ngọc vùi bùn đất
Trăng khuya chưa tạnh nỗi niềm thương
Trầm ngâm gió sớm lay sương giá
Sen thầm ngấn lệ sót dư hương...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - TRONG NẮNG VÀNG..., SEN, CHIÊM BAO – Thơ Tịnh Bình

TƯỞNG NIỆM – Thơ Lê Phước Sinh


 
                Nhà thơ Lê Phước Sinh


TƯỞNG NIỆM 
 
Đất Nước có 30 tháng 4 như Cái Ngạch
Vấp ngã Va đụng Chúi mũi Ê ẩm mặt mày
Chiều chiều bế Con, Thiếu phụ ngóng nhìn ra cửa
Rừng núi Sơn khê chưa thấy bóng Chồng về...
 
Lê Phước Sinh

READ MORE - TƯỞNG NIỆM – Thơ Lê Phước Sinh

TRĂNG TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ - Trần Thoại Nguyên



Ngắm vầng trăng huyền mộng chợt nhớ hồn thơ Hàn Mặc Tử. Xin chia sẻ bài viết của tôi 25 năm trước (1998) vẫn còn nguyên giá trị, đọc lại vẫn thấy hay, sâu sắc!
 
TRĂNG TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ
 
Qua 2 câu thơ 

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 
Có chở trăng về kịp tối nay".
 
HÀN MẠC TỬ (1912-1940) bậc tài hoa yểu mệnh, thiên tài kiệt xuất của thơ ca hiện đại Việt Nam với một hồn thơ trăng láng lai bất tuyệt rất đặc biệt, hết sức độc đáo, tôi đoan chắc rằng thơ ca nhân loại chúng sinh xưa nay không có một nhà thơ, thi nhân, thi sĩ nào có thể gùn ghè cập kè so sánh!
 
READ MORE - TRĂNG TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ - Trần Thoại Nguyên

QUAN NIỆM VỀ “NGỢM NGƯỜI” TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch


                                                                                                             
Sau cơn dịch Covid xảy ra tại Việt Nam, các vị quan quyền thành củi đưa vào lò đốt nhiều quá. Mời quý vị đọc quan niệm về “Ngợm Người” trong thơ Thái Quốc Mưu để thấy nhà thơ ghét bọn quan lại tham ô đến độ nào.
 
Nếu ai hỏi tôi nhà thơ Thái Quốc Mưu yêu gì và ghét gì nhất, chắc có lẽ tôi không trả lời được điều yêu nhất, nhưng điều ghét nhất của Thái Quốc Mưu thì qua thơ ông quá rõ ràng.
 

Trong bài thơ khóc Nguyệt Lãng, một trong những người bạn thơ thân nhất của Thái Quốc Mưu, nhà thơ đã khuyên người quá cố đừng trở lại trần gian chẳng phải vì trần gian là chốn sinh, lão, bệnh, tử hay điều gì khác mà chỉ vì trần gian là chốn có nhiều “ngợm người”:
 
Đừng nên trở lại nơi trần thế
Một cõi quanh anh lắm ngợm người
                     (Khóc Nguyệt Lãng)

Trong một lần “Viếng Trời” nhà thơ cũng so sánh sự khác biệt đáng kể nhất giữa cõi trời và cõi người mà cõi người có lắm “ngợm người”:
 
Nước trời trên dưới cùng tôn quý
Khác với nhân gian lắm ngợm người
                                    (Viếng Trời)
 
Vậy “ngợm người”là gì?
 
Thật ra chữ “ngợm người” không tìm ra một định nghĩa chính xác. Tự điển Việt Nam có sách định nghĩa: “ngợm người” là người ngu dại”; có sách định nghĩa: “ngợm người là người, với ý nghĩa xấu nói chung”. Lại có người cho chữ “ngợm” phát xuất từ chữ “ngựa” nên chữ “ngợm người” là, “nửa ngựa nửa người, nghĩa là người không ra người mà ngựa chẳng ra ngựa”. Cũng có giải thích “ngợm người” như sau: “Ngợm là gì? - Ngợm cũng đi bằng hai chân, mặc quần áo, mang hia, đội mão, có trí tuệ, có tiếng nói, ăn từ thượng vàng hạ cám đến cao lương mỹ vị xuống bắp luộc khoai nướng nhưng khác con người ở chỗ, con người có thể ăn được đủ thứ nhưng không bao giờ ăn thịt đồng loại, còn ngợm thì đến thịt đồng loại cũng sẵn sàng ăn sống nuốt tươi” (Tất nhiên người mà ăn thịt người chỉ nói theo nghĩa ngụ ý mà thôi).
 
Như thế chữ “ngợm người” cũng như chữ “chó má”. Con chó có thể ăn bẩn nhưng dứt khoát không ăn thịt đồng loại, còn con má về hình thức giống y như con chó nhưng đến thịt đồng loại cũng không từ! Có người nghĩ rằng, “ngợm người” là lũ người “điên” cần phải đi học. Học gì? - Học làm người, học để biết thiên chức của con người”.
 
Xem như thế “ngợm người” hay “người ngợm” quả nhiên không phải người tốt.
 
Tóm lại, “ngợm người” để chỉ những kẻ có hình thể, vóc dáng của con người, nhưng cách sống với đồng loại, chưa đạt được cái bản chất đích thực của CON NGƯỜI, mà tôi đã đọc trong mục danh ngôn đâu đó câu: “Hãy sống sao cho người ra NGƯỜI” của Thái tiên sinh.
 
Ngoài ra, trong bài thơ Niềm Mơ Ước Vĩ Đại Của Tôi, Thái Quốc Mưu đã viết:
 
Mặc ai mơ nước Thiên Đàng
Mặc ai mơ cõi Niết Bàn xa xôi
Tôi sinh ra giữa Đất, Trời.
Chỉ mong làm được CON NGƯỜI – viết hoa.
 
Theo Thái Quốc Mưu thì giống động vật mang tên người, khi được “Viết hoa” thành CON NGƯỜI thì vô cùng khó khăn, lớn lao, vĩ đại, và cao quý hơn tất cả. Nó nằm trên tất cả những ước mơ – kể cả Thiên Đàng hoặc Niết Bàn. Bởi, khi tất cả giống người biết tu thân để trở thành CON NGƯỜI được viết hoa, thì xã hội lúc đó đa số chỉ có những CON NGƯỜI đích thực là NGƯỜI. Họ toàn là bậc chính nhân quân tử, lương thiện, gắn bó yêu thương,.. thì Thiên Đàng hoặc Niết Bàn đã hiện hữu giữa trần đời, chẳng phải tìm đâu xa. Khi ấy, lũ “ngợm người” không còn đất dung thân, chẳng thể tồn tại. Sẽ tự diệt.
 
Bây giờ qua thơ Thái Quốc Mưu ta thử tìm xem những thành phần nào trong xã hội mà nhà thơ ghét nhất? Câu trả lời, chính xác nhất, đó là lũ “ngợm người”.
 
Trong bài thơ “Trên Chót Đỉnh” Thái Quốc Mưu đứng trên núi nhìn xuống “đời”, ông đã thấy “lắm lũ loài”. Ông dùng chữ “lũ loài” chứng tỏ ông rất ghét hạng người nầy, đó là hạng người tranh bả lợi danh, giựt dành lợi lộc làm mất cái nhân tính đích thực của CON NGƯỜI:
 
Ngó xuống. Ôi chao lắm lũ loài
Tranh chấp bả danh nhân tính mất
Giựt dành lợi lộc hận thù sôi
                   (Trên chót Đỉnh)
 
Cái bọn người mà bả danh vọng và lợi lộc đã làm cho họ sôi máu hận thù, mất đi nhân tính đó, đã được nhà thơ gọi đích danh trong bài thơ “Khác Biệt” của ông:
 
Quan tham đầu óc như “lì đỗn”
Chỉ biết thu gom với nhét vào
                              (Khác biệt)
 
Đọc ngược hai chữ đóng trong ngoặc kép ta thấy Thái Quốc Mưu khinh bọn quan tham đến cỡ nào.
 
Và với Thái Quốc Mưu bọn người ấy không những là phường phi đạo đức, bất tài, bất nhân, bất nghĩa, tham lam vô tận, lừa bịp, thất học, ngô nghê trước quần chúng; vậy mà hay lếu láo khoe khoang, vênh váo,.. ăn trên, ngồi tróc để lèo lái mọi việc chẳng khác nào như bác tài vừa dỡ lại ba hoa:
 
Đạo đức trống không hay lếu láo
Chân tài rỗng toác cứ thày lay
                   (Có những bác tài)
 
Nhà thơ Thái Quốc Mưu không tiếc lời giận dữ điểm mặt bọn người xấu xa trên với lời lẽ vô cùng cay cú:
 
Hôm sớm đem đầu ra đội đít
Trưa chiều gục mặt để chờ khi
Cong lưng đổi miếng mồi danh lợi
Ngậm miệng ăn ba cái bã chì
                              (Vịnh ông Táo)
 
Và cuối cùng Thái Quốc Mưu không còn nể nang gì nữa và thẳng tay chỉ vào mặt bọn người mà ông ghét nhất trên trần gian nầy, công bố, vạch trần tội lỗi xấu xa nhơ nhuốt của họ, lũ “ngợm người” mà từ xưa đến nay thời nào cũng có:
 
QUAN ÔN XƯA NAY
 
Phẩm chất kém - cần sơn, phết, xi
Bằng cao. dốt rặt mới ly kỳ
Văn thư nguệch ngoạc run cầy sấy
Chữ ký loằng ngoằng méo miệng ghi
 
Quán nhậu nghênh ngang tuồng hổ, sói
Cửa quyền hống hách tựa tần, phi
Gặp thời chồn cáo vươn nanh vuốt
Sớm tối vênh vênh cái mặt chì.
 
Vậy qua thơ ta biết thứ mà nhà thơ ghét nhất trên đời là ai vậy?
Tất nhiên không phải là những người mang chữ “ngợm” với nghĩa xấu bình thường. Tất nhiên, đó không phải là người ngu dại; tất nhiên không phải người khuyết tật, người phạm tội hình sự, kẻ vô tình, vô tâm... Nói chung tất cả những người bị cho là “người xấu” đó, đều không phải thứ “ngợm người” mà Thái Quốc Mưu muốn đề cập. Thái Quốc Mưu nói thẳng lũ ngợm người ấy chính là những kẻ ngồi ở ghế quan lại trên cao mà kém tài, thất đức, bám danh hưởng lợi,...
 
Qua thơ Thái Quốc Mưu, bọn “ngợm người” là bọn “Quan ôn” vô lại. Bọn đó làm cho nhà thơ Thái Quốc Mưu chán chê thế gian nầy đến nỗi ông đã nhắn với người bạn thơ tri âm của mình:
 
“Nhớ bút hãy đùa cùng trăng gió
Thèm thơ xin nhắn cái thằng tôi”
 
nhưng
 
Đừng nên trở lại nơi trần thế
Một cõi quanh anh lắm ngợm người”.
 
Với bọn “ngợm người” nầy nhà thơ Thái Quốc Mưu cho rằng đã hết thuốc chửa rồi, cho nên ông chẳng cần nhắn nhủ khuyên lơn, dạy bảo gì họ cả, mà chỉ lắc đầu bỏ đi, buông ra cho chúng một câu để nhớ đời:
 
Chớ tưởng quyền uy thay trí óc
Đừng hòng sỏi đá hoá trân châu.
                                (Biển Đời)
 
 Châu Thạch

READ MORE - QUAN NIỆM VỀ “NGỢM NGƯỜI” TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch