Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 26, 2020

HƯƠNG XUÂN CÒN THOANG THOẢNG... - Thơ Trần Mai Ngân






HƯƠNG XUÂN CÒN THOANG THOẢNG...

Chúng ta không còn bận bịu nhau nữa...
Anh đường anh và em đã đường em
Cứ mặc nhiên mưa hay nắng bên thềm
Ở bên ấy anh còn vui trăng gió

Em nơi đây như sương bên vạt cỏ
Sớm mai tan - xin tan hết muộn phiền
Năm tháng này dẫu có lắm triền miên
Em cứ thế... để mặc nhiên trôi mãi...

Chúng ta không còn yêu thương đối đãi
Đã lạ nhau từ mắt đến ngón tay
Mùa Xuân đi... vương vấn từng cánh mai
Bay tơi tả mà hương còn thoang thoảng

Lắm lúc em phải tin vào định mệnh
Phải tin rằng gặp gỡ để chia ly
Phải tin mình gạt nước mắt bước đi
Là vĩnh viễn là đã không quay lại

Thế nên chúng ta không là mãi mãi
Hà cớ gì... em khóc giữa cuộc Xuân!

                                Trần Mai Ngân
                                    27-1-2020

READ MORE - HƯƠNG XUÂN CÒN THOANG THOẢNG... - Thơ Trần Mai Ngân

TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẬT GIÁO Ở CHÂU ÂU - Thanh Hòa dịch




Trường Tiểu Học Phật Giáo Ở Châu Âu

- Trường tiểu học Chánh Pháp (Dharma Primary School, website: http://www.dharmaschool.co.uk) ở Brighton, Anh quốc đưa ra một chương trình giáo dục học đường hoàn thiện dựa trên Chánh niệm - giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, cảm thông, tự giác và tự tin. 

Trường tiểu học Chánh Pháp, ở Brighton, là trường tiểu học duy nhất ở nước Anh đưa ra một chương trình đào tạo dựa trên những giá trị Phật giáo. Trường tiểu học tư thục này dành cho trẻ em lớp tuổi từ 3-11 xuất thân từ mọi tín ngưỡng tôn giáo và nền tảng văn hóa, cung cấp một chương trình đạo tạo học đường chất lượng được kết hợp với giáo lý nhà Phật để giúp phát triển khả năng chánh niệm, từ bi và trách nhiệm cộng đồng.

Tuy chỉ là một trường học cộng đồng nhỏ, trường tiểu học Chánh Pháp được vận hành bởi một đội ngũ chuyên nghiệp và tận tâm, ở đó trẻ em được trang bị để trở nên xuất sắc trong một môi trường an toàn, yên ổn và chăm sóc.

Trường này cung cấp một chương trình giáo dục học đường đầy đủ chất lượng như được yêu cầu bởi hệ Đào tạo quốc gia nhưng với tính mềm dẻo và sáng tạo để đáp ứng được những nhu cầu, tài năng cũng như sở thích của trẻ em. Các em phát triển lòng tự tin, nguồn động lực và một niềm đam mê học hỏi giúp chúng học tốt và tạo nên một sự chuyển tiếp thành công lên các trường trung học tư thục cũng như công lập.

Thông qua những nét đặc thù của Phật giáo như thực tập thiền và chánh niệm hàng ngày, giáo viên khuyến khích các em tu tập sự chú tâm, nội quán, trí tuệ và từ bi. Phật giáo không được dạy như một “đức tin” mà như một hệ thống những nguyên tắc và công cụ để sống một đời sống hữu ích và có ý nghĩa.

Chánh niệm cho trẻ em

Ở trường tiểu học Chánh Pháp, chánh niệm được kết hợp như một bộ phận của việc tuân thủ những nguyên tắc Phật giáo. Những buổi họp mặt một hoặc hai phút trong yên lặng hoặc tập thiền, vài lần trong một tuần, được dạy cho trẻ, liên hệ chánh niệm với những hoạt động thường nhật như ăn, làm việc và vui chơi.

Những hoạt động này đã chứng tỏ hữu ích trong việc thực tập kiên nhẫn, từ bi và nội quán. Trong khi thực tập thiền, các em được hướng dẫn nhận diện những suy nghĩ của chúng và ý thức được tâm của chúng di chuyển từ ý tưởng này đến ý tưởng khác nhanh như thế nào. Bằng cách này, trẻ được hướng dẫn để hiểu được năng lực của tư tưởng và cảm xúc cũng như có cơ hội để quán chiếu và biết được chúng phản ứng lại với môi trường và mọi người xung quanh như thế nào.

Trong thời khóa thiền hàng ngày, các em lớn tuổi hơn được bố trí cho nhiều cơ hội để quán sát và thảo luận những kinh nghiệm mà chúng đã tác động lên thế giới nội tâm của các em. Đề tài cho những thời khóa thiền này có thể là những cảnh ngộ không như ý, chẳng hạn, đó có thể là trường hợp chúng không có được cái chúng đòi hỏi, hay là đưa cho chúng cái mà chúng chẳng thích, hoặc chia tách chúng khỏi những người đặc biệt hoặc các con vật cưng.

Các em được dạy quán chiếu trên kinh nghiệm và phát biểu về nó, sau đó chúng thường bày tỏ một vài cảm giác khoan thai hay hiểu biết. Điều này đòi hỏi một tâm thái cởi mở và một sự lắng nghe không có định kiến và nó thường xuyên được học sinh, giáo viên và người tham dự trải nghiệm một cách tích cực và đầy ý nghĩa.

Các giáo viên chú trọng đến phương pháp sống tích cực hơn là một sự sửa lỗi chóng vánh. Để có hiệu quả, điều đó cần được hợp nhất vào trong sự giáo dục của trẻ em như một nét đặc thù, như một bài tập hàng ngày cần được thực hành xuyên suốt khoảng thời gian lâu dài cũng như ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Sau đây là một vài câu hỏi thường được đặt ra từ trang web của trường.

Phật giáo được dạy như thế nào ở trường?

Phật giáo không được dạy như một đức tin mà như một hệ thống các nguyên tắc và công cụ để sống một đời sống hữu ích và có ý nghĩa. Trẻ em học tập Phật giáo nhưng cũng học cả những đức tin khác và các quan điểm của thế giới. Những nguyên tắc then chốt của Phật giáo được dạy một cách thực tế giúp các em hiểu được thế giới xung quanh và hiểu được ý nghĩa của những xúc cảm và rung động trong tâm. Chúng học về quy luật nhân  -quả, nghiệp, hợp - ly, nhân duyên và vô thường. Năm học giới của Phật giáo tạo nên một chuẩn mực đạo đức giúp các em thấy được những việc làm tốt mang lại kết quả tốt như thế nào. Thiền và chánh niệm được dạy như một sự thực tập hàng ngày giúp phát triển nội quán, tập trung và chuyên tâm; những buổi thực hành ngắn gọn hết sức phù hợp với trẻ em và có một tác dụng mạnh mẽ và tích lũy. Sau một thời khóa thiền tập, các em được khuyến khích chia sẻ bất kỳ sự hiểu biết hay cảm xúc nào mà chúng đã trải nghiệm trong suốt bài thiền tập. Các học sinh nhắc lại những buổi tập chánh niệm thường lệ ngắn gọn này như một phần tích cực của quá trình phát triển bản thân. Để tiếp cận thiền về mặt thể chất, chúng tôi vỡ lòng cho các em cách thực tập yoga hoặc giáo dục thể chất để phát triển sự nhận thức về thân - tâm cũng như sự hòa hợp, cân bằng và sức khỏe tốt.

Lợi ích chính của một trường tiểu học mang nét đặc thù Phật giáo là gì?

Chúng tôi tin rằng cùng với sự phát triển lòng tự tin, tự trọng và những kỹ năng xã hội, thông qua sự quán chiếu hàng ngày các em có ý thức trách nhiệm cao hơn và hiểu biết nhiều hơn cho sự đóng góp của bản thân và vị trí của mình trong thế giới. Thông qua việc thực hành này trẻ em hiểu rõ cảm xúc và tình cảm của chúng hơn, và tự tin hơn để thể hiện bản thân một cách có hiệu quả. Những nguyên tắc then chốt như từ bi, chia sẻ, tập trung, kiên nhẫn được dạy như một ứng dụng thực tế của Phật giáo song song với một chương trình giáo dục học đường chất lượng tuân thủ theo tiêu chuẩn đào tạo quốc gia. Nghiên cứu cho thấy rằng tính cách chính và những phản ứng tâm lý của trẻ em được hình thành trong độ bảy tuổi, cách chúng học giao tiếp với những người khác trong thời gian tiểu học là cái biểu kế quan trọng cho tư cách đạo đức ở tuổi dậy thì và trưởng thành. Chúng tôi tin phương pháp của chúng tôi sẽ trang bị cho các em những kỹ năng sống quan trọng cũng như một nền giáo dục học đường đầy đủ - trí tuệ cũng như tri thức.

Con của tôi có thích nghi với hệ thống giáo dục chính lưu sau khi rời trường tiểu học Chánh Pháp hay không?

Về khía cạnh học tập và xã hội, các em hòa nhập vào trường trung học rất tốt. Chúng thường thích thú đối với việc chuyển tiếp lên những thử thách lớn hơn và sự phong phú của chương trình đào tạo ở trường trung học. Chúng tôi đã nhận được nhiều hồi đáp tích cực từ các giáo viên trung học, họ nhận thấy các học sinh từ trường Chánh pháp tự tin, diễn tả tốt và tập trung. Theo lời của một học sinh cũ, “sự khác biệt chính giữa em và các bạn ở trường trung học chính là em có cá tính hơn và vui vẻ hơn trong vai trò của mình.” Phần lớn lớp trẻ của chúng tôi tiếp tục chương trình trung học ở các trường công như Dorothy Stringer, Blatchington Mill và Varndean, tuy một số phải tiếp tục ở trường tư thục và đã đạt được học bổng vào trường đại học Brighton, trường nữ sinh Brighton và Hove, trường Lewes Old Grammar và Shoreham.

Các em có phải ăn chay không? Có phải việc ăn chay được nhà trường truyền bá như một nét đặc thù của Phật giáo?

Trường chúng tôi phục vụ bữa chay như một sự lựa chọn, tuy nhiên, chúng tôi không đòi hỏi trẻ em hoặc gia đình của chúng trở thành những người ăn chay. Chúng tôi dạy các em biết quý mến và tôn trọng tất cả mọi thứ - con người, động vật và trái đất, và dạy chúng biết quan tâm đến phúc lợi của mọi chúng sinh, nhưng vẫn thừa nhận quyền lựa chọn một chế độ ăn chay là thuộc về gia đình hoặc cá nhân các em.

Lễ là gì?

“Lễ” (Pūjā) là tên gọi chung cho nhiều nghi thức cầu nguyện và hiến cúng khác nhau được thực hiện trong tất cả các truyền thống Phật giáo. Từ này (Pūjā) vốn bắt nguồn từ tiếng Phạn cổ chỉ cho hoạt động ‘sử dụng hoa’. Lễ (Pūjā) có lẽ đã được hình thành từ phong tục dùng hoa để cúng dường trong văn hóa Ấn độ nói chung, Phật giáo nói riêng. Ở trường tiểu học Chánh pháp, mỗi lớp thực hiện một buổi lễ ngắn gọn hàng ngày, và vào những ngày Thứ Sáu cả trường tập hợp lại lúc 9 giờ sáng cho buổi lễ hàng tuần. Trong những khóa lễ hàng tuần, phụ huynh và khách cũng được mời tham dự. Những khóa lễ hàng tuần ở trường chúng tôi chính là những buổi họp trường dưới hình thức một buổi lễ Phật giáo và thường bao gồm một bài nói chuyện của thầy hiệu trưởng Peter Murdock về một đề tài nào đó liên quan đến chánh niệm, hay một thời thiền ngắn hoặc đôi khi tụng niệm. Đó cũng là một cơ hội cho học sinh trình bày một số tác phẩm của chúng - mỗi lớp đóng góp mỗi tuần, hoặc kể chuyện hoặc đọc thơ, hoặc trình bày tác phẩm nghệ thuật, hoặc múa hát. Khi học sinh nhập học hoặc ra trường, mỗi em sẽ được tặng một bông hoa trong một buổi lễ đặc biệt để nhắc đến nguồn gốc của nghi thức Phật giáo cổ xưa này.

Thanh Hòa dịch.

(Theo The Buddhist Channel, 2-12-2013)

READ MORE - TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẬT GIÁO Ở CHÂU ÂU - Thanh Hòa dịch

BUỔI SỚM ĐẦU XUÂN | MƯỜI YÊU | TÌNH EM - Chùm thơ Trần Đức Phổ




Chùm thơ Trần Đức Phổ

Buổi Sớm Đầu Xuân

Trước nhà cỏ đã lên xanh
Cây sồi đầu ngõ đâm nhành lá non
Mấy bông cúc dại con con
Khoe màu vàng rực lúc còn đẫm sương
Gió đưa thơm ngát làn hương
Vài con bướm lạ vấn vương khóm hồng
Chim chuyền ríu rít cành thông
Đón tia nắng sớm sắc hồng chưa phai
Bên song cửa sổ nhà ai
Có cô con gái ngắm hoài trời xanh!
Yêu sao buổi sáng yên lành
Cỏ cây hoa lá như dành riêng ta
Không quê hương, cũng là nhà
Nghe trong hơi thở đậm đà tình thương!


Mười Yêu

Một yêu ánh mắt mộng mơ
Hai yêu khóe miệng hững hờ làm cao
Ba yêu đôi má hồng đào
Bốn yêu mái tóc vương vào gió mây
Năm yêu cái lúm tròn xoay
Sáu yêu lời nói thơ ngây, chân thành
Bảy yêu tính nết hiền lành
Tám yêu dáng dấp đan thanh, nhu mì
Chín yêu chẳng thích thị phi
Mười yêu em nhất bởi vì… là EM!


Tình Em

Tình em lá gió đầu cành
Lẳng lơ một chút biếc xanh với đời

Tình em là giọt sương rơi
Thấm qua phiến đá nối lời rong rêu

Tình em là áng mây chiều
Phiêu du giữa cõi mộng nhiều xót xa

Tình em là bướm là hoa
Nồng nàn hương sắc, đậm đà ý thơ

Tình em biển đợi non chờ
Dẫu phai mái tóc còn tơ tưởng người

Tình em rơi nhẹ... trong tôi
Mà như rớt rụng trái đời chín thơm...!

Trần Đức Phổ

READ MORE - BUỔI SỚM ĐẦU XUÂN | MƯỜI YÊU | TÌNH EM - Chùm thơ Trần Đức Phổ