Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 6, 2017

LỜI TRI KỶ GỬI KHA TIỆM LY - Nguyễn Thị Vinh


Tác giả tự họa


LỜI TRI KỶ GIỬI KHA TIỆM LY

                                       
"Một khúc giang hồ họ Kha tiếc phí"                                     
"Ngâm vào bầu thỉnh thoảng uống chơi"
                                         
Ta muốn cùng Kha thành tri kỷ
                                       
Nhấp chén "Ngạo đời" hát điệu "Lý đơn côi"

                                         
Ta cũng như Kha, bình sinh chưa thoả chí
                                       
 "Bất phường thời", nên sông Vị buông câu
                                         
Vỗ bụng sách xưa, phơi dưới nắng sầu
                                         
Thấy mốc cả, nhìn Trời cười như mếu

                                         
Bả vinh hoa khiến lòng người hèn yếu
                                         
Trách làm chi lẽ ấy cũng thường tình
                                         
Xin Thi nhân hai chữ "lặng thinh"
                                         
Trong cõi "Tịnh" ắt thấy mình "Thánh thiện" 

                                         
Mặc kệ ngoài đời, ai mua ai bán ! 
                                         
Lẽ "Được thua" lớn lắm chẳng thể ngờ
                                         
Chỉ biết rằng Tạo Hoá vốn khắt khe
                                         
Sự "Thiện Ác" cân đong từng ly một 

                                         
Ta muốn cùng Kha bước lên phía trước
                                         
Trong giòng đời, hãy "Kiến ngãi ... Hữu vi ..."
                                         
Khúc "Lý ngạo ..." này, giửi tới KHA TIỆM LY
                                         
Xin một chén ... Để vừa say ... Vừa tỉnh ...! 

                                                       
Hà Nội, ngày 21/8/2016.

Nguyễn Thị Vinh
   

 *****

Kha Tiệm Ly gởi qua tin nhắn FB.
READ MORE - LỜI TRI KỶ GỬI KHA TIỆM LY - Nguyễn Thị Vinh

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 18) - Nguyễn Ngọc Kiên


             


                 NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ 
               TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 18)
                                       

(50) 碧海青天 [bích hải thanh thiên] (trời xanh biển  biếc)
Đây là một thành ngữ tiếng Hán. Nguyên hình dung Hằng Nga trong cung Quảng Hàn, đêm đêm nhìn biển biếc trời xanh bao la, trong lòng cô tịch thê lương; sau chỉ cô gái kiên trinh với tình yêu. Nó có xuất xứ từ bài thơ Hằng Nga của Lí Thương Ẩn đời Đường. Nguyên văn:
嫦娥 
雲母屏風燭影深, 
長河漸落曉星沉。 
嫦娥應悔偷靈藥, 
碧海青天夜夜心。

Phiên âm:
Thường Nga 
Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm, 
Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm. 
Thường Nga ưng hối thâu linh dược, 
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.

Dịch nghĩa:
 Thường Nga 
Bóng nến in đậm trên bình phong bằng đá vân mẫu 
Sông Ngân hà dần dần xuống thấp, sao sớm lặn chìm 
Thường Nga chắc hẳn hối hận đã ăn trộm thuốc thiêng 
Hằng đêm phơi bày tấm lòng giữa nơi trời xanh, biển biếc


Thường Nga tức Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ. Hậu Nghệ xin được thuốc tiên bất tử của Tây Vương Mẫu, Thường Nga lấy trộm thuốc của chồng, chạy lên cung trăng.

Dịch thơ: 
 Bản dịch của Trần Trọng San

Nến in bình đá đêm dài 
Sông trời dần thấp, sao mai lặn chìm 
Thường Nga hối trộm thuốc tiên 
Trời xanh biển biếc đêm đêm tỏ lòng

(51) 石破天驚 [Thạch phá thiên kinh] (Kinh động lòng người) Núi lở đá tan, ở thế kinh thiên động địa, nguyên chỉ nốt cao đột nhiên của tiếng đàn không hầu làm chấn động cả nhà trời, nay chỉ đại sự đột phát hay văn chương nghị luận làm kinh động lòng người. Nó có xuất xứ từ bài thơ Lí Bằng không hầu dẫn của Lí Hạ đời nhà Đường. Nguyên văn như sau:
李憑箜篌引 
吳絲蜀桐張高秋, 
空山凝云頹不流。 
江娥啼竹素女愁, 
李憑中國彈箜篌。 
昆山玉碎鳳凰叫, 
芙蓉泣露香蘭笑。 
十二門前融冷光, 
二十三絲動紫皇。 
女媧煉石補天處, 
石破天驚逗秋雨。 
夢入神山教神嫗, 
老魚跳波瘦蛟舞。 
吳質不眠倚桂樹, 
露腳斜飛濕寒兔。

Phiên âm: 
Lý Bằng không hầu dẫn 
Ngô ty Thục đồng trương cao thu, 
Không sơn ngưng vân đồi bất lưu. 
Giang Nga đề trúc, Tố Nữ sầu, 
Lý Bằng trung quốc đàn không hầu. 
Côn Sơn ngọc toái, phụng hoàng khiếu, 
Phù dung khấp lộ, hương lan tiếu. 
Thập nhị môn tiền dung lãnh quang, 
Nhị thập tam ty động Tử Hoàng. 
Nữ Oa luyện thạch bổ thiên xứ, 
Thạch phá thiên kinh đậu thu vũ. 
Mộng nhập thần sơn giáo Thần Ẩu, 
Lão ngư khiêu ba sấu giao vũ. 
Ngô Chất bất miên ỷ quế thụ, 
Lộ cước tà phi thấp hàn thố.

Lý Bằng: âm nhạc gia trứ danh đời Trung Đường, giỏi gảy đàn không hầu.

Bản dịch thơ của Huỳnh Ngọc Chiến
Gỗ đàn nước Thục dây Ngô 
Trời thu mây cũng lững lờ ngừng trôi 
Giang Nga khóc trúc ngậm ngùi 
Cung không hầu vọng bồi hồi thở than 
Nghe như tiếng hót phượng hoàng 
Côn Sơn ngọc vỡ trên ngàn xa khơi 
Phù dung khóc hạt sương rơi 
Còn nghe e ấp nụ cười hương lan 
Sáng nhoà gác cổng Trường An 
Tiếng tơ vang động Tử Hoàng trên cao 
Nữ Oa luyện đá nơi nào 
Trời tan đá vỡ lắng vào mưa thu 
Mộng non thần, tiếng nhạc ru 
Cá già lướt sóng lượn lờ giao long 
Tựa cây quế, thức mơ mòng 
Sương gieo gót lạnh ướt vầng trăng đêm.

Cận nghĩa với thành ngữ này có惊天动地 (kinh thiên động địa)、天翻地覆 (trời long đất lở) 
Trái nghĩa của thành ngữ này  là默默无闻 (yên lặng không  nghe thấy)

(52) 天经地义 [thiên kinh địa nghĩa]
Kinh: quy phạm, nghĩa: chính lí. Trời đất từ rất lâu có đạo lí bất biến. Chỉ đạo lí tuyệt đối chính xác, không thể thay đổi, cũng chỉ sự đương nhiên.
Xuất xứ: Tả truyện, Triệu Công năm thứ 25: “ Phu lễ, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hành dã. Thiên kinh địa nghĩa cố sự”.
Ví dụ: Học tốt tri thức văn hóa khoa học  là chuyện đương nhiên / thiên kinh địa nghĩa của mỗi học sinh.
 Cận nghĩa với thành ngữ này là千真万确 [thiên chân vạn xác] (chắc chắn là thật, đúng trăm phần trăm)


(53) 珠還合浦 [Châu hoàn Hợp Phố] (Châu về Hợp Phố)

Châu về Hợp phố 
Đây là một thành ngữ  gốc Hán:
“Hợp Phố châu hoàn”
Có nghĩa là:
Những cái quý giá không thể mất đi được, trước sau cũng quay về với chủ nó.
Do tích sau:
Thời Hậu hán, có tên thái thú bạo tàn, thường bắt dân đi lấy ngọc châu.
Vì thế, châu từ Hợp Phố sang hết quận Giao Chỉ (交阯)
Mãi sau, Mạnh Thường (孟嘗) về thay chức thái thú, bỏ hết lề luật cũ, ngọc châu lại quay về Hợp Phố (合浦).
Lại truyền rằng, do sự cai trị hà khắc, thuế tô quá nặng, người làm nghề trai ngọc Hợp Phố bỏ quê, phân tán nhiều nơi.
Mãi sau, chính sách cai trị có nới lỏng, quan lại thanh liêm hợn, ít sách nhiễu dân chúng, những người làm nghề lấy hạt châu lại trở về Hợp Phố.

Vài thông tin về Hợp Phố
Hợp Phố (合浦), trước đây gọi là Liêm Châu, là một huyện thuộc địa cấp thị Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Huyện này có diện tích 2.380 km², dân số năm 2003 đạt 930.914 người, huyện lỵ là trấn Liêm Châu (廉洲).
Khoảng 5.000 năm trước, trong thời kỳ đồ đá mới tại khu vực Hợp Phố ngày nay đã có những hoạt động của con người.
Tại di chỉ khảo cổ Tây Sa Pha người ta đã khai quật được các loại rìu đá, dao đá v.v, những công cụ nguyên thủy của con người.
Trước khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc, Hợp Phố là vùng đất của Bách Việt.
Năm thứ 33 thời Tần Thủy Hoàng (214 trước Công Nguyên – TCN), quân đội Tần thống nhất Lĩnh Nam, lập ra Nam Hải, Quế Lâm, và Tượng Quận.
 Hợp Phố thuộc về Tượng Quận.
Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 thời Hán Vũ Đế (111 TCN), quân đội Tây Hán xâm chiếm Nam Việt, lấy vùng giáp giới Nam Hải, Tượng Quận lập ra quận Hợp Phố, với thủ phủ quận đặt tại Từ Văn (nay thuộc huyện Hải Khang tỉnh Quảng Đông), đồng thời thiết lập huyện Hợp Phố.
Năm Hoàng Vũ thứ 7 (228) thời Tam Quốc, Đông Ngô đổi quận Hợp Phố thành quận Châu Quan, nhưng chẳng bao lâu sau lại đổi về tên cũ.
Năm Trinh Quan thứ 8 (634) thời Đường, Hợp Phố được gọi là Liêm Châu.
Năm Chí Nguyên thứ 17 (1280), nhà Nguyên đổi thành tổng quản phủ Liêm Châu.
Từ  năm Hồng Vũ thứ nhất (1368) thời Minh cho tới thời Thanh người ta lập phủ Liêm Châu, trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
Thời kỳ Trung Hoa dân quốc (1911-1949):
Huyện Hợp Phố trước sau thuộc về đạo Khâm Liêm, tỉnh Quảng Đông, là khu nam của công sở Tuy Tĩnh cùng công sở chuyên viên khu hành chính đốc sát số 8.
Thời kỳ Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa:
Tháng 12 năm 1949, huyện Hợp Phố thuộc quyền quản lý của chính quyền mới, trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
Ngày 10 tháng 5 năm 1951, các hương, trấn thuộc huyện Hợp Phố là 2 trấn Bắc Hải Đông, Bắc Hải Tây cùng 2 hương Cao Đức, Vi Châu tách ra để thành lập huyện cấp thị Bắc Hải trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
Năm 1952, Hợp Phố được bàn giao cho tỉnh Quảng Tây.
Năm 1955 lại bàn giao cho tỉnh Quảng Đông, tới năm 1965 lại trở về Quảng Tây, thuộc về chuyên khu Khâm Châu.
Tháng 7 năm 1987 huyện Hợp Phố trực thuộc Bắc Hải.
Tháng 3 năm 1988, Quốc viện CHND Trung Hoa phê chuẩn trở thành huyện mở vùng duyên hải.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, từ huyện Hợp Phố tách ra các trấn như Phúc Thành về quận Ngân Hải; hai trấn Nam Khang, Doanh Bàn về quận Thiết sơn Cảng.
Huyện Hợp Phố hiện tại chia ra thành:
13 trấn:
Liêm Châu, Đảng Giang, Sa Cương, Tây Trường, Ô Gia, Thạch Loan, Thạch Khang, Thường Lạc, Áp Khẩu, Công Quán, Bạch Sa, Sơn Khẩu, Sa Điền.
2 hương:
Khúc Chương, Tinh Đảo Hồ.

(còn nữa, kì sau đăng tiếp)
                                                          Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 18) - Nguyễn Ngọc Kiên

ĐỌC “RU CON” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN


     



RU CON

Con mỗi ngày mỗi lớn
Mình mỗi ngày mỗi già
Tóc thêm dày sợi bạc
Đêm trở mình nhiều hơn.

Lặng nhìn con nằm ngủ
Ngổn ngang mối tơ vò
Ầu ơ... thương cái ngủ
Giấu nỗi buồn trong thơ.

Giận “người lớn” dạy hư
Khiến con thơ phải khổ
Con níu vào giấc ngủ
Kiếm nụ cười trong mơ

Con như búp non tơ
Cần đời cha bóng cả
Cha đã qua mùa hạ
Chở che con mấy mùa?

Ầu ơ... Ơi cái ngủ
Ngủ ngoan nào con yêu...

Hà Nội, chiều 20 tháng 08 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN




  ĐỌC “RU CON” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thường thì người ta hay dùng lục bát để ầu ơ ru con, có mấy ai dám dùng thể thơ ngũ ngôn để ru con. Ấy thế mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã mang thể thơ ngũ ngôn âm dương cân đối, nhịp điệu hùng khí để ru con. Âu cũng là cái may, cái mạnh để nhà thơ diễn đạt cái tình của mình.
Bài thơ đi thẳng luôn vào vấn đề, không kể lể dài dòng, không trình bày nguyên nhân, đã dựng được một khung cảnh chân thật, cảm động:
Con mỗi ngày mỗi lớn
Mình mỗi ngày mỗi già
Tóc thêm dày sợi bạc
Đêm trở mình nhiều hơn.
Ngay ở khổ thơ đầu, đã khắc họa hình ảnh người cha với những đường nét đặc biệt: Đó là người cha độc thân, gánh cả thiên chức làm cha và làm mẹ. Đó là người cha cô đơn, đang cảm nhận sự già yếu của bản thân theo thời gian (tóc thêm dày sợi bạc) nên càng trăn trở, lo lắng cho tương lai của đứa con, khiến “Đêm trở mình nhiều hơn”.
Hình ảnh người cha “lặng nhìn con nằm ngủ” trong khung cảnh tĩnh lặng với trĩu nặng yêu thương ấy, tưởng yên bình mà lại hừng hực cái tâm biến động:
Lặng nhìn con nằm ngủ
Ngổn ngang mối tơ vò
Ầu ơ... thương cái ngủ
Giấu nỗi buồn trong thơ.
Hành động Giấu nỗi buồn trong thơ” không phải để trốn tránh hiện thực mà là giấu đi những nỗi buồn, để con thơ luôn được vui tươi trong sự chở che, bảo bọc của người cha.
Bài thơ đi tiếp với nhịp trầm trầm như tự sự:
Giận “người lớn” dạy hư
Khiến con thơ phải khổ
Con níu vào giấc ngủ
Kiếm nụ cười trong mơ
Không một lời kể lể, không một câu đấu tố “kẻ” được gọi là “người lớn” đã “dạy hư”, làm khổ đứa con bé bỏng của mình, nhưng đã hiện lên hoạt cảnh đầy kịch tính, xúc động: “Con níu vào giấc ngủ/ Kiếm nụ cười trong mơ”.
Đọc đến đây tôi đã khóc, khóc thật sự bởi hình ảnh “con níu vào giấc ngủ” chứ không phải níu con vào giấc ngủ - “Kiếm nụ cười trong mơ” chứ không phải nở nụ cười trong mơ. Động từ “níu” và “kiếm” sử dụng thật đắt và sống động, gây được xúc cảm: Một đứa trẻ ở lứa tuổi rất ngây thơ trong sáng đã sớm hiểu chuyện, ý thức được thiệt thòi của mình mà “níu vào giấc ngủ” để “kiếm nụ cười trong mơ”, để tự bù đắp những thua thiệt cho mình. Và người cha, cảm được những giọt lệ âm thầm của người con, hiểu được những khao khát, thua thiệt của người con, đã lặng nhìn con ngủ với những xót xa trĩu nặng. Dù không vạch tội cụ thể “người lớn” nào đã làm khổ con mình nhưng người đọc vẫn nhận diện ra kẻ đó là ai và cảm nhận được nỗi uất hận trào dâng trong lòng người cha đối với kẻ nhẫn tâm làm khổ con mình. Đây là khổ thơ mấu chốt. Cấu tứ đặc biệt này tạo dòng chảy sức sống của bài thơ.
Con như búp non tơ
Cần đời cha bóng cả
Cha đã qua mùa hạ
Chở che con mấy mùa?
Nhà thơ đã dùng thủ pháp so sánh đối tỉ để hiện lên khuôn mặt non tơ của con thơ bên gương mặt cương nghị và bóng dáng lồng lộng của người cha dẫu đã qua mùa hạ rực lửa vẫn vững vàng chở che cho đứa con bé bỏng của mình. Tôi hơi ngạc nhiên với dấu chấm hỏi “?” ở cuối khổ thơ này: “Chở che con mấy mùa?”. Phải chăng, vì sợ sức khỏe và tuổi già sẽ không thể che chở cho con đến khi con trưởng thành nên người cha mới nặng lòng đến thế? Theo tôi, giá cứ chấm than “!” có lẽ sẽ gợi cảm, tạo hồn thơ hơn.
Ầu ơ... Ơi cái ngủ
Ngủ ngoan nào con yêu...
Bài thơ dừng lại rất đúng lúc, đã khơi dòng mãn đạt tình cảm cha con, đã bừng sáng lên niềm tin vào tương lai tốt đẹp. Dù vậy, Ru Con vẫn chưa thật sự là bài thơ hay, mới chỉ đạt ở mức khá được.
Tiêu đề bài thơ tuy cũ, cấu tứ thơ lại hiền lành nhưng sự chân thực được cất lên từ tình yêu thương con vô bờ của người cha đã khiến bài thơ sống động, có sức truyền cảm, làm run rẩy, xúc động trái tim người đọc. Đấy chính là cái thành công, cái được của Ru Con!
*
Hà Nội, ngày 17.04.2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Đa Tốn, xã Khoan Tế
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26 

READ MORE - ĐỌC “RU CON” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

MÙA HÈ XA LẮC - Nguyễn An Bình


     


       MÙA HÈ XA LẮC


       Anh gởi chút nắng vàng. Về mùa hè xa lắc. Một mùa hè đánh mất. Nào có ai mong chờ. Bước người về ngẩn ngơ. Khi cuộc tình đã mất. Mặt hồ sương lạnh ngắt. Không nghe tiếng lá rơi. Tuổi xuân chỉ một thời. Em ơi anh không giận. Đời treo bao lận đận. Thèm giọng nói ngày xưa. 

       Anh gởi từng giọt mưa. Em gom thành biển nhớ. Ôi bàn tay bé nhỏ. Chỉ biết viết thư tình. Khi ở lại một mình. Em có buồn đứng khóc. Chẳng ai còn nước mắt. Bất chợt gặp lại nhau. Quạnh quẽ tiếng tim đau. Dù thì thầm rất khẻ. Bóng thời gian chia sẻ. Trái sầu quá mênh mông.
       Anh gởi cánh phượng hồng. Treo trên cành nỗi nhớ. Mấy mươi năm rồi đó. Từng chiếc lá mỏng manh. Bay theo gió không đành. Trời vẫn xanh lồng lộng. Nhưng không còn khoảng trống. Chứa tình anh và em. Buồn như tiếng chim đêm. Rơi trong ngày bão rớt. Bỗng nhớ nhau bất chợt. Mùa hè xa lắc lơ.

                                                                        Nguyễn An Bình

                                                                               5/5/2017

READ MORE - MÙA HÈ XA LẮC - Nguyễn An Bình