Ảnh : Lưu Quang Minh ( từ Flickr)
Trong những thứ không cầm nắm được của quê hương, có lẽ nắng là một cuộc chập chờn nào đó. Nắng có khi đáng yêu, có khi đáng ghét, nhưng người ta đi xa không ai quên được. Dường như những thứ không cầm nắm được thì luôn khắc sâu trong cõi nhớ của con người ta hơn cả, như tình yêu cũng vậy.
Tuỳ bút
Sang hạ, một ngày mới làng đều thức dậy trong màn sương bồng bềnh. Sương như ai đó đã khóc suốt đêm và tràn ra, kéo từ trong xóm ra đến ngoài cánh đồng. Hôm nào sương sớm càng dày đặc thì hôm đó nắng càng to. Nhưng sương hạ tan rất nhanh, chỉ những ai thức dậy thật sớm mới được tận hưởng được cuộc phối khí của đất trời. Tất cả chân cỏ đẫm sương bóng lên. Mỗi đầu cỏ ngậm một hạt nước ngọc vừa như muốn giữ, vừa như muốn lả lơi. Lát sau, mặt trời vén sương cười một cái và thả nắng lên phía làng. Ấy là lúc bắt đầu một ngày. Bắt đầu một huyền thoại... Chuyện kể rằng, cứ mỗi bình minh thì các nàng con gái thần mặt trời đều níu buồm vào bờ để tắm tiên. Trong một lần, người con gái út đã mê mẩn tiếng hát của một chàng trai hiền như đất, thế là nàng ở lại với nhân gian. Sau đó nàng thương nhớ cõi trời nên mỗi sớm ra ngóng về phía hừng đông và hoá thành bông hoa Hướng Dương. Chẳng biết có phải người quê là con của nàng út ấy không mà bất cứ ai sáng thức giấc cũng đều nhìn về phía đông.
Mặt trời rưới một vết dầu và châm lửa cho nắng bén lên chầm chậm. Tôi không sao quên được trò chơi đuổi nắng dễ thương của tuổi dại. Sớm mai, ra đứng đầu đường và đi dần về phía tây theo cái vệt nắng. Cứ thế cho đến khi mỏi chân thì dừng. Lúc ấy, nắng bất ngờ lướt nhanh rồi uốn vòng lên trời theo cách đánh nan quạt, xoè tung điệu đà. Con đường buổi sang hạ hoa dại ngây ngô cũng lanh lẹ hẳn, chỉ một chút nắng hôn vào là hoa bật cánh gửi sắc lên không. Những ngày ấy trẻ con chúng tôi đều rủ nhau đi học thật sớm, phần vì sợ lát nữa nắng lên chích rát, phần vì muốn giỡn cùng nắng. Thế nên đến lớp muộn là chuyện thường ngày ở... trường. Chúng tôi men theo những lối cỏ phủ tràn lên hai bên mép đường, có khi lột dép ra để chân trần giẫm lên cỏ cho mát. Buổi trưa đi học về thì nắng to và trong veo, mỗi đứa xé một mảnh lá chuối che đầu thay nón. Nắng rang mảnh chuối mỏng mảnh khiến phấn lá bong ra rắc vài hạt xuống. Suốt thời đi học, duy nhất một lần tôi được gặp tơ trời vào đúng cái hôm nắng "mất màu". Đoạn đi qua cồn Bạt, tự dưng đứng gió, nắng trắng bạch ra và tơ trời ở đâu không biết cứ bay lơ lửng trước mắt rất nhiều. Tơ trời ấy chính là một thứ hoa nắng dịu dàng của tôi; bởi vì nó không có cành mà "nở" ra ngay trong nắng.
Người Quảng Trị coi nắng như một thứ tín ngưỡng, nên chi mặt trời được gọi là "ôông". Chẳng hạn đến mùa hè nắng to quá thì bà con đều quở một câu: "Ôông mần chi mà nẻ óc rứa ôông?". Hoặc ai thức dậy muộn đều bị mắng: "Ôông lên trợt trôốc rồi răng không chịu dậy?". Tín ngưỡng nắng thể hiện rõ trong các lễ lược, tức là kỵ giỗ đều phải làm vào buổi trưa, lúc nắng to nhất. Riêng trong đám ma, nắng trưa tương ứng với thần trời và màn đêm tương ứng với thần đất, vì thế có hai lễ quan trọng bắt buộc phải có đó là: cúng ngọ vào đúng giữa trưa và cáo đạo lộ thì vào đêm trước khi di quan.
Đến mùa gặt, người quê rất chú trọng đến nắng. Nắng để ra đồng gặt, gặt về có nắng mới phơi phóng được. Muốn biết hôm sau nắng to hay nhỏ thì buổi tối coi sao trời, càng nhiều sao sáng thì nắng càng to. Có một cái hay là nếu trời dim thì gió dừng, trời nắng mới có gió, càng nắng to gió càng mạnh và mát. Cho nên độ này ai cũng muốn được ra đồng hơn là ở nhà. Lúa vụ đông xuân xuôi nhẹ theo chiều giót phớt, gặt rất đã! Bà con hay nói vui: "Chà, nắng mát ri thèm gặt quá hè!".
Yêu nhất là những buổi chiều, nắng vàng khờ khạo như một gã say luống cuống vấp phải mây, ngã một phát là có bóng râm, ngã phát nữa có ngay mưa, gọi là mưa bóng mây. Mưa bóng mây chỉ thoáng qua một chút rồi trời lại nắng, hườm hơn trước. Sau mưa thường có chuồn chuồn lướt cánh dạo nắng mơ màng theo kiểu Canon của Beethoven. Trời khi ấy phảng phất chút buồn, buồn như con chuồn chuồn. Tôi đến quỳ rạp xuống vạt cỏ, rình tay chộp một cánh chuồn đang say nắng. Lần ấy tôi tạ ơn nắng đã đem cánh chuồn đến với tuổi thơ tôi, hơn thế, cánh chuồn ấy còn mang một thông điệp dí dỏm: Buồn bắt chuồn chuồn mà chơi! Sau này có khi buồn, tôi lại lặng lẽ đi trong nắng và tìm cho mình một cánh chuồn u hoài đồng cảm như tìm lại một người tình muội sầu dĩ vãng.
Chiều nay đi giữa Minsk, tìm mãi vẫn không có một cánh chuồn nào. Hình như thứ tặng vật ấy nắng chỉ dành cho tuổi thơ, và nắng đã cất giữ cho tôi một cánh chuồn thương nhớ ở phía quê nhà mà thôi!
Hoàng Công Danh
Nguồn: hkzanh.vnweblogs.com
READ MORE - HOÀNG CÔNG DANH - NẮNG QUÊ
Trong những thứ không cầm nắm được của quê hương, có lẽ nắng là một cuộc chập chờn nào đó. Nắng có khi đáng yêu, có khi đáng ghét, nhưng người ta đi xa không ai quên được. Dường như những thứ không cầm nắm được thì luôn khắc sâu trong cõi nhớ của con người ta hơn cả, như tình yêu cũng vậy.
Tuỳ bút
Sang hạ, một ngày mới làng đều thức dậy trong màn sương bồng bềnh. Sương như ai đó đã khóc suốt đêm và tràn ra, kéo từ trong xóm ra đến ngoài cánh đồng. Hôm nào sương sớm càng dày đặc thì hôm đó nắng càng to. Nhưng sương hạ tan rất nhanh, chỉ những ai thức dậy thật sớm mới được tận hưởng được cuộc phối khí của đất trời. Tất cả chân cỏ đẫm sương bóng lên. Mỗi đầu cỏ ngậm một hạt nước ngọc vừa như muốn giữ, vừa như muốn lả lơi. Lát sau, mặt trời vén sương cười một cái và thả nắng lên phía làng. Ấy là lúc bắt đầu một ngày. Bắt đầu một huyền thoại... Chuyện kể rằng, cứ mỗi bình minh thì các nàng con gái thần mặt trời đều níu buồm vào bờ để tắm tiên. Trong một lần, người con gái út đã mê mẩn tiếng hát của một chàng trai hiền như đất, thế là nàng ở lại với nhân gian. Sau đó nàng thương nhớ cõi trời nên mỗi sớm ra ngóng về phía hừng đông và hoá thành bông hoa Hướng Dương. Chẳng biết có phải người quê là con của nàng út ấy không mà bất cứ ai sáng thức giấc cũng đều nhìn về phía đông.
Mặt trời rưới một vết dầu và châm lửa cho nắng bén lên chầm chậm. Tôi không sao quên được trò chơi đuổi nắng dễ thương của tuổi dại. Sớm mai, ra đứng đầu đường và đi dần về phía tây theo cái vệt nắng. Cứ thế cho đến khi mỏi chân thì dừng. Lúc ấy, nắng bất ngờ lướt nhanh rồi uốn vòng lên trời theo cách đánh nan quạt, xoè tung điệu đà. Con đường buổi sang hạ hoa dại ngây ngô cũng lanh lẹ hẳn, chỉ một chút nắng hôn vào là hoa bật cánh gửi sắc lên không. Những ngày ấy trẻ con chúng tôi đều rủ nhau đi học thật sớm, phần vì sợ lát nữa nắng lên chích rát, phần vì muốn giỡn cùng nắng. Thế nên đến lớp muộn là chuyện thường ngày ở... trường. Chúng tôi men theo những lối cỏ phủ tràn lên hai bên mép đường, có khi lột dép ra để chân trần giẫm lên cỏ cho mát. Buổi trưa đi học về thì nắng to và trong veo, mỗi đứa xé một mảnh lá chuối che đầu thay nón. Nắng rang mảnh chuối mỏng mảnh khiến phấn lá bong ra rắc vài hạt xuống. Suốt thời đi học, duy nhất một lần tôi được gặp tơ trời vào đúng cái hôm nắng "mất màu". Đoạn đi qua cồn Bạt, tự dưng đứng gió, nắng trắng bạch ra và tơ trời ở đâu không biết cứ bay lơ lửng trước mắt rất nhiều. Tơ trời ấy chính là một thứ hoa nắng dịu dàng của tôi; bởi vì nó không có cành mà "nở" ra ngay trong nắng.
Người Quảng Trị coi nắng như một thứ tín ngưỡng, nên chi mặt trời được gọi là "ôông". Chẳng hạn đến mùa hè nắng to quá thì bà con đều quở một câu: "Ôông mần chi mà nẻ óc rứa ôông?". Hoặc ai thức dậy muộn đều bị mắng: "Ôông lên trợt trôốc rồi răng không chịu dậy?". Tín ngưỡng nắng thể hiện rõ trong các lễ lược, tức là kỵ giỗ đều phải làm vào buổi trưa, lúc nắng to nhất. Riêng trong đám ma, nắng trưa tương ứng với thần trời và màn đêm tương ứng với thần đất, vì thế có hai lễ quan trọng bắt buộc phải có đó là: cúng ngọ vào đúng giữa trưa và cáo đạo lộ thì vào đêm trước khi di quan.
Đến mùa gặt, người quê rất chú trọng đến nắng. Nắng để ra đồng gặt, gặt về có nắng mới phơi phóng được. Muốn biết hôm sau nắng to hay nhỏ thì buổi tối coi sao trời, càng nhiều sao sáng thì nắng càng to. Có một cái hay là nếu trời dim thì gió dừng, trời nắng mới có gió, càng nắng to gió càng mạnh và mát. Cho nên độ này ai cũng muốn được ra đồng hơn là ở nhà. Lúa vụ đông xuân xuôi nhẹ theo chiều giót phớt, gặt rất đã! Bà con hay nói vui: "Chà, nắng mát ri thèm gặt quá hè!".
Yêu nhất là những buổi chiều, nắng vàng khờ khạo như một gã say luống cuống vấp phải mây, ngã một phát là có bóng râm, ngã phát nữa có ngay mưa, gọi là mưa bóng mây. Mưa bóng mây chỉ thoáng qua một chút rồi trời lại nắng, hườm hơn trước. Sau mưa thường có chuồn chuồn lướt cánh dạo nắng mơ màng theo kiểu Canon của Beethoven. Trời khi ấy phảng phất chút buồn, buồn như con chuồn chuồn. Tôi đến quỳ rạp xuống vạt cỏ, rình tay chộp một cánh chuồn đang say nắng. Lần ấy tôi tạ ơn nắng đã đem cánh chuồn đến với tuổi thơ tôi, hơn thế, cánh chuồn ấy còn mang một thông điệp dí dỏm: Buồn bắt chuồn chuồn mà chơi! Sau này có khi buồn, tôi lại lặng lẽ đi trong nắng và tìm cho mình một cánh chuồn u hoài đồng cảm như tìm lại một người tình muội sầu dĩ vãng.
Chiều nay đi giữa Minsk, tìm mãi vẫn không có một cánh chuồn nào. Hình như thứ tặng vật ấy nắng chỉ dành cho tuổi thơ, và nắng đã cất giữ cho tôi một cánh chuồn thương nhớ ở phía quê nhà mà thôi!
Hoàng Công Danh
Nguồn: hkzanh.vnweblogs.com