Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 23, 2015

PHÁC THẢO VỀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH - Đặng Xuân Xuyến



Cặp đôi thầy giáo Ernst Ostertag (phải) và nam ca sĩ chuyển giới Röbi Rapp.
trong phim The Circle.
của điện ảnh Thụy Điển do đạo diễn Stefan Haupt dàn dựng.
Ảnh từ trang 24h.com.vn.



Đặng Xuân Xuyến
PHÁC THẢO VỀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH
(trích trong ĐIỂM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG MẠNH MẼ cùng tác giả)

Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, những bé trai đã được bố mẹ và gia đình rèn dũa, dạy bảo theo khuôn mẫu văn hóa truyền thống: Cương cường, dũng mãnh, lạnh lùng và quyết đoán. Có nghĩa, là người đàn ông thì không được “bám váy” mẹ, không được “yếu đuối”, không được khuất phục trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. Văn hóa truyền thống không chấp nhận quan điểm của các nhà tâm lý học hiện đại, như Elisabeth Badinter chẳng hạn, thừa nhận: “Giới tính nữ là giới tính cơ bản. Người nam được hình thành bằng sự đấu tranh với tính nữ nguyên thủy ngay từ khi còn trong bào thai. Vì giới tính nữ là giới tính cơ bản nên trong người đàn ông vừa có tính nam vừa  có tính nữ. Muốn phát triển thành người đàn ông là một cuộc đấu tranh không ngừng ở mọi lúc.”. Trong những tác phẩm của mình, (đúng hơn là những công trình nghiên cứu khoa học) bà đã đưa ra những phác thảo về khuôn mẫu người đàn ông trong thế kỷ XXI đối lập khá nhiều với những gì mà văn hóa truyền thống đã khắc họa.

Trong lời giới thiệu tác phẩm NHÂN DẠNG NAM của Giáo sư Elisabeth Badiner, dịch giả Nguyễn Xuân Khánh viết: “Xã hội hiện đại dựa trên cơ sở bình đẳng nam và nữ, nó nhất thiết dẫn tới chỗ tạo ra sự giống nhau giữa hai giới. Mục đích công bằng chính trị ấy phát sinh từ quyền con người. Chính từ sự bình đẳng ấy, trên thực tiễn ta nhận thấy bản chất con người gồm cả tính nam và tính nữ. Người đàn bà đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực trước kia chỉ dành cho người nam; họ trở nên lưỡng tính và giống người nam. Đảo lại người nam cũng lưỡng tính như vậy.”. Có lẽ vì thế mà không ít quý ông rất sợ phải sống với chính con người giới tính thật của mình. Họ sợ  những phút giây mềm yếu trong con người: Sợ tính nữ nguyên thủy biến họ thành người yếu đuối, đồng tính, nhu nhược, hèn kém trong bất kỳ thời điểm nào. Mà điều đó, gia đình, xã hội và chính bản thân người đàn ông, bằng lý trí không cho phép được xảy ra.

Nghiên cứu về người đồng tính, các nhà tâm lý kết luận: Đời sống tình cảm của người đồng tính nam thường chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người mẹ và mang nhiều tính nữ. Còn người đồng tính nữ thường chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người bố và mang nhiều tính nam. Đây chính là điểm cơ bản đầu tiên của người (đàn ông) đồng tính.

Chúng ta đều biết, sự hình thành và phát triển tính nam của người đàn ông không chỉ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa truyền thống với những chuẩn tắc khắc nghiệt mà còn chịu sự chi phối sâu sắc của huyền thoại tình mẫu tử. Sự đối đầu giữa khuôn mẫu người đàn ông truyền thống với huyền thoại tình mẫu tử, trong nhiều trường hợp đã làm méo mó, biến dạng tâm sinh lý và giới tính của người đàn ông khi trưởng thành. Thuyết bản năng mẫu tử, hay còn gọi huyền thoại tình mẫu tử, đã “hợp thức hóa việc loại trừ người cha”, “tăng cường sự cộng sinh giữa mẹ và con trai”, làm cho tính nữ nguyên sơ trong bé trai bị kéo dài, dẫn tới sự phát triển lệch  lạc về tâm sinh lý và giới tính, cản trở và triệt tiêu tính nam của người đàn ông đang hình thành trong đứa trẻ. Chính vì vậy mà người Anh, một thời gian khá dài đã phản đối gay gắt sự “độc nhất” của người mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé trai. Elisabeth Badinter, giảng viên triết học trường Polytenchnique (Pháp) nhấn mạnh: Lý thuyết bản năng mẫu tử đã gây tha hóa và tội lỗi đối với phụ nữ và tỏ ra tàn hại đối với trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ em trai. Qua nghiên cứu nhiều công trình khoa học và các tác phẩm văn học (trên 3.000 tác phẩm văn học và thân thế các danh nhân nổi tiếng), bà đưa ra kết luận: Trong số những người đàn ông đồng tính, rất nhiều  người sống gần gũi với mẹ và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người mẹ. Bà khuyến cáo: Hãy để bé trai thường xuyên gần gũi và chịu ảnh hưởng từ người bố, sẽ giúp bé trai thuận lợi cho việc phát triển tâm sinh lý người đàn ông của đứa trẻ.

Trong các công trình nghiên cứu về tính nam của người đàn ông, Giáo sư Elisabeth Badinter đều cảnh báo sự thái quá trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé trai của các bà mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển tính cách người đàn ông của bé trai sau này. Tất nhiên, sự “độc chiếm yêu thương” bé trai của các bà mẹ - như chúng tôi đã trình bày trong mục NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRẺ CON - không thể hoán đổi bé trai từ người dị tính sang là người đồng tính mà chỉ là một trong những căn nguyên “mở đường” cho sự phát triển từ khuynh hướng tình dục đồng tính sang hành động đồng tính ở các bé trai. Đây là điều mà các bà mẹ cần lưu tâm khi chăm sóc và nuôi dưỡng bé trai  yêu quý của mình.

Kensey, bác sỹ người Mỹ, qua những cuộc điều tra xã hội học cho rằng: Cứ 3 người đàn ông Mỹ thì ít nhất 1 người đã từng có “trải nghiệm” quan hệ luyến ái đồng giới. Còn người Anh thì “rất nhiều” người là dân đồng tính.

Luận điểm của Kensey khá gần với kết luận của Giáo sư Elisabeth Badinter về lý do tại sao người Anh lên án thuyết bản năng mẫu tử, nhưng tỷ lệ người đồng tính và quan điểm khuyến khích “phát triển đồng tính” mà bác sỹ Kensey đưa ra thì không thể chấp nhận. Tuy nhiên, kết quả Kensey đưa ra đáng để chúng ta suy ngẫm về hiện tượng những chú “gà cồ” không thể cất tiếng gáy đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.

Theo thống kê của các nhà khoa học thì trên thế giới thì tỷ lệ người đồng tính chiếm khoảng 3 - 5 % dân số nhưng số liệu đó chưa hẳn đã chính xác. Kết quả phát hiện điều tra uy quyền của Mỹ lại cho con số hoàn toàn khác về đồng tính (gay) nam: 35% thuần khiết yêu người khác giới, 55% đã trải nghiệm đồng tính luyến ái, số còn lại hoặc là đồng tính luyến ái hoàn toàn hoặc là lưỡng tính luyến ái. (Tâm sinh lý nam nữ; trang 296; Ma Xlao Lian; Nhà xuất bản Hà Nội; 2004; Thùy Liên dịch). Còn giới nữ thì sao? Kết quả điều tra của Kinxi và Hăngri cho biết: “- Có khoảng 12% phụ nữ thực sự đồng tính luyến ái hoặc tỏ rõ mong muốn được đồng tính luyến ái.” (Tâm sinh nữ phụ  nữ; trang 488; Vương Quốc Vượng; Nhà xuất bản Hải Phòng; 2003; Hà Kim Sinh dịch.).

Gần đây, các nhà khoa học về tâm lý và tình dục trên thế giới đã công bố kết quả điều tra (độ tuổi từ 15 tuổi trở lên) ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) thì người đồng tính nam ở đây có tỷ lệ cao nhất thế giới, khoảng 20% dân số (nam giới) của thành phố. (Theo báo Thanh Niên số 100 (3761), ra ngày 10/04/2006 và báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 1422, ra ngày 11/04/2006). Như vậy, tỷ lệ người đồng tính (nam) đang gia tăng ở mức báo động.

Các nhà tâm lý tình dục học nhấn mạnh: Điểm chung của người đồng tính là sự “mặc cảm tội lỗi”, tâm lý hoảng loạn, dễ bị tổn thương. Do “không giống ai” trong việc lựa chọn “đối tượng tình dục” và tình yêu của họ không được xã hội chấp nhận nên người đồng tính luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ sệt. Với người dị tính (tình yêu thuần khiết với người khác giới), sự thể hiện tình cảm của mình với “đối tượng” thường công khai, được xã hội chấp nhận (trong một chừng mực, hoàn cảnh nhất định), còn người đồng tính thì ngược lại: Âm thầm, lén lút vì sự kỳ thị của xã hội. Đây chính là lý do làm người đồng tính dễ bị tổn thương,
 luôn sống trong tâm trạng hoảng loạn và “mặc cảm tội lỗi”.

Một điểm chung nữa thường thấy ở người đồng tính là: Không ai dám “tự thú” mình là người đồng tính, trừ phi họ là người đồng tính ở cấp độ “nặng” không thể giấu được, hoặc họ dũng cảm công bố khuynh hướng tình dục của mình để được sống thanh thản, thoải mái hơn. Ngay cả những người đồng tính với nhau, nhất là những người thuộc diện đồng tính kín, còn gọi là đồng tính “ẩn”, dù “đọc” ra “chất” của nhau cũng khó khăn trong việc họ thừa nhận mình là người đồng tính.

 Văn hóa truyền thống, nhất là nền văn hóa Á Đông đã gây áp lực rất lớn, buộc người đồng tính ở mọi cấp độ phải giấu đi giới tính thực của mình, để đáp
 ứng những “chuẩn mực” của xã hội: Xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái...
Văn hóa truyền thống, cộng với sức ép của cuộc sống cũng gây áp lực rất lớn tới những người thân của người đồng tính. Khi được hỏi về giới tính của bố, mẹ, con, em, chồng, vợ, bạn hữu... dù biết rõ người thân của mình thuộc diện “lửng lơ 8 vía” thì họ vẫn dứt khoát phủ nhận, cố chứng minh cho bằng được sự rõ ràng về giới tính của người thân, để “bảo vệ danh dự” cho người thân của mình.

Trong cuộc sống, có những người bỗng dưng thay đổi đối tượng tình dục, từ dị tính sang đồng tính với lời bao biện do tiếp xúc nhiều với người đồng tính vì công việc, vì stress hoặc vì bất hạnh trong cuộc sống vợ chồng nên đã “vô tình chuyển hệ”... Họ đưa ra những lý lẽ, rằng đã từng yêu rất nhiều người khác giới, rằng đã xây dựng gia đình từ khi còn rất trẻ, thậm chí đã hai, ba lần xây dựng gia đình và “chuyện ấy” luôn được bạn đời “tấm tắc” không chê vào đâu được... Tóm lại họ không thừa nhận mình là người đồng tính mà đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ không biết hoặc có thể họ biết nhưng cố tình phủ nhận những “xung năng tình dục đồng  giới” tồn tại trong cơ thể họ đang ở dạng tiềm ẩn nên việc thừa nhận sự mập mờ về giới tính của họ (bấy lâu) là điều không tưởng. Thực chất, nếu là người có giới tính rõ ràng thì họ không thể “bị” người khác lôi kéo vào các mối tình đồng giới, trừ phi vì mục đích kinh tế, vụ lợi.

Cũng có người “bị” đồng tính nhưng không biết mình là đồng tính, bởi họ vừa lớn lên là xây dựng gia đình, rồi sinh con đẻ cái, có cuộc sống “bình thường” như bao gia đình dị tính, có khác chăng là trong con người họ luôn có cảm giác bị bức bối, hụt hẫng và thiếu thiếu... một “thứ gì đó” rất quan trọng nhưng cũng rất mơ hồ về lĩnh vực tình cảm, nên cuộc sống gia đình của họ không được suôn sẻ. Giáo sư Elisabeth Badinter giải thích: “Thông thường những người đàn ông này cưới vợ hoàn toàn thực tâm, không biết những xung năng đồng tính luyến ái của mình. Cưới vợ và có con dưới mắt họ là một giấy chứng nhận về sự bình thường. Phần lớn họ chỉ  nhận ra sự đồng tính luyến ái của mình khi đã cưới vợ và làm bố. Sự có ý thức đến dần dần, đau đớn và tạo mặc cảm tội lỗi một cách khủng khiếp (Nhân dạng nam, trang 352).

Báo cáo điều tra của ông Frader Green cho chúng ta biết rõ hơn về nưgời đồng tính: “Trong số người đồng tính, có 20% thuộc dạng tinh thần, chưa từng có quan hệ tình dục (có nghĩa chỉ “yêu thích” người cùng giới trong suy nghĩ, tình cảm), có 35% thỉnh thoảng có quan hệ tình dục đồng giới và 15% thường xuyên có quan hệ tình dục đồng giới (...) Những khúc mắc tâm lý giới tính của những “người vợ”là đàn ông và những “người chồng” là đàn bà càng nghiêm trọng hơn. Họ thường rơi vào  thế làm chủ trong dạng đồng tính luyến ái.” (Tâm sinh lý nam nữ, Ma Xlao Lian; trang 200). Với nhóm người này, khi gặp “đối tượng đặc biệt” trong hoàn cảnh cũng “đặc biệt” sẽ lao vào cuộc tình đồng giới rất mãnh liệt. Ngôn ngữ dân gian gọi họ là kẻ “đa hệ”, còn thuật ngữ của các nhà tâm sinh lý tình dục học gọi họ là người “lưỡng tính luyến ái”, có nghĩa họ là người có nhu cầu quan hệ sinh lý với cả 2 giới.

Điểm chung nữa thường thấy ở người đồng tính là sợ sự đồng tính. Không ít người cho rằng sở dĩ bị đồng tính là do những người đồng tính thích như vậy. Thực ra, người đồng tính không thích như vậy và họ không có quyền lựa chọn khuynh hướng tính dục. Với người dị tính, chuyện đồng tính chỉ thực sự “ghê sợ” khi có sự “tiếp xúc thân mật” hoặc “thể hiện tình cảm” từ đối tượng cùng giới nhưng với người đồng tính, sự “ghê tởm” đó luôn thường trực trong suy nghĩ, hành động.

Mặc dù ghê sợ sự đồng tính nhưng người đồng tính không thể “triệt tiêu” được ham muốn quan hệ sinh lý với người đồng giới. Họ lập hàng rào ngăn cản “tình yêu đồng giới” nảy nở nhưng chính họ lại tự động phá bỏ vì ý chí không thắng được tình cảm. Bằng lý trí, họ lẩn tránh những gì liên quan tới chuyện đồng tính, thậm chí trốn chạy người họ say đắm nhưng những xung năng tình dục đồng tính thúc giục, đến chừng mực nào đó khiến họ bị khuất phục, gục ngã thật thảm hại. Đó chính là mâu thuẫn, là nỗi đau không thể vượt qua của người đồng tính. Và đây cũng là điểm chung nữa của người đồng tính.

Trong cuộc sống, có người biết rõ mình có khuynh hướng tình dục đồng tính, hoặc mơ hồ thấy những “bất ổn” về nhu cầu tình cảm và sinh lý đang tồn tại trong con người, nên “cố gắng” hoàn thiện tố chất đàn ông của mình theo chuẩn mực của văn hóa truyền thống nhưng lại quay sang miệt thị, tấn công những người đồng tính khác. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, khi có cơ hội, họ sẽ lôi người đồng tính hoặc chuyện của người đồng tính ra để gây cười, để khẳng định mình “rõ ràng” về giới tính. Tại sao họ làm vậy? Giáo sư Elisabeth Badinter giải thích: “Thực ra, sự sợ đồng tính liên quan tới nỗi sợ thầm kín của những ham muốn đồng tính luyến ái của  chính riêng bản thân họ (...). Nỗi sợ đồng tính luyến ái vạch trần ra điều mà nó tìm cách che đậy.”. (Nhân dạng nam, trang 240). Giáo sư Elisabeth Badinter cũng khẳng định: Những người đàn ông thực thụ thường không có thái độ ác cảm khi giao tiếp với người đồng tính vì họ tự tin vào tố chất đàn ông của họ, không sợ tính nam của mình bị đe dọa. (Bà cũng không quên chua rằng, người có tư tưởng “bài người đồng tính” mạnh mẽ thường là người thuộc dạng “dân trí thấp”, chỉ số thông minh không cao.). Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, “bản năng tự vệ” trong con người họ - người đàn ông dị tính - vẫn có những biểu hiện để tạo ra “khoảng cách” nhất định khi
 tiếp xúc với người đồng tính.

Nguyên nhân dẫn đến đồng tính từng được các nhà khoa học cho rằng do gen, hooc môn hoặc nhiễm sắc thể trong cơ thể bị xáo trộn, biến đổi. Nhưng qua các thực nghiệm khoa học, các cuộc điều tra và thăm dò dư luận thì lời khẳng định đó bị sụp đổ.

Khi giải phẫu kiểm tra gen của người đồng tính, người ta thấy nhiễm sắc thể không thay đổi mà chỉ có sự biến đổi rất nhỏ về gen. Còn hooc môn chỉ có sự thay đổi về ngưỡng cảm thụ nội tiết tố tình dục vào tuổi dậy thì. Đấy chưa phải là căn nguyên cho hành động đồng tính phát triển.

Đi xa hơn, các nhà tâm sinh lý tình dục đã tiến hành các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học về đồng tính luyến ái. Người ta thấy có những gia đình, qua mấy thế hệ không có ai là người đồng tính nhưng bỗng dưng xuất hiện một chú “gà cồ” lạ hoắc không chịu cất tiếng gáy. Người ta cũng thấy có gia đình hoặc vợ hoặc chồng là người đồng tính nhưng con cái của họ sinh ra giới tính lại rất rõ ràng.

Qua các cuộc thử nghiệm tự nguyện, người ta tiêm hooc môn nam cho người đồng tính nam, hooc môn nữ cho người đồng tính nữ thì kết quả trái với mong muốn: Họ (người đồng tính) không thay đổi khuynh hướng tính dục, trái lại càng kích thích sự “thèm khát gần gũi” với người đồng giới nhiều hơn, mạnh hơn. (theo Elisabeth Badinter).  Điều đó khẳng định gen, hooc môn không phải là nguyên nhân gây ra đồng tính luyến ái ở con người. Điều đó cũng khẳng định: Đồng tính luyến ái không mang tính di truyền.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới chuyện người đàn ông yêu người đàn ông, người đàn bà yêu người đàn bà? Câu trả lời vẫn lửng lơ, bỏ ngỏ vì cho đến tận giờ này các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời thống nhất. Chúng ta tạm bằng lòng với cách giải thích của bác sỹ Kensey, người Mỹ, mặc dù cách giải thích của ông vẫn còn khá chung chung: Có sự biến đổi nhỏ nào đó ở bán cầu đại não đã ảnh hưởng tới thiên hướng tình dục. Ông cho rằng, đa số nhân loại có khuynh hướng tình dục đồng tính nhưng để thành người có hành động đồng tính, tức người đồng tính, phụ thuộc vào hai yếu tố: Khuynh hướng tình dục đồng tính nặng hay nhẹ và tác động của môi  trường gia đình, xã hội tới cá thể đó như thế nào. Quan điểm của ông khá gần với quan điểm của  Peopper Schwartz và Dominic Cappello trong tác phẩm MƯỜI CUỘC NÓI CHUYỆN (Nguyễn Thị Hương Giang dịch - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2006): “Trên thực tế, có một số lượng lớn đàn ông và đàn bà phát hiện ra rằng mình bị những người đồng giới thu hút, họ có thể là bạn bè hoặc là những người quen chứ không phải là người khác giới. Họ chẳng bao giờ hé miệng cho bạn bè hay ngay cả cho bản thân họ biết đâu.” (trang 235). Như vậy, khuynh hướng đồng tính mặc dù ở con số khá cao nhưng may thay, nhờ có văn hóa truyền thống, với những chuẩn tắc khắt khe về giới tính và đạo  đức mà hành động đồng tính không trở nên phổ biến.

Đồng tính luyến ái tồn tại từ xa xưa và có ở mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng người ta thường thấy tỷ lệ người đồng tính cao ở giới nghệ sỹ, kinh doanh, chính trị... Thực ra, tỷ lệ người đồng tính ở các giới như nhau, nhưng nhóm người trên do họ là những người hoặc thành đạt, hoặc là người của công chúng nên đời tư của họ dễ bị để ý, “khai thác”, chính vì thế mà mọi người mới ngộ nhận về nhóm người này có tỷ lệ đồng tính cao hơn các nhóm khác.

Câu chuyện về nam ca sỹ Quang Dũng chúng tôi trích dẫn dưới đây không ám chỉ anh là người đồng tính mà chỉ lưu ý điều: Người thành đạt, nhất là khi lại là người của công chúng, thường “được” dư luận “quan tâm thái quá” đến cuộc sống riêng tư, mà sự “quan tâm” ấy, đôi khi vô tình đã hủy hoại tương lai của một con người:

Ca sỹ Quang Dũng nổi tiếng nhờ hát nhạc Trịnh đã làm dư luận “rối tung rối mù” về lối sống “lạ hoắc” của mình. Người ta không chỉ “chửi” anh là “chảnh bà cố nội”, là “bon chen”, là “tàn nhẫn” mà còn xì xèo, bàn tán về khuynh hướng tình dục của anh rất “lập dị”, “khác người”.... Không ít chuyện “đồn thổi” ác ý làm Quang Dũng mất niềm tin vào cuộc sống và luôn trong tâm trạng chán nản. Khi được hỏi: “- Gần đây có lời đồn anh liên quan đến một vụ scandal về giới tính với một cậu bé ở Hải Phòng không phải là chuyện tiếu lâm chứ? Tất nhiên anh có thể không nhận!”. Quang Dũng thốt lên cay đắng: “- Sao cuộc sống lại nặng nề đến vậy? Có  lúc tôi không biết giải quyết mọi việc thế nào, tôi đều tự hỏi mình đó có phải là sự trả giá khi tôi theo nghiệp ca hát hay không nữa? Trong thời gian đấy, bạn bè thân họ cũng hiểu sai về tôi, đồng nghiệp thì nhìn tôi với ánh mắt ngồ ngộ, tôi chẳng biết phải giải thích với họ thế nào, đành im lặng! (Nghĩa Lương - Người đẹp Việt Nam số 158 ngày 15/10/2005). Là người của công chúng nên “lời đồn” ác ý ấy dù đúng hay sai cũng làm cho hình ảnh của Quang Dũng bị hoen mờ.

Trong tác phẩm MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ, nhà văn Bùi Anh Tấn miêu tả khá thành công tâm lý nhân vật Nguyễn Thành Trung khi phát hiện mình là người đồng tính. Là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, tài giỏi, được nhiều người yêu mến, lại sinh trưởng trong một gia đình gia giáo nên anh rất ghê tởm những “gã pê đê bệnh hoạn”, luôn tìm cơ hội để mạt sát, thẳng tay đánh đập những “gã pê đê bệnh hoạn” không thương tiếc. Tại sao Nguyễn Thành Trung làm vậy khi trong anh có “thứ tình cảm khác lạ” đó từ thủa học trò? Nguyễn Thành Trung làm vậy để trốn chạy con người thực của mình, để khẳng định mình là thằng đàn ông đích thực. Nguyễn Thành Trung sẽ làm được điều đó  nếu không có buổi tối định mệnh ở quán cafe của những “gã pê đê bệnh hoạn”: Khuôn mặt đẹp trai, ga lăng nhưng đậm đặc chất đàn ông và giọng nói du dương, trầm bổng của Hoàng “hoàng tử” đã làm anh chao đảo... Sau những dằn vặt, những “đấu tranh tư tưởng”, anh đã tự tìm đến với Hoàng “hoàng tử” và lao vào cuộc tình đồng giới với tất cả sự khao khát bị dồn nén lâu ngày. Những giằng xé, những đấu tranh tư tưởng của Nguyễn Thành Trung được Bùi Anh Tấn mổ xẻ, phân tích và dẫn giải khá sâu sắc, và có lẽ với những kiến giải của mình, nhà văn (đồng tính) Bùi Anh Tấn đã giúp đọc giả nhìn nhận vấn đề đồng tính luyến ái bằng ánh nhìn nhân văn  và con người hơn.

Công bằng mà nói, người đồng tính là những người chịu nhiều thua thiệt, đau khổ trong cuộc sống. Trong con mắt mọi người, dù người đồng tính có tài giỏi, tử tế đến đâu, có ích cho gia đình và xã hội thế nào thì họ vẫn cứ là “kẻ biến thái”, “lập dị”, bị tránh xa vì “kinh tởm”. Một ông tổng thống, một nhà bác học hoặc một nhà thơ, một nhạc sỹ thiên tài... nếu đã “bị” là người đồng tính thì dù có vắt kiệt tài năng, trí tuệ để cống hiến cho nhân loại vẫn cứ phải đương đầu với sự ghẻ lạnh, “khinh rẻ” của người đời. Một kẻ giết người, một tên ăn trộm, một gã lừa đảo... nhiều khi lại được “xã hội” “tôn trọng” hơn nhiều  những người đồng tính. Đấy chính là sự nghịch lý, là bất công của xã hội dành cho người đồng tính mà người đồng tính khó đủ sức để vượt qua.

Thực ra người đồng tính không bao giờ muốn họ là người như vậy. Họ rất đau khổ vì sự “chẳng giống ai” của mình. Họ cố gắng chống lại sự trớ trêu của tạo hóa nhưng họ càng cố thì hình như họ càng bất lực. Sự kỳ thị của gia đình, xã hội không giúp họ sửa đổi được sự “sai lệch” về khuynh hướng tình dục (dù ít dù nhiều), mà còn làm cho họ có thái độ bất cần đời, “hăng hái” hơn trong việc thể hiện bản thân và lôi kéo những người đồng cảnh.

Khi được hỏi: Nếu phát hiện ra người thân của mình là người đồng tính bạn sẽ làm gì? Đa số trả lời sẽ khuyên giải để người thân có đời sống tình dục bình thường. Nếu khuyên giải không được sẽ “cưỡng chế” bằng nhiều hình thức, miễn sao người thân của mình thoát khỏi sự “căn bệnh nhơ nhuốc” đó.

Các nhà khoa học khuyến cáo: Muốn người thân của mình điều chỉnh được sự sai lệch về đối tượng tình dục (thực ra là rất khó, là không thể), trước hết phải bình tĩnh, tìm hiểu xem người thân của mình “bị” đồng tính ở mức độ nào để có biện pháp cụ thể. Dù người thân “bị" đồng tính "nhẹ" hay "nặng" thì đều phải mềm mỏng, tâm lý và thật sự kiên trì. Không nên biểu hiện sự lo lắng, đau khổ cho người thân của mình biết. Tuyệt đối không làm tổn thương tới lòng tự trọng của họ, ví như: Nói cho người khác biết, sỉ nhục, đánh đập,... càng làm cho họ có những phản ứng tiêu cực: Công khai khuynh hướng tình dục của mình, bỏ nhà ra đi, tìm đến với cái  chết...

Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi hỏi những người đồng tính 3 câu hỏi:
1. Gia đình phản ứng thế nào khi biết bạn là người đồng tính?
2. Sự lo lắng của người thân ảnh hưởng thế nào tới khuynh hướng tình dục của bạn?
3. Tỷ lệ người đồng tính từ bỏ được quan hệ đồng tính là bao nhiêu sau khi được sự “quan tâm” của gia đình?
Chúng tôi hy vọng những câu trả lời của họ sẽ giúp ích cho bạn trong việc “khuyên giải” người thân của mình, nếu chẳng may người thân là người đồng tính, có tác dụng tích cực hơn.

Với câu hỏi 1: 10 % trả lời người thân của họ không có phản ứng gì. 20% trả lời người thân của họ đau khổ nhưng khuyên họ phải từ bỏ “căn bệnh đua đòi” vì danh dự bản thân và gia đình. 70% trả lời người thân của họ rất bực tức, kinh tởm khi biết họ là người đồng tính nên đã cấm đoán, miệt thị, đánh đập họ..., bắt họ phải “từ bỏ bệnh xấu hổ” nếu không sẽ “từ mặt”, đuổi ra khỏi nhà.

Với câu hỏi 2: 80% trả lời cảm thấy xấu hổ, “nhục nhã”, quyết tâm “thay đổi” khuynh hướng tình dục của mình nhưng rất tiếc không làm được. 10% không trả lời. 10% còn lại thì lao vào các mối quan hệ đồng tính công khai hơn, mạnh mẽ hơn.

Với câu hỏi 3: 15% trả lời không biết vì chưa gặp những trường hợp như thế. 35% trả lời đã gặp nhưng số lượng không nhiều nên không thể biết được tỷ lệ là bao nhiêu. 50% còn lại thì không tin người đồng tính sẽ quay sang quan hệ dị tính được vì họ đã từng gặp những người quyết tâm từ bỏ tình dục đồng tính nhưng thời gian gian quay lại quan hệ đồng tính cũng không lâu.

Chúng ta thừa nhận, xã hội hiện đại tuy có thay đổi đôi chút khi nhìn nhận về vấn đề đồng tính nhưng thái độ “kinh tởm” sự đồng tính có lẽ sẽ bất biến theo thời gian. Người đồng tính vẫn cứ mãi là số đơn lẻ “lạc loài” trong sự kỳ thị của số đông nhân loại. Xét về mặt tích cực, sự “sợ hãi và kinh tởm” chuyện đồng tính có giá trị rất lớn trong việc củng cố và bảo vệ tính nam của người đàn ông, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực.

Ngoại trừ những người đồng tính sống sa đọa, bất cần đời; ngoại trừ những kẻ lợi dụng chuyện đồng tính làm băng hoại văn hóa truyền thống và nền tảng đạo đức thì những người đồng tính đều cần nhận được sự cảm thông từ gia đình, xã hội bằng thái độ khách quan, độ lượng. Sự kỳ thị của xã hội với người đồng tính không giúp họ “thay đổi” được khuynh hướng tính dục, trái lại càng làm cho họ bất mãn, mặc cảm và nảy sinh tư tưởng “nổi loạn”, dẫn đến những hệ lụy đau lòng.

Bất luận người đồng tính là ai? Mức độ đồng tính như thế nào? Thì người đồng tính đương nhiên phải chấp nhận: Chừng nào xã hội hiện đại chưa thật sự nghiêm túc tiến hành nhân dạng người đàn ông thì chứng đó, người đồng tính nam nói riêng, người đồng tính nói chung còn bị coi là “quái vật”, “lập dị”, “cản trở” sự phát triển của loài người. Đấy là thách thức lớn mà người đồng tính khó có thể vượt qua.

Hỡi chàng trai của thế kỷ XXI! Nếu chẳng may chàng là người đồng tính, xin đừng bi quan, chán nản. Hãy tâm niệm nằm lòng: “Muốn phát triển thành người đàn ông là một cuộc đấu tranh không ngừng ở mọi lúc.”. Hãy quyết tâm sửa chữa những “trục trặc” do tạo hóa gây ra để “ngạo nghễ” khẳng định tố chất đàn ông đích thực của mình. Nếu mọi cố gắng vẫn vô vọng thì lúc bấy giờ hãy nhìn thẳng vào sự thật con người mình mà điều chỉnh lối sống sao cho phù hợp, tốt cho mình nhất.


Cuộc sống chỉ tốt đẹp, hữu ích và đáng yêu hơn khi ta sống lành mạnh, lạc quan và trân trọng giá trị của cuộc đời.

                                                                                       Đặng Xuân Xuyến
READ MORE - PHÁC THẢO VỀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH - Đặng Xuân Xuyến

RA KHƠI - chùm thơ Hoàng Anh 79




RA KHƠI

Về sông cũ ta tìm ai, không biết 
Vì em xa, xa lắc, mấy phương trời 
Chiều rơi chậm, sông tím màu ly biệt 
Một con thuyền vô trạo, sắp ra khơi!



LY KHÁCH

Chiều tắt nắng chim bay về cố xứ 
Ly khách ơi rượu cạn mấy bầu rồi 
Mớ hành trang còn bao điều quên nhớ 
Mai đi rồi, xa lắm,  tận mù khơi!



QUẬY

Ta đói lắm em cho vài cắt bạc 
Cũng đủ mua rượu uống để quên đời 
Ta đâu hiểu  những đồng tiền xương máu 
Nhậu say rồi lại quậy khơi khơi!



CỞI ÁO

Ta lãng tử còn em thì lãng mạn 
Hai đứa mình tâm sự giống như nhau 
Áo nhân tình ngày xưa đều cũ kỹ 
Cởi hết đi em. Ta làm lại từ đầu! 


Ngày 21/6/2015 

Hoàng Anh 79
READ MORE - RA KHƠI - chùm thơ Hoàng Anh 79

SO SÁNH "CHẠM" và "NGỌN CỎ" - bình thơ của Phạm Đức Nhì



Tác giả Phạm Đức Nhì


Phạm Đức Nhì

SO SÁNH
                      
CHẠM và NGỌN CỎ



CHẠM

Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương , ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan
nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ

Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên

Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen mịt mùng lạc lối
Chạm vết thương sâu dấu chai cằn cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng

Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.

(Đậu Thị Thương)


                      
NGỌN CỎ

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa. 

(Nguyễn Thị Hoàng Bắc)



1/ Hình Thức

     Chạm: Hình thức khá mới, vượt qua thơ truyền thống, cố gắng, bằng cách xuống dòng, tạo một diện mạo mới cho bài thơ,  nhưng khi đọc lên vẫn còn âm hưởng Thơ Mới. Thái độ của ĐTT với số chữ trong câu còn chưa thực sự tự do.

     Ngọn Cỏ: Tự do phóng khoáng hơn, câu chữ không theo một quy luật bó buộc nào, vượt qua thơ truyền thống và Thơ Mới. Thái độ của NTHB đối với số chữ trong câu hoàn toàn phóng khoáng.

    Bình: Ngọn Cỏ thắng

2/ Vần

    Chạm: vần chỗ có chỗ không,thoang thoảng mà tự nhiên, tạo được nhịp điệu . Nói chung, thái độ của ĐTT đối với vần  tự do, không cố tình loại bỏ vần nhưng hoàn toàn không bị lệ thuộc.

    Ngọn Cỏ: thái độ của NTHB đối với vần còn “cứng”, vẫn tự buộc mình vào những quy luật của vần. Nhờ số chữ trong câu dài ngắn không chừng nên cái giọng ầu ơ đã giảm đi khá nhiều nhưng  vị ngọt thơ ca còn khá đậm, có chỗ dư thừa.

   Bình: Chạm thắng

3/ Ngôn Ngữ, Hình Ảnh Thơ

     Chạm: Ngôn ngữ “hiền”, khao khát, nồng nàn, đằm thắm. Hình ảnh mờ ảo và gợi cảm, gợi dục nhưng “thanh”.

     Ngọn Cỏ: Ngôn ngữ mạnh dạn, ngổ ngáo, bậm trợn. Hình ảnh thực, sống động nhưng dễ bị những người bảo thủ “chê”.

    Bình: Chạm thắng

4/ Ý Tưởng

     Chạm: thể hiện quyền bày tỏ trung thực, không tránh né, úp mở về một trong những nhu cầu nhân bản của phụ nữ.

      Ngọn Cỏ: Đòi nam nữ bình quyền, diện tích phủ sóng rộng lớn hơn.

      Bình: ĐTT cắn miếng vừa miệng nên nhai nuốt ngon lành. NTHB cắn miếng quá to, vương vãi tùm lum. Chạm thắng

5/ Lỗi Kỹ Thuật

    Chạm: không

    Ngọn Cỏ: ngoài việc dùng chữ thiếu chính xác (nhỏ giọt), vần quá đậm đà, NTHB còn có hai lỗi kỹ thuật khác là ẩn dụ không kín kẽ và câu kết “trật bàn đạp”

    Bình: Chạm thắng

6/ Tính Cách của Tác Giả và Hồn Thơ

      ĐTT: hết mình với cuộc chơi ân ái nhưng vẫn còn nét e lệ, hiền thục của phụ nữ. Sự dè dặt, mực thước của một cô giáo chinh phục được tình thương mến của người đọc. Cái giá phải trả là Hồn Thơ - cảm xúc ở tầng 3 - yếu.

     NTHB: ngổ ngáo, bạt mạng, bất cần thiên hạ. Người đọc bình thường nhìn NTHB bằng con mắt để ý, dè chừng, nhưng những người Thơ thấy chị bước vào Ngọn Cỏ khi đang cao hứng, lên cơn. Ngọn Cỏ nhờ thế, có Hồn hơn, cảm xúc ở tầng 3 nhiều hơn.

     Bình: Ngọn Cỏ thắng

KẾT  LUẬN

Tôi thích thái độ của NTHB khi bước vào khung cảnh bài thơ. Bất cần thiên hạ. Chỉ biết có thơ. Lỗi ở phép ẩn dụ thì vô phương sửa chữa vì nó là cái Tứ chủ đạo của bài thơ. Còn những lỗi kỹ thuật khác, nếu chị đọc kỹ lại trước khi phổ biến thì có thể sửa chữa được, và dĩ nhiên, giá trị nghệ thuật của bài thơ sẽ được nâng cao hơn nhiều.

Trong khi đó, Chạm là bài thơ có duyên ngầm, được viết cẩn trọng, không sơ suất. Thế trận chữ nghĩa khá chặt chẽ. Tác giả khéo léo tạo được sự ngạc nhiên thích thú ở cuối bài nên cảm xúc ở tầng 2 khá mạnh.

Dựa vào những phân tích trên, bạn đọc có thể đã tự chọn được Bài Thơ Thắng Cuộc.

Riêng tôi, đã nghiêng về bài thơ Chạm của Đậu Thị Thương.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com


Bạn đọc nào không đồng ý với phân tích, nhận định của tôi, xin cho biết để trao đổi thêm.

READ MORE - SO SÁNH "CHẠM" và "NGỌN CỎ" - bình thơ của Phạm Đức Nhì

CHÁY VÀ TAN...- Trần Mai Ngân


                 Tác giả Trần Mai Ngân


             
CHÁY VÀ TAN...

Bạn hãy nhìn những ngọn nến này đi. Nó như vòng đời của chúng ta vậy.   
Khi được sinh ra đến năm ta 20 tuổi là khoảng thời gian hoa mộng đẹp nhất của cuộc đời. Khi ấy, ta nhiều ấp ủ, nhiều mơ mộng... và trái tim ta đầy yêu thương. Khi ấy, ta rất trẻ đẹp - tâm hồn ta luôn muốn bay cao, bay xa.
Ngọn nến thứ hai, bạn thấy không cháy rất sáng và đã có những giọt nến tan chảy ra...

Khi ấy ta bao nhiêu tuổi đời nhỉ. Ta chạy mòn hơi theo cuộc sống, theo cơm áo, gạo tiền... cốt sao cho gia đình ta, cho con cái ta những điều tốt đẹp nhất. Có khi, giông gió vô tình qua đây làm ngọn nến khi bùng mạnh, khi như tắt ngấm đi...


Lúc ấy, ta nếm trải cuộc đời, nụ cười ta lung linh theo ngọn nến - tâm hồn ta có lúc mỏi mệt, hoang mang...
Ở tuổi năm mươi hơn thì sao? Bạn có thấy ngọn nến thứ ba không?Còn rất ít! Ngọn lửa vẫn cháy sáng làm tan chảy những giọt nến càng nhiều... Có lúc nó nóng hổi nhưng những giọt nước mắt!
Ta hãy buông ra, mặc gió, mặc mưa - ta sẽ cháy hết đời nến của mình!


Có những cuối đời hân hoan, có những cuối đời buồn hiu bệnh hoạn và ủ rũ...


Hãy mặc, còn có bao lâu - hãy để tâm hồn ta thêm đẹp với lòng độ lượng bao dung.
Một sự im lặng đáng sợ, một bóng tối ngột ngạt cho những người xung quanh..., cho những yêu thương còn bỏ lại trần gian. Ngọn nến đã tắt thật sự rồi... Chỉ còn vệt khói trắng mong manh làm cay mắt và chỉ còn những giọt nến tan ra đọng lại... Bạn thấy không? Có khi là hình một con thuyền ra khơi, có khi là hình một chiếc lá rơi... và cũng có khi là hình của đóa hoa hồng yêu thương đến tận cùng... mang theo, mang theo...
                                                                 Trần Mai Ngân

READ MORE - CHÁY VÀ TAN...- Trần Mai Ngân

KHÔNG ĐỀ THÁNG SÁU - thơ Bình Địa Mộc




không đề tháng sáu

rốt cuộc rồi phải bỏ ra
chiếc líp sợi sên cái lốp mòn không xài được
chỉ có điều vất đi lại tiếc
nên đành lòng tự phế liệu cuộc chơi

những loại đồng nát rải rơi
ném vào đâu cũng sợ môi trường ô nhiễm nặng
xới lại bao điều cũ kỹ
sẽ mới dần trong chính mắt ta

vết thương lòng lành lặn thị da
thời gian càng lâu vết sẹo càng mờ dần khi có thể
trách chi đêm trời chuyển
rã rời đau y hệt phút lâm bồn

chuyến xe đời bon bon
chở theo bao nhiêu khuôn mặt người vuông tròn mếu mó
chạnh buồn mỗi khi hỏng hóc
chợt vui lúc thanh thản nghỉ ngơi

rốt cuộc rồi cũng đến nơi
kê chiếc bàn lệch hẳn một bên gọi là chung số phận
nhặt con ốc vặn vào khung lận đận
tạo thăng bằng nâng bước ta đi …

                                               bình địa mộc


READ MORE - KHÔNG ĐỀ THÁNG SÁU - thơ Bình Địa Mộc

ĐỒI CẢNH DƯƠNG - thơ Chu Vương Miện




ĐỒI CẢNH DƯƠNG

Võ Tòng đi qua đồi Cảnh Dương
với chiếc túi và chiếc gậy
với bao tử toàn là rượu mạnh
tới đỉnh đồi leo lên tảng đá nằm
con hổ xơi thịt người nay đã thành tinh
muốn được nghe Võ Tòng
giảng Tứ Thư Ngũ Kinh Kinh Thi Kinh Lễ
bèn tọa xuống bên cạnh
ngóng xem phong cảnh hữu tình
ngủ đã đời Võ Tòng tỉnh dậy giật mình
thoi mấy cái cọp Cảnh Dương
nhe răng ra mà chết 
cũng rất là lấy làm phiền 
bài thơ đến đây là chấm dứt 

                                   chu vương miện
READ MORE - ĐỒI CẢNH DƯƠNG - thơ Chu Vương Miện

NGẪU HỨNG THÁNG CHẠP - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân











NGẪU HỨNG THÁNG CHẠP

Từ độ hoa vàng đang rụng
Em ngồi chải tóc đợi xuân về
Môi run khát giọt mưa tháng Chạp
Mà nắng vẫn hồng cuối chân đê

Năm nay lạ lùng quá nhỉ
Tháng rét đậm mang nỗi nhớ gió Lào
Khi gần nhau lại nhớ ngày xa cách
Hạnh phúc có khi cũng lạ thật
Là những lần quay quắt nhớ thương nhau

Từ độ em lấy chồng xứ Bắc
Ngọn đèn dầu thao thức cuối dòng sông
Bây giờ quê mình có điện
Ngọn đèn dầu vẫn cháy cuối dòng sông

                       Nguyễn Hữu Minh Quân





READ MORE - NGẪU HỨNG THÁNG CHẠP - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân