Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 9, 2024

HẠ CŨ TRƯỜNG XƯA - Thơ Đoàn Trung Phong


Nhà thơ Đoàn Trung Phong

 

Đoàn Trung Phong

HẠ CŨ TRƯỜNG XƯA 

 

Rồi một ngày hạ cháy ở trong ta 

Mười tám ư? Tinh khôi tà áo trắng 

Và bụi phấn thôi rơi trên bục giảng 

Lũ ve sầu vẫn điệp khúc miên man.

 

Chẳng dám nói lời yêu bởi chữ "cậu" thật gàn 

Vệt khắc năm xưa bao lần ai thắc thỏm

Ánh mắt sân trường lũ học trò lì lợm 

Bối rối gì? Cây phượng khóc đỏ hoe. 

 

Xin chầm chậm một lần mà khắc lại say mê 

Dòng mực tím chỗ ngồi thân thuộc

Lời Thầy Cô dệt bao điều mơ ước

Năm học hết rồi trên ô cửa màu xanh. 

 

Kỷ niệm ơi! Lời yêu dấu dụm dành 

Như chưa thể hạ năm nào đánh thức

Để sớm nay tiếng trống trường vọng vào lồng ngực 

Dẫu xa rồi… mười tám tinh khôi.

 

Đ.T.P.

<gammayoto@gmail.com>

 

READ MORE - HẠ CŨ TRƯỜNG XƯA - Thơ Đoàn Trung Phong

Chùm ảnh HOA AMARILIST ĐỎ - Chu Vương Miện

 







READ MORE - Chùm ảnh HOA AMARILIST ĐỎ - Chu Vương Miện

KHI RỜI BOSTON - Thơ Nguyễn An Bình

 


NGUYỄN AN BÌNH


KHI RỜI BOSTON



Đêm còn ở lại Boston

Ta đi quanh mấy con đường lá rơi

Mưa khuya làm buốt lòng người

Gió từ biển rộng hát lời hải âu.


Đại Tây Dương sóng rì rào

Ngồi trên bến cảng nơi nào quê hương

Bữa ăn cuối khi lên đường

Chìm trong tĩnh lặng nỗi buồn quạnh hiu.


Rồi trong nắng sớm mưa chiều

Con đường gởi lại ít nhiều dấu chân

Đời vui đếm được mấy lần

Bàn tay vẫy biệt ngại ngần trông theo.

 

N.A.B. 

 luongmanh2106@gmail.com



READ MORE - KHI RỜI BOSTON - Thơ Nguyễn An Bình

TẢN MẠN VỀ CAM LỘ - Lê Quang Thái

 

Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái (1940-2020)

Lê Quang Thái

TẢN MAN VỀ CAM LỘ

 

Bước vào thềm năm mới, tôi nhớ lại câu:

Mã đề dương cước anh hùng tận,

Thân Dậu niên lại khiết thái bình

Đất nước đã thống nhất và hòa bình. Bây giờ cầu gì hơn là cầu thái bình, nghĩa cầu cho nước giàu dân mạnh, dân giàu nước mạnh. Những tháng ngày giáp Tết, người dân Cam Lộ khấp khởi mừng vui khi được biết huyện nhà lập lại và đang bắt tay vào việc tiếp tục khai phá một vùng đất trù phú, đầy triển vọng theo đúng quy hoạch đất có bề dày văn hóa lâu đời.

Thật thế, có một nền văn minh Cam Lộ, không nói ngoa theo lối đao to búa lớn đâu. Một số nhà khảo cổ, nhà sử học, nhà nhân chủng học, nhà địa chất đã chỉ trỏ từ lâu rồi. Đó là: Linh mục L. Cadière, Khâm sứ Trung kỳ A. Laborde, Linh mục A. Delvaux (cố Văn), ký giả Henri Le Grauclaude, R.PH de Pirey; gần đây là Linh mục La Fontaine, học giả Hàn lâm viện Pháp Trần Minh Tiết (người Cam Lộ), Giáo sư Thái Công Tụng, Giáo sư Lê Trọng Vinh, giáo sư Sơn Hồng Đức, nhà ngôn ngữ Nguyễn Bạt Tụy.

 

1. Lịch sử hình thành đất Cam Lộ (một chút sử liệu)

Từ đời Lê cho đến đời Nguyễn, Cam Lộ có một quá khứ vàng lụa. Xa xưa lắm, đất này không dính líu nhiều đến chuyện tình của công chúa Huyền Trân. Người Cam Lộ không thừa hưởng sính lễ của Chế Mân dâng hai châu Ô - Lý để nàng công chúa nước Việt về thành Đồ Bàn (nay thuộc tỉnh Bình Định). Tuy vậy, Cam Lộ vẫn nhận hệ quả ít nhiều của mối tình Chiêm - Việt. Hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng mới là đất Ô châu.

Nguyên xưa đất Cam Lộ là của người Man. Bờ cõi biên cương nước ta tiếp giáp với nước Xiêm, nước Vạn Tượng...

Theo sách Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Trị), nguồn Cam Lộ xưa gồm hai châu: Sa Bồn và Thuận Bình. Châu Sa Bồn có 11 trang, 60 sách và châu Thuận Bình có 19 sách, 10 động. Đất Cam Lộ ngày xưa bao gồm cả đất Hướng Hóa ngày nay. Giáo sư Phan Khoang, tác giả sách Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777, lại nói châu Sa-bôi và châu Thuận Bình. Châu Sa-bôi gồm 10 tổng, 68 xã; châu Thuận Bình có 6 tổng, 26 xã theo bản đồ Thiên Nam dư hạ tập. Ở phần chú tác giả ghi đậm nét: ““Xa-bôi [Sa-bôi], Thuận Bình là đất thượng nguồn Cam Lộ, nguồn Sái, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngày nay, dân cư là người Man” Do phiên âm tiếng người Man, người nói Sa Bồn, người nói Sa-bôi.

Các triều Lê, Nguyễn có chính sách cai trị riêng đối với người dân tộc. Người Man gọi người Kinh là Cà-lơ chợ và họ tự xưng Cà- lơ động. Cà-lơ là danh từ chung có nghĩa là người (tiếng Pháp để nguyên là Les Cà-lơ). Người Man có tâm hồn chất phác. Buổi ban sơ người Man (tiền thân của người dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy) rất chơn chất. Sau này vì giao tiếp trong thương trường mà giữ “ngón nghề” và cũng biết “sơn quét” nên dần dần trở thành “lịch lãm”, giảm tính chân thật cho khỏi thiệt thòi quyền lợi trong buôn bán, giao tiếp.

Người bản địa biết giữ lễ nghĩa đối với triều đình và vua quan. Hàng năm họ giữ lễ cống trang trọng. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tháng Hai năm Đinh Mão, Gia Long thứ 6 (1807), bảy sách Man ở đạo Cam Lộ vào cống. Bộ Lễ tàu xin cho Thổ tù làm Sách trưởng các sách để thống nhiếp nhau và giữ việc tuế cống hàng năm”.

Trong quá khứ rất gần quân dân Cam Lộ đánh trả quân Xiêm (năm 1941 đổi thành Thái Lan) sang gây hấn, xâm phạm bờ cõi của châu Tầm Bồn dưới triều vua Minh Mạng. Thống chế binh Tượng Phạm Văn Điển, Vệ ủy đạo Cam Lộ là Lê Văn Thụy đã chỉ huy cuộc đánh trả vào các năm 1828 và 1834 (sách Quốc triều chánh biên).

Cam Lộ trở thành đạo từ đầu niên hiệu Gia Long (1802). Đứng đầu có Quân đạo, giúp việc có Hiệp thủ. Theo Thực lục, tháng 11 năm Gia Long thứ 7 (1808) lấy Tri bạ Nguyễn Văn Ngôn làm Hiệp thủ đạo Cam Lộ. Cùng thời điểm này triều đình Huế cũng đặt chức Hiệp thủ Cửa Eo tức là cửa Thuận An ngày nay. Nói thế để mà thấy rõ tầm quan trọng về mặt quốc phòng của đất Cam Lộ. Từ nơi đây có đường đi thông ra bốn phương, tám hướng, ra Bắc vào Nam, đi khắp cùng Đông Nam Á.

Khoảng đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Tường, người làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã giữ chức Tri huyện Thành Hỏa, tức huyện Cam Lộ ngày nay. Đến năm 1867, Nguyễn Văn Tường lại được triều đình Huế giao lãnh chức Bang biện Cam Lộ, sang chức Khâm sai Kinh lý Cam Lộ.

Bang biện là lưu quan (chức quan do nhà nước cử đến) do vua sai phái để làm nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng và ngoại giao.

 

2. Từ Nha sơn phòng Quảng Trị đến chiến khu Tân Sở Quảng Trị

Vì tính cách trọng yếu về mặt quốc phòng, năm 1867 triều đình Huế thiết lập Nha sơn phòng Quảng Trị.

Theo biên chế nhà nước, cơ sở cấp nha là thuộc quyền quản nhiệm của trung ương. Nha sơn phòng Quảng Trị được lập năm 1867 trước sơn phòng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Vẫn theo sách Đại Nam nhất thống chí, nguyên Khâm sai Kinh lý Cam Lộ là Nguyễn Văn Tường xin đặt Nha Kinh lý ở xứ Động Mão. Năm Tự Đức thứ 29 (1876) cải làm Sơn phòng nha quản hạt Cam Lộ, gồm hai huyện Thành Hóa (nay là Cam Lộ) và Hướng Hóa.

Sách Đại Nam thực lục (đệ ngũ kỷ, quyển 11) cho biết rõ về chiến khu Tân Sở hình thành từ tháng Chạp năm Quý Mùi (1883) như sau: “Di chuyển Nha đóng ở sơn phòng Quảng Trị cùng với Nha ở phủ Cam Lộ. Nguyên Nha sơn phòng và phủ Cam Lộ trước đặt ở địa phận xứ Động Ngang, huyện Thành Hóa. Quan mật viên lý chỉ ông Nguyễn Văn Tường] tâu rằng: “Sơn phòng của Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô. Chuẩn cho quan sơn phòng này xem xét tượng tận lại, tăng thêm kinh lý. Quan nối theo coi sơn phòng này cho rằng, địa thế ở đây chật hẹp, đã khảo sát được nơi liền với chỗ đất cũ này là ở trên địa phận xã Bảng Sơn”.

Vua chuẩn lời y tấu của vị đạo thần. Tương truyền từ trong dân gian rằng xưa kia ở địa điểm mới, có con cầu hoạt động. Cầu là một loại rồng có hai ngà nên gọi là lang cầu. Địa thế nơi đây rộng rãi, có thể thiết lập thành một căn cứ quân sự chuẩn bị phòng khi kinh thành Huế hữu sự.

Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng của sơn phòng là lo khai hoang lập ấp theo chính sách đồn điền đã có từ thời chúa Nguyễn.

Ban đầu, Nha sơn phòng Quảng Trị vào năm Tự Đức thứ 29 (1876) có đặt Chánh phó sứ, Nha thuộc, viên dịch và cơ lính Định Man (10 đội; 456 viên danh). Năm Giáp Thân (1884) lại đặt thêm Tham biện và quan Lãnh binh. Như thế mới biết tầm quan trọng về quân sự, quốc phòng của Tân Sở lớn lao như thế nào. Theo quan chức chế thì chỉ ở bộ mới có chức Tham biện, ở tỉnh mới có chức Lãnh binh hoặc Đề đốc.

Đến đời vua Thành Thái, thực dân Pháp đã “thành công” trong việc đặt nền bảo hộ, Nha sơn phòng Quảng Trị bị bãi bỏ. Còn ai phá chiến khu Tân Sở lần đầu tiên? Đại úy Le Pepit phá hủy san bằng vào tháng Chín năm Ất Dậu (1885). Pepit là quan cấp thấp nhưng dám triệt hạ Tân Sở theo De Courcy, không làm thì lột loong quan ba Tây như chơi.

Ôi! Xứ Của “ngọt mít thơm dâu”, nơi có chiến khu Tân Sở, ngày nay thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Tết này, tôi đăng ký trước xin xã cho ăn Tết để đi tám làng Tân Sở, Tân Lâm, Tân Trúc, Tân Trại... May ra tìm được sắc phong của ông Nguyễn Văn Tường làm khai khẩn. Nơi đây dân có lập đền thờ Kỳ Vĩ bá quận công - Quận công trước tước vị cao nhất vì:

Tước hữu ngũ (công, hầu, bá, tử, nam) sĩ cư kỳ liệt Dân hữu tứ (sĩ, nông, công, thương) sĩ vi chi tiên

 

3. Quê hương là rừng mít ngọt!

Từ miệt đồng bằng phủ Triệu Phong, ở Cửa Việt, Cửa Tùng nông dân, hào kiệt, sĩ phu vọng về Tân Sở, hướng đến Của, đến nguồn Cam Lộ:

Ai lên nhắn với họ nguồn

Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên

Cam Lộ có măng giang, có mít nài. Đặc sản thì nhiều xin kê đơn món mít rất ngọt ngào tình thương. Cây mít có từ xứ Tây Trúc bên Ấn Độ. Chữ madhu là cây mít lan tỏa khắp năm châu thế giới.

Năm 1967, tôi tìm thăm học giả thượng thặng về ngữ học là Giáo sư Lê Ngọc Trụ. Thầy Trụ nói về từ mít. Nào là Việt Nam có tiếp vị ngữ “ít” như (bọ) xít, (nước) xít, (chân) rít, xa (tít). Riêng từ mít thì gốc gác nó như sau: “Tiếng cổ Slave là MEDU, cổ Anh ngữ là ME(O)DU, cổ Đức ngữ miền Nam là METU, tiếng Ải Nhĩ Lan là MID, và do gốc MELI của Hy Lạp và MEL, MEDLIS của La Tình mà tiếng Pháp có MEIL (mật ong), MEILLÉ (pha mật), MIELLEUX (ngọt ngào, lời đường mật) và tiếng MÉLASSE (mật mía); tiếng Ý có MEILLE MELASSE, tiếng I Pha Nho có MIEL, MILOZA, tiếng Cao Ly có MIL, tiếng Nhật có MITU.

Tàu có MẬT, tiếng Quảng Đông là MẠCH; giọng Quan Thoại là MÍ, giọng HAKKA (tức nước Hạ) là MÍT. MẬT tiếng Hán Việt được Việt hóa, âm thanh và có ý nghĩa không biến đổi” (Cour ngữ học của thầy Lê Ngọc Trụ).

Ngày Tết thì có thèm chăng, thèm cả xơ mít, nước mắm mít, cộ mít. Cộ mít là loại bánh có bỏ mít múi khô vào bột, đường mỡ rồi nén cho thành khúc bánh, xong đem cắt thành từng lát. Nếu đem chiêu đãi khách đến mừng tuổi sau khi đã cúng ông bà rồi thì tuyệt. Lẽ tất nhiên, đó chỉ mới một món, còn nhiều món nữa mặn lạt đều có. Người Cam Lộ hiếu khách lắm.

Viết cà dê kê ngỗng, lời quê chắp nhặt quá nhiều, làm độc giả mất thời gian du xuân, hưởng xuân bất tận. Cầu cho quốc thái dân an và đầu xuân Nhâm Thân như lời trích từ Kinh Thi:

Lạc thổ lạc thổ

Viên đắc ngã sổ

Dịch là:

Đất đạo đức, đất yên vui

Là nơi ta đã được thích lòng

(Nguyễn Văn Mại)

Khí vận mới đã về với đất Cam Lộ, cho hay trời phải chiều người vì DÂN LÀ GỐC NƯỚC. Việc còn lại là làm sao cho huyện Cam Lộ giàu mạnh.

Chú thích:

1. -Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777, (Sài Gòn, 1969), 115.

(Tạp chí Văn hóa Quảng Trị. Số 04.1992)

 

READ MORE - TẢN MẠN VỀ CAM LỘ - Lê Quang Thái