Truyện
ngắn Châu Long
Nó, một đứa con
gái ngoan, sinh ra trong một gia đình chẳng may thiếu đi tình thương của mẹ, một
mình bố gánh gồng nuôi nó ăn học từ nhỏ đến lớn. Sáng nào nó cũng phải chứng kiến
cái cảnh bố mình phải dậy từ sớm tinh mơ để làm công việc nhà, sau đó ăn vội miếng
cơm với chén mắm kho quẹt rồi vác cuốc đi làm cho người ta để kiếm tiền nuôi
nó. Dù mưa tầm tã hay nắng rát bỏng da thì món ăn chính của bố cũng là chén mắm
kho quẹt, vừa và cơm vừa quẹt vào chén mắm, bữa nào nuốt cũng muốn trầy cuống cổ
nhưng bố vẫn nở nụ cười tươi. Nó xót xa lắm chẳng nói nên lời, cũng chẳng biết
chia sẻ cùng ai. Chỉ biết tự nhủ lòng mình phải cố gắng học để thay đổi cuộc đời,
để giúp bố mai sau. Nhưng muốn thực hiện được ước mơ lớn lao ấy đối với một đứa
trẻ không đủ điều kiện như nó thì thật là khó.
Mỗi ngày đến trường
với nó như một cực hình. Trong khi tất cả bạn bè đều có bố mẹ đưa đón, bánh kẹo
đầy cặp thì nó cứ lầm lũi đi rồi lầm lũi về. Đến lớp thì biết bao ánh mắt nhìn
mình một cách dè bỉu, coi thường, chỉ trỏ cứ bảo rằng cái thứ con nhà nghèo,
không mẹ. Nó buồn và tuổi thân lắm. Nhiều lúc về nhà muốn hỏi bố rằng mẹ mình
đâu nhưng nó không đành lòng. Bởi nó biết đó là niềm đau mà bao nhiêu năm nay bố
chôn chặt trong lòng và không muốn khơi lại nên đành thôi. Có lần nó ghé nhà cô
bạn hàng xóm,vừa đến ngõ vô tình nó đã nghe chí chóe giọng người mẹ bên trong vọng
ra:
- Mẹ cấm con
không được chơi với cái thứ con nhà nghèo đó. Rồi sau này nó cũng giống mẹ nó
mà thôi. Con mà chơi với nó, không khéo cũng giống nó và mẹ nó đấy.
- Không mẹ ơi! Mẹ
hiểu nhầm rồi ạ, Lan là một người bạn tốt mà con biết. Bạn ấy không chỉ là một
đứa con ngoan biết giúp đỡ bố lúc ở nhà mà ở trường bạn ấy còn là một học sinh
xuất sắc, luôn được thầy cô giáo khen.
Bỏ qua lời giải
thích của cô bạn, người mẹ ấy vẫn một mực ngăn cấm con mình. Chứng kiến cảnh đó
trong lòng nó như có ai đó đang cào, đang xé. Phần nào nó hiểu được tâm lí người
mẹ này nhưng nó vẫn thắc mắc vì sao bà mẹ lại nói: “Rồi sau này nó cũng giống mẹ nó mà thôi”. Vậy mẹ nó là ai? Là người
như thế nào? Để bây giờ nó luôn bị cay nghiệt bởi hình ảnh của người mẹ mà nó
chưa từng gặp mặt và nó đang khao khát được gặp dù chỉ một lần. Nghĩ đến đây nước
mắt nó chực trào, trong lòng nó quặn thắt như có hàng trăm nhát dao đang đâm
vào tim nó. Nhưng cũng chính những lời lẽ chua cay này đã thôi thúc nó phải cố
gắng hơn nữa trong cuộc sống, phải mạnh mẽ đương đầu trước những giông tố của
cuộc đời. Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng hãy còn đó một người bố luôn
quan tâm chăm sóc, chịu thương, chịu khó hằng ngày vẫn tất bật với công việc để
lo miếng cơm manh áo cho nó. Nghĩ vậy nó lau nước mắt lặng lẽ ra về.
Ngày hôm sau nó
đến trường với một khuôn mặt rạng ngời, không ù lỳ, lầm lũi, lặng lẽ một cách
đáng sợ nữa. Thay vào đó là những nụ cười tươi luôn hé trên môi. Nó quyết tâm
thay đổi, bỏ qua mọi cái nhìn mỉa mai, mọi mặc cảm gia đình. Sau những nỗ lực
lúc ở trường, khi về nhà nó luôn là một đứa con gái hiếu thảo, phụ giúp bố làm
tất cả công việc nhà, thậm chí một buổi đến trường một buổi về nhà nó còn đi
chăn bò thay bố. Tranh thủ lúc bò mãi thung thăng gặm cỏ, nó chui vào bụi học
bài.
Cứ như thế tuổi
thơ của nó trôi qua với những tháng ngày gian truân nhưng không làm gục ngã ước
mơ của một cô bé muốn bước chân vào giảng đường đại học, muốn trở thành môt người
giáo viên nhân dân.
Và rồi, những nỗ
lực của nó cũng được đền đáp. Cầm tờ giấy báo đại học với số điểm cao ngất ngưỡng
trên tay, nó vui mừng hớn hở chạy về khoe với bố. Quá vui, quá hạnh phúc, bố ôm
chầm lấy nó, nước mắt ngắn dài. Thế là bao vất vả của bố, bao cố gắng của nó cuối
cùng cũng cho quả ngọt. Ngày nó lên đường nhập học, rời xa căn nhà nhỏ bé đầy
tình thương của bố, rời xa cái làng quê nghèo với tuổi thơ “dữ dội”, mang trên
mình biết bao hoài bão thì trong lòng bố nó lại quặn thắt, nước mắt chảy ngược
vào trong. Bao lo lắng vẫn nặng trĩu khi trong nhà lúa, ngô, khoai, sắn… đều
không còn. Tất cả đã đổ vào chuyến đi lần này của nó. Những lần sau, mỗi khi nó
về thăm nhà thì sẽ như thế nào??? Rất
nhiều câu hỏi được đặt ra đối với người bố tội nghiệp này sau khi chiếc xe lăn
bánh. Quay về mà lòng đầy xót xa.
Còn nó, nó rất hớn
hở. Giữa bao cảm xúc thăng hoa cùng những hoài bão hướng đến một tương lai tươi
sáng, nó nỗ lực hết mình. Bởi hơn ai hết nó hiểu được hoàn cảnh gia đình, nó hiểu
được nổi khổ của bố, nó nhớ mãi bữa cơm với chén mắm kho quẹt. Nó lớn lên trong
sự mất mát, đã vậy còn phải chịu bao tủi nhục và bây giờ là lúc nó khẳng định bản
thân. Giống như lúc còn ở quê, nó vẫn cố gắng hết mình trong việc học để rồi học
kì nào cũng được nhận học bổng, luôn là gương mặt tiêu biểu của nhà trường. Những
phần thưởng mà nó nhận được chính là món quà quý nó dành tặng người bố kính yêu
của mình. Bố nó rất vui và hãnh diện vì cô con gái bé nhỏ. Tuy nhiên có một điều
mà nó vẫn luôn canh cánh trong lòng, đó chính là mẹ nó. Cho đến bây giờ khi đã
trở thành một cô sinh viên của giảng đường đại học nó vẫn không biết mẹ là ai?
Là người như thế nào? Nhiều lúc lắng lòng với bao suy nghĩ, nó ao ước được gặp
mẹ dù chỉ một lần để chia sẻ những thành tích mà mình đạt được, để được mẹ ôm ấp
vỗ về, để những lúc yếu lòng trước sóng gió nó có thêm một điểm tựa đứng lên
nhưng điều này thật xa vời. Có lần về thăm nhà, nó cố gặn hỏi nhưng bố vẫn lặng
lẽ, nước mắt rơm rớm. Nhìn bố như vậy, nó lại không đành lòng vì nó biết có lẽ mình
đã chạm vào nỗi đau của cuộc đời bố một lần nữa. Và cứ thế cho đến bây giờ một
chút thông tin về mẹ nó cũng không biết chỉ nhớ như in cái lời cay nghiệt của
người hàng xóm: “Rồi nó cũng giống mẹ nó”.
Thời gian trôi
qua thật nhanh, mới đó mà đã là năm cuối. Cái ước mơ được đứng trên bục giảng
đang gần kề. Nó lao đầu vào việc nghiên cứu luận văn. Nó thấu hiểu rằng để có
tiền gửi cho nó ăn học bố nó ở nhà tất tả ngược xuôi, đi làm từ lúc sáng sớm và
đến tối mịt mới về nhà. Dưới cái nắng chan chan của miền Trung đầy khắc nghiệt,
rồi những trận mưa dầm sụt sùi nơi đây vẫn không ngăn được bước chân ra đồng của
bố. Chính vì thế mà số lần về thăm bố cũng ít. Do đó mà nó không biết rằng vì muốn
gieo mầm tương lai cho con người bố đã hi sinh cả cuộc đời mình để giờ đây người
lâm bệnh nặng. Thế nhưng khi nghe tin nó về ông không muốn nó phải lo lắng, ông
sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học của nó, sợ ảnh hưởng đến ước mơ trở thành cô giáo
của nó. Nghĩ đến đây ông vội lấy ngay mấy viên thuốc giảm đau ra uống. Nó về
nhà ông vẫn gắng gượng bố bố con con cười tươi cho nó an lòng.
Rồi một ngày nó
báo cáo luận văn thành công với con mười tròn trỉnh, cầm tấm bằng đại học loại
giỏi trên tay sau bốn năm miệt mài, nó quá vui liền bắt xe về quê để khoe với bố.
Đến quê, khi xe chưa kịp ngừng hẳn nó đã vội nhảy xuống, chạy một mạch trên
cánh đồng đầy hoa cải vàng, đường về nhà hôm nay như gần hơn. Hớn hở bước chân
vào nhà, nó ngạc nhiên:
- Sao hôm nay
nhà con đông người vậy thím Bảy?
Nó hỏi một người
hàng xóm vì chưa biết điều gì đã xảy ra. Vẫn gương mặt hớn hở, bà Bảy chưa kịp
trả lời nó nói tiếp:
- Thím Bảy ơi!
Con tốt nghiệp rồi, được loại giỏi cơ đấy, ước mơ trở thành cô giáo của con sắp
thành hiện thực rồi. Con muốn khoe thành tích này cùng bố để bố mừng. Cuối cùng
thì con cũng không phụ lòng mong mỏi của bố rồi thím Bảy. Ơ! Mà bố con đâu ạ? Thím
Bảy còn chưa trả lời con sao hôm nay nhà con nhộn nhịp thế đó nghen?
Thím Bảy nhìn
nó, khóe mắt cay cay, nước mắt chực trào, miệng lí nhí:
- Bố… bố… con… mất…
rồi… Ông vì thương con, lo làm mà không quan tâm đến sức khỏe nên người mang bệnh
nặng mà không hề biết. Đến lúc đi khám ra thì mới hay gai cột sống nhưng đã di
căn không chữa được nữa. Những lần con về bố sợ con lo lắng ảnh hưởng đến việc
học nên phải lợi dụng thuốc giảm đau để chống chọi với bệnh tật. Và rồi ông ấy
đã cố gắng cho đến ngày hôm nay khi con đã thực sự trưởng thành, như vậy tâm
nguyện của ông ấy phần nào đã được thực hiện.
Thím Bảy vừa dứt
câu nó ngất lịm đi trong hai hàng nước mắt rồi chặp chặp thổn thức lại cất tiếng
gọi bố. Bố là nguồn động lực, là người thương yêu nó một cách vô điều kiện, bao
nhiêu cố gắng của nó cũng là muốn đem về tặng bố. Thế nhưng chưa kịp tặng thì bố
đã xa… bảo làm sao một đứa con hiếu thảo như nó có thể chịu được cảnh đau lòng
này. Lúc tỉnh, nó như người mất hồn, thẩn thờ, tìm tìm kiếm kiếm nhưng chẳng biết
kiếm gì, tìm gì. Vô định. Nó cứ thế trong suốt những ngày ma chay của bố. Mọi
việc đều nhờ hàng xóm láng giềng giúp đỡ. Vài hôm sau, thím Bảy qua nhà thắp
hương cho bố nó, cầm tay nó thím lẳng lặng trao một bức thư do chính tay bố viết
gửi nó lúc còn sống. Vội mở ra xem:
Con gái yêu quý của bố!
Bố biết khi con đọc lá thư này cũng là lúc bố không
còn bên cạnh con nữa, không còn được quan tâm, chăm sóc, không còn được nghe giọng
nói, tiếng cười của con. Và bố cũng
biết con rất đau xót vì điều này. Nhưng con à, đời người sinh ra là phải tuân
theo quy luật của tự nhiên sinh - lão - bệnh - tử nên con cũng đừng buồn quá mà
sinh bệnh. Con hãy nhớ rằng kể từ bây giờ bố chỉ biết dõi theo con từ xa chứ
không thể nào chăm sóc cho con gái yêu của bố như trước được.Cho nên con phải tự
mà chăm sóc bản thân mình khi không có bố bên cạnh. Và hãy nhớ cuộc sống này
luôn công bằng với mỗi chúng ta, có lẽ sự ra đi của bố cũng chính là sự giải
thoát cho cuộc đời bố nên con hãy vui lên nhé!
Con gái của bố! Bố biết và bố có thể hiểu được tâm
trạng của con lúc con đọc lá thư này. Bố cũng từng trải qua cảnh mất đi người
thân khi ông nội con tập kết ra Bắc và mãi mãi không về, để lại bà nội một mình
nuôi bố lớn khôn. Lúc hay tin, tinh thần bố cũng suy sụp, bố tưởng chừng cả thế
giới này sụp đổ ngay trên đầu bố. Bởi ông nội là người mà bố rất ngưỡng mộ, xem
ông là thần tượng. Bố nghĩ mình không thể vượt qua nỗi đau lớn này nhưng cuối
cùng nghĩ lại bố còn bà nội con nữa. Một khi ông nội đã hi sinh vì tổ quốc thì
bố phải thay ông chăm sóc bà. Thế rồi chính thời gian là liều thuốc chữa lành mọi
vết thương, bố đã vượt qua tất cả mọi sóng gió trong cuộc đời kể cả việc sau
này gặp mẹ con. Vậy nên con là con gái của bố, phải giống bố mà mạnh mẽ vượt
qua nỗi đau lần này để tiếp tục thực hiện ước mơ được khoác lên người chiếc áo
dài truyền thống, được ngày ngày đứng trên bục giảng truyền tải những kiến thức
văn học mới cho lũ trẻ. Và bố muốn con bằng mọi cách thông qua mỗi giờ giảng văn
phải dạy cho học trò biết kính trên nhường dưới, biết tôn trọng tất cả mọi người
dù giàu hay nghèo, biết lễ phép và đặc biệt biết yêu quê hương đất nước. Đã đứng
trên bục giảng thì mỗi thầy cô giáo là một vị thiên sứ nên con không chỉ dạy kiến
thức mà con cần phải dạy về mọi mặt vì hình thành nhân cách con người là cần
ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đó con à. Bố mong ít nhất học trò của
con sau này sẽ giống con gái của bố bây giờ bởi trong mắt bố con lúc nào cũng
tuyệt vời và hoàn hảo – vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Con đã làm bao ánh mắt nhìn
bố con ta một cách miệt thị trước đây bây giờ không còn nữa. Bố rất hãnh diện về
con.
Con gái ngoan của bố! Cho đến bây giờ, khi sắp về với
đất mẹ bố vẫn biết mình còn nợ con một câu hỏi lớn mà suốt mấy mươi năm qua bố
luôn trốn tránh mỗi khi con hỏi đến. Không phải là bố không muốn nói, bố rất muốn
tâm sự cùng con nhưng mỗi khi nhắc đến mẹ là bố không thể nào quên được, bố sợ
cái cảm giác ngày mẹ con ra đi và hơn nữa bố rất yêu mẹ của con. Bố biết nhiều
lần con muốn hỏi bố về mẹ nhưng rồi con không hỏi vì con hiểu bố. Giờ đây bố
không cần gì phải giấu con gái bố nữa bố sẽ nói cho con nghe về mẹ.
Ngày xưa bố và mẹ lấy được nhau là phải trải qua một
rào cản lớn. Bởi nhà bà nội thì nghèo, chỉ mình bà làm nuôi bố, còn ông nội con thì đã hi sinh, ngược lại nhà
ông bà ngoại con lại rất giàu vì vậy mà cấm mẹ con đến với bố. Nhưng vì tình
yêu của bố và mẹ dành cho nhau lúc ấy quá lớn nên cuối cùng hai bên gia đình phải
chấp nhận. Ngày mẹ về sống với bố, bố rất vui và vô cùng hạnh phúc. Một năm
sau, thiên thần của bố chào đời và thiên thần ấy chính là con gái yêu của bố
bây giờ. Trong khi niềm hạnh phúc của bố được nhân lên gấp bội thì cũng từ đó bố
cảm nhận mẹ con đang dần thay đổi. Rồi một ngày mẹ lặng lẽ bỏ về ngoại và không
quay trở lại dù cho bố cố nài nỉ, thuyết phục. Nghe đâu sau này mẹ con đã có một
gia đình mới và sống hạnh phúc.Còn bố, cho đến bây giờ bố vẫn thương mẹ như
ngày đầu. Bố còn thầm cảm ơn mẹ của con vì đã ban cho bố một đứa con gái quá
tuyệt vời. Chính vì vậy mà con cũng không được hờn dỗi hay hận mẹ nhé! Con cũng
phải cảm ơn vì mẹ đã cho con làm con của một người bố nghèo như bố để rồi chính
cái hoàn cảnh ấy mới là động lực thôi thúc sự thành công của con trong ngày hôm
nay. Bố không hề trách mẹ, có trách cũng chỉ dám trách cái số nhà mình nghèo, cố
gắng bao nhiều rồi cũng thiếu ăn, thiếu mặc. Mẹ con là một cô gái từ nhỏ được
cưng chiều, sống trong nhung lụa, giờ về làm vợ bố không chịu được cảnh “sáng
nón úp chiều nón ngửa” cũng đúng thôi. Mẹ chấp nhận chịu làm vợ bố lúc ấy cũng
đồng nghĩa mẹ đã chứng minh được mẹ rất yêu bố rồi. Bố biết mẹ ra đi nhưng
trong lòng nặng trĩu vì không có người mẹ nào mà không thương con cả nhưng do
hoàn cảnh thôi con gái nhé! Con hãy hiểu và thông cảm cho mẹ. Hãy yêu mẹ của
con như con từng yêu bố vì giờ đây người thân duy nhất của con là mẹ. Bố tin rằng
một ngày nào đó mẹ sẽ quay về tìm con. Bố đã đợi hai mươi mấy năm nay nhưng điều
đó chưa thành hiện thực thì bây giờ con hãy thay bố tiếp tục đợi mẹ và thực hiện
ước mơ trở thành cô giáo của mình, quay về cống hiến cho quê hương nghe con. Bố
biết rất khó khăn để nói ra điều này cùng con nhưng giờ đây bố lại cảm thấy nhẹ
lòng. Con là một cô gái thông minh nên phải hiểu được việc gì cần làm và việc
gì không cần làm, cái gì đáng bỏ qua thì ta bỏ qua. Phải mở rộng lòng ra thì
trái tim ta mới hòa chung nhịp đập cùng mọi người con yêu nhé!
Có lẽ trước khi về với đất mẹ, bố chỉ có vài lời muốn
gửi đến con gái yêu quý của bố vậy thôi. Bố mong rằng sau này con sẽ là một người
giáo viên mẫu mực, là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Cố gắng phấn đấu thắp
lửa niềm tin cho các em nhỏ, đừng ngại khổ, đừng ngại khó dù có ở núi cao hay đồng
bằng thì con vẫn cứ là con, hãy cháy hết mình với cái nghề mình đã chọn. Bố tin
rằng con sẽ làm được và bố cũng tin rằng một ngày nào đó mẹ sẽ về với đứa con
gái tội nghiệp của bố. Lời cuối cùng bố muốn nói với con là bố yêu con rất nhiều,
con là sự sống của bố, là cả thế giới mà bố đặt chân đến. Sự thành công của con
chính là niềm hãnh diện của bố. Hãy cố gắng con nhé! Yêu và nhớ con gái của bố!
Bố của con!
Đọc xong bức thư
thì mấy trang giấy cũng nhòe đi vì nước mắt. Nó không biết nói gì, chỉ muốn ôm
chặt lấy bố vào lúc này nhưng còn đâu? Ôm lá thư vào lòng nằm gục xuống giường,
nó thiếp đi khi nào không hay. Trong mơ, nó thấy mình gọi bố và bố tươi cười với
nó nhưng không bao giờ nó được chạm vào đôi bàn tay chai sần của bố một lần nào
nữa.
Và rồi thực hiện
theo di nguyện của bố cũng như ước mơ từ nhỏ của nó, nó đã thực sự trở thành một
cô giáo dạy văn ngay tại ngôi làng mà mình sinh ra. Hằng ngày nó vẫn đi về
hương khói cho bố, có hôm nó lại ra trước hiên nhà đứng đợi... nhưng càng đợi lại
càng thấy mong manh. Thỉnh thoảng nó lại nhớ chén mắm kho quẹt ngày nào. Nó nhớ
nụ cười của bố khi quẹt mắm. Những lúc như thế nó lại ao ước được ăn chung bữa
cơm cùng bố với chén mắm kho quẹt ấy. Một điều ước giản dị nhưng sao quá xa vời. Nghĩ đến đây nó buồn bã rồi lại quay
vào nhà thắp nén nhang lên bàn thờ bố. Đời người là vậy, nước mắt chảy xuôi chứ
có bao giờ ngược dòng. Đến lúc thành tài, muốn đáp đền ơn dưỡng dục của bố thì
bố lại bỏ nó ra đi mãi mãi. Cha mẹ lúc nào cũng là người yêu thương ta chân
thành, là ngân hàng để cho ta vay nhưng không hoàn trả bao giờ. Chính vì vậy mà
bổn phận làm con chúng ta hãy trân trọng và hãy quý từng giây từng phút khi có
mẹ cha bên cạnh để sau này không phải nói hai từ giá như… Nó là đứa con hiếu thảo
nhưng cuối cùng hai từ “giá như” vẫn làm nó nặng lòng.
Rồi một ngày khi
đang trên đường đi dạy về, nghe tiếng thím Bảy gọi nó. Vội dừng xe. Thím Bảy hì
hục chạy lại thở hổn hểnh nói với nó bằng cái giọng đứt quãng: “ Nghe… đâu sáng
nay có một người… phụ nữ tìm con, con về nhà xem thử có phải là… mẹ mình
không”. Vui quá nó chạy về nhà một mạch mà quên rằng mình còn chưa gửi lời cảm
ơn đến thím Bảy.
Châu Long
CHÂU
LONG
Trường
THCS Huỳnh Thúc Kháng,
Thôn
Dương Trung, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Gmail:
chaulong91@gmail.com