Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 8, 2017

TỪ QUY LUẬT GIÓ MÙA, NGƯ DÂN NINH THUẬN, BÌNH THUẬN SÁNG TÁC CA DAO TRỮ TÌNH - Đình Hy





TỪ QUY LUẬT GIÓ MÙA, NGƯ DÂN
NINH THUẬN, BÌNH THUẬN SÁNG TÁC
CA DAO TRỮ TÌNH
{HAY CƠ CHẾ
“MÃN MÙA CÁ NỤC XA CHÀ…”}
Đình Hy



Đến đầu thế kỷ XXI, ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn lưu truyền những câu ca dao trữ tình, cháy bỏng tình thương nhớ của những đôi nam nữ ngư dân, như:
“Mãn mùa cá nục xa chà
Bạn đà xa thợ, anh đà xa em”…
Trong bài viết này, tôi chỉ nói đến sự tác động của điều kiện tự nhiên, quy luật thời tiết sinh ra cơ chế đi biển, lập nghiệp vùng đất mới và việc sáng tạo ca dao trữ tình của ngư dân 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
I- TỔNG QUAN TỰ NHIÊN:
A- Đặc điểm khí hậu:
Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm, gió mùa nên 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chịu quy luật khí hậu chung của khu vực, đồng thời cũng có những đặc thù riêng.
1. Gió mùa: 2 hệ thống gió mùa chính chi phối vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận là:
- Gió mùa Đông Bắc: từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, cao điểm từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, gió có lúc trên cấp 6 (11m/s), gây ra nhiều đợt biển động, có khi nhiều ngày, không thể ra khơi khai thác hải sản trên biển. Ngư dân gọi mùa này là mùa Bấc.
- Gió mùa Tây Nam: từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, thổi song song đường bờ biển và ổn định hơn gió mùa Đông Bắc, nên thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân gọi là mùa Nam, mùa cá Nam.
2. Lượng mưa: hằng năm mùa mưa diễn ra ở Ninh Thuận, Bình Thuận từ tháng 5 đến tháng 11. Tuy nhiên lượng mưa rất ít, từ 700mm -> 1200mm nên Ninh Thuận, Bình Thuận xếp loại vùng khô hạn so với cả nước.
3. Bão: 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, bão xuất hiện ít hơn so với các tỉnh Trung bộ khác và Bắc bộ. Theo số liệu quan trắc, bình quân cứ 5 năm mới có 1 cơn bão vào vùng này. Mặt khác, khi bão xuất hiện và đổ bộ vào vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận thường suy yếu hẳn do địa hình tự nhiên bờ biển, đặc biệt hoạt động nhiệt động học của "nước trồi", cộng với tác dụng hoàn lưu của khối khí lạnh phía Bắc tràn xuống, đã cản được sức gió bão một cách đáng kể, thậm chí làm suy yếu chúng trước khi vào đất liền, như cơn bão Lucky ngày 27/11/1962.
Song, có những cơn bão, dù hãn hữu, cũng gây tổn thất lớn lao về người và của cải, như cơn bão số 9 ngày 16/10/1983 đã tàn phá gây mất mát lớn về người, phương tiện và nhà cửa vùng Cà Ná, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, vùng biển huyện Tuy Phong, vùng Mũi Né, Bình Thuận.
Nói cách khác, Ninh Thuận, Bình Thuận thường nằm ngoài hành lang của bão đổ bộ hằng năm vào nước ta, thuận lợi đánh bắt cá trên biển.
4. Ngoài ra, cơ chế bán nhật triều đã giúp ngư dân di chuyển thuyền ra vào các cửa sông thuận lợi, kể cả việc đóng và sửa chữa tàu thuyền...
B- Nguồn lợi hải sản:
Tiềm năng hải sản vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận bắt nguồn trực tiếp từ thức ăn cho các loài hải sản. Nguồn thức ăn đó là các loài rong, tảo, phù du thực vật, phù du động vật rất dồi dào, cộng với điều kiện tự nhiên, khí hậu, hải lưu đã hấp dẫn các loài cá, tôm, mực đến từ các khu vực trong Biển Đông.
Kết quả điều tra của các đề tài về nguồn lợi hải sản cho thấy: có 538 loài cá khác nhau, trong đó nhóm cá nổi có 146 loài chiếm 27,13%, nhóm cá đáy (gần đáy) có 392 loài chiếm 72,86%. Cũng theo các tài liệu, cá nổi xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, vào mùa gió Tây Nam và tỷ lệ cá nổi mùa này chiếm 70% đến 80% tổng sản lượng khai thác cả năm, trong đó cá nục chiếm 60%, tiếp đến là cá cơm, cá trích, cá chỉ vàng, cá mòi, cá đối. Chủng loại cá đáy cũng khá phong phú như cá hồng, cá xạo, cá bớp, cá cam, cá trác, cá ngộ, cá bẹ, cá ngừ... Cá đáy khai thác chủ yếu vào mùa gió Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau ở ngoài khơi sâu 50m nước. Tổng sản lượng khai thác hàng năm về cá tươi, mực và sò, điệp, tôm rất lớn.
Việc chế biến hải sản đã trở thành truyền thống, trong đó chế biến nước mắm thuộc loại nổi tiếng trong và ngoài nước với sản lượng lớn, nhất là các thương hiệu nước mắm Phan Thiết.
Đây là những yếu tố thuận lợi thu hút mạnh các luồng ngư dân di cư từ các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ đến Ninh Thuận, Bình Thuận lập nghiệp trong khoảng 300 năm nay.
II- Tóm lược quá trình hình thành ngư dân vùng biển 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận:
Quá trình hình thành cư dân vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận đến nay trên dưới 300 năm. Các luồng cư dân mở mang, khai phá vùng đất Nam Trung bộ, Nam bộ do nhiều nguyên nhân kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là giai đoạn 2 thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Từ đó, về chính trị, các Chúa Nguyễn chủ trương mở rộng lãnh thổ về phía Nam; về kinh tế, nhân dân không chịu nổi lầm than, đã tự tìm về phương Nam bằng đường biển để tránh chiến tranh, loạn lạc, tìm sự yên bình để làm ăn sinh sống. Do đó riêng ở các tỉnh Trung bộ hình thành từng xóm chài ở vùng biên ải phía Nam tại một số ven bờ, vịnh, đảo rất biệt lập.
Đối với Ninh Thuận, Bình Thuận, năm 1693, Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên vùng đất này là Trấn Thuận Thành, năm 1697, đặt phủ Bình Thuận, gồm 4 đạo: Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài (1).
Từ đó đến nay, qua bao thăng trầm lịch sử, 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển không ngừng trong lòng quốc gia thống nhất.
II.1- Diện mạo ngư nghiệp, ngư dân tỉnh Bình Thuận qua các giai đoạn.
1- Diện mạo ngư nghiệp, ngư dân tỉnh Bình Thuận trước năm 1885.
Dựa vào một số ghi chép ít ỏi về ngư nghiệp trong nguồn sử liệu và các tư liệu điền dã tại các Vạn chài, thì chúng ta biết một cách khái quát về diện mạo ngư nghiệp, ngư dân Ninh Thuận, Bình Thuận như sau:
Sự cát cứ, tranh giành thế lực giữa Trịnh - Nguyễn là nguyên nhân làm cho dân phiêu tán và di cư đến những vùng có cơ hội yên ổn làm ăn. Ở Đàng Trong, sự chuyển dịch dân cư này có 2 nguyên nhân: sự tổ chức khai hoang lập làng của các Chúa Nguyễn và sự ra đi tự phát của dân. Trước thực tế đó, tâm lý người dân di cư có điểm chung: tìm sự yên ổn làm ăn, đoàn kết tương trợ nhau, thoáng đạt trong suy nghĩ, việc làm hơn ở cố hương, trọng nghĩa khí, lại gặp điều kiện thuận lợi cho làm ăn nên ngư dân đã lập nghiệp, hình thành các vạn chài ban đầu. Việc xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới dựa vào năng lực hiện hữu, cộng với kinh nghiệm, vốn liếng văn hóa mang theo từ quê hương cũ, họ lập nên những vạn chài đầu tiên ở dọc bờ biển, vịnh biển, cửa sông giáp biển, như vịnh Ninh Chử, Đông Hải, Cà Ná (Ninh Thuận), La Gàn, Phan Rí Cửa, Mũi Né, Phố Hài, Phan Thiết, La Gi (Bình Thuận). Ngoài ra, họ tuân thủ cuộc sống, ứng xử hòa hiếu với cư dân Chăm bản địa, tôn trọng những tập quán, thờ tự của dân tộc này, như một số đình làng/ lăng vạn có thờ nữ thần Thiên-Y-A-Na, thờ vua Chăm...
2- Diện mạo ngư nghiệp, ngư dân tỉnh Bình Thuận năm 1885 đến những thập niên đầu thế kỷ XX.
Cuộc xâm lăng của Pháp bắt đầu từ năm 1858 đã thay đổi cục diện đất nước. Cư dân vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận nằm trong vận mệnh của toàn dân tộc bị thực dân Pháp thống trị. Tình hình ngư nghiệp Ninh Thuận, Bình Thuận cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có những biến đổi lớn, thực dân Pháp áp dụng những chính sách khai thác kinh tế thuộc địa phục vụ lợi ích nước Pháp và bộ máy thống trị; do đó nhiều cơ sở khai thác, chế biến và hạ tầng dịch vụ được xây dựng, nhất là ở Ninh Chử, Cà Ná, Phan Thiết, Phan Rí Cửa. Giai đoạn này thị trường hải sản mở rộng, xuất khẩu cũng bắt đầu. Theo đó, diện mạo ngư nghiệp, ngư dân cũng khác các giai đoạn trước. Có thể nói rằng: người Pháp thấy rõ giá trị kinh tế do nghề biển đem lại nên từ cơ sở chế biến hải sản truyền thống cư dân Ninh Thuận, Bình Thuận, họ triệt để khai thác, tổ chức sản xuất mở rộng nghề làm nước mắm, cá khô, nghề làm muối... Trong các báo cáo của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ năm 1896 ghi như sau: "Nghề làm muối đang sinh lợi nhiều. Nghề làm cá mắm và nước mắm tích cực hoạt động trở lại từ sau tết. Các cửa biển Phan Rí, Phan Thiết, Mũi Né, Phố Hải, và La Gi đều đặc nghẹt các thuyền đến ăn hàng, nhất là muối. Thời gian gần đây, người ta báo tin chiếc tàu của ông Gajinê có ý định tổ chức một sở buôn dọc theo đường biển giữa Singapore, Sài Gòn, Phan Rí và Phan Rang"(tháng 3), "Nghề làm muối hiện nay đang khai thác náo nhiệt. Cánh đồng trên ra từ con đường Kim Ngọc đến Phố Hải giống như một bàn cờ khổng lồ..."(tháng 2). Năm 1942, Báo cáo kinh tế của Công sứ Pháp tại Bình Thuận và Ninh Thuận nêu rõ: "So với Ninh Thuận, sở muối Bình Thuận xuất khẩu không đáng kể, nhưng nước mắm và cá khô (trong đó gồm có muối) lại gấp nhiều lần."  Giai đoạn này cũng có rất nhiều "Hãng" tư nhân người Việt ra đời như: Công ty Nước mắm Liên Thành ra đời năm 1905, Nước mắm Vạn Hương sáng lập năm 1924, Nước mắm Nam Hương sáng lập năm 1929...(2).
III- TỪ QUY LUẬT GIÓ MÙA, NGƯ DÂN NINH THUẬN, BÌNH THUẬN SÁNG TÁC CA DAO TRỮ TÌNH; CƠ CHẾ “MÃN MÙA CÁ NỤC XA CHÀ…”
Lịch sử phát triển ngư nghiệp, ngư dân cực Nam Trung bộ là lịch sử phát triển liên tục của các luồng dân cư hoạt động nhiều lĩnh vực: di dân, đánh cá, buôn bán đường biển Bắc Nam. Bằng chứng là có câu ca nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Phú Yên và Ninh Thuận về đường biển:
-Mũi Nậy bảy bị còn ba,
Mũi Dinh chín bị chẳng tha bị nào.
[Thời đi buôn trên ghe bầu bằng buồm, chèo, qua Mũi Nậy (thuộc Đèo Cả, Phú Yên), ý nói đem bảy bị gạo ăn hết bốn còn ba thì cũng qua được, đến Mũi Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) dù đem theo chín bị gạo ăn hết cũng không qua được. Câu này nói sự nguy hiểm của dòng nước biển tại các mũi này].
Vì vùng biển phương Nam có nhiều cá tôm, dễ làm ăn như đã nêu, nên ngư dân lớp này đến lớp khác lần lượt vào làm ăn, nhất là ngư dân Nam, Ngãi, Bình, Phú. Thời mới mở mang phương Nam, trong dân gian lưu truyền câu: Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang, (nói đến gạo trắng nước trong Xứ Đồng Nai, Gia Định, Bà Rịa, tôm cá xứ Phan Rí, Phan Rang).
Trong quá trình lao động, ngư dân vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận đã sáng tác và lưu truyền nhiều câu tục ngữ, ca dao, hò vè. Tất nhiên do đặc điểm hình thành, quy tụ và cơ cấu di dân vùng biển này từ những luồng cư dân nhiều địa phương khác nhau, nên sự hiện diện tục ngữ, ca dao, hò vè cũng khá phong phú, nhiều vẻ, trong đó cũng có thể hiện tính phổ biến cho toàn khu vực Duyên hải miền Trung.
Ví dụ: - Muốn ăn bánh ít lá gai,
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.
Hoặc nói về kinh nghiệm thời tiết:
- Tháng giêng động dài
Tháng hai động tố
Tháng ba nồm rộ
Tháng tư nam non...
- Mùa săn giam nồi
Mùa nồm dòm nồi
Mùa bấc cất nồi.(3)
Hoặc thể loại vè cũng xuất hiện nhiều bài độc đáo như bài vè tên cá:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè tên cá
Hết tiền hết bạc
Là con cá Cờ
Đứng lại mà chờ
Là con cá Đợi
Phang xa không tới
Là con cá Dài
Vác cuốc đào khoai
Là con cá Củ…
Tuy nhiên ở bài viết này, chúng tôi chỉ nói đến mảng ca dao trữ tình, yêu đương của nam nữ ngư dân. Chính từ quy luật gió mùa đã sinh ra cơ chế những nhóm trai tráng đi làm ăn theo mùa cá Nam, rồi trở về quê khi hết mùa nên họ đã làm quen, nảy nở tình cảm với những cô gái ở tại chỗ. Tình yêu của họ đến với nhau trong những đêm trăng sáng, những lúc rỗi việc biển lên bờ nghỉ ngơi. Khá nhiều câu ca dao còn lưu lại trong trí nhớ ở những người cao tuổi vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận, họ xem đó là niềm vui khi đọc, ngâm nga, để hồi ức, tự hào về một thời dĩ vãng:
- Nửa đêm anh gối tay nàng
Sáng ra đánh cá gối đàn dây neo.
- Sáng trăng anh đánh cá ve
Em ngồi bụi chuối tai nghe anh hò
Hò khoan rồi lại hò lên,
Có đứt em nối, có quên em bày.
- Sáng trăng anh đánh cá ve
Em ngồi bụi dứa tai nghe anh hò
Miệng (anh) hò chân nhịp tình tang
Bữa nay không thấy bạn vàng sang chơi
Sáng trăng (anh) nói tối trời
Ghe chạy giữa vời sao (anh) nói chiếc đò đưa?
- Anh về Phan Thiết đưa đò
Trước đưa quan khách, sau dò ý em.
- Nước mắm ngon chấm con cá liệt
Em có chồng rồi nói thiệt anh nghe.
- Bãi hòn Rơm có con tôm nằm nép
Bãi hòn Sép có con tép lội ngang
Mũi La Gàn(4) có con cá hố
Đầu cầu sông Cạn có ổ chim sâu
Anh phân với em chưa dứt cơn sầu
Trách cho con gà kia cất tiếng gáy ở trên lầu tan canh.
- Gỏi nào ngon bằng gỏi cá mai
Trai nào lịch sự bằng trai lưới rùng
Gió Nam thổi tạt Quán Thùng(5)
Em còn mơ tưởng (thương) bạn lưới rùng nữa thôi.
- Đường đi một bãi hai truông
Anh còn mơ tưởng vợ Duồng(6) nữa thôi?.
- Nước mắm ngon thượng thủ
Chấm miếng đu đủ lửng đửng lờ đờ
Em thân với anh em vẫn còn khờ
Làm dâu cha mẹ cũng nhờ tiếng anh.
- Nước giếng Bụi Tre(7) đã ngon lại ngọt
Động Bà Lựa(8) cát nhỏ dễ đi
Em ơi em, anh biết em có nước da chì
Nhưng lòng anh thương đặng thì luận gì trắng đen.
Nhưng điều quan trọng nhất là tình cảm nảy nở, tình yêu thắm thiết kia sẽ bền vững, có kết quả tốt đẹp nếu như chàng trai miền ngoài thuận lập gia đình với cô gái Ninh Thuận, Bình Thuận. Lịch sử vạn chài của ngư dân 2 tỉnh này cũng chứng minh gốc gác dòng họ, gia đình đều hoặc từ các tỉnh Trung Trung bộ vào khai phá, làm ăn, hoặc lớp trai tráng sau đi bạn (đi làm thuê cho các chủ thuyền phía ngoài vào theo mùa cá Nam) vào và xây dựng gia đình với những cô gái tại chỗ. Cũng không hiểu vì sao, chúng tôi chưa sưu tầm được trong vốn ca dao dân gian vùng này có câu nào nói điều này, mặc dù sự thật lịch sử thì nhiều gia đình nên vợ nên chồng đều như thế. Ngược lại trong ca dao vùng này có nói nhiều về sự nhớ nhung, chia ly. Đó là những chàng trai miền ngoài, những cô gái các vạn chài ở vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận sợ nhất, buồn nhất là đã hết mùa cá Nam hằng năm. Đây là thời điểm báo hiệu chia ly. Ca dao đã bắt đầu lên tiếng để nói lên những tâm trạng buồn. Hiện thực này khiến họ sáng tác ra những câu ca dao nói về tình cảm của mình:
- Mãn mùa cá nục xa chà,(9)
Bạn đà xa thợ anh đà xa em.
(dị bản) - Mãn mùa cá nục xa chà
Bậu, nậu lẻ bạn, anh đà xa em.
- Còn nồm còn nam còn nhân còn ngãi,
Dông trên bấc rãi, nhân ngãi xa rời.
- Buồn tình cha chả buồn tình,
Họ về xứ họ bỏ mình bơ vơ.
- Ghe lui bạn lái cũng lui,
Vân vê vạt áo muốn xuôi theo chàng,
Theo chàng lên đỉnh xuống ngàn,
Đói no thiếp chịu, giàu sang thiếp nhờ.
Có lẽ chúng ta không bình luận gì thêm trước những vần thơ của những nhà thơ dân gian miền biển này.
Ở đây chúng tôi muốn kết thúc bài viết bằng những suy nghĩ:
- Tục ngữ, ca dao của ngư dân các vạn chài ở vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận đều có những nét riêng, nhưng vẫn mang tính chung của khu vực vùng biển Trung và Nam Trung bộ. Do quá trình hình thành dân cư Ninh Thuận, Bình Thuận đều từ các tỉnh Trung bộ vào là chính.
- Đã có những sáng tác tục ngữ, ca dao mang tính chất riêng của ngư dân Ninh Thuận, Bình Thuận như về địa danh, về cảnh quan, những cấu trúc ngôn từ, tư duy hình ảnh đều mang tính khu vực.
- Có những nội dung lạ, hay, cảm động về tình cảm xuất hiện trong tục ngữ, ca dao ở Ninh Thuận, Bình Thuận như dạng thức: Mãn mùa cá nục xa chà, thì đó là do điều kiện tự nhiên, quy luật thời tiết chi phối cơ chế đi biển làm ăn của ngư dân. Và đó là nội dung của bài viết này./.
-------------------------------
(1) Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, 1997, trang 126.
(2) Tài liệu lưu trữ của các gia đình làm nước mắm tại Phan Thiết.
(3) Mùa gió săn (mạnh) và mùa bấc không đi biển thì không có ăn, mùa nồm (gió nam) dòm nồi luôn luôn đầy.
(4) La Gàn, địa danh thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
(5) Quán Thùng: địa danh ở phía Nam thành phố Phan Thiết.
(6) Duồng: địa danh thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong.
(7) Giếng Bụi Tre: trước đây là giếng nước ngọt chính tại phường Mũi Né, Phan Thiết.
(8) Động cát cao trước khi đến phường Mũi Né.
(9) Chà: loại cây tre, lá dừa thả dưới đáy biển để nhử cá núp vào và đánh bắt.

READ MORE - TỪ QUY LUẬT GIÓ MÙA, NGƯ DÂN NINH THUẬN, BÌNH THUẬN SÁNG TÁC CA DAO TRỮ TÌNH - Đình Hy

NÉT HỒN NHIÊN, TỰ TẠI TRONG “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH”, THƠ TRANG Y HẠ - Lê Liên


        
                                        Tác giả Lê Liên


NÉT HỒN NHIÊN, TỰ TẠI TRONG “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH”, THƠ TRANG Y HẠ 
                                                                   Lê Liên

Tôi được sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt: Một thành phố rất đỗi bình yên . Ngày nhỏ, tôi  chỉ biết chiến tranh qua những câu chuyện do người lớn kể, hoặc qua những mẩu truyện lượm lặt, hay đọc được  lác đác ở đâu đó  mà thôi!
Thi thoảng, tôi thấy những đoàn xe quân vụ dài lê thê hàng  chục chiếc GMC bịt kín mít, nối đuôi nhau chạy  dài trên phố ; hoặc đêm đêm nhìn qua đồi pháo binh thấy có tia ánh sáng, quét ngang bầu trời một vòng 360 độ …
…. Với tôi đó là hình ảnh của chiến tranh!

Rồi dần dà, tôi thấy  men theo con mương nước chảy từ Hồ Xuân Hương dẫn ra thác Cam Ly, và ven đồi trên phố, là những căn nhà nho nhỏ dựng lên san sát bên nhau, trên con đường ( bây giờ gọi là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa )…. Ba tôi nói đó là khu nhà của thương binh.
….. Với tôi đó là dấu vết chiến tranh.
Ngày nọ, khi anh tôi ra nằm xuống, mang theo cả ý chí, cả nghị  lực của  ba tôi …. Rồi tôi hiểu thế nào là nỗi đau của chiến tranh!

Sáng nay, đọc bài thơ  của Trang Y Hạ: TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH,  tự nhiên lòng tôi lại quặn đau! Tôi hiểu đó là tàn tích của chiến tranh.
Tôi không biết Trang Y Hạ Là ai ? Tôi mày mò tìm trên mạng, đọc thêm một số bài viết khác của ông. Văn phong trong sáng, không hoa mỹ cầu kỳ. Chất liệu sống, sống động, dồi dào đến hay! Có lẽ, vì tôi thích những bài viết phản ảnh hiện thực khách quan của cuộc sống.
Tôi thực sự xúc động khi đọc:

Tao bị thương hai chân,
Cưa ngang đầu gối! 
Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày "Giải phóng Miền Nam"
Vợ tao "ẵm" tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời "Quân-Y-Viện"

Thật đau lòng khi mà một phận thân thể đã gởi vào lòng đất mẹ, vết thương chưa kịp kéo da non, thì đã bước vào một biến cố lớn. Thương thay, con người bỗng mong manh nhỏ bé như trẻ sơ sinh từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng (!) khi bắt đầu vào cuộc đời khốn khó (!).
Ai trong mỗi chúng ta cũng đều tìm được điểm tựa và  thấy lòng ấm áp mỗi khi trở về quê mẹ.  Ấy vậy mà anh   “ngụy thương binh" này chỉ có “căn chòi gió cuốn"  lọt thỏm trong  “bụi đất đỏ mù bay" dưới  bầu trời ảm đạm!

Mày biết không !
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.
Vợ tao: Như "thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay!
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao "Ôm" nổi bốn con người trong cơn gío lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao, một thằng lính què!

Và người vợ như “thiên thần” từ trên trời rơi xuống, bỗng biến thành cô Tấm yếu đuối, (thể chất),  không dám mong cầu có một “quả thị” bé nhỏ nào cả… cho bốn con người trước cơn lốc cuộc đời! Nhưng dẫu sao người thương binh ấy vẫn còn sức sống nhờ những giọt lệ chảy ngược vào lòng của vợ, đã dung dưỡng cho cha con anh! 
 Chúng ta cần “đôi hia vạn dặm” trong cuộc lữ hành, còn anh thương binh này

Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,
Làm "đôi chân" ngày ngày đi lại

Có lẽ dấu chân hành hương qua cuộc đời của anh khác với mọi người,  nhưng nó luôn kiên cường vượt qua mỗi chặng đường gian nan, để chu toàn bổn phận .
Tôi yêu tinh thần lạc quan, vượt khó (Cho heo ăn thật là “Thoải mái" /… “lê lết ra vườn” / hay “thân tàn tao làm nốt” / và “ Đời lính gian nan sá gì chuyện gió sương") của anh trong cuộc mưu sinh. Anh gởi tình yêu cuộc sống vào  “liếp rau” và “đám bắp xanh tươi,  bông trổ trắng ngần"

Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...
Cho heo ăn thật là "thoải mái" !
Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần!
Lên liếp trồng rau, thân tàn tao làm nốt.

Và tôi thầm nghĩ “cái ao sau vườn thả nuôi cá chốt” của vợ chồng anh, không chỉ có riêng vị ngọt của nước, mà còn có cả vị mặn của mồi hôi nữa .. khiến cho những con cá chốt lớn nhanh, mạnh mẽ như chính chủ nhân của nó

Phụ vợ đào ao sau vườn, rồi thả nuôi cá chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gío sương...

Đời sống dẫu cơ cực tơi đâu thì người ta vẫn vượt qua được , miễn là trong mỗi con người vẫn có trách nhiệm, lòng tin và lòng thương cảm dành cho nhau:
Tôi hiểu những người phụ nữ  dù ở trận tuyến nào, nếu “lấy chồng mang đời binh nghiệp" thì đã xác định được chuyện mất mát hy sinh là lẽ thường tình nên:

Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "buồn khóc"!

Còn khi chia ngọt, sẻ bùi, rồi cộng khổ bên nhau khiến họ chạnh lòng!
Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao... nuớc mắt bả... rưng rưng

Tôi yêu quá chừng và chọn câu :
“Nhìn tao... nuớc mắt bả... rưng rưng” làm tâm điểm cho cả bài thơ.
Trong câu thơ này, nghệ thuật tu từ đạt tới đỉnh điểm !
Bởi, xen giữa câu thơ bảy chữ, có đến hai lần thả dấu ba chấm (…) quả là cú pháp tuyệt vời,  làm cho cảm xúc chùng xuống , ngập ngừng ngắt nối,  rồi vút lên kết nối với thương cảm, thán phục  bởi sự  chịu thương , chịu khó lên tới đỉnh điểm!

Vậy đó! Vẫn  không khuất phục “khi cố kiềm nén lại! Chỉ  “rưng rưng”  khéo giữ cho ngấn lệ không được tuôn trào
 Hai từ “rưng rưng “sao mà chua xót, sao mà đắng cay!  Nó khiến ta mủi lòng, nhưng không làm cho ta  cảm thấy yếu lòng trước sự quả cảm, kiên cường của người vợ.
Khi số phận mỗi con người nổi trôi theo vận nước,  thì lực bất tòng tâm, chỉ biết gởi cho nhau tấm chân tình.

Lâu lắm, tao nhớ mầy quá chừng.
Kể từ ngày, mày "Được đi ải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Xa xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi!

Chỉ còn trong ký ức.
Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời...
Không thèm quay trở lại
Một chút thấm buồn :
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái.
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu!

Ôi! Sao cụm từ  “ngồi hóng gió nhớ …buồn hiu!"  của “anh thương binh ngụy” nghe mang mang khó tả lắm! Vừa dễ thương, vừa chân chất nhưng không trĩu nặng nỗi sầu .
Đã vậy , còn thêm lời mời mọc vu vơ :

Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều"!

Và bàng quan:

Còn "yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.
Tao đếch biết!

Ôi cụm từ “Về thăm lại  nghe chừng buồn quá! Nghĩa là chỉ vì lưu luyến nên “thăm lại” rồi đi ư !?

Ôi! Sao cũng được,  mặc kệ!
Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến... điếc!

Nghe chừng độc ẩm không vui, rượu chỉ ngon khi có “bạn hiền"
Phải, “Tửu nhập ngôn xuất” có tri âm tri kỷ tha hồ đàm đạo !
 Và,  khi ở  trạng thái say thì màng nhĩ co lại, tai có thính nữa  đâu (?!?)… Mà không oang oang mới lạ? có lẽ họ thi nhau uống cho đến ĐIẾC cũng chẳng cam!?

Tôi thương bài thơ này! Tôi ngưỡng mộ hai vợ chồng người thương binh ngụy, dù tôi không hiểu rõ tại sao gọi là ngụy ? Tôi không biết phân biệt giới tuyến! Tôi chỉ biết rằng thân phận mỗi con người đều gắn liền với vận mệnh của đất nước tôi, và tôi đọc thơ bằng trái tim yêu thương của mình!
Tôi không xấu hổ khi nói với quý bạn rằng tôi vừa đọc thơ Trang Y Hạ vừa khóc, dù tôi biết nhân vật “ Tao – Vợ tao (bả) ” thân thiết trong thơ  rất kiên cường, tự tại , họ không khóc, không đầu hàng trước những cơn gió lốc cuộc đời  bao giờ!

Bài thơ “Tâm Sự Người Thương Binh" của Trang Y Hạ giống như “một lá thư hồn nhiên”, chân chất mà tôi được đọc! 
Đoc để khóc, để thương, để cảm thông nhưng không bi lụy. Nếu không nói là ngưỡng mộ vô cùng!
Tôi chợt nhớ đến điều thú vị này, kể cho quý bạn biết về tác giả ấy, để chúng ta thêm tin yêu cuộc sống .

Bởi vì,  không những tôi mà rất nhiều người trên thế giới  đã  yêu quý, thán phục trí tuệ, ngưỡng mộ tâm hồn rộng mở , y chí vượt khó  và tinh thân lạc quan của một bạn trẻ  đi khắp thế giới, ngoài việc  truyền bá Phúc Âm, thì mục tiêu hàng đầu của bạn ấy vẫn là truyền cảm hứng,  mang động lực sống đến cho giới trẻ. Bạn ấy  thành lập Quỹ Life Without Limbs  (Cuộc Sống Không Có Chân Tay ) khi mới 17 tuổi , đó là NICK VUJICIC. Bạn này KHÔNG CÓ TỨ CHI BẨM SINH.

Hôm nay, tôi lại có bài học quý giá từ một thương binh ngụy.
Vợ chồng anh đã dũng cảm đối diện với nghịch cảnh,
thái độ lạc quan  tích cực  của anh chị khiến tôi thán phục vô cùng.
Anh chị đã xoay chuyển được hoàn cảnh và tìm ra lối thoát cho chính  bản thân và gia đình bằng cả tình yêu sắc son, chung thủy. Thật đáng ngưỡng mộ biết bao!

Nếu được viết tên một ai mình quý mến, tôi sẽ nắn nót viết người thương binh ngụy này.  

Cảm ơn nhà thơ Trang Y Hạ rất nhiều.

                                                                     Trân trọng.
                                                                        Lê Liên

READ MORE - NÉT HỒN NHIÊN, TỰ TẠI TRONG “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH”, THƠ TRANG Y HẠ - Lê Liên

CHÙM THƠ LỤC BÁT TỊNH ĐÀM


                   Tác giả Tịnh Đàm
 



THÈM NGHE MỘT TIẾNG RU HỜI

Đắng lòng,
Bởi chuyện ấm no
Ngày qua,
Tháng lại ...vẫn lo nỗi đời.
Thèm nghe...
Một tiếng ru hời
Để quên đi,
Chút nổi trôi...
Phận buồn !...


TƯƠNG TƯ

Với em,
Mộng vẫn khói sương .
Để năm tháng rụng bên đường ...
Đâu hay !
Với anh,
Về lại chốn này
Ngẩn ngơ... xếp lá
Cho đầy tương tư.


MỘNG CHIỀU

Ngoài kia, chút nắng mong manh
Vội đem chiều tím dệt thành cõi mơ.
Để lòng anh... những ngẩn ngơ
Bước đi tưởng đã động hờ... lối xưa.
Mộng bên cánh võng đong đưa,
Lời ru...
Ai hát cho vừa nhớ thương.

                   TỊNH ĐÀM
                   (TP HCM)

READ MORE - CHÙM THƠ LỤC BÁT TỊNH ĐÀM

GẶP LẠI BẠN SÔNG MAO - Thơ Hoàng Yên Lynh





GẶP LẠI BẠN SÔNG MAO                                                                 
Tụi mình gặp nhau ngỡ như huyền thoại
Nhớ ra điều sống được cũng là may
Quả đất tròn giữa bộn bề khốn khó
Còn gọi tên nhau tay nắm bàn tay.

Tôi trở về thân rách nát tả tơi
Cô độc tha phương cay đắng bước đời
Lận đận xe ôm hàng ngày kiếm sống
Gặp lại nhau đã tóc trắng mây trời.

Gặp lại nhau chẳng trách đời khốn nạn
Chẳng trách tình ấm lạnh của nhân gian
Uống với nhau ly rượu này để nhớ
Đã một thời gian khổ sống bên nhau.

Rượu cố tri nồng ấm tình Quảng Trị
Tôi rót đầy anh uống cạn rồi đi
Ở xứ người hẳn lắm điều suy nghĩ
Sống ly hương thao thức suốt canh dài.

Chạm ly này biết khi nào gặp lại
Anh phương trời tôi cô độc cố hương
Chuyện hợp tan vốn là lẽ vô thường
Nâng ly nữa,ừ người đi kẻ ở.

                        Hoàng Yên Lynh                                                      
                                                                                             
READ MORE - GẶP LẠI BẠN SÔNG MAO - Thơ Hoàng Yên Lynh