Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 8, 2017

NÉT HỒN NHIÊN, TỰ TẠI TRONG “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH”, THƠ TRANG Y HẠ - Lê Liên


        
                                        Tác giả Lê Liên


NÉT HỒN NHIÊN, TỰ TẠI TRONG “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH”, THƠ TRANG Y HẠ 
                                                                   Lê Liên

Tôi được sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt: Một thành phố rất đỗi bình yên . Ngày nhỏ, tôi  chỉ biết chiến tranh qua những câu chuyện do người lớn kể, hoặc qua những mẩu truyện lượm lặt, hay đọc được  lác đác ở đâu đó  mà thôi!
Thi thoảng, tôi thấy những đoàn xe quân vụ dài lê thê hàng  chục chiếc GMC bịt kín mít, nối đuôi nhau chạy  dài trên phố ; hoặc đêm đêm nhìn qua đồi pháo binh thấy có tia ánh sáng, quét ngang bầu trời một vòng 360 độ …
…. Với tôi đó là hình ảnh của chiến tranh!

Rồi dần dà, tôi thấy  men theo con mương nước chảy từ Hồ Xuân Hương dẫn ra thác Cam Ly, và ven đồi trên phố, là những căn nhà nho nhỏ dựng lên san sát bên nhau, trên con đường ( bây giờ gọi là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa )…. Ba tôi nói đó là khu nhà của thương binh.
….. Với tôi đó là dấu vết chiến tranh.
Ngày nọ, khi anh tôi ra nằm xuống, mang theo cả ý chí, cả nghị  lực của  ba tôi …. Rồi tôi hiểu thế nào là nỗi đau của chiến tranh!

Sáng nay, đọc bài thơ  của Trang Y Hạ: TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH,  tự nhiên lòng tôi lại quặn đau! Tôi hiểu đó là tàn tích của chiến tranh.
Tôi không biết Trang Y Hạ Là ai ? Tôi mày mò tìm trên mạng, đọc thêm một số bài viết khác của ông. Văn phong trong sáng, không hoa mỹ cầu kỳ. Chất liệu sống, sống động, dồi dào đến hay! Có lẽ, vì tôi thích những bài viết phản ảnh hiện thực khách quan của cuộc sống.
Tôi thực sự xúc động khi đọc:

Tao bị thương hai chân,
Cưa ngang đầu gối! 
Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày "Giải phóng Miền Nam"
Vợ tao "ẵm" tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời "Quân-Y-Viện"

Thật đau lòng khi mà một phận thân thể đã gởi vào lòng đất mẹ, vết thương chưa kịp kéo da non, thì đã bước vào một biến cố lớn. Thương thay, con người bỗng mong manh nhỏ bé như trẻ sơ sinh từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng (!) khi bắt đầu vào cuộc đời khốn khó (!).
Ai trong mỗi chúng ta cũng đều tìm được điểm tựa và  thấy lòng ấm áp mỗi khi trở về quê mẹ.  Ấy vậy mà anh   “ngụy thương binh" này chỉ có “căn chòi gió cuốn"  lọt thỏm trong  “bụi đất đỏ mù bay" dưới  bầu trời ảm đạm!

Mày biết không !
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.
Vợ tao: Như "thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay!
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao "Ôm" nổi bốn con người trong cơn gío lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao, một thằng lính què!

Và người vợ như “thiên thần” từ trên trời rơi xuống, bỗng biến thành cô Tấm yếu đuối, (thể chất),  không dám mong cầu có một “quả thị” bé nhỏ nào cả… cho bốn con người trước cơn lốc cuộc đời! Nhưng dẫu sao người thương binh ấy vẫn còn sức sống nhờ những giọt lệ chảy ngược vào lòng của vợ, đã dung dưỡng cho cha con anh! 
 Chúng ta cần “đôi hia vạn dặm” trong cuộc lữ hành, còn anh thương binh này

Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,
Làm "đôi chân" ngày ngày đi lại

Có lẽ dấu chân hành hương qua cuộc đời của anh khác với mọi người,  nhưng nó luôn kiên cường vượt qua mỗi chặng đường gian nan, để chu toàn bổn phận .
Tôi yêu tinh thần lạc quan, vượt khó (Cho heo ăn thật là “Thoải mái" /… “lê lết ra vườn” / hay “thân tàn tao làm nốt” / và “ Đời lính gian nan sá gì chuyện gió sương") của anh trong cuộc mưu sinh. Anh gởi tình yêu cuộc sống vào  “liếp rau” và “đám bắp xanh tươi,  bông trổ trắng ngần"

Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...
Cho heo ăn thật là "thoải mái" !
Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần!
Lên liếp trồng rau, thân tàn tao làm nốt.

Và tôi thầm nghĩ “cái ao sau vườn thả nuôi cá chốt” của vợ chồng anh, không chỉ có riêng vị ngọt của nước, mà còn có cả vị mặn của mồi hôi nữa .. khiến cho những con cá chốt lớn nhanh, mạnh mẽ như chính chủ nhân của nó

Phụ vợ đào ao sau vườn, rồi thả nuôi cá chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gío sương...

Đời sống dẫu cơ cực tơi đâu thì người ta vẫn vượt qua được , miễn là trong mỗi con người vẫn có trách nhiệm, lòng tin và lòng thương cảm dành cho nhau:
Tôi hiểu những người phụ nữ  dù ở trận tuyến nào, nếu “lấy chồng mang đời binh nghiệp" thì đã xác định được chuyện mất mát hy sinh là lẽ thường tình nên:

Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "buồn khóc"!

Còn khi chia ngọt, sẻ bùi, rồi cộng khổ bên nhau khiến họ chạnh lòng!
Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao... nuớc mắt bả... rưng rưng

Tôi yêu quá chừng và chọn câu :
“Nhìn tao... nuớc mắt bả... rưng rưng” làm tâm điểm cho cả bài thơ.
Trong câu thơ này, nghệ thuật tu từ đạt tới đỉnh điểm !
Bởi, xen giữa câu thơ bảy chữ, có đến hai lần thả dấu ba chấm (…) quả là cú pháp tuyệt vời,  làm cho cảm xúc chùng xuống , ngập ngừng ngắt nối,  rồi vút lên kết nối với thương cảm, thán phục  bởi sự  chịu thương , chịu khó lên tới đỉnh điểm!

Vậy đó! Vẫn  không khuất phục “khi cố kiềm nén lại! Chỉ  “rưng rưng”  khéo giữ cho ngấn lệ không được tuôn trào
 Hai từ “rưng rưng “sao mà chua xót, sao mà đắng cay!  Nó khiến ta mủi lòng, nhưng không làm cho ta  cảm thấy yếu lòng trước sự quả cảm, kiên cường của người vợ.
Khi số phận mỗi con người nổi trôi theo vận nước,  thì lực bất tòng tâm, chỉ biết gởi cho nhau tấm chân tình.

Lâu lắm, tao nhớ mầy quá chừng.
Kể từ ngày, mày "Được đi ải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Xa xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi!

Chỉ còn trong ký ức.
Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời...
Không thèm quay trở lại
Một chút thấm buồn :
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái.
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu!

Ôi! Sao cụm từ  “ngồi hóng gió nhớ …buồn hiu!"  của “anh thương binh ngụy” nghe mang mang khó tả lắm! Vừa dễ thương, vừa chân chất nhưng không trĩu nặng nỗi sầu .
Đã vậy , còn thêm lời mời mọc vu vơ :

Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều"!

Và bàng quan:

Còn "yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.
Tao đếch biết!

Ôi cụm từ “Về thăm lại  nghe chừng buồn quá! Nghĩa là chỉ vì lưu luyến nên “thăm lại” rồi đi ư !?

Ôi! Sao cũng được,  mặc kệ!
Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến... điếc!

Nghe chừng độc ẩm không vui, rượu chỉ ngon khi có “bạn hiền"
Phải, “Tửu nhập ngôn xuất” có tri âm tri kỷ tha hồ đàm đạo !
 Và,  khi ở  trạng thái say thì màng nhĩ co lại, tai có thính nữa  đâu (?!?)… Mà không oang oang mới lạ? có lẽ họ thi nhau uống cho đến ĐIẾC cũng chẳng cam!?

Tôi thương bài thơ này! Tôi ngưỡng mộ hai vợ chồng người thương binh ngụy, dù tôi không hiểu rõ tại sao gọi là ngụy ? Tôi không biết phân biệt giới tuyến! Tôi chỉ biết rằng thân phận mỗi con người đều gắn liền với vận mệnh của đất nước tôi, và tôi đọc thơ bằng trái tim yêu thương của mình!
Tôi không xấu hổ khi nói với quý bạn rằng tôi vừa đọc thơ Trang Y Hạ vừa khóc, dù tôi biết nhân vật “ Tao – Vợ tao (bả) ” thân thiết trong thơ  rất kiên cường, tự tại , họ không khóc, không đầu hàng trước những cơn gió lốc cuộc đời  bao giờ!

Bài thơ “Tâm Sự Người Thương Binh" của Trang Y Hạ giống như “một lá thư hồn nhiên”, chân chất mà tôi được đọc! 
Đoc để khóc, để thương, để cảm thông nhưng không bi lụy. Nếu không nói là ngưỡng mộ vô cùng!
Tôi chợt nhớ đến điều thú vị này, kể cho quý bạn biết về tác giả ấy, để chúng ta thêm tin yêu cuộc sống .

Bởi vì,  không những tôi mà rất nhiều người trên thế giới  đã  yêu quý, thán phục trí tuệ, ngưỡng mộ tâm hồn rộng mở , y chí vượt khó  và tinh thân lạc quan của một bạn trẻ  đi khắp thế giới, ngoài việc  truyền bá Phúc Âm, thì mục tiêu hàng đầu của bạn ấy vẫn là truyền cảm hứng,  mang động lực sống đến cho giới trẻ. Bạn ấy  thành lập Quỹ Life Without Limbs  (Cuộc Sống Không Có Chân Tay ) khi mới 17 tuổi , đó là NICK VUJICIC. Bạn này KHÔNG CÓ TỨ CHI BẨM SINH.

Hôm nay, tôi lại có bài học quý giá từ một thương binh ngụy.
Vợ chồng anh đã dũng cảm đối diện với nghịch cảnh,
thái độ lạc quan  tích cực  của anh chị khiến tôi thán phục vô cùng.
Anh chị đã xoay chuyển được hoàn cảnh và tìm ra lối thoát cho chính  bản thân và gia đình bằng cả tình yêu sắc son, chung thủy. Thật đáng ngưỡng mộ biết bao!

Nếu được viết tên một ai mình quý mến, tôi sẽ nắn nót viết người thương binh ngụy này.  

Cảm ơn nhà thơ Trang Y Hạ rất nhiều.

                                                                     Trân trọng.
                                                                        Lê Liên

No comments: