Tác giả Trúc Lệ
CHIẾC CHUỒNG CHIM CÂU
Mưa mãi, hôm nay chợt nắng ấm. Bà mẹ đứng trong hàng hiên nhìn ra vườn, nơi có chiếc chuồng chim bồ câu. Những đôi chim câu đứng trên bệ chuồng nghênh cổ nhìn trời. Có con bay lên lại đáp xuống rỉa cánh, chúng nói với nhau bằng ngôn ngữ của loài chim “gù... rù rù ... gù ... rù rù” rộn rã vui vẻ dưới nắng sớm.
Bà mẹ chợt thấy lòng nao nao... bâng khuâng nhớ về anh thương binh của ngày xa xưa... mà mẹ hằng chăm sóc khi các anh được chia dưỡng thương ở làng này – Một làng quê nhiều cây trái như hầu hết các làng quê của tổ quốc Việt Nam – Anh thương binh hiền khô có cái tên như gió thoảng trưa hè Thanh Phong.
Khi anh đã dần bình phục vết thương, anh siêng làm việc lạ. Công việc hợp tác, việc nhà bà mẹ và cô con gái có tên là út Nhỏ đảm nhiệm (cô đang phát triển chiều cao ở lứa tuổi 15)
Anh thương binh tuy còn yếu, song anh nào chịu ở không. Anh sửa dãy hàng rào đã hư nhiều chỗ chiếc chuồng gà lỏng mộng lung lay, kéo nước giếng đổ vào lu khi việc này, lúc việc nọ vừa làm anh vừa khe khẽ hát – Khi thì điệu dân ca sâu lắng ngọt ngào, lúc là bài quân hành rộn rã, cao hứng lên anh còn ca vọng cổ và bỏ câu thòong thật là mùi mẫn...
Những đêm trăng, trẻ trong xóm đến, vây quanh anh, đòi anh dạy ca. Anh vui vẻ lựa những bài ca thiếu nhi dạy cho các em. Tiếng ca non nớt trong vút của các em, đi với giọng trầm của anh hòa thành bản hợp ca rộn ràng làm xao động ánh trăng trên ngàn lá.
Còn Út Nhỏ tinh nghịch thường chọc phá anh thương binh – Anh sửa hàng rào, út dấu lạt sửa chuồng gà, út dấu đinh, dấu búa ... Thực ra không phải út xấu chơi, ác ý mà út muốn anh nghỉ ngơi cho khỏe mà thôi ...
... Bà mẹ vẫn đăm đăm nhìn chiếc chuồng chim câu... Đấy! từ một đôi chim non, anh thương binh đi chợ mua về cho cô út (mặc sức bà mẹ rầy la không nhận, bí quá anh nói – “Để con nhờ mẹ và út nuôi dùm”. Chuồng chưa có, anh mày mò kiếm những mảnh tôn cũ, mấy mảnh ván, xách dao ra bụi tre chặt, lựa. Vậy là dưới tay anh các phế liệu đã trở thành chiếc chuồng chim xinh đẹp, có hai tầng mái xoải, các ô cửa tròn được vẽ những nét hoa văn mềm mại chung quanh bằng gạch non. Chuồng được đặt trên chạc ba của cây sầu đâu lớn trong vườn ràng buộc kỹ. Hai bên chuồng có hai cây cau tỏa tán lá xanh đang thời kỳ trổ bông thơm ngát.
Anh thương binh sau khi đã phục hồi sức khỏe. Trước tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước – anh đã tạm biệt bà mẹ và cô út lên đường về đơn vị. Đôi chim câu anh để lại nay đã nhân lên đàn đàn, lũ lũ. Chúng bay vào hiên nhà mỗi sáng để đòi ăn. Cô út Nhỏ nay đã lớn bồng lên như trong thần thoại – cô cho chim ăn hàng ngày thành quen, thấy cô là chúng bay theo ào ào đậu vào tay, vào vai cô.
... Bà mẹ thở dài nhè nhẹ... “Vậy là lại sắp đến ngày thương binh liệt sĩ ... sẽ bắt mấy chục cặp bồ câu đưa đến bệnh việc tặng cho bộ phận bệnh binh điều dưỡng...” bà mẹ chép miệng ... “Không biết bây giờ “Nó” ở đâu...tuy vắng “Nó” nhưng tất cả những điều tốt đẹp “Nó ”làm vẫn in đậm trong lòng bà con lối xóm ...vẫn hiện diện như chiếc chuồng chim câu với lũ chim sinh đôi đem lại niềm vui và lợi ích cho mọi người. Một tiếng “hù” lớn sau lưng làm bà mẹ giật mình quay lại. Cô út Nhỏ cười dòn như bắp rang, dứ trước mặt bà mẹ một phong thư miệng cô tía lia – Thư anh Phong, thư anh Phong gởi về nè mẹ...
Bà mẹ mừng húm – chao, mẹ cũng đang nghĩ đến “Nó” – Đọc mẹ nghe coi!
Cô gái cao giọng đọc thư, trong thư anh thăm hết bà con lối xóm, kể tình hình anh công tác cùng đồng đội mỗi khi có khó khăn là lại nhớ đến tình thương yêu và sự động viên chăm sóc của các Mẹ - Nên sức mạnh được nhân lên để vượt mọi gian nan ... Anh thay mặt đồng đội hứa sẽ xứng đáng với tấm lòng Hậu phương ...
Đang ngon trớn đọc, cô gái chợt nín khe bà mẹ ngỡ ngàng hối cô đọc tiếp. Nhưng cô gái liếc nhìn bà mẹ và nghẹo đầu sang bên, khiến cho mái tóc đẹp xòa ngang, hàng mi đen rủ xuống, một sắc hồng thoáng ửng trên đôi má thanh xuân.
Trúc Lệ
No comments:
Post a Comment