Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 30, 2023

DƯỜNG NHƯ MÙA ĐÔNG ĐI NGANG QUA – Thơ Trần Mai Ngân


   
              Nhà thơ Trần Mai Ngân

 
DƯỜNG NHƯ MÙA ĐÔNG
                ĐI NGANG QUA...
 
Dường như có mùa đông đi ngang qua
Dường như tiếng chim hót rất thật thà
Và dường như giống hệt ngày hôm qua
Ngày ta có nhau dòng sông im lặng...
 
Dường như thu bỏ đi nên giá lạnh
Đôi tay em tê cóng tháng mười hai
Chỗ đất thơm nay còn dấu chiếc hài
In thật đậm lần nhón chân run rẩy...
 
Mùa đi qua - mùa ân tình phụ rẫy
Tháng mười hai thôi tưởng tiếc làm gì
Xuân hay Thu làm hoen úa xuân thì
Nên gãy cánh thần tiên đêm mộng ảo
 
Tháng mười hai đã không còn giông bão
Lòng yên nguôi thanh thản đón mùa đông
Chợt nhận ra đời là những sắc không
Xuân Hạ Thu Đông... rồi xuân trở lại...
 
Thức đêm nay viết tròn bài dạ khúc
Cho tình em... và chúc phúc tình anh
Xin cây đời hoa lá mãi đẹp xanh
Mừng tuổi mới anh nơi xa hạnh phúc!
 
                                 Trần Mai Ngân
 
** Tặng tháng 12. Chúc cả nhà thân yêu an lành và hạnh phúc!
READ MORE - DƯỜNG NHƯ MÙA ĐÔNG ĐI NGANG QUA – Thơ Trần Mai Ngân

TRÊN HÀNH TRÌNH THỜI GIAN – Thơ Tịnh Bình


             
 

TRÊN HÀNH TRÌNH THỜI GIAN
 
Sẽ gợi lại miên man hồi ức
Khi vô tình gặp bầu trời màu xanh trứng sáo
Giấc mơ tách vỏ ra ràng
Cánh diều tuổi thơ những chiều thơm nắng
 
Ngày và đêm
Cô độc đã trở thành người bạn
Ta không còn ấu thơ để vô tư cười khóc
Khu vườn đầy nắng mai và tiếng chim chợt thành một điều hiển nhiên quen thuộc nhàm chán
Bình lặng hay không còn bình lặng nữa rồi?
 
Biết sẽ không trở lại
Người ra đi và đi mãi
Và một ngày nào đó ta cũng thế
Chẳng có gì xáo trộn
Hỡi dòng chảy miên man bất tận
Cảm ơn mây trời đã cho loài chim mượn đường bay
 
Ôm nắng ca dao, bầy mưa cổ tích
Những câu thơ rơi rụng đường trời
Hỡi cánh cò cánh vạc
Thênh thang trên hành trình thời gian
Ta là một dấu chấm nhỏ
Đậm nhạt vệt sắc màu...
 
                                                                  Tịnh Bình
                                                                  (Tây Ninh)

READ MORE - TRÊN HÀNH TRÌNH THỜI GIAN – Thơ Tịnh Bình

TẠP LỤC THI 16, 17, 18 – Thơ Chu Vương Miện


   
 
 
TẠP LỤC THI 16
 
chữ nhân đá ngược
chữ chủ chia ba phần
tam phân
 
bây chừ con trai thiến làm con gái
con gái gắn cu giả
làm con trai
từ 18- 40
quá nửa không lập gia đình
chỉ độc thân
thích đồng tình
thích nuôi con nuôi
nuôi chó
mèo
rắn rùa
thông minh
khờ

 
TẠP LỤC THI 17
 
ở một nơi núi cao
toàn là cát
trước là sa mạc
hạn hán triền miên
dù là ngay cạnh Thái Bình Dương
ở một chốn
không hồ
không ao
không sông
toàn là cát khô cát vàng
toàn là cây palm cây chà là
xương rồng
 
mật ngọt chết ruồi
không mật
ruồi đi chỗ khác chơi?

 
TẠP LỤC THI 18
 
thân gái dặm trường
thân trai xó bếp
ngang con gián con chuột
làm con rùa rụt cổ
trong ao hồ
làm con ốc bươu
mon men nơi đầu cọc
nhìn trời to bằng lá đa
nhún nhẩy hai râu
nhìn qua rặng hoa cà
rặt mầu tím
mới đó đã qua tháng 3
 
thế chân vạc
Ngô Ngụy Thục
Hứa Xương Tứ Xuyên
Sài Tang Ngô Quận
thời tam quốc
 
      Chu Vương Miện

READ MORE - TẠP LỤC THI 16, 17, 18 – Thơ Chu Vương Miện

Wednesday, November 29, 2023

Chùm ảnh HOA TRẠNG NGUYÊN - Chu Vương Miện

 Bấm chuột vào hình để phóng to.







READ MORE - Chùm ảnh HOA TRẠNG NGUYÊN - Chu Vương Miện

ÂM KHÚC TẶNG BẠN BÈ - Thơ Khaly Chàm

 


âm khúc tặng bạn bè

17/11/23 café sáng nay chợt nhớ & tưởng thấy những gương mặt bạn bè thân thương của chàm tôi… khi chàm còn mưu sinh ở vùng đất “nắng nung người...” những hồn thiêng đã hòa nhập vào cõi vĩnh hằng. 


1. trần thế tuyển (vạn pháp cung. cao đài)

ngực đêm rúc gọi âm hồn

rung cuồng sóng máu càn khôn giật mình

mộ đời trào gió vô minh

dạ thưa: tiền kiếp khởi sinh bao giờ?


2. xuân quang (sở vhtt.tn)

khói hình hú ám cơn mơ

phố khuya nhọn hoắt ma chờ ngậm sương

nhấp nhô ảo giác trần truồng

mắt đêm quán tưởng sắc hương ngọt ngào


3. lê công trứ. duy văn (vhnt.tn)

lưỡi cùn mọc nhánh chiêm bao

mùa trăng lú dại loang màu tái sinh

“gông cùm gãy quặp câu kinh”

sông mê xác dạt phía bình minh chưa


4. nguyễn đức thiện (ptth.tn)

sững nhìn thần vía trong mưa

rền vang tiếng hú . . . gió đưa ngút trời

từng đêm rượu lạnh tím môi

đỉnh đầu sấm nện nước trôi mặt người


5. nguyên thị xuân khanh (bến cầu.tn)

mộng du tìm lại nụ cười

tầm ma trổ nụ trên mười ngón tay

nại hà mấy nhịp lung lay

chơn linh đã vỗ cánh bay phương nào


6. trần quang khen (tx hòa thành.tn)

cúi người lạy tạ ơn nhau

mang mang tuyệt địa vẫy chào tri âm

cuộc chơi cõi trú thăng trầm

tàn tro niệm khúc thơ nằm nhìn trăng!


7. nguyệt quế (gò dầu.tn)

hồn nhiên với đất khô cằn

vực đêm hú gọi… nhập nhằng chiêm bao

vòng quay phủ dụ niềm đau

cũng đành úp mặt tan vào ngày xanh


8. thanh nhàn (bình thạnh, tb.tn)

khói rơm níu bóng độc hành

câu thơ tạ lỗi dỗ dành hồn quê

thèm nghe tiếng mẹ vọng về

hời ru nước mắt não nề âm xưa


9. lê trí viễn (tân châu, tn)

tóc chiều vướng gió xanh xưa

hỏi rằng. thiếu phụ đã vừa nợ duyên

đàn bà trăng nhập linh thiêng

chắt chiu nước mắt tưới triền mộng xanh


10. la ngạc thụy (tx hòa thành. tn)

bóng cười chết sửng âm thanh

an nhiên sỏi đá lệ dành riêng ta!

trợn trừng nhẵn ngón yêu ma

cầm tay phiên bản tụng ca ái tình


tptayninh ngày đông


READ MORE - ÂM KHÚC TẶNG BẠN BÈ - Thơ Khaly Chàm

NGỤ NGÔN Ê-DỐP (183-186) - Ngọc Châu phỏng dịch sang thơ song thất lục bát



 183. The Ass and the Charger


An Ass congratulated a Horse on being so ungrudgingly and carefully provided for, while he himself had scarcely enough to eat and not even that without hard work. But when war broke out, a heavily armed soldier mounted the Horse, and riding him to the charge, rushed into the very midst of the enemy. The Horse was wounded and fell dead on the battlefield. Then the Ass, seeing all these things, changed his mind, and commiserated with the Horse.


183. Lừa và ngựa chiến


Lừa ta chúc tụng anh ngựa chiến

Được chăm nom cung hiến đủ đầy

Mà thường đứng nghỉ suốt ngày

Trong khi Lừa chịu đọa đày thiếu ăn


Cho đến lúc khó khăn, chinh chiến

Dũng sĩ mang giáp, kiếm nặng nề

Đóng yên cương phóng ngựa đi

Xông vào giữa đám giặc kia sống còn


Chiến mã cũng nhận đòn tới tấp

Gục nằm nơi xác ngập chiến trường

Bấy giờ Lừa mới xót thương

Không còn ganh tị ngày thường Ngựa chơi.



184. The Flea and the Ox

A Flea thus questioned an Ox: "What ails you, that being so huge and strong, you submit to the wrongs you receive from men and slave for them day by day, while I, being so small a creature, mercilessly feed on their flesh and drink their blood without stint?'

The Ox replied: "I do not wish to be ungrateful, for I am loved and well cared for by men, and they often pat my head and shoulders." "Woe's me!" said the flea; "this very patting which you like, whenever it happens to me, brings with it my inevitable destruction."


184. Bọ chét và bò thiến


Bọ chét hỏi xỏ xiên Bò thiến

“Thật là đau, đáng tiếc cho anh

thân hình to khỏe rành rành

cớ sao qui phục cái anh dân cày


cam chịu mãi tháng ngày nô lệ

như ta đây nhỏ bé tí hon

Vậy mà cắn chỗ thịt ngon

máu thì chọn chỗ tươi ròn mới châm?”


“Tôi không muốn vong ân bội nghĩa

Bác ta luôn tử tế chăm nom

Vỗ đầu, vai tôi cám ơn

Bạn bè như vậy ai còn mong hơn…»


Bò thiến định nguồn cơn diễn giải

Bọ chét đà kinh hãi kêu la:

«Ôi chao, nếu hắn vỗ ta

giống như mi - hẳn ra ma tức thì

Chí nguy, thậm cấp chí nguy!!!»



185. The Ass and His Purchaser

A man wished to purchase an Ass, and agreed with its owner that he should try out the animal before he bought him. He took the Ass home and put him in the straw-yard with his other Asses, upon which the new animal left all the others and at once joined the one that was most idle and the greatest eater of them all.

Seeing this, the man put a halter on him and led him back to his owner. On being asked how, in so short a time, he could have made a trial of him, he answered, "I do not need a trial; I know that he will be just the same as the one he chose for his companion."

A man is known by the company he keeps.


185. Con lừa và người định mua


Một người muốn tậu con lừa

Nhưng giao kèo trước khi mua một điều:


“Được quyền dẫn nó theo về trại

Thả cùng đàn ở bãi xem sao

Ưng thì sẽ trả tiền mau

Không thì cũng lại nhanh trao nó về.”


Người mua thả lừa kia vào bãi.

“Mới” tỏ ra chẳng hãi sợ gì

Các con khác nó lờ đi

Kết thân ngay với con đi một mình

Đó là con lười kinh lười khủng

Ăn thì nhiều dế thủng nồi trôi

Vậy nên cu cậu được mời

Về nơi chủ cũ tức thời trao tay.


Ông chủ cũ mặt ngay đuồn đuỗn

Hỏi làm sao lại muốn chối từ

Dẫn về thử mới vài giờ?

Người mua nói không cần chờ thử lâu


Nó giống hệt bạn bầu nó chọn

Con tôi đang muốn dọn khỏi đàn

***

Xét người cũng thế chẳng oan

Xem bạn bè, hiểu tâm can tức thì…



186. The Eagle and the Jackdaw

An Eagle, flying down from his perch on a lofty rock, seized upon a lamb and carried him aloft in his talons. A Jackdaw, who witnessed the capture of the lamb, was stirred with envy and determined to emulate the strength and flight of the Eagle. He flew around with a great whir of his wings and settled upon a large ram, with the intention of carrying him off, but his claws became entangled in the ram's fleece and he was not able to release himself, although he fluttered with his feathers as much as he could.

The shepherd, seeing what had happened, ran up and caught him. He at once clipped the Jackdaw's wings, and taking him home at night, gave him to his children. On their saying, "Father, what kind of bird is it?' he replied, "To my certain knowledge he is a; but he would like you to think an Eagle."


186. Quạ Xám muốn làm Chim Ưng


Từ chỗ đậu, cao trên vách núi

Chim Ưng lao như mũi tên bay
Chộp cừu non, bốc lên ngay

Mỏ cùng móng vuốt ra tay diệu kì


Quạ xám nhìn tức thì bốc hỏa

Tị với Ưng, quyết tỏ tài năng

Cũng bay, cánh vỗ phăng phăng

Rồi lao nhanh hạ xuống lưng một cừu.


Định bay lên bắt theo cừu lớn

Nào ngờ trò xí xớn toi công

Móng Quạ bị mắc vào lông

Bay đi cũng đã khó lòng lắm thay!


Bác chăn cừu đến ngay tóm cổ

Lông cánh, đuôi cắt nhổ tức thời

Chiều về cho đám trẻ chơi

Cu con mới hỏi: “Bố ơi, chim gì?”


Bố nó cười hì hì gãi tóc:

“Chỉ là con quạ nhóc thôi à.

Hình như nó nghĩ nó là

chim ưng con ạ… đúng là quân điên!”

READ MORE - NGỤ NGÔN Ê-DỐP (183-186) - Ngọc Châu phỏng dịch sang thơ song thất lục bát

ĐÊM VẮNG | THÁNG 10 | TỈNH MỘNG | ĐIẾM TRỌ TRẦN GIAN - Chùm thơ của Đặng Xuân Xuyến

 




ĐÊM VẮNG

 

Ơ hay đêm vắng còn chưa ngủ

Mải đứng dòm khuya mãi gật gù

Ờ nhỉ tháng Mười giăng ngõ cũ

Xáo xác cuối vườn tiễn gió Thu.

*.

Làng Đá, 03:26/13-11-2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

THÁNG MƯỜI

 

Lạ nhỉ, tháng Mười đã về chưa

Mà sao vạt nắng trải đủ vừa

Và sao gió lạnh gom đủ lựa

Se giọt mưa chiều rắc lưa thưa...

*.

Hà Nội, 16:37 - 20/11/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

TỈNH MỘNG

 

Lật khật ghé chân vào cửa động

Gặp em lụi hụi mé triền sông

Giật mình tỉnh rụi cơn say mộng

Ờ, đã tháng Mười, đã sang Đông!

*.

Hà Nội, 03:53/24 tháng 11-2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ĐIẾM TRỌ TRẦN GIAN

 

Đã biết trần gian là điếm trọ

Sao còn gian díu tổ tò vò

Thế nhân vốn sẵn lời xiên xỏ

Nhân nghĩa xù ra chỉ diễn trò.

*.

Hà Nội, đêm 26 tháng 11-2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - ĐÊM VẮNG | THÁNG 10 | TỈNH MỘNG | ĐIẾM TRỌ TRẦN GIAN - Chùm thơ của Đặng Xuân Xuyến

MÙA ĐÔNG – Thơ Lê Văn Trung


  
 

MÙA ĐÔNG
 
Hình như mùa đông!
Mùa đông!
Lòng xưa giờ đã mù sương lối về
Mắt người thắp ánh sao khuya
Soi giùm tôi chút tình phai cuối cùng
Mùa chớm đông
Lòng chớm đông
Gió nghìn phương thổi
Nghìn phương áo vàng
Mùa đã sang
Lòng còn ươm
Nắng mùa xanh cũ áo hoàng hôn phai
Tìm nhau giữa hội trùng lai
Lạc nhau từ bóng mây bay cuối trời.
 
                                   Lê Văn Trung

READ MORE - MÙA ĐÔNG – Thơ Lê Văn Trung

Tuesday, November 28, 2023

MÙA GIÓ CHƯỚNG, NẮNG ẤM ĐẦU ĐÔNG – Thơ Tịnh Bình


 
           Nhà thơ Tịnh Bình


MÙA GIÓ CHƯỚNG
 
Men chiều lam khói cong cong
Chợt nghe gió chướng mùa đông đang về
Đồng xanh chấm trắng cò quê
Liêu xiêu dáng mẹ triền đê tảo tần
 
Chạm mùa gió cũ bâng khuâng
Chân cầu sóng gợn tình bần chát chua
Vàng sông điên điển ban trưa
Thương ai nón lá nắng mưa qua cầu
 
Đắng môi ngọt dạ sầu đâu
Nước trong leo lẻo tình đầu chưa phai
Phất phơ lau sậy vì ai ?
Trở mùa chướng gió rét ngày sang đêm
 
Chưa nghe ấm áp buồng tim
Cành khô rơi một tiếng chim năm nào
Ngỡ như thức dậy chiêm bao
Ta cùng với gió cồn cào âm xưa...
 
 
NẮNG ẤM ĐẦU ĐÔNG
 
Đã vàng chưa sợi nắng ấm đầu đông
Phố vắng cơn mưa chùng chình ngang ngõ
Thu chầm chậm vỉa hè buông gót mỏi
Phía hoàng hôn sương khói cũng nhạt nhòa
 
Mông lung nhớ nụ cười ai một thuở
Gió vườn xưa xao xác vọng âm thừa
Từng vệt chổi những ban mai thức dậy
Trên cành tre líu ríu nắng gọi mùa
 
Bước co ro nép vào chiều tấp nập
Phố xá nơi này bình thản những buồn vui
Thương chiếc lá đi về đâu chẳng biết
Gió tàn thu se sắt nỗi ngậm ngùi
 
Loang lổ vệt nắng vàng buổi sớm mùa đông
Tiếng chổi khua từng nhịp buồn riêng lẻ
Thềm rêu ngỡ dáng bà đang quét lá
Gió quê nhà từng sợi nhớ rưng rưng...
 
                                        Tịnh Bình
                                        (Tây Ninh)
READ MORE - MÙA GIÓ CHƯỚNG, NẮNG ẤM ĐẦU ĐÔNG – Thơ Tịnh Bình

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG - La Thụy

 Tiếc thương Hòa thượng Thiền sư Thích Tuệ Sỹ viên tịch chiều 24.11.2023. Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.
 

Trong quyển “ĐI VÀO CÕI THƠ”, Bùi Giáng viết về Tuệ Sỹ:
 
“Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
 
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
 
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “KHÔNG ĐỀ” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ”
 
*
Có lẽ Bùi Giáng là người phát hiện và bình bài thơ KHÔNG ĐỀ này đầu tiên trong tập 1, ĐI VÀO CÕI THƠ.
Thế mà, bỗng dưng bài thơ biến cái tên thành KHUNG TRỜI CŨ và từ ngữ CUNG TRỜI trong bài thơ lại biến thành KHUNG TRỜI.
“Cung trời” như là một cõi trời, một cảnh giới còn “khung trời” chỉ là một không gian bị hạn chế, bị đóng khung…
 

CUNG TRỜI trong Phật giáo được biết qua sáu cõi, đó là:
 
1. Tứ thiên vương thiên.
2. Đao lợi thiên.
3. Dạ ma thiên.
4. Đâu Suất thiên.
5. Hóa Lạc thiên.
6. Tha hóa tự tại thiên.

“cung trời” đã nêu ở trên thuộc về Dục giới. Ngoài ra còn có Tam thanh thiên giới, Phạn Thiên giới, Vô sắc giới, Sắc giới nữa, gồm tất cả 36 cung trời.
 
Xin chỉ đề cập vài CUNG TRỜI nhiều người biết:
 
- Cung Trời Đao Lợi:
Đây là phẩm mở đầu của Kinh Địa Tạng. "Đao Lợi" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "tam thập tam", tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Tuy gọi là cõi trời "Ba Mươi Ba", nhưng đó không phải do đếm từ dưới lên trên theo thứ tự, như tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ hai, rồi đến tầng trời thứ ba,... cho tới tầng trời thứ ba mươi ba. Cõi trời Ba Mươi Ba này vốn nằm chính giữa, và ở bốn phía đông tây nam bắc của cõi trời này thì mỗi phía lại có tám cõi trời. Do đó, tổng cộng có ba mươi hai cõi trời phân bố chung quanh cõi trời Ba Mươi Ba.
Thiên chủ của cõi trời Ba Mươi Ba là Đế Thích. Trong Kinh A Di Đà có nói đến "Thích Đề Hoàn Nhân", tức là vị Đế Thích này vậy. Ngoài ra, trong Chú Lăng Nghiêm có câu "Nam Mô Nhân Đà La Da", thì Nhân Đà La Da cũng chính là Thiên Chủ Đế Thích. Ở cõi trời thì Đế Thích là một vị Thiên Chủ; còn trong Phật Giáo thì Ngài là một vị Hộ Pháp.
 
- Cung trời Dạ Ma:
Dạ Ma thiên (夜摩天)là tầng trời thứ ba trong sáu tầng trời cõi Dục. Cũng gọi Diệm ma thiên, Viêm ma thiên, Tu viêm thiên, Li tránh thiên, Tô dạ ma thiên (Phạm, Pàli: Suyàma), Tu dạ ma thiên.
Cung trời Dạ Ma là cõi trời này ánh sáng rực rỡ, không chia ngày đêm, người ở cõi trời này lúc nào cũng yên vui sung sướng không thể nghĩ bàn. Hơn nữa, theo luận Chương sở tri quyển thượng nói, thì tầng trời 33 (trời Đao lợi) thường đánh nhau với A tu la, nhưng cõi trời Dạ ma thì xa lìa sự tranh đấu, vì thế gọi là Li tránh thiên. Chúng sinh được sinh vào cõi trời này là nhờ đời trước thích tu các hạnh không giết hại, không trộm cướp, không gian dâm v.v..., tự mình giữ giới, lại khuyên người giữ giới, làm các việc lợi ích cho mình và người. Dạ ma là tầng trời đầu tiên (thấp nhất) trong các cõi trời ở trong hư không
 
- Cung trời Đâu Suất:
Đâu suất thiên  兜率天  thường gọi tắt là Đâu-suất, dịch ra Hán ngữ là Tri-túc thiên  có nghĩa là:
Tusita (skt)—Đâu Suất Đà—Tầng trời Đâu Suất, cõi trời Tri Túc hay cõi Tịnh Độ của Đức Di Lặc, nơi mà chư Bồ Tát tái sanh vào trước khi sanh vào cõi Phật
Cung trời Đâu Suất xuất hiện rất nhiều trong Kinh Quán Di Lặc Bồ tát thượng sanh Đâu Suất
Theo từ điển Phật học Hán Việt của nhà nghiên cứu Đoàn Trung Còn, từ Đâu Suất, Đâu Suất Đà có nghĩa là Tri Túc, Hỷ Túc, Diệu Túc, Thượng Túc.
Trước kia, Đức Thích Ca Mâu Ni chưa thành Phật, thì làm Bồ tát Hộ Minh ngự nơi Cung trời Đâu Suất. Chừng ngài từ giã cung Đâu Suất mà xuống trần làm Phật thì ngài phó chúc lại cho đức Di Lặc, dặn đức Do Lặc kế tiếp ngài nơi cung ấy mà giáo hóa chư Tiên và chư Bồ Tát.
 
- Cung Trời Hóa Lạc:
Hoá lạc thiên (化樂天) Phạm: Nirmàịarati-deva. Dịch âm: Ni ma la thiên, Duy na la nê thiên. Cũng gọi Hóa tự tại thiên, Hóa tự lạc thiên, Bất kiêu lạc thiên, Lạc vô mạn thiên, Vô cống cao thiên, Lạc biến hóa thiên. Tầng trời thứ 5 trong 6 tầng trời cõi Dục, tức là tầng trời ở dưới cõi trời Tha hóa tự tại và ở trên cõi trời Đâu suất. Vì người cõi trời này tự biến hóa ra 5 trần cảnh để vui chơi, cho nên gọi là Hóa tự lạc.
Cung Trời Hóa Lạc thiên cao hơn cung Trời Đâu Suất một bậc. Một ngày ở đây bằng 800 năm ở cõi người, chúng sinh ở đây có thọ mạng trung bình 8000 năm. Thân của chúng sinh ở đây phát sáng. Nam nữ ở đây cười với nhau là nữ thụ thai và trẻ con sinh ra trên đầu gối, nghĩa là hóa sinh, không phải thai sinh. Trẻ con vừa sinh ra đã bằng cỡ trẻ con loài người 12 tuổi.
 
Cung trời này cùng với các cung Dạ ma, Đâu suất, Tha hóa tự tại đều có 3 việc thù thắng hơn cõi Diêm phù đề là: sống lâu, xinh đẹp và vui thú.

*
Trong 2 câu thơ Bùi Giáng làm nối tiếp thơ Tuệ Sỹ:

“Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,
Trí Hải đa tàm, trúc loạn ty.”

Cụm từ “Trí Hải đa tàm” được hiểu như thế nào đây?
 
- Cách hiểu thứ nhất:
 
“Đa”  nghĩa là “nhiều”
Tàm”  nghĩa là “con tằm / lông mày”
Đa tàm”   nghĩa là “nhiều lông mày”, “lông mày dày, rậm”
 
Trí Hải là tên ni cô được Bùi Giáng nhắc đến hai lần trong lời kể ở trên, nên cụm từ “Trí Hải đa tàm” có thể hiểu là “Trí Hải nhiều lông mày, lông mày Trí Hải dày, đẹp”
 
Đây chỉ là lời đùa cợt cho vui của Bùi Giáng. Mà Bùi Giáng đã từng đùa gọi ni cô Trí Hải là “mẫu thân Phùng Khánh” đó thôi:

“Trí Hải Ni Cô vừa rời bỏ Vạn Hạnh đi tu tiên ở trên núi. Nguyên nhân là: các vị sư ở Vạn Hạnh chế ni cô đã đẻ ra Bùi Giáng già nua, ni cô bẽn lẽn bèn giũ áo ra đi.
Sự tình nông nỗi ấy, Thích Minh Châu phải chịu trách nhiệm một phần lớn.
Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Tôi là con người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?
Phân tích nghiêm mật luận lý học ra như thế, rành rành Phùng Khánh là mẹ của tôi.
Huống nữa là: trong cõi mộng mơ chiêm bao tại bình diện thi nhạc phiêu bồng, Phùng Khánh đích nhiên cũng lại là mẹ của tôi nốt. Tôi vốn là Trung Niên Thy Sỹ.
Ai đâu có ngờ rằng những bài thơ bất tử tôi làm ra là do Phùng Khánh cả đấy?
Mỗi phen tôi mơ màng nghĩ tới dung nhan diễm lệ Phùng Khánh thì giòng thơ bát ngát lại tuôn ra ào ào. Vậy thì hiển nhiên như nhiên thiên tài của tôi là do liên tồn Phùng Khánh đẻ ra vậy.
Tôi suy ngẫm suốt bao nhiêu năm trời, nhận ra sự tình cố kỳ nhiên đó, mới dám mạo muội mạnh bạo gọi Phùng Khánh bằng một tiếng Mẫu Thân. Há đâu dám bốc đồng mà gọi bướng!”

(Trích: Bùi Giáng Thi Ca Tư Tưởng - Saigon 1969)


Cho nên, 2 câu thơ

“Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,
Trí Hải đa tàm, trúc loạn ty.”

Trí Hải viết hoa, tức là ám chỉ tên của ni cô.
 
Có thể hiểu là:

“Nỗi lòng xôn xao nước mắt chua cay rơi
Nhìn đôi mày đẹp của Trí Hải làm tâm hồn rối như tơ.”

Tâm sự lâng lâng, dòng lệ chua cay
Trí Hải mày tằm, đàn trúc rối cung tơ

Phải chăng “Trí Hải đa tàm”, Trí Hải mày tằm với nhan sắc như thế đã lắm phen làm Bùi Giáng “mơ màng nghĩ tới dung nhan diễm lệ Phùng Khánh thì giòng thơ bát ngát lại tuôn ra ào ào”.
 
 - Cách hiểu thứ hai:
TÀM  nghĩa là hổ thẹn
Trí hải 智海 nghĩa là “biển trí”
Đa tàm多慚  nghĩa là hổ thẹn nhiều 
“Trí hải đa tàm” nghĩa là “hổ thẹn nhiều trước biển trí”
 
Câu “trí hải đa tàm trúc loạn ty” có thể hiểu là “biển học mông mênh làm thẹn lòng vì đầu óc mình thiếu minh mẫn lúng túng chưa ngộ được như đàn trúc rối loạn cung tơ”
 
Trở lại 2 câu thơ đầu của Tuệ Sỹ

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
 Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi”

Tuệ Sỹ đang nói về triết lý Nghiệp / Karma. Nghiệp thiện ác đã gieo, bây giờ (hiện tiền) tác giả bâng khuâng với “bóng nghiệp” nên trước mắt còn thấy liễu rớt hoa bay.
 
Nên hai câu thơ:

“Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,
Trí hải đa tàm, trúc loạn ty.”

Có nghĩa:
 
Tâm sự bâng khuâng, dòng lệ chua cay
Hổ thẹn với ‘biển trí’ (vì chưa ngộ được), đàn trúc rối cung tơ.

Hiểu như vậy thì bài tứ tuyệt “Vô đề” ý mới liền mạch được.
Quý bạn nghiêng về cách giải thích nào nhỉ!

*
Xin dẫn những bài thơ có dùng chữ Đa tàm 多慚  (nghĩa là hổ thẹn nhiều)
 
Thơ Trần Tung:

Đa tàm thân trọc phùng thời trọc,
Tiểu tại tâm thanh ngộ quốc thanh.
                           (Thoái cư-Ẩn cư) 

Dịch:

Thân đục thẹn sinh thời buổi đục,
Lòng trong may gặp nước nhà trong.

Thơ Kiều Nguyên Lãng:

Thượng quốc ân thâm tình dị cảm,
Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm.
               (Tống Bắc sứ Ma Hợp)

 Có nghĩa:

Ơn thượng quốc sâu sắc dễ cảm tình người,
Phong tục nước nhỏ đơn giản, thẹn lễ nghi có phần sơ suất. 


Thơ Trần Nhân Tông:

Nhất thị đồng nhân thiên tử đức.
Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.
(Họa Kiều Nguyên Lãng Vận)

Có nghĩa:

Thương yêu mọi người như nhau là đức của Vua,
Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu.
 
Bùi Giáng viết nhiều tùy bút văn học, đặc biệt là tùy bút về thi ca.
Thơ của các thi sĩ được Bùi Giáng cảm nhận theo một phong cách riêng “rất Bùi Giáng” thật dí dõm. Tuệ Sỹ là nhà thơ đầu tiên được Bùi Giáng bình thơ trong tập ĐI VÀO CÕI THƠ. Bùi Giáng viết cảm nhận thơ như người bạn tri âm đồng điệu và bài TUỆ SỸ của ông để lại những “dư vang nghệ thuật” trong lòng người đọc.
                    
La Thụy

READ MORE - PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG - La Thụy