Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 22, 2022

“NHIỄM THƠ”, MỘT CÁCH NÂNG CAO TAY NGHỀ - Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
 
Cách đây mấy ngày Facebook có đăng lại một kỷ niệm từ 3 năm trước – bài thơ Thi Sĩ Và Người Tình - tôi viết đã rất lâu. Phía dưới bài thơ ấy, ở dạng bình luận là bài “Nhiễm Thơ” của Vân Anh.
 
Kỷ niệm này, xem kỹ lại, xảy ra sau NHỮNG ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ 6 tháng. Khá đông bạn đọc ghé thăm và bình luận qua lại trong đó có Vân Anh và dĩ nhiên, cả tôi nữa.
 
 
THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH
 
Buổi sáng trời se lạnh
anh ngồi viết vội mấy vần thơ
vừa chợt hiện ra
sau một đêm dài ngon giấc
 
Bỗng thấy hương thơm ngào ngạt
em vẫn trong áo ngủ
đem đến cho anh tách cà phê
ngun ngút nóng
hai đứa vai tựa má kề
cà phê chưa uống đã nghe lòng rất ấm
 
Em choàng tay ôm vai anh
giọng nũng nịu, mắt mơ màng
“Anh đang làm thơ về đất nước, quê hương
hay công cha, nghĩa mẹ?
Về những năm tháng ngục tù
hay tình yêu đôi lứa?”
 
“Em ơi!
dù có viết về đề tài gì đi nữa
thơ anh ít nhiều
cũng thấp thoáng
bóng hình em.”
 
Phạm Đức Nhì
 
 
NHIỄM THƠ
 
Ngày xưa em chẳng biết gì về thơ
chẳng thể hiểu nước tràn bờ vỡ bọt
chỉ quanh quẩn bữa ăn, manh áo
thỉnh thoảng còn lấy bản thảo của anh
mồi lửa thổi cơm...
 
Rồi những lần anh kể về thơ
em là kẻ ngu ngơ
lạc vào lớp cao học
chưa nghe gì mà như vỡ óc
cái gì trong ấy khiến anh mê?
 
Vậy mà cũng thành quen
như sóng biển vỗ về
em bắt đầu nghe êm ái
chập chững những bước đi khờ dại
em lân la tập làm thơ
 
Vẫn biết mình dại khờ
trong cái biển thơ anh lai láng
nhưng em yêu là bởi vì năm tháng
thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong anh.
 
VÂN ANH
 
Cảm Nhận Ban Đầu
 
Liếc qua phần thi pháp của Nhiễm Thơ, ngay từ 3 năm trước, tôi đã “cảm” được chữ “anh” trong hai câu cuối
 
nhưng em yêu là bởi vì năm tháng
thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong anh
 
Vân Anh đã ưu ái dành cho tôi.
 
Lý do: “Cái nền kỹ thuật căn bản” của hai bài thơ rất “gần gũi”. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ chưa dám nhận. Lỡ mình nghĩ sai, người ta bảo “nhận vơ” thì “quê” lắm.
 
Trao Đổi Thêm Vài Bình Luận
 
Vì thế, tôi chỉ dám bình luận bâng quơ:
 
Cám ơn Vân Anh đã có bài thơ "đối đáp" thật tuyệt vời.
 
Và được chị trả lời:
 
Cảm ơn Anh, người dẫn đường và truyền cảm hứng.
 
À! Chị đã tặng tôi danh hiệu “người dẫn đường và truyền cảm hứng”. Như vậy, đã có thêm một chút hy vọng.
 
Để tiến xa hơn, tôi viết thêm một bình luận nữa:
 
Đọc đoạn cuối bài NHIỄM THƠ anh thấy mắc nợ em nhiều quá. Đó là chưa kể HAI ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ mấy năm trước. Không biết đến bao giờ…?
 
Thay vì “like” chị đã tặng hẳn một “trái tim đỏ chói”.
 
Tôi bèn đưa a một lời khen khác.
 
Hai câu kết của anh:
 
“Em ơi!
dù có viết về đề tài gì đi nữa
thơ anh ít nhiều
cũng thấp thoáng
bóng hình em”
 
mà gặp hai câu của em:
 
“nhưng em yêu là bởi vì năm tháng
thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong anh”.
 
thì đành cúi đầu chịu thua.
Mà em vừa đọc xong đã bình luận liền mới đáng “sợ” chứ.
 
Vân Anh phản hồi:
 
“Hoá ra chúng ta sợ "thơ" nhau”
 
Thấy thời cơ đã chín mùi tôi tung ra “chiêu quyết định”:
 
Vân Anh ơi!
 
Đọc đoạn thơ Bình Luận của em:
 
“Theo thời gian, vạn vật đều thay đổi
Câu chữ anh giờ đã rêu phong dáng em
Nắng nhạt bên thềm
Hoàng hôn đứng đợi
Thơ anh vời vợi
Còn em xa xăm
Thỉnh thoảng
Nhớ những tháng năm
Kề vai tựa má, nũng nịu vào thơ
Ngu ngơ mà hạnh phúc.”
 
thấy cách bố trí câu chữ, lối gieo vần, tài khơi dòng chảy cho tứ thơ… muốn đòi “tiền tác quyền” quá.
Nhưng sợ người ta không chịu trả mà còn bắt mình trả ngược lại thì… khốn. Nên đành cho qua.
 
Vân Anh trả lời ngay:
 
Em sẽ không trả đâu
Nợ chồng nợ. biết đâu đấy... thành duyên
Nên chi tác quyền
Xin khất anh.... "mùa quýt"
 
Như vậy, cuối cùng thi sĩ đã chấp nhận nợ tiền tác quyền – nghĩa là “cảm nhận ban đầu” của tôi đã đúng.
 
Không Phải Chỉ Từ Những Bài Bình Thơ
 
Đọc đến đây độc giả chắc đã nhận ra là cô giáo Vân Anh không những có thể “nâng cao tay nghề” của mình từ “hương hoa” của những bài bình thơ mà còn biết cách “nhiễm thơ” từ thi phẩm của những nhà thơ mà chị cho là vững vàng về thi pháp.
Nói cách khác là bắt chước thi pháp của những bài thơ chị thích.
 
Xin đừng lầm lẫn giữa đạo thơ và nhiễm thơ.
 
Đạo thơ: “Chôm” ý tứ, ngôn từ, câu cú, cách diễn đạt một hình tượng thơ của người khác.
 
Nhiễm thơ: Ảnh hưởng những “thói quen tốt” về thi pháp như:
 
Thể thơ nhất khí liền mạch.
Sử dụng vần vừa độ ngọt - cần nhấn mạnh thì tăng độ ngọt.
Số chữ trong câu thay đổi để tránh nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt.
Chọn chữ kỹ lưỡng để tránh mô gò cản đường
Tránh vờn bóng giữa sân (cà kê dê ngỗng) 
Cho dòng tứ thơ, dòng âm điệu, dòng cảm xúc – ba dòng nhập một để dễ tạo hồn thơ.
 
Đây chính là “cái nền kỹ thuật căn bản” của bài thơ đã nói ở trên.
 
Vân Anh Đã Thành Công.
 
Trong “Nhiễm Thơ” Vân Anh đã bắt chước những “thói quen tốt” về thi pháp của Thi Sĩ Và Người Tình và đã tạo được “cái nền kỹ thuật căn bản” cho bài thơ của mình – không những không thua kém bài thơ mẫu mà còn có chỗ nổi trội hơn ở cách gieo vần. (1)
 
“Bài thơ bắt chước” của chị còn “bề thế” hơn – 16 câu, 123 chữ - cũng có “sóng sau dồn sóng trước” và hồn thơ đã xuất hiện với cường độ trung bình. (2)
 
 
Mặc dù “nhiễm thơ” là chuyện thường xảy ra và chẳng có gì sai trái (đáng khuyến khích là đàng khác) nhưng nhiều thi sĩ vẫn còn “ngại”, không muốn lộ chuyện “bắt chước” của mình.
 
Riêng Vân Anh đã dũng cảm công nhận làm việc đó bằng một bài thơ duyên dáng.
 
Điều đáng nể phục là chị đã có kỹ năng và cao hứng để hoàn tất bài thơ chỉ trong 27 phút. (3)
 
Sau đó chúng tôi đã có một cuộc video chat cởi mở tâm tình.
 
Kết Luận
 
Hôm sau, vẫn còn “bàng hoàng” về một bài thơ “bề thế” được viết chỉ trong 27 phút, tôi nhắn tin cho Vân Anh:
 
Bài “Nhiễm Thơ” em viết có 27 phút thôi sao?
- Thì anh đăng, em thấy thì họa.
Viết nhanh quá
- Mấy phút em cũng không rõ
Anh phục em luôn
- Thấy anh đăng thì nguệch ngoạc họa thôi
Bái em là sư phụ
- Dạ, em cũng bái anh
- Nên mới thân thiết thế này.
 
Vâng đó là sự thân thiết của hai hồn thơ giao cảm.
 
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
 
CHÚ THÍCH:
 
1/ Đây là đoạn “gieo vần tài hoa” của Vân Anh. Chị đã tăng độ ngọt của vần ở đoạn cuối để câu chữ kết dính chặt chẽ hơn, cả 3 dòng chảy tứ thơ, âm điệu, cảm xúc cùng lên cao trào dễ dàng hơn.
……………
cái gì trong ấy khiến anh mê?
 
Vậy mà cũng thành quen
như sóng biển vỗ về
em bắt đầu nghe êm ái
chập chững những bước đi khờ dại
em lân la tập làm thơ
 
Vẫn biết mình dại khờ
trong cái biển thơ anh lai láng
nhưng em yêu là bởi vì năm tháng
thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong anh.
 
2/ Bài "Thi Sĩ Và Người Tình" chỉ có 116 chữ.
 
3/ Theo Facebook thì "Thi Sĩ Và Người Tình" đăng lúc 7:22 ngày 05/10/2019, Nhiễm Thơ đăng lúc 7:49 ngày 05/10/2019.

READ MORE - “NHIỄM THƠ”, MỘT CÁCH NÂNG CAO TAY NGHỀ - Phạm Đức Nhì