Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 30, 2012

LÀNG HƯNG NHƠN LÀM RUỘNG - Nguyễn Như Xuân

Đường làng Hưng Nhơn - Ảnh Nguyễn Như Khoa


    Làng Hưng Nhơn làm ruộng ai mà chẳng biết bởi nó là vùng độc canh lúa nước, một làng thuần nông. Bài này tôi muốn gửi tới các cháu sinh sau năm 1990. Trước đó ít nhiều đã nếm cái gian khổ của nghề nuôi sống chính của quê nhà.
    Ruộng đồng quê ta bát ngát thẳng cánh “đại bàng bay”. Để hình dung cánh đồng khi chưa cơ giới hoá.
    Độ cao (tương đối) chênh lệch trên dưới 1m. (Ruộng Cồn Mồ Kiềm với ruộng Cây Ngang). Còn chênh với mức nước biển là -8 đến -100. Có năm bị triều cường đe doạ.
    Khoảng 1/10 diện tích làm một vụ. Còn lại hai vụ. Hệ thống tưới tiêu làm thay đổi bộ mặt đồng ruộng. Hầu hết làm hai vụ, đặc biệt chất lượng không chênh nhau lắm. Nếu trước đây phân  mười bậc (tốt, xấu) thì nay có thể bốn đến năm bậc. Lạm phép tôi phán đoán thế, bởi tôi không am hiểu lắm.
    Để nhớ:
    Cái chung nhất: “ruộng sâu trâu nái”. Đàn ông phải lo khâu nặng nhất là cày bừa, đàn bà lo cấy và làm cỏ.
    Đồng ruộng trôi nổi theo hai mùa lụt. Tháng tư : tiểu mản và lụt từ giữa tháng 8 đến cuối tháng mười. Tuy hết lụt lội nhưng đồng ruộng mênh  mông nước cho đến tháng chạp.
    Vụ mùa bắt đầu tháng 11 (lên Trạch Phổ, Mỹ Xuyên) thuê và gieo mạ. Tháng 12 ra đồng cày. Khi cày còn ngập lưng trâu, cày phải cắm vè. Trời rét cắt da.
    Mạ nhổ về, chất ngổn ngang ở đập bởi dòng hói phải ngăn lại giữ không cho nước sông chảy vào ruộng. Đêm giữ mạ và chuyền lòi qua đập rồi dùng ghe thuyền (hoặc gánh bộ) chở cả đêm ra đồng để sáng mai có mạ để cấy. Người cấy quần xăn tận bẹn, mạ cấy chỉ còn le ve một tí trên ngọn. Lạnh quá, các mụ kể cả các o phải quấn điếu thuốc lá thật to rít thật mạnh, điếu thuốc cháy bùng, phà khói mù mịt có khi nuốt cả khói cho ấm bụng.
    Vụ trái bắt đầu từ sau Tiểu Mản (cũng lên Trạch Phổ, Mỹ Xuyên thuê và gieo mạ trước). Ăn mồng năm xong ra cắm trại. Khi cày còn ngập lưng trâu. Cày cũng phải cằm vè.
    Ta thử hình dung mỗi con trâu mộng giỏi lắm cũng chỉ cày được ba sào (3) mà làng ta có 500 mẫu. Liệu bao nhiêu trâu bao nhiêu ngày ? Nếu tính cả bừa thì bình quân chỉ 2, đến 2,5 sào. Mỗi mẫu mất 4 công trâu, vị chi 500 mẫu x 4 công = 2000. Một mùa cày cấy phải trên dưới một tháng. Tạm tính  một tháng thì mỗi ngày trên đồng ruộng có trên 70 trâu và người cày (2.000 / 30). Trâu hết hơi và người cũng còn xương bọc da.
    Người đi cấy, bốn giờ sáng đã ăn cơm, 5 giờ lên đường (trời còn tối om) lên nhổ mạ, khi đầy triêng (xâu khoảng 28 -30 nắm mạ), gánh từ Mỹ Xuyên, Trạch Phổ chạy ra đồng và cấy cho xong số mạ đã nhổ, có khi tối mịt mới xong. Cơm trưa thì tuỳ đó mà có thể ăn trưa trước khi gánh mạ ra đồng, cũng có trường hợp gánh mạ ra đồng mới ghé tạm ngồi ăn bên dường ruộng. Bữa tối thì thường về ăn cơm nhà.
    Xong vụ cấy là tiếp đến làm cỏ. Vụ mùa làm hai lần, vụ trái từ hai, thường thì ba lần. Vụ trái tháng sáu tháng bảy nắng như đổ lửa, các o các chị và cả các bà nữa bán mặt cho đất bán lưng cho trời dùng hai bàn tay chai sạm quào bùn, quào cỏ mồ hôi mồ kê ướt dầm quần áo suốt ngày này sang ngày khác. Khổ là thế mà các bà sáng tác điệu hò, nghe mênh mang như gió truyền mây gọi. Cả một giàn đồng ca dồn cho giọng hò Ô ( điệu hò này thường hò trong khi làm cỏ, kéo dài kéo dài, xem chừng cũng vơi đi nỗi nhọc nhằn đang oằn trên lưng họ. (Làm cỏ lúa không hò “mái nhì”). Điệu hò Ô hình như mất hẵn, bởi nó biết sẽ có cào cải tiến và thuốc diệt cỏ thay thế.
    Vụ trái (gọi là trái bởi nó bấp bênh) dễ mất mùa mà lại tốn nhiều công sức nhất. Thiên nhiên chỉ cho thời gian ba tháng rưởi (đầu tháng năm đến giữa tháng tám) mà giống lúa (lúa Hẻo) những gần bốn tháng nên thường lúa chưa chín nước đã nhấn chìm. Trong mùa đó có cấy loại lúa “Bát” cây cao, thân cứng, gié lúa ít hột, màu đỏ hồng, năng suất thấp, ăn không ngon, tuy nó chỉ cần một trăm ngày (3 tháng 10 ngày). Vì vậy, vạn bất dĩ  phải cấy nơi ruộng sâu như Cây Ngang chẳng hạn.
    Cấy chưa xong, có ruộng đã khô nẻ. Ba tháng treo chân giữa đồng đạp nước. Đạp ngày hết nước dưới hói lại đạp đêm. Năm nào làng cũng phải huy động dân đào hói. Có năm nguồn nước sông Ô Lâu cũng cạn, hói trước làng ta nước chỉ chẩy le re, lấy đâu ra cho đồng ruộng!
    Vụ gặt mùa thường có lụt Tiểu mản và gặt vụ trái gặp lụt thu đông. Lụt thường kèm theo mưa. Cảnh này không nói hết cái khổ. Bao nhiêu công sức vốn liếng bỏ vào, bây giờ phải giành giật với thiên nhiên (lúa đang chìm), gặt về chất đống trên nền sân đất (hầu hết chưa có sân gạch), có khi mọc mầm vẫn chưa  chất lúa cho trâu đạp được. Bí quá phả đạp chân để đỡ nóng ruột.
    Thuận trời thì chất lúa cho trâu đạp, tuỳ nhiều ít mà tính số trâu, một người dắt (điều khiển) đàn trâu, một người túc trực khi trâu ị để hứng phân. Môt số người chuẩn bị mỏ xảy, xảy tách rơm lấy lúa, tiếp tục trâu đạp lần hai, xảy lấy lúa lần hai, trâu đạp lần ba. Trâu nghỉ thường không trước 12 giờ đêm. Ngày mùa, mỗi đêm ngủ chừng vài tiếng.
    Phơi lúa: do sân nền đất, đợi cho ráo sân mới xúc lúa ra, trời nắng đẹp nhất cũng phải ba hôm mới khén, khi gặp mưa thì nháo nhào xúc đổ, xúc đổ trong nhà không có chổ hở, chỉ có lúa là lúa. Hơi lúa bốc lên, phải nói là “nồng nặc”.
    Rơm là loại ưu tiên phơi trước bởi nó là ngọn lửa nấu chín cơm canh. Rơm phơi khô có màu vàng tươi, thổi đượm, nhiều tro, còn rơm phơi không kịp nắng màu đen xỉn, một ôm rơm to nấu không chín nồi cơm. Quê ta không gần rừng nên củi là đặc biệt hiếm. Nhà có trâu, rơm là thức ăn chính cho trâu. Lụt ngập đồng, trâu ở trong ràn chỉ nhờ rơm. Trời rét không rơm, trâu chết. Nghèo, giàu đều có “đụn” rơm. Xây xong được đụn rơm  mới thở phào nhẹ nhỏm. Nhà tôi ngày xây đụn rơm thế nào cũng có một bữa “bún vịt”. Anh tôi giải thích, xảy rơm cho xoắn lại như sợi bún, xây đụn mới chắc, mới tròn, mới mướt như lông vịt, mưa không thấm vào trong.

***

    Thiển nghĩ : Cơ giới hoá, đặc biệt hệ thống tưới tiêu làm cho đồng ruộng quê ta có cao độ “bằng nhau”; giống lúa, thuốc diệt cỏ vân vân và vân vân. Ta có điều kiện chủ động trong sản xuất.   
Nhàn ra là cái chắc.  Thay vì đôi tay chai sạm quào cỏ để…đến hiệu làm đẹp sơn sửa móng tay. Ngon lành! Ngon lành!

Hà Nội
READ MORE - LÀNG HƯNG NHƠN LÀM RUỘNG - Nguyễn Như Xuân

VỀ LẠI NGUYỄN HOÀNG - Phạm Hòa Việt

Tác giả Phạm Hòa Việt - người ngồi thứ hai từ trái sang




Hôm kia về lại Nguyễn Hoàng
Bạn bè ríu rít rộn ràng mừng vui
Trường xưa xa vắng ngậm ngùi
Bờ sông gió thổi đẩy lùi thời gian
Quây quần một chút rồi tan
Tìm nhau xuống biển lên ngàn dạo chơi
Mai này réo rắt trùng khơi
Xa xăm đâu biết phương trời dừng chân...


PHV
ĐT: 0918 411 770
hoavietqt@yahoo.com.vn

(Thơ gởi qua điện thoại di động)
READ MORE - VỀ LẠI NGUYỄN HOÀNG - Phạm Hòa Việt

NGHỆ SĨ HỒNG TUYẾT: "SÂN KHẤU LÀ CHỖ ĐỨNG, KHÁN GIẢ LÀ NIỀM VUI" - Võ Quê

Nghệ sĩ Hồng Tuyết quê ở làng Văn Quỳ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, Quảng Trị nhưng lại được sinh ra tại rạp hát Thái Mộng Đài (thành phố Vinh) vào ngày 20.10.1942 và sống những ngày thơ ấu cho dến lúc trưởng thành ở Huế. Xuất thân từ một gia đình nghệ thuật; Hồng Tuyết đã tiếp thu những giá trị nghệ thuật ca Huế từ người cha vốn là một nghệ nhân đàn nhị tài danh lúc bấy giờ. Khi còn là một cô bé 5,6 tuổi Hồng Tuyết thường được thân sinh cho di theo dự các buổi ca tri âm trong một số gia đình nhạc hữu hoặc những chương trình ca kịch Huế của các gánh hát biểu diễn trong thành phố Huế hay các vùng phụ cận. Từ những môi trường nghệ thuật đàn ca, ca kịch Huế cộng thêm sự dẫn dắt, truyền dạy các làn điệu ca Huế của thân sinh, Hồng Tuyết thấm nhuần, say mê rồi gắn bó một đời với bộ môn âm nhạc cổ truyền dân tộc ấy.

Năm 1957, Hồng Tuyết được tuyển vào Đoàn Ca Kịch Trị Thiên. Tại đoàn, bên cạnh sự dìu dắt của người cha đang phục trách dàn nhạc của đoàn, Hồng Tuyết còn may mắn được sự dạy dỗ, đào tạo ca Huế, các vũ đạo, cách biểu diễn sân khấu ca kịch …của các nghệ sĩ Ngọc Yến, Kim Oanh, Mộng Điệp, Kim Tha, Xuân Thiệu. Sau hơn một năm học tập, rèn luyện kỹ năng, Hồng Tuyết được đoàn  phân một số vai chính như: vai Điêu Thuyền ( vở Lã Bố hí Điêu Thuyền), vai Phúc (vở Ánh sáng mùa Thu của Ngọc Hùng), vai Mai (vở Người vợ miền Nam của Nguyễn Lượng), vai Bạch (vở Cây thanh trà của Lưu Trọng Lư), vai bà Thân ( vở Con gà chân chì của Châu Thành-Văn Lang), vai Lệ (vở Sông Hương từ ấy của Lưu Trọng Lư), vai Xiêm (vở Viên đạn súng kíp, Văn Lang chuyển thể từ Dấu chân người lính của nhà văn Nguyễn Minh Châu)…Theo Hồng Tuyết, khi đảm nhận các vai diễn trên, Hồng Tuyết đã rất tâm huyết thể hiện, nhập vai và đã cố vận dụng các sở học để luôn sáng tạo trong quá trình biểu diễn, chính sự kiên trì nỗ lực đó đã được các đạo diễn, nghệ sĩ trong đoàn và khán giả chấp nhận, quý mến. Bên cạnh những vai diễn chính, Hồng Tuyết còn tham gia bất cứ vai phụ nào mà đoàn phân công và cho dù là vai phụ nhưng Hồng Tuyết đều nghiêm túc tìm cho mình một phong cách biểu diễn riêng.

Thời gian công tác ở đoàn, ngoài việc biểu diễn, Hồng Tuyết còn tham gia dàn dựng một hoạt cảnh cho tốp ca nữ thể hiện tổ khúc “Nón quê em”, tiết mục này đã dược trình bày nhiều lần trong và ngoài nuớc với hiệu quả nghệ thuật cao; Hồng Tuyết cùng các ban văn nghệ nghiệp dư của một số cơ quan, đoàn thể dàn dựng các vở ca kịch phục vụ những cuộc hội diễn tỉnh, thành phố ; huấn luyện nghiệp vụ cho tốp diễn viên Đoàn B từ Quảng Trị ra xóm Cát, Vĩnh Linh học kịp trở vào phục vụ chiến trường (thời gian học 1 tháng hồi tháng 10.1966). Từ sự gắn kết lâu năm với ca Huế, ca kịch Huế cũng như Kim Vàng, Thái Hùng, Hồng Tuyết đã sáng tác, soạn lời nhiều bài ca Huế, điệu lý, hò…được phát trên các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, khu vực và trung ương.

Từ tâm niệm “Nghệ thuật bao giờ cũng thanh xuân và chưa bao giờ tôi thỏa mãn với cái mình đã có, luôn say mê với nghề, tự rèn luyện bản thân, học hỏi bè bạn, cố gắng vươn lên với mong muốn phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa…Khi mới vào nghề, tôi đã xác định cho mình con đường nghệ thuật là lẽ sống và thường nói với bạn bè rằng chỗ sân khấu là chỗ đứng, khán giả là niềm vui…”cho nên đến lúc nghỉ hưu (1982) và những năm về sau Hồng Tuyết vẫn tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực, sân khấu ca kịch Huế, ca Huế. Hồng Tuyết được mời biểu diễn tại Hải Phòng, Nam Hà, Hà Tây, Hà Bắc, Hòa Bình, Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh…Thời gian ở Hà Nội, Hồng Tuyết đã hợp đồng với Đài Tiếng Nói Việt Nam phụ trách chuyên môn dựng một số tiết mục trích đoạn và kỹ thuật ca lý cho Tổ ca Huế đoàn ca nhạc của đài; Ban Liên lạc Đồng hương Thừa Thiên Huế, nhiều phường, quận, huyện tại Hà Nội liên tục yêu cầu biểu diễn. Hồng Tuyết được trường mù Nguyễn Đình Chiễu (Hà Nội) tham gia giảng dạy dân ca từ năm 1990 đến 1995.

Hiện nay, khi trở về sinh sống ở Huế, hoạt động ca Huế của Hồng Tuyết vẫn sôi nổi, phong phú. Hồng Tuyết được Trường Văn Hóa Nghệ thuật tỉnh mời giảng dạy dân ca, ca Huế, Đoàn Ca Kịch Huế mời tham gia cố vấn kỹ thuật ca lý cho các chương trình biểu diễn trong nước và Trung Quốc (2003); Hồng Tuyết được nhiều thế hệ học trò theo học ca Huế và một số em được thành danh. Về con cái, Hồng Tuyết có niềm vui lớn vì ba người con đã nối nghiệp nhà: Minh Tiến, nghệ sĩ đàn bầu tài hoa của Đoàn Ca Kịch Huế, Hồng Thu, Hồng Thanh là những ca sĩ đang có những cống hiến nhất định vào việc bảo tồn và phát triển loại hình đàn, ca Huế.

Với một quá trình hoạt động sân khấu ca kịch, ca Huế, Hồng Tuyết đã nhận được huy chương Chiến sĩ văn hóa, huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa Thông tin, 3 huy chương vàng trong các liên hoan nghệ thuật (1986, 1990, 1992) cùng nhiều bằng khen khác ngành, Hồng Tuyết xứng đáng với lời thơ tặng của một tri âm tại Hà Nội vì đã có cuộc đời nghệ thuật sinh động từ Huế đến Hà Nội và trên mọi miền đất nước:
               
Mừng nước non qua mấy dặm trường
Bạn hòa dòng Nhị quyện dòng Hương
Hồng tươi sắc thắm, hoa lộng lẫy
Tuyết điểm đầu xanh, đẹp tóc sương

Võ Quê
www.voque.org


ĐỌC THÊM

Nghệ sĩ Hồng Tuyết - Giọng ca một thời

Tình yêu Ca Huế trong bà đã trở thành máu thịt, cần thiết hàng ngày như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Ca Huế đã nuôi dưỡng tâm hồn bà, Ca Huế là chất men sống của bà trong suốt hơn 50 năm qua.
  Những giọng ca vàng của Ca Huế một thời nay họ đang làm gì? Câu hỏi ấy ít nhất một lần đã đến với mỗi chúng ta khi nghĩ về những người đã giữ nhịp cầu ca Huế từ những tháng năm trầm lắng để có bước thăng hoa của Ca Huế hôm nay. Trong số những gương mặt nghệ sĩ vang bóng một thời của ngày xưa ấy, hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn nghệ sĩ Hồng Tuyết- người đã có hơn 50 năm gắn bó cùng ca Huế với một giọng ca đặc biệt riêng và đầy cá tính.

 Năm nay đã gần 70 tuổi thế nhưng giọng hát của bà vẫn còn ấm và vang lắm. Tình yêu Ca Huế trong bà đã trở thành máu thịt, cần thiết hàng ngày như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Ca Huế đã nuôi dưỡng tâm hồn bà, Ca Huế là chất men sống của bà trong suốt hơn 50 năm qua.

Nghệ sĩ Hồng Tuyết sinh năm 1942, tính đến nay bà đã 68 tuổi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật: ông ngoại là một nghệ sĩ tài hoa, bố là nghệ sĩ Nguyễn Văn Giáo – một trong bốn nghệ nhân đàn nhị nổi tiếng của các đoàn hát Kim Sanh, Kim Thịnh, Thái Mộng Đài thời những năm 1950... nên từ nhỏ nghệ sĩ Hồng Tuyết đã gắn bó với tiếng đàn, tiếng hát, với ánh đèn sân khấu. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà được mở ra bằng vai tỳ nữ trong vở diễn An Tư quận chúa vào năm bà mười bốn tuổi. Năm 16 tuổi, bà là diễn viên của đoàn Ca Kịch Trị Thiên và từ đây, cuộc đời bà bắt đầu gắn chặt với những thăng trầm của dòng ca nhạc Huế.
Năm 1957, Đoàn Ca Kịch Huế được thành lập tại Khu 4, cha của bà được ngành văn hóa triệu tập về đoàn, lúc này bà mới 15 tuổi cũng theo cha vào Đoàn. Chỉ sau một năm vào Đoàn, lúc ấy mới 16 tuổi, bà đã được phân một số vai chính trong các vở có đề tài lịch sử cổ xưa cho đến thời hiện đại. Những năm 1960-1970 là khoảng thời gian nghệ sĩ Hồng Tuyết sống hết mình với nghệ thuật và vì nghệ thuật. Cùng với nhiều anh chị em  văn nghệ sĩ khác, bà xung phong vào phục vụ ở tuyến lửa nam Quảng Bình- Vĩnh Linh. Trong khó khăn của cuộc sống chung, tài năng của bà ngày càng chín. Năm 1963, bà vinh dự cùng Đoàn Ca Kịch Huế biểu diễn tại Phủ Chủ tịch trong dịp Bác Hồ tiếp phái đoàn quân sự của Trung Quốc. Bức ảnh này bây giờ đã trở thành niềm tự hào của gia đình bà.

Trong nghề Ca Huế, nghệ sĩ Hồng Tuyết được đánh giá là người có một chất giọng quý, trường hơi. Bà có giọng ca mượt mà truyền cảm dễ đi vào lòng người và có thể ca điêu luyện các làn điệu từ lý cổ bản, lý giao duyên, lý cây roi, lý quỳnh tương đến các điệu hò mái nhì, mái đẩy, nam ai, nam bình.

Năm 1976, nghệ sĩ Hồng Tuyết trở về Huế tham gia vào đoàn Ca Kịch Huế Bình Trị Thiên. Năm 1980, bà chuyển ra Hà Nội, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách tổ ca Huế. Thời gian này bà đã đi diễn khắp Hà Nội. Một giọng ca Huế ngọt  ngào xuất hiện giữa lòng Hà thành, đem Ca Huế đến với Hà Nội , tiếng hát của bà đã góp phần giới thiệu vẻ đẹp cuả Ca Huế bên cạnh vẻ đẹp của Quan họ Bắc Minh, của Chèo, của Cải lương. Nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà giáo nhân dân- khi nghe nghệ sĩ Hồng Tuyết ngâm Kiều đã viết lời đề tặng “ Nàng là ai! Tiếng hát thần tiên/ Núi Ngự sông Hương nhạc ảo huyền/ Có phải Nguyễn Du giọng hát ấy/ đã nghe hòa bạc mệnh Kiều thiên”.

 Không chỉ được khán giả ghi nhận tiếng hát của mình, Nghệ sĩ Hồng tuyết còn được nhận nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhì năm 1997, huy chương chiến sĩ văn hóa, huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, 3 Huy chương vàng trong các liên hoan nghệ thuật  cùng nhiều bằng khen khác.

 Ngày nay, các con và cháu của bà cũng đi theo con đường nghệ thuật. Cả gia đình bốn thế hệ liên tiếp đang giữ lửa Ca Huế, đang góp phần vun đắt cây tình yêu Ca Huế, nhạc Huế .

Nguồn: Phòng Văn nghệ TRT
Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế
Blog Tiếng Việt làng Văn Quỹ đăng lại
Lê Đăng Mành sưu tầm 

READ MORE - NGHỆ SĨ HỒNG TUYẾT: "SÂN KHẤU LÀ CHỖ ĐỨNG, KHÁN GIẢ LÀ NIỀM VUI" - Võ Quê

ĐÊM MƯA SÀI GÒN - Trương Nguyễn



Bóng ai về
Tất tả giữa đêm mưa
Nơi phố thị
Trời hồng xanh đỏ tím
Thế nhân buồn nụ cười nào tắt lịm
Đêm độc hành từng nhịp gõ bâng khuâng ?

Cúi mặt
Đối diện
Mưa trầm
Loang loáng đèn đêm
Bóng người loạn xạ
Thế giới người chỉ mình ta xa lạ
Mong manh heo hút một kiếp người

Mưa sài gòn
Đêm bổng chơi vơi
Từng điếu thuốc
Thắp lên
Không cháy được
Tiếng động cơ rập rình xuôi ngược
Ta đứng trên hố thẳm chân mình

Biết về đâu
Trái đất rộng thênh
Chân rón rén
Người lữ hành đơn lẻ
Trong thinh không từng tiếng rên rất khẽ
Nghe xôn xao sỏi đá gọi tên mình .

 TRƯƠNG NGUYỄN
truongnguyen49@yahoo.com.vn
READ MORE - ĐÊM MƯA SÀI GÒN - Trương Nguyễn

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG CŨ - Hùng Vĩnh Phước



Thân mến gởi bạn bè Nguyễn Hoàng của những năm học 

1963-1970.


Thất 2 đến Tứ 2

Theo chiếc xe đạp quèn là những lo âu

Ta chở dại khờ từ quê ra tỉnh

Biết bán cho ai, ai mua mà bán

Đành giữ cho mình làm vốn sống ngu ngơ!



Tam C, Nhị C

Những khuôn mặt bạn hiền ôi quá dễ thương

Cây thân ái vun chung để mai sau còn nhớ

Lớp học chia hai khi đến giờ sinh ngữ

Ta chia bài học mình thành những lá thơ bay…



Nhất C (12C)

Lần đầu tiên Nguyễn Hoàng có lớp nhất C

Dù chỉ lèo tèo chưa đầy mươi đứa

Xin cảm ơn những mộng mơ phủ đầy trang vở

Đường học trò dài theo dáng ai đi…



Bây Giờ 
      
Giòng thời gian chia bạn bè mỗi đứa một phương

Căn ký ức vẫn chưa thành hoang phế

Nguyễn Hoàng không còn

Nhưng hương Nguyễn Hoàng vẫn tỏa

Vẫn xuyến xao khi nhìn lại trường mình.


Hùng Vĩnh Phước
hungvinhphuoc@yahoo.com
READ MORE - KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG CŨ - Hùng Vĩnh Phước

NHỚ MẸ - Nhạc Lê Hoàng - Thơ Thu Vân

READ MORE - NHỚ MẸ - Nhạc Lê Hoàng - Thơ Thu Vân