Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 14, 2013

THU ĐẾN RỒI ANH LUÂN - thơ Thế Lộc




  Thay lời con dâu  

Từ dạo chia lìa ta nhớ nhau
Xót thương héo úa nát đêm nhàu
Buâng  khuâng bến nước con đò nhỏ
Biền biệt phương trời lạnh lách lau
Miên viễn anh đi, sầu cố xứ
Mõi mòn em ở rát tim đau
Chao ôi, Thu đến Người không đến
Năm tháng hoa tàn tóc trắng phau.

Thế Lộc
16.05.2012
READ MORE - THU ĐẾN RỒI ANH LUÂN - thơ Thế Lộc

HƯƠNG QUÊ - thơ Đào Phan Toàn



Con lại về thăm quê Mẹ Hương Khê
Tháng Tư nắng, vàng mơ mùa ong mật
Con chim khách, quen hơi người không hót
Ơi tình quê! Chát ngọt ... Đọi chè xanh...

Mấy chục năm rồi, Mẹ ngóng đợi Anh
Đã yên bình, nhưng chưa lần họp mặt
Cờ đỏ rợp trời, kỷ niệm ngày thống nhất
Mẹ vẫn hằng tin... Anh đột ngột trở về...

Con đã từng qua Phúc trạch, Hương Hà
Lòng vẫn ấm sắn Động ngày Hương Thủy
Hòa Hải, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ
Tình Mẹ mênh mang như nước Ngàn Sâu!

Bước chân con băng qua đỉnh núi Rào
Thầm thương Mẹ tháng năm dài gian khó
Hương bưởi vườn ai, thoảng bay trong gió
Ơi Bình Sơn ... Sao trong mắt ta cay...

Ước sẽ cùng Anh về thăm Mẹ sớm nay
Để được Mẹ ôm trong đôi tay gầy guộc
Đôi tay khẳng khiu, ôm trọn tình Đất nước
Ôi! Những đứa con... Xa Mẹ mãi... Chưa về!

Đào Phan Toàn
25 phố Giắt, Triệu Sơn,Thanh Hóa
READ MORE - HƯƠNG QUÊ - thơ Đào Phan Toàn

Chùm thơ Phan Hòa - BÊN DÒNG THẠCH HÃN - LÀ DÂN VIỆT, PHẢI CÙNG NHAU GIỮ NƯỚC



BÊN DÒNG THẠCH HÃN

Thạch Hãn chiều nay sóng nước trong
Chắp tay trước mộ nén nhang lòng
Ngàn hoa biêng biếc gào trên bến
Vạn nến bập bùng thét dưới sông
Xã Tắc đề bia - trời khắc cốt
Sơn Hà tạc tượng - đất ghi công
Quê hương dẫu đã chung thành một
Vẫn nhớ ngày xưa máu đỏ dòng!




LÀ DÂN VIỆT, PHẢI CÙNG NHAU GIỮ NƯỚC

Tôi sinh ra giữa vùng đầy nắng gió 
Lớn lên dần theo bão lũ miền Trung 
Mảnh đất cằn khô nhưng cũng lắm anh hùng 
Áo vải cờ đào đuổi quân xâm lược 

Miền Trung yêu thương gánh hai đầu đất nước 
Ưỡn mình ra cùng sóng gió biển Đông 
Nam Bắc dang tay, con cháu Lạc Hồng 
Lưng tựa vách dải Trường Sơn hùng vĩ 

Từ thuở giặc Tàu, giặc Tây, giặc Mỹ! 
Máu cha ông đã tô thắm đất này 
Súng đạn, cung tên trên những luống cày 
Vừa trồng trọt, chăn nuôi… vừa chiến đấu! 

Trong bát cơm có mồ hôi và máu 
Để giữ gìn từng tấc đất cha ông 
Cùng với Cửu Long, cùng với sông Hồng 
“Từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” 

Những chàng trai ra đi ngoài quan ải 
Rướm máu lòng, nghe huyền thoại vọng phu 
Nơi chiến trường xa vó ngựa mịt mù 
Vẫn ôm ấp bóng hình người cô phụ 

Miền Trung vẫn thế: chiến tranh và bão lũ 
Nấm mồ chung Sơn Mỹ vẫn còn đây 
Những thép gai xưa rào ấp, thôn này 
Nay néo cột trên mái nhà chống bão 

Miền Trung tôi vẫn đói cơm, thiếu gạo 
Đất cằn khô như bom lửa na-pan 
Di chứng cho đời sau chất độc màu da cam 
Là những tấm thân, tay chân không lành lặn 

Đã bao đời cùng biển Đông muối mặn 
Với gió Lào từng đợt gừng cay 
Máu, mồ hôi đổ thấm đất này 
Xin đừng hỏi: Nên hòa hay nên chiến? 

Người miền Trung không luận bàn chính kiến 
Giặc đến nhà là phải đánh, thế thôi! 
Thuở Hùng Vương đã dựng nước rồi 
Là dân Việt - phải cùng nhau giữ nước... 

Phan Hòa,

Quy Nhơn


MaiMai1960 gởi đăng

READ MORE - Chùm thơ Phan Hòa - BÊN DÒNG THẠCH HÃN - LÀ DÂN VIỆT, PHẢI CÙNG NHAU GIỮ NƯỚC

DÁNG XƯA - thơ Châu Thạch




Tặng chị Nguyễn Thị Trợ
Cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị
(Người bạn đồng trang lứa nhưng vai đàn chị)

Có tóc nào đẹp hơn tóc ai?  
Mây sao mây huyền trên bờ vai
Dáng ai thanh tú như tranh vẽ
Tranh truyền thần hay tranh liêu trai?
                                           
Có áo nào trắng ngợp sân trường ?  
Ngẫn ngơ trăm mắt đắm yêu thương
Lời tình chưa tỏ gom thành núi
Ai hóa hình trong thơ trăm chương ?
                                              
Và ai đi dưới bóng Cổ Thành
Chân chim từng bước gợn âm thanh
Mơ hồ tiếng nhạc qua đường vắng
Gỏ cả tim người, tim cây xanh.
                                              
Những chàng trai trẻ tuổi đang yêu
Tim đã vì ai thương nhớ nhiều
Nẩy mầm kỷ niệm qua năm tháng
Nay lớn thành cây si hoang liêu.
                                              
Thời gian đâu dễ xóa mờ đi
Những vẻ thanh tao trên nét mi
Đã từng trổi giữa vườn hoa đẹp
Ai nhớ mình chăng, ngày xưa xuân thì ./.


Châu Thạch
READ MORE - DÁNG XƯA - thơ Châu Thạch

NGHÈO HÈN - truyện ngắn Trạch An – Trần Hữu Hội

                     
Trạch An-Trần Hữu Hội


       Thằng Khâm, mẹ hắn, cùng hai đứa em gái dừng xe trước ngôi nhà của chủ. Vẻ hùng hỗ lúc ở nhà biến đi đâu mất! Ké né dựng hai chiếc xe gần cái cổng đóng kín, tiếng chó sủa trong nhà vọng ra làm hắn thêm ngại… Cổng mở, cô chủ chỉ lớn hơn hắn một tuổi, hầm hầm, té tát mắng vào mặt hắn:
      -Cái mặt chó mày còn vô đây làm chi, giỏi thì  đi luôn đi…

      -Em  vô xin chị sáu triệu tiền còn lại… Và giấy tờ của tụi em…

      Cô chủ Ngân vừa chống nạnh, vừa đưa ngón tay xỉa xói vô cái mặt ốm xanh của thằng Khâm làm hắn cứ thụt lùi , nói giọng the thé như bị ai bóp cổ :

      -Hả, sáu triệu nào? Hả..tụi mày là con chó phản chủ...Hai đứa mày làm thuê tao trả tiền… đẻ con tao nuôi cho lớn rồi tụi mày bỏ đi không thèm ỉa vào tai tao một tiếng… Giờ tiền gì, tiền gì mà vô đòi ? Giấy tờ gì, ai giữ giấy tờ tụi bây ?

     Hàng xóm nhìn qua nhưng không ai tới … Lát sau, Tiến, cậu chủ, cũng chỉ hơn hắn ba tuổi, từ trong nhà đi ra. Không cần nói năng, nhào vào tát liên tục vào hai cái má xương xẩu của thằng Khâm… Hắn lại thụt lùi cho tới khi lưng hắn đụng vào tường, cậu chủ đấm một phát vào ngực, hắn ôm ngực co rún người lại…

     Xong, móc điện thoại gọi đi đâu đó. Có thể là công an xã, có thể là dân phòng…

     Mẹ và hai em gái hắn đứng như trời trồng, cũng đàn bà, nhưng không hàm hồ và hung dữ bằng vợ chồng chủ!

     Mẹ hắn năm nỉ nhưng cánh cổng đã đóng lại, chỉ còn tiếng chó sủa và bốn bà con thằng Khâm đứng chơ vơ…

    Có mấy người xúi nó lên xã báo, nhưng hắn biết là cậu Tiến nhậu nhẹt thường xuyên với họ. Có báo cũng chẳng ăn nhằm gì, không chừng bắt ngược lại mẹ con hắn, cho là phá rối trật tự…

    Đứa ở mới là một cô bé người dân tộc, da ngăm đen, cầm cái chổi ra quét sân.   

                                                        ***

     Nếu tính riêng vợ thằng Khâm thì đã làm thuê cho nhà này hơn sáu năm rồi… Cái thời con Liên, vợ hắn, mới mười sáu tuổi. Ông bà chủ, là cha mẹ của cậu Tiến nhà này chưa qua Mỹ. Khâm thì mới ở hơn ba năm nay.

     Hồi con bé Liên được người hàng xóm ở Cam Ranh dẩn vào cùng ông Tưởng bà Lâm, thì đúng là lên thiên đường! Ở nhà mẹ, Liên làm rẫy khổ cực suốt năm mà hai mẹ con không nuôi nổi nhau! Làm thuê cũng chỉ có chút tiền may cái áo ngày tết, không mua được đôi dép…

     Vào nhà ông Tưởng bà Lâm, áo quần tha hồ. Con bé sững người khi bà Lâm đứng trên thềm ném xuống chỗ hai mẹ con ngồi một bao to áo quần còn thơm mùi Mỹ! Một số mặc vừa, có cái hơi rộng, có cái hơi chật, nhưng đẹp quá! Còn lại, Bà Lâm nói với mẹ của con Liên:

     -Chị đem hết ra ngoài quê, cho bà con kẻo tội.

     Đêm hôm đó, bà Lâm nói với mẹ con Liên:

     -Chị để nó làm cho tui, công cán tui không để lỗ cho nó, ăn uống thì trong nhà tui chị cũng thấy đó… thịt cá tha hồ. Gắng ngoan và siêng năng, vài năm lớn , đẹp và hấp dẩn ra, con gái tui ở bên Mỹ về, không chừng còn kiếm cho nó thằng Việt Kiều, mẹ con chị tha hồ mà sướng!

    Sáng mai, mẹ con Liên lên xe về, bà Lâm đưa nguyên một tờ năm trăm mới cứng:

   -Chị cất đi, về ngoài Cam Ranh mà xài, con Liên ở đây tui lo…

   Xe thì chạy, mẹ con Liên tuy ngồi trên xe nhưng bà cảm thấy như đang bay!

    Con Liên  đêm nằm không ngủ được. Mấy tiếng “Lấy chồng Việt Kiều” huyễn hoặc tâm trí nó!

    Nói về siêng năng thì con Liên siêng có tiếng ngoài xã nó ở, không những thế, con Liên còn là đứa có sức, việc rẫy nương hắn làm không thua ai, giờ mấy  việc của nhà chủ, tuy chưa biết hết việc gì, hắn vẫn không hề lo sợ.

    Thấm thoát gần ba năm. Mẹ con Liên tết nào cũng vô thăm.Tiền công bà Lâm trả tuy thấp hơn người ta, tính ra một tháng chỉ một triệu rưởi! Nhưng nhìn con gái phỗng phao trắng trẽo chị cũng yên dạ yên lòng.

    Hôm  vợ chồng bà Tưởng-Lâm đi Mỹ, có làm tiệc chia tay, chị cũng vào. Tiếng là vào dự tiệc, nhưng phận tôi đòi, chẳng qua là vào phụ việc cùng con! Chỉ vui cái là cô con gái chủ bên Mỹ về, cho chị một tờ năm mươi “đô la”. Lần đầu chị thấy tiền Mỹ… đem ra khoe , bà con xóm làng chắc phải trầm trồ… nhà chị có phúc!

    Ông Bà Tưởng - Lâm đi, mối làm ăn da bò muối vẫn để lại cho con là vợ chồng cậu chủ Tiến – Ngân. Mọi công việc thì con Liên coi pha, nhưng cái việc muối da bò mấy năm nay con Liên quá vất vã, vừa nặng nề, vừa ngâm chân, ngâm tay trong nước muối, lại luôn ngập trong mùi hôi thối, tanh tưởi của nhà kho!

    Gần đây, mùi hôi làm hàng xóm không chịu được, kiện lên xã, cậu Tiến mua một miếng đất rẫy xa nhà… Con Liên giờ phải kéo xe hai bánh chở da vào kho rồi mới làm công việc nặng nhọc là muối!

   Những khi mệt, hắn hay nghĩ tới  lời hứa gả cho Việt Kiều của bà Lâm.

   May mà cậu Tiến thuê thêm được một người làm, thằng Khâm, mối lái đâu mấy người buôn da bò từ trên Đơn Dương dẫn xuống. Khâm hơi man mát, nói bị cà lăm, lớn hơn con Liên ba tuổi.

   Dạo này da bò không những từ trên thị trấn đem về, còn có thêm từ Đơn Dương gởi xuống bằng xe đò… có ngày tới năm bộ. Hai đứa gần như cả ngày trong nhà kho muối.

   Trưa, thằng Khâm biết chạy xe Hon đa, chở con Liên về nấu ăn cho chủ rồi ăn qua loa vài miếng, chạy bộ bới cơm vào cho thằng Khâm.  Ăn xong thì nghỉ một chút rồi hai đứa bắt tay làm tiếp công việc…

    Mệt lắm! Trưa , thằng Khâm nằm trên cái giường của hắn, gần cửa, ngủ say như chết, ban đêm hắn cũng ngủ đây để coi da bò. Chừng một giờ thì lo dậy làm kẻo cậu Tiến vào bất ngờ kiểm tra… Con Liên không có giường, trải cái bao nằm nơi cửa sau.

    Cậu chủ trả thằng Khâm một tháng không biết mấy, chỉ sau này khi thành vợ chồng hắn mới biết là nhiều hơn hắn năm trăm . Mấy năm không tăng không giảm!



                                                        *****

     Tuy lớn hơn Liên ba tuổi, nhưng do hơi man mát, nên Liên cứ tau mày với Khâm, Khâm cũng vậy.

    Trưa nay con Liên nằm nơi cửa sau, cứ nóng hừng hực khi nghỉ tới chuyện hồi đêm.

     Đêm qua, con bé con cô cậu chủ tự nhiên nói ngủ một mình sợ ma. Cô Ngân kêu Liên từ dưới chái bếp lên lầu, nói:

    -Mày trải cái mền dưới nền bên phòng con Phụng, ngủ với nó. Tự nhiên nhõng nhẽo bày đặt  sợ ma, cái con này !

    Khuya, hắn nghe trong phòng cô cậu chủ có nhiều tiếng lạ, như đang đánh nhau. Chuyện này thì thường, có lần cô Ngân còn nói to :

    -Đ.m. mày nghe Tiến, tao ly dị mày! Tao thà về mổ bò mổ heo với cha mẹ tao như hồi còn con gái, hơn là ăn mấy đồng tiền “đô” mà cứ chửi lên đánh xuống! Cái mặt mày, tao mà bỏ thì có chó nó ưa!

     Bốp, huỵch, hự…loạn lên. Có khi trong bữa ăn, có khi nhà có người đang nhậu. Hồi ở với cha mẹ. Cô Ngân bán thịt, dữ và hàm hồ nổi tiếng, cả chợ này ai cũng biết.

     Không nghe tiếng chửi nhau, con Liên đứng dậy tới gần cửa phòng. Nhìn vô lỗ khóa, cả hai vợ chồng đang trần truồng, quấn nhau trên giường, con Liên nghe tiếng cô Ngân xuýt xoa, rên ư ử .

     Hắn trở lại nằm xuống. Cứ muốn dậy, lén nhìn qua lỗ khóa.

     Trưa nay hắn cũng nóng hầm hập, cứ nhìn chăm vào thằng Khâm đang ở trần nằm ngủ gần cửa …

     Khi cái bụng con Liên to lên rồi, hàng xóm ai cũng nói :

     -Lửa gần rơm mà, ở với nhau trong cái nhà muối da bò cả  ngày thế không bầu mới lạ!

     Nói vậy, cả xóm ai cũng thương hai đứa. Chỉ ghét là ghét vợ chồng Tiến - Ngân. Gần ngày sinh, cô Ngân bảo xui không cho sinh trong nhà, đuổi con Liên về Cam Ranh , thằng Khâm đến ngày con Liên sinh, cũng xin đi theo.

     Mẹ tròn con vuông. Nghe đâu có vợ chồng ông Công an ngoài đó, là người tử tế , thuê cả hai , cơm ăn rồi tháng cho năm triệu. Trong xóm ai cũng mừng cho thằng Khâm và con Liên.

                                              ****

     Chưa có người làm thay thế, kể ra kiếm cho được người làm như Khâm - Liên không dễ .Thật thà và siêng năng.

     Cô cậu chủ Tiến –Ngân vất vã trông thấy! Đánh, chửi nhau thường xuyên. Nhà cô Ngân cho đứa em trai xuống giúp cũng không xuể việc.

     Ông Bà Tưởng - Lâm  bên Mỹ về.

     Cậu Tiến lái chiếc Inova chở bà Lâm ra Cam Ranh. Ngon ngọt thế nào mà khi vào, có cả hai đứa, thằng con bốn tháng và cả mẹ con Liên cùng vào ! Bà Lâm nói với hai đứa:

     -Dì coi hai đứa như con, từ nay thằng Cu là cháu ngoại dì, đưa giấy chứng minh dì lên nhập khẩu cho vợ chồng và làm khai sinh cho thằng Cu vào trong nhà luôn. Ngân –Tiến tháng cứ trả cho hai đứa ba triệu bảy, còn một trăm đô dì để dành cho tụi con bên Mỹ, sau này làm vốn liếng cho thằng Cu, còn không muốn thì hai năm dì về một lần, dì đưa đủ cho hai ngàn tư mà sắm vàng.

     Tính ra một năm, hơn ở với ông Công an chỉ bảy trăm ngàn một tháng, nhưng nghe bà Lâm nói tới “hai ngàn tư đô” thằng Khâm và con Liên ngất ngây !

     Bà Lâm lại qua Mỹ. Cô Ngân cũng trả ba triệu bảy một tháng, nhưng làm bể cái tô, cái chén, cái ly… cũng trừ lương, có mấy bộ đồ cô Ngân cậu Tiến không mặc, cho hai đứa, tưởng đâu cho không ai dè tính tiền, trừ vào lương.

     Hôm tết bà Lâm về. Sửa nhà sửa cửa, đám cưới cho cậu Tùng.

     Hai đứa rụt rè đùn dẩy nhau hỏi tiền “Đô”, Bà Lâm nói mát rượi:

     -Dì về lần này nhiều việc, giờ không còn tiền, coi như cậu Tùng nợ hai đứa. Nhà vợ cậu Tùng giàu lắm,  thế nào cũng cho vợ chồng cậu Tùng vốn liếng, trả lại hai đứa mấy hồi!

    Thằng Khâm và con Liên không dám khóc, nhưng nước mắt rưng rưng !

   Năm tháng gần đây, cô Ngân chỉ đưa mỗi tháng một triệu bảy, nói là “để giữ lại cho tụi mày”.

    Tuần trước, lấy cớ về thăm mẹ , con Liên nói “mượn” bốn triệu đem về cho mẹ, rồi gởi thằng Cu luôn, cô Ngân rất thích gởi thằng Cu về ngoại nó cho rãnh! Thằng Khâm trốn đi hai ngày sau. Định tìm về ở với vợ chồng ông Công an.

    Mẹ thằng Khâm và  hai em gái nó tiếc xót, cùng nhau xuống đòi sáu triệu và giấy tờ…

                                                   ****

    Tất cả toàn là  lời hứa ngon hứa ngọt. Có cái gì làm bằng chứng đâu mà kiện với cáo, ai nghe vợ chồng thằng Khâm!

    Hàng xóm nhiều người bảo họ dại này nọ, còn bảo thằng Khâm sao không đánh lại cái thằng Tiến cọm rọm cho hắn chừa, thằng Khâm mạnh hơn gấp mấy…

    Ông Giáo nhà đối diện ngẫm nghĩ, rồi sửa lại cặp kiếng:

    -Cái “nghèo” thường đi kèm với cái “dại” cái “hèn”, người ta nói “nghèo - hèn” mà lại. Thế mới có chuyện!

                                                     Trạch An-Trần Hữu Hội
                                                     Tháng VI, 2013
                                                     trachan555@yahoo.com.vn
READ MORE - NGHÈO HÈN - truyện ngắn Trạch An – Trần Hữu Hội

Tôi học làm thơ: LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ 7 CHỮ - Nguyễn Khắc Phước





Trong chương trình phổ thông ngày xưa, ta học thơ lục bát trong Lục Vân Tiên và Kiều, thơ  đường của Bà Huyên Thanh Quan và Nguyễn Khuyến, hát nói của Nguyễn Công Trứ nhưng tôi không nhớ đã học tác giả thơ mới nào, và cũng chưa nghe thầy nào dạy cách làm một bài thơ, cho dù là thơ lục bát.

Có một thời từ cô thôn nữ đến cậu sinh viên đều thuộc nhiều bài thơ  của những tác gỉa nổi tiếng trong phong trào thơ mới như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên… vì thơ họ hay. Vậy thơ họ hay ở chỗ nào? Thơ họ hay trước hết vì họ diễn tả tình cảm cá nhân, đăc biệt là tình yêu đôi lứa, do đó, ai cũng cảm thấy nhà thơ đã nói hộ tâm trạng mình. Trong thơ họ, thí tứ  phong phú, cảm xúc dạt dào, tình cảm nồng nàn, tha thiết, mãnh liệt, được diễn tả bằng từ ngữ bay bướm, sáng tạo, giàu nhạc tính, có vần điệu, nghe êm tai. Nói chung, thơ họ hay bởi họ có tài làm thơ, cái mà nhiều người khác không có được. Không chỉ có vậy, thơ họ hay còn nhờ họ hiểu cặn kẽ luật thơ và biết phá luật để tạo những câu thơ đẹp.

Dù không làm được thơ hay vì không có tài nhưng không ai cấm chúng ta viết đôi câu để chúc mừng lễ vu quy của cháu gái hay giải sầu khi vợ ốm phải nằm viện. Những lúc như thế, nếu viết được một vài câu dù chưa phải là thơ nhưng cũng đủ làm cuộc sống trở nên vui hơn, có ý nghĩa hơn, đỡ buồn, đỡ stressed, dễ thở hơn đôi chút. Nếu đọc cho bạn bè nghe thì cũng xuôi tai. Muốn vậy thì phải học làm thơ, đặc biệt là học các nhà thơ lớn, xem thử cái kỹ thuật tối thiểu trong thơ họ là gì.

Một bài được gọi là thơ theo dạng thơ mới (không nói đến thơ tự do) thì ai cũng biết là phải có vần, nhưng theo tôi, thứ quan trọng không kém là luật bằng trắc trong câu, mà rất nhiều người làm thơ nghiệp dư không chú ý đến lại là thứ mà những nhà thơ nổi tiếng ít ai không tuân thủ.

Trong nhạc có nhịp và phách, trong thơ (có vần) có câu và luật bằng trắc của mỗi từ trong mỗi câu. Trong nhạc, các nốt nhạc ở phách mạnh đầu nhịp là quan trọng, thì trong thơ 7 chữ, các từ thứ 2, 4 và 6 là những từ quan trọng. 

Hãy nghiên cứu luật bằng trắc trong một vài bài thơ 7 chữ của các nhà thơ nổi tiếng. 

Thử ghi luật bằng trắc của các từ thứ 2, 4 và 6  trong bài thơ Đậm Nhạt của Vũ Hoàng Chương.

Trong bài thơ này, tác giả hoàn toàn tuân thủ luật bẳng trắc của thơ Đường: Trong mỗi câu, từ thứ 2 luôn giống vần từ thứ 6: ví dụ từ thứ 2 vần bằng thì từ thứ 6 cũng vần bằng, từ thứ 4 vần trắc, chẳng khác gì thơ Đường.  Về niêm cũng tương tự thơ Đường: Câu đầu và câu cuối giống nhau, các câu còn lại giống nhau từng cặp. Vần thì mỗi đọan thơ 4 câu giống với 4 câu đầu trong thơ Đường: Các từ cuối của các câu 1, 2 và 4 vần với nhau. Như vậy, bài Đậm Nhạt còn ảnh hưởng sâu sắc của thơ Đường về luật bằng trắc và niêm, chỉ không có đối và số câu nhiều hơn mà thôi.

Đậm Nhạt - Vũ Hoàng Chương   

Da thịt đìu hiu rợp bóng mây (TBT)
Sương lam mờ cỏ gió vàng cây (BTB)
Song sa nắng xế dần ân ái (BTB)
Lạnh cả mùa xưa nguyệt Mái Tây (TBT)

Nẻo ngắt chiêm bao nhịp rụng đều (TBT)
Tâm tư ngờ chạm bước hài thêu (BTB)
Tiền thân nửa gối vườn mưa lá (BTB)
Vết cũ phong sầu đậm nhạt rêu (TBT)

Tình chủng bơ vơ độc viễn hành (TBT)
Nàng Thôi thôi đã hết Oanh Oanh (BTB)
Gót sen chùa cổ đêm trăng ấy (BTB)
Vọng thấu luân hồi nhạc mỏng manh (TBT)

Mùa nhớ thương sang mộng nõn nà (TBT)
Tinh anh nghìn kiếp thoáng dư ba (BTB)
Hồn ai xác mới nghe thoi thóp (BTB)
Vang bóng hài xiêm chuyển thớ da (TBT)

Bài Hạnh Ngộ của Đinh Hùng đổi mới không nhiều. Luật bằng trắc trong mỗi câu vẫn giữ nguyên, chỉ có niêm là đôi chút thay đổi: Câu đầu và câu cuối không giống nhau, Câu 4 và câu 5 không giống nhau. Tất cả nhưng câu còn lại đều theo luật niêm của thơ Đường.

Bài Ca Hạnh Ngộ - Đinh Hùng

Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay, (BTB)
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?(TBT)
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ, (TBT)
Nửa như hoài vọng, nửa như say. (BTB) (4)

Em đến như mây, chẳng đợi kỳ, (TBT) (5)
Hương ngàn gió núi động hàng mi. (BTB)
Tâm tư khép mở đôi tà áo, (BTB)
Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi. (TBT)

Em muốn đôi ta mộng chốn nào? (TBT)
Ước nguyền đã có gác trăng sao. (BTB)
Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý, (BTB)
Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào. (TBT)

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ. (TBT)
Nắng trong hoa, với gió bên hồ, (BTB)
Dành riêng em đấy. Khi tình tự, (BTB)
Ta sẽ đi về những cảnh xưa. (TBT)

Rồi buổi ưu sầu em với tôi (TBT)
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời. (BTB)
Vai kề một mái thơ phong nguyệt, (BTB)
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười. (TBT)

Bài Mưa Xuân của Nguyễn Bính vẫn giữ nguyên luật bằng trắc nhưng niêm đã thay đổi khá nhiều. Một phần tư các cặp câu không theo luật niêm, nằm vào câu cuối đoạn thơ trước và câu đầu đoạn thơ sau, đó là các cặp câu 4-5, 12-13, 24-25, 28-29, 32-33,

Mưa Xuân – Nguyễn Bính

Em là con gái trong khung cửi (BTB)
Dệt lụa quanh năm với mẹ già (TBT)
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng (TBT)
Mẹ già chưa bán chợ làng xa. (BTB) (4)

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay (TBT) (5)
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (BTB)
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ (BTB)
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”. (TBT)

Lòng thấy giăng tơ một mối tình (TBT)
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh (BTB)
Hình như hai má em bừng đỏ (BTB)
Có lẽ là em nghĩ đến anh. (TBT) (12)

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn (BTB) (13)
Em ngửa bàn tay trước mái hiên (TBT)
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh (TBT)
Thế nào anh ấy chả sang xem! (BTB)

Em xin phép mẹ, vội vàng đi (BTB)
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe. (TBT)
Mưa bụi nên em không ướt áo (TBT)
Thôn Đoài cách có một thôi đê. (BTB)

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm (BTB)
Em mải tìm anh chả thiết xem (TBT)
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh (TBT)
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em. (BTB) (24)

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang (TBT) (25)
Thế mà hôm nọ hát bên làng (BTB)
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn (BTB)
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! (TBT) (28)

Mình em lầm lũi trên đường về (BTB) (29)
Có ngắn gì đâu một dải đê! (TBT)
áo mỏng che đầu mưa nặng hạt (TBT)
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya (BTB) (32)

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay (TBT) (33)
Hoa xoan đã nát dưới chân giày (BTB)
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ (BTB)
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”. (TBT)

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày (TBT)
Bao giờ em mới gặp anh đây? (BTB)
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ (BTB)
Để mẹ em rằng hát tối nay? (TBT)

Trong bài Xuân của Chế Lan Viên, luật bằng trắc trong mỗi câu vẫn giữ nguyên, nhưng luật niêm đã nhạt. Chỉ có 2 cặp câu giống nhau về luật bằng trắc, những câu còn lại trong bài không có cặp nào giống nhau. Đoạn 1 và đoạn 4 giống khau về luật niêm, chẳng khác gì đoạn đầu và đoạn cuối của một ca khúc, có thể dụng ý nghệ thuật của tác giả muốn diễn tả hoàn cảnh không thay đổi của mình mặc dù mùa xuân có đến rồi đi.

Xuân - Chế Lan Viên

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu (TBT)
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? (BTB)
Với tôi, tất cả như vô nghĩa (BTB)
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau! (TBT)

Ai đâu trở lại mùa thu trước (BTB)
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? (TBT)
Với của hoa tươi, muôn cánh rã, (TBT)
Về đây đem chắn nẻo xuân sang! (BTB)

Ai biết hồn tôi say mộng ảo (TBT)
Ý thu góp lại cản tình xuân? (BTB)
Có một người nghèo không biết tết (TBT)
Mang lì chiếc áo độ thu tàn! (BTB)

Có đứa trẻ thơ không biết khóc (TBT)
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran! (BTB)
Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ! (BTB)
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.(TBT)

 Đến bài Đây Thôn Vỹ Dạ, chỉ có câu đầu không theo luật bẳng trắc (BBB), các câu còn lại vẫn giữ luật bằng trắc, nhưng niêm đã thay đổi đến 4/5. Chỉ có 1 cặp câu giống nhau về luật bằng trắc (câu 10 và 11). Mỗi đoạn có một mẫu "niêm" khác nhau. Có thể đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả muốn nói dù cảnh vật không thay đổi nhưng tình người có lẻ đã nhạt phai.

Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

Sao anh không về chơi thôn Vĩ? (BBB)
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, (TBT)
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc (BTB)
Lá trúc che ngang mặt chữ điền (TBT)

Gió theo lối gió, mây đường mây (BTB)
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...(TBT)
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, (BTB)
Có chở trăng về kịp tối nay? (TBT)

Mơ khách đường xa, khách đường xa, (TBT)
Áo em trắng quá nhìn không ra... (BTB) (10)
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh (BTB) (11)
Ai biết tình ai có đậm đà? (TBT)

Tóm lại, nếu có lúc nào đó ta hứng chí muốn viết một bài thơ 7 chữ để đọc vào tiệc rượu nào đó thì hãy nhớ kiểm tra xem các từ 2, 4 và 6 trong câu đã đúng luật bằng trắc hay chưa. Đừng xuê xoa luật này vỉ ngay cả Vũ Hoàng Chương cũng còn phải tuân thủ.


READ MORE - Tôi học làm thơ: LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ 7 CHỮ - Nguyễn Khắc Phước

GỌI BẠN Ở NGHĨA TRANG LIỆT SỸ - thơ Từ Ngọc Lang



Bạn ơi! Tôi gọi: Bạn ơi!
Chỉ nghe tiếng gió nghẹn lời khói nhang
Bóng người trùng điệp binh đoàn
Thân này ngã xuống máu chan sắc cờ
Ngàn lời hát, vạn lời ru
Bạn nằm lắng tiếng ầu ơ mẹ hiền

Nghiêng mình trước cõi hồn thiêng
Lao xao đồng đội đang tìm về nhau
Bàn tay có nắm được đâu!
Chỉ còn nước mắt thấm sâu cỏ dày…
Chỉ còn hương khói bay bay
Mắt rưng rưng lệ chiều nay thấm buồn

Bạn tôi, ngực chẳng Huân chương
Chỉ tờ “Báo tử” xót thương mực nhòa
Nỗi đau ập xuống mẹ cha
Ngôi sao năm cánh chợt xa cuối trời
Tôi khóc, mà bạn lại cười
Người âm vẫn trẻ như hồi tòng quân

Đưa tay nắm, bạn tần ngần
Khói hương như thể nói thầm với nhau…

14-7-2013
TỪ NGỌC LANG, nhà báo.

72 phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
READ MORE - GỌI BẠN Ở NGHĨA TRANG LIỆT SỸ - thơ Từ Ngọc Lang

HAI NGƯỜI LÍNH - thơ Hoàng Đình Chiến

Cựu binh Nguyễn Quang Hùng cầm tấm ảnh chụp ông và bác sĩ Axelrad cách đây 40 năm (Nguồn: AFP)


Bốn mươi bảy năm sau
Hai người lính gặp nhau, phau phau tóc bạc
Trao nhau một chứng minh* 
Một cánh tay để lại chiến trường.

Rời súng bom về với đời thường
Hai người lính, từ hai chiến tuyến
Ống xương tay còn nguyên vết đạn
Lưu giữ nửa vòng đại dương.

Bốn mươi bảy năm sau
Những vết thương còn nhói mình
Mỗi lần thay áo
Tay áo thừa vắt vẻo bạc, nhầu.

Bốn mươi bảy năm sau
Một hành trình dài thương đau
Ống xương chẳng thể thành cánh tay
Nhưng hai người kết nên bè bạn.

Tháng 7-2013
HOÀNG ĐÌNH CHIẾN
hoangdinhchien48@yahoo.com


*Cựu binh Nguyễn Quang Hùng nhận lại ống xương tay của mình từ bác sỹ quân y Mỹ, Sam Alelrad, phẫu thuật và lưu giữ từ năm 1966 tại An Khê (Gia Lai)
READ MORE - HAI NGƯỜI LÍNH - thơ Hoàng Đình Chiến

ĐỌC “NẮNG”, THƠ NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI - Châu Thạch

            
Nguyễn Thị Tuyết Mai

                     
NẮNG
Thơ Nguyễn Thị Tuyết Mai 
 
Nắng rớt xuống thềm nắng lại lên 
Nắng quanh quẩn mãi ở bên rèm  
Rồi kia nắng lại vờn qua tóc 
Nắng đến hôn lên má của em.  
  
Nắng biết bây giờ em vẫn vui 
Hôm qua sao nắng bước êm đềm   
Em sợ nắng buồn nên dậy thức
Nắng đứng cùng em mỏi chân mềm.
 
Mãi ngắm nhìn hoa say tắm nắng
Em quên không  đội nắng trên đầu
Khi biết nắng không còn nơi đó
Em đã ngồi yên ngắm nắng sầu.
 
Nắng có hờn ghen với gió trăng
Gió khe khẽ gọi ánh trăng mềm
Ướp tình em đẹp thơm như mộng
Để sớm mai này cho nắng xem.
 
Nắng của lòng em nắng của em
Em yêu nắng lắm nắng say mèm
Một mai nắng có về qua ngõ
Nhớ gửi cho em hạt nắng kèm.
                                                  

Lời Bình:  Châu Thạch

Đọc vế đầu của bài thơ người ta không nghĩ đó là nắng mà liên tưởng đến một chàng trai nào đó đang quanh quẩn bên người đẹp:

                 Nắng rớt xuống thềm nắng lại lên 
                 Nắng quanh quẩn mãi ở bên rèm  
                 Rồi kia nắng lại vờn qua tóc 
                 Nắng đến hôn lên má của em.   

Thật là hay khi câu thơ đã nhân cách hóa nắng thành người và làm cho nắng chứa đọng hình ảnh người đang yêu trong nắng. Cũng thật là hay khi câu thơ làm cho người đọc thấy cả chính mình của thời đang yêu trong đó, không chỉ lồng trong đó tình yêu rạo rực của chàng trai mà còn thể hiện sự âu yếm, nhu mì, dễ thương của cô gái qua bốn câu mở đầu thỏ thẻ.

Qua vế hai của bài thơ, nắng của Tuyết Mai đã chiếm cả hồn nàng. Nàng đã yêu nên hiểu lòng của nắng, và đợi chờ, và trò chuyện quên cả thời gian:                  

                   Nắng biết bây giờ em vẫn vui 
                   Hôm qua sao nắng bước êm đềm   
                   Em sợ nắng buồn nên dậy thức
                   Nắng đứng cùng em mỏi chân mềm.

Bốn câu thơ diễn tả những gì làm cho nhau của hai kẻ đang yêu, nó khiến cho ai đọc cũng thấy lại ngày tháng của mình, cũng thấy không gian và thời gian chìm đắm trong hạnh phúc. Bằng những cử chỉ đơn sơ của nắng và của người, tác giả đã đưa những giờ phút bên nhau đầy mật ngọt vào thơ, thơ không nói nhiều mà lại diễn tả biết bao nhiêu.

Vế ba của bài tác tác giả dùng ẩn dụ nắng để nói về những giây phút quên lửng có nhau:

                      Mãi ngắm nhìn hoa say tắm nắng
                      Em quên không  đội nắng trên đầu
                      Khi biết nắng không còn nơi đó
                      Em đã ngồi yên ngắm nắng sầu.
 
Đây là nhừng giờ phút yếu đuối tâm hồn  mà khó ai không vấp phải. Trong một phút mãi ngắm nhìn hoa tắm nắng hay đã nhìn cái hào nhoáng của chàng mà quên đi cái tình yêu đích thực chính là chàng, không phải nắng chiếu long lanh trên hoa cũng như không phải công danh, sự nghiệp hay tài hoa đã làm chàng nổi bật. Nắng cũng như chàng đòi hỏi cái tình yêu đích thực, cái tình yêu hòa nhập tự nhiên hai linh hồn không qua một chất keo dính thế tục nào.

Nàng “Mãi nhìn hoa say tắm nắng” có nghĩa là nàng vẫn nhìn nắng nhưng nắng ở đây không còn là nắng nguyên thủy mà là nắng đã ở trên hoa. Có thể nói Tuyết Mai có một suy tư về tình yêu sâu nhiệm và một nhân cách yêu đầy nhân phẩm. Nếu nàng ngắm hoa mà quên nắng thì thật là tầm thường, nhưng ở đây nàng chỉ ngắm “hoa say tắm nắng” nên lơ là để nắng trôi qua không ở trên đầu mà đã ân hận đến phải “ngồi yên ngắm nắng sầu”. Và “Nắng sầu” cũng quá quắt lắm thay. “Nắng sầu” có nghĩa là chàng buồn vì nàng lơ đãng một giây, có nghĩa là chàng đòi hỏi ở nàng cái vô cùng tuyệt đối, và cũng có nghĩa là chàng yêu nàng cũng vô cùng tuyệt đối.

Vế bốn của bài thơ là tâm trạng phập phồng của nàng sau một phút lỗi lầm không để nắng trên đầu hay không tôn vinh chàng như chính chúa của lòng mình:

                         Nắng có hờn ghen với gió trăng
                         Gió khe khẽ gọi ánh trăng mềm
                         Ướp tình em đẹp thơm như mộng
                         Để sớm mai này cho nắng xem.

Vì nàng biết cái tình yêu của chàng là tuyệt đối không qua gia vị thêm một thứ hương nào dầu đó là trăng hay là gió, cho nên nàng vẫn do dự ngại ngùng sợ nắng hờn ghen khi nàng dùng gió, dùng trăng để ướp thêm cho tình thơm như mộng. Nếu ai từng đọc bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính thì thấy cái ghen của nhà thơ đã đến mức thương thừa. Nguyễn Bính không cho người yêu của mình, ôm gối ngủ, hôn đóa hoa tượi ..v.v và v.v.., vì:  

                  “Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi! 
                  Thế nghĩa là yêu quá mất rồi! 
                  Và nghĩa là cô là tất cả... 
                  Cô là tất cả của riêng tôi!”
                                       (Ghen, thơ Nguyễn Bính)
                                       
Sự tưởng tượng của Tuyết Mai còn đi xa hơn Nguyễn Bình, vì Nguyễn Bính chỉ ghen với vật vô tri như gối như hoa sợ chiếm đoạt nàng, nhưng Tuyết Mai lại sợ chàng ghen với cái vô tri như gió như trăng, thứ dùng tô điểm cho tình thêm đẹp để trao cho chàng trong buổi sớm mai.

Và vế chót của bài thơ là sự thổ lộ vỡ òa của một thứ tình yêu trầm như ngọn núi, mạnh tợ sóng thần và chiếm đoạt của nhau trong từng góc nhỏ của con tim:

                    Nắng của lòng em nắng của em
                    Em yêu nắng lắm nắng say mèm
                    Một mai nắng có về qua ngõ
                    Nhớ gửi cho em hạt nắng kèm.

“Nắng của lòng em” là chỉ chàng và tình yêu ở trong lòng. “Nắng của em” là chỉ chàng và tình yêu của riêng em. Câu nói vuốt ve đến mê ly, như một lời thề mà người nghe êm ái suốt cả một đời. “Em yêu nắng lắm nắng say mềm” không phải là nắng say mà nắng đã làm cho em say mềm. Nếu tác giả đánh thêm hai dấu than sau hai câu thơ nầy thì cung bậc của nó lên cao vút đến tận trời xanh.

“Một mai nắng sớm về qua ngõ”: Nắng đã quanh quẩn bên nàng thì nắng dầu buồn cũng bỏ đi đâu được. Chữ “một mai” chỉ là sự âu lo thường tình của một kẻ đang yêu sợ có ngày xa cách.

“Nhớ gởi cho em hạt nắng kèm”: Nắng đã của lòng em và nắng đã của em thì xin chi hạt nắng nhỏ nhoi. Tuy thế, đây là hai câu thơ nhún nhường có khả năng ngược lại, tôn vinh được tình yêu của chính lòng mình với  nắng, có gió đem hương và có trăng làm nền thơ mộng.

Đọc thơ Tuyết Mai biết ngay không phải là  hư cấu, mà thổ lộ thật lòng mình bằng những ẩn dụ trong thơ, vì thế lời thơ nhẹ nhàng như nắng, thanh bai như trăng mà ta thường thức được như mùi hương bay trong gió./.

                                Châu Thạch
                                truongvantran@hotmail.com


READ MORE - ĐỌC “NẮNG”, THƠ NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI - Châu Thạch